Hôm nay,  

Cu Đất - Jonathan

25/01/201300:00:00(Xem: 240092)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài gần đây nhất của Tịnh Tâm là “Cu Đất”, kể chuyện đi dự đám cưới cô bạn tên Nhã, tình cờ nhận ra chú rể tên Jonathan chính là đứa em nuôi ngày xưa tên Cu Đất, biệt tích từ nhiều năm, sau một chuyến vượt biển. Sau đây là hồi hai câu chuyện.

Má tôi vừa nhấp ngụm trà, vừa gật gù ra bộ hài lòng:

- Đúng như lời thề của nó!

- Nó nào? Lời thề gì? Con không hiểu.

- Bay nhớ hồi đó thằng cu Đất thề là lớn lên nó sẽ lấy con Nhã không? Chính bay kể má nghe mà. Má nhớ lúc bay kể, nhằm trúng bữa giỗ, nhà mình chật người, ai nấy cười rần rần, còn thằng Đất thì mặt ngơ ngơ ngác ngác làm người ta càng cười dữ. Nhớ chưa?

Ba tôi vỗ hai bàn tay vào nhau kêu cái “bốp”:

- Bà nhắc tui nhớ rồi. Thằng cu Đất nhà mình đòi lớn lên lấy con Nhã. Hà… hà … Nhớ rồi… Nhớ rồi… Quả là duyên nợ. Tiếc quá! Phải chi bữa đó không bị cúm, tui cũng đi dự đám cưới. Hổng biết bây giờ nó ra sao hả bà?

- Đương nhiên là nó khác hẳn. Tui cố lắm cũng không nhìn ra thằng cu Đất nhà mình. Thêm nữa, nó ngồi xe lăn.

- Tại sao nó ngồi xe lăn hả bà?

- Ai mà biết. Đợi tụi nó về hỏi.

- Chừng nào tụi nó về hả bà?

- Hổng biết. Ông hỏi con Tâm coi. Tui đang nóng ruột đây.

Ba:

- Mắc mớ gì phải nóng ruột. Cái gì tới ắt sẽ tới.

Tôi đang cố gắng lục lọi bới tìm những kỷ niệm trong cái hang quá khứ sâu hun hút tận phía bên kia trái đất. Hồi lâu, tôi sung sướng reo lên:

- A ! Con cũng nhớ rồi!

Những thước phim đã xưa lắc mà sao vẫn tươi nguyên như mới, quay chầm chậm. Mùi vị của tuổi thơ phảng phất đâu đây. Bữa đó Đất đi học về, hình như nó đang học mẫu giáo thì phải, bị đám trẻ hư hỏng rượt, cũng vừa lúc tôi và Nhã tan trường. Từ xa chúng tôi thấy Đất đang chạy té khói, rớt cả dép cả cặp nhưng cũng không thoát được. Chúng tôi lao tới cứu cu Đất. Thiệt ra, tôi chỉ chạy lòng vòng bên ngoài và hò hét la ó ầm ĩ lên. Còn Nhã xông vô, vật lộn với tụi kia. Về nhà, Nhã lôi Đất xuống sông, tắm rửa cho Đất, rồi còn tới thím Ba mua cho Đất dĩa bánh khọt mới lấy ra khỏi khuôn, nóng hổi, béo ngậy, thơm lừng mùi nước cốt dừa. Trong khi Đất ăn, Nhã ngồi bên, phủi bụi và vuốt cho thẳng mấy cuốn tập nhăn nhúm cong queo mép của Đất. “Tại sao tụi nó đánh em?” “Dạ em hổng biết.” “Chắc tại em hiền quá. Người hiền hay bị người dữ ăn hiếp.”

Nhà tôi và nhà Nhã cách nhau con mương nhỏ, nối nhau bởi khúc gòn bắt ngang. Nhã là con một, Nhã rất thích có em nên hễ rảnh là nó phóng qua nhà tôi để được bồng em. Cu Đất được chị Nhã cưng nhất. Lúc bấy giờ cu Đất còn ốm yếu èo uột, đứng tới vai Nhã là cùng, trong khi Nhã đã cao lớn, xinh xắn và khỏe mạnh, bộ tịch ra dáng bà chị đảm đang tháo vát.

