Hôm nay,  

Mùa Thu Nashville

14/07/201200:00:00(Xem: 263570)
IMG_6550
Nguyễn Văn là tác giả có tên trong danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012. Trong năm, ông góp 3 bài viết: “Chuyện Của Bill,” “Tôi Không Là Ai Cả” và bài thứ ba, “Ngày Tháng Buồn Hiu.” Cả ba bài đều cho thấy cách viết tinh tế và sống động. Nguyễn Văn cho biết ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago; Công việc đang làm: inspector và programer trong một hãng tiện cơ khí. Được biết, tuy cùng bút hiệu và cùng gửi từ Chicago, nhưng Nguyễn Văn 2012 không liên hệ tới tác giả Nguyễn Văn của năm Canh Thìn 2000, người viết bài “Dưới Mái Trường Senn.”

***

Khi máy bay lao vun vút trên đường băng để lấy đà ném mình vào khoảng không cũng là lúc tôi bắt đầu chìm vào giấc ngủ, mê mệt. Rời phi trường Manila của Philippine, tôi đến Mỹ chỉ một thân một mình. Không lo lắng. Không cả háo hức. Tôi thấy mình dửng dưng đến vô cảm trước mọi việc. Hai năm nếm trải ở trại tị nạn Palawan đã làm một thanh niên tỉnh lẻ mơ mộng như tôi hiểu ra được thế nào là cuộc sống. Đối với tôi, hạnh phúc nói cho cùng cũng chỉ là một thể dạng khác của sự đau khổ. Ý nghĩ ấy khiến tôi miễn nhiễm với tất cả mọi thói phù phiếm của cuộc đời. Và hơn cả thế, nó làm người tôi bải hoải, thụ động đến tột cùng.

Tôi mơ hồ thấy mình như một thứ mảnh vỡ, đang bắt đầu chặng hành trình tiếp theo trong trò chơi ghép hình buồn nản của định mệnh. Những cái tên của các thành phố nổi tiếng Las Vegas, Florida, New York gợi lên trong tôi như những ý niệm đầy rối rắm, thậm chí còn ẩn chứa cả những bất trắc và tai ương.

Không biết tự bao giờ, tôi lại thèm ngủ đến kì lạ. Tôi thèm ngủ hơn tất cả mọi thứ trên đời, hơn cả công danh, tiền bạc, đàn bà. Hễ rỗi một chút là tôi tìm chỗ để gối đầu của mình lên. Tôi có thể ngủ say sưa trong giờ giải lao ở chỗ làm, nơi đợi của trạm xe bus, giữa những giờ giảng của các nhà diễn thuyết hùng hồn nhất về sự cứu rỗi con người khỏi những khổ lụy của trần gian, để về thiên đường nước Chúa xa xăm. Tôi nhận ra rằng khi ngủ con người ta ít bị tổn thương, ít bị quấy rầy bởi những ham hố và các toan tính vụ lợi đời thường nhất. Phát hiện này khiến tôi sướng rơn.

Và em, như một thứ thủy tinh vừa rắn vừa lỏng, vừa mềm mại cũng lại vừa dễ vỡ đã chen chân vào trong giấc ngủ của tôi, làm thấm đẫm cả những cơn mộng mị.

Ngày ấy, chúng tôi đã vô tình ngồi bên nhau trên cùng một chuyến bay, cùng được bảo trợ bởi một nhà thờ, cùng đến một thành phố; và điều oái ăm hơn là cùng về sống với nhau trong một khu chung cư. Định mệnh lúc nào cũng như cố tình chơi khăm con người ta.

