Hôm nay,  

Hành Trình Về Đến Trái Tim

10/06/201200:00:00(Xem: 221783)
viet-ve-nuoc-my_190x135Ngày này, tuần tới sẽ là Fathers Day. Nhân dịp này, mời đọc bài viết mới nhất của Cam Li. Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ - hiện có trên trang mạng: http//tuoihoahatnang.com. Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho giải thưởng Việt Báo nhiều bài viết giá trị và nhận giải vinh danh Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010.





Ông Paul vui vẻ nhận con vịt làm từ bắp cải thảo rất khéo. Con vịt có thân mình mập mạp, đôi cánh xếp thẳng xuôi theo mình, còn đôi chân thì “tác giả” đã khéo léo giấu chúng mất rồi, cũng không sao, con vịt đang bơi nên giấu chân dưới mặt nước chăng? “Mặt nước”, chính là cái nền đĩa màu xanh lơ.


Tôi quen ông từ buổi đó, cái đêm văn nghệ gây quỹ của một tòa soạn báo dành cho người gốc Việt. Ông là một trong số rất ít những người không phải gốc Việt tham dự. Ông chưa nói với tôi tại sao ông có mặt. Những người trong ban tổ chức thì chắc biết nhiều về ông. Riêng tôi, tôi muốn ông chỉ là bạn của tôi, thế là đủ.

Tôi thấy mình có một cảm tình rất tự nhiên đối với ông, ngay khi ông đứng lên ghi danh xin tặng một số tiền và nhận món hàng mỹ thuật rất “nhà bếp” này. Số là có một nữ sinh tình nguyện làm hai con vịt trắng tinh bằng cải bắp thảo để tặng cho ban tổ chức trưng bày rồi sau đó… xổ số. Nhưng rồi cuộc xổ số đã không diễn ra mà lại biến thành một buổi quyên góp. Ai muốn tặng bao nhiêu thì tặng, tùy hỉ. Và dù số tiền tặng là bao nhiêu, người ghi danh đầu tiên cũng sẽ được nhận món quà trong số những món quà được đưa ra. Khi ông Paul đứng lên để nhận con vịt, ông không thể bưng bằng cả hai tay. Một tay, vâng, bàn tay phải của ông, không thể sử dụng được. Tôi, từ trong một nhóm khán giả ngồi gần đó, đã nhanh chân chạy đến bưng món quà giúp ông.

Và như thế, sau vài câu hỏi han thông thường, chúng tôi quen nhau.

2

Tôi ghé thăm ông Paul sau giờ tan sở. Ông đang đứng trước giá vẽ. Ông vẽ bằng tay trái. Còn bàn tay phải yếu ớt của ông chỉ để làm những động tác phụ. Căn phòng trong khu chung cư đủ nhỏ để bề bộn những vật dụng của ông. Tôi dọn nhanh những khung vải, những tấm giấy to vào một chỗ, rồi đến sau lưng ông để ngắm bức vẽ đang dở dang của ông. Ông vẽ một người phụ nữ. Dáng người thanh mảnh, hơi gầy một chút. Mái tóc dài. Chỉ mới có khuôn mặt nhưng cũng làm cho người xem đoán chừng đó là một cô gái đẹp.

Ông bảo tôi tự lấy nước uống. Tôi đi đến tủ lạnh. Chỉ vài lần đến đây, tôi nay đã xem mình như người nhà của ông rồi.

Tôi chợt nhớ tuần tới là sinh nhật của mẹ. Mà cũng đã lâu tôi không gọi cho mẹ. Tôi móc điện thoại ra và gọi về. Mẹ có ngay ở đó. Tôi biết mẹ vẫn ngồi nơi bàn làm việc, dù mẹ về hưu đã hơn hai mươi năm rồi. Sau lưng mẹ là một giàn kệ sách. Sách ngập tràn, như một thư viện. Tôi từ thuở bé đã từng chơi trốn tìm với mấy anh chị em trong cái rừng sách đó. Và cũng vì ham chơi trong ấy, tôi đã trở thành một con mọt sách. Tôi lớn lớn một chút, mẹ chỉ cho tôi những sách phải coi. Mẹ là giáo sư dạy Sử. Và đương nhiên, tôi làm con mọt trong một lô sách Sử.

Mẹ hỏi tôi:

- Thế bao giờ con mới chịu về cho mẹ gặp?

- Dạ, mẹ ơi, cho con thong thả chút…

- Bao giờ con mới thong thả? Bao nhiêu năm nay rồi, mẹ con mình chỉ gặp nhau trong hình. Con đợi lấy vợ, rồi sinh con, và chắc đợi sinh đủ chục rồi mới về hở con?

- Không phải…

- Hay con đợi mẹ mất rồi con mới về?

Vẫn những câu trách móc đó. Tôi nghe mắt tôi cay xé. Mẹ ơi mẹ không hiểu đâu!..

Nhưng tôi giả vờ cười thành tiếng rồi chào từ giã mẹ, nói rằng tôi phải đi làm.

Khi tôi trở lại thì bức vẽ của ông Paul đã tạm xong. Người phụ nữ trong tranh đã rõ nét. Gương mặt là của một thiếu nữ tuổi đôi mươi. Ông Paul vẽ không sắc sảo như một họa sĩ nhà nghề. Nhưng cái hồn của bức tranh như đang thấp thoáng. Ông nheo mắt với tôi:

- Tôi vẽ theo trí nhớ, cậu em ạ!

- Thật sao? Một người quen của ông?

- Phải.

- Một người con gái Việt Nam?

- Đúng.

- Xinh quá!

Ông Paul cười thú vị:

- Cậu khen nét vẽ của tôi, hay khen người con gái?

Tôi ngơ ngác, luống cuống, rồi chống chế:

- Ơ… thưa… cả hai ạ.

- Cậu khôn thế?

Ông và tôi cùng cười vui vẻ. Cũng không có gì lạ, ông Paul thường tham dự những buổi sinh hoạt của cộng đồng Việt. Ông bảo lúc đầu ông được mời, sau dần dần ông mến. Ông biết ăn món ăn Việt, biết hát cả nhạc Việt. Có lần ông bảo “Đúng ra tôi phải là người Việt”.

Tôi trở lại với bức tranh. Tôi tò mò, không ngăn được mình hỏi:

- Cô gái này, đang ở đâu hở ông?

Ông Paul giật mình, hỏi lại:

- Cậu muốn biết?

- Vâng.

- Cô ấy không có ở đây, cô ở xa lắm!

- Tiểu bang nào hở ông?

- Cô ấy ở Việt Nam.

- Ủa, ông có đi Việt Nam?

- Không… À, có, nhưng rất lâu rồi, đã hơn bốn mươi năm.

Tôi lại càng thắc mắc dữ. Tôi hỏi nữa:

- Vậy cô gái này…???

- Lúc đó, cô ấy như thế này.

Tôi thôi hỏi. Tôi hiểu. Đây là một hình bóng cũ của ông.

3

Mẹ tôi đẹp lắm, ít ra là đối với riêng tôi. Cái vẻ đẹp của người phụ nữ miền tây, nó ngồ ngộ, đáng mến lắm! Tôi là con trai, lại ham mê sách vở, suốt ngày vùi đầu trong đống sách Sử của mẹ, ít chú ý đến chuyện mỹ thuật. Nhưng hồ như từ khi tôi biết suy nghĩ, cái hình bóng thân thương của mẹ đối với tôi đã là tất cả. Mà tôi đâu phải là con một. Mẹ còn có cả bầy con. Đứa nào đứa nấy phá như quỷ sứ.

Tôi đi xa mẹ đã lâu, hơn hai mươi năm rồi. Ngày tôi đi, mẹ còn khoẻ, đến nay mẹ đã tám mươi. Những năm đầu tôi xa nhà, đối với tôi như là đi đày. Tôi chỉ có thể viết tay những lá thư và gửi bưu điện về cho mẹ. Thư đi mất gần cả tháng. Gọi điện thoại thì tôi không dám nghĩ đến. Sau này, tôi tận dụng phương tiện “tối tân” như viết email, và giá cước điện thoại cũng tương đối khá rẻ, tôi mới gọi điện thoại cho mẹ thường xuyên. Chưa hết, gần đây tôi còn biết mua cái webcam để mẹ con tôi có thể “gặp” nhau.

Chính nhờ vậy mà tôi muốn khoe với mẹ về “người bạn lớn” của tôi. “Bạn vong niên” đấy! Ông Paul. Tôi mở webcam lên và bảo ông Paul ngồi bên cạnh tôi. Mẹ đã xuất hiện rồi! Tôi giới thiệu họ với nhau:

- Mẹ ơi, đây là ông Paul, bạn mới của con. Ông Paul, đây là mẹ tôi.

Hai người chào nhau. Mẹ nói tiếng Anh cũng rất giỏi nên câu chuyện khá trôi chảy. Rồi mẹ hỏi tôi:

- Cái bức tranh sau lưng con, là do ông Paul vẽ ư?

- Dạ phải.

- Trông đẹp lắm con à!

- Dạ. Mẹ thấy… có quen không?

- Không. Mẹ chỉ thấy đó là nét của người con gái Việt Nam.

Mẹ lại nói lời khen ông Paul về bức vẽ. Ông cám ơn. Thế là xong một cuộc trò chuyện.

Tôi mang cái laptop ra chỗ khác để tiếp tục hàn huyên với mẹ mà không gây vướng bận cho ông Paul. Mẹ hỏi tôi:

- Ông Paul ấy… ra sao hở con?

- Ông tốt lắm mẹ à! Ông là cựu quân nhân, giải ngũ lâu rồi. Ông thích sinh hoạt trong cộng đồng người Việt ở đây lắm. Chuyện gì cần đến sự giúp đỡ là có ông.

- Ông đặc biệt mến người Việt hở con?

- Dạ.

- Con có biết gì thêm về cuộc đời của ông ấy không?

- Dạ không. Khi nào ông ấy thích nói thì ông tự nói, con không muốn hỏi. Con thấy ông có vẻ buồn buồn thế nào ấy!

- Mẹ cũng thấy vậy. Thôi, mình hãy tôn trọng những gì mà người ta chưa muốn thố lộ với mình, nhé! Mẹ đi nghỉ đây! Già rồi, làm cái gì cũng không ngồi được lâu.

Tôi lại cảm thấy mình có lỗi. Mẹ sắp nói lên nỗi buồn xa con. Mẹ ơi mẹ có biết không???

4

- Tôi là một cựu quân nhân. Cậu đã biết rồi đấy! Và chiến trường tôi tham dự là Việt Nam. Lúc tôi sang đó, chắc cậu còn ở tận đâu đâu.

- Vâng. Ông đáng tuổi cha tôi.

- Phải. Cha của cậu… có ở với cậu không?

- Không.

- Ồ, vậy xin lỗi… ông ấy ở đâu?

- Tôi… không biết.

Ông Paul có hơi ngập ngừng. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ ngầm hỏi “cha của cậu còn sống hay đã chết?”. Tôi không muốn để ông thắc mắc lâu, vì cho đến nay ông cũng đã tâm sự đôi điều với tôi về ông. Tôi nói:

- Ông Paul, tôi không biết mặt cha tôi.

Rồi tôi khựng lại. Ông cũng như hẫng đi trong một tích-tắc. Có tiếng thở ra nhè nhẹ nhưng tôi đã kịp nghe. Tôi nhắm mắt lại. Hình như tôi đã nói ra một điều mà từ nhỏ đến nay tôi rất ít khi muốn nói: “Tôi không biết cha tôi là ai”. Rồi bỗng nhiên tôi có cảm giác ông Paul đang nhìn tôi. Tôi mở mắt ra. Thật vậy, ông đang nhìn tôi chăm chú. Tia mắt ông lạ kỳ.

Giây lát sau, ông Paul hỏi tôi, giọng thật nhẹ:

- Cậu chưa từng biết mặt cha?

Tôi lắc đầu. Có một nỗi gì đau nhói trong lồng ngực tôi. Nhìn ông Paul, bỗng dưng tôi muốn thố lộ như với một người bạn.

- Đúng ra là tôi không biết cả cha lẫn mẹ. Tôi lớn lên đến như bây giờ, vẫn thao thức về nguồn gốc của mình. Người mà ông nói chuyện đó, là mẹ nuôi của tôi. Khi tôi có trí khôn thì đã thấy mình là con của mẹ. Mẹ tôi có cả một bầy con hơn chục đứa. Là do bà nhận nuôi từ viện mồ côi. Tôi là một trong số đó.

Đôi mắt của ông Paul như có cái gì làm trĩu nặng. Đôi lông mày cau lại. Những đường nét của thời gian như hằn sâu thêm trên trán ông. Ông lẩm bẩm:

- Bà ấy thật là một người quá tử tế.

- Phải, một bà mẹ tuyệt vời ông ạ. Bà là nhà giáo. Bà dạy Sử. Tôi không hiểu vì sao mà bà lại có một tấm lòng lớn lao như vậy. Bà là con trong một gia đình của một vị quan cáo lão về hưu, muốn con cháu mình tiếp nối sự nghiệp giáo dục. Vậy mà bà chỉ có được tôi là đứa con nuôi mê sách Sử. Mấy người kia chỉ thích chuyện khác. Bà yêu thương tôi lắm, thường giảng giải cho tôi nghe về những sự kiện trong sử Việt. Tôi có trí nhớ khá tốt nên những cái mốc lịch sử tôi hầu như thuộc nằm lòng.

- Tôi thật rất ngạc nhiên đấy cậu à!

- Không ai nhìn tôi mà nghĩ rằng tôi là người yêu Việt Sử đâu ông Paul. Tôi không có vẻ gì là Việt Nam cả, đúng không ông?

Ông Paul gật gù đồng ý.

5

Tôi nhớ Việt Nam da diết. Tôi nhớ mẹ và mái nhà thân yêu trong khu phố cũ kỹ ở Sài Gòn. Tôi nhớ mấy anh chị em khác cha khác mẹ cùng lớn lên, học hành, chơi đùa dưới một mái ấm. Mẹ tôi, vâng, mẹ của chúng tôi là mẹ chung. Bà ôm từng đứa, từng đứa chúng tôi từ cô nhi viện về nhà. Bà không biết cha mẹ của từng đứa là ai. Bà chỉ quen biết với viện trưởng của cô nhi viện, người cưu mang chúng tôi. Dưới mái nhà thân yêu của bà, chúng tôi lớn lên như một cái xã hội nhỏ. Có đứa ngoan ngoãn, có đứa hung hăng, có đứa hiếu động, có đứa trầm lặng… Nhưng chúng tôi đều hiểu được rằng mẹ đã hy sinh rất nhiều để trọn vẹn làm một bà mẹ chung. Bầy con thì đứa trắng, đứa vàng, đứa da đen. Mẹ ôm hết, ôm hết. Vòng tay của mẹ bao la lắm! Cho đến ngày chúng tôi tạm gọi là lớn khôn thì bà cũng vừa đến lúc cần nghỉ ngơi. Từng đứa, lại từng đứa, đi ra khỏi mái ấm. Tôi là đứa ở lại cuối cùng. Không phải vì tôi nhỏ tuổi nhất, mà bởi vì tôi không muốn lìa xa mẹ. Nhưng cho đến một ngày, mẹ bảo tôi hãy đi, như những anh chị em khác. Mẹ nói tôi là đứa thông minh nhất, cần bay nhảy, cần có nơi chốn để học hành. Và con đường duy nhất mà mẹ chọn cho tôi, là con đường đi Mỹ.

Tôi đi Mỹ. Tôi đi Mỹ theo chương trình con lai.

Và quả thật, mảnh đất lành đã đón tôi. Dù phải trải qua những ngày cô đơn, lo lắng, nhưng tôi không còn có cái cảm giác sợ hãi của một đứa trẻ lớn lên bị phân biệt đối xử như ngày xưa. Tôi không còn lo bước vào lớp bị bạn bè bắt nạt, thầy cô la mắng. Tôi, tuổi đôi mươi, tự bước những bước đi vững chãi. Tôi đi học. Tôi ra trường. Tôi có việc làm. Nhưng tôi vẫn không quên sử Việt. Là bởi vì tôi vẫn là người Việt. Tôi là con của mẹ.

Rất nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi tôi là ai. Bởi tôi không biết cha mẹ ruột của mình. Tôi từ đâu đến? Tại sao tôi có mặt ở cô nhi viện? Những ngày làm bạn với ông Paul tôi lại càng khắc khoải nhiều về những câu hỏi ấy. Chưa bao giờ nỗi ao ước gặp lại, hay ít ra biết tin tức về cha mẹ ruột lại to lớn, thúc giục như vậy.

Cũng thật tự nhiên, một hôm ông Paul tâm sự cùng với tôi, như thể ông cũng đã thấu cảm được những ý nghĩ của tôi. Ông bảo ông rất muốn tìm lại những người thân của ông. Tôi ngồi yên lặng nghe ông kể.

Khi ông sang Việt Nam, đó là vào khoảng thời gian khốc liệt nhất. Ông quen một nữ cứu thương, người đã cứu ông ra khỏi nguy cơ hoại tử của bàn tay phải bị trúng đạn. Ông và cô ấy yêu nhau. Tình yêu hiền hòa nhưng cũng rất mãnh liệt. Ông bảo sẽ cưới cô khi ông giải ngũ. Cô nghỉ phép về Huế để thăm nhà. Và cũng là để nhận những lời mắng chửi từ gia đình vì cô đã để mang thai với một người ngoại quốc. Ông thúc giục cô hãy trở vào Sài Gòn, cùng ông tiếp tục phấn đấu cho một cuộc sống mới. Nhưng ông đã bặt tin cô. Chiến cuộc xảy ra. Cô đã biến mất.

Tôi khóc. Một đấng nam nhi phải khóc khi được tâm tình với người bạn vong niên. Như là tôi đang khóc vì chuyện mình.

Tôi nghe có một bàn tay đặt lên vai tôi, an ủi…

6

- Dậy đi con! Dậy đi con!

Tôi dụi mắt, ngơ ngác. Nghe như tiếng mẹ gọi dậy mỗi sớm chuẩn bị đến trường. Tôi định thần. À thì ra là tôi nghe tiếng chuông điện thoại, vào cái giờ rất quen thuộc ngày xưa được mẹ gọi dậy. Nhưng bây giờ bên nhà là đêm. Mẹ thường ngủ sớm, lại ít khi gọi điện thoại cho tôi, chỉ chờ tôi gọi.

- A-lô, mẹ hả? Sao mẹ gọi con vậy? Mẹ có khoẻ không?

- Mẹ khỏe. Nhưng con à, mẹ có việc này muốn nói với con ngay.

- Sao mẹ?

- Hôm qua tự nhiên mẹ nhớ lại một gương mặt rất quen. Nó nằm ở đâu trong trí nhớ lờ mờ, không rõ rệt. Mẹ không nhớ như nhớ một người thân hay một người bạn. Mà là gương mặt của một người đàn bà tuổi khoảng năm mươi, nhưng lại có nét rất giống người con gái trẻ trong bức vẽ của ông Paul con ạ!

- Con chưa hiểu mẹ ơi, người đó có liên quan gì đến mình không?

- Không, mẹ không quen người đó. Nhưng cái ánh mắt người đàn bà đó trông theo mẹ, như đã vào nằm trong vô thức của mẹ mà mẹ không biết. Cho đến hôm qua, khi mẹ thấy gương mặt ấy nổi lên, mẹ đã không cầm được và chạy đến cô nhi viện. Mẹ năn nỉ viện trưởng lúc này cũng đã quá già yếu, cho mẹ biết lai lịch của một đứa con của mẹ. Bà lục lại giấy tờ và cho biết đứa bé này được giao cho viện bởi bà ngoại của cháu. Bà đã đưa cháu đi một đoạn đường thật xa, từ Huế vào Sài Gòn, cốt để tránh tai tiếng. Bà ngoại đã dứt đứa trẻ ra khỏi tay người mẹ của cháu. Khi biết đứa bé đã được mẹ nhận nuôi, bà trở về Huế. Nhưng sau chiến cuộc Tết Mậu Thân ấy, bà không còn trở lại viện nữa. Viện trưởng chỉ có chừng đó thông tin.

Tôi nuốt nước bọt, nói khó khăn:

- Mẹ ơi, xin mẹ hãy kể tiếp.

- Cái ánh mắt của người đàn bà đó, mẹ dần dần nhớ ra, rõ nét con ạ! Người đàn bà đứng ở một góc rất xa, nhìn về phía mẹ con mình. Đôi mắt xót xa, hối hận, van lơn, nhắn gửi…

- Mẹ con mình hở mẹ?

- Phải.

- Đôi mắt của bà ngoại con, phải không mẹ?

- Thằng con của mẹ thật thông minh.

7

Ông Paul đã nghe tôi kể lại câu chuyện. Chúng tôi chỉ có chung những chi tiết thật ít ỏi, là loạn ly, đứa con lai, người con gái ở Huế. Là gia đình không chấp nhận cuộc tình của hai người trẻ lúc ấy. Là thời điểm Tết Mậu Thân. Rồi thôi. Không có một giấy tờ gì hay một bức ảnh nào làm bằng chứng. Có thể là gia đình ngoại tôi cũng đã không còn. Tuổi ấu thơ của tôi như một dấu lặng trống trải. Có thể cuộc hành trình tìm về cội nguồn của tôi sẽ phải dừng lại.

Tôi lén nhìn ông Paul. Ông đang đi đến bên bức vẽ. Bàn tay ông sờ lên khuôn mặt của người con gái. Tôi thấy được một trời yêu dấu qua bàn tay phải yếu ớt đó. Và khi ông quay lại, tôi thấy đôi mắt ông đầy lệ.

Tự nhiên tôi thấy tôi ôm chầm lấy ông, trong một cử chỉ không chủ ý. Tôi nghe được trái tim của ông đang đập. Ông hỏi tôi:

- Ta có thể làm cha của cậu không?

- Có thể, ông Paul.

- Chúng ta cũng có thể chỉ là người dưng nước lã mà thôi. Chuyện của cậu, chuyện của tôi chỉ là một trong vô vàn những mẩu chuyện đau thương của cuộc chiến. Một điều đơn giản mà khoa học ngày nay có thể dễ dàng giúp chúng ta tìm ra sự liên hệ…. là DNA đấy, cậu em ạ!

- Vâng, thưa cha.

- Nhưng …

- Nhưng thưa cha, cho dù có là thế nào đi nữa, con cũng xin được làm con của cha. Bởi cha và con đã “thuần dưỡng” nhau rồi!

- Ta đồng ý, con trai của ta!

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
14/06/201200:42:59
Khách
Ai cũng có một cuộc hành trình trở về cái gốc của mình.
Kết cuộc còn chờ trước mắt... Cám ơn Cam Li.
13/06/201206:27:43
Khách
Xin cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến