Hôm nay,  

Đi Làm Ở Văn Phòng GAIN

25/02/201200:00:00(Xem: 197958)

Đi Làm Ở Văn Phòng GAIN

Tác giả: Bảo Trân

Bài số 3494-12-289544vb7022512

Tác giả Bảo Trân tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết về nước Mỹ 2009 với bài “Con Bé”, chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu.

***

Từ ngày đầu tiên khi biết những văn phòng GAIN được phép tuyển thêm người, Ngim đã gọi về Pomona cho tôi và Grace hỏi:

- Hai đứa mày có muốn đến chỗ tao làm việc không? Vùng VI này đang cần rất nhiều người, ít nhất là bốn units, bảo đảm hai đứa mày sẽ được nhận. GAIN sắp sửa bị contract out rồi, vô trước ngày nào là đỡ ngày đó.

Tôi và Grace nhìn nhau ái ngại không biết phải trả lời Ngim ra sao, vì nếu không muốn đi qua GAIN thì chúng tôi đã không mất công để đi thi.

GAIN hay là “Greater Avenue for Independence,” là một chương trình mới của bộ xã hội, chuyên phụ trách về vấn đề tìm công ăn việc làm cho những người đang hưởng trợ cấp để họ có thể tự lực cánh sinh. Những văn phòng GAIN này mới mở nên được trang bị rất đầy đủ, đẹp đẽ, computers mới, bàn ghế mới, thêm công việc làm chuyên môn có thứ tự lớp lang chứ không lung tung như những văn phòng chuyên lo về vấn đề trợ cấp. Tôi và Grace làm mãi ở cái văn phòng lo trợ cấp này đã hơn mười mấy năm, ngày nào cũng quanh quẩn với công việc cho tiền mặt, Foodstamps, Medical nên đã chán ngấy lắm rồi. Được lên chức chuyển sang làm ở GAIN là một ước mơ mà bọn tôi ấp ủ từ bấy lâu nay. 

Nhưng cái văn phòng GAIN vùng VI nơi Ngim làm này ở thành phố Bell tận góc hai cái xa lộ 60 và 710, xa quá là xa. Cứ theo lời than thở của Ngim thì cái văn phòng này đã nổi tiếng là có nhiều khách hàng “dữ dội”, đã vậy mà sếp lớn còn hà khắc với nhân viên, xét nét giờ giấc, việc làm. Mỗi lần gọi nói chuyện với Ngim, tôi chỉ nghe con nhỏ thì thầm qua điện thọai như sợ có người đang rình mò, kiểm sóat, vậy mà bây giờ nó lại rủ hai đứa tôi đi làm cùng chỗ với nó.

Grace thi đậu vào band hai, đã được văn phòng GAIN vùng III ở El Monte gọi đi phỏng vấn, đang chờ kết quả. Tôi thua Grace nửa điểm nên nằm ở band ba, nhưng tôi cũng hy vọng được vùng III gọi đi phỏng vấn. Không riêng gì tôi và Grace, những người đậu vào GAIN kỳ thi này, cư ngụ trong vùng thung lũng phụ cận San Gabriel, Pomona, ai cũng muốn được vào làm ở vùng III cho gần nhà. Hơn nữa, cái văn phòng ở vùng III này nổi tiếng là nhàn hạ, đã ít việc làm thì chớ, sếp thì... “nhắm một mắt rưỡi, mở có nửa mắt thôi”, nên nhân viên dưới tay tha hồ mà…“vùng vẫy”.

Ngim nói miên man không chịu dứt, nó còn hoạch định chương trình cho ba đứa những ngày sắp đến, cứ y như là tôi và Grace sắp sửa đi làm với nó ngày mai không bằng. Tôi và Grace ậm ừ cho qua câu chuyện. Trước khi cúp máy, Ngim còn dặn:

- Hai đứa mày gọi phone cho bà thư ký văn phòng tao ngay, xin hẹn đi phỏng vấn.

Grace gác điện thọai rồi lắc đầu thở dài:

- Mày ở gần đây, đi lên đó còn đỡ khổ. Từ nhà tao tới đó ít nhất là 50 miles. Nghĩ tới con đường dài mà tao ngán ngẫm, nhưng lỡ cơ hội này thì biết còn cơ hội khác nữa không?

Tôi cũng rầu rĩ không kém nó, bởi vì nghe như lần này là lần cuối có cuộc thi vào GAIN. Sau đó thì chương trình GAIN này sẽ được giới chức trách của quận Thiên Thần giao cho những nhà thầu tư để giảm bớt tốn kém cho ngân sách. Lỡ cơ hội này thì bọn chúng tôi sẽ mất đường thăng tiến.

Nhưng nếu nhận lời đi về vùng VI làm thì xa quá, con đường từ nhà tôi lên đến thành phố Bell này đúng 30 dặm. Tôi đã từng từ chối 30 dặm đường dài một ngày của năm năm về trước khi tôi được thăng chức lên làm sếp, đổi về thành phố Pasadena, bây giờ liệu tôi có đủ can đảm để đi một đọan đường khác cũng 30 dặm hay không?

Hai tuần lễ trôi qua, Grace cũng không có tin tức gì từ vùng III. Grace gọi sang cho ông sếp Bob đã phỏng vấn nó hỏi thăm thì ông sếp này chỉ cho biết là đang chờ lệnh của trung ương, vùng III đông đảo nhân viên quá rồi nên phải dành ưu tiên cho những văn phòng khác tuyển người vào trước. Rồi Ngim phone đến, con nhỏ gắt:

- Tại sao từ hôm đó tới giờ không thấy tụi mày gọi tới văn phòng tao để xin đi phỏng vấn?

Thì ra Ngim thấy người mới cứ tấp nập đến văn phòng nó để phỏng vấn mà không thấy bóng dáng chúng tôi đâu, con nhỏ bèn chạy xuống phòng thư ký hỏi thăm. Người thư ký dò lại danh sách rồi cho Ngim biết là tôi và Grace đâu có gọi để xin đến phỏng vấn. Và nhìn thấy địa chỉ của hai đứa tôi ở tận San Bernardino County, xa quá là xa, nên người thư ký cũng thông qua, không thèm gọi hỏi xem chúng tôi có muốn đi làm ở Bell không. Tôi với Grace còn đang ú ớ thì Ngim đã nói tiếp:

- Tao sẽ làm hai cái hẹn cho hai đứa mày, 10 giờ sáng ngày mai, hai đứa mày mà không đến thì đừng nhìn mặt tao nữa.

Tôi thì thào với Grace:

- Thôi cứ để Ngim lấy hẹn cho mình đi, biết đâu mình…không được chọn. Mà lỡ có trúng tuyển rồi thì sau đó mình từ chối cũng không sao, nếu mình may mắn được vùng III gọi tới.

Grace cũng đồng ý với tôi. Ngày hôm sau con nhỏ chở tôi tới vùng VI thử thời vận. Hôm trước, sau khi lấy hẹn cho chúng tôi xong, Ngim đã chạy đôn đáo “chớp đèn” cho mấy người sếp nó quen, hai nàng sếp Mễ với hai nàng sếp Việt để gởi gấm chúng tôi. Họ sẽ làm một cuộc phỏng vấn cho có lệ, nên không cần thi thì hai đứa tôi cũng đỗ. Vậy mà nàng sếp Việt Nam quá quắt, quay tôi vòng vòng như quay dế. Sau khi hỏi hết đời công, đời tư của tôi rồi nàng còn ỡm ờ quay sang nói với nàng sếp Mễ:

- Cô ta ở xa quá, chắc là không tiện cho cô ta đến đây làm đâu, có lẽ cô ta nên chờ El Monte gọi thì tốt hơn.

Nàng sếp Mễ cũng gật gù đồng ý. Tôi mau mắn đáp lời nàng sếp Việt:

- Tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lắm rồi vì cái tính ngại ngần con đường thiên lý, nhưng lần này tôi sẽ cố gắng một phen.

Tôi trả lời như vậy cũng là tại con nhỏ Ngim thôi. Nó đã dặn tôi phải nói những lời trái với sự thật của lòng tôi. Ai nói là tôi không sợ con đường thiên lý?! Tôi “âu yếm” nhìn nàng sếp Việt Nam thầm nghĩ:

- Nàng cứ chất vấn, hành hạ tôi cho thỏai mái đi, mai này “lỡ” mà tôi vào làm trong cái unit của nàng, tôi cứ…“bình chân như vại” thì nàng sẽ tha hồ mà khổ với tôi.

Grace thì còn xui hơn tôi. Cái nàng sếp Việt Nam đáng lý phỏng vấn Grace không dưng được sếp lớn phái đi dự một buổi họp ở văn phòng trung ương nên để cho một nàng sếp người Nga thay thế. Grace bị nàng sếp người Nga này quần thảo đến chóng mặt, nhức đầu. Đã vậy, nàng sếp Nga này còn tuyên bố là nàng chỉ cần tuyển Job Developers vào làm trong unit của nàng thôi. Tội nghiệp cho Grace, con nhỏ than:

- Từ nào tới giờ tao có biết Job Developers làm cái nghề ngỗng gì đâu. Thì ra mấy cái anh chàng này là chuyên viên đi tìm việc cho khách hàng của chương trình GAIN. Hèn chi bả hỏi tao có muốn đi vòng vòng mấy cái hãng xưởng để ngoại giao tìm việc làm cho khách hàng không, mỗi tháng thì tao nhắm có thể tìm được bao nhiêu việc làm. Tao cũng tình thật trả lời là cái nghề tìm jobs này không hợp với tao đâu, tao đã ít ăn ít nói thì chớ, thêm lái xe tới được chỗ làm này đã là một cố gắng phi thường rồi, tao đâu còn hơi sức nào nữa để xách xe đi hết nơi này đến nơi khác mà đòi tao “produce jobs”. Chắc là bả cho tao rớt quá.

Tôi và Grace ra về, lòng…hân hoan thơ thới. Cứ như cái tình hình vừa rồi thì cường độ cái giòng điện để cho Ngim chớp đèn không mạnh lắm. Có lỡ chuyến tàu này chắc không ai nỡ trách gì ai.

Nhưng hỡi ôi, sáng hôm sau tôi và Grace vừa vào sở làm, chưa kịp uống ly café đầu ngày thì bà sếp lớn đã cho gọi chúng tôi vào phòng làm việc của bà. Bà đưa cho hai đứa tờ công điện của văn phòng trung ương vừa fax đến cho biết ngày trình diện của chúng tôi ở nhiệm sở mới

- Bell, Bandini, GAIN vùng VI -. Chúng tôi có hai tuần lễ thu xếp việc làm hiện giờ để bàn giao cho người khác.

Hai đứa tôi trở về bàn làm việc. Grace rầu rĩ nhìn tôi, con nhỏ vẫn còn chút hy vọng ở vùng III. Tôi bảo Grace gọi sang bên vùng III xem tình hình có khả quan không nhưng Grace không dám, nó nhờ tôi gọi giùm vì dù sao tôi với ông sếp Bob cũng là đồng hương. Tôi gọi ông sếp Bob, nói cho ông biết là vùng VI đã nhận chúng tôi sang làm rồi, ông nên dục sếp lớn của vùng III quyết định nhanh đi. Tôi còn “dọa” ông:

- Vùng III mà không nhận tôi với Grace là một mất mát lớn lao đó. Tụi tôi là công chức mẫn cán, vàng ròng, kim cương thứ thiệt.

Ông Bob thở dài:

- Tiếc quá, nhưng biết làm sao được chị ơi, tụi này chưa biết phải chờ đến khi nào. Vùng VI gọi thì đi đi, nếu không may có lịnh ngưng tuyển người thì có phải lỡ dịp không. Chịu khó đi xa một thời gian rồi xin thuyên chuyển qua đây.

Tôi và Grace đành phải khăn gói ra đi.

Tôi, Grace, và một vài người nữa đến trình diện trễ, nên chỉ được thong thả đúng hai ngày, đủ thì giờ để làm quen nhau, làm quen không khí làm việc của GAIN rồi bị bắt vào chương trình huấn luyện ngay tuần sau. Vì có đủ số nhân viên mới để mở lớp huấn nghệ, nên bà giám đốc văn phòng cho mở ngay một khóa huấn luyện tại gia. Chương trình huấn luyện sẽ do chính ban giảng huấn sếp lớn, sếp nhỏ của vùng VI phụ trách. Vùng VI thật không hổ danh là trung tâm huấn luyện, tôi chưa gia nhập quân đội bao giờ nhưng tôi nghĩ những người tân binh của trung tâm huấn luyện Quang Trung cũng chỉ khổ bằng chúng tôi trong hai tuần lễ huấn nhục này thôi. 

Mỗi ngày chúng tôi bị quần thảo đúng từ tám giờ sáng đến bốn giờ rưỡi chiều. Chúng tôi được nghỉ giải lao hai lần, một lần không quá mười lăm phút, một giờ nghỉ ăn trưa, thì giờ còn lại phải chú tâm vào chương trình "tu học". Bao nhiêu qui chính, điều lệ, thủ tục, phương thức làm việc của GAIN đều được nhồi nhét cấp tốc vào những bộ óc nhỏ bé của chúng tôi. Đã thế thôi đâu, vừa tan học trở về bàn, tưởng có thì giờ đi lang thang tán gẫu vài ba chục phút còn lại thì tôi lại bị bà sếp nhỏ lôi ngay vào phòng làm việc của bà, bắt thực tập ngay mấy cái hồ sơ mới cho nó quen việc. Thấy mặt mũi tôi úa sầu như cánh hoa ban chiều, nàng sếp Việt phỏng vấn tôi ngày nào nhẹ nhàng tìm đến trao cho tôi một vỉ Tylenol mới toanh làm “quà tao ngộ” và cũng gọi là để hỗ trợ tinh thần tôi, nàng an ủi:

- Chịu khó một chút đi, thao trường đẫm mồ hôi thì sa trường sẽ bớt đổ máu…

Sau khóa học “tại gia” chúng tôi được gửi đi trung tâm huấn luyện computer ở Long Beach để biết cách xử dụng program dành cho chương trình GAIN. Qua hết bốn tuần học tập chúng tôi trở về nhiệm sở và thật sự bắt tay vào việc. Mỗi người chúng tôi có một cái cubicle nhỏ để tha hồ bày biện trang hòang. Cái cubicle của tôi có hai khung kính lớn. Mỗi sáng kéo mấy tấm mành sáo lên rồi là tôi có thể ngồi uống café, ăn donut, ngắm mấy ông lính bên Army Reserve tập thao diễn trước khi sửa sọan gặp khách hàng. Khách hàng thì ngày có, ngày không, mà ngày không thì nhiều hơn ngày có.

Những ngày tôi còn ở bên văn phòng trợ cấp, khách hàng không thèm hẹn trước, cứ tới lui nườm nượp, khi đòi tiền phụ cấp, đòi Foodstamps, khi đòi thay lại ID, đòi thẻ Medical mới…chao ôi, trăm ngàn thứ việc. Ở đây thì gọi mời hòai khách hàng cũng không tới, phải dọa nạt mãi mới chịu đến gặp worker. Bởi vì gặp worker sớm ngày nào là sẽ bị bắt đi tìm việc làm sớm ngày đó, mà có ai dại gì để bỏ giờ giấc thảnh thơi của mình để đi ra đường tìm việc làm đâu.

Ngày đầu tiên tôi và Grace đến trình diện, Ngim đã đến sớm để đón hai đứa tôi từ ngòai bãi đậu xe, “dắt” hai đứa vào văn phòng thư ký làm giấy tờ. Nó đã căn dặn trước là muốn xin thuyên chuyển thì phải chờ qua probation và phải…hỏi ý kiến nó. Tôi mà dám xin về ngang xương thì nó sẽ là người đầu tiên cầm dao đến để xin tôi... tí huyết. 

Cũng may là lần thuyên chuyển này của tôi nhằm mùa Hè nắng ráo, nên con đường đi năm nay cũng sáng sủa hơn con đường mưa bão của mùa Đông năm năm trước. Hơn nữa, ở nhiệm sở mới này tôi có Grace, có Ngim, nên tôi không cảm thấy cô đơn. Vả lại, tôi và Grace đã bàn với nhau, đi thêm một vài ngày nữa cho quen đường quen sá rồi hai đứa sẽ đi chung xe cho đỡ ngại đường xa. Hai đứa sẽ gặp nhau ở Diamond Bar Park and Ride ở khỏang giữa hai xa lộ 10 với 60 rồi thay phiên nhau lái cách ngày.

Sau mấy tháng trường vất vả ngược xuôi với giòng xe cộ đông đảo, tôi bàn với Grace tìm đường xe bus hay xe lửa mà đi cho đỡ tốn sức lao động, chứ cứ đi mãi như thế này thì tôi không bảo đảm sẽ chờ qua được probation.

Tôi gọi lên mấy hãng xe bus thì họ cho biết là không có chuyến xe bus nào đi từ vùng Pomona lên thẳng đến Bell, nhưng có một chuyến xe lửa đi từ Riverside chạy lên down town Los Angeles. Chuyến xe lửa này có trạm ngừng ở những thành phố tôi và Grace cư ngụ, và chuyến xe lửa này cũng có một trạm ngừng ở thành phố Montebello cách văn phòng tôi chỉ có mấy con đường. Tiện lợi hơn nữa là nhà cầm quyền của thành phố Montebello đã tài trợ một dịch vụ đưa đón miễn phí cho khách hàng từ trạm xe lửa về các cơ xưởng ở những thành phố lân cận để khuyến khích dân chúng xử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn. Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi và Grace rủ nhau đi “tham quan” trạm xe lửa rồi đến văn phòng thành phố Montebello làm đơn để xin được đón đưa miễn phí.

Từ đó, mỗi ngày tôi tà tà lái xe ra đậu ở trạm xe lửa Diamond Bar, leo lên xe lửa ngồi nhắm mắt dưỡng thần. Vì có tuyến đường di chuyển riêng biệt nên chỉ mười lăm phút sau là xe lửa đã đến trạm ngừng ở Montebello. Rời xe lửa, chúng tôi leo lên xe bus đang chờ sẵn ở sân ga đưa đến sở làm, chiều thì lại ra trước cửa sở chờ xe bus đón thả ra trạm để lên xe lửa về nhà. Chiếc xe bus nhỏ chở chỉ có khoảng gần chục người nhưng vì phải thả khách hàng đến những cơ xưởng, văn phòng khác nhau nên thường thường đến văn phòng tôi sau giờ làm khoảng chừng mười phút. Bà sếp lớn thấy tôi và Grace nhà ở xa mà cũng cố gắng đi làm thường xuyên mỗi ngày nên cũng dễ dãi chấp nhận cái giờ giấc đi làm khác biệt của chúng tôi. Bà còn hăng hái cổ động nhân viên trong văn phòng noi gương chúng tôi đi làm bằng xe lửa để tiết kiệm nhiên liệu, tránh nạn kẹt xe và giúp giảm bớt sự ô nhiễm thành phố. Vui hơn nữa là cuối năm đó, văn phòng trung ương còn gửi xuống cho tôi và Grace mỗi đứa một cái gift card của Target trị giá $100 để gọi là tưởng thưởng chúng tôi đã góp phần vào chương trình bảo vệ môi sinh.

Nàng tài xế xe bus của tôi cũng “cồng kềnh” không kém gì cái xe bus nhỏ, vậy mà nàng nhanh nhẹn không thể tưởng tượng được. Phonecia biết hết những ngõ ngách cần phải được xử dụng trong những ngày xe cộ ứ đọng hay những ngày trời mưa bão đường sá bị ngập lụt, không có nàng thì chúng tôi đã trễ xe lửa nhiều phen. Những chiều nào đón ít người, dư giả thì giờ Phonecia vừa nhẩn nha lái, vừa kể chuyện gia đình, chuyện sở. Phonecia nói nàng có thằng con trai nhỏ vừa lên tám tuổi, thích một bộ bed set có hình Power Ranger mà nàng chưa có tiền mua cho nó. Phonecia kể lể chuyện ông sếp trực thuộc của nàng đang hết sức trù ẻo nàng, nàng xin làm thêm giờ thì không cho, nhưng hễ cứ đúng ngày nghỉ của nàng thì cứ réo gọi vào làm thế cho những tài xế bỗng dưng vắng mặt. Phonecia bảo nàng đang xin đi làm full time ở MTA rồi kêu vào nghỉ bệnh trước khi ra đi để cho hắn biết tay.

Cái nhiệm sở mới của tôi mang tiếng là nằm ngay phố thị, mà chợ thì xa, shopping đi cả tiếng đồng hồ mới tới, chung quanh tòan là công xưởng, nhà máy, đâu có chỗ nào hấp dẫn để rong chơi vào những giờ nghỉ trưa. Hèn gì mà nhân viên không trở thành mẫn cán sao được. Vùng VI này là vượng địa của dân bản xứ, nên người Sì chiếm đến 2/3 dân số, phần còn lại là hiệp chủng quốc. Nhân viên gốc Mít đếm được trên đầu ngón tay. Tôi gặp thêm được mấy người bạn Mít, phần nhiều là những người phải chịu khó vượt con đường thiên lý như Grace, như tôi. Ai cũng mang cùng một tâm trạng - lỡ mất cơ hội vào GAIN thì làm sao - đồng bệnh tương lân, nên chúng tôi dễ dàng kết thân với nhau. Buổi trưa, bọn tôi chiếm cái bàn dài nhất của phòng ăn làm chỗ tụ họp, thay phiên nhau đem bánh canh, gỏi cuốn, bún riêu, mì quảng v.v…vào đãi đằng nhau. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, chúng tôi bèn cùng nhau kết nghĩa kim lan, họp thành một nhóm Bát Tiên, theo tuổi tác xếp thứ tự chị em, mà tôi là bà tiên nhiều tuổi nhất. Nàng sếp Việt Nam ngày nào “ỡm ờ” với tôi bây giờ là sếp của tôi. Chẳng là tôi vào làm với bà sếp Mễ được ít lâu thì bà sếp của tôi được thượng cấp chiêu đãi cho làm một công tác đặc biệt nên cái unit nhỏ của tôi bị phân tán mỏng và tôi được đưa vào làm với nàng sếp Việt Nam. Sếp mà tôi xài xể như... em, bởi vì nàng đứng tới hàng thứ 5 theo thứ tự trong nhóm Bát Tiên. 

Tôi đi làm ở Bell được gần một năm thì văn phòng GAIN ở vùng III được lệnh mở thêm một văn phòng phụ ở Pomona để những người hưởng trợ cấp những thành phố trực thuộc văn phòng này khỏi phải lặn lội lên trình diện ở văn phòng chính trên El Monte. Nhân viên ở khắp tất cả những văn phòng GAIN trong tòan quận Thiên Thần được khuyến khích làm đơn xin thuyên chuyển. Tôi và Grace bàn nhau, cứ tính theo tiêu chuẩn thâm niên công vụ thì chưa chắc đã có nhiều người đủ điều kiện để vượt qua tôi và Grace, thể nào đơn của chúng tôi sẽ được xét ưu tiên. Quả đúng như dự đóan của chúng tôi, đơn xin thuyên chuyển của hai đứa tôi được chấp thuận nhanh chóng, hai tháng sau tôi và Grace được tái hồi cố quận.

Trước ngày giã từ văn phòng GAIN vùng VI, tôi vào nhà kính trồng lan của ông chồng tôi cắt trụi hết mấy chục bông Cattleya màu trắng tím nhụy vàng đem vào sở tặng cho sếp lớn, sếp nhỏ, cho thư ký, cho những người bạn tôi quen để làm quà lưu niệm. Trên chuyến xe bus lần cuối cùng tôi trao cho Phonecia một cái thiệp cảm ơn của tôi và Grace, trong đó, hai đứa tôi đã để vào năm chục đồng tiền lì xì mới toanh cho Phonecia có phương tiện để mua bộ bed set cho thằng con trai. Sau khi chúc mừng cho chúng tôi không còn phải gian khổ với dặm trường thiên lý nữa, nàng tài xế dễ thương của chúng tôi cho biết là sang đầu tháng tới nàng cũng sẽ giã từ những chiếc xe bus nhỏ để chính thức vào điều khiển những chiếc xe bus khổng lồ của hãng MTA. 

*

Tôi rời xa văn phòng GAIN vùng VI đã lâu lắm rồi, nhưng không bao giờ tôi có thể quên được những kỷ niệm dễ thương trong những ngày tháng ngắn ngủi làm việc ở Bell. Cái nhóm Bát Tiên nho nhỏ của chúng tôi bây giờ cũng tản mác bốn phương tám hướng, người thì thuyên chuyển về làm việc ở những văn phòng GAIN khác gần nhà, người thì được lên chức đổi sang những cơ quan, chi nhánh khác nhau của quận Thiên Thần, chỉ còn một mình cô sếp nhỏ ở lại vùng VI, và vẫn làm sếp cái unit cũ như ngày đầu tiên. Tuy có xa mặt nhưng chúng tôi chẳng cách lòng vì chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên bằng email hay điện thoại. Mỗi năm chúng tôi vẫn tổ chức những buổi tiệc reuinon để có cơ hội gặp lại nhau, cùng chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn trong chốn đời thường, ở khung trời mới.

Những hàng cuối cùng này tôi muốn dành để cám ơn các sếp lớn, sếp nhỏ ở trung tâm huấn luyện văn phòng GAIN vùng VI đã giúp tôi có được một số kiến thức vững vàng để có thể dễ dàng ứng xử với công việc mới. Tôi cũng xin cám ơn những chuyến xe lửa, xe bus và người tài xế lanh lẹn của chúng tôi đã đưa đón tôi trong những ngày tháng tôi đi làm ở vùng đất xa xôi đó. Xin cám ơn những người bạn mới tôi đã gặp và kết thành một nhóm Bát Tiên thân ái với nhau. 

Xin cám ơn Ngim, người bạn đã hết lòng vì tôi và Grace. Xin cám ơn cô sếp nhỏ, người đã quay tôi mòng mòng trong buổi phỏng vấn, tưởng đ㠓chê” tôi mà cuối cùng thì cũng vẫn chọn tôi. Và sau hết thì tôi phải cám ơn…tôi, vì tôi đã can đảm quyết định thay đổi - khắc phục nỗi ngại ngần con đường thiên lý - mạnh dạn bước tiến để đi đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,020,185
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Nhạc sĩ Cung Tiến