Hôm nay,  

“Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” Từ Đắng Cay Hậu Chiến đến Bình An Tâm Hồn

21/04/201200:00:00(Xem: 30432)
Tác giả có ba tập thơ song ngữ Anh-Việt đã xuất bản. Cô sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994, khi đã 19 tuổi. Năm 2004-05, cô được cấp học bổng Fulbright, bậc tối ưu, để thực hiện nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển. Sau khi tốt nghiệp cao học hai ngành: Lịch Sử Truyền Khẩu & Cộng Đồng tại CSUF.; và Nhân Chủng Học tại Đại học Stanford, cô hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ.

Trầnguyễn thực hiện Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” © về những ảnh hưởng của tang thương và mất mát trên đời sống tình cảm của người Việt hải ngoại qua học bổng của tiểu bang California cho Chương trình Báo chí về Y tế Sức khỏe (CEHJF), và do Trường Báo chí và Thông tin Annenberg của Đại học University of Southern California tổ chức. Cô sử dụng phương pháp lịch sử truyền khẩu, cùng kinh nghiệm dấn thân cộng đồng, và tư duy trải nghiệm. Liên lạc: [email protected].

This project “Black April, Bright April” © is produced using oral history, community participation, and lived perspectives. Trangđài Glassey-Trầnguyễn reporting on trauma, loss, and emotional health in the Vietnamese diasporas was undertaken as part of the 2011-12 California Endowment Health Journalism Fellowships (CEHJF), a program of the University of Southern Californias Annenberg School for Communication & Journalism. Visit her blog at: http://www.reportingonhealth.org/users/trangdai-0.

PHẦN 3/4:

MỘT TƯƠNG LAI MỚI

Một sự đổi đời cuối cùng đã đến. Gia đình Nguyễn Thanh Thủy được qua Mỹ theo diện HO 12. Ngay trong những ngày đầu mới tới Mỹ, bà đã mạnh dạn và tin tưởng vào khả năng lao động của mình mà không sống nhờ trợ cấp xã hội, gây dựng quán ăn Thiên Nga, tiếp tục giúp đỡ và hướng dẫn hai con khuyết tật. Bà vui vẻ đối diện với những khó khăn trong thời gian này, bình tĩnh chấp nhận những thử thách hệ tại, và vui mừng với những thành quả đạt được. Đặc biệt, bà đã hãnh diện là ở Mỹ, người phụ nữ có cơ hội làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình.

Do đó, khi vừa đặt chân đến Mỹ, cả gia đình Nguyễn Thanh Thủy đã bắt tay vào, cùng xây dựng một đời sống mới. Vợ chồng bà tận lực làm việc, từ việc đứng bán quầy chè ở một tiệm food-to-go, cho đến những công việc tạp nhạp khác mà tất cả những người mới di dân đến Mỹ không nề hà gánh vác, dù đồng lương rất ít ỏi. Tinh thần tự lực cánh sinh – bên cạnh những giúp đỡ quý báu ban đầu của bạn bè và chiến hữu ngày nào – đã là tiền đề cho một đời sống tốt đẹp hơn của gia đình bà những năm về sau. Hơn nữa, vì không muốn làm gánh nặng cho xã hội, cho nên dù bị liệt một tay, bà vẫn tiếp tục lao động để nuôi sống bản thân và gia đình.

Năm 1992,“Đặt chân tới đất Mỹ, gia đình tôi được người bảo trợ đón và đưa về Hội Tương trợ tù nhân chính trị và được tặng một số quần áo cho cả gia đình vì đang sắp sang mùa đông. Đêm đầu tiên, chúng tôi nghỉ ngơi ở nhà người bảo trợ. Đêm thứ nhì thì dọn qua căn phòng thuê mướn, cả nhà ngủ một giấc thật ngon trên chiếc giường nệm mà không bao giờ nghĩ mình sẽ có lúc được ngủ ngon như vậy. Không còn cảnh kiểm tra nhà, xét hộ khẩu vào nửa đêm. Chồng tôi đi ủi đồ ở shop may, tôi bán hàng chè ở Phở Chè Cali, con trai đi học ESL và tối đi quét dọn ba tiệm giặt ủi. Cả nhà có việc làm. Ở Mỹ, ai cũng phải lao động để sống. Không dựa vào ai, phải tự lập, tới đứa khuyết tật cũng sắp xếp được việc làm thích hợp. Không như ở Chủ nghĩa Xã hội, bắt học lao động là vinh quang, mà không có việc để người ta làm. Gom góp được một số vốn nhỏ, tôi sang một tiệm food-to-go lấy tên Thiên Nga, làm riêng để tương lai khá hơn.”

vvnm_vb7-04-21-2012_medium

Tại Hoa Kỳ, cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thuỷ cùng chồng và hai con mở quán Thiên Nga.
Nguyễn Thanh Thủy đặc biệt quan tâm đến việc học hành của hai cô con gái khuyến tật. May thay, ở Hoa Kỳ, việc giáo dục và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật đã được phát triển và mở rộng hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bà rất cảm kích những cơ hội mà hai con gái có được trên quê hương mới, bởi vì “Tôi lo lắng về hai con khuyết tật, chẳng biết lo liệu cho hai cháu như thế nào. May mắn thay, một ngày kia, tôi gặp cô Hélène đang dắt các em khuyết tật đi trên đường First, hỏi thăm thì Cô chỉ tôi trường Goodwill Industries. Theo lời Cô chỉ dẫn, tôi đến gặp Ông Bội, một cố vấn chuyên chăm sóc cho các em khuyết tật người Việt tại đây. Từ đó, theo sự chỉ dẫn thông qua các thủ tục về sức khỏe tâm lý, hai con gái vừa học nghề vừa làm cho Trung tâm đến bây giờ. Hội nhập với các em trong Trung tâm, hai cháu rất phấn khởi, không bỏ buổi làm nào trừ khi bị bệnh. Trong gia đình, cả nhà hướng dẫn hai cháu cách sử dụng nhà vệ sinh, mang giày, cột dây giày, kéo dây kéo áo, máy giặt, máy sấy, vòi nước nóng, nước lạnh, microwave… Qua những tiện nghi của một xứ văn minh, cộng với sự chỉ dẫn của trung tâm, hai con hội nhập vào nước Mỹ rất vui, rất nhanh.”

Niềm vui của bà nhân đôi, khi bà nhận ra nhiều cơ hội để vươn lên ở Mỹ. Vì sức khỏe bà vẫn giới hạn từ sau khi đi tù cải tạo, nên Nguyễn Thanh Thủy không thể khuân vác nặng cả ngày. Do đó, vợ chồng bà bàn tính với nhau, và cùng bấm gan mở quán ăn Thiên Nga, một cái quán nhỏ vừa đủ ấm cúng để khách ăn tại chỗ, vừa đủ phương tiện để nấu nướng, cung cấp thức ăn cho các bữa tiệc lớn. Quán Thiên Nga trở thành nguồn vui và điểm dựa tài chính cho cả gia đình bà. Nơi đây, bà không chỉ có điều kiện để làm chủ một cơ sở thương mại, mà còn có cơ hội giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến với khách thập phương. Bà vui vẻ ôn lại những kỷ niệm với quán Thiên Nga, từ lúc mở quán, phải có gan làm giàu để bước tới dù bạn bè sợ bà không làm nổi đã khuyên gián, cho đến việc bà vững lòng đi đến cuối. Từ cuộc phỏng vấn truyền khẩu với bà từ mười mấy năm trước cho Dự Án Việt Mỹ (VAP Vietnamese American Project, CSU Fullerton), tôi nhờ bà ôn lại những kỷ niệm vui khi đứng tiệm, như việc ông khách người Mỹ muốn diet, đến mua 50 lít nước mắm, hay việc bà để tương vào trong gỏi cuốn, để ăn vừa gọn vừa ngon, tránh luộm thuộm cho những buổi tiệc ở văn phòng. Và tiếp tục truyền thống của “Quán Thiên Nga lề-đường” ở Sàigòn, bà dùng tiệm ăn để có nơi gặp gỡ bạn tù cũ.

Bà cười rạng rỡ, nói một mạch, “Tôi đi làm công cho Phở Cali được gần ba năm, phải khiêng những thùng chè lạnh cất trên cao trong tủ lạnh. Dần dần, tôi bị đau khớp xương lưng. Sau lần đó, tôi xin nghỉ việc. Với số tiền dành dụm, tôi chỉ có thể sang một cửa tiệm nhỏ để bán fast food. Tôi biết nghề buôn bán rất cực nhưng tôi muốn tự làm chủ lấy, làm vừa với sức mình, lợi nhuận khá hơn đi làm công, lại có nơi gặp gỡ bạn tù. Tôi cũng thích nghề nấu ăn. Ở Việt Nam, tôi cũng học nhiều lớp về bánh, nấu ăn cho vui khi làm việc cho chính quyền Sàigòn, cũng như sau khi đã ra tù cải tạo. Không ngờ đây là lúc đem ra sử dụng. Tôi tin là tôi chịu khó nhọc được và có chút căn bản về nấu nướng nên có thể sống được, trong khi bạn bè nghĩ tôi không làm nổi nghề này.

Vì tiệm ăn nằm trong khu nhiều người Mỹ và ít người Việt Nam, nên tôi nghĩ cách chế biến theo khẩu vị của họ. Chẳng hạn, gà rôti thì tôi ướp bằng nước tương của Nhật Bản, nước mắm tỏi ớt pha chanh đường để ăn chả giò, tương ăn gỏi cuốn pha có peanut butter. Tôi có một kỷ niệm vui về một người khách Mỹ đặt từ 200-400 cuốn gỏi cuốn. Trước một ngày, họ tới thử tương, bằng lòng với mùi vị đó. Đặc biệt là phải đúng giờ 11:30am lấy gỏi cuốn, tương để trong cuốn gỏi, cuốn luôn, hẹ không chừa để phân biệt đầu hay cuối cuốn gỏi. Tôi vừa cuốn, vừa xem đồng hồ, huy động cả nhà ra giúp. Cuốn cuối cùng vừa xong thì người khách Mỹ vừa tới. Tôi rất vui vì làm món ăn thích hợp khẩu vị của khách, ăn vừa ngon, vừa gọn, tiện lợi cho các buổi tiệc ở văn phòng, không bị bán mùi thức ăn.

vvnm-ba_thuy_luon_giu_tinh_than_medium

BàThuỷ luôn giữ tình thân với đồng đội cũ tại hải ngoại.(Photo: Olivier Glassey-Trầnguyễn)
Có người Mỹ lái xe giao hàng hơi to béo, vào hỏi mua nước mắm. Ông ta nói có người chỉ cho ông ăn uống giảm cân, vào đây mua nước mắm pha ăn với cơm sẽ ốm bớt. Ông ta hỏi mua 50 chai. Tôi phải giải thích, nước mắm này đã pha với giấm, chanh, ớt, đường, nước, cocorico, nên giữ lâu không được, phải sử dụng trong thời gian ngắn thôi. Ăn trong vòng một tháng thôi, nên cứ hai tuần ông ta tới lấy năm chai pha sẵn về cùng ăn với gia đình. Khi đi lái xe, ông cũng thích dùng cơm với nước mắm pha.

Tôi giữ tiệm được bảy năm, giúp tôi rất nhiều cho việc chi tiêu gia đình, lo cho mẹ già và các cháu con của em tôi bên Việt Nam. Tôi tin rằng tôi làm được là được, nhưng chẳng may tôi bệnh không đảm đương nổi nên phải tìm cách sống khác nhẹ nhàng hơn.”

Công việc đang trôi chảy, thì Nguyễn Thanh Thủy lại phải đối diện với một biến cố nhức nhối – có lẽ nhức nhối nhất đối với bà. Núm ruột đầu tiên của bà, trưởng nữ Lê Thủy Thảo, đã nhuốm bệnh hiểm nghèo. Nếu ba con dại là động lực lớn nhất để bà chống chọi với 13 năm khổ sai, cố sống sót để trở về bên con, thì cái nguy cơ mất con lại chính là sự công kích lớn nhất trên tinh thần và tình cảm của bà. Có lẽ không ngôn từ nào có thể diễn tả được sự mất mát của bà khi người con gái lớn qua đời và những hụt hẫng, những đau khổ mà bà đã trãi qua khi chôn cất con gái. Nhưng ngược lại, chính bà cũng phải vực mình dậy để tiếp tục chăm lo cho gia đình, nhất là cho người con gái khuyết tật vẫn còn sống, cũng như chồng và con trai. Đâu là những cảm xúc, suy tư, và cứu cánh của bà trong biến cố này. Khi con gái lớn mất, bà đã bấu víu vào điều gì để đứng lên, tiếp tục cuộc sống? Chúng ta hãy ôn lại những ngày tháng đoạn trường này với Nguyễn Thanh Thủy.

Bà kể, “Công việc đang phát triển tốt đẹp, một chuyện không may xảy đến gia đình. Cháu gái lớn bị bệnh nan y, đã hai lần giải phẫu nhưng không kết quả, cuối cùng tôi mất con. Ở xứ sở khoa học tân tiến mà con mang chứng bệnh mà theo bác sĩ tuyên bố: Một ngàn case mới có một case như thế này.

Hồi tưởng lại lúc còn ở Việt Nam, con gái lớn có bướu trong tử cung, không hộ khẩu Sàigòn, nên muốn con được nhập viện ở bệnh viện sản phụ khoa thì tôi phải kiếm đủ cách mới nhập viện được. Mổ xong tiền thuốc men phải trả hết. Tôi không có tiền trả viện phí, nhờ anh em tới quán lề đường, mỗi người một ít giúp tôi trả viện phí cho con. Tình thương của người đồng cảnh đùm bọc chia sẻ với nhau, tôi vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn các bạn tù.”

Bệnh trạng con bà đã diễn tiến ra sao? Tại sao y khoa tân tiến của Hoa Kỳ và sự tận tụy của các bác sĩ vẫn không cứu nổi con bà? Điều khó khăn nhất có lẽ là khi bà phải quyết định: cho con mình mổ, dù hy vọng sống sót không nhiều, mà cũng không thể để con bệnh mà ngồi chờ chết. Còn nước còn tát, nhưng trong hoàn cảnh của Nguyễn Thanh Thủy, nước-hy-vọng đã không còn để mà tát, chỉ có dòng nước-mắt-xót-xa-tuyệt-vọng không ngừng tuôn, có tát mãi cũng không cạn. Từ lúc con gái lâm bệnh, rồi qua các ca giải phẫu, tất cả những hy vọng, biết bao cố gắng, nhưng cuối cùng là sự ra đi, bà đã trãi qua một thời gian rất khó khăn. Giai đoạn này cũng đòi hỏi ở bà một nghị lực rất lớn để vượt qua được chông gai của sinh lão bệnh tử, cái sống chết của đời người. Sau hơn ba mươi năm vất vả, khó khăn chăm nuôi người con khuyết tật này, chắc bà cũng hy vọng nhiều cho con mình. Khi con mình gặp tình trạng hiểm nghèo, chắc bà cũng nghĩ: bao khó khăn ở Việt Nam còn qua được, chắc sẽ không sao, vì ở Mỹ, y khoa tiên tiến, nhiều chương trình giúp đỡ mình…

Thật ra, mọi việc bắt đầu từ ở Việt Nam mấy chục năm về trước. “Tôi đi tù về, thấy hai con gái có bướu cổ. Gia đình kể lại hai con bị khoảng thời gian mười lăm tuổi. Tôi mới đưa hai con vào Bệnh viện Chợ Rẫy ở Việt Nam. Ở đây, hai con được chụp hình bướu cổ, và bác sĩ nói không có sao, chỉ cho thuốc vì thiếu iode. Vì thế, mỗi ngày, nấu ăn bằng muối iode. Lúc đó, con gái lớn Lê Thủy Thảo 20 tuổi, con gái út Lê Thủy Tiên 17 tuổi.

Khi sang Mỹ, hai con cũng được khám về bướu cổ, và có một cuộc sống bình thường. Đến năm con gái lớn Thảo được 30 tuổi, mắt càng ngày càng khó thấy. Đi khám mắt thường xuyên, bác sĩ nói, “Thảo bị loạn thị.” Thấy Thảo khó thở, khám mũi lại không có gì, mà bướu ở cổ bên phải thấy bắt đầu lớn, nên bác sĩ mới chuyển Thảo lên Bệnh Viện UCI. Nơi đây, sau khi hoàn tất các thủ tục về bệnh trạng, các Bác Sĩ làm xét nghiệm rất kỹ khi thấy con ngươi của Thảo bị lệch, nghi có vấn đề ở trên đầu, nên cho đi chụp MRI ở đầu. Chụp buổi chiều nay, thì sáng sớm hôm sau, tôi được gọi lên. Kết quả thật khủng khiếp. Thảo có một cái bướu trên đầu khoảng 5cm đường kính. Nghe xong, hai chân tôi đứng không vững, sắp ngất xỉu.

Tôi và Thảo tham dự những buổi có Bác Sĩ Giảng sư thuyết trình cho các Bác Sĩ thực tập về chuyên môn bướu sọ não, vì đây là trường hợp đặc biệt, một ngàn ca bệnh mới có một ca như thế này. Cái bướu tuyến giáp trạng trên sọ não nuôi cái bướu tuyến giáp trạng ở cổ.

Tôi đưa Thảo qua các nơi khám bệnh và thử nghiệm về máu, mũi, mắt… Các Bác Sĩ hội chẩn, quyết định xem nên đưa ra phương cách giải phẫu một lần hay chia làm hai lần. Cuối cùng tôi được biết sẽ giải phẫu hai lần. Khoảng tháng 6, 2000, giải phẫu phần bướu ở cổ trước. Sáng sớm trước 6 giờ sáng đã có mặt ở Bệnh Viện. Sau đó đưa vào phòng phẫu thuật, ký giấy tờ theo thủ tục pháp lý ở Bệnh Viện xong, tôi hôn con, dặn con nhớ cầu nguyện. Hai Bác Sĩ cùng giải phẫu, Bác Sĩ Kim, Trưởng khoa bướu sọ não, và một Bác Sĩ chuyên về tai mũi họng.

Ngồi ở phòng đợi, tôi thấy thân nhân của các bệnh nhân khác lần lượt được các Bác Sĩ báo tin tốt về kết quả ca giải phẫu rồi ra về. Cuối cùng, chỉ còn một mình tôi ngồi trong phòng chờ đợi. Tôi có nghe những cô y tá trao đổi với nhau, về một ca giải phẫu hôm đó, rất khó, phải tiếp máu từ sáng tới giờ. Tôi đâu biết đó là trường hợp con mình. Sau này tôi mới rõ.

Ngồi chờ đợi đến chiều tối, một y tá thông dịch và một Bác Sĩ mời tôi vào một phòng riêng để cho tôi biết rõ tình trạng sức khỏe của con gái tôi. Và tôi ký vài thứ giấy tờ cam kết để máy dò tìm xem còn chảy máu ở nơi nào trong cơ thể để họ hàn kín các vết rò rỉ. Tôi chết điếng trong lòng, ngồi cầu nguyện Chúa ban ơn lành cho các Bác Sĩ và cho con tôi.

Khoảng một tiếng đồng hồ, Bác Sĩ chánh của ca giải phẫu, tức Bác Sĩ Trưởng khoa bướu sọ não, cho biết kết quả. Tất cả đã ổn, máu của Thảo đã cầm hẳn. Tôi vẫn nhớ rõ tôi cầm hai tay Bác Sĩ mà lập đi lập lại, “Máu đã cầm lại chưa?” Con gái tôi mệt lắm, nên sáng hôm sau tôi mới được vào thăm cháu. Hình ảnh vị Bác Sĩ khi ra báo tin còn in rõ trong tâm tôi. Mặt ông rất mệt mỏi, không vui, mồ hôi rịn trên trán, báo tin tình trạng bệnh nhân sau cơn nguy hiểm, giờ đã bình an.

Sáng hôm sau, tôi gặp lại con ở phòng hồi sức đặc biệt SECU. Những ống và dây giăng mắc cùng hết trên người con tôi, trên toàn thân có những đốm đỏ như muỗi đốt đầy cả do các lần truyền máu. Tôi luôn ở cạnh con tôi vì Bệnh Viện cần hỏi con tôi những điều cần thiết khi con tôi tỉnh lại.

Con gái khuyết tật ở phòng hồi sức 15 ngày. Tôi ở cạnh con mỗi ngày. Tôi rất cảm kích sự chăm sóc của Bác Sĩ, y tá vì họ làm việc với tinh thần nhân đạo không phân biệt chủng tộc, không phân biệt người bệnh bình thường hay người khuyết tật, chỉ nghĩ đó là bệnh nhân, cần chăm sóc chữa trị. Điều may mắn là con gái khuyết tật của tôi được sống ở Mỹ, nên mới nhận được sự chữa trị đúng mức hơn ở các nước khác.”

Nhưng tất cả đều ngoài dự liệu của một người mẹ yêu con. Sự hồi phục tạm thời đã không giữ được mạng con bà. Bất cứ người mẹ nào trong hoàn cảnh này chắc cũng hy vọng con mình sẽ qua được. Nhưng chứng bệnh quá tầm tay bác sĩ, quá khả năng chữa trị của y khoa, nên bà đã mất con. Tâm tình của bà lúc đó như thế nào? Bà đã làm gì để tự an ủi mình? Với tình thương vô biên của bà dành cho con, thì cho dù ở thế giới này hay thế giới bên kia, người con đó vẫn là con của bà, và bà vẫn thương người con đó rất mực. Chỉ có điều… sinh ly tử biệt, ai không khỏi chạnh lòng?

“Thảo được tập đi vững vàng và trở lại nhà. Thảo nghỉ làm ở Goodwill Industries, dưỡng sức để chờ giải phẫu lần thứ hai. Tôi hiểu bệnh trạng của Thảo, không giải phẫu cũng không được, hai cái bướu càng ngày càng lớn, làm nghẽn cuống họng ăn, và thở. Tôi cho Thảo mỗi buổi chiều ra ngoài tiệm Thiên Nga Deli chơi và ăn cơm với tôi. Con thâu tiền và tôi chỉ thối tiền cho khách. Tối tôi dạy con cầu nguyện, Xin Chúa thương xót, cứu con khỏi bệnh tật. Tôi cho con ăn chất lỏng mềm, vì chất đặc cứng con nuốt rất khó khăn. Đặc biệt thời gian này, con gái Thảo chiều nào cũng xin Ba cho Thảo ngủ với Mẹ, dù tôi bận thế nào cũng rán chờ. Nằm bên tôi, Thảo lúc nào cũng để tay lên mình tôi rồi mới an tâm ngủ. Những ngày tháng hai mẹ con gần gũi nhất, Thảo thấy tôi cầu nguyện hay nhìn Thảo rồi khóc. Con hỏi, “Con bệnh Mẹ khóc phải không?”

Sáu tháng trôi qua, tôi sống trong đau khổ, nếu giải phẫu xác suất sống bình thường rất mong manh. Không giải phẫu thì sống bình thường cũng không được. Làm thủ tục cuộc giải phẫu hoàn tất, lần này Bệnh Viện chú ý đến tiếp máu cho Thảo, nên từ đầu, mỗi tuần mỗi lấy máu để dự trữ.

Sáng ngày 9 tháng 2, 2001, tôi dậy thật sớm, tắm cho Thảo xong, mặc quần áo ấm, dặn Thảo cầu nguyện trước khi ra khỏi nhà. Thảo hỏi cầu nguyện sao. Tôi buồn quá, Con cầu nguyện Chúa thương xót con, Chúa cứu con, cho con giải phẫu bình thường.

Trước 6 giờ sáng, hai mẹ con bước lên các bậc tam cấp của Bệnh Viện UCI, vào phòng chờ. Thảo không chịu bước, nhìn tôi nói: Mẹ ơi, con sợ quá! Tôi nghẹn lời, ôm con vào lòng, hôn con, dỗ dành con, Con giải phẫu lần này, Bác Sĩ lấy bướu ra, con sẽ khỏe mạnh, ở gần Mẹ, cùng phụ buôn bán với Mẹ. Dẫn con vào phòng mổ, hôn con lần cuối, sau khi ký các giấy tờ cần thiết trước khi giải phẫu. Tôi hỏi thăm một cô Bác Sĩ phụ tá ca mổ, cô nói: “Lần này mổ rất khó khăn.” Lần trước cô cũng có tham dự giải phẫu.

Ngồi ở phòng chờ tới khoảng 7 giờ tối, Bác Sĩ Trưởng khoa bướu sọ não cho hay đã giải phẫu xong, bướu lấy ra được nhưng quá lớn, và đã lan ra nhiều nơi, bệnh nhân quá mệt, để sáng mai sẽ được gặp.

Tôi thức trắng mấy đêm liền, biết con khó thoát được nên mời Mục sư ASE Nguyễn tới cầu nguyện và lo hậu sự cho con. Thảo không tỉnh lại, và đã ra đi vĩnh viễn. Sau những giờ phút bi thương, tôi khóc cho con vào ban đêm, nằm trên chiếc giường mà hai mẹ con cùng ngủ chung. Còn ban ngày phải tỉnh táo đối đầu với cuộc sống.

Tôi tự an ủi để mà sống. Ngày xưa chậm có con, cầu xin Chúa ban cho một bé gái, nhưng Chúa cho một bé gái khuyết tật. Tôi nâng niu chăm sóc đến 33 năm. Nó là nguồn sống cho tôi thấy yêu đời, có bổn phận, trách nhiệm của người mẹ làm tốt mọi việc cho con. Chúa cho sự sống và Chúa cất đi sự sống.”

Nguyễn Thanh Thủy đã đắm tàu, dù bà chưa một lần đi vượt biên. Bà không còn sức để bơi nữa. Khi Nguyễn Thanh Thủy tiễn con về mộ phần, trái tim bà rơi theo nắm đất bà buông xuống trên nấm huyệt mới đào. Bà đã gửi lại trái tim và ý chí của mình để làm kỷ vật cho con gái, đã sớm về thế giới bên kia. Còn những gì nữa của Nguyễn Thanh Thủy đã ở lại trong huyệt mộ của con bà? Cái mộ phần ấy, nó còn giữ gì khác ngoài trái tim đau đáu yêu con của Nguyễn Thanh Thủy? Có lẽ những ngày duy nhất trong cuộc đời mình, bà đã không cười nổi, chính là khi con gái phải giải phẫu nguy nan, và khi con lìa đời. Khuôn mặt của bà ảm đạm như tháng Tư Đen trong những thời gian đau đớn và tang chế này.

Bà tưởng đã buông xuôi. Một lần nữa, niềm tin lại vực bà dậy. Bà tìm hy vọng trong cuộc sống vĩnh cửu, nơi con bà được ngủ yên trong vòng tay của Đấng Chí Tôn, không còn chịu bất cứ đau đớn thể xác nào nữa. Đó là hạnh phúc của con bà. Và bà cũng cố tiếp nhận hạnh phúc đó như niềm an ủi cho chính mình, tìm vui trong phục vụ tha nhân. Cho nên, “Tôi mất con, nhưng được an ủi nhiều vì tận mắt thấy chân tình của các Bác sĩ. Tôi rất cảm kích tấm lòng của các Bác sĩ đã tận tâm, tận lực, đem hết tài năng chữa trị cho một người con gái khuyết tật. Tôi nghĩ rằng con ngủ yên trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa. Tôi phải làm tốt hơn, lo chăm sóc cho hai con còn lại nhiều hơn. Tôi không phải hối tiếc dành ít thời giờ chăm sóc Thảo. Lấy thời giờ chăm sóc Thảo trước đây để làm việc xã hội, lợi ích cho cộng đồng. Hàng tháng, tôi vẫn tới nghĩa trang Melrose Abbey Mortuary thăm viếng, đặt hoa, và cầu nguyện cho con.”

Và nếu sự ra đi của con gái đã đánh gục bà, thì họa vô đơn chí. Bà lại bị ung thư cổ tử cung. Những bất trắc trong cuộc sống không thể đến dồn dập hơn được. Bà nói, “Con tôi mất, bác sĩ khám phá tôi bị ung thư cổ tử cung. Tôi phải ngừng làm việc để chữa bệnh.” Trong những nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt, cũng như gốc Á nói chung, tôi đã quan tâm đến việc phụ nữ gốc Việt bị ung thư tử cung cao gấp năm lần các phụ nữ trong bất cứ sắc tộc nào. Tuy con số tỉ lệ này là một mối quan tâm của các cơ quan y tế công cộng Hoa Kỳ, giới nghiên cứu vẫn còn đang tìm hiểu về nguyên nhân gây ra tỉ lệ ung thư quá cao này. Điều quan trọng là các phụ nữ gốc Việt nắm được thông tin về nguy cơ này, để theo dõi và truy tầm, chữa trị một cách thích hợp. Ngay sau khi mất con gái lớn và suýt mất con gái út, Nguyễn Thanh Thủy phát hiện ra mình thuộc vào số “gấp năm lần” này. Tất cả khởi đi từ những lần đau lưng khôn xiết.

Bà kể, “Tôi bận lo cho con bị bệnh nặng trong hai năm, không đi thử nghiệm phụ khoa đều đặn. Khi con gái tôi đã mất, tôi nghỉ làm cả tuần lễ, không làm mà vẫn thấy đau lưng kinh khiếp, đau hai bên xương háng, nằm sấp và đấm lưng thật mạnh thì thấy bớt đau. Tôi đến Trung Tâm (TT) Y Tế Nhân Hòa xin khám nghiệm phụ khoa. Bác sĩ thấy bất thường, giới thiệu tôi đến Bệnh viện UCI, Phụ Khoa. Tôi chỉ có MSI (bảo hiểm y tế cho người lợi tức thấp). Nhân viên làm thủ tục nhận bệnh, và Bác sĩ khám, thử nghiệm. Kết quả tôi bị ung thư cổ tử cung ở thời kỳ thứ ba. Trên màn hình, chỉ có 30% của cổ tử cung bị ung thư mới cần cắt bỏ, chứ không cắt bỏ hết như tôi nghĩ. Cứ ba tháng định kỳ tái khám một lần, xạ trị nhẹ. Được bốn lần, Bệnh Viện UCI trả bệnh nhân lại TT Nhân Hòa theo dõi. Sau 15 tháng theo dõi, Bác Sĩ phụ Khoa ở Nhân Hòa phát hiện tôi bị tái phát, Bác sĩ yêu cầu lấy hồ sơ ở UCI để tiện theo dõi và gửi sang Bác Sĩ chuyên về giải phẫu phụ khoa. Bác Sĩ đề nghị giải phẫu, cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng. Bệnh đang ở thời kỳ thứ 3. Bác Sĩ giải quyết rất nhanh, vừa xin phép, vừa lên chương trình giải phẫu. Mặt khác, Bác Sĩ ở TT Nhân Hòa gửi hồ sơ sang chương trình ung thư phụ khoa. Hai ngày sau, tôi có medical tạm và một tuần sau tôi nhận được medical chánh thức, trước ngày Bác Sĩ giải phẫu. Các phương tiện đón đưa bệnh nhân và nếu cần, họ sẽ cho người tới giúp. Cuộc giải phẫu diễn ra trong vài giờ đồng hồ. Tôi nằm bệnh viện bốn ngày và được về. Thật may mắn, sau khi thử nghiệm lại, ung thư đã không bị lây lan, nên không phải xạ trị. Đến nay đã chín năm, mỗi năm tôi đều phải kiểm tra lại.”

Nguyễn Thanh Thủy, người-phụ-nữ-Việt-sống-sót sau khi bị ung thư cổ tử cung, muốn dùng chính kinh nghiệm của mình để giúp những phụ nữ khác giữ gìn sức khỏe để tránh trường hợp phát hiện bệnh quá trễ. Những chương trình an sinh xã hội dành cho người lớn tuổi và người có lợi tức thấp, cũng như những cơ sở y tế phục vụ cộng đồng vô vụ lợi như TT Nhân Hòa, đã giúp bà có cơ hội truy tầm và chữa trị ung thư kịp thời, dù đã ở thời kỳ thứ ba. Bà nói thật thiết tha, “Qua kinh nghiệm này, tôi xin khuyên chị em phụ nữ đi kiểm tra phụ khoa đúng định kỳ, không được lơ là bỏ qua. Nhờ khám thường kỳ như thế, phát hiện kịp thời để điều trị càng sớm càng tốt và an ủi cho chị em phụ nữ cơ quan y tế của chính phủ quan tâm đến sức khỏe phụ nữ, nên sốt sắng giúp đỡ, giải quyết hợp lý cho từng trường hợp, nhất là các Bác Sĩ rất đàng hoàng, vừa điều trị, vừa tìm cách nào tốt đẹp nhất cho hạnh phúc vợ chồng.”

Nhưng sau khi sống sót ung thư hai lần, Nguyễn Thanh Thủy vẫn chưa vượt qua những đau đớn từ trong quá khứ lẫn hiện tại. Bà chìm vào sầu đau, uất ức, tủi hận, và nước mắt. Ai sẽ giúp bà thoát ra khỏi cơn trầm cảm này? Phần cuối của loạt bài này sẽ cho chúng ta biết Nguyễn Thanh Thủy đã làm sao để bơi được vào bờ và không bị chết chìm trong cơn bệnh trầm cảm cam go này. Mời đọc cuối tuần tới.