Một lần, sau khi Nhã cắt móng tay móng chân cho cu Đất, Đất bỗng chớp chớp mắt: “Lớn lên em lấy chị Nhã. Em thề rồi.” Nhã tỉnh khô: “Vậy sao? Nghe thương dữ hôn. Còn bày đặt thề thốt nữa chứ. Cưng thương chị thiệt hôn? “Thiệt mà, thương chị mới lấy chị làm vợ chớ bộ.” Tôi đứng gần đó, cười lăn cười bò trong khi Nhã dịu dàng hun má cu Đất, “Ừ, chị chịu liền, cưng hiền queo như đất, làm vợ cưng là ngon nhất.” Cu Đất vỗ tay: “Rồi nhen, chị hứa rồi nhen, sau nầy chị phải làm vợ em à nhen.” Nhã cười, vừa cõng cu Đất chạy lòng vòng, vừa nói: “Ừa, chị hứa. Chị sẽ đút cơm cho cưng nè, tắm rửa cho cưng nè, cõng cưng đi chơi nè, dẫn cưng đi ỉa nè, chơi bắn bi với cưng nè. Chịu hôn?”

Trong ý nghĩ của chúng tôi, đó là những trò chơi trẻ con, kiểu như tôi vẫn đóng vai cô giáo, Nhã đóng vai bà mẹ, bầy con nít trong xóm là học trò, là con cái của chúng tôi. Có lần chúng tôi còn bắt Cu Đất giả làm tì nữ khi hai đứa tôi giả làm hai cô công chúa. Chúng tôi diện cho tì nữ Đất hai cục tóc nhỏ xíu tròn tròn hai bên thái dương, lấy áo bà ba của má mặc cho Đất rồi lấy dây chuối khô cột chỗ thắt lưng để giống áo dài. Chưa hết, chúng tôi còn lén lấy cây son của má tô môi, tô hai má cho cu Đất, xong đâu đó biểu Đất bưng cái rổ theo hầu chúng tôi. Vậy mà Đất vẫn ngoan ngoãn nghe lời. Lẽo đẽo đi sau chúng tôi suốt buổi chiều cho tới khi thấy bóng má xuống xe lôi trước lộ mới ngưng. Giờ nhớ lại, tôi thấy thương thằng nhỏ hết biết.

Lớn thêm chút, Nhã và tôi hay sai Cu Đất chuyện nọ chuyện kia, nào leo hái bình bát, trèo chặt dừa, nào chạy tới quán dì Chín Hồng mua cà na ngâm, cóc ngâm. Cu Đất loắt choắt nhưng rất giỏi giang, nhanh nhẹn; đặc biệt em có vẻ hí hửng khi được sai bảo.

Thiệt tình! Chuyện không ai có thể ngờ được! Ừ, trên đời nầy chuyện gì cũng có thể xảy ra mà!

Chợt má tôi ho sù sụ vì bị sặc nước do cười:

-Còn chuyện nầy nữa. Má nhớ cái lần con Nhã tập xe đạp trên đường lộ… Mèng ơi… Nữa má kể chuyện nầy chắc con Nhã mắc cỡ dữ à nghen. Con Nhã mới tập xe nên ngồi bẹp trên cái sườn xe đầm, hai chân nhích nhích cái bi-đanh… Mèng ơi…. Cái quần của nó thì rách đáy… Mèng ơi… Vậy mà nó cứ chạy xe qua lại chỗ má đang ngồi bắt chí cho thằng cu Đất, ngay gốc cây gòn. Má tính kêu con nhỏ về nhà thay quần. Bỗng thằng Đất quay lại nói: “Má ơi, lớn lên con lấy chị Nhã.” Má hỏi: “Ủa, sao tự nhiên con nói vậy?” “Tại con vừa thấy cái đó của chỉ rồi.” “Ủa! Thấy cái đó thì mắc gì phải lấy? “Dạ con hổng biết. Tự nhiên con nghĩ vậy.” Mèng ơi, thằng nhỏ ngộ đời chưa!

Ngày cu Đất về nhà tôi là một ngày rất đặc biệt. Sáng đó ba má tôi kêu xe lôi ra Cái Tắc để đón xe đò lên Sài Gòn. Chừng xế trưa hôm sau, xe lôi dừng trước nhà. Hai chị em tôi chạy ra. Ba tôi bồng cu Đất xuống xe, (lúc đó nó chưa có tên cu Đất, mọi người kêu nó là thằng nhỏ) má tôi xách cái túi bự theo sau. Chú Bảy xe lôi giỡn: “Từ nay con Tâm với con Hòa coi như bị ra rìa. Ba má bay có con trai rồi nghen.”

Cu Đất được bốn tuổi. Nó ốm nheo. Đôi mắt hiền lành và mênh mông buồn. Chính ánh mắt đó đã làm xiêu lòng ba má tôi và ba má tôi đã quyết định chọn em thay vì đứa trẻ khỏe mạnh lành lặn khác. Má còn nói, không hiểu sao vừa nhìn thấy Đất, má thương liền, chắc kiếp trước nó là con của má. Mấy “xơ” kể, có người lượm được cu Đất, mới chừng đầy tháng, ở trong chợ, đem gởi vô cô nhi viện. Tưởng không thể cứu được cu Đất vì nó hầu như kiệt sức vì khóc, bởi đói, lạnh, đau đớn, và sợ hãi. Người nó bị kiến bu đầy, hai ngón tay bị lở loét bầm máu đen, có lẽ do bị chuột cắn. Nhưng rồi nó đã vượt qua tất cả, nó đã sống và đặc biệt nó là đứa trẻ ngoan nhất hiền nhất, đáng yêu nhất.

Ba má tôi đối xử với cu Đất như với chúng tôi. Thậm chí, hai chị em gái tôi luôn được nhắc nhở là phải nhường nhịn, yêu thương em Đất.

Nhớ lại những năm tháng ba tôi bị tù, Đất mới hơn mười tuổi nhưng đã tỏ ra mạnh mẽ, xốc vát. Đất đỡ đần nhiều việc trong gia đình mà trước đó là phần của ba. Chẳng hạn trèo lên mái nhà sửa máng xối; chẳng hạn lội xuống con sông trước nhà đẩy trôi bớt những đám lục bình đang làm nghẽn dòng chảy; hoặc bắt mấy con rắn nước bị dính lưới rồi te te chạy vô chợ bán; hoặc tối tối Đất đi cắm câu, soi ếch kiếm thức ăn cho cả nhà. Và còn bao nhiêu chuyện mà đàn bà con gái khó có thể làm được. Vậy mà cu Đất vẫn luôn học giỏi nhất lớp. Má tôi luôn nói Đất là cái phước của nhà.

Có lần giữa khuya, má bị trúng độc, ói mửa tùm lum, hôi nồng nặc; tôi đang luýnh quýnh thì Đất rất bình tĩnh, phân công chị Tâm cạo gió cho má, chị Hòa lấy nước cho má, còn Đất chọn phần khó khăn nhất là dọn dẹp.

Rồi những năm tám mươi, nhà nào cũng rầm rì chuyện vượt biên. Nay nghe đồn người nầy ở Mỹ gửi thư về. Mai nghe loáng thoáng người kia tới được Mã Lai… Mốt nghe cả nhà thím Năm đi lọt hết trơn hết trọi. Rồi, chiều nào dì Tám tạp hóa trong chợ cũng ra nhà tôi; sau khi đuổi hết trẻ nhỏ ra ngoài sân chơi, hai người rù rì rủ rỉ hồi lâu. Con trai dì làm tài công, dì đang kiếm những người thiệt tin cậy, thiệt đàng hoàng cùng hùn tiền để đóng tàu vượt biên. Và má tôi, sau một chuyến đi thăm nuôi ba tôi, quyết định cho Đất cùng đi với gia đình dì Tám.

Nhớ Đất, tôi lại nhớ chuyện đôi dép Lào. Lần đầu tiên đi học xa, má mua cho tôi đôi dép Lào màu xanh, đó là món quà rất giá trị lúc bấy giờ. Tôi mang đôi dép Lào đi xách nước, bị trợt té, quai bị đứt. Cuối tuần về nhà, tôi nhờ má mua cho cặp quai mới để lên thay. Ai ngờ, khi trở lại nhà trọ, được biết đôi dép đứt quai của tôi đã bị các bạn trong phòng lấy làm củi nấu khoai mì! Cuối tuần về nhà, cầm theo cặp quai dép đã trở thành vô dụng, tôi vừa kể chuyện vừa tủi thân khóc sụt sịt. Má tôi rầy, sao không đem giấu kỹ chỗ nào đó, ai biểu ném lăn lóc, tụi nó tưởng đồ bỏ. Bầy em thì cứ vô tư toét miệng cười. Riêng Đất, đến ngồi bên tôi, thì thầm: “Chị Hai đừng buồn. Để tối mai em xin má theo thằng Tài vô Láng Hầm thả câu. Ruộng trỏng nhóc cá lóc bự bự. Em sẽ xin má mua cho chị đôi khác, nhen.” Đúng như Đất hứa. Hôm sau, Đất mua đôi dép mới cho tôi.

Đó cũng là kỷ niệm cuối cùng, bởi ngay sau đó, em lên tàu vượt biên rồi biệt tăm biệt tích.

Ngày ba tôi từ trại tù về, biết chuyện, (má tôi giấu kỹ chuyện Đất mất tích) ông đau buồn đến thẫn thờ cả thời gian dài.
Khi có chương trình HO, gia đình tôi được đi Mỹ, má tôi cứ chép miệng thở dài: “Hay vầy hồi đó đừng cho thằng cu Đất vượt biên.” Ba tôi chỉ im lặng. Ba vốn ít nói, lại càng không nói những việc đã rồi, chẳng ích lợi gì.

Giờ đây cả nhà chúng tôi đang trông đợi Nhã và Đất về. Nhã vẫn thường xuyên gửi hình qua email những nơi họ thăm viếng. Nào tháp Eiffel, đại Lộ Champs Elysee; nào nhà thờ Notre Dame De Paris, công viên Luxembourg… Những tấm hình rực rỡ sắc màu, và càng rực rỡ hơn bởi những nụ cười hết cỡ, tươi roi rói và khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc của vợ chồng Nhã. Thậm chí những nếp nhăn ở đuôi mắt Nhã như cũng nhoẻn cười. Dưới những tấm hình đó, Nhã đều ghi: “Đẹp lung linh luôn! Đẹp lung linh luôn!”

Chà, khi yêu, người ta luôn thấy mọi thứ đều “đẹp lung linh” ta ơi!

Ngày họ về, tôi lái xe đi rước. Sáng hôm đó nắng óng ả vàng và mây óng ả trắng. Trong lúc chờ đợi, giữa đám đông đón đưa, mắt tôi bỗng cay cay, chạnh nhớ ngày nao gia đình mình từ Việt Nam sang đây, cũng xuống phi trường nầy. Từ đó đến nay đã bao nhiêu nắng mưa, đã bao nhiêu sự việc xảy ra…

Con đường từ LA về Buena Park gần xịt bởi Nhã và tôi cứ tía lia chuyện trò. Trong Veo chăm chú lắng nghe, miệng luôn mỉm cười, thỉnh thoảng vui vẻ góp vài câu rất thông minh và thú vị bằng giọng tiếng Việt hơi lơ lớ.

(Bây giờ thì tôi tự nhắc mình phải kêu em Đất, thay vì cu Đất, bởi nó đã lớn rồi, kêu như cũ nghe kỳ kỳ.)

Ngày hôm sau, Nhã tới nhà tôi, kể cho ba má tôi và tôi câu chuyện về Trong Veo:

Jonathan hoàn toàn không biết mình là ai khi được cứu và đưa vào trại tị nạn ở Mã lai. (Nhã hay gọi Jonathan bằng cái tên Trong Veo.) Người ta lượm được Jonathan ở bờ biển. Thằng bé bất tỉnh, đôi chân bị giập nát có lẽ do cá mập cắn. Sau thời gian dài điều trị, thằng bé hồi phục. Người ta cho đó là phép lạ. Hai chân của Jonathan không còn nữa, nó phải ngồi xe lăn. Người ta hỏi gì nó cũng lắc đầu không biết. Nó đã quên sạch mọi thứ, ngay cả cái tên của nó. Người ta tin nó là thuyền nhân người Việt vì nó nói tiếng Việt, vì trước đó vài ngày có cơn bão lớn, nghe đâu các thuyền bè vượt biên bị đánh tan tành.

Ở trại tị nạn, nó được học Tiếng Anh và Toán. Nó học giỏi lạ lùng. Giỏi đến độ các thầy cô giáo đều kinh ngạc! Thêm vào đó, nó lại rất ngoan hiền, lễ độ và chăm chỉ. Ai cũng yêu mến nó.

Rồi nó được một gia đình Tin Lành ở Mỹ nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi của nó không có con. Họ yêu thương nó hết mực. Nó được cha mẹ nuôi đặt cho cái tên mới là Jonathan. Jonathan là hạnh phúc, là niềm vui, và niềm tự hào của ông bà. Tuy khuyết tật nhưng Jonathan rất nhanh nhẹn. Nó tự lái xe đi học, đi làm. Dù quên quá khứ, nhưng Jonathan vẫn nhớ mình là người Việt Nam. Sợ quên tiếng mẹ đẻ, nó tự ôn lại Tiếng Việt, thường xuyên đọc sách báo Tiếng Việt, nghe đài Tiếng Việt. Jonathan còn tham gia hoạt động trong một số hội thiện nguyện để giúp đỡ những trẻ em mồ côi khuyết tật ở Việt Nam và vài quốc gia bên Châu Phi. Jonathan vẫn hằng cầu nguyện và tin tưởng một ngày nào đó trí nhớ mình sẽ phục hồi, và sẽ tìm lại được gia đình.

Mới đây, một chi nhánh của hãng Jonathan ở California cần người, Jonathan xin mẹ nuôi chuyển về đây, nơi có nhiều người Việt sinh sống, với niềm tin- dù rất mơ hồ và mong manh trong cõi đất trời mênh mông nầy- sẽ tìm được gia đình. Cha nuôi của Jonathan đã qua đời cách đây hai năm. Mẹ nuôi thì, nếu Jonathan muốn, bà sẵn sàng đi cùng.

Và tiếp theo đó là cuộc gặp gỡ với Nhã trong nhà thờ.

Nhã kể rằng, Nhã đã gợi lại những kỷ niệm, những tên người có liên quan đến Đất, nhưng Jonathan hoàn toàn không biết.

Nãy giờ má tôi im lặng nghe Nhã kể chuyện Jonathan, hoặc Trong Veo, và có thể là em Đất, giờ bà mới lên tiếng, giọng trầm xuống và chậm rãi một cách khác thường:

-Ba sắp nhỏ thấy mọi việc y như có sự sắp đặt không? Theo tui, chắc chắn nó là thằng Đất nhà mình. Bằng chứng là hai ngón tay bị cụt và cái thẹo lồi sau ót. Mèng ơi, ước gì ngay bây giờ tui được ôm nó vào lòng như hồi xưa. Ông nhớ hồi mới về nhà, nó cứ đeo riết tui. Hễ tui đi đâu nó lại đeo riết ông. Tui còn nhớ chân tay nó khẳng khiu, da xanh dờn. Thấy thương hết biết.

Ba tôi tằng hắng, gục gặc đầu:

-Ừ, tui cũng tin nó là thằng Đất. Ừ… như có sự sắp đặt. Tui nhớ khi được chín tuối, nó bắt đầu nhổ giò, lớn dữ. Tui còn nhớ rõ trưa nào nó cũng ôm cây chuối, chân đạp lủm chủm tập bơi dưới sông.

Má tôi:

- Lạ thiệt, hổng biết cha mẹ đẻ của thằng nhỏ ra sao mà đẻ ra nó hiền lành, hiếu thuận quá chừng. Thiệt không hiểu nổi.

Tôi nói câu nói đã thuộc lòng:

- Trên đời nầy chuyện gì cũng có thể xảy ra má à.

Nhã:

- Cho đến bây giờ con cũng không hiểu gì hết. Nhưng có điều nầy là chắc chắn: Trong Veo là món quà Chúa đã ban cho con. Anh ấy rất tốt. Anh ấy như một thiên thần.

Tôi tủm tỉm:

- Và đẹp lung linh luôn.

Ba tôi cười sảng khoái:

- Chúc mừng con. Vậy là tốt rồi. Bác nghĩ Jonathan cần có thời gian và sự chữa trị. Bằng cách nào đó thì bác chưa biết nhưng bác tin nó sẽ nhớ lại quá khứ của mình.

Má tôi:

- Tui tin phép lạ sẽ xảy ra. Chắc chắn nó là thằng con của tui.

Tôi nhìn Nhã, hóm hỉnh:

- Nhã nè, nếu đúng là Đất, hổng biết mầy còn nhớ hồi nhỏ, em Đất bấy giờ mới sáu, bảy tuổi, đòi lớn lên lấy chị Nhã làm vợ. Nhớ không cô em chồng của tui?

Nhã đấm vai tôi:

- Dạ thưa “bà chị chồng có thể”, em nhớ rồi. Nhớ nhiều chuyện lắm trong thời gian tụi em hưởng tuần trăng mật.

Má tôi chợt ngã người ra ghế cười, cười chảy nước mắt luôn:

- Có một chuyện bác kể chắc con Nhã mắc cỡ dữ…

Tôi cũng bật cười theo:

- Bảo đảm chuyện nầy hay nhất trong mọi chuyện về mầy và Đất, Nhã ơi.

Nhã ngơ ngác:

- Vậy sao? Mà chuyện gì vậy bác?

Má tôi:

- Hồi con Nhã tập xe đạp…

Tôi vội ngắt lời má bởi thấy ba bên cạnh. Để má kể kỳ chết! Tôi nháy mắt ra dấu cho má:

- Má ơi, để dành lần khác. Mình kể hết mai mốt lấy đâu ra chuyện kể cho Nhã. Con bảo đảm với má là Nhã còn theo hỏi mình dài dài về em Đất.

Quay sang Nhã, tôi nói:

- Phải không em? Nè em, từ nay mỗi cuối tuần nấu một món ngon, mời ba má chồng với chị chồng tới ăn, rồi em và Trong Veo sẽ được nghe chín trăm chín mươi chín chuyện của Đất.

- Vậy sao? Sẵn sàng thôi. Nhưng chị chồng nhớ là nếu bị mập thêm đừng đổ thừa tại em nấu món ngon. OK?

Ba tôi gật đầu:

- Ừ! Bay bàn nghe có lý đó. Một cách rất tốt để phục hồi trí nhớ cho Đất. Nhưng Nhã khỏi nấu nướng gì nghen con. Chuyện đó để hai bác lo. Cấp nầy hai bác hưỡn lắm. Ở không riết cũng buồn.

Má tôi vui vẻ:

- Ừa, nghe có lý đó. Tui sẽ nấu những món ăn quen thuộc hồi xưa, những món thằng Đất thích. Tui nhớ thằng nhỏ ưa món canh chua cá lóc nè, tôm rang mặn nè, thịt vịt khìa nè, bánh khọt nè, chè chuối nè.

Nhã:

- Dạ con tính vầy. Để thong thả con sẽ hỏi mẹ nuôi của chồng con về thông tin của ảnh khi ảnh ở trại tị nạn.

Ba tôi vốn thận trọng:

- Ừ, đúng đó. Mình sẽ đối chiếu với ngày thằng Đất vượt biên.

Còn đây là suy nghĩ tôi giữ riêng cho mình:

Jonathan có phải là Đất hay không; điều đó không quan trọng.

Quan trọng là những kỷ niệm đẹp về Đất luôn làm ấm lòng những người thương yêu em.

Và quan trọng hơn nữa là Trong Veo của Nhã mỗi ngày một đẹp lung linh thêm, Trong Veo của Nhã vẫn tự nguyện vui vẻ gãi lưng cho vợ đến cuối đời.

Tịnh Tâm

Ý kiến bạn đọc
10/02/201304:30:17
Khách
Quan trọng là những kỷ niệm đẹp về Đất luôn làm ấm lòng những người thương yêu em. Tôi thích ý nghĩ nầy.
Cám ơn Tác giả. vâng, đó mới là điều quan trọng nhất của một đời người. Sống như thế nào để những người thương yêu mình được ấm lòng.
25/01/201316:21:03
Khách
Tôi tin và đã từng chứng kiến những cuộc gặp gở bất ngờ như vậy!
25/01/201307:23:33
Khách
Hay quá!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,292,032
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến