Hôm nay,  

Vui Buồn Nghề Nghiệp

23/07/201200:00:00(Xem: 294513)
viet-ve-nuoc-my_190x135Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là chuyện của nhiều câu chuyện vui buồn trong nghề thông dịch.

* * *

Nhớ hồi mới qua, đâu chừng 19, 20 năm gì đó, trong khi chờ làm giấy tờ, tập lái xe, kiếm trường cho con cái, sắp xếp chỗ ăn ở, còn dư thì giờ, tôi đi khắp hang cùng, ngõ hẽm để tìm hiểu tình hình sinh hoạt, tìm kiếm bạn bè cũ để hàn huyên. Nơi tôi lui tới thường xuyên là “Hội người già” địa phương. Hội có hơn 100 người, từ 55 tuổi trở lên. Hội viên thường họp nhóm theo từng xứ: trắng, đen, Xì, Haiti, Việt, Tàu… đều có mặt. Nơi đây có một hội trường lớn, dùng làm phòng họp, xem sách báo, đánh cờ,tập dưỡng sinh, tụ tập đế tán dóc, và cũng là phòng ăn trưa. Giá mỗi phần ăn là 1 đô, gọi là “donation”, gồm món mặn, súp, rau cải, bánh mì, bơ, cà phê, trà và trái cây. Hàng tháng có bác sĩ đến khám định kỳ và gởi đi chuyên khoa, nếu cần.

Dù cho Tây, Tàu, Mỹ, Việt, Congo, Lèo… gì nữa, mà đến tuổi nắng không ưa, mưa không chịu, tuyết không kham… thì hay ôm đồm nhiều thứ một lúc: cao mỡ, tăng xông, tiểu đường, mắt kéo mây, thấp khớp,, siêu gan A,B,C.., đau lưng, mõi gối, nặng tai… nên họ đi thăm bác sĩ nhiều hơn đi chợ . Do đó Hội cần nhìều người biết chút chút tiếng Anh để đưa họ đi bệnh viện. Ngồi không lâu ngày nên chán, tôi tình nguyện làm hướng dẫn viên.

Lần đầu, tôi đưa một bà đến khám nội khoa. Đến nơi thì thấy một anh ba , cổ đeo tòng teng bảng tên,có hình và chức vụ, đang chờ sẵn. Trong phòng khám, bệnh nhân quay sang nói với anh ba:

- Hồi ở Việt Nam, bác sĩ nói tôi bị viêm tuyến giáp trạng, nên thường đau ở cổ, anh nói bác sĩ chửa cho tôi.

Anh ba của tôi tuôn ra một tràng tiếng Anh made in ChoLon:

-Hà, cái này nó nói là nó bị đau cái gì trong cổ đó.

Ôi, mẹ ơi. Anh ba này hành nghề có “marque déposée”, cầu chứng tại toà đàng hoàng mà không biết tuyến giáp trạng gọi là gì, mà nói là cái gì đó.

Tôi biết từ này bằng tiếng Anh hồi còn ở Việt Nam, nên ngứa nghề, vọt miệng:

-Bà ta bị viêm thyroid đấy.

Bác sĩ nhìn tôi, không nói gì, rồi bảo bệnh nhân mở miệng ra.

Thấy không phải chuyện của mình nên tôi không xí xọn nữa, nhưng tưng tức, vì tự ái dân tộc dồn dập, chuyện mình có thể làm được, mà lại để cho một anh ba, tiếng Việt thua tui, tiếng Anh chưa chắc hơn tui, phỗng tay trên. Không thể bỏ qua chuyện này được.

Ngày hôm sau, tôi xách cả chồng đơn, kèm résumé, bằng cấp, thành tích ở Việt Nam đi nạp ở các bệnh viện trong thành phố, và về nhà chờ.

Chờ dài cổ hơn một tháng mà chẳng thấy ai hello gì cả, tôi lọ mọ đi hỏi thăm cho biết sự tình thì nơi nào cũng trả lời y chang: No can t do, vì không có bằng chuyên môn. Tiu nghỉu, tôi về nhà buồn thiu.

Sau vài ngày vắt tay lên trán, tôi không chịu thua, nhất định: “Phen này ta quyết đi buôn chữ / Vừa bán vừa rao cũng đắt hàng.”

Thế là tôi ghi danh đi học, không chỉ một khóa làm việc ở bệnh viện mà còn một khóa cho tòa án nữa.

Trang bị bộ mã coi vừa ý nhất, đầu chải chuốt ( nhưng không xức brillantine như thập niên 50), giày đánh bóng, cổ đeo tòn ten bảng tên theo đúng sách vở, tôi bắt đầu ra nghề lần đầu tiên ở một bệnh viện lớn nhất thành phố.

Tưởng đâu công việc khó khăn như trong lớp học: nói năng chậm rãi, rõ ràng, chính xác, không thiếu, không thừa, với những từ chuyên môn dài thường thượt, khó nhớ, có gốc La Tinh, Hy Lạp hay tiếng Đức cổ, chỉ ruột, tim, gan, phèo, phổi… kèm theo tiếp đầu ngữ để biết vị trí của chúng trong thân thể, cộng thêm tiếp vĩ ngữ, để chỉ các chứng bệnh và phương pháp chửa bằng cách cắt, cột, soi, mỗ… thậm chí đến chỗ ngồi trong phòng khám, cách nhìn bác sĩ và bệnh nhân trong khi nói , cũng phải y chang như trong sách. Ai dè… lý thuyết và thực hành ít khi đi đôi: bác sĩ dùng toàn những từ thông thường hàng ngày,cởi mở và vui vẻ, nên công việc thật xuôi chèo mát mái.

Tôi vốn bá đạo từ nhỏ: cái gì cũng muốn biết, cũng muốn học, ngôn ngữ nào cũng muốn nói , như cái ông gì người Ý tên Leonardo Da Vinci, văn võ song toàn trong mọi lãnh vực khoa học, thiên văn, toán, nhạc, điêu khắc.. có điều kiến thức của tôi tủn mủn, cạn xều như nước ròng lúc Hạn Bà Chằng (hạn lớn), vì học lóm, lại không đến nơi, đến chốn. Vì thế, từ ngày lưu lạc ở đất nước này bao nhiêu năm, tôi có bấy nhiêu nghề không tên, có nghề chỉ được một ngày, cái thì vài tuần, khi thì vài tháng. Vì có quá nhiều cái không tên, nên làm ăn gì cũng không ngóc đầu lên được, khác với ông nhạc sĩ VTA, nổi tiếng như cồn, nhờ các bài ca không tên của ông ta.

Tôi không nhớ làm cách nào mà tôi còn nguyên vẹn, cả hình hài lẫn tinh thần, sau 10 năm vật lộn với đám học trò có ¼ người, ¼ ngợm và 2/4 đười ươi của tôi . Thầy cô và cả Hiệu Trưởng đều có thể bị chúng đốp chát như ngoài chợ. Chúng tương tợ như đám học sinh lớp 7 ở New York, được YouTube, Facebook đưa trình diện khắp thế giới, khi đang trêu ghẹo, nhục mạ bà monitor (giữ trật tự) Karen Klein trên xe bus trong tháng 6/2012 vừa qua. Sự phẫn nộ và tình người đã khiến dân chúng tự nguyện đóng góp được trên 600.000 đô cho bà Karen về hưu và đi du lịch, tránh xa đám học trò thành tinh đó. Nếu internet được khai sinh sớm hơn vài thập niên, có thể tôi được Facebook đưa lên mạng như bà này và hổng chừng thiên hạ thấy tình hình bi đát của tôi mà đóng góp cho vài trăm đô, cũng đỡ khổ!

Cuối cùng tôi cũng trụ lâu dài được một nghề: đó là nhại lại những gì thiên hạ nói mà không sợ bị chưởi.

Ở đời, có những nghề ta vừa làm vừa đau khổ hơn bệnh trĩ, vì thất thế, chẳng đặng đừng, nếu khônglàm thì nhăn răng! Lại có những việc làm ta thoải mái, hăng say với công việc, tưởng có thể tiếp tục làm đến khi tóc rụng, tay rung, mắt mờ, cũng chưa chịu thôi: đó là nghề cuối cùng trong chuỗi nghề không tên của tôi.

Trong những năm tháng hành nghề, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều đồng bào, đồng hương, đủ các tầng lớp trong xã hội, được biết nhiều tâm sự khó thổ lộ của họ, những chuyện đau lòng. buồn nhiều hơn vui.

Một bà mẹ già trước tuổi, ngất lên, ngất xuống van xin bà Hiệu Trưởng cho đứa con gái vào học lại lớp 9,vì con bà đã bỏ học, bỏ nhà hơn ½ tháng vì bị lũ bạn đen cùng lớp dụ dỗ vào con đường xì ke ma túy. Một phụ huynh góa vợ , ngồi ũ rũ trong phòng họp để nghe nhà trường thông báo kỷ luật đứa con trai mang ma túy vào trường để bán. Một bà mẹ khác, nửa điên, nửa tỉnh, không nhớ số điện thoại nhà, không biết quê quán ở đâu, sang Mỹ năm nào, chồng bây giờ ở đâu cũng chẳng biết.. Bà có 3 đứa con gái: một đứa bị ma đưa lối, quỷ đưa đàng, dính vào một thằng đen, “già cỡ ba nó” (lời bà kể), đứa kế bị bùa mê thuốc lú, đang ở với một thằng đầu quấn khăn vòng vòng, tối ngày cứ chổng mông cầu nguyện 5, 3 lần (cũng theo bà nói lại). Đứa thứ ba thì có 1 con, đã ly dị, bỏ đi bụi đời, tặng cho bà đứa cháu ngoại! Còn thằng con trai thì không chịu học và chẳng đi làm gì cả.

Tôi nghĩ thầm: Bà này điên là phải thôi, nếu không ,bà là super woman hay robot rồi!

Một cụ, tuổi tri thiên mệnh, goá chồng lúc còn trẻ, đành đọan bỏ đám con gái ở Việt Nam, sang đây để hủ hỉ với đứa cháu nội đích tôn, nhưng phải ở nhà housing vì đứa con dâu không ưa thú vật, thường mắng chó chưởi mèo… Vài ngày, thằng con, chờ vợ đi làm, chở cháu lại cho bà hôn hít cho đở nhớ!

Một cô gái, trạc 30 tuổi, vì buồn chuyện tình duyên trắc trở, hay bất mãn chi đó, thường xuyên gây gổ với gia đình và hàng xóm, đã ở trong bệnh viện tâm thần hơn 7 năm, mà không biết ngày nào ra.

Một ông, khi được bác sĩ thông báo kết quả thử sinh thiết (biopsy): ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn I, sắc mặt ông khách tôi; một liền ông, tuổi trên dưới 60; không thay đổi, “hơi thở vẫn điều hòa”, mời tôi ra ngoài uống cà phê. Trong lúc “cà phê đạo” và nhai donut, tự nhiên ông thở dài và nói:

- Đời tôi , một cuộc đời bi thãm và cô đơn, đến đây là hết, rồi ông bắt đầu kể tôi nghe. Sau đây là chuyện của ông ta kể.

Mới ra trường, chưa kịp đánh giặc thì địch lù lù đến bắt tôi bỏ tù. Mà ngu ơi là ngu, đi khai thật, khai hết, về chức vụ Đại Đội Phó Chiến Tranh Chính Chị của tôi, một cái chức hữu danh vô thực ở miền Nam, nhưng lại được Nhà Nước Cộng Sản đánh giá cao ngất trời xanh, nên tôi được u ái đi tham quan Thiên Đàng giàu, đẹp, văn minh, vô cùng nhân đạo... ở miền Cao Bằng, Lạng Sơn trong gần 5 năm trời. Thời gian này, vợ con tôi theo gia đình vượt biên, rồi không biết tin tức gì cả.

Ở tù ra, tôi sống với mẹ tôi một thời gian ở quê, không chịu nổi sự quấy nhiễu của mấy tên “theo đóm ăn tàn”, mẹ tôi bán tháo gần hết tài sãn để cho tôi vượt biên. Được thì tốt, bằng không thì tôi theo vợ con cũng chả sao. Qua đây, tôi may mắn học được nghề thợ tiện, công việc không nặng nhọc và lương cũng khá, nên tôi làm trên 15 năm, mua nhà cửa. sắm xe cộ đủ cả.

Trong chỗ tôi làm có cô gái làm lao công dọn dẹp, người Brazin, trẻ, đẹp. Cô ta hay bắt chuyện với tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh tự học và bằng tay 5 ngón. Từ lúc nào không biết, cô ta hay đến nhà tôi chơi, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, giặt, ủi đồ cho tôi và xem nhà tôi như nhà của cổ, ra vào như chỗ không người, tự nhiên như người... Ba Tây!

Được chừng 6,7 tháng thì một hôm cô ta bá cổ, mi tôi một hồi lâu rồi nói “I love you!”. Tuy tôi biết tỏng là cô ta yêu cái quốc tịt của tôi nhiều hơn, nhưng tôi cầm lòng không đậu, vì tôi là đàn ông mà, vả lại nỗi niềm thương con, nhớ vợ đã nguôi ngoai, và nhất là cô ta còn quá trẻ, tuổi chỉ bằng ½ tôi thôi, lại rất đẹp, cái đẹp hoang dã của thổ dân Amazon, tiềm tàng sự sung mãn của nô lệ Phi Châu, ẩn dấu nét đài các của dòng dõi quý tộc Bồ Đào Nha. Có thể nói cô ta là một cái núi lửa di động, lúc nào cũng hừng hực, chờ phun lửa, thiêu, đốt tất cả trên đường đi của mình!

Tôi suy nghĩ nhiều ngày, đêm, không biết tiến hay lùi, trong tình thế “dầu sôi, lửa bỏng” này trong một tháng. Cuối cùng, chịu không thấu, đành xếp giáp qui hàng vô điều kiện nữ hoàng rừng nguyên thủy Amazon, và đáp lại “Me too!” .

Tôi hẹn với nàng, sau 6 tháng “probation” (thử thách), tôi sẽ kết hôn với nàng. Chưa kết hôn mà nàng nhảy cởn lên hôn tôi chùn chụt.

Từ ngày đưa nàng về condo của tôi, nàng phục vụ tôi hết mình, hết sức, cả về nghĩa bóng, nghĩa đen và cả nghĩa trắng nữa. Mấy thằng bạn cùng xí nghiệp phải phát ghen với tôi.

Tôi có đưa nàng về Việt Nam thăm má tôi. Cả tháng trời ở quê, nàng tận tụy lo cho má tôi như một nàng dâu Việt Nam chính hiệu. Bà rất hài lòng, nhưng không muốn tôi lấy nàng vì sợ… tôi không kịp gọi 911 trong đêm khuya khoắt. Bạn bè tôi thì khỏi bàn, nói chuyện mà mắt láo liên nhìn nàng, không sót một chỗ nào cả.

Chúng tôi kỷ niệm 2 năm ngày làm kết hôn hôm trước, thì sáng ngày hôm sau, nàng đưa cho cho tôi đơn ly hôn và nói: “Sinto muito”(Im sorry!).

Tôi không ngạc nhiên, vì tôi biết sẽ có ngày này, vì nàng còn trẻ, còn nhiều tương lai . Chúng tôi đã có một thời gian tuyệt vời. Cả hai đều sòng phẳng nhau. Không ai lợi dụng ai, hai bên đều có lợi, nên tôi ký liền. Tôi muốn nói là tôi trân trọng những hy sinh của nàng trong suốt 2 năm qua, tôi thích sự rạch ròi, thẳng thắn của nàng khi ở với tôi… nhưng với mớ tiếng Anh ba rọi và tiếng Bồ Đào Nha ít ỏi, tôi không thể nào diễn tả cho nàng hiểu được. Nhưng nàng hiểu ngay khi tôi chia cho nàng ½ tài sản và chiếc xe mới mua. Nàng hôn tôi và nói “Obrigado, meu amor. Adeus” (Thank you, my love, Goodbye!) rồi lái xe đi. Sau này, tôi nghe bạn bè trong xí nghiệp cho biết là nàng đã bảo lãnh mẹ và đứa con nhỏ sang Mỹ. Tôi hơi vui vì nghĩ rằng ít ra mình cũng giúp được một gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những chuyện đại loại như thế, kể sao cho xiết vì nó dài hơn chuyện “nhân dân tự vệ”, không thua phim TV cở 1-200 tập của Đại Hàn và Đại Hán.

Nghề tôi thường có những hiểu lầm nho nhỏ, khá vui và đáng nhớ.

Bệnh viện lớn trong thành phố có một tấm bảng viết: Chúng tôi nói trên 50 thứ tiếng, bạn nói tiếng nào xin chỉ vào ngôn ngữ đó, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí.” Công ty tôi thầu công việc này, nên có hơn 200 nhân viên nói đủ thứ tiếng trên trời đất này. Riêng Việt Nam có 7,8 người mà chỉ có 2 tên hơi già già, còn lại là nữ.

Bệnh viện phụ khoa và bệnh nhân luôn yêu cầu người thông dịch là nữ, nhưng không biết các cô thường bận công tác hay công ty đánh giá tôi là “đạo mạo hay đứng đắn” (sic!), hoặc tưởng tôi là họ “Chung Vô “…, nên xếp tôi đi bệnh viện phụ khoa nhiều lần.

Lúc đầu, bệnh nhân và bệnh viện khá ngạc nhiên khi thấy tôi xuất hiện ở phòng sản khoa, vì vấn đề “thâm cung khó nói”, nhưng lịch sự, nên họ không nói gì. Có điều khi bác sĩ khám thì tôi phải đứng sau bức màn dầy, ráng dõng lỗ tai để nghe hỏi và đáp. rồi oang oang lập lại. Riết rồi chẳng ai “khe” sự hiện diện của tôi. coi như ông này thuộc dạng 2 hệ hay Les hoặc Gay gì đó. Thậm chí có người còn yêu cầu bác sĩ “cho chú này giúp tôi “ trong lần hẹn tới.

Có lần, một bà y tá người Haiti, nói tiếng Anh thần sầu quỷ khóc, có pha tiếng Pháp, giọng Créole đặc sệt (thổ ngữ ở Haiti) làm tôi bối rối, vì chỉ hiểu lõm bõm. Bệnh nhân nhìn tôi, nghi ngờ cái ông “thông vịt” này. Bí quá, bà với tay lấy một hộp giấy trong tủ, đưa ra và nói :

-Every month, every month!

Nhìn hộp Kotex, tôi thông minh ra, bà Haiti này không hỏi về kinh đô hay kinh nghiệm của bệnh nhân, mà chỉ muốn biết về kinh kỳ thôi.

Mừng hơn bắt được vàng, tôi vội đáp:

OK, OK !

Tôi thở phào khi bà bác sĩ bước vào phòng.

Một thanh niên đưa mẹ đi khám phụ khoa. Bà mẹ giới thiệu con là kỹ sư điện, rồi nói tiếp :

-Lát nữa gặp bác sĩ, chú nói dùm với ổng là xài cái mỏ vịt nhỏ nhỏ nghen. Lần trước ổng dùng cái to tổ chảng, đau thấy mồ.

Tôi đánh lô tô trong bụng vì không biết gọi cái mỏ vịt bằng gì, vì tôi không phải là bác sĩ, mà bác sĩ không chuyên khoa cũng chưa chắc biết tên gọi của nó. Ở trường lại chưa học chữ này. Tôi mà cương ẩu gọi là “ducks bill”, bà bác sĩ sẽ đá tôi ra khỏi phòng và công ty lột áo tôi liền.

Dốt thì phải mánh, tôi dòm dáo dác trong phòng, mừng rỡ, thấy trong tủ kính để lủ khủ mỏ vịt đủ cỡ. Tôi chợp cơ hội hiếm có, nói với bác sĩ :

-Bệnh nhân yêu cầu bác sĩ dùng “dụng cụ khám” loại nhỏ hơn để đở đau! Tôi bỏ qua chữ “tổ chảng” và “đau thấy mồ” vì tôi không biết nói ra sao.

Bà bác sĩ cười và nói :

-Xin lỗi. Tôi sẽ dùng cái speculum loại nhỏ nhất cho bà.

Tôi lại thoát được một cửa ải nữa, và học thêm một từ mới. Khám xong, bác sĩ xin được nói riêng với con bệnh nhân. Bà thông báo là bà mẹ có triệu chứng ung thư tử cung. Chàng thanh niên có vẻ lo lắng cho mẹ, im lặng một lúc rồi hỏi thẳng:

-Xin bác sĩ cho biết ung thư có bị generic không ?

Bác sĩ nhìn anh ta, có lẽ không hiểu, rồi quay sang tôi, không trả lời.

Không phải tôi thông minh hơn bác sĩ, nhưng tôi hiểu anh ta muốn nói gì, vì tôi là người Việt Nam mà lị, nhưng tôi chưa vội lên tiếng.

Thấy có vẻ hơi hớ, anh ta bèn hỏi tôi :

-Chú hỏi dùm xem ung thư có di truyền không?

Tôi nói:

-Cháu hỏi lại và dùng từ “genetic”.

Nghe xong, bác sĩ giải thích :

-Có thể và không, tùy thế trạng, sức khỏe và điều kiện sinh hoạt, ăn uống.

Ra ngoài anh ta nói nhỏ với tôi :

-Tuần tới chú đi giúp mẹ cháu nghe, vì cháu bận đi làm.

-Chuyện nhỏ. Tôi trả lời.

Có một lần tôi đi giúp một anh Ba Tàu chính cống, không nói được tiếng Việt, tên anh ta là Hoàng Xứng, tên thì giống tiếng Việt, nhưng mấy ông Tây bà đầm ở công ty không hỏi kỹ, thấy tên gì có dấu nằm, dấu đứng, dấu cong, đọc trẹo miệng thì là… phe ta. Tôi và anh ta khi gặp nhau thì đều ú ớ cả, vì tiếng “Quảng Tiều” của tôi chỉ gói gọn ở Dì Dách, Xập Xám, Mậu Lúi và Dầu Cháo Quẩy thôi. Tương tợ một ông tên Suu ky, đọc không ra, nên họ réo tôi. Báo hại ông này là dân Myanmar (Miến Điện cũ), có họ hàng xa xa với nhà tranh đấu nhân quyền Aung San Suu Kyi từng được thưởng giải Nobel Hoà Bình cách đây 21 năm.Bà vừa mới đến Oslo nhận giải Nobel trong năm 2012 vì bị cầm tù trong suốt 24 năm. Cả 2 trường hợp, tôi không làm gì cả, mà vẫn lãnh thù lao vì có mặt là ăn tiền!

Một bà khách, được tôi thông báo ngày giờ, địa điểm để gặp bác sĩ vào ngày mai, liền hỏi tôi :

- Ông có khả năng dịch những gì tôi nói với bác sĩ hông?

Chà, lại gặp tay tổ rồi, tôi hơi chột dạ, Lớ quớ mất mặt và mất mạng như chơi với đại bàng này, nhưng tôi ráng làm bộ cứng cựa :

- Dạ, chắc được mà!

Nói xong, cũng hơi lo, vì rũi gặp một nhân vật đã từng làm việc ở Liên Hiệp Quốc thì bỏ cơm ngay.

Tôi gặp một bà đứng tuổi, ăn mặc khá chải chuốt, ở phòng đợi. Bà nhìn tôi từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, 360 độ rồi tuyên bố:

- Lát nữa ông để tôi nói chuyện với bác sĩ nghen.

Dễ thôi, ngậm miệng ăn tiền cũng tốt.

Chào hỏi với bác sĩ xong, bà mở máy liền, khai bệnh thẳng với bác sĩ, “kinh qua giai đoạn quá độ” với tôi. Bác sĩ kiên nhẫn ngồi nghe bà nói trong hơn 5 phút. Bà vừa dứt thì bác sĩ quay sang tôi:

- Bà ta nói cái chi rứa?

- Dạ, tôi cũng chả hiểu mô tê gì cả!

- Ông nói với bà ta dùng tiếng Việt với ông đi. Bác sĩ từ tốn nói.

Thấy ông bác sĩ này dở quá, không hiểu tiếng Anh của tui, bà quay lại nói với tôi bằng “tiếng nước tôi từ khi bà mới sanh ra đời !”

Ra khỏi phòng bác sĩ, bà đi te te một nước, không thèm chào và cám ơn công khó nhọc của tui!

Một ông bác sĩ người Ấn đang rờ, nắn một bệnh nhân trên bàn khám. Tôi phải tập trung để hiểu ông ta nói vì câu nào, chữ nào, ông cũng uốn lưỡi, kéo dài chữ “rr” cả. Nếu tôi lơ là, thì tôi tưởng ông đang nói tiếng Ấn với tôi. Bỗng nhiên ông ta nói :

- Ông có đôi giày đẹp quá, ông mua ở đâu zậy?

Theo thói quen nghề nghiệp, Google/translate chấm cơm trong đầu tôi liền lập lại y chang câu nói đó bằng tiếng Việt.

Ông bệnh nhân đang nằm, lật đật ngồi dậy, nhìn xuống đất, lên tiếng :

- Ổng hỏi đôi giày tôi hả? Tôi đâu có mang giày. Tôi mang dép mà.

Nghe đôi co, ông bác sĩ hiểu ngay. Ông nhìn ngay tôi và nói.

- Đôi giày của ông đó.

– À ra thế .

Trong phòng khám, có bác sĩ, bệnh nhân và tôi, nhưng chỉ xem như có 2 người vì tôi được xem là người vô hình, chỉ là cái loa, thu và phát thôi. Tôi vừa là bác sĩ, vừa là bệnh nhân. Khi nói, tôi phải dùng đại từ nhân xưng, ngôi thứ nhất, nghĩa là lúc nào cũng xưng “tôi”, chớ không dùng ổng, bả, hắn, cổ , nó, cỏn, thằng chả, con mẹ đó… được. Vì thế đôi khi xảy ra nhiều hiểu lầm tức cười.

Sau khi khám định kỳ ở phòng sản khoa, bà khách yêu cầu tôi đến văn phòng bệnh viện để chọn bác sĩ gia đình, vì bà mới dọn đến thành phố này. Đến nơi, tôi chào bà y tá đen; đồ sộ, phì nhiêu hơn đồng bằng sông Cửu Long; đang cười nói toe toét trong phòng.

-Bà làm ơn cho tôi chọn bác sĩ gia đình.-Tôi nói

-Phải là bệnh nhân của phòng phụ khoa mới được chọn bác sĩ riêng.- Bà nói không cần nhìn tôi.

-Tôi vừa khám ở phòng sản khoa mà.- Tôi tiếp

Bà y tá ngước lên nhìn tôi, tưởng tôi dám giỡn mặt với “cựu vô địch đô vật hạng 300 cân”. Cả phòng đang “tám” ồn ào, bỗng im lặng, quay lại, chiêm ngưỡng dung nhan mùa Đông của tôi: một tên transgender (đổi giống) gì đây? .

Alarm tôi báo động có một sự hiểu lầm tai hại đang xảy ra. Tôi vội quay ra sau, đẩy bà bầu lên phía trước và nói nhanh :

- Tôi là bà này, bà này đây.

Cả phòng được một bữa cười đã luôn.

Một chuyện khác: Tôi đến thì phòng khách vắng que. Chờ hơn 10 phút nữa không thấy ai, tôi gõ cửa hỏi thăm thì bác sĩ cho biết là đang làm việc với thân chủ tôi: một cô gái trẻ, đen nhẻm, nhìn thật kỹ mới thấy có nét lai Việt Nam. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe cô gái nói tiếng Anh. Nếu không nhìn cô ta, tôi tưỏng là đang nghe một người Mỹ chính cống 100% phát âm. Tiếng Anh của cô ta hơn hẳn tiếng Anh của tôi vì nó có âm hưởng “con cá gô gọt ghẹt chong gỗ”, có âm sắc “en hay không en thì noái”, và giọng “nàm thế lày nà thế lào?”, nên nó chẳng ra làm sao cả. Tôi tự hỏi tôi đến đây làm gì? Đang phân vân thì người Mỹ đi với cô gái là một nhân viên xã hội; cho biết là họ cần tôi để hỏi thăm một số chi tiết, bằng tiếng Việt, để điền vào lý lịch cô ta về Việt Nam. Lý do là cô ta không biết chữ, Anh cũng như Việt, kể cả A,B.C… Xong với bác sĩ , cô gái quay lại nói với tôi :

-Con là Bé Ba!

Chuyện có hơi lọa!

Như một bài ca nào đó: “Đời có trăm niềm vui, có vạn lần sầu.” Ai cũng qua cái cầu này. Có người chọn kỷ niệm tốt để vui sống, tinh thần được thảnh thơi, có người lại mãi ôm ấp quá khứ buồn, dễ bị trầm cãm, co cụm , có nguy cơ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc xuống… mồ.

Kông Li

Ý kiến bạn đọc
11/08/201213:20:04
Khách
Văn hay hoặc dở thường thì tuỳ ở ý thích của người đọc. Hơn nữa, đa số tác giả trong mục VVNM đều là những cây bút văn nghệ không chuyên nên độc giả không đòi hỏi ở họ lối hành văn của một nhà văn "chuyên nghiệp". Dẫu vậy, tác giả cũng nên quan tâm đến sự "khen chê của thiên hạ" để rút tỉa thêm kinh nghiệm viết. Nếu viết với tư tưởng khinh thường độc giả thì thật bất lợi. Cuối cùng, chúng ta (người viết cũng như người đọc) nên tránh sự "kì thị" trong cuộc sống. Đen, Trắng, Việt, Tàu, Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, v.v.., đều có những hay, dở. Chúng ta đã chắc gì hơn họ để mà kỳ thị? Vài chục năm sống nơi xứ người, giọng Anh Văn (hoặc Pháp Văn) của chúng ta vẫn "thơm" mùi "nước mắm" đấy.

Bình.
28/07/201204:09:59
Khách
Hi chú Kông Li,
Cứ tiếp tục viết đi, bận tâm làm gì chuyện khen chê của thiên hạ. Cảm ơn đã chia xẻ.
23/07/201216:28:56
Khách
Chào chú Kông Li,
Cám ơn những bài viết dí dỏm, vui vẽ của chú. Cháu đọc cảm thấy vui lắm.
Cháu tên Nhung cũng đang ở Boston, mong có được làm quen với chú để có dịp trao đổi thêm về nghề nghiệp và cuộc sống ( cháu cũng đang làm công việc hơi giống giống chú ... )
Nếu đuợc xin chú cho cháu địa chỉ email của chú.
Cám ơn chú nhiều.
26/07/201210:58:35
Khách
Hi nguoi Bớton,
Ở đây nè :
[email protected]
PCL
25/07/201220:44:48
Khách
Cảm ơn Chú đã chia sẻ những mẩu chuyện vui buồn, thực tế, không hại và tổn thương tới ai trong cuộc sống, tụi cháu đây làm việc bù đầu cả ngày, nên lên VB đọc những câu chuyện mà tất cả các Anh Chị, Cô Chú chia sẽ rất là vui, không đòi hỏi phải viết mạch lạc, trôi chảy. Cảm ơn tất cả T/Giả đã tham gia VVNM. Giúp cho độc giả có những bữa ăn tinh thần, và kinh nghiệm sống khi đọc những mẩu chuyện...
25/07/201217:26:15
Khách
Xin vui lòng cho biết "liên lạc thoãi mái" với tác giả bằng cách nào vậy?


Cám ơn



25/07/201210:55:56
Khách
Kính gởi TDV Cali:
Xin nhận những lời chỉ giáo. Xin thưa với bạn là tôi biết điều này nên tên những nhân vật đều đã sửa lại không có thật. Và tôi đã về hu, nên an toàn trên xa lộ .
Các bạn cần liên lạc, xin thoải mái, vì tôi rất quỡn.
Tôi là Kong Tử Bạc Liêu, Nam Kỳ 100% , chớ không phải 99%
Lần sau tôi sẽ cố gắng viết ngắn lại, không còn lộn xộn nữa để bạn có thể cười chút xiú. OK.
PCL
25/07/201201:34:27
Khách
Bài này viết với cách chế giễu. Xin lỗi chú.
23/07/201221:25:55
Khách
Làm thông dịch viên cho một cơ quan tại Mỹ, phải tuyên thệ không tiết lộ nội dung những gì mình thông dịch cho khách hàng. Tác giả bài này như vậy là đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nếu ai báo cho cơ quan của ông ta, ông ta có thể bị phạt.
23/07/201204:19:26
Khách
Bài viết dài dòng, lộn xộn, nhiều đoạn lộn xộn, muốn chọc cười, mà cười không nổi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng:
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp,
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose từng được cử chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ 1993-2008 rồi sang Mỹ, sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07-2012.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Nhạc sĩ Cung Tiến