Nếu không có chuyến bay ngày ấy thì sao nhỉ? Tôi vẫn thường lẩn thẩn tự hỏi mình như thế suốt hơn hai mươi năm nay, và chắc sẽ hỏi như thế trong hơn hai mươi năm nữa…

Lúc máy bay sắp đáp xuống phi trường Los Angeles, tôi chợt nhận ra bên cạnh mình, tự khi nào lại là một cô gái mặt mày đen nhẻm, có đôi mắt rất sáng. Em cũng giống tôi, vừa chợt tỉnh sau một giấc ngủ dài. Thân hình tre trúc của em cứ không ngớt ngọ nguậy trong chiếc ghế. Mắt em nhìn tôi, đen láy. Trên khuôn mặt các cô gái, thú thật cái mà tôi để ý nhất là đôi mắt. Cứ nhìn vào đó là tôi thấy được cả thiên đường lẫn địa ngục của kiếp người. Nhưng cũng có những đôi mắt- số này hơi bị hiếm- khi nhìn vào tôi bỗng thấy mình như mất hút, như tan biến đi. Trước mặt tôi là một đôi mắt như thế. Giọng cô mình bắt đầu thỏ thẻ cứ như từ một hành tinh xa xôi nào:

“Họ đang thông báo gì trên loa thế, anh?”
“Máy bay sẽ đáp xuống phi trường Los Angeles, California trong vòng mười phút nữa.”

Tôi trả lời. Mở mắt nhìn cô nàng đồng bào của mình đến sững người. Nếu em không nói chuyện, tôi cứ ngỡ em là dân Philippine. Chúng tôi lếch thếch xách túi hành lý có ghi chữ IOM rời máy bay để bước vào một lối đi đường hầm trải thảm, hun hút. Em bước theo tôi như hình với bóng.

“Mình đi đâu, hả anh?”
“Chuyển sang máy bay nội địa… Cô về đâu?”
“Nashville, Tennessee. Còn anh?”
“Tôi cũng về đó…”
“Em tên là Loan….” Em bỏ lửng câu nói và nhìn tôi.
“Tôi tên Hưng.”
“Vậy từ nay, Loan là bà con hàng xóm với anh Hưng rồi!...”

Chúng tôi phải chờ đến ba tiếng đồng hồ mới có chuyến bay đi Nashville. Ném người xuống chiếc ghế da ở phòng đợi, tôi định ngủ tiếp. Tôi như người mệt mỏi từ tận ba trăm năm trước. Em nhìn tôi lo âu:

“Anh Hưng mệt hả?”
“Không,…chỉ thấy buồn ngủ.”
“Anh Hưng cứ ngủ đi! Khi nào tới giờ Loan sẽ gọi.”
“Cảm ơn!”

Và tôi thiếp đi. Nếu con người sẽ tốt hơn khi ngủ, chắc tôi đã hiển thánh từ lâu trong những giấc mơ cô độc của mình.

Chúng tôi đến Nashville vào một chiều của tháng 9, năm 1990. Trời đang là mùa Thu. Lá từ các tàng cây đã bắt đầu chớm vàng. Bầu trời không một gợn mây, xanh biếc. Khung cảnh yên ắng và mênh mông một nỗi buồn. Đây Nashville, xứ sở được mệnh danh là thành phố của âm nhạc.

Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày Thu xa lắm, có một người đàn ông gốc Anh theo đoàn quân đi khai hoang mở cõi bị lạc trong một cánh rừng. Loay hoay mãi vẫn không tìm được lối ra, người lính nọ bèn dùng cây kèn đồng giắt sẵn bên mình và thổi lên một khúc nhạc, hy vọng có người nghe được sẽ đến cứu. Người lính cứ ôm kèn thổi mãi. Tiếng kèn trước còn nghe âm vang, hào hùng; càng về sau âm thanh càng réo rắt não nuột như ai oán, như kể lể với trời xanh mây trắng nỗi lòng của kẻ tha phương muốn gửi về cố quốc. Người lính thổi từ ngày sang đêm, thổi từ lúc ông mặt trời thức giấc đến lúc ngủ vùi bên kia sườn đồi. Nỗi buồn chưa vơi, người lính lại đốt lửa thổi tiếp với trăng sao. Những người thổ dân da đỏ sống gần đấy nghe tiếng kèn tìm đến. Lúc đầu, có vài thổ dân định giết người lính da trắng nọ, nhưng rồi họ bị tiếng kèn buồn bã lung lạc, làm mềm lòng đi. Đám thổ dân bắt đầu buông cung tên, vứt giáo mác ngồi nghe quên luôn cả cái chết và họa diệt chủng đang gần kề. Cả cánh rừng bỗng trở nên im ắng, tịch mịch lạ thường. Đám ve sầu nằm ẩn mình quên cả nỉ non trong khóm lá. Người lính nọ cứ thản nhiên ôm kèn thổi mãi cho đến khi sức cùng lực kiệt… Tiếng kèn im bặt. Mãi một lúc sau, đám thổ dân mới sực tỉnh và phát hiện ra người lính nọ đã ngồi chết tự khi nào, cây kèn vẫn còn nắm chặt trong tay. Đám thổ dân nhìn nhau ngơ ngác. Không muốn xác người lính nọ sẽ thành mồi cho chó sói, thương tình, họ bèn gom củi khô phủ lên người anh và nổi lửa hỏa táng. Trong mớ tro tàn còn lại đến ngày hôm sau, người ta thấy nằm trơ trọi một chiếc kèn đồng ám khói. Vùng đất mà chiếc kèn nằm lại chính là Nashville bây giờ…

Tôi và Loan đều không có thân nhân ở Mỹ nên việc bảo trợ được nhà thờ và hội USCC đứng ra giúp đỡ. Đón chúng tôi ở phi trường là một bà Sơ già, tên Marian. Bà nhìn chúng tôi bằng ánh mắt nửa xót xa, nửa như thương hại. Hướng về phía Loan, bà nói lảnh lói như chim hót:

“Welcome to Nashville! How are you, my dear? ”
“Im fine. Thank you!” Loan trả lời. Giọng căng như dây đàn.

Sơ Marian nhìn chúng tôi cười hiền lành. Bà đưa chúng tôi ra xe. Bà nói liến thoắng. Giọng miền nam của bà cứ đãi ra, đong đưa rủ rỉ lẫn trong tiếng gió. Thú thật là tôi không hiểu bà đang nói gì. Tai ù đặc. Đầu óc thì vẫn còn tản mạn đâu đó ở Palawan. Hình ảnh những người bạn tị nạn chen nhau đứng sắp thành hàng dài mỗi sớm mai để lãnh mớ thực phẩm trong ngày như hiện lên trước mắt. Những con người khắc khổ, những ánh mắt mệt mỏi, vô vọng chờ đợi được đến ngày đi định cư cứ ám ảnh tôi ray rứt.

Tôi ngồi nhìn lơ mơ qua lớp cửa kính. Chiếc xe lướt đi êm ru trên mặt nhựa đường. Phố xá chạy giật lùi về sau, tiếp nối san sát. Nhà cửa cứ như chọc lên trời cao. Một thế giới rực rỡ mà xa lạ, lại vừa như hư ảo trong nắng chiều. Rồi xe chạy xuyên qua một khu rừng thưa vàng ửng màu lá. Cảnh đẹp khiến tôi sững sờ. Lá vàng đung đưa trong gió, rải lên mặt cỏ như trải thảm. Lá nằm vương vãi trên lòng đường, mỗi khi có xe chạy qua lại cuốn lên xao xác. Cả mặt đất như vàng rực, sáng bóng một màu hổ phách. Những con đường cắt nhau ngang dọc như bàn cờ. Nhà cửa nằm lẫn trong cây cối. Loan ngồi nép mình bên tôi trên hàng ghế sau, mặt mày ngơ ngác. Sau gần nửa tiếng lái xe, Sơ Marian đưa chúng tôi đến một tòa chung cư cao đến mười tầng trong một khu phố vắng vẻ. Quay sang chúng tôi, bà bảo:

“Youll live here!”

Dân trong khu chung cư đổ ra, đứng tụm năm tụm ba bên đường. Đủ thứ sắc dân. Đủ thứ màu da. Có lẽ họ tò mò muốn xem những người hàng xóm mới của mình mặt mũi ra sao.

“Hello!...How you guy doing?”

Đám đông, người một câu ồn ào như cái chợ vỡ. Em nắm chặt tay tôi, miệng mếu máo như sắp khóc.

“Sao không thấy một người Việt nào vậy anh?...”

Chúng tôi theo Sơ Marian bước vào khu chung cư. Phòng chúng tôi nằm kề nhau ở tầng ba. Em ở 301. Còn tôi 303. Phòng cho người độc thân ở đây có thiết kế gọn và giống nhau, cũng phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng khách ăn thông với nhà bếp. Sơ Marian dẫn chúng tôi đi giới thiệu từng thứ trong nhà. Đồ đạc có sẵn từ giường ngủ, ghế sofa, bàn ăn, một bao gạo và thức ăn thì đầy ắp trong tủ lạnh… Tất cả như sẵn sàng cho sinh hoạt.

Hàng xóm túa vào thăm chật cả phòng. Người cho trái cây. Kẻ biếu bình nước. Thậm chí có người còn đem tặng cả mấy cuộn giấy vệ sinh…

Trước khi ra về, Sơ Marian đưa chúng tôi mỗi người một chiếc thẻ có ghi tên và số điện thoại của bà để khi cần liên lạc. Bà bảo chúng tôi nên ăn uống và nghỉ ngơi. Ngày mai bà trở lại đưa chúng tôi đi làm giấy tờ.

Đêm đầu tiên ở Mỹ, tôi ngủ say như chết. Trong giấc ngủ, tôi nghe mơ hồ có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ mỗi lúc một rõ dần. Có cả tiếng gọi.

“Anh Hưng… Mở cửa!...Anh Hưng!...”

Tôi bật người dậy. Tiếng của em như sắp khóc ngoài hành lang. Tôi mở khóa cửa. Em phóng vào phòng như cơn lốc. Tay còn ôm theo cả mền, gối.

“Chuyện gì vậy?”

“Em sợ!… Anh cho em ngủ nhờ ở sofa đêm nay, nha?”

Tôi nhìn em ậm ừ…

“Thôi, để tôi ngủ ở sofa. Còn cô vào trong phòng tôi mà nằm!”

“Í, ai làm vậy. Kỳ thấy mồ!”

Chúng tôi tranh luận một hồi, cuối cùng cả hai đồng ý sang phòng 301. Loan ngủ trong phòng của em còn tôi nằm ở sofa.

Hôm sau, Sơ Marian đưa chúng tôi lên tòa thị chính điền đơn xin thẻ an sinh xã hội, xin trợ cấp... Xong, bà lại dẫn chúng tôi đến nhà thờ. “Sơ sẽ giới thiệu mấy gia đình Việt Nam ở đây cho các con làm quen.” Bà nói.

Cả thành phố chỉ có khoảng chục gia đình người Việt. Đa số họ đến ở đây từ những năm 1975. Chúng tôi gặp được mấy người ở nhà thờ. Họ ăn mặc sang trọng, ra vẻ những người thành đạt trong xã hội. Họ nói chuyện bằng tiếng Anh, điệu bộ khá kiểu cách. Ai cũng giới thiệu mình không là kỹ sư thì tiến sĩ, làm việc trong các ngành kỹ nghệ và hãng xưởng lớn của tiểu bang. Đối với chúng tôi, họ như thuộc vào tầng lớp cao hơn, một đẳng cấp khác. Sau vài câu thăm hỏi xã giao nhạt nhẽo, họ khuyên chúng tôi nên đi kiếm việc làm, đừng nên sống bám vào trợ cấp xã hội. Tôi ừ hử như vịt nghe sấm. Loan đứng bên tôi, mặt sụ xuống như chiếc bánh tráng nhúng nước.

“Thật bực mình không chịu được!...” Em nói với tôi khi cả hai đang trên đường về.

“Có chuyện gì?...” Tôi hỏi.

“Thì mấy người đồng hương đó…làm như ngon lắm!”

Khuôn mặt em bỗng rắn lại như đá khối.

“Em quyết định rồi!...”
“Quyết định gì?”
“Em sẽ vừa làm vừa học. Nhất định phải tốt nghiệp đại học!” Loan nói như đay nghiến với chính mình.
“Còn anh Hưng?”
“Tôi đang suy nghĩ…”
“Suy nghĩ gì nữa chớ,” em nói như thét lên. “Tụi mình không thể để họ khi dễ…”

Tôi nhìn em như chợt bỗng thấy trước mặt mình là một cô gái hoàn toàn khác, mạnh mẽ và cá tính đến dữ dội.

Đầu tuần sau, em rủ tôi vào Nashville State Community college đăng ký học. Đoạn đường từ nhà tới trường mất khoảng nửa tiếng xe bus. Tôi xách cặp vở theo em như người đi ngắm cảnh. Tôi đăng ký một lớp tiếng Anh và một lớp luyện giọng. Trong khi em ghi danh học chương trình GED.

“Em muốn lấy bằng tương đương phổ thông. Em muốn bắt đầu lại từ căn bản.” Em nói giọng chắc nịch.

“Tùy em! Tôi chép miệng không chút hứng thú.

Tất cả các lớp chúng tôi học đều rơi vào buổi tối. Ban ngày cả hai lang thang tới các chỗ quảng cáo trên báo, điền đơn xin việc làm. Sơ Marian khuyên chúng tôi nên cố gắng học tiếng Anh, còn việc làm thì cứ để sau sáu tháng hẵng hay. Các con không thể cùng lúc có thể cỡi được cả hai chiếc xe đạp. Hội nhập vào cuộc sống mới là cả một tiến trình đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn…

Tôi gặp không ít khó khăn ở lớp học. Tôi không hiểu được thầy cô giáo nói gì. Cách phát âm tiếng Anh ở đây hoàn toàn lạ lẫm. Cả mớ kiến thức ngoại ngữ tôi học được từ trại tị nạn và những năm phổ thông ở Việt Nam bỗng trở thành mớ hổ lốn vô bổ. Mỗi lần mở sách ra là chữ nghĩa cứ như nhảy múa trên các trang giấy. Đầu óc tôi đặc sệt các ghi nhớ công thức khô cứng xưa cũ. Trình trạng này kéo dài suốt cả tháng liền. Tôi đem chuyện này nói với Loan. Em nhìn tôi ngại ngần:

“Hay là anh Hưng đăng ký học GED với em đi. Dù sao cũng có mấy môn tự nhiên, ít chữ, học đỡ ngán hơn. Cái nào không hiểu thì về nhà đọc thêm sách. Toàn kiến thức cũ dễ ợt hà!...” Giọng em nửa như khuyên lơn, nửa như nài nỉ.

Tôi làm theo lời khuyên của em. Hơn sáu tháng sau, cả hai chúng tôi đều lấy được bằng tương đương trung học.

Rồi tôi có việc làm. Tôi được nhận vào làm chân phụ việc trên một tàu du lịch chạy trên sông Cumberland. Công việc khá bận rộn, bưng đồ ăn cho khách, dọn bàn, cho khăn dơ vào máy giặt, lau chùi phòng ăn sau mỗi ngày…Thời gian bắt đầu từ mười giờ sáng đến mười giờ tối. Làm việc mười hai tiếng mỗi ngày khiến người tôi mỏi nhừ. Cứ về tới nhà là tôi lăn ra ngủ.

Còn Loan, sau khi lấy được bằng GED xong, em làm test luôn hai môn tiếng Anh và toán để vào học ở college. Em cũng xin được công việc work study ở thư viện trường. Bận rộn là thế, nhưng khi về tới nhà em phải lo chuyện chợ búa và đảm nhiệm luôn phần nấu ăn cho tôi.

Sống ở Nashville được hơn một năm, chê cuộc sống buồn, tôi khăn gói chuyển về Chicago. Tôi rủ Loan theo nhưng em không chịu.

“Thành phố đó cuộc sống đắt đỏ lắm, em sợ không đeo đuổi được việc học. Em quen mọi thứ ở đây rồi. Hơn nữa em rất thích mùa Thu của Nashville.” Em bảo thế.

Ngày tôi ra phi trường đi Chicago, em lấy cớ bận không tiễn. Tôi biết em giận.

Ngày ấy đã hơn hai mươi năm. Loan bây giờ đã là một dược sĩ và vẫn không chịu lấy chồng. Sau ngần ấy năm, lận đận mãi nên tôi cũng chỉ lấy được bằng technician về kỹ thuật. Em muốn trở thành thầy thuốc để giúp người. Còn tôi lại chán con người và thích làm việc với máy móc. Mồ hôi chúng tôi đã nhỏ xuống cho cuộc sống khó nhọc này, trong một chừng mực nào đó mà nói, cũng đã được đền đáp.

Cuộc sống đã cho tôi quá nhiều từ công việc, nhà cửa đến con cái. Không có gì để tôi phải phàn nàn. Đối với tôi, gặp được em ngày ấy là một may mắn lớn cho tôi ở cuộc đời này. Tôi biết rằng, mãi đến bây giờ Loan vẫn không chịu lấy chồng là vì thương tôi. Ngày ấy, cả hai đều cảm nhận được tình cảm đã dành cho nhau. Vậy mà không ai dám thốt ra thành lời.

Thương nhau không hẳn sẽ lấy được nhau. Bây giờ tôi đã làm chồng của người khác, và cũng đã sinh con. Chúng tôi vẫn đều đặn đến thăm nhau vào các dịp lễ mỗi năm từ ấy đến giờ. Con tôi cứ nhắc cô Loan và quấn quýt với em mỗi khi có dịp. Vợ tôi khuyên em nên bỏ Nashville về Chicago sống. Em hứa nhưng không làm.

Tôi giấu kín vợ tôi chuyện xưa trong ký ức, như giấu những chiếc lá vàng trong tập vở học trò ngày cũ. Mà đâu chỉ riêng gì vài chiếc lá, tôi đã giữ cả mùa Thu Nashville xưa trong kỉ niệm của mình.

Có lần tôi khuyên em nên đi lấy chồng, và đừng nhớ gì về tôi nữa. Em nghe xong, mặt đỏ gấc. Nhưng em vẫn còn ráng nói:

“Anh tưởng anh là ai chớ?...Làm như ngon lắm!”

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
15/07/201205:46:40
Khách
Một cây bút quá điêu luyện trong nghệ thuật sử dụng từ. Rất đa năng trong các mảng đề tài từ hiện thực phê phán đến tình yêu lứa đôi. Đọc đến truyện này tôi thật sự thích ông. Rất cảm ơn và mong ông tiếp tục cống hiến đến bạn đọc những sáng tác mới!
15/07/201203:07:27
Khách
Truyện hay! Cách viết trừng trải, câu văn tả cảnh tả tình đa nghĩa, giàu cảm xúc! Cảm ơn tác giả.
14/07/201206:46:04
Khách
Wow! Thật không thể hay hơn!
17/07/201221:49:51
Khách
Cốt truyện như một truyện cổ tích buồn, từ ngữ như một bài thơ
17/07/201201:26:00
Khách
Thân chào TT, Tan, Hải Lê,
Đọc mấy lời khen của các Bác, thật tình Văn hơi ngại.
Văn xuất thân dân dã, quen tính ăn mặc xuề xoà.
Nếu phải khoát những thứ hàng hiệu sang trọng này lên người,
thật Văn thấy không quen.
Chào ông Đỗ Sinh,
Văn hiểu được ý ông. Khi thay thế hai từ này cho nhau, Văn thấy ra được cái hay khác.
Cảm ơn. Văn.
16/07/201214:05:47
Khách
Tác giả ơi, ông dùng chữ ghi tên học thay vì đăng ký có hay hơn không???
24/07/201221:29:58
Khách
Tôi rất thích đọc những truyện của tác giả Nguyễn Văn. Lời văn rất điêu luyện như là 1 nhà văn thực thụ. Quá hay!
18/07/201218:15:40
Khách
Đọc xong muốn khóc, không hiểu tại sao. Câu chuyện nghe rất thật. Cách diễn tả cảnh quá là sống động.
18/07/201214:52:43
Khách
Tôi đã đọc qua những bài viết của anh, cách dụng ngôn và hành văn rất tuyệt. Tất cả đều hay nhưng tôi thích nhất là "Chuyện Của Bill" vì mang tính nhân văn rất cao. Mong lắm thay những tác phẩm kế tiếp của anh. Xin cám ơn.
19/07/201219:12:24
Khách
Thân gửi TT-D, KN, TQ.
Hơn cả lời cảm ơn, xin nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành. Văn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Nhạc sĩ Cung Tiến