Hôm nay,  

Ngân Hà… Nối Một Nhịp Cầu

09/03/201200:00:00(Xem: 209947)
Bài số 3504-12-289554vb6030912

Tác giả đã có dịp cùng người thân dự sinh hoạt Viết Về Nước Mỹ từ lâu nhưng chỉ mới góp bài từ năm thứ 11 của giải thưởng. Bài viết thứ tư của Ý Thảo là một chuyện tình từ thời học trò Sài gòn-Đà Lạt tới nước Mỹ thế kỷ 21.

***

Nhìn lá thư gởi cho Yên Thi bị trả về, Hồng Mai lẩm bẩm:
- Con khỉ này lại dọn nhà. Tội nghiệp con bé, bị kẹt lại sau 75, chờ đến tuổi sắp về hưu rồi mới sang được bên này, bây giờ vướng vào nghề nails, lại phải chạy đôn chạy đáo khắp mọi tiểu bang để tìm tiền gởi về quê nhà giúp gia đình. Nó biết mình chết dí ở góc trời này, chẳng chạy đi đâu được nên cứ y như mọi lần, dọn nhà nó cũng chẳng thèm báo cho mình một tiếng, cho tới khi nó an cư rồi mới cho hay.
Cầm cả chồng thư Hồng Mai đi lại mái hiên sau nhà, ngồi xuống chiếc ghế xích đu. Nàng lướt nhanh qua những lá thư quảng cáo, những cái bills, rồi cuối cùng lật trở lại lá thư của Yên Thi. Nàng mân mê lá thư, lòng chợt dâng lên một nỗi buồn man mác, xót xa. Hồng Mai liên tưởng đến một lá thư nàng đang ép kín trong một ngăn tủ đầu giường, lá thư còn dán kín, đã được nàng nâng niu, gìn giữ từ ngày nào…

*

Ngày ấy, Hồng Mai cũng như nhiều cô cậu học trò mới lớn, thích mơ mộng, viết văn, làm thơ, tham gia vào bích báo của lớp, đặc san của trường và những tờ báo tuổi hoa, thiếu nhi. Nàng lấy bút hiệu là Y Thảo. Bạn bè của nàng hay dùng tên này để gọi nàng, ngay cả những lúc đấu láo với nhau. Bố mẹ và các em của Hồng Mai cũng biết đây là bút hiệu của nàng nên cũng không thắc mắc gì. Tên Hồng Mai hình như chỉ được xử dụng ở trong lớp, còn ở nhà thì mọi người đều gọi Hồng Mai là Bé.
Tuổi học trò thơ mộng của nàng hình như rộn ràng hơn khi cô bé lớp mười nhận được lá thư làm quen của Bảo Châu, người của phố núi mù sương. Thư chuyển đến Hồng Mai qua nhà báo, ghi địa chỉ từ một hộp thư của bưu điện Đà Lạt. Chỉ nghe đến người của phố núi là Hồng Mai thấy thích ngay, vì ấn tượng Đà Lạt đẹp, thơ mộng còn in đậm trong tâm trí của nàng.
Hồng Mai còn nhớ, bố mẹ đã đưa gia đình lên du lịch Đà Lạt một tuần nhân dịp mừng ngày kỷ niệm lễ thành hôn thứ hai mươi lăm của dì Hương, bạn thân của bố mẹ. Hồng Mai thật thích cái không khí mát lạnh, trong lành của Đà Lạt. Dì Hương đưa cả nhà đi dạo hồ Xuân Hương, vườn Bích Câu, hồ Than Thở, chùa Linh Sơn, Thung Lũng Tình Yêu v.v… Trong chuyến du lịch ấy, dì Hương có dẫn gia đình Hồng Mai đi thăm một vườn phong lan ở vùng ngọai ô Đà Lạt. Vườn hoa nhỏ nhưng có nhiều lọai hoa lan mang những cái tên thật đặc biệt: Long Tu, Nhất Điểm Hồng, Bạch Địêp, Dã Hạc, Giáng Hương, Ngọc Điểm, Y Thảo… Trong số những cái tên này, Hồng Mai thích nhất là cái tên Y Thảo, nàng nói với mẹ:
- Bé thích tên Y Thảo, bé sẽ lấy tên này làm bút hiệu.
Và cái tên Y Thảo trở thành bút hiệu của Hồng Mai từ đó.
Thư làm quen của người phố núi gợi lại cho nàng cái kỷ niệm khó quên này. Bảo Châu cho biết tình cờ đọc một truyện ngắn do Y Thảo viết. Thấy cái tên Y Thảo quen thuộc với lòai hoa Bảo Châu có trong vườn nên Bảo Châu mong muốn được làm quen với người cùng tên với hoa. Nét bút của Bảo Châu bay bướm, lời thư nhẹ nhàng, dễ thương, Hồng Mai đọc xong là tức tốc trả lời thư cho Bảo Châu ngay.
Từ đó, Hồng Mai và Bảo Châu thường xuyên viết thư cho nhau. Bảo Châu hay kể cho Hồng Mai nghe về những phong cảnh mới lạ, những thay đổi của khung trời phố núi. Những hình ảnh ấy trở thành quen thuộc đến nỗi Hồng Mai cứ tưởng tượng như mình đang sống ở Đà Lạt và đang cùng Bảo Châu đang dạo chơi phố núi.