Trang Đài Glassey-Trần Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
26/04/201201:53:19
Khách
Nghe nói về cô và gia đình của cô rất nhiều, nhưng có thể nói đây là bài viết đã gói trọn được những gì nghiệt ngã nhất đến với các gia đình HO nói riêng và cả một đất nước sau tháng tư đen ấy, một bằng chứng sống cho tội ác của kẻ chiến thắng. Chúc cô và gia đình không còn gặp những bất hạnh trớ trêu nữa. Chúc tác giả bài viết có thêm nhiều bài viết hay khác đến với đọc giả.
01/05/201218:46:25
Khách
Thât khâm phục một người lính VNCH!!! Mong bà được mãi mãi thành công.
30/04/201223:37:27
Khách
Xin trân trọng cám ơn tất cả góp ý của quý độc giả. Trangđài viết bằng tấm lòng của hậu sinh đối với những thế hệ cha mẹ. Cám ơn quý vị đã đọc bằng tấm lòng. Trangđài vẫn tiếp tục - như vẫn làm trong gần 20 năm qua - những Dự án đi sát với tâm tư của người Việt, và sẽ tiếp tục gửi bài như quý vị khuyến khích.
23/04/201204:45:57
Khách
Rất cám ơn tác giả đã viết bài này, rất hay va thật cảm động, nguyện cầu xin trời phật ban cho Gia đình của bà Thuỷ được tai qua nạn khỏi va cầu mong cho bà bình an. Hy vọng sẽ được đọc thêm nnhiều bài viết co giá trị như vầy.
21/04/201219:09:57
Khách
Sau những bất hạnh xảy đến và phải chịu những khổ đau chồng chất, cầu chúc cho thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ và gia đình sớm được hưởng sự yên bình.
26/04/201215:13:53
Khách
Cô Thanh Thuỷ kính mến,
Cháu hết lòng kính trọng các cô, các bác, các chú trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Ngày mất nước cháu được 10 tuổi. Thời gian đủ dài để cháu biết thêm nhiều điều. Lòng kính trọng, thương cảm với những người lính can đảm đã hy sinh tuổi thanh xuân để giữ tự do cho miền Nam Việt Nam luôn có trong tim cháu. Các con của cháu luôn hãnh diện:"Con là người Việt Nam Cộng Hoà". Cháu vào Việt Báo để tìm bài của cô hàng tuần. Cháu thật không thể tưởng tượng nỗi thân phận người nữ quân nhân đau khổ thế nào trong các trại tù khổ sai của bọn man rợ việt cộng. Có bao giờ việt cọng nghĩ lại những gì họ đã làm không cô nhỉ? Những tên trẻ tuổi nhất giết người không gớm tay trong trận Mậu Thân bây giờ cũng 62, 62 tuổi. Những tên đao phủ việt cọng đặt bom khủng bố miền nam ngày xưa bây giờ cũng đã già. Những tên đày ải các bác các chú, các cô cũng đã cao tuổi. Có bao giờ bọn họ hối hận ăn năn vì đã giết người không gớm tay không nhỉ? Giờ chết họ có hối hận không nhỉ?
Cô ơi, cháu cảm phục và kính trọng cô lắm. Chúc cô và gia đình bình an và hạnh phúc. May God bless you always.
Annie Marie
25/04/201213:21:25
Khách
Sau bài viết này, tác giả có ý định viết thêm về đề tài này nữa không? Bìa viết của tác giả rất hay và có ý nghĩa.
21/04/201213:33:02
Khách
Bài hay lắm! Xin cám ơn tác giả. Xin Thượng Đế ban phước cho gia đình bà Thuỷ.
21/04/201215:05:44
Khách
Cám ơn cô Trang Đài,
Hảy tiếp tục viết về Th/Tá Nguyễn thanh Thuỷ. Chị quả là một chiến sĩ đầy nghị lực. Một con thuyền dù bị nghiêng ngã trước phong ba bảo tố, bi thương trong cuộc đời nhưng cương quyết không bị đấm chìm.
Tôi cũng là một cựu nam chiến sĩ. Nhưng thú thật có lẽ tôi sẽ bị gục ngã trước những nghiệt ngã như vậy nếu xãy đến cho mình.
Một lần nữa xin ngã nón chào chị và chúc chị vượt qua tất cả và sẽ có những năm còn lại bình yên thể xác cũng như tâm hồn cùng với gia đình.
"Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Chúa đã từng nói thế và chị hảy giử vững niềm tin.
Mike Nguyễn
21/04/201213:53:17
Khách
Bài viết rất hay. Xin đề nghị sửa lại...
"...khi làm việc cho chính quyền Sàigòn,..."
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến