Hôm nay,  

Chuyện Trên Chuyến Cruise

04/12/201200:00:00(Xem: 365262)
Trước 1975, tác giả là một nhà thơ quân đội, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông đã tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên và hai lần nhân giải, 2001 và 2012.
vb3_pham_hong_an_cruise
Tác giả và con tầu Carnival Inspiration. Sau đây là bài viết mới của ông.
Tôi đọc lá thư cháu Thuyến với nỗi lo và dè dặt của một người sống nước ngoài có thân nhân còn kẹt lại Việt Nam.

Chú Sáu,
...Con đã quen biết với một cô bé dễ thương có cùng chung hoàn cảnh bất hạnh như con. Chỉ có điều khác nhau, ba con là chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chết trận trong chiến trường Quảng Ngãi trước năm 1975, còn ba cô bé thì vùi thây trên đường mòn Hồ Chí Minh trong lần đầu tiên xâm nhập từ bắc vô nam, cũng trước năm 1975. Cả hai người cha đều nằm xuống, giờ đây: chỉ còn lại hai nắm xương tàn. Chú ơi, hai chiến tuyến khác nhau... để lại mối hận thù khác nhau...lan rộng cho tới bây giờ. Thế hệ non trẻ của chúng con, sống trong tình yêu thương của đồng bào và đồng loại, không lẻ ngoảnh mặt làm ngơ hay đằng đằng sát khí với nhau trong nỗi dị biệt mà chúng con chưa hề cảm nhận, chưa một lần nhúng tay vào. Bắt chúng con gánh chịu những gánh nặng do cha ông xung khắc tạo ra...là điều vô lý, là oan khiên nối tiếp từ thế hệ này và mãi mãi đến các thế hệ sau. Tội nghiệp cho chúng con. Tội nghiệp cho tình yêu trong sạch của con người. Xin chú cho ý kiến và dẫn dắt chúng con thoát khỏi nghịch cảnh này.

Thưa Chú,
Từ nhỏ, khi mồ côi ba, con đã coi chú như ba ruột, mặc dù hai chú cháu mình chưa sống chung với nhau trọn một tuần. Hôm nay, con mạo muội kể cho chú nghe câu chuyện này và xin phép chú cho cháu tiến tới hôn nhân với cô bé bất hạnh nói trên. Hiện tại, nàng đi lao động nươc ngoài. Sau hợp đồng hai năm, nàng trở về nước, lúc đó chúng con sẽ làm đám cưới với nhau. Cô bé tên Thúy Vị - đang phục vụ trên chiếc tàu du lịch Carnival Inspiration nơi miền tây nam nước Mỹ. Trên đó, nàng đưọc chọn làm dancer, biểu diễn các show giải trí hàng đêm cho khách du lịch thưởng ngoạn, nên nàng đổi tên là Windy để hợp với phong cách ngoại quốc. Tàu thường đậu ở bến cảng Long Beach đón khách. Nó thuộc tiểu bang California, nơi gia đình chú đang sinh sống bây giờ. Những lúc tàu nghỉ bến, Windy muốn lên bờ tìm chú, theo địa chỉ chú biên ở phong thư. Nhưng luật xuất cảnh không cho phép những người lao động nước ngoài như Windy được tự do đi lại trên đất Mỹ. Vậy, sau khi nhận được thư này, chú thử làm một chuyến du lịch trên chiếc tàu Carnival Inspiration đi. Chú sẽ có cơ hội gặp Windy, và con tin chắc rằng, qua vài ngày gần gũi bên nhau, chú sẽ thấy nàng vô cùng dễ thương, rất xứng đáng là cháu dâu quí mến của chú...

Tôi bối rối trước vấn đề phức tạp do cháu Thuyến đưa ra. Nhưng dù sao cháu cũng đã lựa chọn và quyết định rồi, chỉ còn cách là du lịch để gặp Windy, xem cô bé có dễ thương thật sự như lời cháu Thuyến ca tụng không?

Chuyện du lịch là chuyện dễ, vì mùa này là mùa vacation, chỉ cần nói với "xếp" láp dáp vài điều, thế là xong. Chuyện "nói cho vợ nghe theo" mới là chuyện khó, bỗng dưng bỏ bạc ngàn ra để đi "coi mắt" một cô cháu dâu xuất thân từ chế độ bên kia, vốn hận thù nhau đã mấy đời? Đắn đo mãi, tôi mới đưa bức thư của cháu Thuyến cho bà vợ đọc, và sẵn sàng mở hai lỗ tai để nghe "nàng" vô "vọng cổ hơi dài". Nhưng...thật ngạc nhiên, lần này, một giọng nói nhẹ nhàng như làn nước mát, tưới êm dịu vào cõi lòng đang hực nóng của tôi.