Bảo Châu học hơn nàng hai lớp. Năm nàng lên lớp 11, thì Bảo Châu đã vào năm thứ nhất - Nhập Môn - của trường Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại Học Đà Lạt. Năm Bảo Châu học năm thứ hai - Khái Luận -, thì Hồng Mai đang học năm cuối cùng của bậc trung học. Bảo Châu rủ Hồng Mai thi tú tài xong rồi lên Đà Lạt học cùng trường với Bảo Châu cho vui. Hồng Mai gợi ý với bố mẹ, thì mẹ ừ còn bố thì bảo nàng nên đi du học. Bố muốn nàng đi sang Đức vì Hồng Mai có một người anh họ cũng đang du học tại đấy. Hồng Mai chỉ biết dạ vâng cho qua chuyện, vì nàng nghĩ còn cả năm nữa mà lo làm gì cho mệt. Tuy nhiên nàng vẫn ao ước nếu được lên Đà Lạt để học với Bảo Châu có lẽ vui hơn là đi du học nơi xứ lạ quê người. Tự dưng Hồng Mai có ý nghĩ là xin Bảo Châu một tấm ảnh để xem người bạn trong thư này xinh đẹp tới đâu. Nàng viết cho Bảo Châu:
“Bảo Châu ơi, chúng mình quen nhau hai năm rồi đấy, thời gian qua nhanh quá Bảo Châu ạ. Nhớ đến Bảo Châu và những lá thư Bảo Châu tả cảnh cùng đời sống ở Đà Lạt là YT tưởng tượng như chúng mình đang quanh quẩn bên nhau trong khung trời phố núi. Đà Lạt của Bảo Châu bây giờ cũng là của YT rồi đó. YT chợt nhớ là mình chưa gởi cho nhau một một tấm ảnh nào cả, nếu lỡ YT có dịp đi thăm Đà Lạt, gặp Bảo Châu ở ngòai phố thì cũng không biết là Bảo Châu. Gởi cho YT một tấm hình của Bảo Châu nhé. Thương mến. YT.”
Bảo Châu viết trả lời:
“Y Thảo ơi, hình BC í ẹ lắm, Y Thảo nhìn xong là nhăn mặt và thất vọng ngay. Bao lần BC muốn gởi cho Y Thảo rồi đấy, nhưng ngại quá. Thân mến. BC.”
Hồng Mai suy nghĩ:
- Thôi mình gởi hình của mình cho Bảo Châu trước, thì chắc Bảo Châu không có cớ gì mà không gởi hình của Bảo Châu cho mình.
Hồng Mai lấy tấm hình của mình đã chụp trong dịp đi chơi ở vườn Tao Đàn mấy tháng trước với Yên Thi và mấy đứa bạn để gởi cho Bảo Châu.
Hồng Mai viết:
“Bảo Châu ơi, hình của YT đây chắc í ẹ hơn Bảo Châu nhiều, xem xong, đêm ngủ chắc Bảo Châu sẽ bị giật mình đấy. Thây kệ, YT chỉ muốn một ngày nào đó, gió có thổi YT bay về phố núi thì cũng có một người nhận ra mình. YT chẳng muốn lang thang phố núi một mình mà thiếu Bảo Châu bên cạnh đâu. Bây giờ thì không ngại gởi hình cho YT rồi nhá. Thương mến. YT”
Hơn một tuần sau, Hồng Mai nhận được thư của Bảo Châu. Phong thư có vẻ cứng cáp. Rọc nhanh phong thư, một tấm ảnh rơi ra. Tim Hồng Mai đập mạnh khi nhìn thấy tấm ảnh. Hoàng Bảo Châu, người mà nàng quen đây ư? Quả thật ngòai trí tưởng tượng của nàng. Thư Bảo Châu ngắn gọn mấy hàng:
“Y Thảo thân mến, bây giờ thì Y Thảo biết tại sao BC ngại gởi hình cho Y Thảo rồi chứ? BC thành thật muốn làm quen với Y Thảo. Hơn hai năm qua BC rất trân quí tình bạn của chúng ta. Xin đừng buồn, giận mà bỏ mặc phố núi quạnh hiu nha Y Thảo. Mong tin. BC.”
Hồng Mai hấp tấp bỏ thư và hình vào phong bì, nàng nghĩ - phải nói chuyện với Yên Thi mới được!- Hồng Mai chạy nhanh xuống nhà, xin phép mẹ qua nhà Yên Thi. Vừa gặp bạn, nàng kéo Yên Thi chạy thẳng vào phòng của nó ngay.
- Con khỉ, mày bị ma rượt sao mà hấp ta hấp tấp quá dzậy?
- Ừ! vào đây tao cho mày xem cái này là mày biết ngay.
Con bé xem thư và hình xong rồi cười một cách thoải mái:
- Nhìn hình cũng được đó chứ. Không đẹp trai mấy, nhưng mũi cao, mắt đẹp, tóc lãng tử bồng bềnh. Không 10/10 nhưng chắc cũng được 7, 8. Mày chê hắn thì giới thiệu cho tao nha.
Hồng Mai nhéo nhẹ tay Yên Thi vờ mắng:
- Con khỉ, dzô dzuyên, có nói chuyện đàng hòang một chút được không?
Yên Thi xít xoa:
- Ui da đau! Ừ, thì mày lầm tưởng chàng là nàng, như ngày xưa Hoa Mộc Lan bị người mình yêu lầm tưởng là trai. Dzậy mà cuối cùng cả hai đều vui vẻ xây tổ uyên ương.
- Nhưng tao tưng tức vì có cảm tưởng là bị lừa… 
Yên Thi hỏi:
- Thế có bao giờ mày hỏi hắn là gái hay trai không?
Hồng Mai lắc đầu, ừ há, thấy tên Bảo Châu là nàng nghĩ là Bảo Châu là con gái, bởi vậy nên nàng đâu có hỏi làm gì. Nghĩ đến đây nàng cũng nguôi ngoai cơn buồn giận, cũng thấy áy náy vì Hồng Mai cũng đâu có cho “hắn” biết tên thật của mình!
- Lo lắng gì, đừng quên ông anh họ của tao còn đang mong đợi tiếng ừ của mày đó nha. Thôi thì giới thiệu Bảo Châu cho tao đi. Còn mày thì làm chị dâu họ của tao cho xong.
Trên đường về nhà, Hồng Mai chẳng bận tâm đến lời bạn vừa nói. Hình như một chút gió mát của phố núi đang len lén thổi vào cái nóng oi ả của Sài Gòn. Nàng nhủ thầm - thôi để vài hôm nữa hãy tính.
Hai tuần lễ qua, Hồng Mai chẳng thèm hồi âm cho “hắn”. Quả thật nàng cũng không biết viết gì để đáp lại thư Bảo Châu nữa. Cho tới khi nhận thêm thấy phong thư khá dầy của Bảo Châu:
“Y Thảo ơi, còn hờn giận BC phải không? Chờ thư hồi âm của Y Thảo mà không nhận được, làm lòng BC rối như tơ vò. BC ăn ngủ không yên, mẹ quở là dạo này BC như người mất hồn. Phố núi hình như cũng đang lo lắng giùm cho BC đấy, tháng Mười mà mây xám giăng ngập bầu trời. Giận BC một tị thôi nhé. BC gởi cho Y Thảo mấy tấm hình BC đã chụp ở trong vườn của BC. Xem hình xong là trả lời thư cho BC ngay. Mong tin. BC”
Hồng Mai dở từng tấm hình. Tấm hình đầu chụp một căn nhà xinh xinh nằm trên một sườn đồi, chung quanh thật nhiều cây ăn trái: ổi, mận, đào, cây đào, trà… xanh tươi. Tấm thứ hai, một cái cổng nho nhỏ trên có gắn tấm bảng gắn chữ Y Thảo, nét chữ thon gọn, xinh ơi là xinh! Sau lưng tấm hình Bảo Châu viết “BC một mình tự cưa gỗ, làm lấy đó, không biết có đẹp và vừa lòng của Y Thảo không?” Tấm hình thứ ba là hình chụp cảnh vườn Y Thảo, vườn hoa lan mà Bảo Châu bảo đã tốn rất nhiều công sưu tập. Sau bức hình có ghi “vườn phong lan của Y Thảo”. 
Những hình còn lại là hình Bảo Châu chụp những chậu hoa phong lan trong vườn Y Thảo, những chậu hoa phong lan có những những bông hoa đẹp đang khoe màu trong nắng, những cánh phong lan lạ với những hình dáng khác nhau.
Nhìn hình mà trong lòng Hồng Mai tràn ngập những rung động ngọt ngào êm ái. Nàng đưa cho Yên Thi xem thư và xấp hình của Bảo Châu, con nhỏ hét lên:
- Trời ơi, tình quá, thơ mộng quá nha! Té ra chàng đã có tình ?ý với nàng từ khuya rồi. Quả là: - “tình trong tuy đã nhưng ngoài còn e…” Còn chần chờ gì nữa mà không hồi âm cho chàng?
Tối hôm ấy Hồng Mai lấy giấy bút ra nắn nót viết:
“Bảo Châu ơi, cả hai tuần nay YT ấm ức trong lòng, giận Bảo Châu nhiều nhiều lắm. YT muốn khóc để ngập hết phố thị mù sương đấy. Ai bảo không bật mí sớm với người ta. Bây giờ nhận được thư và hình Bảo Châu gởi đến YT chỉ còn giận một tí xíu nữa thôi. Nếu YT không xin hình thì đến bao giờ Bảo Châu mới cho YT biết đây? Ghét Bảo Châu ghê đi! Yên Thi thì bảo nếu ghét Bảo Châu thì giới thiệu Bảo Châu cho nó đi. Y Thảo còn đang suy nghĩ đó. Chắc Bảo Châu sẽ vui khi quen thêm được một người mới ha? YT”
Nàng nhận được thư hồi âm của Bảo Châu:
“Phố núi hôm nay đẹp tuỵêt vời, trời thật xanh, mây xám đã đổi mầu, BC thấy hình như là màu hồng rực rỡ thì phải. Những đóa hoa phong lan trong vườn “Y Thảo” cũng xinh tươi hơn và ngào ngạt hương thơm. Đọc thư của Y Thảo xong là BC muốn chắp cánh bay vào Sài Gòn ngay cầm tay Y Thảo để nói thêm lời cảm ơn và tạ lỗi.
Y Thảo ơi, BC đã làm khung ảnh và gắn hình Y Thảo vào rồi đó. BC để ở bàn học để mỗi khi ngồi học có thể ngắm nhìn Y Thảo dễ thương, có nụ cười thật tươi - và chẳng bao giờ giận BC! Cám ơn hảo ý của Yên Thi hộ BC nhé. Khung ảnh của BC làm bây giờ đã có người ngự trị mất rồi!
Muôn ngàn lời muốn viết, BC sẽ nhắn với mây trời chuyển đến cho Y Thảo mỗi ngày nha. BC.”
Thư qua, thư lại giữa Hồng Mai và Bảo Châu vẫn đầy ắp những vui buồn của tuổi học trò cộng thêm một chút nhớ nhung âu yếm, nhưng cả hai vẫn không dám sao lãng việc học hành. Bảo Châu báo cho biết là chàng vừa đậu kỳ thi cuối năm để lên năm thứ III- Nhiệm Ý - Y Thảo viết thư chúc mừng Bảo Châu và tự hứa với mình là sẽ cố gắng chuyên cần hơn để không thua kém Bảo Châu.
Tất cả những cố gắng của nàng đã đựơc đền bù, Hồng Mai đã đậu kỳ thi tú tài một cách dễ dàng. Bố mẹ thấy con đậu hạng “Ưu” cũng vui không bút mực nào tả xiết.
Hồng Mai viết thư báo tin vui cho Bảo Châu ngay. Bảo Châu hỏi nàng có còn muốn lên Đà Lạt học chung trường với Bảo Châu không, chàng sẽ lên văn phòng lấy giấy tờ gửi xuống Sài Gòn để Hồng Mai làm đơn xin học. Hồng Mai lén bố, nộp đơn xin vào Viện Đại Học Đà Lạt. Nhưng khi nhận được giấy báo từ Viện Đại Học gửi về, Hồng Mai đưa cho bố xem và mở lời xin bố cho lên Đà Lạt học thì Bố dứt khoát nói đã lo giấy tờ cho Hồng Mai đi du học ở Đức, chỉ bổ túc giấy chứng nhận thi đậu nữa là xong. 
Và rồi, một buổi chiều, Hồng Mai vừa về đến nhà thì hai em của nàng đã tíu tít khoe:
- Chị bé có giấy tờ đi du học rồi. Ngày mai cả nhà sẽ đi thăm ngoại để cho chị chào bà ngọai trước khi đi. Mẹ đang đi mua quà cho bà ngọai, chị vào lo xếp quần áo đi, cả nhà mình đi tới thứ Hai mới về lận.
Nghe tin được đi chơi mà lòng nàng quặn thắt. Hồng Mai chạy về phòng. Lá thư báo ngày thi vào Đại Học Đà Lạt vẫn còn nằm im trong một góc bàn.

*

Đứng trên phà qua Bắc Mỹ Thuận, nghĩ đến ngày phải ra đi, xa gia đình, bạn bè, quê hương và xa Bảo Châu nàng lại muốn khóc. Nhưng Hồng Mai phải cố gắng kềm giữ nước mắt vì có nhiều người lạ trên phà.
Khỏang cách Sài Gòn - Cần Thơ không xa, chỉ chừng 170 Km, nhưng xe cộ nhiều phải chờ đợi phà qua sông, cho nên khi về tới nhà ngọai đã xế chiều. Mẹ phụ bà ngoại và dì út nấu cơm ăn tối. Bố ngồi uống trà với dượng út, còn hai em Hồng Mai thì tíu tít chơi vui với các con của dì.
Ra thăm vườn cây trái của ngoại, Hồng Mai lại liên tưởng đến vườn lan mang tên “Y Thảo” của Bảo Châu. qua hình chụp đã nàng nhận được hôm nào. Nghĩ đến đây lòng nàng lại quay quắt, mong được gặp mặt Bảo Châu một lần trước khi lên đường đi du học.
Sáng ngày hôm sau bố mẹ đưa ngọai đi chùa Nam Nhã, chùa còn có tên là chùa Minh Sư. Chùa có lối kiến trúc cổ kính, uy nghiêm, sân chùa có nhiều cây cổ thụ, bố nói là cây tùng cây bách. Ngọai bảo cả nhà phải vào chùa để cầu cho cháu của ngọai đi ra nước ngoài du học bình an. Theo gia đình vào chùa, Hồng Mai khấn thầm xin trời Phật cho nàng được gặp Bảo Châu một lần. Sau khi tự tay thắp hương khẩn nguyện, Hồng Mai nghĩ trước ngày ra đi, nàng sẽ rủ Yên Thi lên Đà Lạt một chuyến. Trên đó có nhà dì Hương chắc bố mẹ cũng không đến nỗi lo. Cho nàng đi du học xứ người, đến một nơi xa lơ xa lắc mà bố còn hăng hái cho đi thì xá gì Đà Lạt. Mình là cô tú rồi chứ phải còn bé bỏng gì.
Về lại nhà, nhờ cả Mẹ và dì Hương nói phụ, chuyến đi Đà Lạt được Bố cho phép. Cả Hồng Mai và Yên Thi cùng háo hức sửa soạn. Nàng gởi điện tín báo cho Bảo Châu hẹn ngày đến Đà Lạt và cũng không quên cho chàng địa chỉ của dì Hương. Nhưng rồi trước ngày ra đi thì có tin cầu Đại Ninh nằm trên đường đi Sài Gòn - Đà Lạt vừa bị Việt Cộng giật mìn sập.
Mẹ thở ra: 
- Hú hồn. May là tụi nó phá cầu trước chuyến đi của hai đứa, chứ không khi lên tới trên đó mà kẹt lại thì khổ.
Vậy là chuyến đi bất thành. Nhưng cuối cùng, lời khẩn nguyện của Hồng Mai trong chùa Nam Nhã thì vẫn được linh ứng: có Thư Bảo Châu báo tin chính chàng sẽ bay xuống thăm nàng. Thấy không thể gặp nhau tại nhà, nơi hẹn gặp là cửa Thư Viện Quốc Gia. Tới ngày, Hồng Mai đến sớm hơn giờ hẹn. Gởi xe xong, nàng đi lững thững vào thư viện. Vừa đến cổng, Hồng Mai nghe có tiếng gọi nhỏ:
- Y Thảo.
Hồng Mai giật mình quay nhìn về hướng người gọi. Nhận ra khuôn mặt quen thuộc nàng đã nhìn thấy qua hình, nàng nở nụ cười:
- Bảo Châu?
Chàng gật đầu đáp:
- Bảo Châu đây.
Chao ơi, đây là người nàng quen cả bao nhiêu năm tháng đây! Bây giờ mới có cơ hội gặp mặt. So sánh với hình chàng gởi cũng không khác là bao, vẫn khuôn mặt, mái tóc và đôi mắt đó. Nhìn chàng mà nàng có cảm tưởng đã gặp nhau bao lần. Tuy vậy cũng không làm cho nàng giảm được cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh hơn.
Chàng đến gần:
- Anh đến đây cả tiếng đồng hồ rồi đó, đang ca bài “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”.
Nàng làm bộ giận:
- Vậy thôi bé về nha!
Chàng cuống quýt chụp tay nàng:
- Xin lỗi, anh chỉ nói chơi thôi, anh sắp nói đến câu “Gớm sao mà nhớ thế” rồi đó.
Nàng để yên cho chàng cầm tay, lòng xôn xao, ngây ngất vì lối tỏ tình nhẹ nhàng của chàng.
Bảo Châu đề nghị:
- Mình tìm một chỗ nào thỏai mái để ngồi nói chuyện nha?

Hồng Mai gật đầu ưng thuận theo Bảo Châu đi lấy xe. Sau khi cùng đi ăn kem, hai đứa có thêm buổi chiều bên nhau trong Thảo Cẩm Viên. Vào cuối giờ gặp gỡ, Bảo Châu báo tin cho nàng biết là sau khi nàng đi, chính chàng cũng lên đường nhập ngũ.
- Anh không muốn bé phải lo lắng nhiều rồi lơ là việc học. Bố mẹ đã kỳ vọng nhiều ở bé, đừng phụ lòng của bố mẹ. Còn anh, sau này chắc cũng khó mà liên lạc được với bé vì đời lính chiến rày đây mai đó.
Và chàng cầm tay nàng:
- Yên tâm đi. Số tử vi của anh nói anh rất thọ, như vậy lo gì chúng ta không có cơ may gặp nhau. Hãy hứa với anh là bé lo học cho chóng thành tài.
Anh cám ơn bé đã dành cho anh những cảm tình nồng ấm. Nếu chúng ta có duyên nợ với nhau thì chắc chắn mình sẽ có cơ hội gặp lại. Chúc bé lên đường bình an.
Bảo Châu hôn nhẹ lên tay nàng rồi vội vã quay xe chạy đi. Nước mắt Hồng Mai tuôn rơi, nàng quay lại nhìn theo cho đến khi chàng và xe hòa lẫn vào làn sóng nhộn nhịp của xe cộ trên đường.
Hồng Mai đã dành trọn buổi tối sau khi chia tay, viết lá thư dài cho Bảo Châu rồi nóng lòng chờ tin. Ngày cuối trước khi đi du học, vừa thấy ông phát thư từ xa, Hồng Mai đã rủ Yên Thi ra cổng đứng chờ. Cầm xấp thư trong tay, cả hai hăng hái tìm thư của Bảo Châu. Tim Hồng Mai nhói đau khi nhận lại lá thư của nàng đã gởi cho Bảo Châu cách đây mấy hôm còn nguyên chưa mở, trên thư có ghi hàng chữ “Đã đóng hộp thư, không có địa chỉ chuyển tiếp”.
Và lá thư không người nhận ấy đi theo Hồng Mai lên máy bay rời quê hương.
Sau biết bao tang thương biến đổi, bây giờ ngồi đây, nhìn lá thư nàng gởi cho YênThi bị trả về, Hồng Mai liên tưởng đến lá thư ngày nào cũng bị trả về cho người gửi. Mắt mờ lệ, nàng thì thầm:
- Bảo Châu ơi, Ngưu Lang và Chức Nữ xa cách nhau một dãy Ngân Hà, còn bé và anh cách xa nhau chỉ bằng một cánh thư thôi!!

2... Nối Một Nhịp Cầu.

Tháng Ba 1975...
Tin tức chiến cuộc lan tràn ở quê nhà được các đài phát thanh truyền hình quốc tế liên tiếp đưa tin nóng. Cao nguyên thất thủ. Quân đội VNCH tái phối trí, co cụm. Các du học sinh ngoài giờ học là tụ tập ngóng tin, hay chuyền tin cho nhau biết về những biến động mới nhất vừa xẩy ra. Hồng Mai lo lắng gọi điện thọai về nhà thì được bố trấn an:
- Không sao đâu con. Yên tâm. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, con phải ở lại tiếp tục học. Bố biết đường lo liệu.
Miền Trung lâm nguy. Đà Nẵng thất thủ. Di tản hỗn loạn. Tin tức bình luận quốc tế nói số phận VNCH đang trên bờ vực. Du học sinh thì chia làm hai phe, phe ủng hộ Quốc Gia, phe ngả theo Việt Cộng. Tất cả đều lo lắng và trông ngóng tin tức gia đình bên nhà. Hồng Mai cũng như một số bạn, không còn tâm trí nào học hành. Bảo Châu đã bặt tin từ lâu, nhờ Yên Thi tìm mọi cách thăm hỏi, vẫn biệt vô âm tín.
Và rồi 30 tháng Tư 1975...
Sài gòn sụp đổ. Hồng Mai mất hẳn liên lạc với gia đình, chỉ còn chút hy vọng là gia đình nàng có thể theo làn sóng tị nạn chạy ra được nước ngoài. Nàng biết bố mẹ đã một lần rời bỏ quê hương miền Bắc di cư vào Nam chỉ vì không thể nào sống chung với những người Cộng Sản, chắc hẳn là bố phải biết cách lo liệu.
Mãi tới cuối tháng Sáu 1975, Hồng Mai mới nhận được điện tín và thư của bác Hòa, anh của bố, gửi từ Camp Pendleton. Gia đang bác đã đến được Hoa Kỳ, bác cho biết bố mẹ Hồng Mai và các em đã vào phi trường Tân Sơn Nhất, ở đó hai ngày để chờ chuyến bay, nhưng khi phi trường bị Việt Cộng pháo kích bố đã đưa gia đình trở về nhà nên bị kẹt lại. Bác nói, bác có thể xin cho anh Kỳ, con của bác và Hồng Mai rời khỏi nước Đức sang Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình. Năm tháng sau, khi gia đình bác đã được người bảo lãnh lo cho nơi ăn chốn ở riêng biệt thì Hồng Mai và người anh họ cũng được cấp chiếu khán để bay sang Hoa Kỳ đòan tụ với gia đình bác. Cả mấy tháng liên tiếp, Hồng Mai như người mất hồn, ăn ngủ thất thường. Nhờ có gia đình bác thương yêu chăm sóc nên dần dà nàng cũng nguôi ngoai. Bác Hòa không có con gái nên hai bác và các anh rất cưng chiều nàng. Nàng theo các anh gọi hai bác là ba má. 
Bố Hồng Mai bị bắt đi tù trên hai năm thì được tha về, với thân tàn ma dại, ít lâu sau thì qua đời ở tuổi 53. Được tin bố mất, Hồng Mai khóc vùi, bỏ cả ăn uống., nhờ hai bác và các anh an ủi mới gượng nổi để tiếp tục học hành.
Mùa hè năm bố mất, Hồng Mai cũng vừa học xong bằng kế tóan và nhận đựơc việc gần nhà. Ba má vui mừng và thúc dục nàng lo làm giấy bảo lãnh cho mẹ và các em sang Hoa Kỳ đòan tụ.
Gia đình Yên Thi cũng bị kẹt lại, nhưng đỡ là bố Yên Thi không bị đi học tập, nên gia đình chỉ bị chật vật với đời sống mới như bao nhiêu gia đình còn ở lại. Thỉnh thoảng Hồng Mai cũng gởi ít quà hoặc tiền về giúp bạn. Yên Thi lập gia đình, sau này theo chồng sang Hoa Kỳ với diện HO.
Bảo Châu thì nàng hòan tòan không có tin tức gì. Mấy năm đầu tiên, nàng đã gởi thư đến hội Hồng Thập Tự và các cơ quan thiện nguyện nhờ họ tìm giùm theo tên Hoàng Bảo Châu, nhưng vẫn biệt vô âm tín.
*

Hơn mưới năm sau 1975, Mạ và các em Hồng Mai mới sang được Hoa Kỳ. Sau khi lo cho các em ăn học xong, nàng tưởng cái gánh nặng ngàn cân được cất đi sẽ giúp nàng thoải mái, cởi bỏ được những ưu phiền. Mẹ và gia đình hai bác ba má nuôi cũng hy vọng khi các em nàng đã yên bề gia thất thì nàng sẽ dễ dàng có bạn trai và lập gia đình. Thế nhưng, ngày tháng vẫn trôi qua đời nàng một cách lặng lẽ.
Những người bạn trai quen nàng không chịu được một người bạn gái có một cuộc sống trầm lặng nên âm thầm rút lui. Đôi lúc nàng cũng tự hỏi chính nàng – đứa con gái xông xáo, vui tươi của một thời xa xưa bây giờ ở đâu? Tại sao khi nàng để mắt đến một người con trai khác thì hình ảnh Bảo Châu lại lập tức biện ra? Hình như trong tiềm thức của nàng, chàng đã xây một tường đồng, vách sắt cản ngăn những tình cảm của những người con trai khác muốn đến với nàng. Nàng giận cho cái ý nghĩ điên khùng của mình!
Đã bao nhiêu lần Hồng Mai đã dọ hỏi tin tức về Bảo Châu nhưng đều vô vọng. Khi gia đình Yên Thi đến được Mỹ theo diện H.O., có lần Yên Thi đoan chắc với Hồng Mai là Bảo Châu nếu còn sống, chắc chắn là đã tới được nước Mỹ. Chàng là sĩ quan, không di tản kịp hồi 75, có đi tù cải tạo thì khi về cũng được đi theo diện H.O. Nhắn tin, đăng báo tìm cũng vô vọng. Mong chờ Bảo Châu tìm kiếm nàng thì mong manh và điên rồ quá! Thậm chí, không chắc chàng có biết tên thật trong giấy tờ hay chỉ biết bút hiệu Y Thảo của nàng mà thôi?
Sau khi quay cuồng với trăm ngàn câu hỏi, bỗng nhiên trong đầu nàng lóe lên một tia sáng hy vọng. Nàng nghĩ thầm “ Ừ nhỉ, đâu có bao nhiêu người mang tên Y Thảo! Bảo Châu chỉ biết tên mình là Y Thảo, nếu tên Y Thảo xuất hiện trên báo chí, trên mạng là có thể chàng sẽ tìm cách kiếm ra nàng. Bảo Châu, em sẽ tìm ra anh dù anh ở chân trời góc biển nào! -
Vậy là Hồng Mai bắt đầu viết văn, làm thơ trở lại. Những bài viết với bút hiệu Y Thảo bắt đầu xuất hiện trên nhiều diễn đàn và báo chí Việt ngữ. Hơn hai năm miệt mài, hăng say viết lách, Hồng Mai bắt đầu quen được một số các bạn mới trên các diễn đàn và những group email. 
Nhân ngày kỷ niệm năm năm thành lập nhóm bạn văn nghệ của Hồng Mai muốn ra mắt một tuyển tập thơ văn tại một trung tâm sinh hoạt trong khu Little Saigon, cách nhà nàng đang ở khoảng hơn hai giờ đồng hồ lái xe.
Hồng Mai ít khi đến thành phố Tiểu Sài Gòn này vì ngại lái xe đi xa, nhưng lần này thì nàng phải có mặt trong ngày ra mắt sách vì nàng là thành viên của nhóm và có đóng góp bài viết trong tuyển tập. Mẹ nàng thì không quen thuộc với những sinh hoạt báo chí nên không muốn đi cùng với Hồng Mai, nên Hồng Mai đành phải đơn thân độc mã lên đường.

*
Mùa hè năm nay, theo lời thúc dục của người bạn học cũ, Bảo Châu đã bay từ Connecticut qua thăm gia đình bạn và thăm viếng thành phố Tiểu Sài Gòn, nơi đã được mệnh danh là thủ đô tị nạn. Khi Bảo Châu thức dậy, trời vẫn còn sớm lắm, nhưng vì chưa quen thuộc với giờ giấc ở California nên Bảo Châu không ngủ thêm được chút nào hết mặc dầu vẫn còn chút mỏi mệt vì cả ngày hôm qua đã theo chân bạn đi thăm thú đó đây đến tối mờ tối mịt mới về. Không muốn phá giấc ngủ của bạn nên Bảo Châu rón rén đi ra phòng khách tìm mấy tờ báo Việt ngữ trong vùng đọc để giết thì giờ. 
Đã lâu không có dịp ngồi thư thả xem báo, chàng lật từng trang đọc qua các tiết mục. Lật đến trang sinh hoạt cộng đồng, có phần giới thiệu một buổi ra mắt sách của một nhóm văn bút ở hải ngoại. Bảo Châu giật thót mình khi nhìn thấy cái tên Y Thảo nằm trong danh sách tác giả. Chàng hồi hộp, nửa mừng nữa lo lắng vì không biết đây có đúng là người chàng đã cố công tìm kiếm từ ngày đặt chân đến Hoa Kỳ hay không. Bảo Châu xé vội khung báo nhỏ, nơi có in rõ ràng địa điểm của nơi ra mắt sách chiều nay rồi thừ người tưởng nhớ đến một khoảng đời thơ mộng đã qua...
Từ bao năm qua, chàng vẫn không sao quên được đôi mắt nâu đen của cô bé Y Thảo trong tấm hình gửi cho chàng sau những ngày quen biết nhau qua những bài văn-thơ của tuổi học trò. Bảo Châu cũng nhớ như in lần cuối cùng gặp nàng để nói lời từ giã. Hôm ấy Bảo Châu đã trốn chạy vì nhìn thấy một tương lai mù mịt, không lối thoát cho cả chàng và nàng. Chàng đã cúi mặt đau xót khi nước mắt của nàng rơi trên tay chàng. Và rồi sau đó, bao lần chàng đã nhìn lên bầu trời cao, ghì tay trên báng súng thì thầm - “xin bé hãy tha lỗi cho anh, anh đã khuấy động tuồi thơ và đem nỗi buồn đến cho bé…”
Khi Bảo Châu mãn hạn “học tập” trở về nhà thì vừa lúc gia đình chàng nhận được giấy bảo lãnh của người em ruột là Bảo Long từ Hoa Kỳ, nên đang sửa soạn bổ túc giấy tờ đoàn tụ. Nhưng Bảo Châu đã không cần sự bảo lãnh của em, vì với nhiều năm “thâm niên” trong ngục tù cải tạo Bảo Châu cũng hội đủ điều kiện để xin sang Mỹ theo chương trình HO.
Sau nhiều năm cặm cụi với sách vở để xây dựng lại tương lai, Bảo Châu đã ra trường với cấp bằng kỹ sư điện toán và được nhận làm cho một công ty nhỏ ở gần nhà. Đời sống được ổn định rồi, Bảo Châu bắt đầu tìm kiếm tin tức của Y Thảo. Ngày còn ở Việt Nam, trong những ngày chờ đợi bổ túc hồ sơ tị nạn, Bảo Châu có trở lại căn nhà của Hồng Mai, hỏi thăm thì hàng xóm cho biết là căn nhà đã đổi chủ, vì gia đình người chủ cũ đã được bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Bảo Châu cố gắng tìm kiếm Y Thảo trên những trang mạng văn nghệ, báo chí, bởi vì chàng nghĩ khó thể nào Y Thảo lãng quên được cái thú làm thơ, viết văn của nàng. Nhưng hơn 10 năm kiếm tìm, cái tên Y Thảo chẳng bao giờ xuất hiện.
Đây là lần đầu tiên chàng thấy lại tên nàng. Nhất định không thể bỏ qua được buổi ra mắt sách này.
Khi Bảo Châu tới nơi thì người đến tham dự đã ngồi chật hết hội trường, không đủ ghế nên nhiều người phải đứng hai bên hành lang và phía sau. Bảo Châu đành tìm một chỗ phía sau ngước nhìn lên. Thấy chàng vừa mới vào, ngơ ngác, một thính giả đứng cạnh bên nói nhỏ:
- Họ đang giới thiệu các tác giả theo thứ tự ABC, bây giờ đã đến vần T rồi đó.
Chàng gật đầu nói cảm ơn và nghĩ nhanh: - chắc còn lâu mới đến vần Y-
Người điều hợp chương trình thật linh hoạt, có duyên nên tạo ra nhiều thích thú cho khán giả nhưng vì đứng ở phía xa nên Bảo Châu không nghe rõ lắm lời nói của anh. Bảo Châu cố len lỏi lên phía trên tìm một chỗ trống ở bên hông hội trường vì sắp đến phần giới thiệu những tác giả ở phần cuối danh sách. Và giờ phút Bảo Châu chờ đợi đã đến, người điều hợp chương trình đang nói về Y Thảo:
“Thưa quí vị và các bạn, bây giờ tôi xin giới thiệu đến quí vị và các bạn tác giả kế tiếp - với tôi cô là một người bạn - là một cô em văn nghệ. Cô đến từ Santa Barbara, cách đây hơn hai giờ đồng hồ lái xe. Cô là cựu học sinh Gia Long, đi du học bên Đức trước năm 1975. Sau tháng 4, 1975 cô đã sang định cư tại Hoa Kỳ. Mê say viết văn, làm thơ từ hồi còn học trung học, qua Mỹ cô tạm ngưng viết lách trong nhiều năm, nhưng mấy năm gần đây máu say mê đã lôi kéo cô trở lại với văn đàn và đóng góp bài viết với nhiều tờ báo, diễn đàn. Tôi xin giới thiệu cô Trần Hồng Mai với bút hiệu Y Thảo.
Y Thảo trong chiếc áo dài màu hồng nhạt có điểm những cánh hoa mai nho nhỏ khoan thai bước lên bục gỗ mỉm cười cúi đầu chào khán giả.
Đứng dưới hội trường, Bảo Châu đã lặng người khi nghe giới thiệu đến những chi tiết về Y Thảo - cựu học sinh Gia Long, đi du học bên Đức trước 1975 -. Tim chàng đập nhanh tưởng như có thể bay ra khỏi lồng ngực. Bảo Châu nghĩ chắc hẳn nàng là người chàng đang tìm kiếm bấy lâu nay. Nhưng khi nghe tên Trần Hồng Mai thì chàng khựng lại. Trần Hồng Mai, tên nầy sao xa lạ quá. Người chàng đang tìm kiếm tên là Y Thảo, không phải là Trần Hồng Mai!
Khi Y Thảo bước ra chào khán giả, Bảo Châu cố gắng nhìn cho kỹ, hình như chỉ có chiều cao, vóc dáng thon gọn và một vài nét trên mặt của cô gái là có nét tương tự Y Thảo mà chàng quen. Nhưng khuôn mặt của cô gái này buồn quá, chàng thầm nghĩ: - người này giống nét của người khác là thường! Tất cả hy vọng của chàng tan nhanh. Bảo Châu thất vọng bước ra cửa toan ra về.
Vừa lúc đó, người điều khiển chương trình cho biết phần cuối của ngày ra mắt sách hôm nay là mục các tác giả sẽ xuống phía dưới bàn bán sách để gặp gỡ bạn đọc và ký sách lưu niệm. Chàng bỏ ý định đi về?: “phải gặp cô ta mới được, vì cô ta cùng học Gia Long! cùng đi du học ở Đức! lại lấy bút hiệu Y Thảo, biết đâu hai người quen nhau, nhất là tên Y Thảo rất hiếm ngừơi có tên nầy, thôi chờ cho đến khi còn ít người mình sẽ hỏi xem!”
Chàng đến bàn bán sách gần cửa mua một cuốn tuyển tập. Trong khi chờ thối tiền lại, Bảo Châu nói đùa với cô bán sách:
- Hôm nay đông khách như thế này thì thể nào cũng thu được nhiều phải không chị?
Cô cười đáp:
- Vâng, hôm nay có nhiều người chung nhau hợp tác ra quyển sách nầy nên bạn bè của họ tới yểm trợ rất đông. Chỉ làm cho vui thôi ông ạ, chứ in sách để kiếm lời ở xứ này chắc còn lâu lắm!
Cầm quyển sách trên tay, Bảo Châu lật nhanh sang trang có bài viết của Y Thảo tìm kiếm. Đoạn viết về tiểu sử của Y Thảo ngắn gọn chỉ có mấy hàng, chẳng giúp gì thêm cho chàng. Tên Trần Hồng Mai xa lạ với chàng quá. Chàng tự trách mình ngày xưa sao vô tình, vô tâm đã không hỏi cho rõ ràng tên họ của Y Thảo. Có lần chàng đã gửi đơn để nàng ghi danh học ở Viện Đại Học Đà Lạt, nhưng nàng nộp đơn thẳng tới trường nên chàng cũng không hỏi han gì hơn nữa. Rồi đến ngày từ giã Y Thảo, vì muốn để nàng yên lòng đi du học nên Bảo Châu đã quyết định không liên lạc với nàng nữa, thành chàng cũng chẳng hỏi thăm về địa chỉ của nàng ở bên Đức. 
Bảo Châu buồn bã gấp sách, nhìn quanh. Hội trường đã thưa bớt người, một số người tụm năm tụm ba ở ngoài phòng họp, một số đang ở phòng giải khát bên cạnh, một số người đang còn đứng ngòai cửa chuyện vãn với nhau. Bảo Châu đảo mắt tìm Y Thảo, chàng thấy nàng đang đứng ở một góc cuối phòng, vừa ký tên trên sách cho một khán giả xong và có ba bốn người còn đang đứng chờ. Chàng đi đến gần, nối đuôi họ đứng chờ đến lượt mình.
Có cơ hội đứng gần để quan sát Y Thảo, Bảo Châu cảm thấy như rất quen thuộc, nhất là cái giọng Bắc pha một chút giọng Nam của nàng có vẻ gần gũi làm sao! Hy vọng dâng cao, đầu óc chàng bay bổng. Bảo Châu cúi đầu, nhắm mắt nghĩ về quá khứ xa xôi. Đang mơ màng thì chàng nghe có tiếng nói – chào ông. Bảo Châu giật mình ngẩng đầu lên, thấy Y Thảo đang đứng trước mặt, khoảng cách thật gần. Y Thảo cũng khựng lại khi gặp ánh mắt chàng, đôi mắt nàng mở to, bối rối. Bảo Châu hấp tấp mở trang đầu tiên của cuốn sách đưa cho nàng:
- Xin cô viết cho tôi mấy dòng, tôi tên Bảo Châu, Hoàng Bảo Châu, người Đà Lạt…
- Bảo Châu?
- Y Thảo.
Cuốn sách và cây viết rớt khỏi tay hai người. Nàng bàng hoàng nhìn chàng. Bốn mắt cùng nhòa lệ, Bảo Châu lặng người, chỉ kịp đưa hai tay ra ôm lấy người xưa đang ngã gập vào chàng.
Ý Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,290,508
Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Đây là bài viết đầu tiên tham dự VVNM. Mong tác giả tiếp tục gửi bài
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Mùa hè, 16 tháng 9, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là hồi kết bài viết mới nhất của ông về những mùa hè khó quên.
Mùa hè, 19 tháng 6, ngày quân lực VNCH. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị bắt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư tại Houston, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Đây là bài viết mới nhân mùa bóng đá.
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng, sinh năm 1975, qua Mỹ định cư năm 1992. Từ năm 2000-2005 hành nghề dược sĩ (Consultant Pharmacist), sau đó trở lại học và tốt nghiệp Y Khoa. Nghề nghiệp hiện tại là Physician tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois.
Nhạc sĩ Cung Tiến