Hôm nay,  

Good Bye Nancy

01/05/201200:00:00(Xem: 294761)

Thời hạn dành cho bài Viết Về Nước Mỹ hàng năm kết thúc ngày 30 tháng Tư, nhưng như mọi năm, số lượng bài đã góp trước ngày này vẫn chưa thể phổ biến hết. Do đó, từ hôm nay, Việt Báo tiếp tục phổ biến thêm những bài dành cho năm 2012. Ngày 1 tháng 5, tại nhiều nơi, cũng là Ngày Quốc Tế Lao Động, (riêng Lễ Lao Động tại Mỹ, Labor Day, năm nay sẽ là ngày Thứ Hai, 03-09-2012). Nhân dịp này, xin mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả Phạm Hồng Ân kể về những người lao động nặng nhọc tại Mỹ. Trước 1975, tác giả là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại My. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.

Tôi bị đưa xuống khu solder pot làm tạm thời, sau khi được hãng GR nhận vào theo hợp đồng với Strategies Agency. Solder Pot là một lò nấu chì, lúc nào cũng ở nhiệt độ nóng chảy sùng sục, dùng để tráng một lớp chì lên những mảnh kim loại bằng đồng, trước khi đưa mảnh kim loại này vào capacitor hàn thành các cực dẫn điện. Lớp chì tráng chỉ có mục đích làm các mảnh đồng dễ hàn với nhau mà thôi, ngoài ra nó chẳng có ích lợi chi hết.

Tôi gọi khu Solder Pot này là hầm chì, vì nó âm u và nóng bức suốt ngày chẳng khác nào một cái hầm thật sự. Đường vào hầm chì cũng ngột ngạt và đầy tiếng động ghê rợn như đường xuống địa ngục (chưa ai từng có kinh nghiệm xuống địa ngục bao giờ, chỉ nghe các bà già xưa, các nhà sư kể lại hồi còn thơ ấu như một truyện cổ tích).

Muốn vào hầm, tôi phải chui qua cửa của khu Impregnation lúc nào cũng rầm rập tiếng động cơ của hàng chục cỗ máy đang đua nhau chạy hết tốc lực. Thêm vào đó, còn có tiếng dũa cót két, tiếng hàn khò khè, tiếng dầu sôi òng ọc, tiếng đường ray khục khịt...Tất cả hoà lẫn vào nhau thành thứ âm thanh đinh tai nhức óc. Chắc chắn làm việc ở đây lâu dài, nếu không phát điên, cũng sẽ dễ trở thành một Robot lạnh lùng và kỳ dị. Tiếng động đã ghê rợn. Lại thêm mùi vị cũng ghê rợn không kém. Nào là mùi nồng nặc của dầu sôi, mùi khen khét của các dây điện chập lại, mùi rỉ sét của kim loại, mùi chua chua của acid, mùi hăng hắc của các chất tẩy, mùi tanh tanh của nước thải... Tất cả mùi trộn vào nhau, tạo thành thứ mùi ma quái, không tài nào diễn tả được.

Cái đồng hồ nhiệt kế chần vần treo trên thành tường ghi đúng 90 độ F, báo hiệu cho người ta biết đã đến lãnh vực hầm chì. Hai bồn nước khá sâu nằm dọc theo hầm. Một bồn pha với Baking Soda. Còn bồn kia pha với Alconox dùng để rửa lại các mảnh kim loại đã tráng chì còn đẫm acid dơ. Hầm chì nằm kế bên, nghênh ngang, bề thế, chiếm vị trí quan trọng. Nó được một ống thoát hơi to tổ bố chụp phía trên. Ống đâm dài tới tầng cao building, chọc thủng mái, vượt thẳng lên trời cao. Hơi chì được hút lên ống thoát và đưa ra bên ngoài bởi một hệ thống quạt gọi là exhaust fan. Xung quanh hầm chì, vật nào làm bằng kim loại đều bị sét ăn từng mảng. Chẳng hạn : ống thoát, bồn nước, ống dẫn air, ống dẫn gas...tất cả không thoát khỏi tình trạng xấu số đó. Hơi acid quá độc! Nó ăn mòn kim loại và để lại những dấu tích nhớp nhúa khó phai mờ.

Tôi gặp Vĩnh ngay tại hầm chì. Anh là đồng nghiệp với tôi từ hãng cũ và là người đã đốc thúc và tạo điều kiện cho tôi vào làm hãng này, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp ở Cali vọt đến đỉnh cao nhất. Gặp tôi, Vĩnh vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên:

- Tôi tưởng anh sẽ vào làm ở khu electronic chứ? Sao lại vào đây? Anh có bằng điện tử kia mà! Trên đó phòng ốc khang trang, có máy điều hòa mát mẻ. Ở đây, cực lắm. Nực nội và ồn ào suốt ngày.

Tôi lắc đầu quầy quậy:

- Người ta chỉ đâu thì làm đó thôi! Thời buổi này mình cần job chứ job đâu có cần mình?

- Chờ chút. Anh sẽ gặp bà già. Bả là xếp ở đây. Có trên 50 năm kinh nghiệm về nghề này. Năm nay, bả đã trên 70 tuổi, vẫn chưa chịu về hưu.

Tôi le lưỡi, tỏ vẻ sợ sệt:

- Tôi có nghe phong thanh mấy bạn Việt Nam ở bên khu kia rỉ tai rồi. Bà này từng đuổi hàng chục người. Khó như mụ phù thủy!

Vĩnh xua tay, trấn an:

- Khó hay không tùy người đối diện. Tôi nghĩ, với cách làm việc cần mẫn của anh, bả sẽ khoái lắm đó!

Lúc này, một bà già Mỹ đi vào. Thấy tôi, bà chẳng màng để ý, thong dong đi thẳng lại chỗ làm việc. Vĩnh khều tôi đến bên bà.

- Đây là An, mới vào, làm chung Solder Pot với chúng ta.

Bà già vẫn thản nhiên, cặp kính lão cứ lướt vào những tấm blueprint trên bàn.

- Biết rồi. Cho anh ta rửa "can" và thay nước các bồn.

"Can" là vỏ kim loại hình ống, ruột rỗng. Đầu tiên, bà già (hay Vĩnh) có nhiệm vụ dùng bushing hàn kín một đầu "can" để làm cực dẫn điện cho capacitor. Thay nước bồn và rửa "can" (tức là rửa nắp bushing đã hàn) còn cực gấp chục lần công việc rửa chén dĩa ở nhà hàng. Suốt ngày, hai tay luôn thọc vào bồn baking soda và alconox để chùi sạch chất dơ của acid nằm đen thui trên các đường hàn bên ngoài và bên trong "can". Làm được vài tuần, mười đầu ngón tay tôi bắt đầu tê cứng và sưng lên một cách kỳ cục. Đau quá, tôi không thể dùng giấy Kimwipes lau khô "can" bằng tay được, nên phải dùng air để xịt cho "can" khô, mới có thể đưa vào máy helium để leaktest. Đang cần cù làm việc, bỗng có tiếng quát lên ầm ĩ:

- Stop! Stop ngay! Dẹp cái vòi xịt chết bầm đó đi. Tôi đang nhức đầu đây! Tôi không muốn nghe thêm bất cứ một tiếng động nào nữa hết. Tại sao không lau bằng tay, không dùng Kimwipes?

Tôi hoảng hốt ngừng air và dùng đôi bàn tay đã tê cứng, đau đớn chùi từng chiếc "can" loang đầy dấu bẩn.

Mỗi ngày, nhìn bộ mặt phù thủy của bà già, tôi muốn bỏ cuộc về nhà giữ bầy cháu nội chắc ăn hơn. Nhưng nghĩ mình còn là rường cột trong gia đình, nên đành nuốt lệ chấp nhận thương đau. Tôi nhớ đến những trận đòn huấn nhục từ thời mới bước chân vào lính, và những nhục nhã đắng cay trong suốt bảy năm tù ở các trại "cải tạo" việt cộng... Ngày đó, nhân phẩm của mình bị hạ xuống thấp nhất, đồng hóa như loài súc vật...thế mà mình còn chịu đựng được kia mà! Mình đã từng làm chó gặm xương trong phòng ăn các đàn anh niên trưởng thời học quân trường, đã từng nhai bắp nhai khoai để có sức lao động "hộc xì dầu" trong rừng sâu núi thẳm, dưới bàn tay bóc lột của chủ nghĩa cộng sản...thì dưới sự huấn nhục nhỏ nhoi (coi như là huấn nhục đi) của bà già phù thủy này... nào có xá chi, có hề chi!!! Tôi gợi lại hình ảnh cũ để làm nguồn an ủi cho tôi tiếp tục chiến đấu với miếng cơm manh áo.