- Em sẽ nhờ chồng con Trang lên online mua vé tàu. Chuyến này, một công hai việc. Mình phải đi ngay, chớ chần chừ gì nữa? Từ lâu, nghe thiên hạ khen nhau về cruise, em chưa hình dung nó như thế nào? Sẵn dịp, mình nếm mùi cho biết. Hơn nữa, con Windy đã tới đây làm việc và rất mong gặp anh, chẳng lẽ mình làm ngơ với con nhỏ?

Tôi châm một ngọn lửa để trắc nghiệm bà vợ.

- Nhưng cha nó và tôi khác nhau chiến tuyến. Có ai đi kết thân, "làm sui" với kẻ thù bao giờ?

- Con Windy và thằng Thuyến mới lớn lên sau này. Tụi nó biết chi "thù" với "hận" đâu mà anh tính? Với lại, may là thằng cha con Windy chết trước năm 1975, chứ bây giờ...còn sống, chắc hắn đã ray rức và hối hận vì ôm súng phục vụ cho một chế độ ảo tưởng.

Tôi đưa hai tay lên cao, vươn vai, khoan khoái.

- Tôi cũng muốn đi một chuyến cruise cho biết, xem họ hải hành thế nào với con tàu khổng lồ như vậy? Tôi cũng muốn nhìn lại biển khi ra khơi để nhớ thời ngang dọc của mình. Bà cũng gặp tôi ở cái thời ngang dọc đó, nhớ không?

Carnival Inspiration, từ trước, tôi chỉ nhìn thấy hình trên online hoặc trong các tạp chí du lịch. Hôm nay, chứng kiến tận mắt và đích thân chui vô lòng nó bằng những bước chân ngỡ ngàng và kỳ thú. Chiếc "hạm kiều" dài thoàng bắt từ phòng check-in trên bờ, đưa du khách lọt thẳng vào deck số 7 của thân tàu. Ông bạn đi chung với tôi bỗng dừng lại, bàng hoàng nhìn cảnh trí sang trọng và hiện đại xung quanh, rồi buông một câu hỏi ngớ ngẩn.

- Mình đã lên tàu chưa anh? Hay còn lòng vòng ở cái mall nào đó trên bờ?

- Trời đất! Tụi mình đang đứng ở tầng số 7, giữa thân tàu. Anh không thấy thang máy đi lên đi xuống đó sao?

- Đèn đốm đủ màu sắc, và không gian mênh mông quá, tui không biết đường nào mà mò?

Vợ tôi cảm thấy bơ vơ, vội bấu vai tôi.

- Đi theo thiên hạ tìm cabin của mình đi. Sau đó, sẽ tính...

Đứng trên tầng cao nhất của con tàu (Sun deck 14), nhìn biển mênh mông phía dưới, nghe gió lồng lộng bên tai, tôi bỗng thấy sợ hãi trước thiên nhiên diệu kỳ. Cảm giác này, ngày xưa, không bao giờ có. Trước 1975, khi đứng trên đài chỉ huy, hiên ngang nhìn chiến hạm ra khơi, lòng chợt cồn cào tiếng sóng Bạch Đằng xưa réo gọi, hồn thấy hừng hực lời Hưng Đạo Vương năm nào: "...chưa đánh tan giặc, thề không trở lại khúc sông này..." Tuổi già độc địa thật! Nó làm con người suy yếu, chùn bước, chí khí nam nhi ngày nào... chỉ còn là tiếng vọng.

Giọng khàn khàn của ông bạn đi chung, kéo tôi về hiện tại.

- Đây là sân chơi golf, ông lên đây làm gì?

- Lên đây đi bộ. Ông không thấy có mấy thằng Mỹ mặc quần đùi, cởi trần...chạy lòng vòng đó sao?

Ông bạn già kéo cao cổ áo ấm lên, rùng mình.

- Mùa này, vùng Escondido nóng, chảy mồ hôi hột. Vậy mà ở đây, ngoài khơi, gió thổi phần phật, lạnh tới ớn da gà. Còn can đảm đâu để cởi trần chạy tới chạy lui, cha nội?

Vợ ông bạn già xấn tới, đưa máy ảnh lên, bấm lia lịa.

- Tại vì ông hết xí quách rồi. Yếu xìu như...cọng bún.

Tôi ngồi bệt xuống bãi cỏ sân golf, lật tấm deck plan của con tàu ra nghiền ngẫm. Con tàu có tất cả 11 tầng. Nếu tính từ đáy trở lên thì tầng thấp nhất là deck 3, tầng kế là Riviera deck 4, lên cao nữa là Main deck 5, Upper deck 6, Empress deck 7, Atlantic deck 8, Promenade deck 9, Lido deck 10, Verandah deck 11, Sports deck 12 và Sun deck 14.

Vợ tôi nhào tới, giật phăng tấm deck plan trên tay tôi, chăm chú dí tròng kính lão vào đó.

- Tại sao có deck 3 mà không có deck 2 và 1? Tại sao từ deck 12 rồi nhảy ngang lên deck 14? Còn deck 13 đâu?

Tôi chợt nhớ đến chiến hạm ngày xưa tôi đã từng ăn ở trên đó. Những con tàu, dù lớn hay nhỏ, đều có chung những vị trí tương đồng.

- Deck 1 và deck 2 có lẽ là tầng chứa hàng hóa thực phẩm để dùng trong suốt cuộc hành trình. Và còn hầm máy nữa. Con tàu càng khổng lồ, máy tàu càng nhiều và lớn. Còn deck 13 không có? Tôi nghĩ, con số 13 là con số xui, người ta kiêng kỵ mà thôi.

- Đúng rồi, Apollo 13, gặp nạn. Và còn vài công trình mang số 13 nữa, không hên.

Hai ngày dài trôi qua trên tàu, tôi cứ lang thang từ đầu tàu đến cuối tàu, từ tầng 3 lên tầng 14, mỗi ngõ ngách nào cũng chui vào, gặp nhóm nhân viên nào cũng hỏi thăm...nhưng vẫn hoài công, cô bé Windy bằng thịt bằng xương vẫn như bóng chim tăm cá. Hàng ngày, tôi thường lui tới quày buffet phía sau đuôi tàu (deck 8) tìm Windy, vì nơi đó các nhân viên gốc Châu Á phục vụ rất đông. Tôi chận một cô bé tóc dài có khuôn mặt bầu bĩnh giống Việt Nam, hỏi thăm.

- Xin lỗi, cô có phải là người Việt không?

- Cháu là người Indonesia.

- Tôi đang tìm một cô cháu tên Windy, gốc Việt. Hiện là Dancer đang làm việc trên tàu này. Cháu có thể giúp tôi gặp cô ấy giây lát được chăng?

- Xin lỗi. Cháu không biết. Dancer không thuộc nhóm cháu. Nhóm cháu chuyên phục vụ về ăn uống cho khách du lịch, toàn là dân Indonesia. Chú có thể hỏi thăm những người thuộc nhóm Dancer.

- Nhưng nhóm Dancer ở đâu? Có thể chỉ cho chú?

Cô bé ngơ ngác lắc đầu. Cô bé chỉ biết nhóm cô bé phục vụ. Con tàu quá mênh mông, chẳng làm sao biết hết được. Tôi thất vọng, chờ đến bữa cơm tối. Bữa cơm tối sang trọng và lịch sự được tổ chức trong các Dining Room rộng lớn, chẳng khác nào các nhà hàng Mỹ trong những thành phố trên bờ. Thực khách đến đây phải ăn mặc chỉnh tề, quý phái, tuyệt đối không được mang dép và mặc quần ngắn vào nơi chốn thanh lịch này.

Bàn ăn dành cho chúng tôi đặt gần lối vào. Nơi này, tôi có thể quan sát thực khách và nhân viên phục vụ một cách dễ dàng. Trong lúc tôi đang dõi mắt tìm kiếm Windy giữa cái đám đông đầy sắc màu rực rỡ đó, thì bỗng có một lưỡi dao sáng loáng kề ngay cổ tôi. Giật mình, nhìn lên, tôi muốn tè ngay trong quần.

- Chết cha! Gặp hải tặc rồi.

Tên hải tặc cười rộ lên.

- Xin lỗi ông. Đây chỉ là dàn cảnh để chụp hình lưu niệm. Ông vui lòng ngồi yên vài giây.

Một tia sáng loé lên từ phía bên kia làm tâm trí tôi bình an trở lại. Thuận tiện, tôi kéo gã hải tặc lại gần.

- Này, cậu có biết nhóm Dancer ăn tối ở đâu không?

- Ồ. Họ ăn tối ở một nơi khác, chung với thủy thủ đoàn.

- Cậu có thể giúp tôi đến đó, tìm một cô cháu tên Windy?

Gã hải tặc lắc đầu lia lịa.

- Tôi không biết chỗ. Tôi chỉ là nhân viên nhiếp ảnh phục vụ khách hàng. Ông có thể đến trung tâm deck 7 tìm information team hỏi thăm.

Hôm sau, tôi mò đến information team hỏi thăm. Nhưng lại thất vọng nữa. Người ta chỉ phục vụ thông tin về những cuộc vui chơi, du ngoạn trên bờ, các buổi học, shopping, credit ...Không có mục tiêu nào để phục vụ cho việc tìm kiếm thân nhân.

Buồn quá, tôi leo lên Sun Deck (14) nhìn chiếc tàu hải hành giữa mênh mông sóng nước chập chùng. Hoàng hôn buông dần. Mặt trời lặn xuống biển gần phân nửa. Một màu vàng buồn bã tỏa rộng khắp chân trời. Catalina Island vẫn mù mịt phía trước. Hòn đảo này thuộc tiểu bang California của Hoa Kỳ, chỉ cách Los Angeles khoảng 22 dặm về phía tây-nam. Vậy mà tàu phải chạy suốt đêm mới đến được đây, có lẽ nhóm chủ trương chuyến cruise muốn kéo dài những ngày thú vị và vui chơi thoải mái trên mặt biển cho du khách tận hưởng.

Mãi miệt mài tìm kiếm bóng dáng Windy, tôi đã quên bẵng bà vợ yêu quí và đôi bạn già thân thiết nhất đời. Dù vô tình quên họ, họ vẫn lẽo đẽo theo sau như một cái đuôi.

- Đi theo anh mệt quá! Cứ mãi lo tìm kiếm con Windy, bao nhiêu thú vui ở đây đều bỏ hết? Hôm nay có buổi dạy xếp khăn rất ngoạn mục, có tên là "Towel folding fun" ở Paris Lounge room. Em muốn đến đó học. Anh có đưa em đi, được không?

Tôi giật tấm Fun Times trên tay bà vợ, chăm chú nhìn vào phần chương trình trong ngày. Tôi vui vẻ gật đầu, rồi quay sang ông bạn già trêu đùa.

- Đêm nay có lớp dạy nhảy khá lý thú. Ông có đi học nhảy không?

Ông bạn già chợt ngó bà vợ, nhấp nháy con mắt.

- Tôi chỉ có nước nhảy nọc, mà cũng không còn sức đâu nhảy nữa, yếu xìu rồi.

- Nhảy cũng là một cách thế exercise. Ông không thấy người ta tập thể dục nhịp điệu đó sao?

Tự dưng, bà vợ tôi nhảy tưng tưng một hơi, rồi la to.

- Đúng rồi! Hay quá, chúng ta chỉ còn cách này thôi!

- Người ta nói "già sinh tật", quả không sai!

- Cái gì "già sinh tật"? Tại sao ăn nói hàm hồ với em như vậy?

- Mới nghe nói đến "nhảy", em đã tưng tưng lên rồi. Hồi trẻ, mời muốn đứt hơi, vẫn không bao giờ ra sàn nhảy. Về già, sao lại dở chứng mau thế?

Bà vợ tôi bấu mạnh vai tôi, cười ré lên.

- Hiểu lầm rồi ông ơi! Tôi mừng vì đêm nay tàu có show time, chắc chắn sẽ có màn trình diễn của con Windy. Tan show, mình sẽ gặp nó, tha hồ chuyện trò với nó.

Ngày đó, tôi ăn không ngon, ngủ không được, cứ bức rức đi tới đi lui, mong chờ màn đêm sớm buông xuống. Chưa tới giờ hát, tôi đã kéo bà vợ vào hí viện, mò lên hàng ghế đầu, sát sân khấu, đặt đít ngồi trước. Show time quá tuyệt diệu! Các Dancer luân phiên nhau biểu diễn suốt một tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ. Cứ mỗi nhạc khúc, họ đều thay đổi trang phục mới. Cảnh trí cũng vậy: liên tục và chuyển động một cách ngoạn mục. Khoảng hai mươi vũ công tây phương xinh đẹp trên sân khấu. Chỉ có một vũ công gốc á đông, lùn hơn, tóc đen... đang uyển chuyển trong điệu nhạc với nụ cười tươi luôn nở trọn trên môi.

Lúc này, bà vợ ghé sát vào tai tôi, lép nhép.

- Hầy, ông có đoán được con nào là Windy không?

Tôi chưa kịp há miệng, bả đã chơi "vọng cổ hơi dài".

- Cái con lùn tịt, tóc đen đó. Chời ơi! Nó đẹp như tiên giáng thế. Thằng Thuyến có phước quá! Rước con này về nhà, hai đứa sẽ lên như diều gặp gió. Ông coi kìa! Nó có hai má lúm đồng tiền rõ rệt. Còn nụ cười, chẳng những cười duyên ở trên môi, nó còn cười tươi bằng đôi mắt sáng trưng như ánh sao nữa.

Nghe bà vợ "ca" có lý, tôi vội móc máy ảnh ra, định bấm vài bôi. Bỗng có ánh đèn pin lóe về phía tôi, rồi có cánh tay đưa lên, chận trước ống kính.

- Ông không được phép chụp hình và quay phim ở đây. Xin ông vui lòng...

Vừa tiu nghỉu cất máy cũng vừa lúc show diễn chấm dứt. Đoàn vũ công cúi chào khán giả và lui vào hậu trường. Tôi lính quính phóng theo. Một bàn tay to lớn nắm vai áo tôi kéo lại.

- Ông chạy đi đâu? Nhầm rồi. Exit đằng sau, phía tay phải. Xin ông vui lòng quay lui.

Tôi lắp bắp, phân trần.

- Tôi muốn gặp cô Windy. Cô ta là cháu tôi. Xin bà làm ơn giúp dùm.

Bà Security ngạc nhiên.

- Windy nào?

- Cái cô Dancer, người Á Đông, trong nhóm vũ công vừa trình diễn đó!

- Ồ, cô ta đã vào hậu trường, rời khỏi đây rồi. Xin lỗi, tôi không thể giúp ông được. Tôi chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trong khu vực này.

Hôm nay là ngày cuối của chuyến du lịch trên biển với Carnival Inspiration. Con tàu đang quay đầu trở về Long Beach trong không khí tưng bừng của ngày "a relaxing day at sea". Ngày cuối, thiên hạ ôm nhau nhảy nhót, ăn uống linh đình trên boong. Bà vợ tôi cũng dắt đôi bạn già đi dự bữa ăn Mể phía cuối con tàu. Chỉ có tôi, lang thang từ deck 3 tới deck 14 như một người điên, với tâm trạng thất vọng hoàn toàn. Windy vẫn như bóng chim tăm cá.

Màu sắc rực rỡ từ mỗi bức tranh hiện thực ở Art Gallery thu hút tôi dừng lại. Tôi muốn các mảng hình đó xoa dịu trí óc tôi, trồi trong tâm tư tôi những an ủi vỗ về. Có phải hội họa là nghệ thuật của tâm hồn? Mảng xanh trong bức tranh là hiện thể của Trời, của biển, của những năm tháng tang bồng mà có một thời tôi trải nghiệm, trải đời trong đó. Carnival Inspiration chưa đưa tôi trở về quá khứ tuổi trẻ mộng mơ thuở nào. Nó không có đôi mắt của huyền thoại, không có sức sống của tình yêu, không có hơi hướm của chiến tranh. Nó chỉ là con tàu du lịch. Con tàu thương mại.

Tôi trở lại Escondido với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Dư vị chuyến cruise vẫn tràn ngập trong tôi suốt tuần. Lần đầu tiên sống và hưởng thú vui chung với người Mỹ, tôi cảm thấy mặc cảm nhược tiểu bị xóa bỏ, hình như không có lằn ranh phân biệt giữa các chủng tộc. Con tàu hiện đại đã cho tôi rất nhiều điều mới lạ và kỳ thú. Nó là phương tiện văn minh giúp con người phóng tầm nhìn ra thế giới, mở toang các cánh cửa khép kín của những dân tộc lạc hậu. Nó kêu gọi tính nhân bản, tình yêu thương đồng loại của mỗi cá nhân.

Cháu Thuyến, lá thư của cháu viết, trong đó, tự nó đã lý giải về tình yêu và sự thù hận rồi. Chú không có ý kiến nào khác để dẫn dắt cháu thoát khỏi hoàn cảnh này. Tình yêu chân thật và trong sáng, từ xưa đến nay, bao giờ cũng cao quí và để lại biết bao thương cảm trong lòng người. Nó có thể xóa bỏ hận thù, vượt biên cương và tự hy sinh để giữ vẹn khí tiết. Chú mong cháu hãy tiếp tục trân trọng và giữ gìn hạnh phúc mà Thượng Đế đã ban tặng cho mình.

PHẠM HỒNG ÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,728,206
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến