Hôm nay,  

“Còn Một Chút Gì Để Nhớ Để Thương”

24/05/201200:00:00(Xem: 274029)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng, tình đồng đội và sự lạc quan, yêu đời. Sau đây là bài viết mới nhất.

Mượn lời ca bản nhạc “Em Pleiku Má Đỏ Môi Hồng” để đặt tựa cho câu chuyện tôi mua tờ nhật báo. Ngày nào thì tôi cũng phải có 3 tờ nhật báo, báo nào tin tức cũng giống nhau và tôi cũng đã đọc mỏi mắt trên “ôn-lai” rồi, nhưng đọc trên báo giấy vẫn thú vị hơn, và mỗi tờ có một mục riêng mà tôi thích muốn giữ lại để làm tài liệu. Tôi bỏ 3 cái 25 xu lên quầy, cầm 3 tờ báo đi ra ngay, lệ thường nó vậy rồi, nhưng hôm nay sau khi quay đi, hình như tôi nghe loáng thoáng có tiếng nói: “cám ơn chú” từ người ngồi sau quầy. Lạ nhỉ! Đứng lại suy nghĩ, để kiểm chứng thực hư, tôi quay lại để 25c nữa lên quầy, cầm tờ nhật báo thứ tư, khẽ liếc cậu thanh niên bán hàng và cậu ta mỉm cười nói: “cám ơn chú”.

Tôi gật đầu cười lại và đi ra parking, chúm môi lại húyt sáo bản nhạc “Cầu Sông Quay”, bản nhạc tôi chỉ biết bập bẹ sơ sài vài nốt nhạc nhưng thích huýt sáo mỗi khi có niềm vui. Đã lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại câu “cám ơn chú” của một bạn trẻ, mà là một bạn trai có thể sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Chưa vội nói đến cử chỉ lịch sự lễ phép hiếm có này làm tôi vui mà câu “cám ơn chú” làm tôi nhớ lại một kỷ niệm đẹp xưa.

Cách nay mấy chục năm, tôi vào tiệm sách Khai Trí trên đường Lê Lợi Sài Gòn để mua cuốn tự điển Anh-Việt, vì tôi mới được cho đi học lớp Anh Văn ở trường Sinh Ngữ Quân Đội để chuẩn bị đi học khóa quân sự ở bên Hoa Kỳ. Một trong những cô bán sách khá xinh và có duyên, sau khi gói sách cẩn thận trao cho tôi rồi nhỏ nhẹ khẽ nói: “cám ơn chú”. Độc thân lại có máu lính sống hùng sống mạnh nhưng không sống lâu, tôi mượn đại câu nói trong cuốn tiểu thuyết nào đó nói:

- “Dung đừng gọi anh là chú”.

Cô bẽn lẽn:

- “Sao chú biết cháu tên Dung?”.

Có lẽ bộ rằn ri bạc màu cái nhìn hau háu làm cô lúng túng mà quên cái bảng tên cô gài trên ngực áo, tôi bèn “nham nhở”.

- “Ngực cô nói”.

Cô hàng sách tên Dung đỏ mặt, khẽ cúi xuống, liếc bảng tên mình mang, “hứ” một cái rồi bỏ đi. Chàng lính trận lâu ngày ở những nơi “thiếu bóng đàn bà” nay trông thấy dáng điệu yêu kiều nhún nhẩy quay đi trên đôi guốc cao cao mà ngẩn ngơ nhìn theo.

Cám ơn lời “cám ơn” của cậu thanh niên bán báo gợi cho tôi nhớ lại kỷ niệm đẹp năm xưa và mừng hơn nữa là cái đẹp văn hóa Việt vẫn còn tiềm ẩn trong đời sống tha hương, nó chưa chết như chúng ta thường thấy trên khắp phố phường, mà sẽ sống mãi nếu mọi người cùng biết vun trồng.

Nếu chúng ta theo dõi các ý kiến độc giả trên báo, các bài viết ngắn trên phố Bolsa, hay các chương trình hội thoại trên radio, thì đâu đâu cũng có tiếng thở dài về cung cách cư xử giữa kẻ bán và người mua. Từ nhà hàng, cho tới chợ búa và ngay cả những phòng mạch, nơi được gọi là “nhà thương”, nơi có những bà mẹ hiền “lương y như từ mẫu”, hoặc chính bản thân chúng ta cũng có vài lần gặp phải cách cư xử kém văn hóa Việt ở những nơi này.

Trong chương trình tìm hiểu pháp luật của luật sư Xali-M.., trước khi đi vào phần giải đáp thắc mắc cho thính giả thì ông phải lên tiếng than phiền về việc “sẹc-vít” của nhà hàng ăn X, và sau đó nhiều thính giả gọi vào, thay vì hỏi về pháp luật thì lại cùng đồng ý với luật sư M.. vể sự bê bối của nhà hàng X, chúng tỏ điều này không sai. Nhưng cái văn hóa Việt vẫn còn sót lại nơi đây là thính giả và cả luật sư M. đềù không nêu đích danh và địa điểm của nhà hàng này mà chỉ kèm một lời khuyên nhẹ nhàng là “không trở lại nữa”. Nếu nhà hàng không thay đổi cung cách làm ăn cho tốt hơn thì sẽ có ngày “âm thầm đóng cửa”. Liệu những lời than phiền này có đến tai các ông bà chủ nhà hàng hay không? Nếu có thì họ sẽ làm gì hay ỳ ra đó?

Nếu trong đám đông nào đó có một người mào đầu câu chuyện bất như ý ở các phòng mạch thì hầu như ai cũng có một kỷ niệm đau thương với các lương y như “ác mẫu” rồi tuôn ra thành một bản đại hợp ca chẳng vui tai chút nào. Liệu các bác sĩ ở những nơi “dễ tìm thấy thiên đàng” này có nghe được những lời than phiền không? Có chứ, vì biết nên vị bác sĩ Bùi Thế.., người phụ trách “câu chuyện đời thường” trên VNCR với nhà văn Thái Hà đã phải tâm tình với thính giả rằng những chuyện xẩy ra ngoài ý muốn là do … ngoài ý muốn.

Chuyện tắc trách lạnh lùng của các nhân viên phòng mạch là có, chuyện một ông thầy thuốc không có lương..y là có, nhưng chỉ là thiểu số và ước mong thiểu số này sớm trở về với vai trò lương y như từ mẫu, đừng tự mình làm con sâu khiến những lương y khác bị rầu lây.

Nhưng người “đi khám BS” thì một số cũng thiếu kiên nhẫn, dễ bực mình vì những chuyện không đáng trách. Thí dụ như tôi chẳng hạn. Tôi có hẹn và tới đúng giờ, ngồi chờ chừng 15 phút đã thấy lâu, thêm 15 phút nữa là nổi cáu, bực mình cả với người đã được khám xong nhưng cứ nấn-ná hỏi thêm điều này điều kia, “hỏi gì mà hỏi lắm thế”, thế là là trách phòng mạch không đúng giờ. Nếu bình tâm nghĩ lại thân phận quá khứ thì dẫu phải chờ đợi hằng giờ đi nữa thì nào có đáng chi.

Không kể ở VN, ngay khi vừa đến Mỹ, chưa đủ điều kiện thì đi khám bệnh phải trả tiền mặt, xin được tờ MSI thì cũng phải chờ đợi trần ai mà nào dám than phiền gì đâu. Khi tới tuổi được hưởng mê-đi-ke, rồi cả mê-đi-keo nữa, thế là mình thuộc giới mêđi-mêđi, giới “thượng lưu”, được quyền hưởng tất cả ưu đãi về y tế, dù tự thân chưa đóng góp gì cho quê hương mới, kể cả đóng thuế lương. Chưa hết, ai đó còn tìm nhiều cách để xin trợ cấp đặc biệt, phụ cấp người quét nhà, lái xe cho ta đi SPA, đi chợ, dù đi bộ được nhưng vẫn xin wheelchair có moteur, ăn cơm cháy được nhưng xin thêm ensure.

Còn các chợ bán thực phẩm Á Đông thì sao? Họ liên tục quảng cáo các mặt hàng, giá bao nhiêu xu mà không hề có một xu câu quảng cáo “nhân viên bán hàng của chúng tôi rất lịch sự” và vì thế họ cứ tiếp tục khó thương, hà tiện lời chào hỏi, dù một chữ “hai” (Hi).

Cái đáng lo, đáng sợ nhất của chúng ta là khi cái xe dở chứng sẽ phải sửa ở đâu? Có hàng ngàn tiệm sửa xe và tiệm nào cũng quảng cáo ngon lành, máy móc tối tân, nhưng đến một lần thì không muốn trở lại nữa, vì quảng cáo một đằng, sửa một nẻo, nhân viên thiếu nụ cười.

Nói tóm lại là các nhân viên ở mọi ngành nghề, ngay cả các ông bà chủ nữa chưa hiểu nhiều về 3 quy luật để thành công về buôn bán, 3 quy luật đó là:

“Khách hàng, khách hàng và khách hàng”

Thực ra thì không phải nơi nào cũng đáng phàn nàn, nhân viên nào cũng coi rẻ khách hàng mà có nhiều tấm gương rất đáng khen. Vậy thì chúng ta nên làm gì để cho các cơ sở thương mại có phong cách làm việc “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”? Nhiệm vụ chính vẫn là các ông bà chủ, chủ nhà hàng, chủ chợ, chủ phòng mạch cần hướng dẫn nhân viên về tác phong làm việc cho vui vẻ lịch sự hơn. Đối với khách hàng thì chúng ta giúp được gì để…khá hơn ? Có chê thì phải có khen cho công bằng, càng chê thì càng tệ thêm nên thử nêu lên một vài trường hợp điển hình đáng khen để làm gương tốt cho nhân viên các nơi khác noi theo thì may ra “còn một chút gì để nhớ để thương”.

Đã nói là cụ thể, điển hình thì phải là chuyện có thật, người thật việc thật. Cậu bán báo biết cám ơn khách hàng chỉ mua có một tờ báo 25 cents mà tôi kể trên là ở tiệm liquor, sát bên hông chợ ABC. Hy vọng là có nhiều khách hàng cũng có được nụ cười như tôi ngày hôm đó.

Đã bao giờ quý vị đi chợ mua thực phẩm Á Đông mà gặp một nụ cười, một tiếng “hi” của quý bà quý cô ở các quầy tính tiền chưa? Hiếm hoi lắm phải không? Nhưng tôi đã gặp, một nụ cười đẹp nhất Bolsa. Lúc 6 giờ chiều ngày 16/5/12, trên đường đi làm về tôi ghé chợ Green Farm, góc Mag&Edinger mua vài thứ lặt vặt đựng trong giỏ xách tay chứ không cần xe đẩy. Tại quầy tính tiền số 6, tôi đang loay hoay xếp từng món lên quầy thì nghe giọng nhỏ nhẹ:

- Bác cứ để nguyên giỏ lên quầy để con tính tiền cho.

Ngước lên tôi thấy một nụ cười và vài lời hỏi thăm tiếp theo:

- Bác có khỏe không? Chắc bác đi làm về rồi ghé chợ mua rau phải không?

Quá bất ngờ khiến tôi ú ớ, một lão già 70 quần áo lôi thôi bẽn lẽn trước nụ cười của cô gái độ tuổi con út của mình khiến tôi lí nhí nói nhỏ: “Cám ơn cháu, bác khỏe”. Chẳng phải tôi lí nhí vì mắc cỡ chuyện một ông già xách giỏ đi chợ mua thức ăn mà vì lần đầu tiên được một cô cashier không chỉ chào mà còn hỏi thăm “bác có khỏe không”. Dù biết rằng đây chỉ là một câu chào hỏi xã giao thông thường, nhưng với tôi thì quý, cái gì hiếm thì quý. Tôi lại huýt sảo bản nhạc “Cầu Sông Quay”. Ngồi vào xe, tôi mở tờ biên lai, có tên cô bán hàng, ghi vội ngày giờ trúng số “an ủi”: 7 giờ ngày 16/5/2012.

Thực ra thì các bà các cô thâu ngân viên của chợ này tương đối nhã nhặn và vui vẻ. Ước chi mỗi chợ ở Little SG này quý bà “tính tiền” có được nụ cười hiền, hay ít nhất cũng là “hi” thì đẹp biết mấy. Không bao giờ có người phụ nữ xấu, chỉ tự mình không biết làm đẹp, nụ cười phụ nữ là đẹp nhất trên đời, đổ nước nghiêng thành cũng vì nụ cười mím chi.

Đi chợ rồi, mới quý đọc giả ghé thăm một nhà hàng ăn xem sao. Thú thật là tôi rất ít đi ăn ở nhà hàng nên không biết nhiều về cung cách tiếp đãi thực khách ra sao, nhưng vừa rồi có người bạn phương xa về chơi và rủ đi ăn bún chả cá ở Nhà Hàng Số 1 trên đường Bolsa, (gần bún chả HN), các tiếp viên lễ phép nhưng sao tô bún cá của tôi có miếng bí đỏ? Hơi lạ và vì tôi bị “dị ứng” với bí này nên hỏi cháu waiter, cháu ú ớ và biến mất. Chưa đầy một phút sau bà chủ nhà hàng từ trong bếp đến chào và giải thích bún cá NT thì thêm bí đỏ và nhỏ nhẹ:

- Nếu bác không thích bí đỏ thì tôi xin đổi tô khác cho bác nhá”.

Không cần biết “đổi” thì có tính thêm tiền hay free, nhưng nghe được lời nhẹ nhàng của bà chủ nhà hàng thì dẫu khó tánh đến đâu cũng phải mềm lòng và rồi tôi cũng cám ơn lại và ăn tô bún cá có bí đỏ lần đầu tiên sao mà ngon thế. Thức ăn không ngon mà nhân viên nhà hàng lịch sự là ngon. Bà chủ nhà hàng lịch sự lại đẹp nữa thì thực khách đông là chuyện dĩ nhiên, nhưng hạnh phúc nhất thì “dĩ nhiên” là ông chủ, chắc ông phải tu thân chứ không phải tu chai.

Ở hải ngoại này, chuyện đau đầu nhất là chuyện cái xe, mà dân “ho” hen chúng tôi thì đi toàn là “used cars” nên nó cũng ho hen trục trặc hoài, nhiều khi tiền sửa bằng tiền “đao” xe mới, nhưng “month payment” mới là vấn đề nên tôi cứ lê lết cái Honda Accord đời 89, kiếng bể thì lấy băng keo dán, xe vẫn chạy, antenna gẫy thì lấy khúc kẽm thay thế vẫn nghe được radio, nhưng khi máy móc dở chứng thì đến “phòng mạch” Sunny góc Westminster & Golden West. Ông chủ Kiên ở đây không vẽ vời.

Rồi có một ngày xe của tôi nằm ụ nên đành phải dùng cái xe của cậu con trai. Xe này mua tặng con khi cậu ta tốt nghiệp, nay đi làm có tiền mua xe mới nên trả lại xe cho bố mẹ. Xe chưa dùng đến nên vẫn chùm mền, nay chẳng đặng đừng nên mới phải đi. Cũ người mới ta nên xe chạy thì “ngon” nhưng lại sợ bị cọ quẹt nên không thoải mái chút nào. Rồi có một ngày…, tai họa giáng xuống vì tội tôi bất cẩn nên mới có câu chuyện ngày hôm nay.

Số là nhà có 2 xe cùng kiểu nên chìa khóa trông bề ngoài giống nhau, vì vậy một hôm, ngày 14/5/12, vội đi làm, tôi bị “lộn chìa”, lấy chìa khóa của vợ mở máy xe mình! Khi xoay chìa không được, ngó lại mới biết lộn chìa. Chuyện già cả lộn qua lộn lại là bình thường, chỉ việc lấy khóa xe mình mà mở thì xong chứ có gì đâu mà rắc rối. Nhưng đoạn đường ai có qua cầu mới hay, cái chìa khóa chính xe mình mà sao hôm nay không mở được, lắc cách nào cũng không xoay được chìa khóa cho máy nổ, bực mình đành để xe nằm đó, mượn xe khác đi làm mà lòng lo ngay ngáy, không biết chuyện gì xẩy ra đây?

Trên đường đi làm tôi chạy đến dealer sửa xe loại này ở góc đường Westmister & Hoover trình bày cho họ biết đầu đuôi và hỏi tại sao? Làm cách nào sửa? Nhân viên dealer cho biết có lẽ cho lộn chìa khác nên computer trong xe nó tưởng bị ăn cắp nên nó tự động lock lại, hoặc có thể chìa lạ lại lắc mạnh tay quá nên làm hư ổ khóa, muốn biết tại sao thì phải kéo xe đến để họ coi, nếu do “lock” thì dùng computer điều chỉnh lại.

Nghe nói càng lo thêm, tôi hỏi:

- Nếu dùng computer điều chỉnh ổ khóa lại thì giá bao nhiêu?

- Khoảng 150$.

Phiền phức rồi đây, cộng thêm tiền kéo xe đến tiệm là đi đứt một tuần lương, chưa kể phải xin phép nghỉ việc, tiện đà tôi hỏi thêm:

- Nếu ổ khóa hư thì phải làm sao?

- Ổ khóa này không thể sửa mà phải o-đơ cái mới, kể cả tiền công thì khoảng 1 ngàn.

Nghe như sét đánh ngang tai, hai đầu gối tuổi 70 muốn khuỵu xuống, tôi quên cả chào cám ơn nhân viên dealer mà lững thững ra xe. Trên đường đi đến sở, đầu rối như tơ vò, chỉ bất cẩn lộn chìa mà hao tài tốn của, sai một li đi một dặm, phải làm sao đây? Lấy tay vỗ mạnh lên đầu tự trách mình và cầu mong có quới nhân giúp đỡ. Tôi chợt nhớ đến dealer bán xe loại này nằm trên đường Beach, góc Trask, có nhân viên người Việt vẫn quảng cáo bán xe trên radio, tuy không mua xe tại đây nhưng gặp lúc cùng thì phải biến, tôi quyết định không đi làm nữa, sẽ gọi điện thoại báo cáo “accident” sau rồi ghé đại chỗ bán xe để hỏi ý kiến xem sao.

Quần áo lao động chân tay, đứng giữa một dealer bán xe sang với khác hàng và nhân viên bán hàng người bản xứ vét-tông ca-vát khiến tôi bị mặc cảm tự ti, toan rút lui thì có tiếng hỏi:

- Bác cần chi?

- Tôi muốn gặp anh Gô Nguyễn..

- Chính cháu đây, bác muốn mua xe loại nào cháu giúp cho.

Một mình đứng giữa “xứ người xa lạ” mà nghe được tiếng nói đồng hương là mừng rồi, lại thêm cử chỉ ân cần của chàng trai lịch sự khiến già tôi yên tâm hơn, nghĩ đến cái xe nằm ụ vì tai nạn vô duyên, tôi mạnh dạn trả lời:

- Bác không mua xe, nhưng cậu con cho cái xe loại cháu đang bán ở đây, nay xe gặp trục trặc bất ngờ, muốn nhờ cháu giải thích lý do vì sao được không?

- Bác cứ nói, cháu sẵn sàng giải thích nếu cháu biết.

Chàng trai nước Việt quay sang nói với nhân viên bản xứ điều gì đó, chắc là nhờ tiếp khách hàng dùm rồi đưa tôi ra chỗ ít ồn ào hơn để sẵn sàng… Sau khi nghe tôi kể lể đầu đuôi xuôi ngược với âm điệu lo lắng, Nguyễn trấn an ngay:

- Không sao đâu bác, có lẽ vì lộn chìa nên computer trong xe nó đã đổi mã số chìa khóa, bác thử bấm lock rồi sau đó bấm unlock thì mã số khóa trở về như cũ và sẽ mở được.

Mừng quá, tôi chạy ù vế nhà, lấy chìa khóa ra bấm lock rồi unlock, ung dung ngồi vào xe, cho chìa khóa vào rồi vặn, không được! Thử lần thứ hai, thứ ba, vô ích, vô-lăng cũng cứng ngắc, thở dài ngao ngán, tôi quay lại chỗ anh Nguyễn báo cho anh ấy biết là không thể mở máy được và tay lái thì cứng ngắc. Nghe xong anh cười:

- Thôi đúng rồi bác ơi, tay lái xe của bác bị lock rồi. Bây giờ bác về một tay cho chìa khóa vào mở máy, còn tay kia vặn mạnh tay lái, chân nhớ đạp thắng, thế là xong, khách hàng cháu gặp trường hợp này thường xuyên, có ngày cháu phải chỉ 3, 4 người khách.

Mừng quá tôi cám ơn bạn trẻ rối rít rồi chạy ù về làm những động tác y chang anh Nguyễn hướng dẫn, nhưng vô ích, tay chìa (khóa) tay lái, chân đạp thắng lia chia mà vẫn không xoay được chìa khóa! Đến lúc này thì tôi bắt đầu nghi ngờ anh bán xe này diễu già tôi, vì xe tôi có mua ở dealer này đâu. Nhưng dù sao thì quá tam ba bận tôi phài trở lại báo cho Nguyễn biết những điều anh chỉ cho tôi chỉ là đề chơi thôi!

Sau khi nghe tôi giải thích, Gô Nguyễn ngần ngừ giây lát rồi hỏi:

- Nhà bác có gần đây không?

- Nhà tôi ở cách đây chừng 7 phút lái xe.

- Bác chở cháu về để cháu coi dùm xem sao.

Nói xong Nguyễn báo cho manager rồi cùng tôi ra xe, khó mà diễn tả niềm vui và cảm động của tôi như thế nào nên vội vàng chở Nguyễn về nhà. Nhìn Nguyễn loay hoay xoay chìa khóa, bẻ tay lái, chân đạp thắng mà lòng tôi hồi hộp vô cùng thiếu điều muốn nhắm mắt lại.

Tiếng máy xe nổ, Nguyễn bước ra mỉn cười:

- Tay lái xe bác nặng quá nên bác không vặn được là phải, lần sau nếu gặp trường hợp này bác cứ thế mà làm. Tôi lí nhỉ hỏi Nguyễn “tính bác bao nhiêu”, Nguyễn mìn cười lắc đầu.

Tôi không còn ngôn ngữ để cám ơn Nguyễn, dẫu Nguyễn có tính công 200$ thì tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, nhưng Nguyễn lại lắc đầu thì tôi chỉ biết đưa tay bóp vai anh như khi tôi bóp vai con tôi tốt nghiệp đại học sau 8 năm đèn sách. Nguyễn đã giúp kéo tôi ra khỏi cơn “ác mộng”. Cái xe trở về trạng thái bình thường, tôi dùng nó đề chở Nguyễn về dealer và tôi tiếp tục đi đến sở trễ với lý do “accident”.

Nếu tôi là một phụ nữ trẻ đẹp thì việc Nguyễn làm không ngạc nhiên.

Nếu xe tôi mua tại dealer Nguyễn, việc Nguyễn làm không ngạc nhiên lắm.

Nhưng tôi là một lão già hom hem, “xe con” tôi mua từ TX mà chàng trai nước Việt Gô Nguyễn đã tận tình hướng dẫn mà lại đến tận nhà để cứu tôi thoát cơn nguy biến, vâng, nếu không có Nguyễn giúp, tôi sẽ phải mất mấy tháng lương cho một sự bất cẩn vì “lộn chìa”. Xin cam ơn Gô Nguyễn và cả dealer mà Nguyễn làm việc.

Tôi phải kể chi tiết nghĩa cử của Gô Nguyễn không phài là để quảng cáo cho loại xe này mà muốn nói rằng “đời còn dễ thương”, còn nhiều nhân viên ở các ngành nghề khác tận tụy như Nguyễn mà chúng ta chưa gặp hay chưa nói lên mà thôi, mà chỉ kêu lên một vài gương xấu, vài cử chỉ khiếm nhã làm cho nhà hàng chợ (búa) xấu đi, phòng mạch xấu đi và cộng đồng xấu đi.

Nếu có cuốn sách “Vẻ Vang Dân Tộc” nêu lên những tấm gương thành công của người Việt hải ngoại thì chúng ta cũng nên công bằng đối với các cơ sở thương mại, phòng mạch, cá hội đoàn, có chê thì phải có khen, lời khen không mất tiền mua nhưng sẽ làm cho cộng đồng ta đẹp hơn, không phải là chốn “gió tanh mưa máu” như những nhà lộng ngôn. Khen thật với ngưởi thật việc thật thì gió tanh sẽ bay đi, mưa máu không còn ở đây.

PhilaTo

Ý kiến bạn đọc
26/05/201218:13:20
Khách
Đọc bài của chú Philato xong tự nhiên lòng bỗng vui vui và thấy đời "còn một chút gì để nhớ để thương". Cám ơn chú! Chúc chú & gia đình luôn an mạnh.
25/05/201203:21:16
Khách
Hay
24/05/201217:39:56
Khách
Cám ơn chú Phila Tô đã cho cháu có được những tiếng cười sảng khoái giống như chú huýt sáo bài Cầu Sông Quay mỗi khi gặp những nét đẹp đầy tình người và tính văn hoá trong cuộc sống đời thường.
02/06/201200:40:03
Khách
Mỗi câu chuyện được đăng trong đây đều mang mỗi ý nghỉa buồn có vui có như một hồi kí của từng tác giả .Ngày Miền Nam xụp đổ những đạo lí làm người đều mai một .Nơi Quê người dung thân lớp con Cháu hậu bối may mắn có một gia đình còn giữ được truyền thống thật đáng mừng
01/06/201217:10:02
Khách
Bài viết vừa vui, dí dỏm một chút buồn sâu lắng tâm trạng người tha hương.
Cám ơn tác giả
01/06/201213:03:43
Khách
Chỉ cần một chút gì để nhớ để thương theo ta làm hành trang vào đời là đủ
không cần nhiều hơn
Cám ơn tác giả
01/06/201212:58:54
Khách
Chỉ cần một chút gì để nhớ để thương thôi cũng đủ để đem theo hành trang vào đời
Cám ơn Tác Giả bài viết hay quá
01/06/201210:48:22
Khách
Bài hát đả làm cho Pleiku được tô thêm chút vẻ đẹp,năm đó tôi đóng quân ở Pleiku trong chuyến đi về Dalat với người bạn cùng đơn vị tôi gặp một người .So với Dalat Pleiku thật khiêm nhường cho nên khi trở về tôi đả để quên con tim.Đọc truyện của Anh Phila Tô một chút kỉ niệm xưa trở về trong hồi ức ấm lòng Cám ơn tác giả
01/06/201200:36:11
Khách
Tôi đọc rồi cứ muốn đọc lại Người viết kể chuyện thật hay ,cơn bão cuốn chúng ta rời xa quê Cha đât Tổ có thể giứ gìn chút bản sắc Dân Tộc để truyền lại cho đời sau không phải là chuyện dể .Những người được sinh và trưỡng thành tại VN trong thời gian sau 75 là những nạn nhân đáng thương .Nhất là những thanh thiếu niên chập chững bước vào ngưỡng cửa cuộc đời .Họ không được trang bị một hành trang về môn Công Dân Giáo Dục để đi vào đời.Đáng thương và đáng tội nghiệp cho cả hai người,một người bị cái "mác" kỉ sư tâm hồn đánh lừa ,một người đả phải đi lừa bịp người khác để có "cơ hội" Cả hai đều đáng thương
31/05/201218:59:11
Khách
Xin cám ơn tác giả về bài viết khá hay .Nhứt là đoạn kể về cái láu lĩnh của Anh lính về phép.Ôi sao đẹp rứa .Sau 75 những người lính đó lại càng đáng để trân quý .Tiếc thay dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghỉa cua Cộng Sản VN mọi thứ Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín bị tuyệt chủng .Cho nên khi có người lính trở về "thân bại danh liệt.Muốn tìm cho mình một người đồng hành đồng cảm để có thể cùng nhau đi nốt con đường trước mắt.Quả thật quá khó. Người đó tưởng chừng như Trời thương cho mình một người như rứa một người được đào tạo để trở thành một Kỉ Sư Tâm Hồn .Nhưng ....dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghỉa Bất Nhân Bất Nghĩa Bất Trí Bất Tín cho nên thế hệ bây giờ không có gì ta hoài công mong đợi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,393,888
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Nhạc sĩ Cung Tiến