Vài tuần sau, có một anh chàng người Phi tên là Victor được một agency khác giới thiệu vào Hãng. Victor cũng lại bị đưa xuống Solder Pot. Hắn làm thay công việc của tôi, trong khi bà già và Vĩnh thay phiên nhau training tôi solder các "can". Ba ngày trôi qua, bà già tỏ vẻ thất vọng trước thái độ làm việc của Victor. Dưới bàn tay của Victor, các bồn nước lúc nào cũng đầy chất bẩn, các "can" sau khi chùi sạch vẫn còn vương vãi vài dấu đen của chất dơ. Hắn cũng không buồn thu xếp dụng cụ và làm vệ sinh sạch sẽ trước khi ra về. Vài ngày nữa, Victor vẫn chứng nào tật nấy, bà già quát tháo lên và đùng đùng đuổi việc.

Lúc này, mỗi buổi sáng gặp tôi, bà đều lên tiếng "Good morning Mr. An", và vỗ vai tôi thân mật "How are you doing?". Lúc này, đối diện với bà, nghe tiếng nói nhỏ nhẹ và nhã nhặn của bà, trong lòng tôi bỗng rộn lên một niềm vui, một nỗi ấm áp khó tả.

Chỉ không đầy hai tháng, bà già phù thủy khó khăn bỗng dưng biến thành bà già nhân hậu hiền lành.

- An nên đọc work instruction trước khi bắt tay vào làm bất cứ một job nào. Work instruction đều có file number của nó. Một lát tôi sẽ dẫn An đến phòng lưu trữ và chỉ cho An biết cách tìm một work instruction.

Tôi nhìn bà với ánh mắt long lanh xúc động và khẽ nói câu "thank you" chân thật nhất. Từ ngày xuống hầm chì làm việc, đến nay đã gần tròn hai tháng rồi, lần đầu bà mới đứng gần tôi, mới trò chuyện thân mật với tôi. Trên ngực bà, tấm thẻ hãng lóng lánh một cách oanh liệt, thầm nói lên sự dày dạn kinh nghiệm của bà đã trải qua ở đây. Tên bà là Nancy.Và bức hình thời con gái kế bên, vẫn được bà gìn giữ cho đến ngày hôm nay.


- Tấm hình đẹp quá! Nancy chụp từ lúc nào vậy?

Nancy chợt cười lớn. Bà cười át cả tiếng máy, như toại lòng như mãn nguyện, vì có người đã hiểu tâm ý bà, cố tình khơi đúng lại quá khứ vàng son mà thời gian đã chôn vùi hơn mấy chục năm qua.

- Tấm hình này tôi chụp hồi năm 20 tuổi, lúc mới bước chân vào hãng này. Bây giờ, già rồi. Muốn giữ nó như giữ kỷ niệm.

Thấy Nancy vui miệng, tôi có dịp hỏi luôn:

- Nancy chưa retire sao? Chừng nào mới tới tuổi đó?

- Tôi đã retire gần mười năm nay rồi. Nhưng hãng trưng dụng lại, nên tiếp tục làm. Hy vọng sang năm, Vĩnh vững vàng, tôi trao lại tất cả cho hắn.

Tôi trố mắt ngó Nancy. Bà có sức khỏe lạ thường. Trên 70, nhưng vẫn ngồi kiên nhẫn hàn những vật tỉ mỉ mỗi ngày tám tiếng. Với bà, hình như không có sự nghỉ ngơi, giờ break hay giờ lunch, bà ăn uống qua loa, rồi vào chỗ làm việc đem sách ra đọc. Bà thích đọc sách, thích sưu tầm và tìm hiểu những khám phá mới lạ của các dân tộc khác.

Một hôm, Nancy cầm cuốn National Geographic đến khoe tôi.

- Xem này! Một đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh vừa phát hiện hàng chục hang động khổng lồ ở miền bắc Việt Nam.

Nancy chỉ cho tôi xem những tấm ảnh chụp về hang động mới được khám phá và bài viết về đoàn thám hiểm tài ba đó. Một trong những hang động lớn nhất này có tên là Sơn Động rộng 200m, cao trên150m, chiều dài ít nhất trên 6,5km. Hang động chứa rất nhiều thạch nhũ rất đẹp, có chỗ chứa cả một rừng nguyên sinh trong đó. Hang động mới chỉ cách động Phong Nha vài trăm mét, vậy mà "nhà nước ta" gần 70 năm theo chủ nghĩa cộng sản vẫn mù tịt về địa dư, phải để đoàn thám hiểm từ nước Anh qua phát hiện và khai thông?

Ngày lại ngày qua, công việc hàn bushing vào đầu "can" của tôi phát triển tốt đẹp. Tất cả các unit khi đưa qua máy helium đều đạt kết quả mỹ mãn. Dấu hàn tròn trịa, sáng, đẹp, không hề bị sharp point. Kinh nghiệm Nancy cộng với kinh nghiệm của Vĩnh đã tích lũy trong tôi bài học quý báu. Nhìn thành tựu của tôi, Nancy mừng quá, bà vội chạy lên Supervisor báo cáo kết quả. Và hình như muốn đền bù lại lỗi lầm mà ngày đầu tiên bà đối xử lạnh nhạt với tôi, bà lặng lẽ đến bên tôi dịu dàng:

- An cứ tiếp tục hàn bushing đi. Đừng bận tâm đến việc rửa "can". Tôi sẽ lo cho.

Thật tình, tôi không an lòng, khi thấy Nancy khom lưng bên hai bồn nước hóa chất, kỳ cọ từng cái "can" một cách nặng nhọc. Nancy lớn tuổi rồi. Dáng bà đã chậm chạp, khi đi, lê từng bước một. Tay bà đã run run, lúc cầm mỏ hàn dí vào những chỗ hẹp trên capacitor. Lòng thương người trong tôi chợt bùng dậy, tôi vội chạy đến bồn nước, giựt lấy chiếc "can" trong tay Nancy.

- Tôi vừa hàn bushing vừa rửa "can" được rồi. Nancy đừng bận tâm đến điều này nha!

Nancy chưng hửng, rồi như chợt hiểu ra, bà vụt cười lên ha hả. Tôi biết, nụ cười đó là nụ cười mãn nguyện, vì tấm lòng chân thật của bà đã được tôi đáp lại bằng tình cảm trân trọng - một tình cảm biết ơn của người học trò đối với vị thầy đáng kính của mình.

Mùa đông sắp đến. Hãng sẽ nghỉ lễ liên miên, bắt đầu từ ngày lễ Tạ Ơn, rồi Giáng Sinh... kéo dài đến tết dương lịch năm sau. Những ngày nghỉ như vậy, tôi không được hưởng lương vì chưa là nhân viên chính thức của hãng. Vĩnh bàn với Nancy nên lên văn phòng trình điều này với supervisor. Nancy đồng ý ngay.

- An xứng đáng được hưởng lương những ngày lễ chứ! An đã làm overtime quá nhiều, lại hoàn thành công việc quá tốt. Chờ tôi! Tôi sẽ đưa ý kiến với ban lãnh đạo.

Nancy nhanh nhẹn, vội vã quay lưng. Dù có nhanh nhẹn cách mấy, tôi vẫn thấy dáng bà còng xuống, chân lê đi từng bước một. Cảm động quá, tôi cầm tay Vĩnh, im lặng giây lát.

- Tội nghiệp Nancy. Năm nay bà lụm cụm nhiều. Chẳng biết sang năm, bà còn đủ sức khỏe để làm việc với chúng mình nữa không?

Tôi vừa khỏa electro tab vào phía trong của "can" chưa đầy 1/3 unit thì Nancy đã trở về với một số giấy tờ trên tay. Bà xà xuống bên tôi với giọng cười ha hả, sung sướng một cách trọn vẹn.

- Kể từ nay An được hưởng quyền lợi giống như mọi nhân viên ở đây. Nghĩa là các ngày lễ hãng sẽ trả lương đàng hoàng cho An. Và ...thêm một tin vui nữa, phòng nhân viên vừa báo cho tôi biết, An sắp sửa vào chính thức. Họ đang làm giấy tờ để An dự một buổi orientation ở Lajolla.

Nghe xong, tôi mừng quính, chân thành nhìn Nancy, nhìn Vĩnh... rồi ngỏ lời biết ơn vô vàn. Nancy khoát tay:

- Còn một điều nữa... tôi quên. Đây là giấy order để An cầm đến địa chỉ nhãn khoa này làm một cặp kính an toàn. Người ta sẽ đo độ mắt và làm kính phù hợp với tầm nhìn của An. Cặp kính an toàn này trị giá khoảng 500 đô la. Hãng trả tiền cho An đấy!

Mùa lễ Tạ Ơn đến. Hơn mười tám năm ở Mỹ, năm nào cũng vậy, ngoài dịp tạ ơn Trời, tạ ơn đời, tôi còn tạ ơn những ân nhân đã giúp đỡ mình trong suốt thời gian sống nơi xứ người. Năm nay, phần quà cho người ơn có thêm Nancy, thêm Vĩnh. Tôi lựa một món đẹp và có ý nghĩa nhất để tặng Nancy. Khi trao quà, bà đưa hai bàn tay run run ra đón nhận và chân thật cám ơn bằng giọng nói sụt sùi cảm động. Lúc đó, nhìn khuôn mặt hiền từ của bà, tôi bỗng hối hận về những phán đoán nông cạn của mình ngày trước.

Rồi mùa Giáng Sinh cũng đến. Hãng tổ chức cho nhân viên tặng quà với nhau. Nancy khệ nệ mang phần quà to lớn tặng Vĩnh. Phần tôi, bà trao cho phong thư màu đỏ, chỉ đơn giản như tấm thiệp chúc Giáng Sinh bình thường. Tôi mặc cảm, lủi vào góc tối, âm thầm mân mê phong thư. Nhưng khi mở ra, mới hay đó là một gift card có giá trị gấp ba lần món quà tôi tặng bà trong mùa lễ Tạ Ơn.

Giữa lúc tình nghĩa đồng nghiệp của chúng tôi đang đậm đà, giữa lúc chúng tôi đang xan xẻ cho nhau những kinh nghiệm quí báu, giữa lúc chúng tôi giúp đỡ cho nhau để hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và tốt đẹp... thì một hôm Nancy buồn bã thu dọn dụng cụ, lau dẹp sạch sẽ chỗ làm việc, rồi đến bên Vĩnh ngậm ngùi.

- Hôm nay là ngày cuối tôi làm việc ở đây. Ngày mai tôi thật sự retire. Tất cả đồ nghề, xin để lại cho Vĩnh. Hãy quán xuyến và lo toan mọi công việc ở đây. Chúc may mắn.

Vĩnh và tôi đều trố mắt ngạc nhiên. Cuộc chia tay quá bất ngờ, không có dấu hiệu nào báo trước.

- Hả? Hôm nay là ngày cuối? Vội vàng đến như vậy ư? Làm sao chúng tôi chuẩn bị kịp một bữa tiệc để tiễn đưa Nancy?

- Đừng bận tâm! Có dịp, tôi sẽ đến thăm các anh.

Nói xong, Nancy lần lượt ôm hôn từng người. Sau đó, bà quay lưng, lặng lẽ lê từng bước một rời khỏi khu vực Solder Pot. Tôi và Vĩnh đứng âm thầm nhìn từng cử chỉ của bà. Rồi, hình như có một nỗi buồn nào đó đang bắt đầu len vào tâm tư mỗi đứa.

Capacitor (CAP) là một thành phần trữ điện, tích tụ điện năng cho một hệ thống nào đó. Hãng tôi sản xuất CAP có công suất rất lớn. Mỗi cục CAP (CAP pad) lớn bằng cục gạch tiểu ở Việt Nam. Mỗi unit CAP gồm nhiều pad nối lại (song song hoặc nối tiếp). Rất nhiều unit CAP có cả hàng trăm pad ghép vào nhau. Unit CAP sau khi hoàn thành, sau khi được test một cách cẩn thận, nó sẽ được cung cấp cho phi cơ, tàu thủy, xe tăng... Nếu Unit CAP được nối với nhau thành hệ thống điện năng lớn thì nó sẽ trở thành "electromagnetic aircraft launch system" dùng để phóng thẳng máy bay lên cao, trong trường hợp máy bay không có phi đạo hoặc máy bay trên hàng không mẫu hạm có phi đạo ngắn.

Bất cứ một phát minh nào, ngoài các nhà bác học, tiến sĩ, kỹ sư ra...còn có một lớp nhân công làm nghề "dirty job". Lớp nhân công này đã làm việc bất kể ngày đêm, xả thân, vượt qua cực khổ gian nan, cống hiến mọi kinh nghiệm bản thân để đưa phát minh này tiến tới chỗ thành công cụ thể. Nước Mỹ càng văn minh, càng có nhiều tiện nghi thì càng có nhiều nhân công loại này. Chúng ta là người hưởng thụ, xin đừng bao giờ quên họ.

PHẠM HỒNG ÂN

Ý kiến bạn đọc
07/05/201203:08:29
Khách
Bài viết hay. Xin cám ơn tác giả. Câu cuối cùng dạy đời hơi bị sai. Nói vậy cả nước Mỹ sài đồ China là phải cám ơn tụi Chinese hết sao?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,336,978
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo