Hôm nay,  

Những Vị Thầy Của Tôi

21/06/201200:00:00(Xem: 34932)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả có ba tập thơ song ngữ Anh-Việt đã xuất bản. Cô sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994, khi đã 19 tuổi. Năm 2004-05, cô được cấp học bổng Fulbright, bậc tối ưu, để thực hiện nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển. Sau khi tốt nghiệp cao học hai ngành: Lịch Sử Truyền Khẩu & Cộng Đồng tại CSUF.; và Nhân Chủng Học tại Đại học Stanford, cô hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ. Cô đã góp cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII nhiều bài viết đặc biệt và sau đây là bài mới nhất.

* * *

Những năm đầu đến Mỹ, tôi ‘bái’ được nhiều sư, tuy trong tương quan xã hội, tôi là cô giáo của họ.

Hồi thập niên 90s, khi bắt đầu vào đại học Cộng đồng tại Golden West College, tôi được tuyển vào làm ở Trung tâm Luyện Viết của trường, giúp đỡ các sinh viên trong những lớp liên quan đến Anh ngữ, như ngữ pháp và tập làm văn (ESL và English), cũng như những lớp mà học sinh cần viết bài luận. Hằng ngày, tôi gặp rất nhiều sinh viên, và thời đó, sinh viên Việt Nammới tới Quận Cam cũng theo học khá đông, nhất là con cái các gia đình H.O.

Có một chị nọ, rất yêu thích môn Kiến trúc, nhưng vì qua Mỹ diện H.O. với ba mẹ, mà cả hai ông bà đều già yếu, nên chị phải đi làm toàn thời gian để chu cấp cho cả nhà. Nhiều lần tôi gặp chị ở trường, biết chị chỉ có thể đi học một vài giờ buổi sáng một ngày nào đó trong tuần, rồi lo về đi làm ca nhì. Tôi thấy niềm ao ước của chị lao lung quá. Nó làm cho sự báo hiếu của chị lại càng trĩu nặng nghĩa tình. Giấc mơ của chị mãi theo tôi. Tôi không biết bây giờ, chị đã có được cơ hội trở thành một kiến trúc sư và làm việc trong lãnh vực mà chị thích chưa. Giá mà gia cảnh không đơn chiếc, khó khăn, chắc chị cũng đã làm được nhiều điều mới cho ngành kiến trúc. Lòng đam mê – đó là khởi điểm của tất cả những phát minh trên thế giới.

Học được một hai mùa, thì tôi lại đi làm thêm tại Trung tâm Dạy Kèm. Thật ra, tôi không có ý định đi dạy kèm. Khi tôi góp ý cho một chị bạn trong ca đoàn (Hiển Linh tại nhà thờ Westminster) về việc xin học kèm ở trường, chị ấy đáp tỉnh rụi, “Em dạy thì chị mới học!” Tôi hoãn binh, nói là mình không đủ tiêu chuẩn và khả năng để dạy. Chị ấy không nghe, bắt tôi dẫn lên Trung tâm. Vì muốn giúp bạn, tôi hộ tống chị lên Trung tâm Dạy Kèm, xin ghi danh cho chị và tìm người dạy thích hợp. Trung tâm lại đang cần người dạy kèm song ngữ, nhất là cho bộ môn Anh văn, nên tôi không dưng trở thành cô giáo dạy kèm trong chớp mắt. Học trò mới rất cưng tôi, thường đem theo nước mía (món tôi rất mê) và những quà vặt khác mỗi khi chị đến học với tôi cuối ngày. Sau này, tuy khó công trao dồi, nhưng tiếng Anh của chị vẫn ‘lắc lư con tàu đi,’ nên chị bảo tôi, “Chúa không công bằng! Em được hết phần tốt, không học cũng biết. Chị học hoài, cũng… mù chữ.” (Không chừng tại cô giáo bất đắc dĩ này dạy không giỏi?

Oan uổng cho tôi quá. Tôi cũng chúi mũi cắm đầu học, mới ê a được dăm ba chữ, chứ đâu dưng mà biết tiếng Anh. Nhưng chữ nghĩa cũng có cái lạ của nó, không phải ai học cũng nhập tâm. Từ cái duyên ép uổng đó, tôi gặp nhiều sinh viên di dân, những người đã dạy cho tôi những kiến thức và kinh nghiệm mà không trường lớp hay sách vở nào có thể cung cấp. Có một phụ nữ người Guatemala, ráng học tiếng Anh để hướng dẫn con cái làm bài tập về nhà. Tôi thấy bà có một nét chịu đựng vô bờ. Có hôm, bà nói, “Con gái tôi muốn mua áo đầm mới để đi prom, mà tôi bảo cháu, mình là di dân, không có khả năng sắm sửa, nhưng nó không chịu nghe!” Rồi một thời gian sau, con bà bắt đầu có ý định muốn vào đại học. Nét mặt bà rạng rỡ hẳn lên. Cả người bà toát ra một luồng sinh khí mới, đầy hoan lạc. Sao tâm tình của bà giống với tấm lòng người mẹ Việt Namquá: tất cả vì con, vui vì con, và hy sinh cho con.

Có một vị giáo sư cao tuổi người Liên Xô, thích trò chuyện với tôi về nghệ thuật và phim ảnh. Ông chán ngấy ngữ pháp tiếng Anh, nhưng ông nói chuyện rất uyên bác, dù câu cú không tuân theo cấu trúc ngữ pháp. Lần nọ, tôi không dưng ‘lạc sóng,’ nói tiếng Việt với ông. Hồi lâu, thấy ông nhìn tôi chăm chú một cách lạ lùng, tôi hỏi, thì ông nói, “Hình như vừa rồi, cô không nói tiếng Anh.” Ông nhắc cho tôi nhớ, cái lịch lãm và nhẹ nhàng luôn luôn là một ngôn ngữ quốc tế không lời.

Tôi cũng có dịp dạy kèm những sinh viên Việt cao niên. Tôi còn nhớ một bác tên Đường. Bác rất chăm học, chịu khó lắng nghe, và làm các bài tập ngữ pháp một cách chăm chỉ. Bẵng hai tuần, không thấy Bác ghé, tôi vào thì nhân viên của Trung tâm đưa cho tôi mẩu tin nhắn của Bác viết, ghi số điện thoại nhà. Tôi gọi, Bác nói, “Cám ơn cháu nhiều đã giúp Bác trong thời gian qua. Bác sĩ cấm, không cho Bác đi học nữa, vì sức khỏe của Bác không tốt.” Chuyện đã gần hai mươi năm, nhưng tôi vẫn nhớ đến Bác Đường. Tôi mong – với hết lòng mình – rằng Bác Đường vẫn còn sống, và khỏe mạnh. Những năm tháng khổ sai đã đẩy người tù cải tạo đi ngược dòng thời gian – đày sức khỏe của họ đi biệt xứ, cướp ngang cả một quãng đời và chất lượng đời sống của họ. Không có sức khỏe, thì không thể sống sung mãn được. Chỉ việc cỏn con là muốn đi học tiếng Anh để hội nhập với xã hội tạm dung, mà cũng không có sức để theo, dù lòng vẫn quyết.

Cũng trong thời gian dạy kèm, tôi có một học trò nhỏ hơn tôi vài tuổi, tên Huy. Em rất muốn học cho xong để xin chuyển lên đại học bốn năm, nhưng khả năng Anh ngữ còn yếu quá, phải ở lại. Vì mỗi mùa học, mỗi sinh viên chỉ được kèm 15 tiếng trở xuống, nên khi Huy có bài, tôi lại dành thêm thời gian dạy kèm miễn phí, tuy tôi vẫn dạy em ngay tại Trung tâm trong những giờ phụ trội này. Đối với tôi, cái chữ Đức và chữ Nhân nó đẹp vô cùng, nên tôi luôn học theo hai chữ này. Nếu giúp được cho ai, tôi cho đó là cái phước của tôi. Huy là một người nhiều tình nghĩa, đã không nhận sự giúp đỡ của tôi một cách như không. Cuối khóa, Huy xin địa chỉ nhà, và đến thăm tôi một buổi chiều đầu hè, với một ổ bánh khổng lồ. Huy vốn nhỏ con, lại rất gầy, nên ổ bánh lại trông to quá khổ trong tay Huy. Huy nói:

- Cám ơn chị đã giúp em 'qua' được mùa này. Em được điểm A trong lớp English 100, bây giờ có thể transfer được rồi.

Tôi khá ngạc nhiên, vì biết Huy cũng không dư giả gì để đi mua một cái bánh đắt tiền như vậy để tặng tôi. Tôi chỉ ngạc nhiên vì cái bánh lớn quá, nhưng không ngạc nhiên về tấm lòng của Huy. Mà không chỉ mình Huy làm tôi ngạc nhiên. Tôi dạy thêm giờ cho Huy nhiều đến nỗi đến cuối mùa, không dưng tôi được Trung tâm gọi lên, bảo tôi trúng thưởng. Tôi đoán là vì bà Giám Đốc muốn bù đắp cho những giờ dạy kèm không ăn lương của tôi. Phần thưởng là một cái TV trắng đen cổ điển, còn mới tinh trong thùng, chưa khui, khá xinh xắn. Thấy gia đình mình – tuy chẳng giàu có gì, vì cũng mới qua Mỹ – nhưng cũng đã có TV để xem, nên tôi mang tặng cho một anh du sinh từ Việt Namsang, theo học tại Cal State Fullerton. Tôi thông cảm với người bạn này, anh Đỗ T., vì anh phải xa vợ và hai con nhỏ để đi học – tuy là một diễm phúc ở tuổi của anh, nhưng cũng là một hy sinh lớn khi phải xa gia đình trong suốt hai năm trời.

Anh T. nói với tôi về những ấn tượng khi mới đến Hoa Kỳ. Anh bị sốc nặng. Anh đặt câu hỏi: tại sao nước mình không được như vậy? Anh nói, sự tự do ở Hoa Kỳ làm anh chao đảo, mất thăng bằng. Biết sự tự do là một cái gì to lớn vĩ đại, nhưng nó sáng quá, làm anh lóa mắt. Anh chưa dám đến gần nó. Anh muốn trấn tĩnh, rồi mới từ từ nhìn kỹ, xem tự do nó ra làm sao, hình thù thế nào. Cái nhìn của anh như một sự nhắc nhở cho tôi, để tôi không lấy sự tự do mình được hưởng ở Hoa Kỳ như một điều như không, mà như một đặc ân – đôi khi rất xa vời đối với nhiều người sống ở những nước thiếu tự do, như chính Việt Nam hiện nay.

Vì anh T. không có xe, nên thỉnh thoảng tôi chở giúp anh đi chợ trong khu Little Saigon, để có mắm có muối cho bữa cơm sinh viên xa nhà. Tôi hơi cổ điển, hay mủi lòng trước cảnh sinh viên xa nhà. Có lẽ vì ngày xưa, ở quê tôi Gò Công, sinh viên tốt nghiệp Trung học Trương Định xong, thì khăn gói lên Sàigòn để thi vào học đại học. Cái lịch sử di dân ngắn hạn này – đôi khi trở thành dài hạn – của cộng đồng sinh viên tại quê tôi đã khiến cho tôi có mối thông cảm này chăng? Nên tôi giúp những sinh viên xa nhà một cách tận tình, như anh T. và một vài cô du sinh từ Việt Namkhác. Những sinh viên này thường cảm động và cảm ơn tôi, nhưng tôi lại là người cần biết ơn họ, vì họ cho tôi thấy cái diễm phúc được sống gần gia đình. Tôi không ngờ vài năm sau, tôi cũng là đứa sinh viên xa nhà, thiếu mắm thiếu muối, ở thủ đô Stockholmcủa Thụy Điển. Ở đó, cũng có những bạn sinh viên gốc Việt hỏi han tôi, các chị các cô lớn tuổi lưu tâm đến tôi. Đến phiên tôi được nhận những sự nâng đỡ dành cho sinh viên xa nhà.

Từ ngày mới qua Mỹ, tôi cũng đi dạy Việt ngữ tại trường Westminster, ngay những ngày đầu tiên thành lập trường. Thường thì tôi đứng lớp chung với một hoặc hai chị thiện nguyện viên khác. Lúc đó, tôi chỉ là cô giáo nhí (mới 19 tuổi), nhưng vì mới ở Việt Nam qua, và cũng còn biết nói tiếng Việt và đánh vần, nên có nhiều chị qua Mỹ đã lâu (từ lúc bảy, tám tuổi) cũng thích dạy chung với tôi. Có một năm, trường nhận được quá đông sinh viên, nên thiếu phòng, thiếu giáo viên. Thầy hiệu trưởng Vũ Hoàng giao cho tôi lớp “Vỡ Lòng” – mà tôi xin thêm vào hai chữ “Tự Do.” Đó là vì nếu lỡ có em nào xin vào trễ sau khi khai giảng, hoặc không biết xếp vào lớp nào, thì Thầy lại đưa ngay vào lớp “Tự Do” của tôi. Cho nên, giữa một bầy gà con, thì có một con gà cồ và vài con gà tơ khác. Con gà cồ là chuyện đáng nói. Nó tên Phong, tuy còn nhỏ nhưng ‘cứng cựa.’ Nó dõng dạc tuyên bố với tôi ngay trong ngày nhập học, bằng tiếng Anh:

- Tôi không phải là một đứa con nít! Tôi là một người đàn ông. Lớp này không thích hợp với tôi. (I am not a kid! I am a man. This class is not for me.)

Dĩ nhiên là con gà cồ này làm khổ tôi đủ điều. Hắn hỏi: tại sao phải học tiếng Việt, tại sao không cho hắn chơi (à, thì ra ‘một người đàn ông’ cũng có nhu cầu đùa chơi như trẻ con!), tại sao tiếng Việt khó khăn rắc rối (thì phong ba bão táp không bằng ngữ pháp mà, duh!), tại sao tôi ‘điên’ quá đến nỗi đi làm cái việc ép uổng người khác học tiếng Việt (cái phần này thì không đúng, tôi chỉ tình nguyện dạy tiếng Việt, không có ép ai hết!).

Hôm đó, tôi đi bộ về nhà mà buồn tấm tức. Cái thằng gà cồ này, sao nó ác với mình vậy! Tôi nhẩn nhơ khóc râm ri trên đường. Xe cộ chiều thứ bảy trên đường Westminsterđông đúc, vội vã. Chắc chẳng ai để ý, thấy một đứa con gái vừa đi vừa khóc nghêu ngao, quên hết xung quanh. Sau này, gia đình tôi dời đi xa hơn, tôi phải đi bộ 40 phút mới tới trường. Những ngày nắng nhiều, tôi nhạy nắng, bị cảm liền tù tì. Nhưng dù vậy, mỗi chiều thứ bảy, tôi vẫn quyết tâm đi dạy, thay vì đi chơi hay thong thả nghỉ ngơi ở nhà. Mỗi thứ bảy là mỗi lần tôi tập cho mình sự bền chí, sự quyết tâm, và tinh thần trách nhiệm. Những điều này chắc chắn giúp tôi nhiều khi bắt đầu vào đại học, hay đi làm.

Vốn đã đứng lớp được vài năm, lại đang học Sư Phạm tại đại học, và cũng đang làm phụ giáo song ngữ tại Học khu Westminster, tôi có chút kinh nghiệm về việc giữ lớp, nên lẹ làng đề cử con gà cồ làm Lớp Trưởng. Hắn phản đối, nhưng tôi trì chí, cuối cùng hắn miễn cưỡng nhận lời. Thật ra, tôi nghĩ, ở cái tuổi đàn-ông của hắn (nghĩa là mới 8 tuổi), thì hắn phải tỏ rõ hắn là người làm chủ tình hình. Nên hắn phải phản đối trước, rồi mới chịu ‘tiếp vị’ sau. Những con gà tơ khác thì không ‘đá’ tôi, nhưng cũng có phần khiếp sợ con gà cồ. Nhờ vậy, một khi gà cồ làm lớp trưởng, tôi cũng an tâm đứng lớp hơn.

Ban đầu, để ‘quân bình’ học và chơi – mà cũng để xoa dịu cái nỗi ấm ức phải đi học cuối tuần của các em, tôi dành15 phút mỗi ngày để cả lớp cùng chơi một trò gì đó với nhau. Về sau, điều này không còn cần thiết nữa, khi các em đã quen việc học và lớp đã ổn định hơn. Nhưng khốn thân tôi! Bày trò chơi, thì các chúng tha hồ bày. Nhưng lúc nào tôi cũng được vé danh dự! Hễ chơi “Duck Duck Goose” thì tôi phải làm “Goose” kinh niên – vừa ngồi xuống chưa kịp thở thì đứa mình vừa ‘mời’ làm Goose đã quay trở lại rờ đầu bắt mình chạy tiếp!

Cuối năm, con gà cồ tự nguyện xin ở lại lớp, dù tôi cho nó lãnh thưởng và tuyên dương nó trước lớp. Tôi nói sao, nó cũng không nghe, tôi đành ậm ờ cho qua chuyện, nhưng phê trong sổ cho nó lên lớp thẳng cánh. Thấy nó xin ở lại, đám gà con cũng lao nhao biểu quyết, đồng loạt muốn ở lại lớp để cũng học như năm nay. Tôi ngẩn tò te. Chắc là chúng đang định giở trò gì đây. Tôi đã làm “Goose” đủ rồi, không mơ trở lại quá khứ hụt hơi ấy nữa! Nhưng đám gà con, gà cồ, gà tồ, gà tơ này – chúng đã cho tôi bài học vỡ lòng về việc ứng xử với trẻ con, để hôm nay, khi tôi có được con gà cồ nhí của riêng tôi, tôi đủ kiên nhẫn và mềm mỏng trong việc hướng dẫn và dìu dắt con.

Những vị Thầy của tôi – họ không thuần túy dạy tôi chữ nghĩa, nhưng cho tôi cách nhìn về những mảnh đời khác nhau, cách xử sự trong cuộc sống, ý chí vươn lên của con người, và về chính tôi. Họ cho tôi một sự va chạm trực tiếp vào những hoàn cảnh và kinh nghiệm riêng tư, để tôi trưởng thành qua tương quan của tôi với họ. Họ dạy tôi biết, khi tôi mới tập vào đời, và lúc ấy, tôi là cô giáo nhí, có thể bị con gà cồ lấy cựa non của nó ‘cào’ tôi vài cái, là tôi khóc – nhưng tôi không bỏ cuộc. Họ dạy cho tôi cái vị cay của sự kiên nhẫn và cái ngọt bùi bên trong nó. Họ dạy tôi biết, ý chí con người – cho dù không muốn khuất phục hoàn cảnh, nhưng sức người vẫn có hạn. Cho nên, khi còn có thể, tôi hãy chinh phục các giấc mơ của mình, đừng để đến ngày ‘sức cùng lực kiệt,’ mơ lại hoàn mơ. Chính họ đã cho tôi biết mình may mắn, cho tôi thấy cái nghị lực ngùn ngụt trong một cô gái mới vào đời như tôi, để tôi dùng mười mấy năm đầu ở Mỹ mà trồng cấy cho mảnh vườn mơ ước trong học thuật và sáng tạo.

Họ dạy tôi biết cảm thông. Vì không phải ai có chí lớn, có hoài bão, có ước mơ, có tài năng, thì cũng đều có cơ hội để thành công và gieo cấy giấc mơ của mình. Họ cho tôi biết, quá khứ đau thương có thể lấy đi cái quý giá nhất của con người: sức khỏe và tuổi thọ. Họ dạy tôi rằng, nếu tôi biết đón nhận những thử thách ban đầu, thì tôi sẽ đối diện được với những gian nan về sau. Và biết đâu, như trong trường hợp của con gà cựa, thì những thử thách và cào xước ấy sẽ được hóa giải. Tôi lại được ‘bình chọn’ làm cô giáo năm nhì, có học trò ‘đàn-ông-tám-tuổi’ nhất định đòi học lại với tôi năm nữa và một đám gà con nhao nhao ăn ké!

Những cái bánh 'quá cỡ' nhận được cuối mùa học, cái TV trắng đen không dưng được ‘trúng thưởng,’ những học trò xuất sắc nhất định đòi ở lại lớp, những ly nước mía mát lạnh cuối một ngày vừa học vừa hành, những bức thư ngắn gửi lại với đầy sự tin tưởng... Đây là những 'phần lương' tôi nhận được cho cả phần hồn lẫn phần xác. Bánh ăn rồi, mười mấy năm sau vẫn còn nhớ. Nước mía uống hồi đời nào, tới giờ vẫn còn thấy ngon. Đi làm mà được lãnh lương như vầy, thật là sướng! Đồng lương mà trường trả cho tôi đã đi vào ngân sách thu eo hẹp và đi ra ngân sách chi ồ ạt thuở đó. Nhưng những 'phần lương' phụ trội mà những vị thầy của tôi phát cho tôi mới làm cho tôi giàu có hơn và hạnh phúc hơn. Những phần lương phụ trội vẫn còn ở lại với tôi mãi, như những ánh mặt trời không bao giờ tắt.

Mỗi người vào đời qua chính kinh nghiệm của mình, nhưng tôi được vào đời bằng nhiều ngã: bằng chính cuộc đời tôi, nhưng cũng qua những cánh cửa kinh nghiệm của những vị thầy của tôi.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Ý kiến bạn đọc
25/06/201210:47:39
Khách
Xin cám ơn Dt đã khen. Nếu có giỏi, thì có lẽ nhờ Trangđài ham học từ những vị Thầy của mình. Xin chúc vui.
22/06/201202:47:38
Khách
Cám ơn Trang Đài, bài viết thật hay, rất mến phục
21/06/201203:04:35
Khách
Đi.nh cu* 1994 tai My, that la gioi qua
21/06/201207:57:47
Khách
Hay lắm Trang Đài !Cô là một người khá đẳc biệt.Đối với nhiều người khác khi gặp khó khăn,thông thường người ta chỉ tìm cách vượt qua trở ngại rồi tiếp tục tiến bước còn cô;cô khắc phục khó khăn rồi còn nhẫn nại nghiên cứu tìm ra cho mình một bài học từ sự thử thách kia nữa và bây giờ cô tỉ mỉ phân tích và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho mọi người...

Cám ơn chân tình nhé cô Thạc sĩ.

Bài của cô viết rất mạch lạc mà cũng gọn gàng khúc triết lắm.Hoan nghênh!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,617,258
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến