Hôm nay,  

Vụng Đường Tu, Kỳ 2: Gặp Lại Nhau

18/10/201200:00:00(Xem: 232575)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm; Vượt biên khỏi Việt Nam năm 1981. Mười tháng ở trại Kuku, rồi Galang, Indonesia. Đến Mỹ năm 1982, định cư tại Texas. Di chuyển về Oklahoma năm 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer. Hiện làm việc tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Vũ mang tựa đề “Vụng Đường Tu”, kể về chàng tị nạn Việt đã quyết chí đi tu, nhưng rồi vướng món nợ... tóc vàng. Bài dài, được phân làm ba hồi, với tiểu tựa trích từ nội dung.

II. Gặp lại nhau,
ngờ ngợ tên em

Hắn thường lại một nhà nguyện nhỏ, trong khuôn viên trường học, để đi lễ vào mỗi buổi chiều thứ Bảy thay cho lễ Chúa Nhật. Cũng nhờ đi lễ mà hắn quen được cha Joe! Chẳng nhớ last-name của cha là gì, chỉ biết cả bọn Việt Nam như hắn vẫn thích gọi cha bằng first-name cho dễ – Father Joe - Cha đúng là một gương mẫu về đạo đức và khiệm nhượng…! Hàng tuần vẫn đều đặn và sốt sắng làm lễ trong ngôi nhà nguyện nhỏ, mà đia phận thuê cho, đến cả chục năm rồi cũng nên.

Cha nghèo quá, vì khả năng tài chánh của cha chỉ có vậy. Bổng lộc giáo phận cấp phát chỉ là một chếc xe Printo cũ kỹ, chẳng biết được sản xuất từ năm nào, mà sơn trên mui xe đã tróc loang lổ như một gã trọc đầu ghẻ lở… Tiền xin lễ thì chẳng có! Học sinh chừng hơn chục đứa, siêng thì đi lễ, làm biếng thì ngủ khì. Con chiên học sinh của cha đi lễ lơ phơ lất phất như vậy, lại nghèo nữa, tiền đâu mà xin lễ, để cha có thêm được một hai chục bạc đổ xăng? Nghèo vậy, nhưng thấy cha lúc nào cũng vui vẻ trong bộ áo lễ vàng ố, đã sờn mòn nhiều nơi. Tội nghiệp và khâm phục một vị chân tu, hắn bỗng thấy cuộc sống dâng mình cho Thiên Chúa như ông thực là vĩ đại.

Cha có biệt tài làm những học sinh ngoại quốc, nhất là những thằng tị nạn như hắn dễ hiểu với giọng giảng hay và rõ ràng của ông. Hắn bị cuốn hút dễ dàng bởi những bài giảng này. Có thể vì sẵn mến mộ ông cha nghèo khó, mà những lời dạy của cha đã lọt được vào tai của hắn không chừng! Nên sau mỗi buổi lễ, hắn dành ra đôi ba phút chuyện trò cùng ông, coi ông như một cha linh hướng, và xin cha một lời khuyên về ý định đi tu của mình.

Vi cha nhân từ, sau vài lần trò truyện, nhìn sâu vào mắt thằng con tị nạn…

Cuộc đời phụng sự Thiên Chúa thì chẳng lúc nào là quá muộn. Khuôn mặt xương xương, khắc khổ, nhưng hiền hiền của hắn làm cha nhớ lại những khuôn mặt, và những ánh mắt, mà cha đã có dịp gặp gỡ khi đến phục vụ tại một trai tị nạn ở Á Châu. Cha đã hiểu thế nào là nỗi chết trên gương mặt những thuyền nhân, lảo đảo như vẫn còn say sóng, khi đặt chân lên đất liền. Những đôi mắt thăm thẳm, thẫn thờ và vô vọng như đang mong chờ một phép lạ nào đó, đưa người thân của họ, từ vũng biển đen sâu trở về. Rồi cũng chính những ánh mắt vô vọng này, đã chạy đến cùng cha, cầu khẩn lời cứu rỗi trong lúc tuyệt vọng vì bị từ chối quyền tị nạn. Người Việt Nam, đáng là một dân tộc được Chúa cứu vớt nhất, bởi những đau thương mà chế độ cộng sản đã đày đọa họ.

Vì sẵn có cảm tình với người tị nạn, nên khi nghe tâm sự và ước muốn của hắn là trở thành một tu sĩ, cha đã sốt sắng hứa sẽ bảo trợ hắn về tinh thần, và liên lạc với tòa Giám Mục để giúp hắn dễ dàng hơn trong việc chấp thuận vào Seminary. Khi được nhận, ông sẽ cho hắn biết ngay. Tuy nhiên, ông vẫn muốn có thêm thời gian để tìm hiểu về hắn, nên khuyên hắn hãy tiếp tục học hành, lấy cho xong mảnh bằng Master. Và quan trọng nhất là tiếp tục cầu nguyện, cố gắng tìm hiểu ý đinh đi tu của mình trong một thời gian nữa. Cứ giữ liên lạc tốt với ông. Vâng lời cha, hắn chờ đợi, để một dịp nào đó, nghe được tiếng Chúa gọi rõ ràng hơn.

Chưa nghe được tiếng Chúa gọi thiết tha, thì một lần nữa, hắn lại gặp nàng nơi nhà nguyện cha Joe. Đôi mắt tròn, màu hổ phách ngỡ ngàng của nàng, như rất ngạc nhiên khi thấy hắn ở đây. Không chờ hắn lên tiếng, nàng bước lại, cầm tay hắn lắc lắc:

- Oh my God…! Youre here, Colin? You… cũng Công Giáo à!

Hắn từ từ buông bàn tay nàng ra, cười vui vẻ:

- Yeah! “Tao” đi lễ ở đây mỗi chiều thứ Bảy…

Đứa con gái ngạc nhiên:

- Really! Gặp “mày” ở đây “tao” mừng quá Colin à…!

- Cám ơn “mày”…Jen…, Jenny…!

Cô lắc lắc đầu:

- Jackqueline… Jackie!

- Hà hà, sorry…! “Tao” cũng mừng lắm khi gặp “mày”.

Hắn cười với đứa bạn mà mấy tháng rồi, từ khi hết học chung, bây giờ mới gặp lại. Cái con nhỏ Mỹ này thực là có tâm hồn Á Đông, nó làm cho thằng tị nạn như hắn, đỡ mang mặc cảm thua thiệt của một đứa chậm chạp khi đặt chân qua Mỹ. Nhìn nụ cười, và cái lắc đầu của đứa con gái làm rung những sợi tóc nhuộm nắng chiều, hắn thầm cám ơn tính vui vẻ và thân mật mà nàng dành cho hắn…

Vài tháng sau,
Mình gặp lại nhau
Ngờ ngợ tên em câu nói chuyện
Lắc đầu, em nhắc ta lần nữa
Bằng tóc hong vàng nắng thiên thâu…!

Trong khi đó, đứa con gái nhìn điệu bộ như một thầy tu của hắn mà tức cười. Hắn vừa nghiêm trang, sợ nghiêm trang còn hơn cả cha Joe lúc chuẩn bị lên làm lễ, lại vừa ngồ ngộ, hay hay vì những câu nói thật thà. Quả là một run rủi tình cờ, vì nàng ít bước chân đến nhà thờ. Nếu như hôm qua, không vì lục lại đống sách vở, để vô tình thấy hình ảnh người mẹ nuôi trong cuốn album, thì đã chẳng có một phút đạo đức bất ngờ như hôm nay, đi lễ mà gặp hắn. Nàng không hỏi, nhưng chắc là hắn ở apartment gần đây. Nàng chợt cười lên một tiếng nhỏ, khi nghĩ có lần nào, thằng con trai này mời nàng về phòng chơi? Nhìn cái mặt khờ khờ của hắn, thì chắc là không rồi! Một cảm giác vui vui chợt đến, nàng nghĩ nếu sau mùa học tới, tốt nghiệp, mà vẫn còn sinh sống gần khu vực trường học này, nàng sẽ đi lễ thường xuyên hơn để có dịp gặp nhau.

Quả thực, căn phòng hắn ở thì gần trường học, nhưng lại không tiện để cho một nữ lưu nào đến thăm, vì tính bừa bộn của ba gã con trai độc thân. Từ lúc bắt được cái job làm trong Boeing, hắn đã có dự định dọn đi chỗ khác, thuê riêng cho mình một căn phòng cho xôm tụ. Hắn không muốn mua nhà, vì ý định đi tu mãnh liệt trong đầu, tuy nhiên một chỗ ở gọn gàng cũng tốt cho cuộc sống. Những hắn lại cảm thấy buồn khi phải xa hai thằng bạn chung phòng… Thôi, ở đây cho tới lúc tất cả ra trường, cho có tình có nghĩa những ngày cơm nguội, mì gói với nhau…

Rồi con nhà Đông cũng tới ngày tốt nghiệp. Anh chàng vẫn giữ vững lập trường, không thèm lấy tên Mỹ, vẫn Đinh Văn Đông, mà đọc theo lối Mỹ không dấu là Dong Dinh, cái tên nghe chắc chắn như đinh đóng cột, chẳng sợ té. Không thân nhân, Đông chỉ có hắn là bạn. Ngày lễ ra trường, hắn có nhiệm vụ mang máy ảnh chụp cho thằng bạn thân tình vài pô hình, như lời Đông đề nghị, để gởi về Việt Nam, vì bà mẹ Đông muốn đi khoe hàng xóm, có thằng con bên Mỹ đang đứng ngang hàng với những khoa học gia thế giới!


Hắn cố tình đến sớm một chút để kiếm ngoại cảnh chụp vài ba pô trước khi cả bọn kéo nhau vào hội trường làm lễ mãn khóa. Bất chợt, cũng một giọng con gái phía sau:

- Hey! Colin, Colin…!

Quay đằng sau, thì ra… lại là nàng. Con bé nhảy lên mừng rỡ, chạy đến bên hắn.

Hắn thấy vui vì bất ngờ gặp lại nàng ở đây, cũng tung tăng áo mão ra trường như ai!

- Hi Julia… Oh! No… Jennete…

Đứa con gái tròn đôi mắt trong veo nhìn hắn, rồi vừa cười vừa nhắc:

- Jackqueline… Jackie…!

Hắn thân mật vỗ vai nàng:

- Sorry…! Hi Jackie… Congratulations!

Hắn muốn nói thêm vài câu cho đỡ ngượng về sự quên tên nàng của hắn, và cũng muốn cho nàng được vui hơn trong ngày ra trường của cô, nhưng với bản tính khá kín đáo, và khả năng chuyện trò của hắn, nhất là bằng tiếng Mỹ, chỉ khéo được đến như vậy, nên hắn cảm thấy lúng túng. Đứa con gái hình như không để ý đến sự lúng túng đó, nó tự nhiên:

- Thank you!

Rồi đưa má ra cho hắn, chờ một nụ hôn chúc mừng… Nhưng quả là thất vọng! Hắn quê mùa quá để biết hành xử một cách văn minh như vậy! Con nhỏ chờ một chút không thấy cái hôn của thằng con trai, đành giơ tay khoác tay hắn:

- Come with me, my dear…!

Hắn thoái thác:

- No, no! Im with friends today…

Con nhỏ kéo dài đuôi mắt, cười thông cảm:

- Okay, chờ “tao” ở đây… Right here - Please! Sau ceremony… Có chuyện hay lắm!

Hắn nhìn sâu vào đôi mắt nâu tròn của nàng, gật gật đầu.

Đứa con gái vụt trở lại đám bạn cùng di. Phần hắn, quay lại tiếp tục nhiệm vụ chụp hình, mà trong ngực trái tim vẫn còn đập rộn rã, và hơi mắc cở với bạn bè vì sự thân tình của đứa con gái. Nàng không đi cùng gia đình, mà đi chung một đám bạn bè. Ừ phải, đã có lần nàng kể cho nghe là mẹ nuôi nàng mất ngay sau khi nàng bước chân vào đại học. Không nói về cha, nhưng hắn hiểu là nàng đang chỉ có một mình trên đời.

Tới giờ hành lễ, hắn theo thằng bạn ra xếp hàng chuẩn bị vào hội trường mà trong đầu vẫn vảng vất một đôi mắt nâu, to tròn long lanh…

Một năm sau,
Mình gặp lại nhau
Chào em, tên đánh mất đâu rồi?
Nhìn ta, em nhắc thêm lần nữa
Nâu mắt màu hổ phách chơi vơi…!

Sau buổi lễ, hắn theo Đông cùng đám bạn đến một nhà hàng Việt Nam để chúc mừng nhau. Đến hơn 9 giờ đêm, hắn mới giật mình về lời hứa chờ đợi nàng sau buổi lễ ra trường. Hắn hối hận quá, vì đã không nhớ ở lại để xem nàng có gì muốn chia sẻ. Lại càng ân hận hơn vì từ hồi nào đến giờ, chẳng giữ số phone của nàng trong bóp. Làm sao để gọi đến nàng một lời xin lỗi? Thôi đành chờ có dịp gặp lại, hắn sẽ nói lời tạ lỗi sau.

Nhưng không có dịp nào cho hắn nói lời xin lỗi, vì đến cả mấy năm rồi, hai đứa chẳng gặp lại nhau!

Ngày tháng qua đi, hắn dường như đã quên cô bạn chung lớp, để vẫn đều đều làm việc, đi lễ hàng tuần, và chờ tin tức của father Joe. Hắn đã may mắn lấy xong mảnh bằng Master như lời cha khuyên nhủ, và mỗi tối trước khi đi ngủ, đều thầm thì cầu xin Chúa như lời cha hướng dẫn, chỉ còn chờ nơi cha một tin mừng là hắn mãn nguyện.

Nhưng chưa nhận được tin mừng của cha để nhập Chủng Viện, thì đã nhận được những lời vàng ngọc, của mấy ông già tị nạn trong hãng, khuyên… lấy vợ. Chẳng là, hàng ngày hắn đi xuống cafeteria trong hãng, ghé bàn mấy ông già Việt Nam cùng ăn với nhau, để có dịp nghe mấy ông kể chuyện đánh giặc ngày trước.

Già Bảo, một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà chính hiệu, cả gia đình chạy khỏi Việt Nam vào ngày 30/4/75. Đi làm lúc nào ông cũng măc sơ mi, được phủ ngoài bằng chiếc áo len, không xanh thì đỏ, dù trời nắng hay mưa. Ông thấy hắn ăn lunch mà chẳng thèm hâm nóng cái hambuger được mua từ ban sáng, nên tội nghiệp, lên tiếng:

- Lấy vợ đi chú, có vợ đỡ lắm, thích lắm…!

Hắn hỏi lại ông:

- Thích cái gì hả bố…?

Rồi hắn chọc ghẹo thêm:

- Để được vợ đan áo len cho mặc phải không ạ…?

Ông không giận vì biết tính hắn vui vẻ, nên cố giải thích:

- Chú chẳng biết gì cả, ngoài cái được an ui về tinh thần, lại còn được ăn uống đầy đủ, ấm áp cả thế xác nữa đấy…!

Hắn cười:

- Chắc chắn rồi, bố thì lúc nào mà chẳng có cơm canh nóng sốt mà ăn, có phải nhai hambuger nguội ngắc bao giờ…!

- Ấy, chỉ được cái nói nhảm… Không tin à, cứ lấy vợ đi thì khắc biết. Hà hà…, bây giờ cho tôi lấy vợ nữa, tôi vẫn sẵn sàng…!

Hắn cười theo câu nói của ông:

- Vâng, vậy thì thích nhỉ…?

Ông hăng hái giải thích thêm:

- Không thích mà khối ông có vợ lớn vợ bé đấy, chú không thấy à.

Hắn ngừng nhai miếng bánh trong miệng để đồng ý với ông:

- Vâng, đúng rồi.

Thấy hắn vui vẻ, một ông khác hỏi:

- Thế cậu qua Mỹ lâu chưa…?

Hắn vừa đặt lon coke xuống mặt bàn, vừa trả lời:

- Cũng được gần mười năm rồi bác ạ.

- Thế… đằng ý… chưa có vợ thực đấy à? Để tớ làm mai cho…!

Tí nữa thì hắn phì cười vì cái giọng Bắc kỳ, giống hệt kiểu cách mà bố hắn vẫn thường nói ở Việt Nam.

- Không bác ơi…! Cháu muốn đi tu...!

Mấy ông già cười hinh hích cho cái tính khôi hài của hắn. Ừ phải, chẳng ai tin là hắn sẽ đi tu đâu. Thời buổi này, nhất là bên Mỹ, sống ở ngoài đời chẳng đầy đủ và thích thú hơn là đi tu à? Mà có phải như ở Việt Nam cấm đoán, để không cho hắn hàng ngày đến nhà thờ đọc kinh đâu? Hay nếu muốn phục vụ tha nhân thì hắn có thể vào bệnh viện xin làm thiện nguyện cơ mà. Vậy thì đi tu làm gì cho…uổng!

Câu chuyện chỉ quanh đi quẩn lại như vậy, nhưng hắn thấy rất thích thú để được nói chuyện với mấy ông già “ôm chân đế quốc” này. Một ngày không được nói chuyện với mấy ông, hắn thấy buồn buồn như thiếu thốn cái gì. Vừa được nghe và nói chuyện bằng tiếng Việt, vừa được tìm hiểu những chuyện chính trị, quân sự… mặc dù những trận đánh mà mấy ông kể, hắn chẳng biết có từ đời nào…!

Cũng vì chăm chú học hỏi, nghe chuyện, mà hắn rất được lòng mấy ông. Có ông còn hăng hái hứa sẽ gả con gái cho hắn nếu hai đứa hợp nhau… Già Bảo sốt sắng hơn, mang cả hình con gái út đang học lớp 8 ra khoe. Đứa con gái, mà hai vợ chồng đã cố đẻ “vớt” sau ngày qua Mỹ, để được làm bố mẹ công dân Mỹ mới sanh. Nhưng tội nghiệp! ông nào biết ý định đi tu của hắn. Mà thật, đứa con gái lớp 8, con ông, biết đâu, lại chẳng có dịp chờ hắn làm linh mục, rồi về làm lễ trong ngày đám cưới của nó. Lúc ấy già Bảo chắc sẽ cám ơn hắn lắm. Bây giờ thì chẳng ai tin là hắn muốn đi tu…! Thôi đành gật đầu cho mấy ông già vui vẻ, trước khi tạm biệt nhau, vì hắn phải đi Seattle cho chương trình huấn nghiệp của hãng trong một tháng.

Kỳ tới: Phải rồi. Tên em ta đã nhớ

Vũ Công Ynh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,731
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.