Hôm nay,  

Nơi Ta Đi Về

16/05/201200:00:00(Xem: 129456)
Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, khoá 8/68 Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, bị bắt tại Ban Mê Thuột ngày 14 tháng 3 năm 1975; Đến Mỹ tháng 4/2005, hiện cư ngụ tại Carlsbad, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Phúc Ấm Con Ban” kể chuyện một ông bố cựu sĩ quan VNCH bị con ruột đuổi ra khỏi nhà. Bài thứ hai, “Người Bạn Già Mất Trí” kể việc ông bố nhận công việc chăm sóc một cụ già mất trí. Bài thứ ba, “Ông Chú Ngoại”, kể việc ông giúp kèm học cho lũ trẻ trong nhà chủ. Bài mới nhất là phần cuối. Chuyện cuối đời lưu vong, dù buồn vẫn sáng lên tình người tử tế với người.

Thế là ông cụ đã ra đi, như bao nhiêu người đã ra đi từ trước, như những người sẽ phải đi sau này, và cả tôi nữa, nhưng sao lòng tôi sầu não không cùng. Tôi nghe rõ tiếng bụi đất rơi xuống lòng huyệt khô khóc đến lạnh lùng. Tôi cầm nắm đất cuối cùng bỏ lên nắp quan cũng là khi những người lo công việc an táng khỏa bằng mộ huyệt. Tôi đứng lên đi ra khỏi ngôi mộ mới.

Chiều nay mây rất trắng và nắng rất gay gắt, những hàng cây xanh trên nghĩa trang không đủ bóng mát che cho nóng bức mà cũng không đem được gió tới làm mát mặt con người, cũng như anh và tôi, tất cả chúng ta không ai cưỡng lại được sự chết. Chết là hết, chết đi là phủi tay quên hết mọi sự trên đời, đóng khung tất cả hạnh phúc hay đau khổ của một đời người! Tôi bổng thầm ước tại sao tôi không thể thay thế cụ, tại sao là cụ mà không phải là tôi? Để cho tôi thay thế cụ đi vào thế giới bên kia của con người, vì nhưng hiện hữu quanh tôi đâu có gì vui thích, những thực tại bên tôi là bao nhiêu buồn tủi, và cô đơn bủa ngập tâm hồn lẫn cuộc sống! Cụ đang sống giữa tình thân và lòng thương yêu của các con và đoàn cháu, cũng không phải bận tâm hay lo lắng một điều gì, không biết yêu thích hay hờn giận, cụ hạnh phúc nhất trên cuộc đời hạnh phúc, hơn cả những con người hạnh phúc ta bắt gặp .

Bao nhiêu tư tưởng đổ về trong đầu tôi với hai chữ ngày mai quen thuộc. Nhẩm tính khoản tiền dành dụm bấy lâu nay và tiền trợ cấp An sinh mà tôi được lảnh lần đầu vào tháng tới như thông báo, tất cả vẫn còn cất trong ba lô học trò, chiếc ba lô mà tôi mang theo khi rời bỏ căn phòng là closet buồn tủi trước đây. Một căn nhà 6 bed, 3 Garages dĩ nhiên là closet rất rộng, đủ cho tôi gói gém một đời sống cô đọc bên cạnh người thân mà thật ra rất lạ! Tư tưởng này làm tôi lại rơi nước mắt và rỉ máu trong tim, mà không chắc gì một ai trên đời này đã hiểu, có thể thông cảm và phải chịu đựng như tôi.

Ngày gặp được cụ, tôi cứ ngỡ đây là nơi tôi đã đến, và mơ tưởng đoạn đường êm ái này sẽ để tôi đi trong một khúc rất dài, ở những bước cuối của kiếp người, nhưng tất cả chỉ là tôi cố tưởng, như ao ước của một đời người đã quá nhiều chua xót mà không phải là Thánh ý.

Tôi bước chậm rãi, ra khỏi Nghĩa Trang lúc nào không rõ và đứa "Cháu lớn" của “Ông Chú Ngoại" vẫn âm thầm theo sau, trên đầu vẫn còn đội tấm lúp trắng,

- Ông ơi thôi đi về, cháu cũng buồn lắm, tiếng nói của cháu lạc đi vì nước mắt. Tôi quay lại nhìn cháu,

- Vâng chúng ta về.

Một tư tưởng thoáng qua trí óc tôi thật nhanh, "Về đâu?" Tôi về đâu khi ông cụ đã mất!

- Ông ơi thôi mình về đi, đứa cháu "Người dưng" gọi tôi lần nữa, tôi quay lai cầm hai tay cháu như để chuyển qua cho cháu nỗi cô đơn trong lòng tôi hay là để cùng cháu chia nhau nỗi mất mát đau đớn trong lòng,

- Vâng thì chúng về.

Chiếc xe Van của vợ chồng cô chủ vẫn chầm chậm theo sau chúng tôi, tôi dắt cháu bước lên xe, cô chủ liền bảo,

- Chú cũng mệt lắm rồi phải không? Cháu cũng vậy. Khi ba còn sống lúc nào cháu cũng lo có ngày này, nhất là từ lúc bệnh ba trở nặng, hơn một năm trước ngày chú đến, gia đình cháu đã nhờ hai ba người đến coi sóc ba, nhưng không người nào làm hết một tuần, ông cụ rất khó chịu, luôn luôn đập bể đồ đạc, cho tới lúc chú đến, gặp chú, ba cháu như vui hơn, như khỏe hẳn ra, da mặt hồng hào và ăn uống đi đứng ra chiều cứng cáp hơn, cháu đã mừng thầm, đâu có ngờ ba lại bỏ đi . . .

- Cô ơi ai rồi cũng phải đi. Người đi bao giờ cũng thanh thản nhẹ nhàng, chỉ có người ở lại là nặng nề đau khổ mà thôi.

- Cháu đã cố không khóc, nhưng khi nghĩ tới ba cháu đã không cầm lòng được, những ngày cuối cùng của ba mà cháu vẫn không nhìn ra để cứ lo đi làm, cho đến ngày chú nhắc cháu mới ở nhà với ba được vài ngày, thành ra làm con mà bất hiếu không hiểu ba hơn chú . . . rồi cô cúi đầu lên thành ghế phía trước khóc tức tưởi . . . các con cô cũng khóc theo.

- Ông cụ ra đi như thế là hạnh phúc lắm rồi, lúc ra đi có các con các cháu quây quần bên giường, hồn cụ linh thiêng nơi chốn cửu tuyền tất cũng an ủi, có biết bao nhiêu người đã phải lặng lẽ ra đi không nhang khói, cô đơn không người thân . . . Nhưng không sao, chết đi là phủi tay quên hết mọi sự.

Có lẽ cô chủ lại sợ tôi mũi lòng, nên cô nín khóc, dùng khăn tang lau nước mắt và bảo,

- Chú đừng suy nghĩ nhiều quá, những người thấy như cô đơn, chưa chắc đã cô đơn, những người thấy quây quần chưa chắc đã hiệp nhất...

Chúng tôi mải lo tâm sự thì chiếc xe đã về đến nhà, tôi bước xuống vòng ra sân sau, bỗng nghe bước chân mình như nặng nề không bước nổi, tử khí và cô đơn quanh quất đâu đây. Trong không khí, mùi nhang và đèn cầy còn phảng phất đâu đó, khu vườn sau bổng nhuốm màu thê lương của buổi cuối chiều.

Bước vào căn phòng, tôi nghe cảm giác lành lạnh rùng mình, tương tự như thủa nào tôi đến Nhà Vĩnh Biệt để viếng linh cửu người đồng đội tại Quân Y Viện 72 Quân Y Pleiku.

Căn phòng vẫn đó, nhưng người đã đi rồi. Nơi đây tôi và ông cụ chung đụng với nhau gần hai năm, từ người săn sóc trở thành kẻ đồng hành, từ người mất ký ức trở thành tri âm để cho tôi trao gởi tâm sự của mình.

Tôi chợt nghe như ẩn hiện quanh bức tường, tiếng thở của ông cụ nặng nề mệt nhọc, hình bóng ông cụ nằm đó, tôi xoa bóp tay trái chưa xong, ông cụ đã mau mắn đưa tay phải, rồi co hai chân lên, hình ảnh cong queo của một thân xác còm cõi đập vào mắt tôi ngày nào bây giờ hiện ra mồn một. Tôi bước nhanh ra khỏi căn phòng, cố ngăn không cho nước mắt trào ra.

- Ông ơi ba mẹ mời ông vào,

- Vâng để ông vào .

Tôi theo cháu bước sang phòng ăn, cả gia đình cô chủ đã ngồi quây quần bên hai chiếc bàn tròn và bàn ăn 12 ghế, con cháu đủ mặt. Trẻ con vô tư vẫn đùa dỡn với nhau, nhưng người lớn ai cũng nặng nề u uất. Mấy người đàn bà đang bày thức ăn mua sẵn ra bàn, có bia và rượu.


- Mời chú dùng cơm với các cháu. Xin chú hãy tự nhiên như khi ba cháu còn sống. Chú thương ba cháu thế nào, các cháu quí trọng chú như vậy.

Cô em gái của cô chủ nói đến đây bỗng nghẹn ngào, cô chủ bèn tiếp lời,

- Em cháu nói phải, các cháu xin được cư xử với chú như bậc trưởng bối trong gia đình.

Rồi cô nói tiếp, cháu biết chú thương ba cháu lắm, mà ba cháu cũng rất thương chú, cháu thấy rõ phút cuối cùng ba cháu vẫn nắm chặt bàn tay chú không muốn buông ra, cháu cảm nhận được lời trăn trối của ba cháu trong cử chỉ ấy. Bây giờ ba cháu đã ra đi, nhưng các con của cháu còn nhỏ, vợ chồng cháu lại phải đi làm, không ai đưa đón các cháu đến trường, các cháu lại học hành không giỏi, nhưng từ ngày chú dạy chúng, chúng đã rất ngoan và học hành trở nên chăm chỉ. Cháu thật lòng xin chú ở lại với gia đình cháu, giúp đưa đón các cháu đến trường và chỉ cho chúng học hành, bất cứ lúc nào chú thấy mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi cứ cho các cháu biết, các cháu sẽ thay phiên xin nghỉ để đưa đón chúng tới trường.

Có khi cháu nói như thế hơi vội trong lúc này, nhưng em cháu đã mở lời nên cháu nói ra những suy nghĩ trong lòng cháu mà thôi. Cháu cũng hiểu lúc này có lẽ chú muốn ra đi cho khuây khỏa trong lòng...

- Vâng cô nói đúng lắm. Khi tôi bước vào phòng ngủ, vẫn cảm thấy như ông cụ còn đó, lòng rất xúc động

- Cháu hiểu lắm. Chú hãy coi vợ chồng cháu như là con của chú, ba đứa nhỏ của cháu xin chú hãy coi như là cháu của chu...

- Thôi thì hãy để tôi nghĩ lại. Nhưng trong vài ngày tới, có khi là một hai tuần hay tháng, tôi muốn đến cùng bạn bè tìm lấy những thay đổi may ra lòng dịu lại.

- Vâng, chú chịu ở lại với các cháu là được rồi.

Sau bữa cơm, tôi quay về phòng đi quanh quẩn trong phòng như khi ông cụ còn sống, tâm trí tôi như hoang mang vô định, đi hoài đến khi mỏi chân, nhìn đồng hồ đã 10 giờ rưỡi, nhà trên vẫn còn chuyện trò chưa ngủ. Tôi nằm xuống, cố nhắm mắt tìm giấc ngủ, nhưng không thể nào. Bao nhiêu ý nghĩ vụt về trong trí óc tôi, hai chữ "ngày mai" cứ lởn vỡn trong đầu. Tôi tự hỏi mình, ngày mai khi tôi lâm chung, phút sinh thì có ai bên cạnh, ai sẽ nghe tôi nói được lời nói sau cùng của tiếng người, và tôi sẽ nói điều gì? Có ai cho tôi cầm lấy bàn tay như cố giữ lấy hơi ấm và sinh khí của sự sống lúc bấy giờ . . . Chắc hẳn là không có ai, cũng như người lính bị đạn, vùng vẫy phút cuối một mình, trong lúc đồng đội vẫn còn lo chống trả với quân thù, rồi cô đơn ra đi về bên kia thế giới mãi mãi biệt tăm! Vâng thì cũng được vì tôi là lính, người lính mất nước lạc loài trên xứ người sẽ ra đi cô đơn như đã âm thầm đến, còn có ai để bận tâm.

Hôm sau khi thức dậy, tôi nói với cô chủ là tôi muốn đến nghĩa trang nhìn ông cụ một lần, rồi sẽ đến trạm xe buýt đường dài đi rong chơi một lúc, tôi không muốn đợi đến ngày thứ 3 mà người xưa bảo là mở cửa mả, hay tuần Ba, tuần Bảy của tục lệ, vì như thế tôi sẽ nghĩ tới thân phận mình và chắc là tôi sẽ khóc!

Cô chủ hiểu được ý nghĩ của tôi, liền lên lầu bảo ba đứa con xuống chào tiễn biệt "Ông chú ngoại", ba đứa nhỏ ôm lấy tôi, đứa lớn nhất đã khóc,

- Ông ơi ông phải trở về nha ông,

- Ông đừng bỏ các cháu nha ông! đứa thứ hai nói vào.

- Vâng ông sẽ trở về, các cháu hãy ngoan ngoản, nghe lời ba má và chăm học nhé.

Tôi bước ra ngoài sân để cô chủ đưa tới nghĩa trang, đứa cháu lớn chạy theo níu tay tôi vừa khóc vừa nói,

- Ông đừng bỏ các cháu nha!

- Ông đã hứa rồi đó.

- Vâng ông hứa sẽ cố gắng.

Tôi bước ra khỏi nghĩa trang, quay lại nhìn hàng mộ nơi ông cụ yên nghĩ lần cuối, mà tâm hồn như bỏ xuống được gánh nặng trong lòng. Bổng nhiên tôi thật bình tĩnh nói với cô chủ lời từ biệt, rồi bước tới trạm xe buýt đường dài. Cô ôm tôi mắt rưng rưng, làm tôi thấy lòng mình mềm nhũn.

Một tháng sau cô chủ nhận được thư của bác Thụy, Cô vừa đọc vừa khóc, cô thương bác như thương ba cô vì tấm lòng của bác, và con người dễ gần gũi của bác,

Cô Lan thân mến,

Cuối cùng rồi tôi cũng tìm được nơi tôi phải đi và chổ tôi phải đến để có lại được chính bản thân mình với những tôn nghiêm của một con người. Cám ơn cô và gia đình cô đã cưu mang tôi trong một thời gian dài, thời gian đó tôi thực sự đã được nghĩ ngơi, đã quên được bao mệt mỏi chán chường trong tâm hồn, và đặc biệt là tôi đã tìm được nguồn vui qua ba cháu nhỏ.

Tuy nhiên trong suốt thời gian mà tôi coi là tịnh tâm đó, một đôi khi tôi vẫn nghe lòng mình khắc khoải băn khoăn, như đang tìm kiếm hay đang thiếu thốn một điều gì mà nhiều lúc tôi tự vấn lòng mình, tôi vẫn không sao hiểu được hoặc trả lời được. Có những buổi chiều, khi ông cụ nghĩ ngơi, tôi một mình đi thơ thẩn ở vườn sau, tâm hồn chợt nghe tróng vắng lạ thường, như đâu đó, văng vẳng tiếng ai gọi mình từ một nơi nào rất xa, mà âm vang đồng vọng dội vào lòng, để rồi hôm nay ngẩu nhiên hay tình cờ mà bổng dưng tôi tìm đến được nơi đây, và rồi tôi hiểu rõ mọi việc, hiểu được nơi đâu tôi phải đến và chốn nào tôi phải đi về , cũng như hiểu ra điều tôi đang tìm kiếm, đó là sự thanh tịnh của tâm hồn và sự gần gủi với tự nhiên.

Ở đây mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn về muộn, ráng vàng tụ lại cuối chân trời, tiếng chuông tu viện ngân lên rồi đồng vọng vang xa để tan dần vào không gian, tôi nghe hồn mình như hòa lẫn với tiếng chuông rồi cũng loảng tan trong không gian, tâm hồn tôi bổng như nhẹ nhàng và thanh thản lạ thường, bao nhiêu sầu muộn lo âu của cuộc đời và kiếp làm người cũng tiêu tan mất hết, tôi thực sự đã tìm thấy hạnh phúc và hiểu được nơi tôi phải tới.

Tôi thực lòng cám ơn cô và gia đình. Xin cô giải thích với các cháu giúp tôi. Tôi vẫn thường thấy chúng trong những giờ cơm và trước lúc đi ngủ, "Ông làm dấu Thánh giá chưa?". Bất cứ lúc nào các cháu gặp khó khăn về môn học, xin cứ email cho tôi, tôi lấy việc giúp các cháu là niềm vui của mình.

Cũng chẳng còn bao lâu nữa, tôi hiểu rõ điều này, và cũng như bao nhiêu người khác, rồi tôi cũng đến nơi tôi phải đi về.

Cầu chúc cô và bửu quyến luôn an vui hạnh phúc, các cháu ngoan, học giỏi và thành đạt.

Thân mến,
Chú Thụy.

Cô chủ đặt lá thư lên bàn, lau những giọt nước mắt trên má, miệng thì thầm, chú nói đúng lắm, "Rồi ai cũng đến nơi ta phải đi về " Thì thôi bao nhiêu Phúc Ấm Con Ban xin cũng quên đi.

Du Tử Nguyễn Định

Ý kiến bạn đọc
23/06/201216:41:57
Khách
Chuyện thật buồn, tuỏi già trên xứ sở này không biết còn bao nhiêu đau khổ xót xa nữa mà ít ai chịu viết ra như ông, thế mà ở trong nước không hiể có ông bà nào con muốn ra đi hay không . Tôi hay nhiều người nữa, cũng cô đơn và lạc lỏng như ông thôi, mỗi người có một bất hạnh, chỉ la người thì cách này, kẻ thì kiểu khác mà thôi .
Cầu chúc ông mạnh khoẻ và vui để sống nốt tuổi trời .
16/05/201221:25:26
Khách
Kết thúc chuyện của ông thật là buồn . Cầu xin cho nhân vật trong chuyện tìm thấy hạnh phúc của tuổi già nơi nhà Chúa .
16/05/201219:43:23
Khách
rat vui mung vi ong da tim duoc su binh an trong tam hon, xin Chua chuc lanh cho ong!
16/05/201223:36:06
Khách
Bai` vie^'t tha^.t hay. Ca'm o*n ta'c gia?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,256,595
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến