Hôm nay,  

Bà Bảy Thêm

11/04/201200:00:00(Xem: 291895)
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý,tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị,vừa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 20011.Là một cựu sĩ quan VNCH,cựu tù,ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO,định cư tại Boston.Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare,social worker,phụ giáo,tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools.Sau đây là bài mới nhất của ông.


Nghe nói ông tên Bảy Thêm, con thứ trong một gia đình đông con, sau ông còn hơn nửa tá em: Tám Nữa, Chín Ráng, Mười Lỡ, Mười Một Hoài, Mười Hai Chót, và cô em út của Ông là cô Mười Ba Hết,nên bạn bè gọi bà là bà Bảy Thêm, chớ chưa ai hỏi tên cúng cơm của bà bao giờ.


Hồi nhỏ, học đến hết lớp Đệ Thất, thì bà nghỉ ở nhà, theo học một lớp may cấp tốc trong 6 tháng ở ngoài tỉnh, rồi về nhà may, vá, sửa quần áo cho dân trong xóm, để giúp đở cha mẹ và bầy em nhỏ. Nhờ khéo tay, vui vẻ, và lấy giá bình dân, nên bà có nhiều khách lắm. Nhất là vào cận Tết bà bận túi bụi với các khách hàng trẻ con. Bà có một thân chủ trung thành hết biết, hầu như ngày nào cũng có mặt ở tiệm may: lúc thì may quần lót, khi thì mạng vá sơ mi, không nhờ lên lai, thì xuống gấu, bóp lưng, xẻ tà quần, hay đơm nút, làm khuy, lộn cổ, sang sợi, thay dây kéo, may phù hiệu, đính bảng tên… mà toàn là loại áo nhà binh. Có cái rách tả tơi, bạc màu, quần đóng phèn cả tấc, giá mà quăng vào thùng rác , cũng chẳng ai lượm. Thế mà chủ nhân nó vẫn nài nĩ cô thợ may làm cho bằng được, giá bi nhiêu thì bi: đó là anh chàng Trung Úy, Đại Đội Trưởng Địa Phương Quân đóng đồn gần đó.

May, sửa, vá, mạng, đột... lâu ngày chày tháng, riết rồi chẳng còn gì để đem lại nữa, để có dịp lãng vãng, rình rập, trồng cây ở tiệm may nữa. Chàng Trung Úy cây si nhà ta bèn nảy ra một sáng kiến tuyệt vời: nhờ bà vợ ông Thượng Sĩ Thường Vụ làm mai mối, xin rinh cô thợ may về (Tổng Hành) Dinh của Đại Đội mình để… sửa đồ cho tiện lợi, đở mất thời gian và hao tài tốn của nữa. Riêng cô thợ may xinh đẹp, may sửa đồ lính lâu ngày cũng quen hơi bén tiếng, ghiền mùi nhà binh, nên khi cha mẹ cô hỏi ý việc mai mối, mặc dù cờ đã đến tay, nhưng cô cũng còn ẹo qua ẹo lại vài lần, mới trả lời lí nhí: “Em chả, em chả…. từ chối “.

Đó là ông Bảy, ông xã của bà hiện nay.

Về sống trong trại gia binh của Quận, bà càng đông khách hơn nữa. Ngoài tiệm may, bà còn mở một quán tạp hóa nhỏ, bán rau cải, nhất là gạo, thuốc lá, đưòng, sửa, đồ hộp… do Quân Tiếp Vụ bán cho quân nhân, nhưng được các vợ con lính nhượng lại cho bà khi họ cần đấu trí trên chíếu với… xệp, xòa và tứ sắc.

Bà giỏi giang, khéo léo, điều hành tiệm, quán cùng nuôi dạy đứa con gái còn nhỏ để ông rảnh tay lo việc nước, hành quân, ngăn chặn địch xâm nhập, đào đường, đặt mìn phá hoại an ninh, thu thuế trên địa bàn Quận. Sau những ngày đi tảo thanh gian khổ, về nhà không kịp thay nghỉ ngơi, ông lại tiếp tục sát cánh bên các các chiến hữu chiến đấu với các xị đế, đưa cay bằng các mồi đặc sãn: cá, lươn, chim, chuột, rùa… do các tà lọt cung cấp.

Những tưởng cuộc sống gia đình bà êm xuôi như mây trôi nước chảy dưới cầu, nếu không có một mùa Hè đỏ lửa do địch phát động đồng loạt vào năm 72. Trong một trận đụng độ ác liệt với địch có quân số đông gấp đôi, binh sĩ mang máy truyền tin cho ông lãnh nguyên trái B-40, ông bị thương nặng ở chân và mình đầy mãnh đạn. Sau 6 tháng nằm viện, ngực ông đỏ thêm 2 huy chương: Anh Dũng Bội Tinh và Chiến Thương Bội Tinh: trên cổ áo nở thêm một bông mai vàng nữa. Cuối năm, ông được Hội Đồng Giám Định Y Khoa ký Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển ông về đơn vị mới: trình diện Chỉ huy Trưởng tiệm may và quán tạp hóa ở trại Gia Binh của Quận. Chức vụ: đuổi gà cho vợ.

Bà Bảy vui mừng vì từ nay ông không còn xông pha lằn tên mũi đạn nữa, được sống an nhàn với vợ con thì đùng một cái, tháng Tư đen ập đến, nước mất, nhà tan. Ông bà cùng hàng triệu triệu người dân miền Nam bỗng chốc được trở thành dân vô sản chính cống bà Lang Trọc.

Tháng 6/75, nghe lời kêu gọi quân nhân, công chức đi tập trung cải tạo, ông hoang mang không biết có đi trình diện hay không, vì ông đã giãi ngũ và bị thương tật nữa. Lên hỏi Phường Đội thì được trả lời:

-Cứ chấp hành chính sách nhà nước cho tốt là được về ngay thôi!

Tin tưởng tuyệt đối, ông đi trình diện mà chẳng cần theo mang lương thực, quần áo, tiền bạc cho 10 ngày như đã thông báo, vì thế nào cũng về ngay mà lị!

Mà thật vậy. sau khi ông bị tống vào trại tập trung, chuyển từ trại này qua trại khác, ông được thả ra ngay … sau 3 năm 10 tháng 7 ngày!

Mang tấm thân tàn tạ, phù thủng, lết về gia đình, nhìn vợ con nheo nhóc, ông không còn nước mắt để khóc nữa, vì ông không biết vợ chồng, con cái ông, ai khổ hơn ai, “ai buồn hơn ai!”. Gia đình ông ,cũng như toàn miền Nam lúc ấy, đều ô tô ma tít trở thành thành viên u tú của Hội Tam Vô: không tài sãn, không nhà cửa, không nghề nghiệp, sống bên lề xã hội, bửa đói, bửa không no. Lây lất được vài năm, chịu hết xiết, ông tưởng, thay vì poncho bọc thây chốn sa trường, lại đành đọan bỏ mạng nơi ánh sáng đô thị phồn vinh thật sự . Ai dè, ông Trời có mắt, dòm xuống, thấy con cháu Rồng Tiên bị người anh em cùng máu mũ, đày đọa tả tơi, sống dở, chết dở. Hai hàng lệ rơi, Thượng Đế ra lệnh cho Thiên Lôi đi vận động hành lang ở “Oa Xing Tơng” cầu cứu Chú Sam, hãy đưa bàn tay lông lá ra cứu vớt những người bạn Đồng Minh cũ của những ngày xưa thân ái.

Một ngày đẹp trời, bầu đoàn thê tử gồm ông chồng bệnh, tật, bà vợ ốm yếu vì kiêng ăn nhiều năm, đứa con gái và thằng con trai lối 7 tuổi, thằng tí mà bà lảnh “rấp bên” khi ông đi tù về được hơn 9 tháng ; từ miền quê xa tít đâu miền Trèm Trẹm, vùng đất Mũi “muỗi kêu như sáo, đĩa lền như bánh canh” ; xách mấy túi đệm cà tàng, bước xuống một đất nước mà có nằm mơ cả thiên thu, họ cũng không hình dung đươc. Đang ngơ ngác, lo lắng nơi xứ lạ, quê người thì gia đình ông được một người đồng hương đến chào, chúc mừng gia đình đến nước Mỹ an toàn và mời lên xe để về nơi ở.

Sau nhiều năm ăn bờ, ngũ bụi, lần đầu tiên họ được ở trong một căn nhà đúng nghĩa, trang bị đầy đũ giường, nệm, gối, lại có sẵn TV, điện thoại và một tủ lạnh đầy thức ăn. Họ không cần phải lết bộ trên “ con đường quá độ” dài thăm thẳm, tối tăm, đầy xương máu và nước mắt, mà họ cũng đến được, rờ thấy được thiên đàng rồi.

Trong khi ông bà đang ngỡ ngàng, người hướng dẫn lăng xăng chỉ cho ông bà cách sử dụng TV, điện thoại, lò gas, bếp điện, lò vi ba, điều chỉnh máy điều hòa, sưởi ấm, phòng tắm và nhà vệ sinh…rồi xin phép ra về, hẹn gặp lại ngày mai.

Đêm ấy, trong khi mấy đứa con ngủ say sưa, hai vợ chồng lăn qua, trở lại, trằn trọc cả đêm, không biết họ phải thức để biết rằng đây là thật, chớ không phải trong mơ, hay là họ chưa quen với giường nệm, mềm quá, không ngủ được !

Sáng hôm sau, trong lúc đang ăn sáng với bánh mì hột gà ốp la và thịt nguội thì điện thoại reng, bên kia đầu dây xin hẹn giờ, đến chở gia đình đi làm thủ tục xin trợ cấp, số an sinh xã hội, tiền bệnh cho ông Bảy và giới thiệu trường cho hai con bà đi học ngày mai, chiều về ghé nhà thờ xin quần áo, nồi niêu, soong chảo, chén dĩa và thực phẩm... Bà Bảy lẩm bẩm: xứ gì mà kỳ quá hé? Việc gì cũng xin làm dùm cho mình, mất thì giờ, tốn xăng nhớt, mà chẳng mè nheo, hoạnh hẹ, nạt nộ gì cả! Chả bù nước mình, đồng bào mình….. Thôi, thà đừng nói, kẻo “ mỏi miệng cái da da” lại “đau lòng con quốc quốc!”

Một tháng sau, khi an cư tạm ổn, bà ngồi bàn với chồng về lạc nghiệp. Bà nhìn ông hồi lâu rồi nói:

-Ông nè! ở xứ này hết sợ kềm kẹp, chết đói hay lang thang, thiếu thuốc men,chửa bệnh tật nữa. Mình chỉ có hai con, ráng lo làm để tụi nó tốt nghiệp lớp 12, học được một nghề nghiệp vững chắc để phòng thân. Ông thấy có được không?

-Ờ, ờ, được đó bà !

Bà Bảy thở dài, nghĩ trong bụng: ”Hồi xưa cầm quân, khiển tướng, hơn 100 mạng người chớ ít đâu. Ông cũng oai lắm, hét ra lửa, lính xếp de, địch chạy te te! Vậy mà ở tù ra, yếu đuối lại tật nguyền, ông bị trầm cảm, ngủ ít, nhiều lúc tưởng còn trong tù nên thường hay mớ trong ác mộng, van xin lảm nhảm. Ông như con chim bị tên, thấy cành cây cong hay thẳng gì cũng sợ. Vì mặc cảm thua thiệt, ông ngại đến chỗ đông người, không chịu tiếp xúc với ai, chẳng chịu đi làm, từ chối cả việc đi học tiếng Anh. Cho nên trăm việc lớn nhỏ đều đổ lên đôi vai nhỏ bé của bà và bà biết sự thành bại của gia đình từ nay là do sự dấn thân của bà.

Muốn con cái tiếp tục con đường chữ nghĩa, bà phải làm gương trước. Bà thuộc loại hay nói. Chuyện gì cũng muốn tham gia, muốn biết: Bảy Thêm mà!; mà ở xứ người, không biết tiếng họ thì cũng như câm, như điếc. Bà không chấp nhận điều này. Thế là bà xin học lớp vỡ lòng ở Hội Việt Mỹ. Chịu khó lại khá thông minh, bà thấy học tiếng Anh chẳng khó như bà tưởng. Mấy tháng đầu, bà cố gắng nói chuyện với thầy bằng những từ đã học, thỉnh thoảng có chêm phụ đề Việt Ngữ. Lên lớp 3, bà có thể đàm thoại với thầy Mỹ, các nhân viên ở ngân hàng, bưu điện, siêu thị…. bằng tiếng N giọng M(ít). Nếu có ai nhăn mặt, nhíu mày hỏi what, what thì bà xổ thêm ngôn ngữ dấu (sign language) để cho hai bên đều OK, OK,Yes.Yes.

Hết 8 tháng trợ cấp, trường đòi học phí. Bà ghi tên học ở nhà thờ, tuy xa nhưng sách vở, giấy bút, tiền học đều miễn phí. Rồi sang một năm ESL ở trường Đại Học Cộng Đồng

Năng nổ và sáng dạ, hai năm theo nghiệp đèn sách đã giúp bà tự tin khi tiếp xúc với các đồng nghiệp và các xếp Mỹ, mà không cần đến động từ tu “quơ” hay tu “chỉ” nữa khi bà làm việc ở các work centers. Các bà Việt Nam làm chung, thán phục bà Bảy quá xá, thường gọi bà là “xí phụ”.

Nhóm của bà Bảy gồm 5, 6 người gì đó. Họ tình nguyện làm đệ tử của bà, vì bà có thể giúp họ rất nhiều việc, không như những ông chồng vô tích sự của họ: Những ông này chỉ có một sứ mạng duy nhất “đưa em sang đây “ là xong. Sau đó là sáng đi uống cà phê, trưa về đánh một giấc, chiều gặp nhau để nhậu, tối họp để bàn chuyện chính trị, khoa học, thể thao, kinh tế toàn cầu, và những dự tính vĩ đại trong tương lai, bàn bạc những bình lựng gia trên TV !!. Khi có trở ngại về đơn từ, trả bill, sử dụng máy ATM, mở trương mục ngân hàng, khiếu nại, làm đơn xin trợ cấp, foodstamps, housing. Các bà đều: -Ớ, bà Bảy ơi, là có mặt bà ngay!

Một bà có tật thắc mắc, hỏi bà Bảy:

-Bà Bảy ơi. Tôi thấy khi bà nói chuyện với ai bà cũng chấm dứt bằng câu “Du nô oát Ai min”.

-À, cái đó là “mầy có hiểu tao nói gì không?”. Nếu họ nói OK, thì tôi nói tiếp, bằng không, tôi tịt ngòi luôn.

Cả đám cười cái rần !

Bà Bảy thường lên lớp với bạn bè :

-Tụi mình đã sống sót qua thời kỳ khủng khiếp ở Việt Nam. Qua đây lại gặp giai đoạn khủng hoảng, nên tụi mình phải có kế hoạch khủng long để tiết kiệm đồng tiền ít oi của mình, nói theo người Mỹ là “kéo dài đồng Đô La của chúng ta“(stretch our dollar) vì còn phải giúp đỡ cha mẹ,anh em, bà con ở quê nhà nữa.

Kế hoạch “tăng thu, giãm chi, phát huy mua hàng free “ của Bà Bảy đem lại kết quả nhãn tiền là nhóm bà Bảy xài kem đánh răng, bàn chải, xà bông tắm,xà bông giặt, giấy vệ sinh, khăn giấy, thuốc cãm, kẹo ho, giấy bút, dao cạo râu, pin….. năm này qua năm khác mà không tốn một xu, vì họ chỉ trả bằng coupon cộng với khuyến mãi cash back thêm rebate cùng chương trình rewards và BOGO (Buy One Get One free- Mua một tặng một) của Staphes và các pharmacies CVS, Walgreens, Rite-Aids…. 

Mỗi bà trong nhóm đều có 2 cell phones. Một cái được 150 phút/tháng, do nhà thờ Safelink thân tặng, dùng để gọi về Việt Nam. Cái kia đến 250 phút/tháng, của tịnh thất Assurance kính biếu, để gọi trong nước Mỹ và Canada. Các bà xài không hết nên số phút càng ngày càng tích lũy đến gần cả ngàn phút trong một năm.

Mặc dù mua thực phẩm bằng thẻ foodstamps, nhưng bà thường chọn vỉ thịt bò, thịt heo có dán chữ “ special” để được bớt thêm 2 hay 3 đô nữa, vì đã gần hết hạn sử dụng. Mấy con bà hay cằn nhằn về việc hà tiện không đáng này. Bà nạt cho một trận:

-Ê, tụi bây quên là đã từng ăn cá ươn, thịt ôi, gạo mốc, hột vịt ung, khoai lang sùng… rồi hả? Mà lại khen ngon nữa chớ. Bây bỏ cái tật xảnh xẹ đó đi nhe con!

Từ đó chẳng ai, kể cả ông Bảy, dám có ý kiến nữa.

Sau một chầu ăn sáng với bún nước lèo Bạc Liêu vào ngày thứ Bảy đẹp trời của một mùa Hè nọ, bà Bảy tuyên bố:

-Các bà theo tôi. Có chuyện này hay lắm.

Tin tưởng tuyệt đối vào vị lãnh đạo anh minh, sáng suốt của mình, bà nào cũng “hồ hỡi, phấn khởi” hẳn lên mà không cần hỏi thêm gì nữa.

Cả đoàn lên xe điện ngầm rồi chuyển sang xe buýt nữa mới tới nơi. Đó là khu nhà giàu của dân Mỹ trắng . Nhà nào cũng vừa to vừa đẹp, sân trước là bải cỏ xanh rì, cắt xén thẳng thớm, chung quanh trồng nhiều loại hoa đẹp sặc sỡ trông rất bắt mắt.

Suốt con đường dài rợp bóng mát, sân nhà nào cũng bày ngổn ngang đủ thứ vật dụng thượng vàng hạ cám trên đời. Người mua, phần lớn là người cao niên, dân Đen, dân gốc Nam Mỹ, Đông Âu, Tàu, đang đi tới lui, mua bán rần rần.

-Bà Bảy ơi! Chợ trời hả? giống bên mình sau 75 quá -Một bà hỏi

-Chợ trời mà không phải chợ trời. Không giống bên mình đâu. –Bà Bảy trả lời, và chỉ vào 1 tấm bảng cạt tông lớn dựng dưới gốc cây có hàng chữ “Yard Sale”, nói thêm :

-Đây gọi là yard sale, có nơi gọi là garage sale hay tag sale hoặc moving sale, nếu họ sắp dọn nhà đi nơi khác. Đây là một nét văn hoá dễ thương của nước Mỹ và cũng là một cái thú giải trí của người Mỹ- Bà tằng hắng rồi nói tiếp:

-Vào mùa hè, họ thường dọn dẹp nhà cửa, đem tống khứ những thứ không cần dùng hay dư thừa. Thay vì bỏ rác hay tặng cho các Trung Tâm cứu trợ, họ mang ra bán rẽ, vừa vui, có dịp phơi nắng cho da dẻ đỏ như con tôm luộc.

-Mà ở đâu mà họ có nhiều thứ, nhiều loại vậy? Không xài thì mua làm gì?- Một bà thắc mắc.

-Họ có mua đâu. Đó là những quà tặng nhau trong các dịp lễ như Tạ Ơn, Giáng Sinh, Năm Mới, Phục Sinh và các ngày sinh nhật, các dịp baby showers, quà cưới, dịp lễ tốt nghiệp….., mà các bà biết không, người mua ở đây không phải chỉ có những người đi tìm đồ tốt, rẻ như tụi mình, mà còn có những tay đi săn đồ cổ, đóng bộ vận sang trọng, đi xe hơi xịn đến lùng sục, để thỉnh thoảng vớ được độc bình xưa, đồng tiền cổ, tranh của các danh họa, đồ gỗ của Châu Âu có giá trị….. thì họ vớ được vài ngàn, vài chục ngàn đô như chơi.

Nhóm bà Bảy đi một vòng trong khu phố, mân mê các đồ bày trên cỏ. Mỗi thứ đều có ghi giá tiền. Trời, các bà không tin vào mắt mình được. Món nào mắc nhất cũng chỉ 5 đô, như bàn máy may có cả thùng, máy đánh trứng, microwave, máy nướng… còn lại thì từ 10 xu, 50 xu đến 1 đô thôi. Đông nhất là chỗ đống quần áo, giày dép, dầu thơm, khăn tắm, drap giưòng … toàn là đồ hiệu, có cái đã giặt rồi, có cái còn nguyên trong bao, có cái còn nhãn, giá tiền tòn teng. Đầu máy DVD còn trong thùng chưa mở, nồi cơm điện, máy pha cà phê capuccino, nồi slowcook, nồi áp suất, máy sinh tố, mền điện, dao cạo điện, máy sưởi cá nhân, máy ảnh digital, máy sấy tóc…. đủ thứ trên đời, để cho mọi người tha hồ lựa chọn. Bà Bảy và các bạn vừa đi gom hàng vừa nói:

-Mình đi yardsale suốt mùa Hè thì mình không cần đến Macys, Sears, Home Depot, Best Buy, Walmart, BJ.…nữa, và bái bai luôn các cửa hàng Good Will, Salvation Army, Building 19 (hệ thống cửa hàng chuyên bán đồ rẻ)…., mà vẫn có mọi thứ mình từng ước ao, với giá “vừa chưởi vừa rao cũng đắt hàng”.

Dòm đồng hồ đeo tay hiệu Gucci vừa mới mua giá 1 đô, bà Bảy la lên:

-Tròi! một giờ mấy rồi, may là sáng nay quất 2 tô bún nước lèo, không thì chịu sao nỗi, mà lại quên đi lễ rồi!. Thôi, -bà chặc lưỡi- mai sáng đi cũng được. Bà móc phone gọi cho ông chồng đem xe đến chở chiến lợi phẩm về.

Vừa xuống xe, ông Bảy hết hồn thấy bà xã đứng bên đống đồ ngồn ngộn:

-Bà tính mở cửa tiệm bán đồ cũ hả? Lại có chiếc xe đạp nữa.

- Ông biết gi mà nói. Đồ đạc ở nhà xài đã năm, bảy năm rồi. Tôi mua đồ mới xài cho sướng, có dư thì đem về Việt Nam cho bà con, chòm xóm. Còn chiếc xe đạp để tôi đi chợ và chiều chiều ông chạy vòng vòng tập thể dục. Ông cứ ru rú ngồi một mình ở nhà, không chịu làm gi hết, kẻo tẩu hoả nhập ma, tôi bỏ ông luôn đó. Nghe hù dọa, nhớ đến ngày còn trong tù, ông im re!

Bạn bè đến nhà bà chơi, thấy phòng khách nhà bà nhỏ xíu mà chưng một cái TV LCD mới cáo hiệu Westinghouse 46 in., khen bà chơi sang. Bà nói không dám đâu và kể chuyện bà đi mua TV ra sao

-Mấy bà biết không, ngay sau ngày Lễ Tạ Ơn, tất cả các cửa hàng, cửa hiệu, tiệm nào có một chiêu khuyến mãi độc đáo vào một ngày thứ Sáu duy nhất, họ gọi là Thứ Sáu Đen.- Một bà ăn cơm hớt, chận lại hỏi:

-Giống như tháng Tư đen của mình không?

Nguýt một cái dài cả thước, bà Bảy xua tay :

-Bà này vô duyên dễ sợ! Dẹp bà đi. Tháng Tư đen là mạt vận,tù đày. Thứ Sáu đen là dịp may ít có ! –Bà nói tiếp:

-Một số mặt hàng chọn lọc và có số lượng hạn chế được họ giãm giá đến 70, 80, hay đến 90% và tiệm chỉ mở cửa vào 2, 3 giờ sáng. Tôi đã chiếp cái TV này lâu rồi, mà không mua nổi, dịp này tôi phải chốp cho bằng được. Muốn mua rẽ, phải sắp hàng rồng rắn dài hơn đi mua nhu yếu phẩm hồi năm nẵm, nên tôi chuẩn bị rất cẩn thận.

- Mà bà chuẩn bị ra sao? Cả đám nhao nhao lên hỏi.

-Tôi trang bị một cái ghế nằm,một MP3, áo lạnh, một bình cà phê, một bình trà và một bánh pizza tổ chảng để……….đưa ổng ra Best Buy giữ chổ từ 10 giờ khuya hôm trước, vậy mà đã có lố nhố người chờ sẵn rồi..

- Mà ổng có khiếu nại,phản đối gì không? - Mấy bà thắc mắc hỏi nữa.

-Đời nào. Mà ông mừng muốn chết vì lâu lâu có việc để làm. Tôi ra thế ổng trước giờ mở cửa 15 phút. Cửa vừa mới hé là tôi chen vào liền. Nhờ nhỏ con, tôi lọt vào được, suýt bị đè đẹp ruột! Đã định sẵn, tôi nhào đến chụp cái TV cuối cùng, giành giựt với một thằng Mỹ đen to lớn, đang định lấy. Tôi thấy thua trước mắt, tức quá, tôi liền la lớn lên “Ái! ái! ái! “, và chưởi nó bằng tiếng Đan mạch, biểu “buông ra, buông ra”.

-Ủa, bà học tiếng ngoại quốc đó hồi nào dzậy? Một bà nhảy vào họng bà Bảy.

Bà Bảy quay lại, lườm bà ta một hồi rồi chẫm rãi nói :

-Có ai nói là bà vừa vô duyên vừa dốt không? Rồi bà tiếp

-Mọi người đang ráo riết săn hàng, vội ngừng lại và nhìn tôi và thằng Mỹ đen, xem việc gi đang xảy ra.

-Rồi sao nữa? Nói tiếp đi bà Bảy. cả đám hối

-Tôi cương quyết không buông cái TV ra. Còn thằng đen, thấy thiên hạ nhìn nó trân trân vì đang ăn thua với người đàn bà nhỏ con, có lẽ hơi quê. Có thể nó lại sợ cảnh sát ghép tội hành hung hay lạm dụng tình dục bà già, nên nó tiu nghỉu bỏ tay ra. Tôi ngã ngược, té ngồi cái bịt, đau điếng, lại bị cái TV to đùng đè lên trên, la làng, nhưng cương quyết không rời cái TV. Thằng Mỹ thấy tình hình nghiêm trọng, sợ tôi chết bất tử, sẽ bị kết tội sát nhân cấp 2 (không cố ý), vội vàng vọt ra ngoài, chạy mất. Bảo vệ phải đở tui lên, đem cái TV đến quầy tính tiền, và tôi trả chỉ lối 100 đô thôi.

Ai đến thăm, đều được bà mời uống rượu chát tự làm. Ai cũng công nhận rượu vang bà Bảy ngon, ngọt và thơm, không đắng như rượu chai. Khách khen khéo bà Bảy bây gìờ biết thưởng thức hàng ngoại. Bà giải thích lý do :

-Bây giờ mình đã lớn tuổi rồi nên ăn uống khó tiêu, chất bổ ít hấp thụ. Mình cần uống ít rượu nho trong buổi cơm để bồi bổ sức khỏe và dễ tiêu hoá, và có thể chửa được một số bệnh. Mà làm rượu dễ và rẻ gấp mười lần rượu mua. Dưới phố có chợ nông phẩm, mở cửa 2 ngày trong tuần. Ngày đầu, nho bán 1đô/pound. Đến chiều ngày thứ hai, gần dẹp chợ, tôi mua nho xanh, đỏ, đen, vàng… loại vụn, dập, còn dư lại, giá 1 đô/1 thùng/ 10 pounds. Chỉ cần bóp nát nho ra, trộn với đường, lối tháng sau là có 5 lít rượu chát, vừa bổ, vừa rẻ,vừa lành lại ngon không kém nữa rượu vang của vùng Bordeaux hay Napa Valley.

Trong lúc chén chị, chén em, một bà hỏi:

-Nghe nói chị mới về Việt Nam tháng trước phải không?

-Ờ, ờ, có. Đi 7,8 năm rồi. Nhớ gia đình, chòm xóm, nên tôi và ổng về cách đây 2 tháng.

-Có gì vui và lạ không, bà Bảy?

-Vui lắm, lạ lắm, mà buồn lắm! Bà thở dài

-Sao kỳ dzậy? Vui mà buồn là sao?

-Vui là được trở về quê hương, đất nước mình. Gặp lại cha mẹ, anh chị em, bạn bè từ thuở nhỏ. Được ngủ nhà tranh vách lá, ăn miếng bầu mới hái, luộc chấm cá rô con kho quẹt và ba khía…, ngon ơi là ngon. Còn buồn là dân trong ấp vẫn vũ như cẩn, được nằm trong diện “xóa đói, giảm nghèo, cần quần áo lành lặn, thiếu nhà thương, cần nhà trường “ và biểu diễn xiếc qua sông, rạch trên những chiếc “cầu tre lắc lẻo gập ghềnh dễ... té xuống sông !” .

-Mà bà có quà cáp cho bà con, hàng xóm không?.

-Sao không. Tội lắm mấy bà ơi! Tôi cho đều hết trong ấp, gần 50 gia đình. Ai cũng vài bộ quần áo và một gói chocolat hiệu M&M hay Hershey loại 1 pound đó. Họ mừng hết biết.

-Chà bà Bảy chơi sang thật, Tốn bộn xu hả?

-Đâu có tốt nhiều đâu. Mấy bà biết không, sau mỗi kỳ lễ lớn như Phục Sinh, Tạ Ơn, Giáng Sinh. Năm mới… lối 2 ngày, các pharmacies ở đây thường giãm giá đến 75% cho các loại chocolat đặc biệt bán chưa hết. Tôi chưa mua đâu. Đợi đến 4, 5 ngày nữa, họ chuẩn bị trưng bày hàng mới, bán tống tháo hàng cũ với giá chỉ còn 10% thôi. Lúc đó, có bao nhiêu tôi gom hết, vì mỗi gói chỉ còn giá 29.9 xu thôi.

Bà thở dài rồi tiếp :

-Ông bà hay nói nhà cửa. Nhưng “ cái được gọi là nhà” của một số người trong xóm mình chẳng có cửa nẻo gì cả . Tội nghiệp quá !

--Rồi ăn trộm vô lấy đồ hết sao?

- Ăn cắp chén bể và muỗng gảy hả?- Cũng bà nữa, vừa dốt lại vừa ngu !

-Tôi cầm lòng không đậu, mua cho mỗi nhà một phần quà gồm 5 ký gạo, 1 thùng mì gói, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm, 1 chai nước tương, 1 hủ chao và ½ ký bột ngọt. Chẳng nhiều nhỏi gì, vậy mà họ khóc thút thít khi nhận phần quà và cám ơn hoài! Có ai nói là giúp người nghèo khó cũng như đi chùa cầu Phật vậy. Không biết có đúng không, nhưng tôi thấy vui khi làm được việc thiện .

Còn thành tích mà bà Bảy hãnh diện kể đi kể lại không biết mệt cho bất cứ bạn bè, thân hay sơ, là hành trình bà đi thi quốc tịch.

- Các bà biết không? -Chuyện nào bà cũng bắt đầu như thế-. Mấy thằng Dịch Vụ mắc dịch, ăn gì thất nhơn thất đức. Tôi hỏi tụi nó về mẫu N-400 cùng đĩa và bài học thi quốc tịch, tụi nó đòi 100 đô. Nếu làm từ A đến Z, điền giấy tờ, gà bài, dẫn đi thi…thì đòi 2000 đô.Thấy mắc quá, tôi de.

Rồi tôi cũng hỏi thăm, lần mò tìm được văn phòng của ICE ở dưới phố để lấy mẫu N-400, sách câu hỏi và đĩa, hoàn toàn miễn phí.

-Cơ quan gì mà tên ICE, giống như nước đá vậy?- Một bà thắc mắc

-Đó là cơ quan nhập cư và quan thuế của Mỹ. Đúng rồi nó có nghĩa là nước đá, vì nhân viên ở đó có bộ mặt lạnh như băng: hỏi không muốn nói, viết thơ không trả lời, fax, email không hồi âm, điện thoại không bắt máy! Khi nào cần, họ mới liên lạc với mình thôi .

Một tuần lễ sau, tôi mới điền xong mẫu xin thi quốc tịch, kèm money order, tôi gởi bảo đãm cho cơ quan ICE ngay. Hễ rảnh là tôi học, nghe đi nghe lại các câu hỏi để quen tai và tập trả lời theo sách. Tôi cũng có đi hỏi kinh nghiệm của bạn bè đã đi thi, ghi những câu họ thường hỏi . Được hai tháng, tôi được gọi đi lăn tay và lấy hẹn ngày phỏng vấn.

Đến hẹn lại lên, tôi chuẩn bị từ sáng sớm, chọn chiếc áo dài màu xanh lơ duyên dáng, cổ choàng chiếc khăn mỏng, tóc bới cao, xỏ đôi guốc sơn mang từ Việt Nam sang, đến nơi thật sớm và tự tin mình sẽ thành công.

Tôi giật mình khi nghe gọi tên, vội vã đứng lên, đến trước mặt người phỏng vấn, cười tươi như hoa và thỏ thẻ: “ Heo lô.. ô.. ô. Hao a dú “?. Người phỏng vấn ; một người Mỷ trắng trung niên, có vẽ hiền từ ; nhìn tôi từ đầu đến chân. Có lẽ “dáng đứng Bến Tre, đầu tóc búi, tay cầm nón lá ” của tôi gây ấn tượng mạnh với ông ta.

Sau thủ tục tuyên thệ, ông ta bắt đầu hỏi . Tôi mừng quá vì toàn các câu trúng tủ như: Tổng Thống đầu tiên tên gì? cờ Mỹ có bao nhiêu ngôi sao? Tại sao thế? Tên Thượng Nghĩ Sĩ của Tiểu Bang bà? Tôi đều trả lời dễ dàng.

Ông Mỹ gật gật đầu, hỏi tiếp :

-Tên Tổng Thống hiện nay của nước Mỹ?

Tôi vọt miệng trả lời không suy nghĩ :

-Osama !

- What? Osama?- Ông nhướng mày, nhìn tôi hỏi.

Hết hồn, tôi lấy lại bình tĩnh, nói nhanh:

- So ri, so ri. Obama, Obama!!

Ông ta vừa cười vừa nói: OK, OK. Good!, và bây giờ tôi hỏi bà câu cuối cùng nhé.

-John Hancock là ai?

Tôi thật sự bối rối vì tôi không nhớ câu trả lời này. Đang cầm chắc thất bại trong tay, tôi nhìn quanh quất ra ngoài cửa sổ, cố nhớ ông này là ai, thì tôi trông thấy tòa nhà bằng kính, hình chữ nhựt, màu xanh, cao nhất thành phố ở đàng xa. Tôi biết tòa nhà đó tên Hancock Tower, vì tôi có đến thăm một lần. Bí quá tôi nói đại:

-Ông Hancock là boss của building đó!

Im lặng một lát, ông Mỹ bật cười rũ rượi đến nỗi phải lấy khăn giấy che miệng lại. Tôi đang thất vọng thì ông ta không biết nghĩ sao, lại nói:

-Bây giờ bà viết cho tôi một câu tiếng Anh đi.

Được lời như bắt được vàng, tôi viết ngay câu đã chuẩn bị sẵn: “Tôi là người Mỹ, tôi yêu nước Mỹ.” Đứng lên cái rẹt, ông ta đưa tay ra và nói:

-Chúc mừng bà! Mời bà ra ngoài chờ lấy giấy đi tuyên thệ.

Tôi nắm chặt tay ông Mỹ, lúc lắc và nói “Thank you” không biết bao nhiêu lần .

Ông tiển tôi ra cửa bằng câu:

-Youre funny !

Đứng trong rừng người trắng, xanh, vàng, đỏ, đen, nâu…, của nồi “xà bần”(melting pot) nước Mỹ,đang vẫy cờ “sao và sọc” trong ngày tuyên thệ làm công dân nước Mỹ, bà Bảy cảm động không nói nên lời bên cạnh chồng và hai con. Giấc mơ bé nhỏ của gia đình bà đã thành công: chịu khó,chịu thương, chung thủy với chồng trong cơn hoạn nạn, nuôi dạy hai con nên người nơi xứ lạ quê người.Biết liệu cơm gắp mắm, cần kiệm trong một xã hội khuyến khích tiêu xài, nên bà có điều kiện giúp đỡ gia đình và chòm xóm ở quê nhà.

Bà Bảy có thể là điển hình của một người đàn bà Việt Nam truyền thống đủ tam tòng, tứ đức, và đẹp, về vật chất cũng như tinh thần. 

Kông Li

Ý kiến bạn đọc
12/04/201221:12:23
Khách
Chuyện hay và vui lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,250,504
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến