Hôm nay,  

Tình Cô Giáo Mỹ

18/09/201200:00:00(Xem: 208940)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam. Ông đã góp nhiều bài giá trị và từng nhận giải danh dự viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

Năm 1967, 23 tuổi, sau nhiều lần thi tuyển, tôi được gửi đi học tại Defense Language Institute ở San Antonio, Texas.

Thành phố rất đẹp với con sông hờ hững nằm giữa phố thị. Những chiếc cầu bắc ngang sông cũng là đường đi dạo phố khiến cho du khách cứ mê mải đứng trên cầu nhìn xuống con đường nhỏ xinh xinh dọc hai bên bờ sông phía dưới, với các cửa hàng ăn nho nhỏ đầy mầu sắc Mễ. Còn bên trên đường chính, các “department stores” vĩ đại làm cho những người “nhà quê” như tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn, rồi chụp hình lia lịa. Góc phố nào cũng chụp, tưởng như là các cửa kính lóng lánh ấy, các đồ đạc bầy trong đó, và các tượng điêu khắc giữa đường như là cửa vào gặp ông Thánh Phê Rô râu bạc, tay cầm cuốn sổ ghi danh. Nhưng thích thú nhất vẫn là những buổi chiều lành lạnh, thọc tay vào túi áo choàng dầy, đi lang thang dưới các tàn cây, rồi tưởng đến một người yêu không có thực mà thấy hồn mình bay lên cao “Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa chân ngày. Tiếng buồn vang trong mây. Tiếng buồn vang trong mây..”

San Antonio hồi ấy, theo trí nhớ của tôi, quá đẹp! Những nữ sinh Mễ lai Mỹ đẹp như tiên với cặp mắt đen, mũi cao vừa phải, tóc đen và tầm vóc trung bình, mà trai Việt thấy thoải mái khi đứng cạnh, không mặc cảm. Nhưng trên hết các hình ảnh nõn nường đó là hình ảnh cô giáo của tôi, cô Miranda, một phụ nữ mang hai giòng máu Tây Ban Nha và Mỹ. Thật ra, cả hai cô giáo của tôi đều đẹp. Cô Solaris, da đen dòn, cũng tầm thước như tôi, mà khi ôm cô để khiêu vũ, thì thấy như mình ôm môt khối nhung thật mềm mại. Mỗi vòng xoay là mỗi lúc tôi bay bay như bướm. Tay cô mềm không tả được, và thân thể cô cứ áp sát vào người tên học trò “nhà quê” như tôi mà lôi tôi lướt đi, lướt đi.. mây với gió. Cô Solaris, phải nói, đẹp như một bức tượng Venus đồng, giọng nói lại thanh thoát, dễ mến vô cùng, nhưng cô Miranda lại quyến rũ với cặp mắt đen và sâu như mắt người Trung Đông, và cặp môi hồng gọn đẹp cạnh hai cặp má lúm đồng tiền, y như thiếu nữ Việt Nam, làm trái tim những người chiêm ngưỡng đều thấy rộn ràng như đập trống.

Chỉ có một điều đau khổ là cô Miranda có chồng rồi! Cô có một bé mới chưa đầy hai tuổi, rất đẹp trai. Nhìn tấm hình mà cô khoe tôi khi hết giờ học, tôi cứ tưởng như nhìn tranh vẽ mấy thiên thần nhỏ trong các cuộc triển lãm. Mẹ đẹp một thì con đẹp hai. Hai tuyệt phẩm mà Thượng Đế tạo dựng tại San Antonio hồi đó.

Ngày đầu tiên vào lớp học, nhìn thấy người đẹp đứng trên bục giảng, thần trí tôi đã bay đi đâu đâu, nên cô gọi tên tôi hai lần, tôi mới giơ tay trả lời, và lại buột miệng “Yes, Sir” làm cả lớp cười ầm. Sau đó, thấy tên học trò Việt ngơ ngáo, cô hỏi tôi vài điều về cá nhân, tôi lắp bắp nói không ra tiếng, khiến cô tưởng tôi không rành tiếng Anh, nên chậm rãi đặt lại câu hỏi rất nhẹ nhàng. Sự dịu dàng của cô lại làm tôi thêm lúng búng mất mấy phút. Mãi sau, tôi mới tỉnh táo mà trả lời một loạt các câu hỏi của cô. Cô “à” lên một tiếng và khen tôi nói tiếng Anh hay quá. Tôi đỏ bừng mặt, xấu hổ, nhưng cũng thấy khoái khoái trong lòng.

Sự học của tôi diễn ra bình thường, và có lẽ nếu không có tên học trò người Iran mất dậy kia thì cô cũng chỉ coi tôi như mọi học sinh khác. Hôm đó, khi điểm danh, cô Miranda gọi một tên Iran râu đầy mồm lên và hỏi:

- Sao hôm qua, anh không đi học?

Tên Iran cao lớn mà vô lễ này cứ ngồi gác đầu gối vào chiếc bàn phía trước, trả lời tỉnh bơ:

- Tôi không biết! (I dont know!)

Cô Miranda cố điềm tĩnh nói:

- Đúng ra anh phải xin phép tôi chứ?

Tên kia lại bung ra cùng một câu, “Tôi không biết!” Miranda hỏi tiếp:

- Thế hôm kia anh đi đâu mà không đi học?

Cũng vẫn thái độ nghênh ngang, tên Iran kia vẫn chỉ dùng có ba chữ “tôi không biết” và còn mỉm cười khinh thị. Có tới 4 câu “tôi không biết” như thế. Cả lớp im lặng như tờ, chờ xem phản ứng của cô giáo. Đột nhiên, tôi nhìn thấy đôi mắt đẹp của cô giáo, đôi mắt mà tôi mê mẩn, bắt đầu long lanh, ướt nước. Vừa nhìn thấy chút nước mắt lặng lẽ ứa ra, tim tôi tự dưng như ngừng đập. Tự dưng tôi đứng phắt dậy, tiến thẳng đến chỗ tên kia ngồi, hai tay cung lên trong một thế võ Thái Cực Đạo, tay phải chĩa thẳng vào mặt nó, các ngón tay chụm lại như mũi dao, tôi quát lớn:

- Thằng mất dậy! Mày dám trả lời với cô giáo như vậy hả? Nói “xin lỗi cô giáo” ngay lập tức, nếu không, tao cho mày một cú chặt Atemi này thì mày tắc thở!

Tên râu rìa kia bị quạt bất ngờ, ngơ ngác nhìn tôi! Có lẽ trong đời, chưa gặp ai dữ dằn như thế! Tôi gằn giọng, vừa lặp lại câu nói vừa vung tay:

- Nói “Xin lỗi cô” ngay! Nói! Mày là học trò mà ăn nói mất dậy với cô giáo như vậy hả?

Vì không chuẩn bị trước thái độ hung hãn của tôi, tên kia ú ớ:

- Tôi.. tôi.. xin lỗi cô giáo!

Nghe nó nói xong, tôi mới thở ra, và đi về chỗ của mình. Hú vía! Vì nếu tên này bình tĩnh một chút, cứ thách thức tôi, thì tôi sẽ phải chặt nguyên cạnh bàn tay vào mặt nó, nhất định nó sẽ gục xuống, và như thế, thì cảnh sát sẽ đến còng tay tôi liền một khi..

Cô giáo, cặp mắt đã như hai hột nhãn, nay như một hồ thu sâu thẳm, nhìn tôi, xúc động. Miranda nói khẽ:

- Cám ơn anh!

Tôi nhún vai như Alain Delon, cười và nói “Không có chi!”

Đúng ra tôi phải cám ơn tên vô giáo dục kia mới phải, vì từ đó, quan hệ của cô giáo và học trò đã hoàn toàn thay đổi. Sáng thứ Sáu, sau khi tiếng chuông báo hết giờ học, cô vẫy tôi lên bàn cô và hỏi:

- Sáng thứ Bẩy, anh có làm gì không, tôi đến đón anh đi chơi nhé!

Không biết nói sao, tôi chỉ lẳng lặng gật đầu. Thứ Bẩy, tôi như người mộng du, chân tay run rẩy, đi ra đi vào. Thiện, bạn cùng phòng với tôi, cười hí hí:

- Thôi, chết mày rồi! Phen này trốn đi đâu cho thoát!

Tôi chỉ cười ậm ừ vì lòng tôi rối beng lên.

Đúng 9 giờ sáng, cô giáo đến. Tôi ấp úng rủ luôn Thiện đi, cô cười, gật đầu, nói “tốt lắm!” và ra xe trước. Dáng đi uyển chuyển, bộ mông mềm mại lắc lư như hai chiếc gối bông tròn đầy làm hồn tôi xôn xao. Hai đứa tôi ra xe, vừa đi vừa nói chuyện linh tinh, lang tang. Miranda đưa chúng tôi đi ăn, rồi đưa ra biển.

Biển hôm ấy mát rượi. Từng cụm mây trắng nhỏ lững lờ trên cao. Bãi biển vắng người, chỉ có vài cặp nhân tình dắt nhau đi tản bộ. Tay họ ôm vòng lấy nhau, âu yếm. Thiện thọc tay vào túi quần jean, đi nhặt mấy vỏ ốc mầu trên cát, còn cô giáo và tôi ngồi lại trên một đụn cát. Cô Miranda nhìn tôi cười, hỏi tôi ở Việt Nam có gần biển không. Tôi tả cho cô nghe về biển Vũng Tầu, về các ruộng muối và về khoảng rừng sát, ngập mặn có những loại cá bò lên cây, và về những đồi cát trắng mênh mông cũng như biển Texas này… Không hiểu sao, tôi ngẫu hứng lại nói về chuyện bà Hồ Xuân Hương với những bài thơ trữ tình, tiếu lâm làm cô giáo cười như nắc nẻ. Và điều bất ngờ đến. Mới đầu thì hai chúng ngồi cách nhau, nhưng dần dần, ngó qua ngó lại, thì một lúc sau, đã ngồi sát nhau tự bao giờ. Cô giáo dựa lưng vào lưng tôi, ngả đầu về phía sau, nghe tôi dịch thơ Hồ Xuân Hương kể chuyện “trái mít”, và “đu giây”, về phụ nữ Việt Nam với cái yếm đỏ… Miranda thích thú lắm và nói:

- Quê hương anh có nhiều điều lạ lắm, mà tôi chưa hề nghe nói đến bao giờ. Lạ nhất là ai cũng biết làm thơ! Cả người dân quê, thuyền chài đều làm được thơ. Hay quá!

Tôi cười:

- Đó là nét đẹp hiếm có của dân tôi. Ai cũng nói thành thơ được.

Chúng tôi thủ thỉ với nhau như thế đến chiều thì ra về. Trên đường về, không ai nói với ai câu nào, hình như tâm tình có nhiều chuyển biến.

Từ đó, thỉnh thoảng, khi đến giờ “break”, tôi lên bàn cô giáo trò chuyện trước cặp mắt ghen tị của đám học trò, nhất là mấy tên Iran, Iraq râu rìa. Chúng sợ tôi nổi cục nên chẳng dám xía vô. Có lần, tôi hỏi cô về tiếng Spanish, và nhờ cô dịch giùm các câu: “Tôi yêu cô lắm!”, “Cô có yêu tôi không?”… Cô ngước cặp mắt long lanh, hồ thu của cô, nhìn tôi và dịch. Tôi lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi thuộc, rồi thỉnh thoảng buột miệng nói với Miranda câu đó để nhìn thấy cặp mắt kia soi thẳng vào trái tim tôi, nóng bỏng.


Và cứ như thường lệ, cứ sáng thứ Bẩy, nàng đến đón chúng tôi đi chơi đến chiều mới thả hai đứa tôi về lại phòng ngủ. Việc đi chơi này kéo dài nhiều tuần lễ liên tiếp. Tôi kể chuyện tiếu lâm Việt Nam cho cô nghe để cô cười nắc nẻ. Tôi kể chuyện bậy lắm. Chuyện một bà mẹ uống thuốc ngừa thai, nhưng vẫn đẻ. Khi đẻ, bà cằn nhằn với bác sĩ đã cho bà uống thuốc dỏm. Bác sĩ chẳng nói gì, chỉ tiến đến nôi thằng bé, cầm tay nó lên và cố vạch tay nó ra, nhưng thằng bé nắm chặt quá, đến nỗi phải nhờ cô ý tá phụ tay mới vạch được ngón tay nó ra. Khi bàn tay mở ra, bác sĩ gọi bà mẹ, “Nhìn đây! Đâu có phải tôi cho bà uống thuốc dỏm đâu!” Bà mẹ cúi đầu nhìn xuống và thấy viên trong lòng bàn tay nắm chặt của đứa bé là viên thuốc ngừa thai!

Miranda cười không ngớt. Mỗi tiếng cười của nàng như trái phá nổ tung trong tim tôi nhất là khi nàng nghoẹo đầu, mái tóc nàng cũng xổ ra, lượn bay như những cánh chim, cánh bướm, đẹp vô cùng.

Một hôm, bất ngờ, Miranda rủ tôi đến nhà chơi vào thứ Bẩy, rồi ở lại ăn cơm tối với cô. Dĩ nhiên, tôi rủ Thiện cùng đi, vì tôi không có gan lại nhà nàng tiên đó một mình, nhất là ngại phải gặp chồng cô! Ba chúng tôi lên đường, đến nhà cô là một gian nhà xinh xắn giữa một khu vườn tịch mịch. Điều bất ngờ hơn là khi vừa đến cửa, thì chồng cô xuất hiện. Ông chào chúng tôi, bắt tay và xách cặp tay nhỏ đi luôn, sau khi chúc chúng tôi ở lại vui vẻ!

Hai đứa tôi lập cập bước vào nhà, không hiểu sao chồng cô lại bỏ đi, không tiếp chúng tôi. Kỳ thị chăng? Không phải! Thấy chúng tôi hơi chưng hửng, Miranda giải thích là chồng cô muốn chúng tôi tự do vui chơi, vì ông là một chuyên gia khoa học, suốt ngày ngồi tính toán, không quen chuyện trò với người lạ. Thôi, kệ, chúng tôi cứ vui với nhau, ăn nhậu, uống cà phê, nghe nhạc, thỉnh thoảng ngưng lại để cho con nàng ăn, đi tiểu tiện và chơi. Thằng bé ngoan quá, chẳng đòi mẹ gì cả, cứ ngồi trong cái nôi rộng mà chơi một mình. Lâu lâu mẹ nó mới bế lên, cho ăn, chơi chừng mươi mười lăm phút lại bỏ cháu bé xuống nôi, rồi quay qua nói chuyện với tôi. Đến khi thằng bé ngủ, thì hai đứa khiêu vũ. Thiện không quen nhẩy đầm, nên chỉ có hai đứa tôi ôm nhau nhẩy hết bài này đến bài khác. Và vì chính tôi cũng nhẩy không giỏi, nên nàng phải chỉ cho tôi những điệu mới. Tay học trò này cứ mê đi trong vòng tay cô giáo cho đến tối, cũng không thấy chồng nàng về. Kệ, tôi cũng chẳng hỏi. Lại ăn, và xem album của nàng. Ba đứa chụm đầu vào nhau, mở từng trang giấy… Đến khuya, Thiện mệt quá, lăn ra sa-lông ngủ thẳng cẳng. Còn tôi và nàng.. ngồi đối diện nhau trước cái bàn ăn nhỏ, nói chuyện rù rì. Bốn mắt nhìn nhau say đắm. Đến một lúc, không thể kìm hãm được sự sôi nổi trong lòng, tôi với tay qua, nắm lấy tay nàng. Miranda không những để yên tay nàng trong tay tôi mà còn nghiêng người qua, hé mở nụ môi đẹp như hai cánh hồng nhung, mời mọc. Bộ ngực nàng hình như trắng thêm, nở căng hơn, khiến tôi nhìn thấy cả nhịp đập của tim nàng phập phồng dưới làn da trắng nõn và vì cùng một tần số yêu nhau, tim tôi cũng cùng chung nhịp với tim nàng, và đập rất mạnh, đến nỗi tôi có thể nghe được cả tiếng hai trái tim cùng rung lên một nhịp. Trong một thoáng mất tự chủ, tôi cũng chồm người tới trước, để thấy hơi thở nàng dồn dập ngay trên môi…

Bất ngờ, ngay giây phút khởi đầu cho một mối tình say đắm ấy, tôi chợt nhìn thấy sau lưng nàng, trên tường, hình tượng Chúa đóng đinh! Hình như mắt Chúa đang nheo lại, u buồn lắm… Con ạ! Ngừng tay ngay! Nguy hiểm!

Và chỉ trong sát na ấy, tôi khựng lại như bị ai đóng đinh vào chân tay mình. Người tôi rũ xuống, bàn tay cầm tay nàng bỗng lỏng ra. Tôi thở một hơi dài, và ngồi lại vị trí cũ.

Nàng… có lẽ đang say mê với một nụ hôn ác liệt, chưa hiểu ý tôi, còn nhìn tôi, chưng hửng. Tôi nhè nhẹ lắc đầu, quay đi…

Đêm hôm ấy là đêm dài nhất trong cuộc đời trai trẻ của tôi với những chiến đấu, lúc thắng lúc thua, khi vì bản năng, muốn chồm lên cho một cuộc ái tình tuyệt đẹp, khi lại tự trách móc mình tội lỗi, xấu hổ, yêu một người có chồng, thiệt bậy bạ… Đôi khi tôi phải cấu tôi thật mạnh cho tỉnh người, khỏi mê đi mà bước vào phòng nàng, mở hé cửa! Sáng ra, tôi mệt phờ phạc như sắp chết, nói không ra hơi. Nàng hiểu hết, lẳng lặng pha cà phê cho cả hai chúng tôi, rồi đưa chúng tôi ra về.

Thứ hai, đi học như thường lệ, nhưng không còn líu lo như hai con chim nhỏ khi tới giờ “break” nữa. Và một tuần trôi qua quá dài, tưởng như môt thế kỷ. Đến thứ Sáu, thì nàng mới mở lời là sáng mai, sẽ đón chúng tôi ra lên núi chơi. Tôi gật đầu và suy nghĩ liên miên. Liệu có nên tiếp tục gặp nàng nữa không? Gặp để làm gì? Nếu sơ sẩy chân tay, thì một tội nặng sẽ xẩy ra. Tôi sẽ thành tên ăn trộm, ăn trộm mất trinh tiết của một người phụ nữ từ một người đàn ông đáng kính. Thôi, thì thôi nhé, có ngần ấy thôi…

Sáng thứ Bẩy, thay vì ở nhà chờ nàng tới, tôi gọi điện thoại hẹn đi chơi với bà Price, một nhà báo da trắng khoảng trên 40 tuổi, đã ly dị, nhưng rất dễ thương, có hai đứa con gái 17, 19 cũng phổng phao, đẹp tiên sa, cá lặn. Bà Price vui vẻ nhận lời, phóng xe đến đón tôi và Thiện ra biển chơi!

Tụi tôi chơi rất vui. Vì muốn quên đi hình ảnh nàng đang bị tôi cho “leo cây”, tôi đùa với hai cô con gái tối đa. Chúng tôi chơi tuột dốc từ trên đỉnh đồi cát xuống, để lăn lộn, ôm chầm lấy nhau. Rồi chạy đuổi như con nít… có lúc tay tôi chộp vào bộ ngực mềm bốc lửa của hai cô con gái làm các cô cười hinh hích. Rồi ăn cà-lem chung với nhau. Bà mẹ cứ ngồi cười nhẹ nhàng, mặc cho chúng tôi dỡn hớt mà không nói gì. Đến tối, bà chở chúng tôi về nhà, ăn và ngủ chèo queo trong phòng khách. Cô con gái 17 tuổi cũng nằm chung với chúng tôi trên thảm, nói chuyện tiếu lâm như giặc. Mấy cô bé nghe tôi kể chuyện cười lăn lộn một lúc rồi lăn ra ngủ khò trên thảm. Còn tôi, suốt đêm nằm ngửa mặt nhìn trần nhà mà thở dài, mặc dù tôi chỉ cần với tay ra là đụng phải môt tấm thân mềm mại….

Thứ Hai, một buổi sáng nặng nề như đeo cối đá. Tôi vào lớp, không nhìn nàng, lẳng lặng ngồi vào ghế. Nàng cũng không nhìn tôi, mà cúi xuống tập sách mà nàng định giảng hôm đó. Bất chợt, tôi thấy có giọt nước mắt rơi xuống… Rồi một giọt nữa… Hoảng hốt, tôi phóng lên bàn cô giáo. Nàng nói mà không nhìn tôi:

- Em biết cách xử sự của anh rồi!

Nàng dùng chữ “policy” trong câu (I know your policy now!) có nghĩa là nàng đã đoán ra được lý do tại sao tôi cho nàng “leo cây”, nhận lời đi chơi với nàng rồi lại đi chơi với người khác. Tôi ú ớ không biết nói sao, chỉ khe khẽ nói, “Anh xin lỗi, xin lỗi trăm lần!” Nhưng nàng vẫn khóc tỉnh bơ, trước mặt cả lớp đang nhìn nàng thắc mắc. Chắc chúng tưởng tôi đã “làm gì” nàng rồi! Tôi phải xuống giọng hai, ba lần:

- Đừng khóc! Đừng khóc! Anh xin em mà!

Nàng vẫn khóc. Thấy không thể thuyết phục bằng cách thông thường, tôi dọa:

- Nếu em buồn quá như vậy, thì anh xin về Việt Nam ngay hôm nay, không học nữa!

Nghe tôi dọa, nàng giật mình, nhìn lên, níu lấy tay tôi:

- Đừng! Đừng về Việt Nam nhé! Học cho xong khóa đã!

Tôi bám lấy cơ hội, nói luôn:

- Thế thì em cười đi! Anh hứa sẽ không về, nếu em cười!

Nàng cười liền. Nụ cười của nàng làm tôi muốn đứt ruột! Không muốn cho bạn bè xầm xì thêm nữa, tôi về chỗ ngồi để hồn tôi bay ra ngoài cửa sổ! Sao gió hôm nay lại lạnh kinh hồn? Sao mây hôm nay lại ủ rũ như có đám tang?

Kể từ hôm ấy, chúng tôi không đi chơi với nhau nữa. Tôi đi tìm vui một mình bằng những bước chân âm thầm trên đường phố vào cuối tuần cho đến ngày mãn khóa, tôi đưa nàng tấm bằng tốt nghiệp để nàng ký tên vào phía sau, cùng với các ông thầy, bà giáo khác. Nàng viết một câu mà sau mấy thập niên rồi, tôi vẫn nhớ:

“Anh là người đàn ông lạ lùng nhất trong đời tôi. Tôi yêu anh vô cùng và mong có ngày anh trở lại với tôi.” (Youre the most wonderful man in my life. I love you very much and hope that someday, you will come back to me.) Ký tên: Miranda!

Miranda! Miranda! Đã nhiều thập niên rồi, tôi vẫn còn nhớ đến nụ cười của nàng, dịu dàng như cỏ mùa Xuân và nóng bỏng như mặt trời xích đạo. Còn em, có lần nào nhớ đến tôi không?

Chu Tất Tiến

Ý kiến bạn đọc
24/09/201200:12:29
Khách
Chuyện tình thật lãng mạng,nhưng "hơi bị xạo"
23/09/201219:19:53
Khách
Chuyện này hơi "BỊ" xạo à nha.
18/09/201215:11:17
Khách
cái nầy là bệnh tâm thần hơi năng đó , cái giáo dục ngày xưa làm lở mất bao nhiêu giây phút thần tiên của cuộc đời. Bây giờ lại tiếc !!!. Có thật như vậy không ông cụ Chu t. T. của tui !!
20/09/201223:37:13
Khách
Trời ơi!Thánh thiện quá chừng!Một mối tình lãng mạn mà thơ mộng hiếm có lắm thay!

Cám ơn "vòng tay học trò "đã dừng lại kịp thời.

Có ai sực nhớ tới thi sĩ Hồ Dz nh với:"Tình chỉ đẹp khi còn đag dở"không?

Nhớ lại mối tình xa xưa;bây giờ chúng ta được đọc một tuyệt tác của tác giả;cô Mỉanda còn mang mác vấn vương với người tình trong mộng và bao quát hơn về chuyện dân tộc;biết đâu chừng khi nghĩ về dân tộc Việt nam,cô giáo mỹ miều kia chẳng dâng lên trong lòng chút cảm phục...Một con người thánh thiện như thế ắt hẳn phải thấm nhuần một nền văn hoá,giáo dục thế nào...

Hơn cả tuyệt vời!

Hoan nghênh!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,016,869
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ.
Với bút hiệu Trần Như Nguyện, tác giả hiện là phóng viên truyền thông cho một số báo Việt và Đài Truyền hình tại Hoa Kỳ. Định cư Mỹ 27 năm, nhưng đến 2017 lần đầu tiên tham gia Việt Báo và đã đoạt giải Đặc Biệt VVNM 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa, cơn bão Harvey ". Sau một năm vắng bóng, nay cô xuất hiện lại với bài viết thứ tư dự thi.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn. Bài đăng 2 kỳ, bắt đầu bằng “Chuyện Con Bé Tuổi Mùi”. Mong bà tiếp tục.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước khi ông còn ở Việt Nam và đã nhận giải đặc biệt 2005. Hiện tác giả đã an cư tại Hoa Kỳ và đây là bài thứ hai ông viết từ quê mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến