Hôm nay,  

Những Cơn Sóng Trong Đời

02/12/201200:00:00(Xem: 223177)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả chỉ vừa tới Mỹ được mấy tháng, theo diện bảo lãnh. “Hiện vợ chồng tôi ở tạm nhà người em. Vợ tôi đi giữ trẻ. Tôi chưa có việc làm. Trong lúc rảnh rỗi, tôi muốn viết lên một phần nhỏ những gì xẩy ra trong cuộc đời em tôi và gia đình tôi.” Ông Trương viết trong thư kèm bài viết về nước Mỹ đầu tiên. Nhân vật xưng tôi trong bài là người em. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.

Khi gia đình tôi ra phi trường, bước lên máy bay đến Hoa Kỳ theo diện OPD, ngày ấy tôi vừa tròn 28 tuổi, tôi vẫn nhớ đó là năm 1991.

Ngày ấy, đón chúng tôi tại phi trường có vợ chồng người anh cả và ba đứa cháu nội của bố mẹ tôi. Chúng tôi về sống chung một mái nhà với mười con người, tưởng sẽ được ôm nhau mãi trong vòng tay nhân ái, bao dung và chia sẻ, nhưng không. Trong cái bắt tay nghi ngờ và tội nghiệp, tôi đọc được trong cái nhìn của anh tôi. Từ phút ấy, tự dưng tôi thấy mình đứng sang một bên như kẻ xa lạ.

Ngày anh cả tôi bước chân qua Mỹ, anh để lại một đàn em mười đứa và bố mẹ già nơi quê nhà. Bố và anh rể tôi phải đi tù, gọi là học tập cải kiểu Cộng Sản. Các chị và mẹ tôi phải dọc ngang bốn vùng chiến thuật thăm nuôi bố và anh. Nhà cửa biến thành chuồng heo ngăn nhỏ lại… mỗi sáng các chị tôi mỗi người mỗi chợ, mỗi người một giỏ xách, trước thì bán dần đồ nhà và mua lại đồ nhà người ta bán lại, cứ thế qua ngày…, Tôi lúc đó còn nhỏ lắm đang học lớp bẩy, hết đón chị này, lại đến chợ khác đón mẹ, trên chiếc xe đạp nhỏ, tôi chở một bao tải đầy xác mía mà mẹ tôi hàng ngày lượm sẵn, và để đấy tan học tôi chở về, phơi đầy trên nóc bếp để dành chụm lửa nấu cám heo. Các chị tôi thay nhau đi đào kinh vùng kinh tế mới do phường, quận bắt buộc, mỗi lần đi ba tháng, khi về các chị tôi đen nhẻm, nét dễ thương ngày nào đã phôi pha…

Anh tôi đâu có thể biết, bao nhiêu những khổ sở, vất vả mà bố mẹ tôi và chúng tôi đã trải qua.

Sự vui mừng của những ngày đầu đoàn tụ qua mau. Chúng tôi năm con người tự rút vào một phòng với nhau. Bố mẹ tôi buồn ba, cứ nghĩ đến trước đây ở nhà ra vào nhà cửa rộng rãi, giờ đây như bị nhốt trong một phòng nhỏ, lại không biết làm gì cho hợp với cuộc sống của gia đình anh chị.

Sau khi được nghỉ ngơi hơn một tháng, ông anh cả xin cho chúng tôi vào làm hãng thực phẩm chả giò. Vì thêm người nên thiếu xe, những ngày đi làm, chúng tôi đi chung xe với anh cả, vì thế anh lại phải ở lại sở đến hai giờ đêm để chở ba chị em chúng tôi về. Đêm khuya về đường vắng lạnh, chân tay rã rời buốt giá, vì chúng tôi làm trong phòng đông lạnh, không khí trong xe ngột ngạt và căng thẳng càng làm tăng thêm sự mệt mỏi lẫn cay đắng.

Ngày ấy chúng tôi không có đủ áo ấm để mặc, không đủ giầy để thay đổi, hôm nào cũng vậy, bắt đầu để đi làm là tôi lại thấy lo buồn đủ thứ, nào là phải đi chung xe, nào là quần áo ấm và hơn nữa là sự im lặng cho đến hết con đường.

Công việc của hãng chúng tôi làm, dần dần rồi cũng phải quen. Mỗi ngày bố mẹ tôi như thường lệ đứng sau ô cửa kính vẫy chào chị em tôi với nét mặt ưu tư…, lương của chúng tôi chỉ bốn đồng một giờ, lương của mấy anh em cộng lại đưa cho anh cả tôi, gọi là phụ tiền nhà và chi phí trong gia đình.

Sau cùng tôi cũng có được những người bạn trong hãng giúp đỡ dạy lái xe. Chúng tôi mua được một chiếc xe cũ, phải nói là quá cũ vì nó quá rẻ. Có hôm đi làm ra đổ xăng, đổ xong thì xe không chạy, ba chị em long ngóng vừa xấu hổ vừa buồn cười. Tôi thì vừa đá vào xe vừa năn nỉ nó, bởi còn người khác đến đổ xăng, họ nhìn chúng tôi chòng chọc và vốn liếng tiếng Anh của chúng tôi chưa có được bao nhiêu để nhờ sự giúp đỡ. Em gái tôi đang ở tuổi mười chín, mặt đỏ như gấc; luôn miệng thúc giục tôi “làm sao bây giờ anh!”. Rất may lúc đó có một anh chàng đến giúp đỡ, anh ta ủi chiếc xe của mình vào sau xe của chúng tôi và chạy về đến nhà. Hôm đó ba chị em tôi nghỉ làm…

Với tính hiền lành, chịu thương chịu khó, dần dà tôi được nhiều người trong hãng thương mến, trong đó có bà sếp, từ lúc nào bà đã để ý chọn lựa cất nhắc tôi lên văn phòng, sự biết ơn làm tôi cố gắng không ngừng để không phụ lòng bà sếp người Mỹ nhân hậu. Bà đã cho tôi sự mạnh dạn để bước sang một ngả rẽ tốt đẹp đến ngày hôm nay.

Năm 1982, chúng tôi còn có thêm hai em trai vượt biên; xuống tàu ra đi khi đứa vừa mười bốn và mười sáu tuổi.

Em tôi hiền và chịu đựng ít nói, ngày đi còn bé, đơn độc, vậy mà em tôi đã giúp đỡ gia đình nhiều lắm, ngày gặp lại đầy xúc động và thương yêu.

Khi qua Mỹ, tôi bàn với em trai là nên học lại, bởi vì gánh nặng gia đình đã lấy đi nhiều cơ hội tuổi trẻ của em tôi. Mỗi lần em trai tôi từ tiểu bang khác về thăm cha mẹ, là dắt cả nhà đi mua sắm rất nhiều cho bố mẹ và anh chị em tôi. Anh em tôi có dịp bàn bạc nên ra ở riêng, và chúng tôi thuê lại căn nhà nhỏ của anh chị cả. Thế là bố mẹ và chúng tôi có một mái nhà riêng, bố mẹ tôi mừng lắm, tối ngày tự sửa sang, đào đất trồng cây, rồi tu sửa nhà cửa. Có hôm tôi về, thấy bố mẹ mỗi người đứng chênh vênh trên cái thang, mỗi người một màu sơn, sơn gạch căn nhà, chúng tôi không cản vì ý thích của bố mẹ, căn nhà trở nên sáng sủa và đẹp hẳn lên, không ngờ tuần sau cảnh sát họ gởi thơ về bắt trả lại màu gạch như cũ.

Mọi việc không như mong ước của tôi. Bốn năm sau, ngày chị tôi mất đột ngột ở Việt Nam vì tai nạn giao thông, cả nhà tôi không ai về được, vì rất nhiều trở ngại. Mới đó mà xa cách gần bốn năm, chúng tôi chưa làm được gì nhiều để giúp đỡ các chị những người còn ở lại, kẻ đi, người ở lại vẫn vậy, lại thêm mất mát lớn. Chị gái lớn tôi hiền và dễ thương, nghĩ đến chị là tôi luôn nghĩ đến Cô hàng xén của nhà văn Thạch Lam, lặng lẽ đứng sau mọi người. Mẹ mất các cháu tôi bơ vơ, ba đứa con trai lộc ngộc chưa biết gì nhiều. Nước mắt chảy dài thương người chị gái vất vả một đời, tôi chỉ biết hứa với lòng sẽ lo cho cháu ăn học thành tài nơi xứ người.

Năm tôi ba mươi hai tuổi. Tôi lấy chị của một người bạn làm cùng hãng năm xưa. Bố mẹ và anh chị em tôi ai cũng mừng.

Ban ngày tôi đi làm, tối đi học, rồi gia đình, vợ con, mọi thứ bào mòn dần sức khỏe của tôi, vì có thêm người nên chúng tôi mua nhà mới lớn hơn. Nhà thầu chỉ xây cất lên thành khung một căn nhà, bởi vì tôi không có đủ tiền, đêm về vợ chồng tôi tự thêm thắt cột kèo, tráng nền, lót gạch đủ thứ. Để hoàn thành một căn nhà, có hôm tôi đi làm đến hai ba giờ sáng, ngủ mấy tiếng rồi lại đi làm, bao nhiêu tháng trời mới xong. Nhiều đêm đi học về đến nhà, mọi người đã ngủ yên, tối rón rén vào phòng nhìn đứa con trai bé bỏng đang say ngủ.


Sợ tôi không đủ sức khỏe, vợ tôi khuyên nên nghỉ làm và hãy yên tâm học, và tôi đã chuyên tâm học hành.

Bố tôi mất khi ông chưa kịp tuyên thệ đậu quốc tịch, đó là điều quan trọng nhất của ông, để làm sao ông kịp bảo lãnh tiếp hai gia đình chị gái tôi. Đó là năm 1998, tám con người nữa cũng đã được tôi thay bố tiếp tục bảo lãnh sang đây. Vậy là từ từ tôi cũng kéo dần được các chị và các cháu sang đây. Nhưng tiếng cười đoàn tụ chưa dứt, thì tất cả anh chị em tôi lại phải hốt hoảng, đưa mẹ tôi vào bệnh viện.

Mẹ tôi bị cắt chỉ còn ¾ quả thận. Bà nằm mê man hôn mê hơn hai tháng trời, có những lúc tưởng không qua khỏi, người đã bị lở loét, phải nằm phòng hồi sức đặc biệt. Cứ vài ngày thì họ đẩy mẹ tôi đi chụp xem não còn hoạt động không. Ngày ấy thật là buồn, chúng tôi chia nhau túc trực ở bệnh viện, tôi đi về như con thoi, bởi các chị tôi nhút nhát sợ hãi, lại không biết tiếng anh. Nhiều đêm đi học về là tôi chạy ngay đến bệnh viện, ăn uống qua loa những gì vợ tôi để lại, và tôi ngủ gục trên cuốn sách chưa kịp giở ra học cho ngày mai… Cứ vậy suốt bốn tháng trời. Rồi như một phép mầu, mẹ tôi hồi tỉnh, các bác sĩ đều ngạc nhiên. Gia đình chúng tôi mang ơn bệnh viện Bentaub và các bác sĩ tài giỏi của bệnh viện này, anh em chúng tôi chỉ biết cúi đầu cảm ơn họ thật nhiều lần. Bởi vì mẹ chúng tôi chưa đóng góp được gì cho đất Mỹ, mà lại được bao nhiêu những ưu ái mà bệnh viện và các bác sỹ tài giỏi dành cho.

Rồi ngày tôi tốt nghiệp ra trường cũng đến, mẹ và các chị em tôi đến trường dự lễ, vợ tôi tay dắt đứa lớn, tay dắt đứa bé, hai đứa nhỏ tíu tít vui mừng. Mẹ tôi run rẩy vì yếu đuối, nhưng niềm tự hào hạnh phúc vẫn ngời trên khuôn mặt. Sau đó, tôi vào làm một hãng năng lựơng lớn của Mỹ, có mặt khắp thế giới. Từ nhà đến sở làm khoảng năm phút, nên trưa tôi có thể về ăn bữa cơm do mẹ nấu và chăm sóc mẹ.

Với công việc mới này, tôi luôn học hỏi tìm tòi và đóng góp sao cho không phụ lòng nước Mỹ. Công việc hiệu quả, tôi được tất cả từ sếp đến bạn bè đồng nghiệp quý mến. Tôi được giao những chuyến công tác đi nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam, tôi đến làm việc ở Việt Nam với tư cách là người đại diện một công ty Mỹ, đó là lần về đầu tiên sau hơn 13 năm xa cách…

Ngồi trên máy bay, đầu óc tôi cứ vang vang mãi câu hát ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi…, Đón tôi thật đông người, làm tôi cảm động và ân hận sự trễ nải của mình, lũ học trò nhỏ ngày tôi đi giờ đã lớn, các em đã thay thế chúng tôi dạy dỗ lại đàn em tại quê nhà, có nhiều em đã thành đạt ở nhiều lãnh vực hơn tôi tưởng. Gặp lại các em vẫn sự chân chất hiền hòa làm tôi thấy lòng đầy yêu thương và tự hào. Tôi đã cùng các em nhỏ về thăm trường xưa, những kỉ niệm xưa cũ một thời làm lòng tôi bồi hồi xúc cảm.

Những ngày lưu lại ở quê nhà chị tôi và các cháu ríu rít cơm nước, đón tiếp bạn bè tôi trong những nụ cười rạng rỡ tự hào. Tôi giờ có thể gọi là thành đạt. Hai chị em ngồi trầm ngâm lặng lẽ như một cuốn phim. Với lần về sau này tôi đã đưa được một đứa cháu con người chị đã mất sang Mỹ du học. Những lần đón và tiễn tôi người thân thưa dần, giờ đây ở lại chỉ còn một chị gái và ba đứa cháu. Đó là nỗi trăn trở sao cho mọi ngưởi được đoàn tụ dù có muộn màng, như mẹ tôi mong đợi. Năm 2009 lần về công tác này, kết hợp tôi giúp chị một số tiền mua một mảnh vườn ven thành phố. Chị tôi thích cảnh vật nên thơ, vườn cây, ao cá và đó cũng là nơi đi về nghỉ ngơi trong những lần công tác. Ngôi vườn dưới bàn tay chăm sóc của anh chị tôi thật là đẹp và nên thơ ai cũng thích.

Học trò và bạn bè tôi có chỗ tụ họp hàn huyên. Lần nào về tôi cũng không quên ghé thăm trường mù Nguyễn Đình Chiểu để được đóng góp những phần ăn cho các cháu nhỏ mù lòa bất hạnh, và hơn nữa là thăm người bạn thân thời trai trẻ cùng dạy học một trường ở Duyên Hải. Giờ bạn tôi là hiệu trưởng của trường này đã mười mấy năm, và vẫn độc thân, gắn bó với các em học trò bất hạnh này bạn tôi đã xem nơi đây là một gia đình.

Khi nghe tin tôi ghé thăm, bạn tôi dắt đến trước mặt tôi một em học trò khiếm thị, em vừa đi làm ở một cơ sở mát-xa về, và bạn tôi hỏi “em đoán xem thầy nào đây”. Cầm tay tôi em vuốt nhẹ bàn tay tôi hồi lâu rồi nói “có phải là thầy Dương”. Tôi nước mắt lưng tròng, không nói nên lời. Ngày tôi rời xa trường, em còn bé bỏng lắm, mười mấy năm xa cách vậy mà em vẫn nhớ.

Tôi vừa đi công tác về được một tuần, thì mẹ tôi bị bệnh tai biến, anh em tôi hốt hoảng gọi cấp cứu. Mười phút sau họ tới. Thấy nguy hiểm đến tính mạng của mẹ tôi, họ gọi trực thăng tới. Cảnh sát chặn đường để trực thăng đáp xuống và xe cấp cứu đưa mẹ tôi ra chỗ trực thăng đậu và trực thăng bay đi. Anh em tôi lúng túng nhìn lên trời, không biết họ đưa mẹ tôi đi đến đâu.

Cơn nguy kịch rồi cũng qua. Gần bốn tháng trời chữa trị và tập vật lí trị liệu, mẹ tôi đã có thể chống gậy lê từng bước một, tuổi già bệnh tật và buồn đã làm mẹ tôi xuống sức. Vợ tôi phải nghỉ làm hẳn, để ở nhà chăm sóc mẹ. Khi có dịp về Việt Nam công tác, tôi kể lại chuyện mẹ tôi cấp cứu bằng trực thăng cho chị và họ hàng tôi nghe, ai cũng không thể tin được.

Đầu năm 2012, người chị cuối cùng ở Việt Nam cũng được bảo lãnh sang Mỹ, hai vợ chồng chị ra đi, để lại một đứa con, cháu ở lại trông coi miếng vườn mà tôi đã mua giúp anh chị. Sự muộn màng này cũng còn kịp để anh chị tôi sang chăm sóc mẹ già như một sự báo hiếu.

Rồi mẹ tôi lại vào bệnh viện mổ mật, sau những ngày lăn lộn đau đớn. “ơi mẹ ơi! Sao mẹ khổ quá vậy” phải chi con có thể đau những cái đau của mẹ, để mẹ được nhẹ nhàng, nhiều khi tôi thổn thức nói với lòng mình.

Anh chị tôi chăm sóc mẹ được bốn tháng thì ngày 4/7, ngày Độc lập, một ngày mọi người dân Mỹ vui mừng bầu trời tưng bừng đầy pháo hoa. Bệnh Mẹ tôi trở nặng. Chúng tôi lại bấm 911 và xe cấp cứu đến, nhưng chỉ còn kịp để đưa mẹ tôi vĩnh viễn ra đi. Ngoài trời đầy tiếng pháo nổ vang trời như tiễn đưa mẹ tôi, trong nhà anh chị em tôi nức nở bên nhau thương khóc Mẹ.

Bây giờ thì chị em tôi chẳng còn cha mẹ, tôi thì thầm với hương linh me, cầu chúc bà ở một nơi nào đó, có bố, có chị tôi sẽ mãi mãi bình yên.

Hôm nay những lời viết này, chẳng thể nào nói lên hết được những gì mà nước Mỹ đã dành cho mẹ tôi, cho anh em tôi một nơi chốn dung thân. Gia đình tôi chỉ biết trân trọng gởi đến nước Mỹ sự biết ơn.

Trần Đức Trương

Ý kiến bạn đọc
01/01/201613:25:18
Khách
Bài viết cảm động quá.Cảm ơn nhiều
18/12/201205:31:03
Khách
Truyện hay, cảm động. Thật ra khó trách gia đình người anh cả vì chỉ những người còn ở lại Vietnam trong hoàn cảnh sống qua 2 chế độ nhất là ở khu vực thua trận mới cảm thông với tác giả bài viết. Với lại hình như cũng khá nhiều người mình qua đây trước tương đối thành đạt khó thông cảm với người đi sau vừa già, vừa dốt, vừa yếuv.v... và v.vn...?!
07/12/201211:57:18
Khách
Anh Trương thân mến,
Nhờ tác giả vui lòng chuyển e-mail này tới nhân vật chính.
Xin chia sẻ nỗi buồn mồ côi của bạn, tôi thấm thía lắm cho dù mình có già đầu cỡ nào vẫn luôn cảm thấy còn nhỏ dại mỗi khi nhớ bố mẹ. Xin chúc mừng bạn được đoàn tụ với đại gia đình, ước mơ của rất nhiều gia đình VN nương nhờ kiếp sống tha hương ở Mỹ. Không phải đại gia đình nào cũng biến được giấc mơ này thành sự thật, tôi là một trong đại đa số những người mang giấc mơ không bao giờ... comes true này!
Nếu được, bạn vui lòng cho tôi tên và thông tin liên lạc với người bạn dậy tại trường NĐC. Ngày xưa còn ở VN, trường NĐC là nơi tôi hay lê la những giờ phút rỗi rảnh. Ở đó, nhiều mảnh đời thương tâm lắm, theo tôi trong ký ức tới tận bên này khi tôi vẫn còn học ESL với những bài luận viết về một em nhỏ tên Vũ học sinh trong trường. Tôi đã khóc, cười theo những mẩu chuyện đời thường em bương chải, mưu sinh cuộc đời mình qua cặp mắt không còn thấy ánh sáng của mình. Tôi không giàu có nếu nói về của cải vật chất nhưng tôi mong muốn làm một hạt sương nhỏ đóng góp chút gì đó cho đời sống thiếu thốn của các em ở quê nhà.
Thân chúc tác giả, người mới đến xứ cờ hoa sớm hoà nhập và ổn định cuộc sống mới cùng gia đình và xã hội. Anh sẽ có rất nhiều cơ hội ở xứ này, và quan trọng nhất là được tự do lựa chọn đời sống và cách sống của mình!
Best wishes,
Tường Vân
04/12/201221:36:09
Khách
Truyen ke rat cam dong.
02/12/201217:27:10
Khách
Lời kể tuy rất nhẹ nhàng bình thản nhưng "ai có qua cầu mới hay" đã cảm thông thấm thuý một quảng đường chông gai khổ sở của người viết.
Cám ơn tác giả
tnbx
02/12/201216:35:11
Khách
Chuyện kể rất cảm động. Xin cám ơn tác giả và chúc may mắn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Nhạc sĩ Cung Tiến