Hôm nay,  

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh Và Việt Báo Viết Về Nước Mỹ

18/08/201200:00:00(Xem: 65952)
Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ 30 Tháng Tư năm 2000, và vị chánh chủ khảo đầu tiên của Viết Về Nước Mỹ là nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, hình bên, đã loan báo kết quả giải thưởng trong cuộc họp mặt ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm đầu tiên được tổ chức tại Thư Viện và Bảo Tàng Tổng Thống Richard Nixon, Nam California ngày 29-11-2000.

Mười hai năm sau, đúng ngày họp mặt Viết Về Nước My2012, nhà báo Sơn Điền đã tạ thế vào lúc 8 giờ 15 phút Sáng Chủ Nhật 12, tháng Tám, thọ 92 tuổi, 

Để tưởng nhớ vị chánh chủ khảo đầu tiên, xin mời đọc lại bài viết năm 2000 của ông về giải thưởng và xem thêm trang Tưởng Niệm Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh cùng trong số báo này.

Những Phấn Hoa Tản Khắp Phương Trời

Bạn nghĩ gì về nước Mỹ? Khi viết về một đề tài lớn có tính tổng quát, những ý kiến thường rất khác nhau, cả cách hành văn hay bút pháp cũng không ai giống ai. Thế nhưng một điểm chung vẫn nổi bật khi các bài viết đa dạng đó xuất phát từ một nguồn duy nhất.

Chúng ta đã có một xuất xứ chung là người Việt định cư tại hải ngoại từ một phần tư thế kỷ qua. Tôi nghĩ mẫu số đó là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc thi viết về nước Mỹ mà hệ thống Việt Báo mời bạn đọc tham dự. Điều này nếu đúng cho nước Mỹ tất nhiên cũng đúng cho người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có những đợt di dân nhiều như trong 25 năm qua. Và trong lịch sử thế giới cũng chưa bao giờ có một số người đông đảo đến 2 triệu người di dân lại có thể thành công trong một thời gian tương đối ngắn đến như vậy. Khoảng một nửa di dân Việt Nam hiện đã định cư ở Mỹ.

Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy rất nhiều người Việt ở Mỹ đã đáp ứng nhiệt tình lời kêu gọi của Việt Báo viết về nước Mỹ. Hàng trăm bản thảo gửi đến - và còn tiếp tục gửi nữa có vẻ ngày càng nhiều - đã làm bộc lộ những hoàn cảnh cá nhân, những kinh nghiệm của một người, một gia đình từ lúc ra đi cho đến khi đặt chân đến Mỹ.

Bước đường di tản có khác nhau, có những người thoải mái lên phi cơ nhưng cũng có những người phải chờ đợi hàng tháng, hàng năm trong lo âu, mệt mỏi và có những lúc đã tưởng như tuyệt vọng ở các trại tập trung tị nạn ở các nước Đông Nam Á. Khác nhau chỉ là vấn đề may rủi.
2000_vvnm__ng_v_khanh_gray
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh phát biểu tại họp mặt năm đầu, Thư viện Nixon 29-11-2000.
Người Việt Nam có đặc tính dân tộc là không quên nguồn gốc. Nhiều người ra đi chỉ vì thời thế bắt buộc hoặc chỉ vì muốn tìm một tương lai tươi sáng hơn cho con em, nhưng tất cả đều tha thiết với quê cha đất tổ và những người họ phải bỏ lại với biết bao tình thương nỗi nhớ. Cả lúc đã ổn định cuộc sống nơi đất nước xa lạ, họ vẫn nhắc đến gốc rễ và lịch sử dân tộc, họ vẫn bảo vệ văn hóa dân tộc từ trong đơn vị gia đình nhỏ bé của họ, và hợp tác trong tập thể để giữ phong tục tập quán của mỗi miền đất nước Việt Nam. Không quên nguồn gốc, nhưng họ vẫn phải đối phó với những thực tế của cuộc đời trước mắt.

Sau hơn hai chục năm tính từ lúc những đợt di tản đầu tiên cho đến những đợt kế tiếp gần đây nhất, ngày nay những người gốc Việt đó đã có thể kể lại cảm tưởng của mỗi cá nhân khi mới đặt chân đến bến bờ của giải đất đầy cơ hội và hy vọng này. Và cố nhiên họ cũng kể lại muôn vàn khó khăn họ phải đối phó khi bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới trong một xã hội xa lạ.

Chật vật nhất là những đợt di dân đầu tiên, hầu hết đã phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng. Trước hết là hàng rào ngôn ngữ họ phải vượt qua, và sự khắc phục thế yếu về đủ mọi mặt của người mới đến để đua chen tìm cho bằng được công ăn việc làm. Kế đó là tiến trình lâu dài và bền bỉ để hội nhập với cuộc sống Mỹ. Về mặt này, những bậc cao niên gập khó khăn nhiều hơn giới trẻ.

Khi sự tự túc đã vững, họ dồn mọi khả năng cho con em đến trường học, đó là một cách đầu tư khôn ngoan và sáng suốt nhất cho tương lai. Trong khi đó chính những người mới đến cũng tự lo tìm cách bồi bổ thêm kiến thức, theo học các lớp dậy nghề hoặc các trường kỹ thuật ngoài gờ làm việc hay buổi tối.

Đọc những bài viết đó kể lại những cảm nghĩ, những kinh nghiệm đã qua, tôi thấy thật vui và phấn khởi. Cũng có những đoạn thử thách chua chát, những mẩu chuyện đau khổ, thất vọng hay bực bội, nhưng vẫn được kể lại với giọng văn dí dỏm, trào phúng đầy tính hài hước yêu đời của dân gốc Việt. Có lẽ rất ít người đã từng sống bằng ngòi viết, nhưng tôi thấy họ không kém gì những nhà văn chuyên nghiệp.

Tất cả các bài viết đó, dù ở mức độ khác nhau, đều đã làm toát ra được một điểm then chốt: nỗ lực tranh đấu của người Việt định cư ở Mỹ đã đạt được những thành quả quả phi thường.
2001_vvnm_son_diennvk_trao_giai_cho_nguyen_viet_tan
Trao giải thưởng cho tác giả Nguyễn Viết Tân năm 2001.
Ngày nay với sự lớn mạnh của các cộng đồng, người Việt định cư đang tiếp tục hoà nhập vào tấm thảm đa văn hoá dệt thành xã hội Mỹ. Những nhân viên làm việc văn phòng, những công nhân hãng xưởng dùng trí óc nhiều hơn bắp thịt, những chuyên gia gốc Việt đã kết thành một lực lượng đáng kể góp phần vào nền kinh tế phát triển ở Mỹ, trong các lãnh vực như ngân hàng tài chính, điện tử, kỹ sư, y tế, chế tạo và xây dựng. Một số người khác đã thành công ngoạn mục trong việc mở hàng quán, tiệm ăn, siêu thị hay trong các kỹ nghệ dịch vụ khác.


Là một phần tử không thể tách rời của đất nước này, người Việt không chỉ đóng góp vào nền kinh tế đang tăng trưởng của Mỹ, mà họ còn đem văn hóa Việt làm phong phú thêm tính đa dạng, vốn là cái lõi sức mạnh của nước này. Đó là cách tốt nhất để đền đáp lại một nước có truyền thống mở rộng tầm tay đón di dân.

Và cũng không phải ngẫu nhiên chúng tôi đã chọn đợt phát giải thưởng đầu tiên vào dịp Lễ Tạ Ơn năm 2000 theo truyền thống của nước Mỹ. Những bài viết của bạn đọc tham dự Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ đã nói lên một sự thật giản dị là di dân Việt đã thành công trong việc hội nhập.

Nhưng từ ngữ "hội nhập" cần phải xác định cho rõ. Hội nhập khác với hòa tan. Hòa tan là nung cho chảy, nấu cho nhừ và quậy cho kỹ, để tất cả những phần tử tan biến hết và trở thành một chất mới không còn chút dấu vết nào của những gì đã góp lại thành. Hội nhập là sự đóng góp của các thành phần trong đó những đặc tính cá thể phải được tôn trọng và bảo vệ để cùng nhau hòa hợp tạo ra một sức mạnh lớn hơn số kết bài toán cộng các cá thể.

Đây chính là sự cộng năng (synergy) với kết quả ngược với toán thông thường, 3 cộng 4 không thành 7 mà thành 8 hay 9, điều mà nền kinh tế hiện đại đang nỗ lực tiến tới trong bối cảnh toàn cầu.

Một sự hội nhập như vậy có thể nào bị tan vỡ không? Chúng tôi nghĩ không thể nào tan vỡ trừ phi tính đa dạng bị phá hủy bởi những bộ óc bảo thủ cực đoan muốn lội ngược dòng thời gian, điều họ không thể nào làm được. Vì cực đoan chỉ đưa đến thù ghét và thù ghét phát sinh bạo động, điều đó có nghĩa là tự sát.

Dân tộc Việt Nam không chấp nhận hòa tan, chỉ chấp nhận hội nhập. Bốn ngàn năm lịch sử dân tộc đã chứng minh điều đó. Một ngàn năm đô hộ của người Tầu, một trăm năm cai trị của người Tây, vậy mà bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam vẫn còn đó và kỳ lạ thay chỉ phong phú thêm chớ không khi nào mất. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, những người gốc Việt nay sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới đã làm bộc lộ bản sắc dân tộc đó.

Tôi nghĩ đến những phấn hoa bay đi khắp phương trời.

Người Việt hải ngoại có phải là một thành phần ưu tú, thông minh tài trí, tinh hoa nhất của dân tộc không?

Chắc chắn không phải.

Chúng ta chỉ là những phấn hoa bị gió thổi bay đi phương xa giữa một cơn bão táp của lịch sử đất nước, những phấn hoa còn lại cũng tài cũng trí giống hệt những phấn hoa bay đi, bởi vì tất cả cùng chung một gốc. Những người Việt hải ngoại nhờ có cơ hội đã nói lên được hai điểm quan trọng của bản sắc dân tộc.

Thứ nhất họ làm cho các dân tộc trên thế giới nhận thấy người Việt Nam biết hợp tác trong tinh thần dân tộc, chớ không phải chỉ biết chém giết lẫn nhau vì hận thù ý thức hệ như hình ảnh cuộc chiến tranh tàn bạo đã làm thế giới ngộ nhận. Đất lành chim đậu, nơi nào có ổn định, hòa bình và tự do dân chủ, chúng tôi sẽ đậu lại để nỗ lực phát triển và sự phát triển của chúng tôi sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của quý bạn, vì chúng tôi đã trở thành một phần tử bất khả phân của xã hội quý bạn.

Thứ hai họ muốn chế độ cai trị trong nước nhìn cho rõ một sự thật hiển nhiên: sở dĩ người dân trong nước không phát huy được tiềm năng như người Việt sống ở hải ngoại bởi vì họ không có điều kiện và cơ hội để phát triển. Không cần phải tìm điển tích ở đâu xa, chính các nông dân miệt vườn chúng ta đều biết tại sao cùng một giống cây cam, khi trồng ở đất này trái chua, nhưng trồng ở đất kia trái lại ngọt. Tài sản vật chất và trí tuệ của 2.5 triệu người Việt định cư ở nước ngoài, sự phát triển nở rộ của cộng đồng người Việt là một bằng chứng không thể phủ nhận.

Những bài gửi đến trong các đợt thi viết, nói lên những kinh nghiệm và cảm nghĩ về nước Mỹ, sẽ là những tài liệu xúc tích cho các học giả sau này muốn tìm hiểu về lịch sử di dân Việt Nam. Từng câu chuyện của từng người, từng gia đình khi được viết lại, sẽ trở thành những gì quý giá nhất lưu lại trên giấy tờ, một thứ di sản của những người Việt định cư ở Mỹ để lại cho những thế hệ kế tiếp.

Chúng tôi có một ước mơ. Một ngày nào đó không xa, một khu tưởng niệm người Việt di dân, với nhà bảo tàng và vườn hoa cây cảnh mầu sắc dân tộc, sẽ mọc lên ở Quận Cam, thủ đô của người Việt tị nạn hoặc ở Washington thủ đô của nước Mỹ. Hy vọng những bài viết về nước Mỹ đang tạo thành một thứ nền móng tinh thần mà trên đó những viên gạch cụ thể sẽ đặt lên để xây dựng khu tưởng niệm.

Những đàn chim tung cánh bay về các phương trời xa lạ, hết đợt này đến đợt khác. Nhưng không phải tất cả đã đến bờ đến bến. Một số không nhỏ đã gẫy cánh dọc đường. Có những người bạn, người ruột thịt của chúng ta ra đi đã vùi thân trong vùng đất lạnh không hương khói hoặc hài cốt nay đã rữa nát dưới đáy đại dương.

Hãy dành một nơi trang trọng nhất để thắp một nén nhang, nhỏ một giọt lệ cho những con chim đã lìa đàn, gẫy cánh.

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Tháng 11, 2000

Ý kiến bạn đọc
21/08/201217:27:37
Khách
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp bác Sơn Đìền Nguyễn Viết Khánh là ngày VB tổ chức phát giải thường Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, tổ chức tại Thư viện Nixon 29-11-2000. Tôi và bà chị Bảo Xuân ngôì dưới hàng ghế khán thính giả, nhìn lên , Bác bước từng bước chân chậm rải tiến lên bục, đứng lại, móc từ trong túi chiếc áo vest ra mảnh giấy trắng chắc xếp làm 8, vì tôi thấy bác cứ từ tốn mở từng lớp giấy gấp rất cẩn thận. Nhưng trong suốt thời gian bác nói chuyện với một số khán thính giả, đa số là những người viết từ VVNM , bác không nhìn vào tờ giấy.
Tôi nhớ, bác có nhắc tới "Những Phấn Hoa Tản Khắp Phương Trời" . Bá chị ngôì kế bấm tay tôi, nói nhỏ "Bác nói hay quá" .
Từ đó về sau, hai chị em tôi nôí gót nhau tham dự những ngày phát giải VVNM hằng năm, năm nào cũng trông ngóng xem bác Sơn đìền có xuống dự không, để tôi tới xin bác chữ ký lưu niệm trên cuốn sách VVNM năm đó, và xin bác cho chụp tấm hình.
Mới năm ngoái đây, bà chị hớn hở tươi rói khi nhận được phần thưởng cao quí nhất , giải Việt Bút , trao tận tay từ bác. Tôi lại có dịp bấm lia lịa những hình ảnh nầy.
Vậy mà, năm nay, tin bác ra đi ngay ngày VB phát giải , làm buồn vô cùng, buồn nhất là tôi sẽ không còn được chụp hình bác nữa.
Bác đã sống một cuộc đời đáng sống, và rời bỏ cuộc đời với rất nhiều luyến tiếc và ngưỡng mộ.
Cầu chúc Bác sớm về cõi Phật.

18/08/201204:43:51
Khách
Luôn kính trọng và ngưỡng mộ các bài viết của cụ khi còn sinh thời. Thành kính phân ưu cùng gia đình cụ và đại gia đình Việt Báo đã mất đi một bậc trưởng thượng kính yêu. Nguyện xin hương hồn cụ sớm về nơi vĩnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,108,866
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ hai của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây, bài viết thứ ba là chuyện về mùa xuân và hoa đào.
Tác giả là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế năm 1972, đã dạy văn tại Huế 18 năm. Đến Mỹ 1990, đi học và trở lại nghề nhà giáo. Hiện dạy tại 2 trường California State University, Sacramento - Cosumnes River College, và Sacramento, California. Bà cũng từng là hôi trưởng, điều hành Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Sacramento, từ 1995-1997. Tác giả đã nhận Giải Danh Dự Viết về nước Mỹ 2009, với bài viết Levina, chuyện một thiếu nữ có mẹ Việt và bố là chiến binh Mỹ gốc Phi Châu bị giết tại Tân Sơn Nhất cuối tháng Tư 1975.
Tác Giả lần đầu tham dự VVNM từ tháng 7/2018. Tại Saigon trước 1975, Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa, có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến