Hôm nay,  

Tấm Hình Định Mệnh

06/08/201200:00:00(Xem: 154054)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông cũng tham dự nhiều sinh hoạt cộng đồng tại San Diego và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên. Năm nay, Phạm Hồng Ân là tác giả vào danh sách chung kết giải thưởng Việt Báo 2012. Sau đây là bài viết mới của ông.

Tấm ảnh chụp một người đàn ông gầy gò, cụt hai chân đang nằm thiểu não trên giường - đăng trên tờ báo địa phương - đã làm động lòng Bích, khiến nàng không thể không đọc phần ghi chú kế bên. Thương phế binh Hoàng Giàu, bị thương nặng trên chiến trường Quảng Trị năm 1972. Hiện sống tàn tật, nghèo đói, khổ đau. Rất cần lòng xót thương nhân từ nơi bà con cô bác ở hải ngoại. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về : Hoàng Giàu, số 117.......xã Tân Uyên, Biên Hòa.

Bích nhìn đi nhìn lại tấm ảnh hàng chục lần, rồi tự dưng nước mắt rơi xuống lúc nào không hay. Tấm ảnh chụp khuôn mặt người đàn ông gầy gò, hao hao giống khuôn mặt cha Bích trong bức chân dung mà mẹ Bích đã dặn dò trao lại trong ngày tháng cuối cùng.

- Đây là hình ba con, Nguyễn Xuân Hòa. Năm 1972, chiến tranh đến hồi khốc liệt, ba con là quân nhân đã mất tích trong trận đánh Quảng Trị. Lúc đó, con chỉ được vài tháng tuổi. Gần 40 năm qua, mẹ sống trong chờ đợi, mòn mỏi nuôi con cho đến ngày thành tài. Mẹ vẫn hy vọng ba con còn sống. Ông đang quanh quất đâu đây, thay tên đổi họ để chạy trốn mẹ con mình.

Bích tiến gần vách tường, đưa tờ báo sát vào bức chân dung để so sánh. Một trẻ một già, tuy khác xa một trời một vực. Nhưng khuôn mặt vẫn có nét hao hao giống nhau. Nhất là cái miệng, nó rộng quết và cong cong như một vầng trăng lưỡi liềm. Có thể ông này là cha mình? Nếu đúng, đây quả là một cuộc trùng phùng kỳ diệu. Có phải Thượng Đế đã sắp sẵn, đã an bày? Mình chưa có ý định tìm cha, tình cờ đã gặp cha rồi? Một tình cảm mơ hồ nhưng êm ái bỗng dưng xuất hiện trong tâm hồn Bích. Bích khao khát ngã vào vòng tay cha, đón nhận những thương yêu đầm ấm và được cha che chở, an ủi trong những lúc Bích trượt chân giữa dòng đời.

Nhưng một mối hận khác cũng đang len lỏi vào tâm hồn Bích, đối kháng quyết liệt với tình cảm êm ái trên. Tại sao cha phải thay tên đổi họ để chạy trốn mẹ, chạy trốn Bích. Cha muốn bỏ rơi mẹ, bỏ rơi hòn máu mà cha đã tạo ra? Lời mẹ văng vẳng bên tai, như một nhắc nhớ khó quên.

- Con biết không, sĩ quan hồi đó đào nhiều lắm. Mấy ổng đi đến đâu, gây nợ tình đến đó. Mẹ nghi, mẹ con mình chỉ là một trong những bến ghé chân của ổng mà thôi. Biết đâu, hiện tại ông đang sống ở bến khác, hạnh phúc hơn bến của mình!

- Vậy lúc đánh nhau ở Quảng Trị, sau khi tàn trận, người ta nói với mẹ như thế nào?

- Người ta chỉ báo với mẹ là ba mày mất tích, thế thôi.

- Con nghĩ, ba mất tích thật sự. Tại mẹ quá ghen, nên nghĩ xấu như vậy.

Mẹ Bích bỗng lồng lộn lên.

- Mất tích thì sớm muộn gì cũng tìm ra tông tích. Mà nếu có chết, thì cũng phải có xác chứ! Đằng này, biền biệt cho đến ngày hôm nay.

Thấy Mẹ bắt đầu giận, Bích chạy vội đến, ôm sát Mẹ vào lòng, nũng nịu.

- Mẹ ơi! Mẹ kể chuyện tình của Ba và Mẹ cho con nghe đi! Coi nó có lâm ly bi đát như chuyện tình thời nay không?

- Chuyện tình thời nay làm gì có lâm ly bi đát. Nó giải quyết một cách nhanh chóng và ngắn gọn. Vì có sự tiếp tay của nền văn minh khoa học.

- Mẹ nói khó hiểu quá!

- Ngày xưa, Mẹ và Ba con hẹn hò nhau rất khó khăn. Con biết, Ba con là lính mà. Suốt ngày bận bịu với hành quân, với chiến trận. Thời giờ rảnh rất ít và rất bất ngờ. Lúc đó, người ta đâu có cell phone, đâu có email, đâu có internet...như ngày nay mà nhanh chóng gặp nhau. Ở xa, Ba phải ra bưu điện gửi thư hoặc đánh điện tín. Thư thì một tuần sau mới tới Mẹ. Điện tín mau hơn, ba ngày sau.

- Trời ơi! Phải một tuần, ít nhất là ba ngày mới có tin để hẹn gặp nhau. Ba Mẹ phải thủy chung lắm, mới có được một tình yêu bền vững? Con không tin, Ba bỏ rơi Mẹ con mình. Nhất định con sẽ tìm ra tông tích Ba con.

Hai ý nghĩ cứ đối kháng nhau một cách quyết liệt, làm Bích bị dằn vặt, khó ngủ mấy đêm liền. Cuối cùng, Bích cũng ra chỗ gửi tiền gửi vài trăm đô về Hoàng Giàu, cứu giúp người thương phế binh tật nguyền. Bích tự nhủ, hãy xem đây là lòng từ thiện đối với người lính năm xưa, đồng đội với Ba mình, trước một hoàn cảnh thương tâm như thế này. Còn chuyện Hoàng Giàu có phải là Ba mình không? Sau này , Bích sẽ tìm hiểu thêm.

Số tiền được gửi đi, ít lâu sau, Bích nhận được lá thư từ Việt Nam gửi qua. Lá thư với nét chữ nguệch ngoạc, trật chính tả liên miên. Hoàng Giàu ngỏ lời cám ơn và nguyện khắc cốt ghi tâm lòng hảo tâm của vị ân nhân đã cứu giúp mình. Ông còn cho biết, ông quá yếu ớt nên không thể tự viết thư cho Bích được, phải nhờ một cậu bé bán báo sống chung với ông viết dùm. Lá thư chỉ có vài dòng, nhưng nó làm lòng Bích rộn lên niềm vui, vì đã làm một công việc hữu ích cho người, cho đời.

Thời gian qua, những cánh thư chân thật của cậu bé bán báo bày tỏ tình cảnh đáng thương của Hoàng Giàu, làm lòng từ thiện của Bích bùng lên một cách mãnh liệt. Bích nguyện với lòng, mỗi tháng sẽ trích ra vài trăm đô gửi về Việt Nam trang trải chi phí cho Hoàng Giàu, và mướn người chăm sóc ông ta cho đến lúc cuối đời.

Năm năm trôi đi, ý tưởng về Việt Nam tìm hiểu xem Hoàng Giàu có phải là Ba mình không? Nó cứ âm ỉ và thôi thúc Bích suốt ngày đêm. Rồi nhân dịp Thanksgiving, Bích quyết định về thăm quê nhà.

Người đàn ông gầy gò, cụt hai chân, đang cố với tay chống cây nạng để lấy hết sức lực ngồi lên tiếp khách. Cái miệng rộng quết và cong cong như vầng trăng lưỡi liềm đã mở ra, bật lên một nụ cười trọn vẹn khi nghe Bích giới thiệu tên mình. Người đàn bà chăm sóc cho Hoàng Giàu (do số tiền hàng tháng Bích mướn) cứ lăng xăng chạy tới chạy lui, nói cười không ngớt.

- Cái căn nhà mới sửa lại nè! Cái giường sắt mới mua nè! Cái máy nghe nhạc mới sắm nè! Cái chiếc xe lăn tự động nè!...Tất cả đều do đồng tiền của cô gửi về. Tui và chú Giàu đội ơn cô rất nhiều, kể cả thằng tư bán báo nữa. Nếu không có đồng tiền nhân đức của cô gửi tặng, chắc chú Giàu đã mồ hoang mả lạnh từ lâu rồi. Còn tui và thằng tư... ở cái thành phố tệ lậu này...cũng sẽ chết đói dài dài.

Bích chưa kịp hỏi han Hoàng Giàu, chưa kịp tìm hiểu về người đàn ông mà Bích đã hết lòng lo lắng như người thân trong gia đình...thì bà con lối xóm kéo nhau đến chật ních cả nhà. Họ chăm chăm nhìn Bích tỏ dấu lạ lùng và ngưỡng mộ một cách hiếu kỳ. Họ xì xào với nhau. Họ bàn tán, xuýt xoa khen ngợi Bích, chúc mừng Hoàng Giàu...khiến trái tim của Bích muốn vỡ ra trăm mảnh.

- Chú Giàu bộ đội vậy mà có phước. Tự dưng có người đẹp ở Mỹ gửi tiền về cấp dưỡng. Nếu không, chú đã bỏ xác ở nhà thương lâu rồi.

- Ổng tu ba kiếp chưa chắc được như vậy. Không có bà con ruột thịt, ai dại nhào vô ôm của nợ?

Bích muốn lùng bùng hai lỗ tai và thấy ngực mình như có đá đè nặng. Hoàng Giàu là phế binh của phía bên kia? Là kẻ thù của dân tộc, kẻ thù của hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi? Bích bỗng căm giận, quay đầu qua nhìn thẳng vào Hoàng Giàu. Dường như từ cái miệng rộng quết và cong cong như mặt trăng lưỡi liềm, Bích thấy một dòng máu đỏ phọt ra hòa với nước miếng nhểu nhão tràn ra hai bên mép. Mặt Hoàng Giàu bắt đầu tái mét, rồi hai tay, hai vai, cả hai phần cụt của đôi chân...chợt run lên lẩy bẩy như một người động kinh. Bích hét lên một tiếng, rồi cuống cuồng phóng ra sân, cắm đầu chạy thoát khỏi căn nhà.

Về Mỹ được vài tháng, Bích bỗng nhận được email cũa nhóm chuyên tìm hài cốt của thân nhân mất tích trong chiến tranh. Email cho biết có một gia đình ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đang giữ hài cốt của một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Căn cứ vào thẻ bài mang trên mình, quân nhân có tên là Nguyễn Xuân Hòa. Xin quý vị có lòng hảo tâm hãy tiếp tay phổ biến email này đến thân nhân người quá cố. Điện thoại về Vương Phố 09088....

Đọc xong email, Bích nhảy tưng lên, la lớn, mừng reo như người vừa trúng số độc đắc. Nguyễn Xuân Hòa. Đúng là tên của Ba mình rồi. Hài cốt lại nằm ở đất Quảng Trị. Theo lời Mẹ kể, trận chiến khốc liệt ở Quảng Trị năm 1972 đã làm Ba mình mất tích. Bích phải liên lạc gấp với ân nhân mình để biết thêm tin tức một cách cặn kẻ.

Buổi sáng, nơi căn nhà khang trang ở trên đồi cao, cửa hướng thẳng ra biển. Bình minh rưới những giọt nắng đầu tiên xuống chồi lá khóm hoa. Ánh sáng lấp lánh ngũ sắc trải dài từ biển rộng lên đến núi cao. Chim đua nhau hót líu lo ngoài vườn làm lòng Bích rộn lên một niềm hoài cảm lâng lâng. Tự dưng hình ảnh Hoàng Giàu bỗng hiện về trong trí tưởng. Bích cố nhắm mắt lại để cố xua đi hình ảnh đáng thương đó. Nhưng hai phần cụt của đôi chân run lẩy bẩy, cùng với dòng máu đỏ phọt ra hai bên mép của người phế binh...cứ ám ảnh Bích, cứ dày vò Bích mãi mãi. Bích hối hận vì đã đối xử tệ bạc với người tật nguyền khi hay người đó là kẻ thù, là người đứng khác chiến tuyến với gia đình mình. Lòng từ thiện, nỗi thương tâm về một hoàn cảnh, về một người nào đó...sẽ không bao giờ có biên giới, có lằn ranh, có sự phân biệt xã hội, chủng tộc. Hơn nữa, gần nửa thế kỷ kéo lê kiếp sống tàn phế, Hoàng Giàu đã hiểu rõ chế độ mình đang sống, nên mới vươn tay ra hải ngoại như một nạn nhân cùng đường kêu cứu lòng hảo tâm của đồng bào.

Sau khi suy đi nghĩ lại, Bích thấy tội nghiệp cho Hoàng Giàu, có lẽ chú sẽ không còn sống bao lâu nữa. Bích muốn trở lại tiếp tục giúp đỡ chú, hầu phần nào xoa dịu những đớn đau những lầm lỡ mà chính chú gánh chịu một đời.

Chuyến này về Việt Nam, Bích có hai chuyện cần làm. Cố gắng mang hài cốt Ba về xứ Tự Do để Ba được mãn nguyện nơi suối vàng. Và tiếp tục làm từ thiện cho những người tàn tật, không những cho Hoàng Giàu, mà cho tất cả những ai chịu phần số bất hạnh trong chiến tranh. Và còn một điều nữa, vô tình Bích quên đi, là hôm nào đẹp trời phải chạy ra mồ Mẹ thanh minh cho nỗi oan của Ba, rằng Ba đã anh dũng hy sinh cho chiến trận vinh quang, chứ không phải hèn nhát thay tên đổi họ để ba chân bốn cẳng trốn chạy Mẹ con Bích.

*Phạm Hồng Ân

Ý kiến bạn đọc
11/08/201215:48:21
Khách
hay
10/08/201200:20:57
Khách
Bài viết có tính nhân bản. Hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,698
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.