Hôm nay,  

Chuyện Kể Sau Đêm Halloween

10/11/201200:00:00(Xem: 175655)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một huynh trưởng hướng đạo, đồng thời cũng là một nhà giáo, hiệu trưởng trường trung học St Ignatius College Prep tại Fort Worth, Texas. Nguyễn Đức Thắng là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài đặc biệt kể về "Người Vợ Bắc Kỳ" -hiện đã có trên 60,000 lượt người đọc. Bài viết mới của ông là chuyện về một đêm Halloween, và “mặc cảm phạm tội” của chàng với bà vợ bắc kỳ mà tác giả gọi đúng kiểu bắc kỳ xưa là “nhà tôi”.

Năm nay tiết trời lạ lắm. Tuyết từ phía Gia Nã Đại thổi về. Bão từ vịnh Cuba thổi lên. Cả thành phố cứ thoạt ấm thoạt lạnh, thoạt khô thoạt ướt. Người ta rì rào với nhau là chưa bao giờ thời tiết lại như thế này. Họ tin là lụt lội khắp tiểu bang miền nam năm trước là điềm trời báo sự chẳng lành cho cục diện toàn cầu. Vụ 911 tăng thêm niềm tin đó.

Tối 31 tháng mười, khắp nơi trên đất Mỹ tổ chức ngày Halloween cho trẻ em. Đại khái cũng giống như ngày trung thu của nước ta vậy, tuy nhiên, thay vì tin vào cây đa thằng cuội vào tháng tám, họ tin vào hồn người chết hiện lên quấy phá vào cuối tháng mười (trước ngày lễ các thánh) nên hoá trang thành những khuôn mặt kinh dị để đi hù nhau chơi. Theo phong tục của họ, lũ nhỏ sẽ đến trước cửa nhà và đồng thanh hô to :

- “Trick or treat?” (muốn tụi nó phá hay muốn tặng quà cho tụi nó?)

Quà là những thỏi kẹo phải đưa nếu không muốn bị chúng phá phách. Cách phá phách của chúng cũng dễ thương thôi. Thường thì chúng dùng dăm bảy cuộn giấy vệ sinh ném vồng lên cây cối quanh nhà. (mưa về, loại giấy này mủn đi dính ẹp vào cành cây hay rơi xuống đất rất khó mà quét dọn. Hoặc chúng dùng nến vẽ hình hài doạ dẫm lên cửa kính (rất khó lau chùi). Hay chúng dùng trứng ném vào kính xe. Mùa này, đá đóng băng lên cửa kính xe nên sáng sáng là Nhà tôi phải lấy nước nóng ra dội và mang đồ nghề ra mà nạo cửa kính. Nếu bị trứng thì khốn khổ mười phần. Tôi đã có lần suýt bị đụng xe vì tính lười biếng. Mùa đông năm đó, tôi chỉ nạo một lỗ vừa đủ nhìn để lái xe nên xém gây tai nạn vì không nhìn được hai bên sườn xe. Rốt cuộc của đi thay người nên xe bị xây sát chứ người may mắn không việc gì cả. Kể từ đó, sáng sáng Nhà tôi dành lấy việc cạy đá.

Trở lại câu chuyện, chỗ chúng tôi ở nằm ở ngoại ô thành phố, đồng không mông quạnh. Láng giềng của tôi là anh bạn tên là Steven Soma. Nhà tôi cách nhà Steve khoảng 1 dặm. (1.5 cây số). Nhà Steve ở gần đường đất và nhà tôi xây thụt về phía trong ruộng. Thói thường mà xét thì chả ai thèm đến nhà tôi đòi quà cả vì không tiện đường và cũng rờn rợn khi phải lái qua ruộng ngô tối tăm, mịt mùng và thần bí. Thế nhưng sự việc lại trái ngược hẳn.

Khi mới về vùng này, nhà tôi theo thói quen ở thành phố ngày xưa nên cũng mua kẹo về chờ đợi. Cả buổi tối mong mãi mà cũng chẳng có cô hồn các đẳng nào viếng thăm. Mãi cho đến gần 10 giờ đêm mới có ông bạn chở hai đứa con đến. Sợ ăn nhiều rặm bụng, Nhà tôi với bản tính vung tay quá trán, bèn đổ cả thau kẹo vào túi của hai đứa bé. Thế là chúng lên nhà thờ đồn thổi. Một đồn mười, mười đồn trăm. Từ đó trở đi, năm nào nhà tôi cũng nườm nượp những ngài khách bé bỏng.

Chả phải bàn, những năm tiếp đó, kẹo bánh lẽ dĩ nhiên Nàng phải chuẩn bị mua về hàng thùng. Tôi vẫn nhấp nhổm vì sự phung phí quá đáng này, nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa phân biệt được sự mừng rỡ của đứa trẻ nhận quà và vẻ mặt tươi rói hớn hở của Nàng thì ai khoái hơn ai. Tôi chắt lưỡi lờ đi cho được việc. Đã mấy năm rồi, Steve nhìn tôi lắc đầu thông cảm.

Năm nay, vì sợ tai nạn bắn sẻ ở Washington ảnh hưởng đến phong tục Halloween, (Cách đây mấy năm, có tên khủng bố, mỗi ngày bắn tỉa một người. Số người chết đã hơn chục. Việc này nghiêm trọng đến bực người dân không dám ra đường. Có người phải mua áo giáp mà mặc. Trường học bãi bỏ. Cảnh sát trưởng khốn đốn đến bực phải lên truyền hình dạy người dân không nên ra khỏi nhà. Nếu có việc phải đi, thì nên bước ngoằn ngèo theo hình chữ chi.) Nhà thờ có gọi điện thoại đến xin chúng tôi cứ tiếp tục chứ đừng vì tai nạn bắn sẻ mà bãi bỏ phong tục Halloween truyền thống. Tôi trong bụng đã toan tính như vậy nhưng họ đã nhờ thế này thì còn nói gì được nữa. Nhà thờ cho người đến cộng tác với chúng tôi để đền bù cho đám trẻ đã sợ hãi trong thời gian vừa qua.

Tối hôm qua, khoảng mười mấy người trong nhà thờ mang đồ nghề và kẹo bánh đến nhà tôi. Họ dùng nhà tôi để chuẩn bị cho phong tục Halloween hù doạ của họ. Nhà tôi thích lắm. Nàng chu đáo chuẩn bị mọi sự trong nhà. Trong khi đó thì những người lớn ra sân bắc điện. Họ buộc những dây thừng để treo cổ những người giả trên cây. Họ làm một cổng tạm thời từ ngoài đường dẫn vào trong nhà. Áng chừng như họ muốn mọi người phải đậu xe và đi bộ vào nhà. Tôi tính thầm trong bụng là họ làm lớn chuyện chứ chẳng chơi.

Từ đường cái vào nhà tôi thì cũng khoảng 300 mét. Hai bên đường là ruộng bắp mọc lên như hai vách tường hun hút. Cứ mỗi năm bước thì lại có một quả bí ngô khoét thành hình đầu người đặt trên giá gỗ nhe răng doạ dẫm. Bên trong ruột trái bí, có để một cây nến đợi xập xệ tối trời là thắp lên...

Chiều nay bốn người chúng tôi bàn nhau đi xe lên tỉnh, vào coffee hous (internet cà phê) để uống cà phê, lên mạng ở đó và viết vài hàng hầu các bạn. Thú lái xe đi đêm, uống cà phê khởi xướng kể từ ngày đĩa parabol của Steve bị gió thổi bay đi mất. Chúng tôi lâu lâu lại rủ nhau ra đó nói chuyện. Hôm nay, vào giờ cuối, Nhà tôi bị kẹt vì đứa nhỏ bị ói mửa tùm lum. Steve thì ra đến nơi mới chợt nhớ ra là quên cho xe máy cày vào gara vì tối nay sẽ dưới âm độ, nên quày quả trở về. Còn lại tôi và Sarri.


Câu chuyện Sarri và tôi thì hơi oái oăm vì chưng mặc dù không ai bảo ai, cả Sarri và tôi đều tránh cơ hội ngồi riêng rẽ với nhau. Hôm nay thì tình trạng bất khả kháng, chạy trời không khỏi nắng. Chúng tôi ngồi nói chuyện trăng sao mây gió nhưng cả hai đứa đều nhấp nhổm vì cả hai đều biết là không ai thật với lòng mình. Mắt thì cứ ngóng ngóng mong Steve trở lại nhưng rõ ràng là thời gian ai cũng biết là tối thiểu cũng phải hơn hai tiếng đồng hồ.

Từ ngày qua Mỹ, tôi bị Mỹ hoá nhiều. Tôi không thể ngủ ngon nếu không giải quyết được những áy náy trong lòng cho dù việc nhỏ nhen đến đâu. Chuyện xảy ra trong khu ruộng bắp (ngày Halloween) mới gần đây thôi, nhưng cả hai đứa (Sarri và tôi) đều nghĩ phải giải quyết một lần cho xong.

Mối tình của tôi và Sarri kéo dài cả hằng chục năm trời không phải là ngắn. Nhóm nhà thờ phân công thế nào mà lại xếp Sarri và tôi cùng đứng riêng một chỗ trong ruộng ngô thì cũng là trớ trêu. Tình trạng ngồi riêng như bây giờ, làm cả hai chúng tôi nhớ lại hôm trong ruộng ngô nên áy náy ngại ngùng lắm. Chuyện xảy ra đại khái như thế này:

Đêm Halloween, chúng tôi được giao nhiệm vụ cầm hai bóng đèn đỏ quơ đi quơ lại khi những đứa bé đi đến. Việc thì vui và dễ dàng, nhưng mưa gió trong lòng người trong đêm hôm đó thì ào ạt như ngày lốc xoáy.Tôi chủ quan vì tôi yêu nhà tôi chân thành. Cộng thêm việc mới có con nhỏ nên lúc đầu tôi dễ dàng coi như chuyện thường tình. Tôi lầm lớn.

Ngồi cạnh nhau trong khoảng thiên nhiên bao la. Gió lạnh nhè nhẹ, trăng mờ ảo, hai vai cọ sát nhau. Hơi thở quen thuộc ngày xưa của Sarri phà vào bên tai ấm áp. Tôi đứng yên vì cảm giác dễ chịu. Nhưng chính cảm giác dễ chịu này kéo đổ hộc ký ức xuống để bày ra trong óc tôi hương vị ngày xưa. Trong vô thức, tôi thấy yên tâm và quên mọi sự trên đời.

Trong cao độ của sự miệt mài vào biển kỷ niệm, tôi vô tình quay lại và nhìn vào khuôn mặt Sarri dưới ánh trăng đêm. Khuôn mặt quen thuộc bao lâu trở nên gần gũi lạ thường. Sarri cười nhè nhẹ, ánh sáng phản chiếu trên hai hàm răng đều và trắng làm tôi rùng mình. Sarri sao giống Nhà tôi quá. Quả tình giống đến thế mà xưa nay tôi chẳng hề để ý so sánh. Cả hai đều có dáng người dong dỏng. Tiếng cười hiền hoà và chợt cao vút lên khi có điều gì hứng khởi. Tôi yên tâm với chính mình là người đang ngồi cạnh tôi chính là Nhà tôi. Sarri rụt người xuống cho ấm. Tôi kê sát vai tôi vào ngực nàng. Chúng tôi cứ ngồi như vậy lâu lắm. Hai bóng đèn đỏ quên cả nhiệm vụ để chồng lên nhau phát quang về phía đằng trước.

Chúng tôi ngồi yên như thế không biết là bao lâu. Mãi cho đến lúc có tiếng xe rồ máy đánh thức đám quạ kêu lên văng vẳng nghe như tiếng trẻ em khóc làm tôi bàng hoàng thức tỉnh. Hoảng hốt giúp tôi kéo mọi chuyện trở về hiện thực, tôi nắm hai tay lại và bẻ các lóng tay. Tiếng kêu dòn dã của các khớp tay cũng đánh thức được Sarri. Từ lâu rồi, Sarri vẫn sợ tiếng bẻ tay như vậy. Còn tôi, bàn tay phải vô tình áp vào ngón tay đeo nhẫn. Lời thề hôn nhân hôm nào trở về làm chiếc nhẫn bỗng trở nên lạnh buốt. Trong vô thức, tôi đưa tay áp chiếc nhẫn lên má. Sarri hình như nhìn thấy ánh trăng phản chiếu trên chiếc nhẫn cưới. Nàng rụt người lại và đưa mắt nhìn ra xa.

Tôi tiếc rẻ nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình may mắn và sung sướng. Tại sao vậy tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi biết là tôi vừa thoát khỏi chuyến phiêu lưu vào một tình trạng khác xa hiện giờ. Tôi đang chơi trò xấp ngửa với tình bạn trường cửu.

Sắp đến giờ về rồi, tôi gõ những dòng này và thông dịch cho Sarri nghe. Tôi tin rằng chính vì việc dịch thuật lại cho Sarri những gì tôi viết, là một cách tô đậm lằn ranh giới giữa tôi và Nàng. Sarri không nói gì cả chỉ cúi đầu nghịch cái ống hút nước và lâu lâu lại nhìn lên tôi mà thôi. Mái tóc óng ả mầu nâu ngô phủ xuống khuôn mặt bao dung và chịu đựng. Mái tóc lại còn che khuất đôi mắt Nàng, nên tôi được tiện nghi ngắm nhìn trong khi tôi nói, và cũng dễ dàng lẩn tránh khi Nàng bất chợt ngó lên.

Ly cà phê của tôi từ nãy giờ bận bịu đánh máy nên nguội ngắt. Tôi tiện tay cầm lên uống thì Sarri đã kịp thời đưa tôi ly của Nàng. Đã lâu rồi, chúng tôi có thể ngồi cạnh nhau mà không ai cần nói với ai câu nào. Cho dù chúng tôi không ai tiếp chuyện nhưng vẫn cảm thấy complete (đầy đủ) và yên tâm. Hôm nay tôi nói, Nàng nghe. Một chiều như vậy, tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy là đã nói với nhau rất nhiều. Chuyện tối hôm nay, tôi chưa có dịp viết thêm lên. . . . .

Steve mới đậu xe trước cửa tiệm. Tôi chắc sẽ để bài này lên một lát rồi kéo xuống thôi. Tôi vẫn phân vân không biết có nên kể cho Nhà tôi nghe không? Những gì viết trên dây, nghĩ sao tôi viết ngay ra như vậy không có thời gian coi lại. Chắc là lủng củng nhưng đây là nhưng gì xảy ra hiện giờ.

Tôi đã trở về nhà được hơn một tiếng đồng hồ rồi. Bây giờ ngồi vào bàn máy thì không đánh thêm được chút gì nữa. Tôi quay sang nhìn khuôn mặt nhà tôi. Thật đúng rồi, Nàng và Sarri có nhiều điểm giống nhau thần kỳ. Nhưng Nhà tôi có giấc ngủ thiên thần hơn. Giấc ngủ an tâm. Giấc ngủ hạnh phúc của một người phó thác và tin cậy trong tình yêu của chồng. Nhìn nét mặt vô tư của Nàng, lòng tôi dấy nên một niềm hối hận sâu xa.

Ô hay, tôi đã làm gì nhỉ?

Tại sao tôi lại có mặc cảm phạm tội?

Nguyễn Đức Thắng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,254,055
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến