Hôm nay,  

Đi Giữa Little Saigon, Nhớ Sài gòn

03/09/201200:00:00(Xem: 179398)
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài “Đoá Hồng Bạch” tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 và đã từ miền Đông bay về Little Saigon dự họp mặt năm thứ 12 của giải thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
nhat_chi_mai_nha_ca
Tác giả và Nhã Ca tại trụ sở Việt Báo.
Cuộc đời có những duyên tái lai kỳ ngộ, ít ra cũng ở trong số phận của tôi. Tôi đã trở lại nơi tôi lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ, đúng 12 năm trước cùng ngày tháng đó. Ngày ấy bao nhiêu là ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi nhìn thấy nước Mỹ trong mơ ước của mình và nhiều người.Ngày ấy không biết chi hết về nước Mỹ. 12 năm qua cái gì cũng ham học, cố học cho biết ở nước Mỹ.

Tôi đã có hân hạnh gặp nhà văn Nhã Ca của "Đường Tự do Sài gòn", được nghe nhà văn trò chuyện trong văn phòng của bà đượm màu Thiền định, thanh tịnh khác hẳn không gian tòa soạn báo bận rộn bên ngoài hay khác hẳn cuộc sống nhộn nhịp của Little Saigon. Mỗi người như đều có một không gian riêng cho mình sống, thở, hay một khung trời riêng cho mình yêu thích, gởi tâm hồn mơ ước, hoài vọng. Tôi đi giữa Little Saigon tự do mà nhớ về Sài gòn . ..

Sài gòn mùa nắng, ngày nóng rực trời, mồ hôi rít da, bụi, sự mệt nhoài bởi cái nóng ...Tất cả quyện trong thể thái tất nhiên của khí hậu nhiệt đới. Có lẽ vậy nên từ rất lâu người ta đã trồng nhiều cây cho mát dịu thành phố. Nhiều con đường hai hàng cây xanh cao tỏa bóng làm đẹp cho Sài gòn từ xưa đến lúc tôi tới. Tôi nghe người ta vẫn nói Sài Gòn thượng vàng hạ cám, có những điều thật sang trọng, đẹp đẽ bên cạnh nhiều thứ thật khổ nghèo, bần cùng, rẻ mạt. Những xóm nhà dân lao động bên dòng kênh đen thui bốc mùi hôi nghẹt thở vì nước ô nhiễm trầm trọng. Những người chạy xe cyclo, xe thồ, xe ôm da đen sạm vì nắng, áo đọng muối mồ hôi khô ướt suốt ngà. Đoàn gánh hàng rong của các phụ nữ mà cả gia tài là trong các thứ quà ,bánh,trái ... nặng trên đôi vai gồng gánh. Họ cố rảo bước khắp thành phố kiếm đồng tiền quí giá để sống và dành dụm chút ít gởi về cho gia đình ngoài miền Trung.

Sài gòn đêm đêm vọng lại tiếng rao “bắp nóng, bánh chưng bánh giò nóng đây...” của các cô gái con nhà nghèo hay dân nhập cư từ các tỉnh khác đổ về đạp xe dạo bán, hay của một bà già cứ xế chiều đi bán dọc trung tâm Sài gòn. Tiếng xe mì gõ lóc cóc qua các ngõ hẻm tối khuya. Mì một nhúm trong nước lèo thật nóng, vài lát ớt xắt mỏng,với hành hẹ, một vài lát thịt mỡ mỏng như lá lúa. Vậy đó mà thật ngon cho dạ dày người nghèo thèm đủ thứ. Những sinh viên ra trường chạy khắp nơi kiếm việc làm, đi tiếp thị, dạy kèm.

Sài gòn tất tả nhoc nhằn mưu sinh nhưng không thiếu sự quyến rũ hấp dẫn của một thành phố hoa lệ, phát triển thương mại, kỹ thuật. Nhiều khu ăn uống ngon, người dân thích tiêu xài, vui chơi, thời trang... Một sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Những em bé nói tiếng Anh như bắp rang nổ cố chào bán postcard, chèo kéo du khách nước ngoài mua dùm cho những bưu ảnh cảnh đẹp Việt Nam, mà con người nơi đó thì chẳng có điều kiện cuộc sống no đủ hay thảnh thơi, dư dả để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp hay đi thăm được.

Có một con đường đã đổi tên nhưng không thể phai mờ bởi cảnh sắc tươi đẹp và cái tên quý đối với người yêu Sài gòn hay người Việt nam: đường Tự do. Tự do - một điều kiện cần cho mưu cầu hạnh phúc. Con đường Tự do trong trái tim của nhiều người và của Nhã Ca. Với tôi cũng chẳng thể nào quên con đường đó.

Một cô gái gầy nhỏ, tóc đen dài đạp chiếc xe đạp cũ đem từ miền Tây lên, trong dòng người kiếm sống ở Sài gòn. Nắng gió làm đen da mặt cô. Sự vất vả ngược xuôi, ngày ngày đạp đi nhiều nơi làm gầy gò thêm vóc dáng cô nhỏ mới đến sống ở thành phố này. Sáng đạp xe vào Tân Sơn Nhất dạy kèm cho con nhà giàu buôn Hồng ngọc, trưa chiều lại đạp tới An bình dạy, tối về tận Phú Nhuận...

Sài Gòn với cô cái gì cũng lạ: đường phố dài, cửa hiệu to, người mua kẻ bán ở các chợ Bến Thành, Tân Định, An Đông, Soái Kình Lâm tấp nập, hàng hoá tràn trề phong phú. Người dân thích ăn uống dọc vỉa hè nhất là ban đêm. Họ chọn ngồi phía ngay lề đường hóng gió hơn là ngồi vào trong quán. Người ta kháo nhau về các món ngon, đủ món Tàu ở quận 5, phở Pasteur, cháo vịt Thanh Đa, bánh tráng phơi sương, bánh tôm Hồ Tây, bánh canh cua gần chợ Bến Thành. Rồi lẩu dê Trương định, quán hải sản tôm nướng Thi Sách, bánh xèo Đinh Công Tráng.

Cho đến ngày vào làm ở một Art Gallery trên con đường đẹp nhất, sang trọng nhất của Sài Gon. Mỗi ngày cô gái đạp xe dưới hai hàng cây của đường Tự Do, tên xưa nay bị đổi thành Đồng Khởi. Trưa trưa vỉa hè lót gạch con đường ấy quen lắng nghe tiếng chân rộn rã nhịp giày, guốc đi về. Cô đi ăn trưa, đi ngược lên mãi tận nhà thờ Đức Bà. Cô đi, ngắm các cửa hiệu lộng lẫy bày bán lụa là gấm vóc, rồi tự đặt tên cho con đường ấy là "Con đường tơ lụa của Sài Gòn". Các tiệm ăn, khách sạn, hiệu bánh đợi khách dừng chân ghé vào ăn trưa và ngắm Sài gòn lim dim trong nắng chói chang. Có vài buổi chiều bị cúp điện, phòng tranh không thể bán bằng đèn cầy, khách ngắm không được kỹ để chọn tranh, cô lại được dịp dạo qua hết các con đường xung quanh.

Có một cậu bé tàn tật người quặt quẹo biến dạng nằm trên chiếc xe gỗ thường xin ăn ở quanh đó, nhất là đường Đồng Khởi. Những em bé gầy gò, lem luốc bán vé số hay xin ăn trên các đường phố sầm uất, đông vui ở Sài gòn. Sự tương phản giữa sang -hèn quá rõ, thấy mà thương...

Một ngày có một người Việt nam bước vào hỏi mua bức tranh sơn dầu khổ lớn của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Thời ấy có mấy người Việt Nam dám mua, có thể mua nổi và treo tranh của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, trừ Việt Kiều hay vài nhà sưu tập tranh giàu có. Việt Nam thời mở cửa, du khách ngoại quốc bị hút hồn bởi vẻ đẹp Đông phương nên nhiều khách dốc túi, trút hầu bao mua đồ gốm cổ thời Lý,Trần. Họ lùng tìm mua cả đồ sứ cổ đời Tống, Minh, tranh cổ của Trung Hoa. Họ ưa chuộng cả những tượng Phật, tượng đá Chàm, áo quần lụa, gấm, khăn thêu và tranh. Đặc biệt là tranh của các họa sĩ tốt nghiệp trường Ecole Superieure des Beaux-Arts de L'Indochine do họa sĩ Pháp Victor Tardieu làm hiệu trưởng, sáng lập năm 1924.

Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông dương và ông Tardieu đã thổi một làn gió mới vào Hội hoạ Việt Nam, với kỹ thuật, kiểu cách hội họa Tây Âu đã phát triển quá rực rỡ. Với phong cách hiện đại, hoa mỹ của Tây Âu nhưng tâm hồn dịu dàng, tinh tế, sâu lắng của Á Đông đã làm cho các bức tranh của các họa sĩ của trường Mỹ thuật Đông dương được yêu chuộng, được đánh giá cao.


Du khách tìm tới ở các Gallery hay thậm chí tìm đến nhà riêng của các họa sĩ lão thành đó để mua tranh. Những bức tranh sơn mài về thiếu nữ Việt Nam ba miền duyên dáng của Nguyễn Gia Trí. Những chân dung phụ nữ của họa sĩ Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên. Là tranh thiếu nữ bên hoa của Tô Ngọc Vân. Rồi những tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái với các gam màu lạnh như xám, nâu, đen, trắng... đúng là hồn 36 phố phường cũ kỹ, ưu hoài. Du khách cũng ưa chuộng các bức Múa dân gian của họa sĩ lão thành Nguyễn Tư Nghiêm, tranh lụa đề tài các cảnh đồng quê, cuộc sống dân dã gần gũi của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Người ta đua nhau mở Gallery và cửa hàng đồ cổ ở Sài gòn theo thị hiệu của du khách nước ngoài.

Thấy người nước ngoài mê thích tranh và đồ cổ sẵn sàng trả giá cao, đôi khi không cần có thẩm định rõ phẩm chất thực sự nên những kẻ cơ hội, vô lương tâm đã dám làm cả đồ cổ giả và tranh giả, nhất là tranh ký tên Bùi Xuân Phái để bán thu lời lớn. Làm cho thị trường tranh - đồ cổ có lúc cũng khủng hoảng, vì thật giả lẫn lộn.

Mỗi khi rảnh cô gái thường đạp xe qua những con đường thanh vắng ngắm cây ngắm phố, Sài Gòn ngày xưa có nhiều con đường thật đẹp, xanh mát để khi ai đi xa, những con đường cũng là nỗi nhớ trong muôn ngàn nỗi nhớ về Sài Gòn.

Bây giờ người ta kể, ghi lại hình ảnh phố xá đã bị đào xới làm cống rãnh, bị triều cường. Xe máy đủ loại thi nhau nhả khói, người người bịt mũi, bịt mặt, đội nón bảo hiểm. Còn đâu cảnh thiếu nữ đạp xe thong thả dưới bóng hàng me lá bay trong gió. Tóc dài hiền mượt, áo dài thơ mộng bay trong giấc mơ, nỗi nhớ tiếc về Sài Gòn.

Cô gái ấy mang đôi mắt và hình ảnh của tôi ngày ấy.

Tôi đã đem theo sự háo hức, tính chịu khó của cô gái trẻ, những băn khoăn công bằng xã hội khi đến vùng đất mới này.

Hành trình của người di dân đến miền đất hứa và hội nhập theo tôi cảm nhận đa số là những hành trình đầy nước mắt trước khi thây nụ cười. Nước mắt nhớ thương cố hương, người thân, khi cô đơn quạnh quẽ. Nước mắt của chia lìa, mất mát, của đợi chờ, tan vỡ, của thất vọng nhọc nhằn, của cả bị phản bội, bị lừa dối, bị hiểu lầm... Nước mắt mừng mừng tủi tủi rơi trên miệng cười khi đoàn tụ, bảo lãnh được thân nhân. Nụ cười khi biết tiền mình gởi về giúp được người thân chữa bệnh, sửa nhà hay mua sắm món đồ họ ao ước. Nụ cười khi mua được nhà -the American Dream, khi mình vượt qua chính mình để vươn lên. Khi được lên lương hay nhận được job tốt, cười hạnh phúc thấy con cái thành đạt, được gặp gỡ trong tình đồng hương chân thành ngày vui hàng năm...

Những tháng ngày mới sang, mong tìm một việc làm dù là tiền mặt. Sáng thức dậy để đón chuyến tàu sớm nhất 5.15 am, tới nơi đứng cầm dù che tuyết đang rơi, đợi người ta đến chở đi làm ở các công xưởng nhà máy gọi là làm Work Center. Khi chưa biết lái xe, chưa có xe phải đẩy con đi chợ cuối tuần trong tuyết, chú bé được mặc ấm quấn mền nằm ngoan không khóc la khó chịu. Lòng thầm cảm ơn con như đã hiểu thông cảm cho nỗi khó khăn của mẹ và gia đình.

Những chiều gần Tết đi học về ngang qua Public Garden tuyết trắng tinh phủ đầy trên mặt đất, trời cũng trắng xóa, mà nhớ nắng ấm quê hương, nhớ bao chuyến xe dịp cuối năm nóng ngột vội vã chở người và hàng mau về quê ăn Tết... Tôi dừng lại nhìn cảnh đó không một bóng người, chỉ có hàng cây trụi lá và ghế sắt, cột đèn. Nếu là họa sĩ, tôi sẽ vẽ ngay bức tranh thủy mạc buồn gợi cảm chỉ với 2 màu trắng đen đó để kỷ niệm mùa Đông ở quê hương thứ hai này.

Rồi để dành được chút tiền, bắt đầu tìm mua xe, học cách đi mua xe cũ người ta chỉ cho, khi dở nắp xe lên coi máy móc không bị lem luốc dầu nhớt thì xe chưa rã máy, nên mua hơn là xe máy móc tèm lem. Khi có xe rồi, những sáng mùa Đông dậy sớm hơn cào xúc đống tuyết phía trước hay phía sau xe để làm sao lái xe ra dễ hơn. Hôm nào mùa thu lá vàng bay lả tả trong màn mưa, thế nào cũng bật lên nghe bài tình ca Việt nam vì mùa thu hay gợi cảm xúc hoài niệm lắm nhất là quê hương và mối tình xưa cũ. Có những chiều ra biển hóng gió, trời đất yên ả bãi cát vắng vẻ. Vài cánh hải âu làm điểm nhấn sinh động cho khung cảnh bình an và lòng chợt nhớ về những bãi biển thùy dương tuyệt đẹp của Việt nam mà ta chẳng được nhìn, được hít thở hơi biển mặn trong gió nữa.

Có những lần bay đêm ngắm đèn vàng, đèn trắng rực rỡ như dát kim tuyến lộng lẫy trên tấm áo dài nhung đen là mặt đất thành phố nước Mỹ mà chợt nhớ thương VN khi đi về vùng nông thôn thiếu điện nước. Tôi nhớ những lần từ Sài gòn về Cần thơ trên xe đò về tới khuya, xe chạy qua những đồng ruộng miền Tây mênh mang, gió đêm mát lạnh. Xa xa vài ánh đèn le lói, tiếng chó sủa xa gần trong những lùm cây hàng dừa tối đen của xóm làng. Cùng trên một trái đất mà khác nhau đến thế. Nơi thì quá giàu có dư phí, điện không bao giờ tắt trong những cao ốc văn phòng của nước Mỹ. Nơi thì quá nghèo nàn lạc hậu, thiếu thốn đủ thứ như quê nhà... Ngày nào vô Thư viện Mỹ cũng ngợp mắt trước những giá sách cao đầy đủ loại sách, phim ,ảnh, băng học để học suốt đời cũng không hết, để được mượn về đỡ tốn tiền mua mà có thể mở mang kiến thức, thật là quá hay.

Cứ thế mà tôi sống giữa hiện tại và quá khứ. Hiện tại thì đẹp, quá khứ cũng có nhiều kỉ niệm đáng nhớ mà buồn đầy trăn trở về tương lai.

Người ta có duyên mới đến được với điều mình quý mến, ao ước. 12 năm Việt Báo lắng nghe, đón đợi người Việt hải ngoại viết về Nước Mỹ. Còn tôi, 12 năm qua tôi cũng lắng nghe nhịp đập trái tim mình đối với nước Mỹ. Tôi muốn cảm tạ những duyên đời đây đó, xin tri ân những người đã đem tôi tới nơi này, những nguời đã cùng tôi sống, gặp gỡ , chia sẻ bao cay đắng ngọt bùi trong đời, dù họ còn ở bên tôi hay đã xa rời tôi... Xin cảm ơn Việt Báo đã dành cho tôi một may mắn được nhìn lại quãng đời 12 năm qua ở Mỹ với nụ cuời vui, cũng như Việt Báo mừng Giải thưởng "Viết về nước Mỹ"12 năm tròn, một vòng viên mãn. Những gì của 12 năm ấy không phải bắt đầu hay kết thúc mà vẫn tiếp diễn trong vòng quay bất tận của cuộc sống, như 12 tháng tuần tự trong năm, như 12 con giáp của Địa Chi.

Little Saigon có những con đường thật đẹp bởi có tự do thực sự, no ấm, hạnh phúc cho người Việt và tôi nhớ để khắc khoải: bao giờ đường Tự do trở lại tên xưa cùng với Sài gòn? Sài gòn ơi!

Nhất Chi Mai

Ý kiến bạn đọc
08/09/201220:59:42
Khách
Sài Gòn vẫn luôn là nguồn cảm hứng dạt dào cho những người viết, xin cảm ơn anh đã nhận xét.
04/09/201203:10:50
Khách
Rất cảm xúc!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,280,970
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến