Hôm nay,  

Người Lấy Bốn Vợ

04/05/201200:00:00(Xem: 312324)
Tác giả là một nhà giáo, từng là Chủ tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận, hiện đã về hưu và là cư dân Riverside, Nam Cali. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tháng 2, ngày 3, 2012, Phạm Hoàng Chương có bài “Người Lấy Ba Vợ”, kể về người bạn thân từ thời học trò đi H.O. qua Mỹ, về Việt Nam sông với bà vợ mới đang gặp cảnh khó khăn, lương hưu bị ăn chặn. Bài từ tháng Ba, hiện đã có tới 19,151 lượt người đọc. Biết tác giả sau đó đã giúp bạn trở lại Mỹ để giải quyết vụ lương hưu, nhiều thân hữu hỏi kết quả ra sao. Sau đây là đầy đủ câu chuyện: ông bạn chỉ có ba mà là bốn bà vợ.

Một tuần sau, Doãn gọi qua cho tôi hay Tòa đại sứ Mỹ ở Saigon báo cáo đã liên lạc với Sở An sinh xã hội ở Mỹ. Họ gọi Tuy hỏi, nhưng Tuy chối, nói láo tháng nào cũng có gửi tiền về cho anh cả, nên An sinh và Tòa đại sứ ở VN chịu thua, khuyên Doãn tốt nhất nên bay qua Mỹ điều chỉnh giấy tờ lại, gạt tên nó ra. Doãn không có tiền mua vé, cầu cứu tôi, tôi gửi về cho 500$, Doãn mượn thêm được ở đâu vài trăm nữa, mua vé một chiều 680$ về Mỹ, đi hãng China Airlines, gọi cho hay tới phi trường LAX lúc 12 giờ trưa ngày thứ hai 9 tây tháng tư. Còn 10 ngày nữa trước khi vô Saigon lên máy bay, lại gọi phone qua than thở, “đói quá Chương à, từ đây tới ngày đó không có tiền ăn”. Tôi email về nhờ Lực em rể cho mượn gửi ra Doãn thêm 100 nữa, nhắn đổi 60$ ra tiền Việt tiêu, còn chừa lại 40 đô qua Mỹ có tiền gọi phone.

Những ngày chờ Doãn qua, tôi tìm lại cuốn sổ cũ chép các lá số tử vi bạn bè người quen ngày xưa ra coi, kiếm lá số Doãn thấy cung Tài có Đại tiểu hao, còn bị Triệt nữa, hèn chi mà tiền bạc túng quẩn, cung Thê có Tả hữu, đúng là số nhiều vợ, cung Quan lộc có Hao và Tả Hữu nên thay đổi nghề lung tung, cung Ách có Không Kiếp nên bị tai biến, đầu óc lùng bùng, tay run chân yếu, cung Phúc đức xấu...

Trưa 9 tây, tôi lái xe tới LAX đúng giờ, lóng ngóng tới lui chờ khách từ nước ngoài vô Mỹ ở lối đi riêng tới hơn 2pm vẫn không thấy Doãn. Ông nhân viên phi trường nói phải chờ cả giờ nữa, vì hành khách phải qua khu quan thuế xét hành lý nữa. Ai ngờ có ai kêu “Chương,Chương” thật to sau lưng làm tôi quay lại, ngạc nhiên thấy một ông VN mập ù ngồi ghế chờ tự bao giờ, nhìn tôi cười, hàm răng rụng, lưa thưa còn có mấy cái. Tôi nhận ra Doãn ngay, chạy lại tay bắt mặt mừng, nhưng chạnh lòng thấy Doãn già yếu nhiều hơn tôi tưởng. Doãn mập, già đi nhiều, khuôn mặt xồ xề, da lấm tấm đồi mồi, bụng to, tóc húi cua bạc trắng, nét mặt mệt mỏi, răng rụng, y như ông già 70 . Mà đúng là 70 tuổi thật. Mười lăm năm rồi còn gì.

Kéo valise Doãn đi trước ra đường cái, quay lại thấy Doãn lụ khụ, chậm chạp bước khập khiểng, hai mắt lem nhem, nhập nhòe, lắc đầu thương hại, không ngờ cơn tai biến đã làm Doãn suy sụp tàn tạ nhanh quá. Còn đâu hình bóng anh chàng thư sinh đẹp trai thon gọn bay bướm nhanh nhẩu dạy múa cho buổi văn nghệ ngày xưa nơi sân trường Võ Tánh. Còn đâu người đàn ông trung niên khỏe mạnh năm nào gặp ở San Jose đi rải giấy quảng cáo 5$ một giờ. Ghé một quán ăn buffet Mỹ cho Doãn ăn trưa, hỏi dồn dập chuyện này chuyện nọ, giải tỏa các thắc mắc bấy lâu không kịp hỏi qua phone. Lấy freeway 10 E chạy về Riverside… Nửa đường đã nghe Doãn than ngồi lâu hơi mệt, mắt kém nhìn không thấy rõ cảnh vật. Tôi nói chắc bị cườm, cần có medicare để xin đi khám , mổ cườm. Doãn nói bác sĩ VN nói mắt tốt, nhưng thần kinh có vấn đề, hễ vui vẻ thoải mái thì thấy OK, nhưng hễ đầu óc lo âu buồn bực thì không thấy đường.

-Có chuyện đó sao? Ông còn may đó, nhiều người sau cơn tai biến, bị méo miệng ú ớ, ngồi xe lăn, tay chân run rẩy, hay năm liệt giường. Ông chỉ bị yếu chân trái, mắt mờ thôi.

Về tới nhà, đưa Doãn coi quanh nhà dưới, phòng khách, studio, phòng ăn, nhà bếp, family room, rest room, nhìn chân Doãn tôi ái ngai hỏi:

-Phòng ngủ trên lầu, ông lên lầu có nổi không? Nếu không thì tôi dọn cho ngủ trong studio nhà dưới… khỏi lên.

-Được, được, tôi lên được…

Doãn vịn tay vịn, nhấc chân bước từng bước chậm chạp lên lầu. Tôi theo sau, chỉ cho bedroom đã dọn dẹp, mền gối tươm tất sẵn, chỉ phòng tắm kế bên, nút điện, vòi nước, kem đánh răng….

Doãn mệt, vứt cái sắc tay ra bàn, cởi vớ, áo coat, lăn ra ngủ. Một lát, nằm ở phòng bên, tôi đã nghe tiếng ngáy khò khò vang dội ầm ỹ. Thôi rồi, mỡ đóng nghẹt mạch máu trong phổi nên ngáy to khò khò. Ông này bây giờ nhiều bệnh quá, tôi lo lắng thầm nghĩ. Chân yếu, mắt mờ, lu khụ bước dò dẫm, ngáy to, chưa biết còn những chứng bệnh gì nữa mà mình chưa biết.

Doãn ngủ một mạch tới sáng hôm sau, thay áo quần gọn gàng ngồi chờ tôi chở lên nhà bank Wachovia ở Corona hỏi tình hình checking account ra sao. Hai tháng trước tôi đã email báo cáo chuyện thằng em ăn cắp tiền hưu ông anh ở VN gửi thư qua bưu điện lên Fraud department của Sở An sinh , yêu cầu ngưng rót tiền vô bank nữa kể từ tháng 3. Họ cảm ơn đã báo cáo, nhưng không cho biết sẽ xử trí ra sao vì tôi là nguời ngoại cuộc. Tôi bèn gọi thẳng Sở An sinh ở Moreno Valley thuộc Riverside county báo cáo miệng. Cô social worker hứa sẽ lưu ý chuyện này….Tôi chở Doãn tới địa chỉ tìm trên Internet ở đường Hammer chẳng thấy nhà bank Wachovia đâu, chỉ có một tiệm ăn Mễ lớn. Chạy vô hỏi, họ nói cách đây 2 năm nơi đây là nhà bank, nhưng giờ họ đã đóng cửa dẹp tiệm. Cho Doãn biết, bấy giờ anh chàng mới chậm chạp tiết lộ:

-Lúc tôi còn ở VN, nghe đồn Wachovia sáp nhập vô Wells Fargo rồi.

-Trời ơi, sao không nói ngay từ đầu, để tôi tốn xăng chạy xa mấy chục miles xuông dưới này. Cách nhà tôi vài trăm mét có cái Wells Fargo to lù lù. Sao mà miệng luỡi thiệt thà ít oi quá vậy trời…

-Thì nghe họ đồn vậy thôi, biết có thật không mà dám tin.

Tôi tắp vô một chi nhánh Wells Fargo, bước vô thấy một anh chàng Mỹ cao ráo đứng chào khách, chỉ Doãn lểnh mểnh khập khiểng buớc theo sau, nói “đây là anh bạn tôi từ VN mới qua”, vắn tắt trình bày sự việc bị tước đoạt tiền hưu, hắn vội vàng mời chúng tôi vào bàn có computer, xin cho biết số account. Tôi kể chuyện việc Tuy được ủy quyền rút tiền account Doãn gửi về VN, nhưng mấy tháng nay ăn cắp hết tiền xài, không gửi về nữa nên Doãn đói phải bay qua đây. Hắn có vẻ ái ngại, tự xưng là Damian, hỏi information tên họ, số an sinh, dò tìm một phút, quay nhìn tôi hỏi:

- Tuy Wagner là ai?

-Là em của ông này. Nó ăn cắp tiền của anh nó, không gửi về VN.

Damian tuyên bố: ”Hiện tại account này zero balance”. Doãn nhìn tôi bảo:

-Hèn chi con Mai, em gái tôi, hôm nọ hỏi thằng Tuy, “sao lấy tiền anh Hai xài hết?” nó trả lời, ”tháng này account không có đồng nào hết, có tiền đâu mà lấy…”

Tôi gật gù:

-Như vậy là Sở An sinh họ đã “hold” tiền hưu ông theo lời tôi yêu cầu rồi, không rót vô bank nữa, nên nó thấy không có tiền trong đó nữa... Tốt lắm. Không biết họ có “hold” tháng 3 không, hay chỉ mới tháng 4 này.

Doãn thở phào nhẹ nhõm. Tôi hỏi Damian:

-Xin cho biết lần rút mới nhất đây là ngày tháng nào?

-March 5th.

Doãn thất sắc nhìn tôi:

-Đúng là thằng Tuy rút. Thấy chưa, rành rành bằng chứng nó cướp trọn nguyên một tháng lương mới vừa rồi, mà chối leo lẻo……

-Như vậy, tháng 3 họ không có “HOLD” tiền, chỉ mới “hold” tháng tư.

Tôi kể Damian chuyện tôi đã báo cáo cho Sở An sinh nên họ ngưng không rót tiền vô bank tháng này. Damian nói:

-Để nó khỏi ăn cắp nữa thì phải gạt tên nó ra, nhưng vì lúc mở account Doãn và nó đều cùng là joint-holders, là co-payees, nên bây giờ muốn gạt nó ra phải mời nó tới đây cùng ngồi xuông với anh, ký giây tờ xin bỏ tên ra, thì account mới hoàn toàn thuộc một mình anh được quyền rút.

-Nó đang ở bên Texas, tôi gọi không thèm trả lời, biết làm sao?

-Vậy thì làm cách thứ nhì: mở một checking account mới, đứng tên anh và một “second payee” khác, như bạn anh đây chẳng hạn.

Tôi xua tay từ chối:

-Thôi, thôi, tôi không muốn làm “second payee” đâu, phiền toái lắm…

-Vậy. tạm thời cứ để tên anh Doãn đứng tên account mới, lấy địa chỉ số phone nhà anh Chương để liên lạc, rồi hai anh tới Sở An sinh đìều chỉnh giấy tờ để họ rót tiền vô account mới. Khi tiền vô rồi, cái account cũ sẽ tự động mất giá trị và sẽ bị xóa đi. Sau đó anh sẽ chọn “second payee” sau.

-“OK”, chúng tôi đồng ý.

-Xin anh Doãn cho username và Password để bạn anh ngồi nhà check balance account anh trên mạng dùm anh.

Sau khi Doãn deposit chữ ký và làm theo lời chỉ dẫn của Damian, chúng tôi cầm một packet giây tờ của Wells Fargo, trong có số account và routing mới, cùng một cuốn check book tạm thời. Đứng dậy cám ơn Damian, tôi chở Doãn qua Moreno Valley tìm tới Sở An Sinh.

Cô social worker Mễ tên Garcia. Tôi nói tiêng Anh nhanh nhẩu trình bày mọi việc, cô ta nhìn vẻ mặt khổ sở của Doãn, quan sát cách tôi và Doãn nói tiếng Việt với nhau, biết quan hệ bạn bè cũ thân thiết, lắc đầu ái ngại nhìn Doãn thương hại. Cô dò trong computer thấy Doãn ký tên đồng ý cho TUY đảm trách tiền hưu Doãn từ 2008 tại Texas, hỏi:

-Bây giờ anh trú ngụ ở đâu?

-Tôi đang ở nhà bạn tôi ở Riverside.

- Tôi cần phải liên lac với Tuy để buộc nó “get out” rồi sau đó mới chuyển 700$ tiền tháng 4 vô account mới cho anh được.

-Lỡ nó không chịu rút tên ra thì sao?

-Thì tôi buộc tội nó ăn cắp tiền anh mấy tháng nay và đòi truy tố ra tòa. Quyền ở chúng tôi. Hỏi nó chỉ là theo thủ tục mà hỏi thôi. Tôi cần nắm bằng chứng anh không có ở Mỹ thời gian mấy tháng nay để kết tội nó ăn cắp 2 tháng qua.

Garcia đòi giữ schedule máy bay từ VN qua Mỹ ngày hôm kia của Doãn và giấy chứng minh Doãn về VN từ năm 2008 làm chứng cớ là Doãn không thể nào rút tiền nhà bank ở Mỹ từ đó tới nay, mà chỉ có Tuy làm việc đó.

-Anh cần có một nguời “second payee” thì chúng tôi mới chuyển tiền tháng 4 vô account mới được. Anh có muốn anh bạn đây làm “second payee” cho anh không?

Doãn gật đầu, bảo tôi nhận làm đi. Tôi hỏi Garcia:

-Xin cho biết tại sao bạn tôi cần phải có một “second payee” mới được..

Garcia cúi nhìn vào tài liệu vừa in ra từ computer, trả lời:

-Bởi vì … bác sĩ chữa bệnh, ký tên cho anh xuất viện ở Florida năm đó bắt buộc anh cần có “second payee” để quản lý tiền hưu. Anh lúc đó đang tàn tật, không được phép lái xe, không thể đi rút tiền được. Sở An Sinh phải theo “recommendation” của bác sĩ mà làm.

Doãn và tôi đều “ồ” lên một tiếng. “À thì ra vậy!” Thảo nào nhà bank cũng buộc như vậy. Ho cứ căn cứ theo hồ sơ cũ mà làm cho đúng luật.

-OK, vậy thì tôi phải nhận thôi, không có lựa chọn nào khác.

Garcia nói sẽ gửi tôi một lá thư xác nhận tôi là “second payee” mang tới nhà bank cho họ hợp thức hóa, và hỏi checking account number cùng routing number mới để chuyển 700 vô. Hai đứa vui vẻ ra về.

Ở nhà mấy ngày cuối tuần, tôi chở Doãn qua Bolsa, mua cho cái thẻ gọi về VN cho Doãn gọi về Nhatrang, dò vé sô mega Doãn mua ở gần chợ ABC thấy trật lất, đi chợ mua thức ăn rồi đưa Doãn đi ăn trưa.

-Lá số ông cung Tài có Song hao, Mã bịTriệt, cả đời túng thiếu … làm sao mà giàu nỗi.

-Tôi biết…tôi biết...

Về tới nhà tôi nhanh nhẩu nấu cơm tối, thức ăn canh kho xào mặn cho Doãn ăn, vì Doãn từ nhỏ tới lớn không hề biết nấu ăn. Ăn xong tôi dọn dẹp, rửa chén xoong chảo, cho Doãn tự do ngủ lại sức. Doãn ngủ rất dễ, hầu như ngủ suốt ngày, bạ đâu ngủ đó, tiếng ngáy ò ò vang lừng khắp nhà. Khi tỉnh dậy, tôi mở tivi cho coi phim hay, than mắt kém, coi lâu nhức mắt. Hầu như lúc nào anh chàng cũng đeo kính mát trong nhà, nói ánh sáng làm chói mắt. Mở computer cho coi news không thèm coi, tôi phải đọc cho Doãn nằm sofa bên cạnh nghe. Kinh sách Phật, báo chí để ngay đầu giuờng, chớ hề đụng đến. Doãn thú thật không hề nấu ăn suốt 10 năm đi làm ở Mỹ, toàn mua thức ăn bán sẵn ngoài tiệm, thấy tôi tay chân nhanh nhẩu nấu ăn có 15 phút đã xong mọi thứ, ăn ngon lành, đậm đà, nức nở khen.

Tôi cười:

-Nấu ăn có gì khó đâu à, cắt thái rau quả, làm sạch cá tôm để đó, bật cái tách là có lửa, để cái xoong lên, bỏ dầu vô, đập tỏi, bỏ thức ăn vô, xào qua xào lại, vài phút thấy chin thì nêm muối mắm. Nếm thử vừa miệng chưa, thế là xong.

-Tôi nhìn cái bụng to của Doãn, nghĩ thầm, ”cả ngày chỉ ăn rồi ngủ, không đọc sách, không coi phim, dốt đặc về computer, Internet, không thích tiếp thu cái gì mới lạ, không lái xe, không biết chuyện gì đang xảy ra trên thế giới, cuộc đời như vậy là tiêu rồi...”. Bèn nói:

-Ông bụng to, coi chừng cholesterol cao, phải đi thử máu.

-Cholesterol là cái gì?

-Trời đất... ở Mỹ 10 năm mà không biết cholesterol là gì. Là máu mỡ, là chất sền sệt bám vô thành mạch máu trong cơ thể ông, tia máu không chảy thông thương, bể mạch máu trong đầu ông, nghẽn tim, khiến đột quỵ mê man.

Doãn đỏ mặt tự biện hộ, kể từ chuyện này sang chuyện kia, đổ thừa vợ con…Thỉnh thoảng tôi hỏi một câu, Doãn khui ra một đoạn đời ở Cali, tôi hỏi câu khác, lại khui ra một quãng đời lang bạt khác ở Georgia, ở Florida, ở Texas… Tôi chắp nối những mảnh vụn Doãn kể lể thành một câu chuyện dài tơi bời thê thảm. Cả cuộc đời Doãn từ bên VN qua Mỹ theo thứ tự được phơi bày như sau:

“….Dũng là anh cả trong một gia đình 12 đứa con, sinh năm 42. Phong là em trai kế, hiền lành phúc hậu nhất trong các đứa em. Đậu tú tài 2 xong năm 63, Dũng vô Saigon thi vào lớp dự bị y khoa đậu, nhưng tham dự biểu tình chống ông Diệm bị bắt nhốt, mất học, gặp bà Lành. Bà Lành là gái nghèo dưới nhà quê lên Saigon bị tên lưu manh đã có vợ đưa vô bán bar, gạt cho có bầu, đẻ một đứa con, băt nghỉ việc đem về làm việc nhà không lương, 2 vợ chồng coi như con ở. Doãn tình cờ gặp, bà ta mê Doãn đẹp trai, dẫn con trốn theo Doãn. Doãn dẫn ra Phanrang nhờ ba má tôi giúp hè năm 63. Năm 64 Doãn dẫn Lành về trình diện bà má, làm hôn thú, Lành tự động gửi thằng con riêng về Đalạt cho bà nội nó nuôi, không hỏi ý Doãn .Từ 64 đến 67 Doãn làm thông dịch cho các cố vấn lực lượng đặc biệt Mỹ mũ xanh, huấn luyện lính biệt kích ở các trại Kontum Pleiku biên giới Việt Miên Lào, mặc binh phục rằn ri đi lưu động khắp bốn vùng chiến thuật. Năm 67, Doãn nhập ngũ khóa Thủ đức 27, biệt phái qua ngành cảnh sát dã chiến làm tại Nhatrang, lên chức đại úy.

Năm 72 bà Diễm từ Ban mê thuột mò xuống Nhatrang kiếm Doãn. Diễm gốc người Huế, là người yêu cũ của Doãn thời trung học ở Ban mê thuột, Doãn và Diễm học chung lớp, Doãn đẹp trai, Diễm đẹp gái, hai người yêu nhau ra rít. Khi Doãn xuống Nhatrang với cha mẹ học Võ tánh, Diễm ở lại lấy chồng đại úy, có 2 con trai. Chồng tử nạn năm 70, Diễm cô đơn, nhớ lại người yêu cũ, mò xuống Nha trang tìm gặp Doãn lúc đó đang sống với Lành không có con. Doãn ngỡ ngàng nhận ra nguời tình cũ, đưa Diễm ra biển tâm sự. Diễm về lại Ban mê thuột thì bà mẹ Diễm đi máy bay vô Saigon bị tử nạn vì máy bay rớt. Diễm thổn thức chạy xuông Nhatrang , cầu cứu Doãn lên BMT,vô rừng kiếm giùm xác mẹ. Mất mẹ, Diễm dắt 2 con chạy về Nhatrang tìm tới Doãn nương tựa với số tiền bảo hiểm máy bay bồi thường. Doãn mướn nhà ở Xóm Mới cho Diễm ở. Tình cũ không rủ cũng tới, Doãn sa ngã, ngoại tình. Diễm gởi 2 con vô trường đạo, ở một minh tiếp Doãn tới thăm thường xuyên. Biết Doãn không thể có con vì tinh trùng loãng theo lời bác sĩ giám định, Diễm gặp một ông thày thuốc Bắc bốc thuốc bổ thận cho Doãn. Uống được mười thang thì quả nhiên Diễm có thai đẻ ra thằng Quang năm 74. Diễm bán nhà ở Ban mê thuột, bỏ vô Saigon mua nhà ở Bình thạnh, sau này theo Doãn qua Mỹ bán đi được 40 cây vàng. Doãn lúc đó lại được cơ quan đổi lên Ban mê thuột làm, nên bay về Saigon ở với Diễm thường xuyên, khiến Diễm có bầu thêm thằng Quí. Bà Lành biết, tức giận bỏ nhà theo dì Út của Doãn vô Saigon ở, xin con nuôi tên Kiệt từ viện mồ côi, rồi đầu tháng tư theo bà (làm cho USAID MỸ) bay qua Mỹ với 4 em nhỏ của Doãn (Lan,Tâm, Chí, Chi) cùng một đám trẻ mồ côi. Qua Mỹ, ở Nam Cali, Lành tự động làm giây ly dị Doãn, lấy chồng khác, nhưng sau ông này cũng chết, không có con.

Việt cộng vô, Saigon náo loạn. Diễm mang bầu khệ nệ theo Doãn xuống tàu ở bến Chương dương cuối tháng 4/75, nhưng thấy chen lấn đông đen, lo sợ, đổi ý quay về lại Saigon, đẻ ra Quí cuối 75. Lúc đó Doãn cấp bậc đại úy cảnh sát phải đi cải tạo tù VC biền biệt 10 năm, Phong em trai kế Doãn là thương phế binh đang nằm ở Tổng y viện Cọng hòa bị đóng cửa, đuổi ra, gia đình đưa về Nhatrang nằm vài tháng thì chết, bỏ lại vợ và một con gái. Ba Doãn trung tá “ngụy” cũng lên đường học tập cải tạo. Mẹ Doãn ở với 3 con gái lớn Phượng, Mai, Điệp còn sót lại Nhatrang, bà sợ bị đi kinh tế mới nên lên Diên khánh mua rẫy cất chòi ở. Trong nhà, chỉ có San, em Doãn, theo đơn vị qua Mỹ cuối tháng 4/75. Năm 83 ba Doãn về, lên rẫy ở cùng vợ con. Qua 85 Doãn cải tạo về, cũng lên rẫy ở với ba mẹ và 3 em gái, trồng cà, ớt, sống qua ngày. Bốn đứa em đi Mỹ , mấy bà dì em mẹ Doãn lai rai gửi tiền về giúp ba má và anh chị. Mỗi khi ba má bệnh, Doãn phải nhờ một cô y tá nhà quê tên Sương tới chích thuốc theo toa bác sĩ. Sương trước đây lấy chồng VC trên núi, có một đứa con trai. Cảm tình từ từ nảy ra giữa Doãn anh chàng xa vợ và cô phụ nữ y tá góa chồng tiếp xúc hàng ngày trong căn nhà nhỏ ở rẫy ớt.

Năm 89, ba Doãn chết. Hai con Doãn chạy ra lên rẫy thăm bà nội đau yếu, thấy Sương lấy cớ săn sóc bà nội, ở luôn trong nhà nấu ăn cho cha, thân mật với cha, về Saigon báo cáo Diễm, khiến Diễm ngấm ngầm tức giận nhưng để bụng không nói ra.Doãn lâu lâu chạy vào Saigon thăm Diễm làm ăn mua bán nuôi 4 đứa nhỏ, đứng ra cưới vợ cho thằng con lớn của Diễm là Vũ. Hai vợ chồng thằng này sau đó đuợc anh vợ bảo lãnh qua Mỹ. Diễm cũng liên lạc thường xuyên với Cúc, cô em ruột qua Mỹ hồi 75, nhờ làm giấy bảo lãnh ODP. Cúc gửi giấy bảo lãnh đoàn tụ chị em về năm 88, nhưng VC không cho đi.


Khi phong trào H.O năm 90 bắt dầu nở rộ, Diễm mới chạy ra Nhatrang yêu cầu Doãn vào Saigon lo hồ sơ, bỏ tiền chạy cho Doãn nhập hộ khẩu, làm hôn thú, làm đơn đi Mỹ diện H.O, ghép luôn tên Văn, đứa con riêng thứ nhì của Diễm vào tổng cọng là một hộ 2 vợ chồng 3 đứa con. Hộ Doãn qua Mỹ năm 94 thì sau đó vài năm, có giấy của em út Doãn là Chi gửi về bảo lãnh mẹ và 3 chị Phượng, Mai, Điệp còn lại qua Mỹ đoàn tụ diện ODP. Mẹ Doãn không đi, quyết định ở lại chết theo “ông già”, bà bán nhà bán rẫy chia một nửa tiền cho 3 cô gái đem đi Mỹ, còn lại mang vô Saigon ở, ăn chay trường, đi khắp các chùa nổi tiếng khấn vái lễ lạy cầu xin ban phước cho các con bên Mỹ. 

Năm 94, gia đình Doãn qua Mỹ, vứa tới phi trường San Francisco , cô em vợ tên Cúc ra đón đưa về nhà, Diễm đã nuôi ý định bỏ ông chồng lăng nhăng từ lâu, nên khi đặt chân lên đất Mỹ ở nhà cô em yên lành, liền ôn tồn bảo Doãn qua Florida ở với dì Út, có sẵn cơ ngơi bên đó giúp cho việc làm. Doãn sửng sốt, nhưng nổi cơn tự ái, bỏ đi liền. Thằng Văn bay qua Texas ở với vợ chồng anh ruột là Vũ, còn lại Quang và Quí. Cúc có dư một căn nhà, cho 3 mẹ con ở thuê, trả tiền hàng tháng cho dì ta bằng trợ cấp chánh phủ Mỹ.

Ở Florida, dì Út giao Doãn coi ngó văn phòng bảo lãnh di trú của dì. Dì chỉ lớn hơn Doãn có một tuổi, nhưng tháo vát, lanh lợi, thông minh. Sau khi dẫn trẻ mồ côi qua Mỹ năm 75, phân phát 4 đứa cháu (em út Doãn) cho cha mẹ Mỹ nuôi ở các tiểu bang xong, về Florida đi học college lại, lấy bằng cấp, lấy chồng Mỹ, mua nhà to, mở business văn phòng bảo lãnh di trú. Ông chồng bị stroke chết vừa lúc Doãn qua nên Doãn thế chỗ ông, làm văn phòng của bà, nhận lương tháng, ngủ luôn tại đó, còn bà ở với con trai ở ngôi nhà lớn các đó 2 blocks. Bà khuyên Doãn đi học college lại mới có tương lai, nhưng Doãn không nghe.

Được 2 năm thì chồng Cúc bên San Fran gọi qua báo cáo,” Anh phải về gấp lo cho con anh, 2 đứa nó thường theo tụi du đãng xì ke ma túy chơi, sắp hư hỏng tới nơi rồi..”. Doãn hốt hoảng lật đật từ giã bà dì bay về San Fran, đưa vợ con về quận lỵ quê mùa Fairfield mướn nhà sống, cả gia đình 4 nguời đi hái dâu, gọt lê cho chủ hãng. Doãn kể gọt lê đầy 1 thùng được 20$, cả ngày 4 người chỉ gọt được 4 thùng, kiếm 80$. Thời gian này Diễm đi nhà thờ đều đều, quen một người đàn ông tín đồ Công giáo, tên Minh, đại diện cho linh mục nhà thờ lớn ở San Jose. Nàng bảo Doãn, ”bây giờ em phải lo cho phần hồn, lâu nay lấy anh là có tội, bây giờ thoát khỏi khổ ách của VC rồi, cần phải đi nhà thờ thường xuyên, sám hối với Chúa”. Ông Minh này có lần tới nhà thăm, trước mặt Doãn, chỉ trích Diễm lấy chồng ngoại đạo như Doãn là phạm tội với Chúa. Doãn tức lắm nhưng dằn cơn giận. Tình cảm giữa Diễm với nguời này từ từ nảy nở ra sao sau đó Doãn không biết chắc, nhưng Cúc khuyên Doãn nên đưa vợ con xuống San Jose ở, để tránh những chuyện sa ngã không hay có thể xảy ra của Diễm với người này.

Lúc đó Doãn bắt được sô phone tôi vừa khi tôi lên San Jose dạy học, bạn bè cũ gặp nhau mừng rỡ quá sức. Mướn apartment xong, Doãn bỏ tiền mua trả góp 2 chiếc xe cho 2 đứa con đi làm điện tử và đi học lại college, dạy vợ lái xe, xài hết tiền dành dụm bên Florida đem qua, phải nai lưng cày 3 jobs: đi bỏ báo lúc rạng sáng, rải flyers cho rạp hát, đi hàn “board” cho hãng điện tử… đến nỗi xe hư, cầu cứu tôi cho tiền sửa xe, mua bảo hiểm. Diễm phân công Doãn phải trả tiền “rent” 1200$ mỗi tháng , tiền lương 2 đứa con giao cho mẹ cất, Diễm lo phần nấu nướng ăn uống, trả tiền bills. Một lần Doãn vì ham ăn nhậu với bạn bè sao đó mà hụt 300$ trả tiền nhà, mượn Quí đỡ, nó từ chối, vì có bồ Mỹ sắp dẫn đi chơi, cấn tiêu tiền. Doãn tức giận, to tiếng mắng con.Thằng con lên chỗ Diễm làm mách mẹ. Quang hùa vô bênh em, tố khổ cha ăn nhậu hết tiền. Diễm bênh con, quyết định cái rụp:

-Anh với 2 con không hạp nhau, thôi, anh nên về lại bên bà dì ở.

Doãn vừa tức, vừa tự ái, nên nhờ bạn cũ là luật sư làm thủ tục ly dị. Luật sư mang giấy tới nhà đưa Diễm đọc, Diễm ký liền. Thế là Doãn lái xe xuống LOS ở với bạn bè cũ bên VN, vì không mặt mũi nào trở về Florida nương nhờ dì Út nữa. Hai vợ chồng nguời bạn dốt English, ăn welfare, ở nhà nấu ăn, cho Doãn ăn free, ngủ sofa, bắt Doãn lái xe đi giao thức ăn cho khách. Được hai tháng Doãn bỏ xuống Santa Ana ở với Quang, làm cho hãng Do thái, rồi coi tiệm giặt sấy cho một bà VN, đựợc vài tháng, lại bay về Georgia ở với một ông bạn khác, xin được vào làm job vệ sinh tẩy trùng “ca” khuya cho hãng bánh mì Bill Berry 12 $ một giờ, sau đó quen với một cô gái Mỹ cùng hãng tên Nancy mới 28 tuổi, có một con, Doãn giúp đỡ Nancy nhiều thứ nên cô cảm động,đề nghị mướn apartment ở chung với Doãn như vợ chồng .

Lúc đó là năm 97, Diễm lái xe đi làm được rồi, khoe với Doãn đã mua được cái mobile home 95 ngàn, mời qua chơi. Doãn hỏi tiền ở đâu ra, Diễm nói tiền bán nhà ở Saigon trước khi đi H.O qua Mỹ. Doãn không ngờ Diễm dấu kín không hề hé môi về số tiền này mấy năm nay, và cũng chả biết Diễm chuyện tiền qua Mỹ bằng cách nào, thầm phục con người bà vợ gốc Huế này thật quá sức khôn ngoan, sắc sảo.

Đầu năm 98, Doãn mới lấy được vacation, bay qua, lúc đó Quốc đã qua Texas ở với 2 ông anh cùng mẹ khác cha, đi làm, Quí chở ba má lên San Fran chơi, coi cầu Golden Gate, ra biển coi hải cẩu, đi China Town, đi Oakland …chụp hình kỉ niệm…. Cả gia đình vui vẻ hầu như quên hết mọi xung đột trước đây, hưởng mấy ngày hạnh phúc hòa thuận. Diễm cho biết Quốc ở Texas may mắn quen được một con nhỏ mới ra dược sĩ , tính cưới, nên quyết định bán nhà mobile home, đã có kẻ trả 160 ngàn, sang đó mua nhà lớn cho cả gia đình ở chung đoàn tụ sau bao ngày ly tán tha phương cầu thực. Doãn xin số phone của Quốc ở Austin để liên lạc, Diễm không cho, nói Doãn cứ cho số phone bên Georgia đi, khi nào nhà mua xong sẽ gọi Doãn về ở.

Ai ngờ đó là lần cuối cùng Doãn gặp vợ con. Diễm về Austin mua nhà cho Quốc , rồi bặt tin luôn, không hề nhắc phone gọi Doãn nữa. Mấy đứa con cũng lạt lẽo, không thèm liên lạc cha. Qua 99, mẹ Doãn bị stroke ở Saigon, Doãn lái xe qua Texas báo tin, lấy tiền các em góp lại mua vé máy bay cho anh Hai về săn sóc mẹ, không một đứa em nào chịu về thăm.

Về VN, Doãn kiếm mướn một cái phòng trong nhà nguời ta cho mẹ nằm, mướn một cô gái hầu hạ săn sóc, gửi tiền về cho chủ nhà…rồi bay lại về Mỹ . Chủ nhà sau đó gọi qua cho hay con ở hầu hạ bê bối, nhận tiền xong, lâu lâu bỏ bà già nằm đó cả tuần, về quê ở chơi, nên Doãn phải gọi vợ Phong và Sương (cô y tá săn sóc mẹ ở Diên khánh lúc xưa) ở Nhatrang, mướn xe vô đưa mẹ ra ở nhà Sương trên Diên khánh.

Sương nghèo lắm, có miếng đất cha mẹ để lại nhưng không có tiền cất nhà, phải ở đậu nhà bà chị ruột không chồng. Doãn kể hồi tiễn Doãn ở ga xe lửa Nhatrang vô Saigon đi Mỹ diện H.O, Sương òa ra khóc nức nở vì xa Doãn. Doãn cảm dộng vì mối tình cô gái quê, nhưng lúc qua Mỹ năm 96, cũng không bao giờ nghĩ có ngày sẽ về lại VN để lấy nàng. Không ngờ cơn đột quỵ thình lình của mẹ Doãn đã làm Doãn mang ơn Sương thêm lần nữa. Sương tận tình săn sóc bà già, nhận tiền Doãn ở Mỹ gửi về đều đều.

Qua 2003, Doãn về Florida làm cho Fri-Layto chế chip khoai tây chiên, lương 15 $ một giờ, vì đúng 61 tuổi nên được lãnh “lum sump” vài món tiền 41K lên đến 15 ngàn, bèn quyết định dùng tiền này gửi lai rai về cho Sương cất nhà (trên miếng đất của Sương) để mẹ có chỗ ăn ở khang trang rộng rãi, và khi về hưu sẽ về Nhatrang ở cùng Sương. Sương muốn khoe có nguời yêu giàu ở Mỹ nên xây nhà cấp 2, sang trọng hào nhoáng, trong làng ai cũng tới coi, trầm trồ khen ngợi. Năm 2004, Doãn về chơi, khánh thành nhà mới Sương đứng tên, mời mẹ qua ở, tổ chức bữa tiệc ra mắt bà con lối xóm coi như tiệc cuới.

Bà già kém phước, nên ở nhà mới được một năm thì lăn ra chết, chỉ có mỗi Doãn về chịu tang, chôn cất mẹ cạnh mộ cha, lúc đó là tháng 5/2005. Qua tháng 12 thì Doãn ở Mỹ đang làm cho Fri-Layto cũng lên cơn tai biến mạch máu não, được chở vô nhà thương chữa, bảo hiểm chỗ làm trả tiền. Cán sự An sinh xã hội ở nhà thương liên lạc hãng làm, lo tiền tàn phế (disability) cho Doãn. Sau 7 tháng, bệnh thuyên giảm, mặc dù chân còn yếu, mắt mờ vì mạch máu nhỏ trong đầu bể chảy xòa ra che phủ vùng thị giác , huyết áp cao, phải uống thuốc mỗi ngày, Doãn được chuyển qua nursing home ngồi xe lăn.Mỗi tháng, check 520$ tiền tàn phế gửi tới tận tay ở nursing home. Bác sĩ căn dặn tuyệt đối không đuợc uống bia rượu, nếu muốn sống lâu vui cùng con cháu. Doãn kể ở nursing home rất khổ. Mấy ông già Mỹ đen điên khùng la hét cả đêm, đe dọa, ăn hiếp Doãn, mỗi lần con y tá lôi Doãn vô phòng tắm, phải cho tiền để được xịt nước nóng vào người liên tục cho khỏi lạnh run cầm cập. Doãn xin xuất viện, nhưng An sinh đòi có thân nhân có nhà cửa tới ký giấy bảo lãnh ra. Dì Út không chịu lãnh Doãn ra về nhà ,vì sợ có ngày Doãn sẽ chết trong nhà như ông chồng Mỹ của dì ngày xưa. Vân là em trai ở Georgia, rất khá giả, cũng không chịu nhận nuôi Doãn. Doãn phải gọi Tuy ,em trai từ Texas qua ký giây lãnh ra, đem về Texas giao cho vợ chồng Mai ở gần đó vì chỗ Tuy ở rất chật chội.

.Lúc đó Doãn đúng 65 tuổi, có thẻ Medicare, tiền tàn tật chuyển qua tiền hưu, lên 600$. Sở An sinh Texas bắt Mai làm “second payee”, mỗi tháng gửi check về cho Mai. Hai vợ chồng Mai thờ Phật, ăn chay trường, giàu lòng nhân từ, nên cho Doãn ăn ở chung nhà, trong khi các em khác đều làm lơ, né tránh. Được mấy tháng , Doãn quyết định về VN,ở dưỡng bệnh trong ngôi nhà mới cất tại Diên Khánh, có Sương bên cạnh săn sóc. Tháng tháng Mai gửi tiền về Diên Khánh cho anh tiêu xài. Nhưng vợ chồng Mai qua Mỹ không chịu học tiếng Anh, nên thư từ Sở An sinh gửi về nhà hỏi thăm sức khoẻ Doãn, hay thông báo yêu cầu làm gì, hai người đọc không hiểu, không thèm gọi lại , hay trả lời. Cho đến một ngày, họ gửi thư báo tháng tới sẽ cúp tiền không gửi nữa. Mai hốt hoảng nhờ con dịch thư ra tiếng Việt, mới hay họ cúp vì đã không trả lời, không trình diện, buộc cả 2 Doãn và Mai lên office nói chuyện. Mai tá hỏa liền gọi Doãn qua Mỹ gấp, để cùng lên gặp Sở An sinh giải quyết. Doãn bay qua, Mai lấy cớ dốt English không chịu làm second payee cho anh nữa, giao cho Tuy. Tuy nhận lời, được Sở An sinh và nhà bank cấp thẻ cho Tuy. Doãn bay về lại Nhatrang ở ngôi nhà đẹp với cô vợ quê mùa ngoan ngoãn, tháng tháng nhận tiền Tuy gửi về.

Đó là năm 2008. Liên bang không phải trả tiền cho Medicare Doãn tháng tháng nữa vì Doãn ở Vn không dùng thẻ đó được, nên chuyển tiền này qua tiền hưu, tăng lên từ 600 lên 700$. Tuy gửi tiền, trừ tiền xăng, tiền dịch vụ phải trả, nên tới tay Doãn chỉ còn 650$. Trong account họ rót tiền hưu vô tháng tháng lúc đó của Doãn, còn 5000$ tiền 41K , Doãn dấu vợ ở Nhatrang, dấu tất cả các em, tưởng không ai biết, ai dè Tuy lẳng lặng rút ra tiêu sạch không cho anh hay, mà Doãn cũng mê muội không nghĩ ra, cứ tưởng tiền đó chỉ có mình mình và nhà bank biết, phòng khi hoạn nạn mới phải qua Mỹ rút ra dùng. Tới chừng hôm Tết 2012, khi Doãn báo cáo Tuy ăn cắp tiên hưu tháng Doãn xài, ngưng gửi về VN liên tiếp 3 tháng, tôi cho hay 5 ngàn đó chắc chắn Tuy cũng đã tiêu sạch từ lâu, bấy giờ Doãn mới ngả ngữa ra, sững sờ toát mồ hôi. Khi tới nhà tôi ở, rảnh rang Doãn mới thú thật thằng em Trời đánh đã từng thâm lạm tiên hưu Doãn nhiều lần từ 2010 tới nay, có tháng nó gửi có 400, có tháng 500, gọi qua hỏi , hay nhờ Mai và Điệp gọi hỏi, nó cúp phone, rồi đổi số phone, đổi nhà. Mấy chị em nó đi tìm cũng không biết nó ở đâu.”

Tôi nghe Doãn kể chuyện ăn ở với con nhỏ Mỹ Nancy nào đó thời kỳ bên Florida 4 năm liền từ 1997 tới 2001, ngán ngẩm lắc đầu:

-Như vậy là ông có tới 4 vợ. Con người ông đào hoa lại không chung thủy như vậy hèn chi bà nào cũng bỏ đi, hay tống cổ ông, hết bà Lành tới bà Diễm, con ông cũng không coi ông ra gì. May mà không có con với Nancy và bà Sương. Hỏi thật ông, ông bệnh hoạn như vầy, bà Sương có còn thương ông không?

-Tháng nào tôi cũng đưa bả 400$ lo cơm nước, còn tôi giữ 200$ xài. Ai cũng khen bả sướng, ở không có 8 triệu mỗi tháng tiêu trong khi họ vất vã đầu tắt mặt tối kiếm không ra 2 triệu. Mười mấy năm nay tôi gửi tiền về cho bã lo cho má tôi, bã dấu cất dành riêng cũng bộn, có lần dám chạy 30 triệu cho con bã được cái job một triệu bảy một tháng, mà hễ tôi cần tiền, cứ giả đò không có, chạy đi mượn hàng xóm có ngay đem về. Không biết nếu tôi STOP không đưa bã tiền nữa thì có còn tốt với tôi không ..

Doãn đưa hình Sương ngồi cạnh mẹ Dũng ở ngôi nhà to lớn Doãn gửi tiền về cho Sương cất, tôi thấy nét mặt cô này quê mùa, còn trẻ măng. Doãn nói Sương hiện chỉ mới 54 tuổi, chắc sẽ chết sau Doãn, nên quyết định về hưu về VN ở, nương tựa cô ta để cô ta lo hậu sự chôn cất sau này. Nancy cũng mới có 28 tuổi khi ngỏ ý muốn về ở chung apartment với Doãn năm 1997, lúc đó đã 55 tuổi. Doãn kể:

- Một hôm trời mưa tôi lái xe từ hãng Bill Berry về nhà, thấy nó đứng chờ xe bus ướt mình mẩy, thương hại chở về nhà dùm, biết nó không chồng, một con. Vì cùng làm một hãng, ngày nào cũng lái xe chở về nhà, nên hai đứa thân nhau, hai đứa đồng ý dọn qua ở chung 1 apartment cho bớt tiền nhà, bỏ tiền chung vô một bank account, mạnh ai nấy rút xài, ăn ở như vợ chồng. Một hôm tôi say rượu, nói đùa sẽ làm đám cưới với nó cho hợp pháp. Con nhỏ mừng rỡ, báo tin ngay cho cha mẹ ở Virginia biết, mời ông bà xuống coi mặt Doãn. Ông bà già lái xe xuống thăm, hỏi ra mẹ Nancy nhỏ hơn Doãn 2 tuổi. Tôi mời đi ăn, nhưng ông lại dành trả tiền. Ông bà không “care” Nancy lấy chồng già 55 tuổi. Nhưng sau đó tôi đổi ý không cưới, cho là câu nói đùa trong lúc say, làm Nancy buồn thiu. Sau 4 năm, 2 đứa chia tay. Lý do là nó ăn xài quá cỡ, tuần nào cũng đi shopping, xài thâm tiền trong account, nợ credit lu bù, khiến tôi è cổ trả nợ, bèn nói “good- bye”, bỏ đi ở chỗ khác.

Một tuần qua mà tiền 700 $ tháng 4 vẫn chưa vô account mới, Doãn bồn chồn nóng ruột.Tôi thì lo lỡ Doãn bị stroke lại, gọi 911, không biết ai trả tiền xe ambulance. Doãn lôi 2 thẻ Medicare Part A, Part B cấp từ 2008 ra khoe. Chở lên An sinh hỏi, họ nói thẻ không còn “valid” nữa kể từ ngày Doãn về Vn sống, phải chờ 1 lá thư từ Trung ương gởi về , đem qua Social Services làm đơn xin thẻ medicare mới. Về số tiền 700$, họ biên xuống một sô phone, dặn phải gọi sô này mỗi ngày hỏi tiền vô account chưa, vì “system” hơi chậm, khi nào họ nói YES thì mới có mà rút .. Tôi chán nản lắc đầu:

-Lỗi của ông tánh tình dễ dãi, tình cảm đặt không đúng chỗ nên nhiều vợ, mà toàn vợ đã có con riêng, lại không có trách nhiệm, nên vợ con bỏ. Làm việc hai ba jobs, nhưng không đọc sách học hỏi thêm, lại ăn nhậu uống bia, xài tiền bừa bãi, nên túng thiếu, phì nộn, rụng răng, sinh ra đột quỵ, mắt mờ chân yếu, thân tàn ma dại. Bây giờ ông tính ở lại Mỹ luôn, hay khi ổn định tiền hưu xong lại bỏ về Nhatrang bám lấy cô vợ trẻ, giao tôi gửi tiền về.

-Tùy ông tính sao có lợi cho tôi thì tính…

-Ông nói thằng con bà Sương đêm khuya dẫn bạn bè về nhà ông mở nhạc đùng đùng, du côn hỗn láo với ông, ông đã đuổi nó ra khỏi nhà, ở bên đó có ngày nó sanh tâm đầu độc ông cho chết sớm để hưởng cái nhà thì sao? Lỡ tôi chết thình lình, ông phải bay qua lại kiếm một “second payee” khác, biết lúc đó ông có còn đủ sức lên máy bay ngồi 20 tiềng đồng hồ không? Còn nếu ở lại Mỹ, sau này nếu ra ở housing một mình ông không biết nấu ăn, không lái xe duợc, không tự lo cho mình các nhu cầu căn bản, lỡ bịnh nặng, làm sao tự “take care” được, chả lẽ cứ bám vào tôi mãi?

Doãn buồn bã thở dài:

-Tôi sẽ nhờ ông đưa tôi đi tìm bà Lành lại, xin lỗi bả. Bả đang ở gần cái chùa nào đó bên Garden Grove. Tháng 8 năm ngoái, bả gọi về Diên Khánh thăm, hỏi sông với bà Sương có hạnh phúc không. Tôi nói OK. Bả nói thằng Kiệt 40 tuổi ở với bả lâu nay chưa có vợ, đang thất nghiệp, nhà bả ở Garden Grove, phía sau có cái chùa, buổi chiều cuối tuần bả hay đi chùa không có nhà. Tôi gọi bả lại mấy lần thì bả đổi số phone khác, đứt liên lạc.Tội nghiệp bà Lành phận bạc như vôi, suốt đời khổ, con ruột thì bỏ lại VN, ở với tôi vì tôi mà không có con, qua Mỹ lấy ông chồng già chết sớm, ở với con nuôi. Tôi cũng sẽ nhờ ông dò tìm ra bà Diễm và 2 đứa con tôi ở đâu, nghe nói bả qua Cali lấy chồng khác. Nếu 2 con tôi quan tâm săn sóc lo lắng cho tôi, tôi sẽ ở lại Mỹ, đâu có tiếc cái nhà bên VN làm chi. Bây giờ tôi chỉ biết giao hết cho Trời, cho ông quyết định. Ông đặt đâu tôi ngồi đó..

-Tôi chỉ sợ xin medicare mới cho ông, rồi ông lại trở chứng đòi về Vn nữa. Mà bên đó có bán bảo hiểm sức khoẻ mà, nghe ông nói bà Sương có mua bảo hiểm cho cả nhà rẽ lắm phải không?…Vậy nếu ông có nhập viện, họ sẽ “cover” hết phí tổn, đâu có lo chi...Tôi thấy ông về ở bên đó thoải mái hơn bên này, có vợ lo cơm nước, chở nhà thương, có Honda thồ chở đi chơi, láng giềng kính nể ông vì có tiền đô bên Mỹ gửi về….

Doãn ứa nước mắt:

-Thật ra bà Sương cũng mong tôi về Mỹ ở cho rảnh tay. Bả làm chủ cái nhà, có tiền có vàng dấu cất làm vốn, có tiền hưu y tá, lại chích thuốc, giữ trẻ, nuôi gà trồng rau ở vườn kiếm thêm lợi tức lai rai, đâu có cần tôi. Số phận mình như vậy thì phải chấp nhận,phải trả Nghiệp thôi. Nếu bà Diễm không xuống Nhatrang tìm tôi năm đó nối lại duyên xưa, nếu má tôi không bị stroke phải nhờ bà Sương bên đó săn sóc, khiến mang ơn nghĩa sâu nặng, thì giờ này tôi vẫn là người một vợ, sông hạnh phúc yên ổn với bà Lành và thằng Kiệt bên Garden Grove rồi, gần chỗ ông qua lại thăm viếng luôn, có phải là vui biêt bao nhiêu…

Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
05/05/201200:26:00
Khách
Thủa trời đất nỗi cơn gió bụi ...Tôi cho rằng câu chuyện của Anh Doãn là câu chuyện có thật .Bởi vì tôi cũng đả một lần bị ngộ nhận cái thứ tình cảm "dâng hiến vuốt ve"..kia khi tỉnh ngộ thì đả quá muộn nhưng tôi không có can trường như Anh Doãn để thử đi thử lại nhiều lần .Đến giờ khi nhớ tới những ngày đó....những ngày đầu của năm 90 khi có chương trình HO... tôi thấy buồn nôn .
04/05/201223:21:52
Khách
Anh Doãn ứa nước mắt thở dài ,phải chăng chỉ cần bao nhiêu đó cũng đả diễn tả hết cái "bi kịch" của một thời HO....HO...kẻ khóc người cười ...chỉ có mấy đệ nhị phu nhân HO....(vì mấy Anh tái hôn) là hỉ hả ...
04/05/201223:12:13
Khách
Tôi đọc câu chuyện trên và có một suy tư :"Chưa bao giờ phẫm hạnh của người con gái VN bị đánh giá thấp một cách thê thảm hơn" Bốn lần lấy vợ không có nghĩa đây là một chàng lãng tử đa tình.Chỉ là do số Anh Doãn nầy và rất nhiều Anh Doãn đả không có sự lựa chọn cho mình một người có thể cùng chia sẻ một tương lai nơi đất khách quê người để làm lại cuộc đời . Người ta không khỏi kinh tởm khi nhìn thấy những cảnh "chụp giựt...mua bán trơ trẽn "..của những gia đình có con gái với những Anh HO bại trận . Trên diễn đàn tôi thấy đôi khi có người viết lên những sự thật .."đáng nguyền rũa nầy"...những câu chuyện như của Anh Doãn quá nhiều ....Bây giờ nhiều Anh Doãn đang ứa nước mắt thở dài ....
04/05/201221:17:32
Khách
Trong câu chuyện nầy Anh Doãn đả có lần ứa nước mắt,có lần thở dài ,tựu trung không phải vì Anh quá tham lam trong 4 lần lấy vợ mà chỉ là Anh không có vận may .
04/05/201220:32:27
Khách
Vợ chồng đầu gối tay ấp khi vui khi buồn khi hoạn nạn có nhau mới mong còn chút tình chút nghĩa.Mấy chị Zợ ngang hông khi có chương trình HO thì xin lỗi đả cộng trừ nhân chia rồi,cho dù các cô nàng đả quá đát không chờ mấy thăng Hàn Quốc hay Đài Loan lột trần như nhộng sờ sờ mó mó để làm bà Việt Kiều,nay lại may mắn vớ được món bở chẵng khác chi "bắt được vàng" nhưng cái thời hoàn kim của các Anh HO cũng chóng nở tối tàn,Qua đến Mỷ rồi những mối tình hờ nầy như ngọn lữa rơm mà thôi.Không ít người đả thầm than thân trách phận. Chỉ có các Cô nàng giỏi tính toán thì ...tà tà bạc đãi người tình ...năm trăm...Anh nào giờ cũng bảy bó ...còn làm chi được nói chi cái chử tình tính tang ....
04/05/201219:40:06
Khách
Chuyện nầy đả đăng rồi giờ đăng lại đọc vẫn thấy hay.Trong bối cảnh "lịch sử" của nước nhà ,những người như Anh Doãn không hiếm .Bốn lần lấy vợ ,lần nào cũng có lí do để Anh làm lại cuộc đời.Không thể trách Anh tham lam vô trách nhiệm.Chỉ thấy bốn bà vợ của Anh Doãn thật đáng mặt đàn bà VN .Nói không dám vơ đủa cả nắm.Nhưng người nào cũng có "chiêu thức" của riêng mình.Chỉ có các đấng mày râu ngây thơ vô số tội thường vẫn bị vào tròng một cách ngu xuẫn ."Tiền mất tật mang" Tin vào những mối tình chấp vá trong thời HO là một bi kịch ...
trần quốc bàn
04/05/201209:07:53
Khách
Luật An sinh xã hội Mỹ không cho phép gửi tiền hưu ra 1 số nước ngoài nằm trong danh sách đen của Mỹ, trong đó có Vietnam, Cambuchia... nên khi biết được Doãn tháng 3/2013 còn ở VN, chỉ qua Mỹ lại đầu tháng 4, Sở An sinh đã quyết định HOLD lại lương tháng 3 vĩnh viễn, chỉ rót vô bank account mới của người đại diện Doãn lương tháng 4/2012 và các tháng sau đó. Muốn đuọc ở VN nhân tiền hưu,đương sụ phải liên lạc Toà đại sứ Mỹ ở VN, làm đơn xin, mất 6 tháng điều tra...nhưng mỗi tháng phải tới Tòa đại sứ trình diện nhận check.
Nếu lương thấp hơn lương SSI, sẽ đuọc cho thêm để bằng với SSI, được food stamps , disability benefits, medicare A&B, nếu qualified. Sau đó có thể xin housing và có người tới nhà săn sóc do chính phủ trả tiền.
14/05/201214:20:09
Khách
Hello Mọt sách,
Tử vi chỉ coi đuọc vận mệnh con người, còn đoán ai đuọc giải VB thì phải hỏi Ban giam khảo hay cô tác giả Thịnh Hương. Xin đọc bài "Cá dộ năm thứ 10" tôi viết (dưới bút hiệu khác) đăng VVNM online năm 2010 cho đỡ ghiền.
Chúc vui.
12/05/201218:42:59
Khách
Cái ông mọt sách này hỏi một câu thấy trớt quớt. Thì chắc tên thầy Chương nằm ở đầu danh sách chứ còn ai vô đây nữa. Truyện của ổng, thiên hạ đọc như tôm tươi. Tui cũng ghé mắt qua sơ sơ nhưng đọc hổng nổi. Nghe nói ổng còn làm thầy bói, nếu làm ổng mích lòng, ổng cho một quẻ là cả họ đi ăn mày!
10/05/201209:45:24
Khách
Hello thầy Chương,
Thầy rành tử vi, thử gieo một quẻ xem "võ lâm luận bút" năm nay, anh hùng hào kiệt nào sẽ có tên trên bảng phong thần đoạt giải VVNM.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến