Hôm nay,  

Bên Hồ Mile Square Park

24/04/201200:00:00(Xem: 263663)
Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60', cựu sĩ quan hải quân, cư dân Glendale, CA. Ông tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận giải và hiện là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" của Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài mới góp vui của ông.

Triệu nói:

-Cuối cùng chúng tôi cũng sum họp với nhau tại Mỹ, nhưng trong hoàn cảnh oái oăm. Tôi sắp kể đầu đuôi câu chuyện cho anh nghe đây. Chắc anh biết tôi kể rất thật, vì chính anh cũng là một nhân vật trong câu chuyện”

Theo tôi, chuyện Triệu kể rất hấp dẫn và trung thực, nên tôi không thể không viết ra đây.

. . .

Sáng 28 tháng 4 năm 1975 tôi vào trong hậu cứ giang đoàn, đến văn phòng chỉ huy trưởng. Trong hậu cứ chỉ còn vài quân nhân đang tụ tập trước hiên. Họ thì thầm chuyện trò, nét mặt ai cũng lo âu, buồn bã. Thủy thủ nhất Tường vào hỏi tôi:

-Thiếu úy cần gì em không?

Tôi chưa kịp trả lời thì Tường đã ra ngoài. Anh ta thấy không cần thiết phải hỏi thêm. Có lẽ ai cũng cho rằng cái văn phòng này rồi cũng không còn.
Tôi vào đây làm giấy chứng nhận giả mạo tôi là hạ sĩ quan để đi đường. Tôi nghe những người từ miền trung di tản vào nói hạ sĩ quan không bị bắt đi học tập cải tạo.

Ngay cả lúc dầu sôi lửa bỏng như hôm đó, nhưng khi còn được gọi là thiếu úy, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi làm giấy tờ giả. Nhưng nghĩ đến sự an toàn của tôi và Quỳnh, tôi bình tâm trở lại.

Hôm sau tôi đến nhà Quỳnh. Cô ấy đang thu dọn gì đó trong phòng. Bên giường có một cái túi xách lớn. Tôi nói nhanh:

-Em muốn đi với anh không?

-Đi đâu anh?

-Về quê anh rồi tính sau.

-Bộ Triệu nói vậy là không còn hy vọng gì sao.

-Chắc không còn.

-Ba cũng nói vậy, nhưng em mong gặp anh để anh nói khác đi. Vậy mà...

Tôi nói qua chuyện khác:

-Ba má đâu rồi?

-Về quê rồi.

-Ba má co ngăn cản...

-Không. Ba nói anh là hải quân. Anh có thể đem em ra biển. Ba nghe đài BBC nói có nhiều tàu ngoại quốc đang chờ người thoát ra biển.

Tôi ậm ừ cho có lệ rồi cùng cô ấy gọi xe lôi đi nhanh ra bến phà, nơi có nhiều xe đò đang sắp hàng.

Xế chiều xe đến Sài Gòn. Quỳnh và tôi đến nhà người anh họ ở Chợ Lớn xin ngủ nhờ. Bà chị dâu nhận lời một cách miễn cưỡng. Nhà rộng, có nhiều phòng, nhưng chị ấy lại bảo chúng tôi ngủ ở phòng khách. Chị sợ chúng tôi “ngủ chung” trong nhà chị, xui xẻo (?). Đó là thói mê tín của một số gia đình Việt Nam. Tôi biết ý nằm trên sàn nhà, bảo Quỳnh nằm trên cái ghế sa-lông cách xa chỗ tôi. Quỳnh ôm cái gối nằm nghiêng, miệng hơi mỉm cười, mắt mở to nhìn tôi như ngạc nhiên, trông Quỳnh vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Chúng tôi nằm “nhìn nhau” gần như suốt cả đêm, chẳng ngủ nghê được gì. Cả những đêm tiếp theo cũng vậy. Sáng nào thức dậy tôi cũng pha trò:

-Dù gì em cũng không “thoát” được anh đâu.

Sau này thỉnh thoảng Quỳnh cũng nói đùa như vậy. Chúng tôi trở nên dạn dĩ với nhau hơn.

Hôm sau, 30 tháng tư, một mình tôi lang thang trong khu Chợ Lớn. Có khá đông người tụ tập ở

đây. Có vài người còn mang cả băng đỏ trên cánh tay giống như người của "cách mạng". Đến một tiệm ăn bình dân tôi ngạc nhiên thấy ông Chinh, Trung úy Cảnh sát Quốc gia, cũng mang một cái băng đỏ trên cánh tay. Ông ta đưa cho tôi một cái băng đỏ:

-Thôi, đi chỗ khác đi. Tụi mình không nên đi chung.

Tôi bỏ cái băng đỏ trong túi, đi ra khỏi tiệm ăn.

Ngày 2 tháng 5 tôi và Quỳnh mua vé xe đò đi Đà Nẵng.Nửa đêm xe mới đến vùng ngoại ô Phan Rang.Mọi người ăn uống xong, nằm trên những bãi cỏ ven đường ngủ. Tôi lấy tấm mền mỏng trùm cả tôi và Quỳnh lại, rồi thiếp đi vì mệt.Khoảng 3 giờ sáng tôi chợt thức dậy, trí óc mơ hồ trong vài giây, không tin Quỳnh đang nằm bên tôi.Tôi nghĩ đến gia đình Quỳnh.Ba má cô ấy rất nệ cổ.Giáo dục gia đình ảnh hưởng Quỳnh rất nhiều.Có lần tôi tặng Quỳnh một cái quần tây, có phẹc-ma-tuya ở giữa, cô ấy đem đi sửa lại cho cái phẹc-ma-tuya ở một bên. Được một cái tánh Quỳnh rất vui vẻ, lắm lúc nghịch ngợm như trẻ con.

Tôi quay người qua nhìn Quỳnh.Nửa mặt phía trên cô che khuất trong mớ tóc xõa.Trời nóng, Quỳnh chỉ mặc phong phanh một chiếc áo mỏng, mấy cái nút áo phía trên bị sút ra, phơi bày cả bộ ngực.Đêm đó không trăng nhưng những vì sao rất sáng trên bầu trời trong vắt cũng đủ làm tôi nhìn thấy phần thân thể đẹp nhất của Quỳnh mà trước đó tôi chưa hề nhìn thấy.Cầm lòng không đậu tôi ôm lấy cô.Với phản ứng tự nhiên của cô gái 18 tuổi, Quỳnh xô tôi ra nhưng rồi lại ôm lấy tôi.Cô run lên và hơi thở dồn dập.Tôi thì thầm vào tai Quỳnh:

-Ở đây gần nhiều người quá. Mình đi ra chỗ lùm cây đó, được không em?

-Kỳ lắm anh ơi.Để thong thả.Về Đà Nẵng cũng được mà.

-Hình như em cũng thích mà.Sao lúc nào em cũng dè dặt,giữ gìn vậy.Cũng tùy hoàn cảnh chứ!

Quỳnh ngần ngừ một lát rồi đứng dậy theo tôi. Cô không quên mang theo cái khăn màu trắng. Tôi nói:

-Anh có mang khăn rồi.

-Kệ em-Cô bẽn lẽn nói nhỏ.

Ngay lúc đó có tiếng người tài xế:

-Đi sớm cho mát, bà con ơi!

Vậy là tất cả lên xe.

Tôi lọt qua trên 10 trạm kiểm soát của "cách mạng" với cái giấy chứng nhận trung sĩ. Đến trạm kiểm soát Sơn Tịnh, sau khi xuất trình giấy, tôi bị đưa vào ngôi nhà ở bên kia đường. Thì ra ở địa phương này trung sĩ trở lên đều phải đi "học tập".

-Cho tôi theo chồng tôi học tập được không?-Quỳnh hỏi

-Không. Cách mạng không có chánh sách cho vợ ngụy quân, ngụy quyền tập trung học tập cải tạo, chỉ học ở địa phương.

-Ủa, học tập cải tạo hả? Như vậy chắc lâu-Quỳnh nói như mếu.

-Không, chỉ một tuần thôi.

Quỳnh dầm dề nước mắt bước lên xe. Cô ấy không nhìn tôi. Hình như cô ấy không đủ can đảm nhìn.

Sau nửa ngày đường đi bộ với ba lô hay túi xách và những bao gạo mới được giao cho, phía sau là những người kè kè súng AK trong tay, tôi và vài chục "ngụy quân” đến một cái trại, trên cổng có ghi bốn chữ in lớn: "TRẠI TÙ TÀN BINH". Nhìn bốn chữ này, tôi đau nhói trong tim nhưng sau này thấy ghi như vậy trung thực hơn là ghi "Trại Cải Tạo". Chữ "Tù" trông hiền hơn hai chữ "Cải Tạo".Tôi ngạc nhiên thấy ông Tùng, chỉ huy trưởng của tôi, đang giữ trâu. Ông đang dắt một con trâu đi ăn cỏ. Rõ ràng ông ấy cũng thấy tôi nhưng lại nhìn đi nơi khác. Tôi cũng vội nhìn qua bên phải, làm như không thấy ông. Sau này tôi được biết ông ấy cũng như tôi, đã làm giấy chứng nhận giả để qua mặt các trạm gác, nên cả hai đều sợ người này tiết lộ lý lịch của người kia cho "cách mạng". Nhưng cuối cùng, khi chuyển qua Trại 2 Tổng trại 3, chúng tôi đều khai cấp bậc thật vì thấy có nhiều người quen ở đây, họ có thể vô tình khai về chúng tôi trong bản kiểm điểm. Rất may, “Cách mạng” không để ý đến lời khai cũ. Có thể hồ sơ bị thất lạc khi chuyển trại. Cũng có thể “Cách mạng” còn bận rộn nhiều việc khác như chuẩn bị đối phó với Campuchia, lo vơ vét, thì giờ đâu “lo” cho chúng tôi. Chúng tôi như những con hùm con beo bị bẫy, con nào bị làm thịt hay lột da không có gì quan trọng lắm đối với “Cách mạng”. Điều cần thiết là nhốt.


Quỳnh ra Đà Nẵng ở lại nhà ba má tôi. Quỳnh theo cô tôi buôn bán đủ thứ hàng hóa. Quỳnh đợi tôi không phải chỉ một tuần mà là ...8 năm. Trong 8 năm Quỳnh vào Cần Thơ thăm gia đình chừng 8, 9 lần và thăm tôi vài tháng một lần. Mỗi lần được tin cô ấy vào Cần Thơ, tôi rất sợ. Tôi sợ cô ấy không bao giờ trở ra Đà Nẵng nữa. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn năm mơ thấy tôi ở tù và sợ Quỳnh không ra Đà Nẵng.

Một lần được Quỳnh lên thăm là một lần sung sướng nhất trong đời. Cô ấy nói đủ thứ chuyện. Hồi tôi còn được bộ đội quản lý, tương đối khá tự do. Chúng tôi ngồi bên nhau, thì thầm vào tai nhau, không sợ bị nghe ngóng. Có lần cô ấy nói:

-Tối đa chỉ một năm nữa anh về.

-Đôi lúc anh nghĩ là chúng ta sẽ không...

-Không gì?

-Không...không...bao giờ sẽ là ...vợ chồng của nhau.

Quỳnh khóc:

-Triệu đừng nói xui xẻo. Trung uý, đại úy, có khi thiếu tá, trung tá cũng về rồi. Anh là thiếu úy mà.

Rồi để cho không khí bớt buồn bã, Quỳnh cười nói:

-Triệu không "thoát" được tay em đâu!

-Anh cũng mong như vậy. À, em nhớ giữ…cái khăn trắng cho anh nghe!

-Giữ cho anh, chớ giữ cho ai.

Nhưng rồi...

Sau 8 năm tôi bặt tin Quỳnh. Mẹ tôi thay cô ấy thăm nuôi tôi 2 tháng một lần, rồi 3 tháng một lần, rồi một năm một lần. Tôi hỏi thăm tin tức Quỳnh thì mẹ tôi nói:

-Thời buổi khó khăn, con. Thông cảm!

Tôi nghe vậy, không muốn hỏi thêm nữa.

Năm 1984 tôi ra khỏi trại. Tôi về sau ông Tùng một năm. Tôi đã khai thật trong bản kiểm điểm, tức bản án, tôi là sĩ quan chiến tranh chính trị kiêm an ninh; trong khi ông Tùng khai ông là Giang đoàn trưởng, có nhiệm vụ chỉ huy tàu nhỏ hộ tống ghe thuyền trên sông. Vậy mà khi tôi trình diện công an phường, Trưởng công an khu vực nói:

-Nếu anh đã khai báo thành thật, thì trên cơ sở đó anh đã về rất sớm rồi, có khi chỉ một tuần.

Ngoài gia đình, người tôi gặp đầu tiên sau khi được phóng thích là chị Sáu. Chị là vợ viên Cảnh sát Quốc gia bị đặc công ám sát năm 1972. Chị đãi tôi uống cà phê. Vừa ngồi vào bàn tôi hỏi ngay:

-Có biết chi về Quỳnh không chị?

-À, à...Cái cô Quỳnh Cần Thơ hả? À, à...Như vậy là được rồi.

-"Được rồi" là sao?

-À, à...Như vậy cũng khá rồi.

Sau đó tôi không hề hỏi ai về Quỳnh nữa. "Như vậy là được rồi". Thỉnh thoảng tôi lẩm bẩm câu này trong miệng như người dở hơi.

Năm 1987 tình cờ tôi gặp ông Tùng trên một chuyến tàu lửa. Ông ấy cùng vợ đi buôn thuốc Tây lậu. Ông đãi tôi một dĩa cơm thịt bò xào trong toa bán đồ ăn. Sau câu chuyện về những người đã may mắn thoát qua Mỹ, ông nói về vợ ông:

-Bà ấy rành thuốc Tây lắm, tên thuốc rắc rối mấy cũng nhớ. Cứ như là dược sĩ. Tôi thì chịu thua. Tôi chỉ đi theo để cất dấu hàng cho bà ấy. “Chức năng” này của bà ấy kém tôi xa. Tôi biết cách dấu…

-Chị ấy đẹp người đẹp nết. Đợi Chỉ huy trưởng đến 8 năm.

-Thôi, gọi bằng anh được rồi-Ông lấm lét nhìn quanh-Cô Quỳnh sao rồi?

-Từ 1983 đến nay em không nghe tin.

-Ồ, mới đây thôi hả? Như thế cũng tốt rồi.

"Như thế cũng tốt rồi", "Như vậy là được". Tôi áp dụng “triết lý” của ông Tùng và chị Sáu mà tôi gọi đùa là "Thuyết tương đối" từ ngày đó đến nay. Tôi cảm thấy mình thanh thản trong mọi sự, nhất là khi gặp những bất hạnh. Tôi nghĩ mình như vậy cũng may mắn rồi. Có người còn bất hạnh hơn tôi nữa. "Như vậy là được rồi".

Giữa năm 1990 tôi qua Mỹ theo chương trình HO. Lúc ấy tôi vừa 36 tuổi. Tôi chỉ đi một mình. Có nhiều bà, nhiều cô muốn kết hôn với tôi để đi Mỹ, nhưng tôi lắc đầu. Thậm chí có nhiều bà khá giàu, nói huỵch tẹt là muốn "mua" tôi để làm chiếc cầu đi qua Mỹ, nhưng tôi cũng từ chối. Tôi chẳng bao giờ quên được Quỳnh. Tôi chẳng bao giờ quên được cái đêm cuối tháng ba âm lịch không trăng và có những vì sao rất sáng. Tôi đâm ra hận người tài xế. "Đi sớm cho mát, bà con ơi!" Nếu anh ta không nói vậy, biết đâu...

Năm 2005 tôi biết tin Quỳnh qua bà Tùng. Bà ấy nói gia đình Quỳnh được bà chị ruột của Quỳnh bảo lãnh qua Mỹ. Cả gia đình sắp rời Việt Nam. Bà cho tôi số điện thoại của Quỳnh. Tôi mừng quá, định gọi ngay cho cô ấy nhưng lúc đó là buổi trưa ở Cali, tức khoảng 3 giờ sáng Việt Nam, không tiện gọi. Theo lời bà Tùng, Quỳnh lấy chồng năm 1983. Hai vợ chồng Quỳnh rất hiếm muộn. Bác sĩ nói lỗi về phía người chồng. Khi Quỳnh ngoài 40 tuổi cô quyết định phải có con. Tinh dịch được bơm vào..., Quỳnh mới có thể thụ thai. Cháu gái ra đời năm 2001. Dù đang theo “Thuyết tương đối” của chị Sáu và ông Tùng nhưng tôi vẫn thấy đau nhói trong tim như trước đây thấy bốn chữ “Trại Tù Tàn Binh”. Tôi nghĩ đến cái khăn trắng của Quỳnh.

Khoảng 4 tiếng đồng hồ sau tôi gọi Quỳnh. Rất may, tôi gặp ngay cô ấy ở đầu dây bên kia. Không đắn đo suy nghĩ, tôi nói một mạch, thẳng thừng:
-Tại sao em không cho anh biết em bỏ anh?

-Em có gởi thư.

-Anh không nhận được.

-Em không thấy anh trả lời. Em nghĩ anh rất hận em. Em không đủ can đảm gởi tiếp. Em cũng không dám lên thăm. Lên mà thông báo cho anh em đi lấy chồng thì...

-Tại sao em không đợi anh thêm. Chỉ 1 năm nữa thôi.

Tôi thấy mình vô lý. Tôi chỉ muốn bật khóc. Tôi nghe đầu dây bên kia có tiếng nức nở của Quỳnh:

-Họ nói anh khó về sớm được. Anh không học tập tốt, không khai báo thành thật. Em đau lòng lắm nhưng biết làm sao. Hoàn cảnh em lại quá khó khăn.

Tôi nói:

-Em có biết khi nghe tin, anh hận lắm không? Hận cái đêm...không trăng... năm 1975.

-Anh cũng còn nhớ hả? Em cũng hận.

Tôi nghe Quỳnh nói vậy, thấy ấm áp trong lòng. Tôi nghĩ cô ấy đã không có hạnh phúc khi lập gia đình. Tôi mong như vậy. Tôi ích kỷ. Từ đây chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau. Riêng tôi, dường như quên hẳn Quỳnh đã có chồng con. Còn Quỳnh, khi nói chuyện với tôi, cô ấy hay tránh đề cập đến chồng con, chỉ khi cần thiết lắm mới nói.

-Chừng 10 ngày nữa em sẽ rời Việt Nam-Quỳnh nói như là chỉ mình cô ấy rời Việt Nam.

Quỳnh nói vậy nhưng hơn nửa tháng sau vẫn chưa lên đường. Tôi sốt ruột hỏi tại sao. Quỳnh không trả lời mà hỏi:

-Theo anh, em có nên qua Mỹ không khi em đã lớn tuổi rồi. Năm nay em 48.

-Sao em lại hỏi vậy? Em không muốn gần anh sao?

-Thôi được. Em muốn hỏi anh, với mớ tuổi tác như em thì qua Mỹ có trễ quá không?

-Không trễ lắm. Nhưng em nên nghĩ đến tương lai của cháu nhỏ. Nền giáo dục Mỹ, theo anh, là số 1 thế giới.

-Anh này! Em qua đó làm nghề gì anh?

-Từ một nước nhỏ qua một nước lớn, thường ai cũng phải chịu cực khổ trước, rồi từ từ tiến thân. Phụ nữ như em qua Mỹ thường đi làm nail. Có người làm nail rất giàu.

-Nghe nói làm nail em đã sợ rồi. Em có con bạn, suốt ngày ôm những cái chân đen thui và hôi hám để kỳ cọ, giũa... À, em muốn hỏi anh một việc: Chị em bảo lãnh em thì em có xin hưởng trợ cấp được không?

-Chị em đã trách nhiệm bảo lãnh em, làm sao em xin trợ cấp được.Dù xin được, trợ cấp xã hội cũng "bó chân" em, cảng bước tiến của em.

-Em qua Mỹ chỉ vì hai người: 50% vì con gái em, 50% vì anh.

-Anh cám ơn em lắm!

Đầu tháng 4 năm 2005 Quỳnh cho tôi biết cô đã đến Orlando, Florida.Ở đây được một tuần Thành nằng nặc đòi dọn qua San José. Đây là lần đầu tiên tôi nghe Quỳnh đề cập đến Thành.Thành nói ở San Jose anh ta có nhiều bạn bè, có nhiều người Việt như ở Việt Nam, có thể tìm được việc làm thích hợp. Chính vì sự thay đổi chỗ ở này làm tôi không qua Florida gặp Quỳnh. Tôi đã mua vé máy bay rồi nhưng lại hủy bỏ. Khi Quỳnh đến San Jose tôi định lên gặp, nhưng cô ấy nói sẽ xuống Orange County chiều Thứ Sáu tuần này. Hội Đồng Hương… tổ chức họp mặt vào chiều Thứ Bảy tại nhà hàng Paracel. Tôi muốn gặp Quỳnh ngay chiều Thứ Sáu nhưng Quỳnh hẹn sáng sớm Thứ Bảy.

Chỉ còn bốn ngày nữa thôi. Trong bốn ngày này chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên, khi thì bằng điện thoại, khi thì bằng email. Quỳnh gởi cho tôi nhiều ảnh của Quỳnh theo email. Đã 16 năm, từ ngày gặp nhau lần cuối ở trong trại, trông trong ảnh Quỳnh già hơn tôi tưởng. Lúc ấy Quỳnh 48 tuổi nhưng trông như người 58, 60. Dù sao nét đẹp và vẻ dịu hiền vẫn còn đọng lại trong đôi mắt, ở đôi môi, ở khuôn mặt bầu bỉnh.

Quỳnh cho biết ở San Jose Thành xin ngay được việc làm trong một siêu thị của người Việt, hiện tại anh ta đang học việc; còn Quỳnh, sẽ làm nail cho một tiệm của người quen.Nhưng ngày hôm sau tôi lại nghe Quỳnh than:

-Anh ơi, thiệt chán quá! Thành chậm chạp còn hơn rùa. Chỉ có mỗi một việc cưa thịt ra thành khúc mà làm cũng không xong. Ông ấy cưa luôn cả cái bàn. Còn em, nghĩ đến làm nail em ớn quá.

-Phải chi có một đại gia…

-Em hiểu anh nói gì rồi. Có đại gia nào cùng em đi từ Cần Thơ ra Đà Nẵng, đến Phan Rang ngủ trên bãi cỏ đâu. Từ nay anh bỏ cái giọng đó đi nghe!

-Ừ thì bỏ, không nói nữa. À, em nên đi xe đò xuống đây. Chỉ chừng 7 tiếng là tới. Đi máy bay phải đợi tại phi trường lâu, phi trường lại xa chỗ ở, tốn thì giờ gần như đi xe đò. Nhưng nếu thích đi máy bay thì anh mua cho cũng được. Xuống đây em ở đâu? Có ai đón chưa?

-Chị em mua vé Greyhound Bus rồi. Mua trên mạng. Em ở nhà người quen. Ban tổ chức đón.

Sáng Thứ Bảy, đúng hẹn tôi đến một tiệm cà phê ở đường Brookhurst, hình như đó là tiệm cà phê Factorry. Tôi đến nơi vào khoảng 8 giờ. Khách không nhiều lắm, có lẽ còn sớm. Tôi nghĩ chắc Quỳnh chưa đến, nhưng vẫn để mắt đến một phụ nữ đang ngồi phía trong cùng. Đúng là Quỳnh, nhưng sao trẻ quá, khác với trong hình rất nhiều.

Tôi nhớ có đoc một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc. Truyện kể đại khái như sau: Hai người tình cũ hẹn gặp nhau sau mấy chục năm. Người đàn ông đến nơi hẹn, thấy người tình quá trẻ. Ông ta đang ngạc nhiên thì cô kia nói: “Mẹ cháu bảo ra đây gặp chú”.

-Không lẽ đây là con gái Quỳnh. Quỳnh có một đứa con lớn nửa sao.

Tôi nghĩ vậy nhưng vẫn đánh bạo gọi:

-Quỳnh!

Cô ta vẫn ngồi yên lặng. Tôi lẩm bẩm: “Nhầm rồi”, xong qua ngồi bàn kế bên.Chừng 10 phút sau một phụ nữ đi vào nhưng tiếp theo là một ông. Không phải. Tôi lấy điện thoại ra gọi Quỳnh. Tôi nghe có tiếng reo rất nhỏ ở trong phòng nhưng không ai bắt máy. Tôi xoay mặt qua nhìn cái cô mà tôi tưởng là Quỳnh. Cô ta đang cho tay vào túi xách nhỏ lấy cái gì đó nhưng không phải điện thoại, mà là ống son. Tôi lại gọi Quỳnh nhưng không nghe tiếng điện thoại reo. Tôi đoán: Chắc cô ta cho tay vào túi xách tắt điện thoại nhưng làm bộ lấy ống son. Tôi định qua bàn cô ta thì cô ta đã đứng dậy đi vào phòng vệ sinh.

Nhìn dáng đi của cô từ phía sau tôi biết cô ta là ai rồi. Dáng đi uyển chuyển, cái mông hơi đưa qua đưa lại, đó là mông của Quỳnh. Khi cô bước ra, tôi nói:

-Quỳnh! Đừng có giỡn dai.

Cô ta bật cười:

-Anh! Anh dở quá, không nhận ra em ngay sao?

-Sao trong hình em...

-Hình em gởi cho anh là hình của chị em. Em sợ anh thất vọng khi gặp em nên phòng hờ. Chị em mà biết em gởi hình đó cho anh, bà ấy chửi em nát mồ.

Tôi ôm lấy Quỳnh, mặc cho những người chung quanh tò mò nhìn. Tôi cảm nhận được thân thể cô run lên như mấy chục năm trước bên vệ đường trong một đêm không trăng và có những vì sao rất sáng. Tôi nói:

-Thôi, đi! Em đi với anh. Lần này em không “thoát” đâu.

-Khoan đã anh. Để sau buổi họp mặt đã. Em muốn chúng ta được hoàn toàn thoải mái. Một giờ nữa em phải về có việc, lại còn phải sửa soạn nữa.

Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện. Những chuyện đã nói đi nói lại nhiều lần trong điện thoại và trên mạng, nhưng vẫn còn muốn nói thêm. Quỳnh cười, hỏi:

-Nếu em già như người trong hình thì sao?

-Em trẻ hơn thì em giống em hồi đó hơn. Và dĩ nhiên anh thích hơn.

-Thôi, em về. Sáng mai Hội Đồng Hương có tổ chức picnic tại Mile Square Park ở đường Euclid.Sáng mốt tụi mình gặp nhau.Mai anh đừng tới nghe.

Tôi trả tiền rồi bảo Quỳnh lên xe để tôi chở về.

Tuy Quỳnh đã dặn, nhưng sáng hôm sau tôi vẫn tò mò vào Mile Square Park. Trời thật đẹp và hơi se lạnh. Tôi tìm một hồi lâu mới thấy Quỳnh, đứa con gái và một người đàn ông mà tôi đoán là Thành, ngồi ở một nơi gần cái hồ lớn ở phía bắc, tách riêng ra khỏi đám đông. Tôi đến ngồi ở một chỗ khuất trong đám người Mễ đang nghe hòa nhạc, nhưng chỉ cách chỗ Quỳnh chưa đến 20 thước. Quỳnh ngồi xoay lưng về phía tôi; Thành ngồi đối diện với Quỳnh nên tôi thấy Thành rất rõ. Thành không xấu không đẹp, không có gì đặc biệt. Nếu ai gặp Thành buổi sáng thì buổi chiều có thể chẳng nhớ mặt anh ta. Đứa con gái chừng 4 tuổi, đang cầm ly kem ăn, thỉnh thoảng lại múc cho ba nó một muổng và cho mẹ nó một muỗng. Nó vừa nói vừa cười như nắc nẻ:

-Muỗng này của ba! Muỗng này của mẹ! Muỗng này của con! Hết!

Quỳnh và Thành chỉ đưa miệng làm như ăn nhưng không ăn.Con bé ăn hết ly kem rồi nhặt một quả bóng để xuống đất. Nó lấy chân sút một cú, xong chạy đi nhặt bóng và sút tiếp. Con bé này chắc nghịch lắm, giống mẹ nó.Con gái mà chơi banh như con trai. Lúc nó đến gần, tôi hỏi:

-Cháu tên gì?

-Dạ, Như

-Quỳnh Như

-Bác biết tên mẹ cháu hả?

-Không, bác chỉ ghép tên cho vui thôi. Cháu mấy tuổi?

Nó cười:

-Mẹ cháu nói ở Mỹ đừng hỏi tuổi, người ta không thích đâu.

Tôi cười:

-Xin lỗi. Cháu thương mẹ không?

-Dạ thương.

-Thương ba không?

-Thương.

-Thương ai nhiều hơn?

Nó đưa hai ngón tay lên, chắc có ý nói thương hai người bằng nhau. Tôi nói nhỏ:

-Thương bác không?

Nó cười:

-Không biết.

Quỳnh đang gọt xoài. Con bé chạy đến nói gì đó vào tai Quỳnh, mắt liếc về phía tôi. Quỳnh cũng nhìn theo nó, về phía tôi. Tôi đứng dậy tiến về phía ba người:

-Chào anh chị! Cháu nhỏ dễ thương quá.

-Dạ chào anh!-Thành bắt tay tôi.

Quỳnh bỏ con dao gọt xoài xuống đất.Cô cầm trái xoài chưa gọt võ đưa lên miệng rồi lại bỏ xuống. Thành nhìn Quỳnh ngạc nhiên, thấy cô không mấy lịch sự với tôi. Một lát sau Quỳnh mới lên tiếng:

-Chào...ông!

Không biết nói chuyện gì cho được tự nhiên, tôi nhìn ra mặt hồ trong một lát, làm như bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của thiên nhiên được sắp đặt khéo léo dưới bàn tay con người. Tôi từ giã ra về, tâm trạng rối bời, chẳng biết có nên gặp Quỳnh ngày mai không. Tôi bị mặc cảm tội lỗi. Tôi quyết định tạm thời ngày mai sẽ không gặp cô ấy. Cứ như vậy, rồi tính sau. Gần đến cổng công viên tôi nghe tiếng điện thoại reo trong túi áo. Quỳnh nói:

-Sáng mai nghe!

-Em nói sáng mai hả? À, à... Anh xin lỗi em. Anh không thể...

-Không thể gì anh?

-Em này!Chúng ta đã toan tính với nhau, như quên hẳn em đã có gia đình. Em có một gia đình thật hạnh phúc. Anh không muốn phá vỡ.

-Cám ơn- Quỳnh nói cộc lốc.

Tôi nhìn về phía hồ Mile Square Park, thấy Quỳnh vừa cho cái điện thoại vào túi.Cô ấy đi ra phía bờ hồ, nhìn mặt nước hồ một lát rồi như muốn lội xuống. Tôi hốt hoảng đi trở lại phía Quỳnh. Thấy Thành và bé Như theo Quỳnh xuống bờ hồ, ba người đứng đó một lát rồi trở về chỗ cũ. Tôi an tâm đi ra cổng. Tôi gọi Quỳnh nhưng cô ấy không trả lời.

Suốt đêm tôi không sao chợp mắt được. Khoảng 5 giờ sáng tôi nghe tiếng điện thoại reo. Quỳnh hỏi:

-Anh dậy chưa?

-Rồi. Hôm qua em đến bờ hồ làm chi vậy?

-Kệ em.

-Không lẽ...

-Anh thất hứa với em. Hôm nay em đi ra hồ Mile Square Park nữa.

-Để làm gì?

-Triệu mà còn nói như hôm qua, em sẽ lội xuống hồ.

-Em điên hả? Em nghĩ xem. Em có thể bỏ chồng con được sao?

-Em đi ra Mile Square Park ngay bây giơ -Quỳnh không trả lời mà chỉ nói vâỵ.

Tôi xuống garage lấy xe, lái xe như điên đến Mile Square Park. Tôi đợi đến 7 giờ cỗng mới mở.Tôi vào trong công viên sớm hơn tất cả mọi người vào đây ngày hôm nay. Tôi đến bên bờ hồ, nơi hôm qua Quỳnh định lội xuống nước.Tôi đợi không lâu.Quỳnh xuất hiện bất ngờ từ phía sau một hàng cây, tay cô mang một cái túi xách. Cô làm như không thấy tôi, đi ra bãi cỏ gần hồ, đứng nhìn mặt nước. Tôi bước nhanh đến bên Quỳnh:

-Em này! Nó sẽ không đi đến đâu.

-Mấy chục năm nay em đợi đến ngày này mà Triệu nói vậy.

-Nhưng không lẽ em có hai người đàn ông một lúc.

-Làm gì có chuyện đó, nhất là đối với em. Sao anh có thể nghĩ em như vậy. Em và Thành lấy nhau không chính thức. Em và Thành không ăn ở với nhau nhưng vẫn sống chung trong một nhà và hợp thức hóa giấy tờ để xuất cảnh định cư. Bé Như không biết gì cả. Em không muốn cho nó biết. Cũng không ai biết. Ai nhìn thấy em và Thành cũng nhầm. Đi đâu em cũng đi với Thành. Thú thiệt, Thành chỉ là cậu em họ của em, em chỉ thương Thành như một người ruột thịt thôi.

-Có chuyện như vậy thiệt sao?

-Bộ anh thấy lạ sao?

-Sao đến bây giờ em mới nói?

-Ờ, hả! Sao em lại không nói với anh một chuyện quan trọng như vậy ta! Hình như em có nói rồi mà. Ồ, hình như em nói trong giấc mơ thì phải. Em không biết nữa. Em hồ đồ quá! Gặp anh em cứ tưởng như em chưa hề có Thành.

-Hôm qua em xuống bờ hồ làm gì vậy?

-Sao anh hỏi hoài vậ? Hôm qua em xuống bờ hồ nhìn hai con cá đang…yêu nhau dưới nước.

Quỳnh ôm lấy tôi. Tôi nói:

-Chết! Người ta thấy. Thôi, chúng ta đi. Đi về nhà anh.

Chúng tôi kéo dài tình trạng này đã 7 năm. Nhiều lần tôi và Quỳnh bàn nhau nên công khái hóa mối liên hệ này, nhưng khi nghĩ đến bé Như chúng tôi lại đổi ý. Chắc chắn nó không thích tôi thay thế ba nó trong gia đình đâu.

Thôi, như thế này cũng đã hạnh phúc rồi. Hạnh phúc là biết hài lòng với những gì mình đang có. Không cĩ ci vui nào trên đời hoàn hảo trước khi mình biết bắt lấy nó và thưởng thức khi nó ở trong tay mình. Thôi, “Như vậy là được rồi.”

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
25/04/201203:46:24
Khách
Hay!
25/04/201203:27:04
Khách
Tâm lý nhân vật đúng
25/04/201206:30:49
Khách
Đáng lẽ nên đặt tên cho bài viết là Một Thời Để Yêu và Một Thời để Nhớ.
29/04/201221:19:01
Khách
Không biết ông/bà Kim có đọc kỹ câu chuyện không? Không phải rốt cuộc Triệu và Quỳnh “nhìn nhau” suông mà đã ăn ở với nhau không chính thức. Có khi như thế còn thích hơn ăn ở chính thức với nhau. Rất nhiều người Mỹ ở thế ky 21 này đã làm vậy. Quỳnh và triệu rất mạnh dạn làm vậy vì chắc chắn Thành có biết cũng không nói gì. Quỳnh và Thành đâu còn ràng buộc gì với nhau về tình cảm. Truyện ngắn không cần phải nói rõ ra, viết vậy là được rồi, độc giả hiểu ngầm. Không “lãng xẹt” chút nào cả
19/06/201207:22:35
Khách
người gì (?) mà viết truyện hay quá trời !!!! cái ông Bồ tùng Ma nầy !!!!! :))))))
28/04/201200:55:37
Khách
Chuyện này muốn tin nhưng khó mà tin được vì quá ép nhân vật. Sống ở Mỹ vào thế kỷ 21 rồi mà cứ tưởng như hai nhân vật này đang còn ở Việt Nam hồi thế kỷ 19 vậy! Có nên kết cục một cách "lãng xẹt" vậy không? Tuy nhiên, văn phong tốt và mạch lạc.
26/04/201215:48:20
Khách
Theo tôi và theo vài người quen thân, đây là một trong những truyện ngắn/hồi ký ngắn về tình yêu có liên quan đến chiến tranh hay nhất mà tôi được đọc. Tôi còn nhớ trước đây có xem phim "Một thời để yêu, một thời để chết" (A Time to Love and a Time to Die sản xuất năm 1958). Tình yêu trong phim này ở trong khung cảnh chiến tranh khốc liệt nhưng nhanh chóng, vết đau như một viên đạn, một con dao cắt. Còn kết thúc chiến tranh trong truyện này là bắt đầu một mất mát đau đớn dai dẳng cho đa số người dân miền Nam, không phải một con dao hay viên đạn, mà là một liều thuốc độc, thuốc giả, thuốc cho sai trong toa, hủy diệt dần dần các tế bào trong thân thể một con người và cho hậu duệ.

Đi vào chi tiết hơn, cụ thể hơn, theo tôi, truyện hấp dẫn, đối thoại hay, có những đoạn dí dỏm, kết thúc bất ngờ nhưng không gượng ép; nội dung dĩ nhiên có liên quan đến chính trị, nhưng không quá khích, hằn học. Về nhân vật, rất có cá tính. Triệu: Thật thà, chung thủy, đầy ắp tình người; Quỳnh: Nệ cổ, ưa nghịch ngợm, chung thủy; ông Tùng: Ma lanh, khai "tội ác" không đúng để khỏi bị tù lâu, được giữ trâu, một việc tương đối nhàn hạ trong trại, giúp vợ dấu thuốc tây buôn lậu.

Tóm lại, truyện hay, nên đọc. Đề nghị, nếu in thành sách, đổi tên truyện là MỘT THỜI ĐỂ NHỚ, MỘT THỜI ĐỂ YÊU (A time to miss, a time to love). Thật ra YÊU rồi mới NHỚ và NHỚ rồi mới YÊU

------------------------
29/04/201214:06:03
Khách
"Chuyện này muốn tin nhưng khó mà tin được vì quá ép nhân vật. Sống ở Mỹ vào thế kỷ 21 rồi mà cứ tưởng như hai nhân vật này đang còn ở Việt Nam hồi thế kỷ 19 vậy! Có nên kết cục một cách "lãng xẹt" vậy không? Tuy nhiên, văn phong tốt và mạch lạc."

Nếu hai nhân vật này, Không làm "chuyện đó" với nhau, "tình yêu cao thượng", thì là "lãng xẹt" thật. NHƯNG ĐÂY KHÔNG PHẢI VẬY, CUỐI CÙNG HỌ ĐÃ rủ nhau ĐI VỀ NHÀ VÀ TRƯỚC HẾT HỌ LÀM GÌ AI CŨNG BIẾT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,156,611
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến