Hôm nay,  

Ngày Tháng Buồn Hiu

18/04/201200:00:00(Xem: 250045)
Tác giả sinh năm 1965, quê ở Phú Yên. Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Công việc đang làm: inspector và programer trong một hãng tiện cơ khí. Ngay từ bài viết về nước Mỹ đầu tiên trong năm 2012, “Chuyện Của Bill” tác giả đã cho thấy cách viết tinh tế và sống động hiếm có. Được biết, tuy cùng bút hiệu và cùng gửi từ Chicago, nhưng Nguyễn Văn 2012 không liên hệ tới tác giả Nguyễn Văn của năm Canh Thìn 2000, người viết bài “Dưới Mái Trường Senn.”

Tay luật sư bảo tôi:

“Bây giờ thì cậu hãy kể đi. Và nhớ là đừng nên bỏ sót bất cứ một chi tiết nào!”

Nói xong, ông bắt đầu dựa lưng vào chiếc ghế bành. Đưa tay nới lỏng cái cà vạt. Ông dương đôi mắt cận thị nhìn tôi như thể bỗng thấy chán ngấy cái vị thân chủ của mình đến tận cổ. Chính ba tôi đã thuê ông làm người bảo vệ quyền lợi của tôi trước tòa. Nói thật, tôi thấy có một chút khó ưa ở con người này. Cứ nhìn cặp mắt ti hí với cái nhìn sắc lẻm của ông là tôi đâm ớn. Ông nỗi tiếng là một luật sư có nhiều thân chủ nhất ở thành phố này. Ông cũng đã giới thiệu tên với tôi, nhưng có trời mới nhớ nỗi cái tên dài dòng như thế.

Và tôi bắt đầu câu chuyện của mình. Tay thầy cãi ngồi nghe tôi một cách lơ đãng. Tôi có cảm giác ông không tin lắm vào những điều tôi nói.

Nhưng dù sao đi nữa thì tôi cũng phải kể một lần cho xong…

Hồi ấy, tôi trải qua những ngày tháng khá tồi tệ. Suốt mấy tuần liền, ngày nào tôi cũng gõ cửa các văn phòng môi giới việc làm để lại trở về tay không. Công việc thì nhiều nhưng việc nào cũng đòi hỏi bằng cấp và kinh nghiệm. Cả hai thứ tôi đều chẳng có. Tôi đã điền không biết bao nhiêu đơn xin việc. Chỗ nào họ cũng bảo về chờ, sẽ gọi lại. Tôi đã ngồi bên chiếc điện thoại của mình hằng giờ liền, song vẫn chẳng thấy một chút tăm hơi. Cái lũ thư ký trời đánh ấy thật nói láo không biết ngượng mồm!

Còn lão chủ nhà cứ liên tục hỏi tiền phòng. Tôi bảo lão thư thả cho tôi vài ngày. Vậy mà cứ cách một hôm lão lại lên gõ cửa. Lão sợ không thu được tiền của tôi, lão sẽ bị lên cơn động kinh lăn đùng ra chết! Lão hăm dọa sẽ tống khứ tôi ra đường, nếu tôi không thanh toán xong tiền nhà cho lão vào cuối tháng. Ngày nào tôi cũng tránh mặt lão như tránh một thứ hủi!

Tôi đã vắt óc suy nghĩ suốt mấy ngày liền nhưng vẫn không tìm ra cách nào khả dĩ để vượt qua cơn bĩ cực. Tôi sắp phải tiêu đến tờ giấy bạc sau cùng của mình. Chưa bao giờ tôi rơi vào cái cảnh ngộ khốn quẩn như thế. Nếu trình trạng này kéo dài, trước sau gì tôi cũng sẽ ngửa tay đi mượn tiền những người quen biết. Mỗi lần nghĩ tới điều này, tôi cảm thấy khó chịu như người sắp phát ốm.

Nhớ lại cái ngày tôi xách chiếc túi bước ra khỏi nhà. Mụ dì ghẻ nhìn tôi, cười khẩy:

“Nếu đã đi thì đừng vác mặt về đây nữa!”

Ba tôi đứng bên mụ, chép miệng:

“Bà nói ít một chút đi!”

Mụ táp lại:

“Rồi sao? Nếu ông không thích thì cứ khăn gói mà xéo theo nó. Đây không can!”

Ba tôi im bặt. Tôi hận ông đến thấu xương. Mẹ tôi mất cách đây bốn năm. Khi ấy tôi được mười lăm tuổi và đang bắt đầu năm đầu tiên ở trung học. Nếu ông đối xử với mẹ tôi khi bà còn sống bằng một nửa cách ông đã sống với người vợ hai, chắc mẹ tôi đã cảm thấy mãn nguyện. Ngày còn sống, mẹ tôi đã phục dịch ông như một người ở. Ngoài thời gian đi làm, về nhà ông chẳng để ý đến ai. Hễ rảnh một chút là ông lại kéo bạn bè đến nhà ăn nhậu. Ông toàn nói chuyện chính trị, chuyện về những chiến công của ông trong qúa khứ, rồi chuyện khủng bố, chuyện thế giới tận bên Trung Đông. Trong khi đó mẹ tôi bệnh ung thư sắp chết sát bên mà ông không hề hay biết.

Mẹ tôi vừa mất ba tháng, ông bắt đầu sống chung với người đàn bà này. Cũng từ đó, mỗi sáng thức dậy ông lọt tọt chun vào bếp làm món trứng ốp la cho mụ ăn điểm tâm, và hì hục xào nấu luôn bữa trưa cho mình để đem vào chỗ làm. Tôi chưa thấy người đàn bà nào như mụ. Một con mẹ chỉ biết tối ngày đi shopping và mè nheo chuyện tiền bạc. Tính cách mụ nhỏ nhen, ti tiện đến tởm lợm. Mụ làm cho tình cảm cha con của tôi ngày một lạnh nhạt dần. Ngày nào mụ cũng kiếm chuyện để gây với tôi. Mụ thương tôi theo kiểu mèo thương chuột. Có lần mụ chửi tôi là thằng mất dạy. Tôi cũng không thua gì. Tôi bảo mụ là đồ rắn rết thối tha. Mụ đem chuyện này rỉ rả vào tai ba tôi. Ông nghe xong, chẳng nói chẳng rằng dang tay tát thẳng vào mặt tôi.

Tôi đã quá quen với những cơn giận dữ vô lối của ông. Bao năm trong quân ngũ lăn lộn cùng khói lửa đạn bom, chiến tranh đã dạy cho ông quen cách hành xử bạo lực dù với ngay cả con đẻ của mình. Ông nhiễm thói quen giải quyết vấn đề bằng nắm đấm.

Tôi bỏ nhà ra đi khi được mười tám tuổi và đang chuẩn bị bước vào năm đầu tiên ở đại học. Tôi thuê phòng trọ trong một cao ốc rẻ tiền ở khu Uptown, gần trung tâm thương mại Việt nam.

Kể từ hôm ấy, tôi thề sẽ không bao giờ quay trở về căn nhà của ba tôi nữa!

Vậy mà vừa mới tự lập thân chưa đầy một năm, tôi sắp sửa trở thành kẻ chết đói

“Thế còn đơn xin việc? Chẳng lẽ cậu đã điền hằng tá đơn như thế mà vẫn không có chỗ nào trả lời à?” Tay luật sư cắt ngang.

“Có! Có một chỗ…” Tôi đáp.

Chỗ hẹn làm tôi phải chuyển đến mấy lần xe bus mới tới nơi. Đó

là một khách sạn cao đến mười lăm tầng nằm trên đường State Parkway. Nhìn các khuôn cửa kính sạch bóng ở mặt sảnh, tim tôi cứ nhảy rộn lên trong lồng ngực. Tôi xoay tay nắm cửa, thò mũi vào phòng tiếp tân lúc hơn mười một giờ trưa. Căn phòng trải thảm đỏ sang trọng. Nó sạch sẽ đến nỗi tôi bỗng đâm ra ngại ngần cho đôi giày cũ rách nát của mình. Tôi bước về phía chiếc quầy có in hàng chữ reception như kẻ đang trong cơn mộng du. Một cô nàng tóc vàng ngồi phía sau. Ả có khuôn mặt khá sáng sủa, dáng vẻ lại điệu đà như thể mình là minh tinh màn bạc. Sau khi đưa mắt nhìn chán chê bộ dạng cái thằng người cà lơ trước mặt. Ả cất giọng chua lét:

“What?”

Giọng opera cao vút, nghe như tiếng kính vỡ lao xao cọ xát vào nhau. Tôi bỗng cảm thấy gai sống lưng. Chẳng nói chẳng rằng, tôi quẳng lá thư ghi cuộc hẹn lên mặt quầy. Ả đưa mắt nhìn chòng chọc vào tờ giấy. Lạy Chúa! Nếu quả thật có một đấng như thế. Cô ả đọc khoảng năm dòng chữ đánh máy trong lá thư chậm như một cuộc chạy marathon quanh thành phố. Cuối cùng ả cũng mở miệng. Tôi như bị thôi miên vào giữa hai bờ son môi đỏ thắm. Ả bảo:

“Mày đến trễ gần hai tiếng đồng hồ! Người hẹn để phỏng vấn mày đang đi dùng bữa trưa…”

“Xin lỗi! Tôi bị lạc đường!” Tôi ấp úng trong miệng.

“Mày nên về đợi một cuộc hẹn khác. Luật lệ ở đây là vậy…”

Nếu không kềm chế, tôi đã văng tục vào mặt cô nàng xinh đẹp. Rồi không thèm chào ả lấy một tiếng, tôi xô cánh cửa ra vào, lũi mất.

Không còn cách nào khác, tôi đành đi mượn tiền người quen. 

Tôi gõ cửa nhà một anh bà con vào sáng sớm trong bộ dạng của kẻ sắp trở thành người vô gia cư. Anh mở cửa khi mặt mũi vẫn còn trong cơn ngái ngủ:

“Có chuyện gì ghé anh sớm vậy?”

Tôi hắng giọng lấy hết can đảm, song vẫn nghe tiếng mình rè như chiếc loa bể:

“Em tính hỏi anh mượn đỡ vài trăm…. Dạo này em túng quá!...”

Anh nhìn tôi ngạc nhiên. Rõ ràng câu nói của tôi khiến anh bị sốc. Anh đưa tay dụi mắt như muốn chắc là mình đã tỉnh ngủ hẳn. Anh nói sau khi nhìn tôi một lúc:

“Chờ chút!...”

Cánh cửa tự động đóng lại sau lưng anh. Tôi cứ đứng lóng ngóng trước cửa nhà. Tay chân tím ngắt vì lạnh. Có tiếng nói đàn bà bên trong. Hình như là tiếng của vợ anh. Giọng nghe chì chiết:

“Tiền đâu cho mượn! Mình phải save một ít để đi Cali chơi Noel cuối tuần tới. Còn nữa, thằng con lại đòi mua một cái máy computer mới. Anh quên rồi à? Bà con thì sao chứ! Ruột thịt ở xứ này cũng chẳng ra gì, nói chi tới bà con…”

Anh mở cửa chạy theo, khi tôi đã xuống tới mặt đường. Tay cứ gãi gãi vào chỏm đầu của mình:

“Em mày thông cảm!- Vừa nói anh vừa giúi vào tay tôi tờ hai mươi Dollars - Anh cũng kẹt lắm!”

“Cảm ơn anh!” Tôi nói như một cái máy.

Tôi quay về phòng trọ, ném mình xuống chiếc giường, nằm vắt tay lên trán.

Mình phải tìm cách nào đó để kiếm tiền. Tôi tự nhủ. Nhất định phải có cách…

Tôi thiếp đi sau một lúc khi đầu óc đã làm việc hết công suất. Ngoài kia, trời đã bắt đầu trút xuống cơn mưa tuyết đầu tiên của mùa đông.

Tôi tỉnh dậy lúc gần bảy giờ tối. Sau khi làm vệ sinh xong, tôi ngồi nhai nửa mẫu bánh mì còn lại từ bữa trưa. Xong xuôi đâu đấy, tôi bắt đầu thay đổi y phục. Tôi chọn quần jean và áo thun đen, khoác thêm chiếc áo lạnh bên ngoài. Tôi trùm chiếc mũ len lên đầu, xong lại xỏ tay vào đôi găng. Tôi cũng không quên lấy con dao bấm trong hộc tủ nhét vào túi áo. Tôi trang bị hệt như người lính khi ra trận. Rồi tôi soi bộ vó mình trong gương.


Chín giờ tối. Sau khi đóng cửa phòng cẩn thận, thọc hai tay vào túi quần, tôi bước ra đường. Tôi chọn đêm đó làm đêm đầu tiên làm nghề móc túi khách bộ hành!

“Móc túi à?” Tay luật sư hỏi sau một cái ngáp dài.

“Vâng!”

“Thế cậu đã từng móc túi một ai đó trước đây?”

“Phải!”

“Ai thế?”

“Ba tôi. Tôi lỉnh từ túi quần ông được hai mươi Dollars.”

“Và ông không biết?”

“Không! Chắc ông nghĩ mình đánh rớt nó ở đâu đó…”

Sau khi cân nhắc một hồi, tôi quyết định tới đường Sheridan và Winnona làm nơi hành nghề. Tôi cứ quanh quẩn chỗ trạm xe bus. Đứng chán, tôi lại ngồi co ro trên ghế, ra vẻ như kẻ đang đợi chuyến xe của mình. Tuyết vẫn không ngừng rơi. Đường xá vắng ngoe vắng ngắt. Cứ khoảng hai mươi phút lại có một chuyến xe bus chạy qua. Mấy tay tài xế cũng không buồn cho xe dừng lại ở trạm. Xe nào xe nấy trống trơn, chẳng thấy đến một mống khách. Tôi chờ gần cả tiếng đồng hồ mà chẳng thấy bóng dáng con mồi đâu.

Bỗng từ xa, một ả da đen lắc mông bước tới. Mặt mày ả trét đầy son phấn. Ả mặc một chiếc áo cổ rộng, khoét sâu tới ngực. Chiếc áo lạnh khoác hờ hững trên vai. Ả nhìn tôi, cái nhìn của con mèo hoang vừa chợt trông thấy bóng dáng con chuột:

“Chào!”

“Chào!”

“Trời hơi lạnh! Phải không?” Ả hỏi trống trơn.

“Ừ!”

“Mày có thuốc lá không?”

“Không. Tao không hút thuốc!”

“Oh!...”

“Mày đang đợi bạn gái à?”

“Không.”

“Thế mày có muốn vui vẻ một chút không?” Ả ưỡm ờ.

Tôi biết ả muốn gì nhưng không buồn đáp. Ả bỗng chồm người về phía tôi, kéo trễ chiếc áo cổ xuống để lộ ra một khoảng ngực đồ sộ như trái dưa hấu non. Dường như sợ tôi vẫn còn chưa hiểu, ả giải thích:

“Hàng thiệt đấy! Hai mươi Dollars! Thế nào?...”

Tôi vẫn ngồi im. Ả kiên nhẫn không chút nản lòng:

“Thử đi! Chỉ hai mươi tì thôi mà! Rồi mày sẽ thấy đàn bà cần thiết như thế nào trên cõi đời này!”

Nói xong, ả liếm đôi môi khô khốc. Tôi phải tìm cách tống khứ ả đi, nếu không ả sẽ bám theo tôi như đỉa cho đến tận bình minh.

“Tao chỉ có ba đồng, loại tiền foodstamp …”

Không để nghe hết câu, ả giật mình thoái lui như vừa chợt nhìn thấy quỉ. Rồi ả bắt đầu phun vào mặt tôi hàng tràng từ ngữ chửi rủa tục tĩu, trước khi bỏ đi.

Nghe đến đây, tay luật sư che miệng cười hục hặc. Không hiểu sao khi nghe tiếng cười của ông, tôi cảm thấy người trở nên khó chịu. Da thịt bỗng nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Lẽ nào tính tình tôi đã khác, dễ cáu gắt khi bị nhốt mấy bữa nay?

Tôi quyết định thay đổi địa bàn! Tôi đứng lên và bước đi. Trước mặt, cách tôi khoảng vài trăm thước, lại một bóng đen lù lù tiến tới. Hắn bước tập tễnh như con gà lôi. Người cao khều. Tôi đứng tránh một bên cho hắn đi qua. Khuôn mặt hắn nhọn hoắt như mặt chuột. Hắn nhìn tôi lom lom:

“Mày có thể cho tao xin một đồng không?”

“Tao không có tiền!”

“Thế thì năm mươi xu vậy?”

“Không có!”

“Còn hai lăm xu thì sao?”

Không kềm chế được cơn bực bội, tôi rít lên:

“Tao có cái này! Mày muốn lấy không?”

Tôi rút con dao bấm ra khỏi túi áo, đưa về phía trước. Thằng khốn bước lui, rồi xoay mình phóng mất dạng vào một con hẻm.

Thì ra hắn cũng biết sợ dao! Tôi lầm bầm, trong khi tim cứ đập liên hồi trong lồng ngực.

Tôi đi dọc theo đường Winona.

“Hey, young man!”

Bỗng một giọng nói vang lên phía sau lưng.

Tôi quay lại. Trước mặt tôi là hai tay da đen. Hình như trời sinh ra để chúng làm một cặp; kẻ thì ốm trơ xương, người lại quá thừa da thịt. Tay ốm tôi vừa mới gặp mấy phút trước. Tên còn lại lạ hoác. Hắn có khuôn mặt bèn bẹt kiểu mặt nia, dáng vẻ ồ ề, vuông vức như chiếc tủ lạnh. Hắn nặng không dưới ba trăm pound. Cả hai đứng nhìn tôi chòng chọc. Mắt chúng trắng dã, đe dọa.

“Tụi mày muốn gì?” Tôi hỏi run run.

“Thằng nhóc hỏi tụi mình muốn gì kìa!...”

Tay ốm quay sang nói với tên bạn đồng hành. Rồi cả hai chợt cười lên hô hố.

Tôi lại móc con dao ra khỏi túi áo. Tên mập nhếch môi, cười khì:

“Đằng ấy muốn chơi à? Được thôi!”

Nói xong, hắn cúi xuống rút từ trong ống quần ra hai khúc côn dài bằng cánh tay. So với món đồ chơi của hắn, con dao tôi nắm trong tay chẳng khác nào chiếc bàn chải đánh răng. Tôi bước lùi dần về sau, trong khi chúng cứ tiến tới. Tên mập huơ huơ khúc côn trong không khí, bước nhún nhảy như kẻ đi dạo. Đầu óc tôi phát ra đủ thứ tín hiệu để mong tìm một kế thoát thân. Cuối cùng, tôi chọn cái kế không lấy gì làm hãnh diện cho lắm: Chạy!

Tôi phóng hết tốc lực. Hướng về phía khu thương mại Việt Nam trên đường Argyle, nơi tôi tin vẫn còn vài tiệm karaoke đang mở cửa khuya. Chỉ một dãy phố thôi! Vừa chạy tôi vừa nhẩm tính. Tôi nghe phía sau mình tiếng thở nóng hổi phả vào gáy. Giọng của tên ốm, hào hễn:

“Mày chạy không thoát đâu!”

Hắn túm được chiếc áo khoác, thay vì kéo ngược về phía sau hắn lại đẩy tôi tới trước. Tôi ngã nhào. Hắn đứng nhìn đối thủ của mình chỏng vó trên mặt đất, thở dốc. Đằng sau hắn, tên mập thủng thỉnh bước tới. Miệng cứ cười hềnh hệch. Chúng bắt đầu lật sấp tôi trên mặt tuyết, rồi đưa tay lục lọi khắp các túi.

“Đừng có giở tro! Nếu không bọn tao cho mày nhừ xương! - Tiếng tên ốm - Shit! Thằng nhóc chỉ có năm Dollars và một con dao cùn!”

“Té ra hắn còn rách hơn bọn mình!” Giọng của tên mập.

“Này nhãi con, nói cho mày biết! Đây là địa bàn của bọn tao. Nếu mày muốn làm anh hùng thì đi chỗ khác!…Tụi tao cũng khuyên mày nên về uống thêm sữa tươi cho cứng cáp chân tay một chút rồi hãy học múa dao!....”

Nói xong, cả hai cười khoái trá, bỏ đi. Bóng chúng mờ dần trên nền tuyết trắng.

Lẽ ra tôi nên chuồn về, nằm gặm nhấm nỗi buồn trong cái ổ chó của mình sau khi đã xảy ra bao nhiêu là việc. Nếu như vậy tôi đã tránh được không biết bao nhiêu phiền toái.

“Nói hay! Thế sao cậu không làm?” Tay luật sư hỏi mỉa.

“Lúc ấy tôi không còn bình tĩnh để nghĩ được như vậy!”

Tay luật sư nhìn tôi bằng đôi mắt ti hí của mình. Ông không hỏi tôi thêm câu nào nữa. Có trời mới biết được ông ta đang nghĩ gì trong đầu.

Tôi lồm cồm đứng lên. Miệng cứ phun nước bọt phì phèo. Tôi đưa mắt nhìn theo bóng hai tên da đen. Một nỗi căm giận bỗng trào dâng ngập tâm hồn. Tôi nhặt một khúc cây nằm vô tình bên vệ đường, và bắt đầu lao theo hai tên khốn kiếp. Tôi tiến sát đến phía sau chúng. Chân bước êm như ru. Bọn khốn vừa đi vừa cười nói hỉ hả. Khi đã tiến đến một khoảng cách vừa đủ, tôi bắt đầu vung khúc gỗ lên. Hình như linh tính được mối nguy hiểm đang rình rập phía sau, tên mập bỗng quay người nhìn lại. Nhưng đã quá muộn! Tôi nện khúc gỗ vào lưng hắn với tất cả sức lực và nỗi căm hận bèo bọt tự đáy lòng. Mắt thằng khốn nhòe đi. Cả cái cây thịt của hắn bắt đầu chao nghiêng rồi đổ ào xuống như một thân cây bị đốn ngã. Hắn giãy đành đạch như con cá bị mắc cạn trên mặt tuyết. Miệng há ra táp táp không khí.

Tay luật sư nói chen vào:

“Giấy chứng thương cho biết, hắn bị gãy hết hai chiếc xương sườn. Dập một phần phổi bên phải. Lưng lại bị rách toạt một đường, dài khoảng năm inches. Bác sĩ phải khâu trên chục mủi kim. Cậu thật nện hắn không nhẹ! Cậu có học võ phải không?”

“Cũng có chút ít!”

“Còn tên ốm lúc ấy thế nào?”

“Không hiểu sao hắn cứ đứng nhìn bạn mình trân trối. Rồi chẳng nói một tiếng, hắn co giò bỏ chạy như bị ma đuổi.”

“Chính hắn là người gọi 911 đấy!”

Tôi cứ đứng chống khúc cây, thở như sắp đứt hơi. Mặt mày tái mét.

Đêm đang ở vào chiều sâu nhất của nó. Tuyết vẫn không ngừng rơi. Từng chùm bông trắng muốt cứ bay liêu xiêu, tơi tả dưới bóng đèn đường.

Bỗng từ phía đầu con hẻm, một chiếc xe cảnh sát bất ngờ rồ ga quay đèn phóng tới. Hai tên cớm mở cửa bước ra, súng vung vẩy trong tay. Một giọng nói vang lên, chói lói:

“Đứng im! Giơ hai tay lên!”

Tôi bỏ khúc gỗ trong tay xuống mặt tuyết. Sau khi đứng lóng ngóng một lúc, tôi bắt đầu tra hai tay vào chiếc còng mà tên cớm đang giơ ra chờ sẵn.

Chuyện là như thế...

Nói xong, tôi đưa mắt nhìn tay luật sư. Ông cắn nhẹ đôi môi, thở dài:

“Vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Nhưng tôi sẽ cố hết sức để giúp cậu!...”

Ông bắt đầu đứng lên. Vai mang chiếc túi xách. Ông bước nhanh ra khỏi căn phòng khách của trạm cảnh sát.

Ông cũng không buồn chào tôi một tiếng.

Tôi ngồi, đưa năm ngón tay thọc vào mái tóc rối.

Tôi đang bắt đầu nghĩ tới cuộc sống ở phía trong những căn phòng bịt bùng, nơi cả khoảng trời trên đầu cũng bị chắn ngang bỡi các khung cửa sổ nhỏ bé bằng song sắt.

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
18/04/201210:13:52
Khách
Tôi thật khoái cái truyện này hết chổ nói! Nếu sống ở Chicago, chắc tôi sẽ mời tác giả đi bar, nhậu đến chảy nước dãi mới thôi!...
18/04/201203:00:53
Khách
Truyện hay lắm! Cách viết văn rất hay; tôi nghĩ đây phải là một nhà văn chuyên nghiệp!
24/04/201215:02:32
Khách
Hành văn rất sống động, câu chuyện rất giản dị, nhưng tác giả đã gây hào hứng cho tôi.
Cám ơn tác giả Nguyễn Văn rất nhiều.
19/04/201219:21:25
Khách
Một cây bút rât có triễn vọng, dù cách dựng truyện còn hơi non tay. Mong tác giả tiếp tục hoàn thiện mình trong các truyện tiếp theo!
18/04/201218:45:55
Khách
Tôi rất thích tác giả này. Truyện của ông phản ánh được hiện thực. Một thực tế, có lẽ làm cho nhiều người thích tô hồng, a dua sẽ khó chịu vì tính trần trụi của nó. Cảm ơn tác giả!
18/04/201218:36:02
Khách
Đồng ý, phải là 1 nhà văn chuyên nghiệp, vì lối viết và diễn tả của tác giả thật là tỉ mĩ và sống động. Cám ơn tác giả đã chia xẻ cùng bạn đọc và mong sẽ còn đọc thêm nhiều sáng tác nữa của tác giả.
18/04/201217:10:04
Khách
Truyện ngắn này rất độc đáo. Tôi đã theo dõi tác giả này từ truyện đầu tiên là "chuyện của Bill" đến giờ. Ngòi bút của ông đã chạm đến hiện thực khá trần trụi của cuộc sống ở Mỹ, một thực tế mà nhiều người muốn né tránh thậm chí tô hồng đến kệch cỡm. Thông điệp ông muốn gửi tới trong các truyện ngắn này khá rõ, hơn nữa còn gây sốc. Ông rất hoang mang và lo lắng trước việc mất định hướng của thế hệ Việt kiều thứ hai ở nước ngoài, qua đó nhấn lên hồi chuông cảnh tỉnh trong việc giáo dục con em chúng ta. Tôi cũng huy vọng nhiều người nhận ra điều này. Thật cảm ơn tác giả!
18/04/201215:12:05
Khách
Cách hành vắn sống động nhưng câu chuyện dàn dựng không hay. Nhiều chi tiết quá hư cấu, không ăn khớp. Chuyện chỉ có giá trị giải trí
18/04/201213:22:31
Khách
Lối viết văn mang âm hương của một tay viết ngoại quốc viét tiếng Việt. Rất hóm hỉnh và ngộ nghĩn ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,608,053
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến