Hôm nay,  

Làm Công Chức Tiểu Bang Hoa Kỳ

09/02/201200:00:00(Xem: 138205)
Làm Công Chức Tiểu Bang Hoa Kỳ

Tác giả: Hương Huyền
Bài số 3478-12-28948vb4020812

Tác giả cho biết từ nhiều năm đã theo dõi Viết Về Nước Mỹ và đây là bài viết đầu tiên. Là một công chức tại tiểu bang Texas hiện đã về hưu, bà kể lại những kinh nghiệm vui buồn của đời công chức Mỹ. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

“A Transplanted Rose”. Đây là lời giới thiệu của ông “boss” trong dịp tôi nhận lãnh bằng tưởng lục mười năm công vụ.
Vậy là, tôi đã làm Công chức của Tiểu Bang Texas hai mươi hai năm, cộng với gần mười năm nữa ở Việt Nam, có thể nói là ba mươi năm tròn!
Khi mới đặt chân đến đất Mỹ, vì chán cảnh ngày ba lần xếp hàng đi ăn như người ta đi lãnh “phát chẩn” hồi năm đói Ất Dậu, và cũng vì muốn sớm có công ăn việc làm, sớm ổn định đời sống, để con cái sớm được đến trường, nên sau một tuần lễ ở trại tạm trú Fort Chaffee, ông xã tôi quyết định theo mấy người bạn, đem gia đình xuất trại, đến một vùng quê hẻo lánh của tiểu bang Oklahoma, nơi có thể gọi là “khỉ ho cò gáy”, trồng toàn bông gòn, với một hãng may duy nhất, cách xa nhà khoảng 40 dặm.
Chưa kịp ngắm nghía ngôi nhà mình ở, xem nó như thế nào, thì năm giờ sáng ngày hôm sau, tôi đã phải thức dậy, cơm nắm, cơm gói, rồi qúa giang xe hàng xóm để đi làm. Ông xã tôi cùng mấy người đàn ông cùng nhóm, sau mấy tháng không kiếm được việc, cũng đành vào hãng may, làm thợ cắt vải.
Công việc đầu tiên của tôi nơi xứ Mỹ kể ra cũng oai lắm: “Tôi là inspector” của hãng may. Có nghĩa là tôi được giao cho một cái kéo nhỏ bằng hai ngón tay, và một xấp giấy màu đỏ tròn nho nhỏ (dots), để kiểm soát và cắt những sợi chỉ thừa, hay dán giấy đỏ vào những đường may lỗi, sót hay không thẳng trên những chiếc mền dày (comforters). Sau đó, xếp những chiếc mền không có lỗi lại, rồi từng cái, từng cái, bỏ vào những bao nylon có dán nhãn hiệu. Vì người ta cố tình làm cái bao nhỏ hơn cái mền, để cho nó căng phồng lên cho đẹp mắt, nên có lần tôi đã bị trật xương vai, phải nghỉ làm hết mấy ngày, bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn đau, nhất là khi trời trở lạnh! Công việc tuy không mấy vất vả, chỉ phải đứng. Tuần lễ đầu, vì tham công, tiếc việc nên tôi và các bạn đã đứng liên tục mười một tiếng đồng hồ mội ngày, trừ nửa giờ ăn trưa. Tối về thì chân cẳng rã rời, tôi phải chồng hết mọi cái gối lên để gác chân cho bớt mỏi, mới đủ sức đứng ngày hôm sau. Viết tới đây, tôi sực nhớ tới câu ca dao:
“Em đi làm mướn nuôi con. Áo rách mặc áo, vai sờn mặc vai”
Cũng vì qúa tham công tiếc việc, hay nói đúng hơn, vì chân ướt chân ráo, nên ai cũng muốn làm thêm giờ, để có thêm tiền lo cho gia đình. Riêng tôi, vì không muốn chồng con phải mặc đồ Mỹ bo (Mỹ bỏ, đồ cũ) nhìn chẳng giống ai, nên tôi càng cố gắng nhiều hơn! Vì thế nên chỉ vài tháng sau, công việc của hãng vơi dần, giờ làm bớt xuống, và dĩ nhiên lương bổng cũng ít đi.
Rồi mùa đông đến, tuyết bao phủ dày đặc quanh nhà, những cánh đồng bông gòn trở thành biển tuyết mêng mông. Đám nhỏ thì vui mừng vì được nghỉ học, lại đuợc lăn lộn cả ngày với tuyết, thi nhau làm những người tuyết (snow man). Nhưng người lớn thì rầu thúi ruột, vì đã ít việc, lại phải nghỉ làm!
Sợ rằng tương lai rồi sẽ bất định như những áng tơ trời đến rồi đi, nên khi mùa xuân chưa kịp đến, chúng tôi đã từ Clinton dọn tới Oklahoma City, ở được hơn một năm, lại dọn xuống Texas. Sở dĩ gia đình chúng tôi trở thành dân bán du mục, vì sau khi ra trường Beauty College ở Oklahoma, và đi làm được một tháng, tôi bị phản ứng thuốc qúa nặng, nên đành bỏ nghề. Ấy cũng tại số (?). Tại Texas, chúng tôi thuê nhà tại Port Neches, một thị trấn nhỏ nằm giữa Beaumont và Port Arthur. Trước khi di chuyển, chúng tôi được hứa hẹn rằng ông xã tôi sẽ có việc làm tại văn phòng USCC, còn tôi sẽ được phụ trông coi một cơ sở thương mại. Thật qúa tốt! Chúng tôi chẳng mong ước gì hơn! Chúng tôi thầm cảm tạ Thiên Chúa và tổ tiên ông bà.
Thế nhưng … sự thật đã chẳng phải như thế! Chỉ sau ba tháng, văn phòng USCC đã hết ngân khoản, và chưa được tái tài trợ (?). Ông xã tôi bị cho nghỉ việc, với lời dặn rằng: nếu sau một tháng mà sở không gọi lại thì đi xin trợ cấp Food Stamps! Còn tôi, chờ mỏi mắt cả mấy tháng trời cũng chẳng thấy cơ sở thương mại nào gọi đi làm cả.
Làm sao bây giờ? Gia đình tôi bảy người, hai vợ chồng với năm con nhỏ. Người lớn thì còn tạm ăn cơm với nước mắm, hay mì gói qua ngày, nhưng còn các con, nhất là bé gái út mới hơn một tuổi. Từ ngày đặt chân lên đất Mỹ cho tới thời điểm này, ông xã tôi nhất định không xin một thứ trợ cấp nào của chính phủ. Ông luôn nhắc tôi lời dặn trong thư của một bà bạn Mỹ ông gặp khi du học ở Los Angeles. Bà này gửi làm qùa cho chúng tôi một thùng quần áo cũ, với mấy cái váy mặc qúa đầu, và ít áo đầm rộng thùng thình, hai ba người chui lọt. Bà dặn rằng: “chớ có bao giờ xin trợ cấp của chính phủ, vì sẽ bị người bản xứ khinh chê, và có thể sẽ không được vào quốc tịch Hoa Kỳ”(?).
Chao ôi! Vào quốc tịch, trở thành công dân Hoa Kỳ là “giấc mơ Thiên đàng” của đồng bào tỵ nạn nói chung, thế mà bà bạn qúy hóa của ông xã tôi đã nỡ hù dọa chúng tôi như thế! Vì không bà con thân thuộc, không còn cách nào khác, sau hơn một tháng nghỉ không lương, ông xã tôi đành phải chịu đi xin Food Stamps khẩn cấp! Chúng tôi cũng không quên xin Thiên Chúa khai đường, mở lối cho chúng tôi.
Kể từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, đây là lần đầu tiên tôi biết tới sở An Sinh Xã Hội. Chúng tôi dậy thật sớm, và tới văn phòng FT ở Baumont trước 8 giờ sáng, hy vọng sẽ được gặp người Social Worker ngay giờ hẹn đầu. Sau khi được phỏng vấn và hoàn tất mọi thủ tục, tôi nói cho người SW này biết về những kinh nghiệm và khả năng của tôi khi làm việc cho Phái Bộ Cố Vấn quân, dân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, và yêu cầu bà giúp, hướng dẫn tôi xin việc làm. Rất mau mắn, người SW này bảo chúng tôi ngồi chờ ít phút, để bà đi hội ý với người trưởng phòng (supervisor). Khoảng mười phút sau bà trở lại, và trao cho tôi tờ giấy giới thiệu tới Sở Lao Động của thị xã (Department of Employment Services ). Thế là tôi dính chặt với đời công chức từ đây!
Có thể, người SW này không biết, hay đã quên dặn tôi phải làm gì khi tới Sở Lao Động, nên tôi đã ngây thơ không mua đồ ăn trưa cho chúng tôi và sữa cho cháu bé. Những đồng bào tỵ nạn VN khác, hẳn đã may mắn hơn chúng tôi, đã được những cơ quan hay nhà thờ bão trợ giúp đỡ, hướng dẫn để hội nhập vào đời sống mới. Trái lại, vợ chồng con cái chúng tôi hầu như bơ vơ ngay từ những ngày đầu, nên cứ như những đứa trẻ chập chững tập đi, ai nói sao nghe vậy, không biết đâu mà hỏi, chẳng biết ai mà nhờ! Bây giờ, nghĩ lại thật xót xa, nhưng cũng tự hào về chính bản thân mình!
Tại Sở Lao Động, sau khi điền đủ các mẫu đơn cần thiết, ông xã tôi nhận ngay được giấy giới thiệu xin làm thư ký kế toán cho đại học Lamar, vì chàng đã qua mấy tháng huấn nghệ của chương trình CITA ở Oklahoma City. Còn tôi, dựa theo lời tôi khai trong đơn, họ cho tôi một bài thi Anh ngữ, một bài toán và đánh máy chữ. Bỏ trường lớp và sở làm cả chục năm, tôi hồi hộp hơn cả khi thi Tú Tài thủa xưa, vì kết qủa của cuộc thi tuyển này sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống của cả gia đình chúng tôi! Nhưng cũng may, nhờ tôi chịu khó đi tu nghiệp, huấn nghệ trong khi làm việc ở VN, thực tế cũng để được lãnh tiền “công tác phí” (perdiem), nên cuối cùng tôi cũng nhận được hai giấy giới thiệu việc làm thư ký, một ở Tòa Án, và một ở ngay văn phòng Food Stamps. Vì qúa mừng, và cũng vì không có người hướng dẫn, nên chúng tôi đã không biết rằng còn có những công việc khá hơn, lương cao hơn, chúng tôi có thể đảm nhận, thí dụ như làm Social Worker chẳng hạn. Chỉ tội cho ông xã tôi, chả gì anh chàng cũng có được vài cái “Cử” ở VN (cử nhân Luật và Quốc Gia Hành Chánh tại Sàigòn), cộng thêm nửa cái nữa ở Hoa Kỳ (Phân Tích & Quản Trị tại USC). Thật ngu ơi là ngu!
Thế rồi, quên cả đói khát của chính mình và con nhỏ, vợ chồng tôi vội trở lại văn phòng FT ngay, lúc ấy đã hơn bốn giờ chiều, và tôi đã được nhận vào làm thư ký văn phòng, kiêm thông dịch viên. Vì văn phòng USCC đóng cửa, không có người thông dịch, nên họ muốn tôi bắt đầu làm việc ngay ngày hôm sau. Nhưng vì đã chuẩn bị đi ăn Tết, và thăm ông cụ tôi ở Oklahoma City, nên tôi xin khất lại hai tuần sau mới nhận việc. Cảm tạ Thiên Chúa và tổ tiên, ông bà!
Thế là tôi chính thức trở thành công chức của Tiểu Bang Texas ngày 15/2/1978, dù chỉ mới là tạm thời (temporary). Còn ông xã tôi thì bắt đầu làm việc tại đại học Lamar ngày 14/2/1978. Tháng đầu, vì chưa có lương, chúng tôi tạm gửi cháu nhỏ tại nhà một người quen, trước cùng làm việc với ông xã tôi tại USCC, tháng tiếp theo thì gửi cháu tại “daycare” của đại học. Mỗi buổi sáng, chúng tôi phải dậy từ 6 giờ để làm đồ ăn trưa cho mình và cho cháu nhỏ, bốn cháu lớn thì được ăn trưa ở trường, nhưng các cháu phải đi bộ đến trường, vì nhà ở cách xa trường không qúa hai dặm, nên không được xe bus đưa đón! Kể từ sau ngày dời trại tạm trú, chúng tôi hầu như đã quên hẳn bữa điểm tâm, vì không có đủ thì giờ. Tội nghiệp cho lũ con của chúng tôi, chúng cũng phải nhịn đói đến trường!
Cũng may, dù chỉ có một xe, nhưng vì hai nơi làm việc cùng ở trên một tuyến đường, nên tôi đã có thể bỏ cháu nhỏ vào “daycare”, thả ông xã xuống đại học, rồi tới sở trước 8 giờ, và làm cho tới 5 giờ chiều.
Mỗi buổi chiều, thuờng ông xã tôi phải chờ khoảng 20 phút, nếu tôi không bị kẹt xe, rồi chúng tôi mới tới đón cháu bé. Thật tội nghiệp, thường hai mắt cháu bé đỏ hoe, hẳn cháu đã khóc nhiều vì nhớ bố mẹ, hay bị những trẻ khác bắt nạt, vì chỉ mình cháu là VN, lại nhỏ con, lùn tịt. Mỗi buổi sáng, cháu không chịu vào lớp, cháu thường òa khóc khi vừa nhìn thấy cửa “daycare”, rồi cứ túm chặt lấy quần áo bố mẹ, nhất định không chịu đi vào! Thương con bé bỏng, tôi muốn khóc, nhưng biết làm sao hơn!
Công việc chính của tôi là thông dịch cho đồng bào VN, những người đến xin trợ cấp Food Stamps. 
Những khi không phải đi thông dịch, nói khác đi là không có “client”, tôi phụ nhận điện thoại của đồng bào, cả Việt lẫn Mỹ gọi vào để bá cáo những thay đổi của tình trạng gia đình, như thay đổi chổ ở, đi làm hay thất nghiệp, thay đổi nhân sự, hay cũng để khiếu nại này nọ… Đồng thời tôi cũng phụ trách làm một số hồ sơ FT. Sau đó vài năm, hai cơ quan Food Stamps và Welfare (phát tiền mặt) nhập một. Thời điễm này tôi mới biết có một SW người VN làm việc tại đây. Tuy nhiên, nhu cầu thông dịch đã không giảm bớt, tôi lại gánh thêm việc tiếp liệu (supply) cho cả hai đơn vị. Công việc này thật không đơn giản! Tôi đã phải học thuộc lòng mã số của hàng trăm mẫu tài liệu, đơn từ, và văn phòng phẩm. Hàng tháng tôi phải kiểm kê số lượng thiếu hụt, rồi gửi đi xin tiếp liệu. Khi nhận được, tôi lại phải kiểm kê mọi thứ, từ bút chì, sổ sách, tới các văn kiện, rồi tuần tự xếp lên các hàng kệ trong kho.
Để rút bớt thời gian phỏng vấn, ban Giám Đốc đề nghị tôi dịch một số tài liệu và thông cáo sang Việt ngữ để phát cho đồng bào khi họ tới văn phòng, thí dụ như “Những giấy tờ cần đem theo, Quyền lợi và Trách nhiệm của người thụ hưởng”, và một số thông cáo của các cơ quan liên hệ như chương trình y tế miễn phí cho trẻ em, chương trình khám thai phụ nữ, trợ cấp tiền điện nước mùa hè, mùa đông v.v..
Đó là vào khoảng năm 1980, khi đồng bào tỵ nạn qúa đông ở cả ba thị xã Beaumont, Port Arthur và Orange, còn được gọi là Tam Giác Vàng. Chúng ta cũng nên biết rằng, cho tới bây giờ, tất cả những văn kiện trên đều được in song ngữ, tiếng Anh và Hispanic.
Lúc đó chưa có những cơ sở thông dịch của chính phủ, hay tư nhân tình nguyện như bây giờ, nên đôi khi các cơ quan liên hệ và sở Cảnh Sát, Tòa Án cũng yêu cầu tôi thông dịch giúp. Tôi vẫn chưa quên lần thông dịch giúp chương trình Bảo Vệ Phụ Nữ (Woman Protective Services) về trường hợp bạo hành trong gia đình. Hôm đó cảnh sát điều tra đã hỏi nạn nhân nữ những chi tiết mà khi thông dịch lại, mặt tôi cứ rần rần đỏ lên, miệng thì ấp úng như gà mắc dây thung. Từ sau đó, tôi tìm cách thoái thác mỗi khi được họ nhờ!

Có thể nói là trong những ngày tháng đó, sức lao động của tôi đã được khai thác triệt để. Suốt trong 8 giờ đồng hồ ở sở, tôi cứ quay mòng mòng, hết việc nọ tới việc kia, từ cơ quan này sang cơ quan nọ. Thêm vào bệnh dị ứng khá trầm trọng, đó cũng là nguyên nhân chính tôi dời khỏi Oklahoma City, tôi thường xuyên bị xổ mũi, hắt xì liên tục, uống thuốc vào thì buồn ngủ, mắt cứ nhíp lại, nhiều khi không tiếp tục làm việc được, tôi đành phải bỏ về. Vì vậy, sau hai mươi hai năm làm việc liên tiếp, tôi đã dùng hết mọi giờ nghỉ bệnh (sick leave), vừa nghỉ cho mình, vừa cho con. Trong khi một số nhân viên khác, khi nghỉ hưu, họ được lãnh tiền cho cả hơn ngàn giờ. Đôi khi thấy tôi qúa mệt, vì ngoài giờ làm việc ở sở, tôi còn phải lo cơm nước, nhà cửa, con cái, ông xã an ủi tôi rằng: ”khi nào anh chàng làm được 1000 đô một tháng thì để tôi nghỉ việc”!
Cũng may, con cái chúng tôi rất ngoan và thương bố mẹ. Thấy bố mẹ vất vả, các cháu chịu khó học hành, và chia nhau làm giúp tôi một số công việc nhà. Cháu gái lớn thì giúp mẹ đi chợ, phụ nấu ăn và giặt quần áo. Hai cháu trai lớn thì phụ coi em, dọn bàn và rửa chén bát. Lúc này, ông xã tôi bắt đầu đi học lại, nên anh chàng đành dành hết mọi công việc gia đình cho mẹ con tôi. Bây giờ nghĩ lại, tôi tự cảm phục chính mình và không quên cảm ơn các con!
Lương công chức hẳn ít hơn tư chức hay nhân công, nhưng chắc chắn không sợ bị thất nghiệp (?).
Thoạt đầu, tôi chỉ là nhân viên tạm thời (temporary), lãnh lương tối thiểu $3.50 một giờ. Sau ba tháng, có lẽ thấy tôi làm được việc, “boss” gửi tôi trở lại Sở Lao Động để thi vào chính ngạch (permanent), và cuộc thi trắc nghiệm này gọi là “Merit System Test” cho ngành thư ký hành chánh (admin clerk). Thật may phúc, tôi không những đậu một lượt Ckerk I, II, III, mà luôn cả Clerk Supervisor nữa, trong khi hai cô bạn Mỹ làm chung thì trượt vỏ chuối. 
Nhưng, cái mừng chưa qua, nỗi lo lại đến! Tuy được thông báo kết qủa như trên, nhưng tôi không được cấp giấy chứng nhận, vì tôi không có một văn kiện gì để xác nhận khả năng văn hóa của mình, theo luật lệ qui định. Vì khi cộng sản tấn chiếm miền Nam, gia đình chúng tôi bị kẹt lại, nên tất cả bằng cấp và giấy tờ liên hệ tới chế độ cũ, và Hoa Kỳ đều đã bị tiêu hủy, trước khi chúng tôi trốn chạy khỏi Sàigòn ngày 2 tháng 5, 1975. Nhưng rồi, một lần nữa, tôi lại được Trời Cao ngó xuống, tôi đậu được bằng GED (General Education Diplomat), tương đương với lớp 12 trung học, nên mới được Sở Lao Động cấp giấy chứng nhận. Và từ đó trở đi, tôi được hưởng đầy đủ quyền lợi của một công chức chính ngạch, lãnh lương tháng và được tăng thêm khoảng100 đô, có bảo hiểm sức khoẻ miễn phí, cộng với 8 giờ nghỉ thường niên, và 8 giờ nghỉ bệnh. Dù vậy, tôi vẫn không được thăng cấp gì cả cho đến khi có việc khác cao lương hơn.
Hệ thống công quyền tiểu bang của Hoa Kỳ rất chật chẽ, không giống như ở Việt Nam, trừ những cấp nhỏ (steps), muốn được thăng cấp cao hơn (promotion) hay đổi công việc tốt hơn, quan trọng hơn, cao lương hơn, người công chức không những phải hội đủ điều kiện, mà cũng phải nạp đơn, phải được phỏng vấn và tuyển chọn như tất cả những ứng viên khác.
Công việc tuy không vừa ý, nhưng bù lại, tôi được đồng hương thương mến. Suy ra từ cái khổ, cái thiếu thốn của chính bản thân và gia đình mình, tôi luôn cố gắng để không người nào đến xin bị từ chối. Thay vì dịch lại từng chữ, tôi luôn “hỏi khéo”, dựa theo sự hiểu biết của mình, để họ trả lời hợp với những điều kiện “ắt có và đủ” để được cấp FT. Ngoài ra, tôi cũng mách họ những chương trình phúc lợi khác của chính phủ, hay của các nhà thờ Mỹ. Và sau này, khi vào làm ở Welfare, ông xã tôi cũng giúp họ hết mình, để họ được lãnh trợ cấp tiền mặt “welfare”. Người VN chúng ta vốn dĩ luôn trọng tình nghĩa, nên khi chúng tôi có việc phải nhờ lại đồng hương, như sửa nhà, sửa xe v.v. họ cũng tận tâm làm giúp với giá phải chăng, khiến cho chúng tôi cũng được an ủi và cảm thấy bớt cô đơn!
Một kỷ niệm đẹp và cũng thú vị, mà cả đời chúng tôi sẽ không bao giờ quên, đã xảy ra như sau: Sau khi bị đuổi nhà hai lần vì đông con, chúng tôi quyết định mua căn nhà nhỏ, chỉ có hai phòng ngủ, kiểu tiền chế (trailer), nhưng không đủ tiền đặt cọc, một đồng hương đã tự động cho chúng tôi vay 2000 đô, không phải trả lời. Vì lợi tức của hai vợ chồng chúng tôi qúa thấp, gia đình lại đông người, nên hồ sơ xin vay tiền mua nhà không được chấp thuận. May gặp được người bán nhà (realtor) tốt bụng, thương tình, đã liên lạc với bà “big boss” (program manager) của tôi, và bà này đã đứng ra bảo đảm, nên gia đình chúng tôi mới có nơi ăn, chốn ngủ! Nhưng ngôi nhà qúa nhỏ, hai cháu trai lớn phải ngủ dưới sàn ngoài phòng khách. Được mấy đồng nghiệp Mỹ cố vấn, ông xã tôi tới tiệm bán vật liệu xây cất để hỏi cách nới rộng thêm nhà. Tại nơi đây, anh chàng được hướng dẫn như phải làm thế nào, và vật liệu phải gồm những gì. Nghe họ nói có vẻ không mấy khó, anh chàng quyết định mua và trả tiền đầy đủ.
Chiều ngày hôm sau, khi về tới nhà, thấy một đống to tướng vật liệu đổ trên chỗ đậu xe, chúng tôi hết hồn, tự hỏi không biết sẽ phải làm sao đây? Vì từ nhỏ tới giờ, anh chàng chưa hề cầm tới cái búa, đóng một cái đinh, rồi thứ nào là “rui”, thứ nào là “mè”, chúng tôi mù tịt, nên hết sức lo lắng, sợ hãi, và đã để đống vật liệu đó dầm mưa dãi nắng suốt hơn hai tuần lễ. Thế rồi, hẳn cũng được Thượng Đế xót thương, nên tình cờ, một đồng hương đi qua, tiện đường ghé thăm. Sau khi biết chuyện, ông đã rủ thêm một bạn thợ mộc, chuyên đóng ghe đi biển, vài ngày sau tới làm giúp. Thật hú vía!
Nhưng nào đã xong, tuy căn nhà đã được nới rộng ra gần một nửa, trông rất thoáng mát, tạm đủ phòng ốc cho các cháu ngủ, kê bàn học, bàn ăn, nhưng còn một việc hết sức quan trọng mà thợ mộc đành bó tay: cầu tiêu! Người Việt mình có câu “phước bất trùng lai”, nhưng đối với hoàn cảnh của gia đình chúng tôi, thì chẳng đúng tí nào, chúng tôi đã được hưởng hết may mắn này tới may mắn khác. Ngoài sự thương mến của đồng hương, chúng tôi cũng dành được cảm tình của nhiều đồng nghiệp, và nhất là của các “boss”, họ tỏ vẻ quan tâm và thường hay thăm hỏi về sự học hành của các cháu. Do đó, nan đề đã được giải quyết mau chóng. Số là, nhà thờ của bà “big boss” có bão lãnh một số gia đình tỵ nạn VN, nhân một lần bà ghé thăm văn phòng, tôi có kể bà nghe về chuyện bế tắc trong việc sửa nhà, ngày hôm sau, bà gửi ngay một trong số những người đó, người cũng mới vừa hoàn tất việc sửa nhà của họ tới giúp. Một lần nữa, xin cảm ơn Thiên Chúa và đa tạ lòng từ tâm của người Mỹ.
Ở đời, yêu-ghét là chuyện thường tình! Huống chi, sở làm của tôi gồm mấy đơn vị, có gần cả trăm người, nên cũng không tránh khỏi cảnh tỵ hiềm, ganh ghét. Có thể, vì tôi siêng năng làm việc, luôn chu toàn bổn phận, có thể vì tôi được các “boss” thương mến, nhất là bà “big boss” . Mỗi khi tới thăm văn phòng, bà thường hay cắt những mẫu tin trên các báo địa phương, đăng hình hoặc tin tức về các hợc sinh VN xuất sắc, trong đó có các con của chúng tôi, rồi dán lên tường, khiến một số người gai mắt. Một vài người không dằn được cảm tính, thỉnh thoảng họ lấy cớ này nọ để gây sự, hoặc dồn thêm cho tôi nhiều công việc, mục đích làm cho tôi nản chí, nghỉ việc. Nhưng vì gia đình, vì con cái, tôi vẫn cố gắng chịu đựng, khiến họ bực bội bảo tôi: “Sao không nghỉ đi” (cho khuất mắt họ?). Trời ơi! Làm sao tôi dám nghỉ việc! Tôi đành chịu trận, nuốt giận làm ngơ!
Trở lại công việc làm ăn …
Vào khoảng cuối năm 1979, người SW bên sở Welfare thuyên chuyển đi tiểu bang khác, ông xã tôi được tuyển vào thay thế. Tới đầu năm 1983, tôi được tuyển sang làm chuyên viên bên sở Xã Hội, lương cao hơn, công việc tương đối nhàn hạ hơn. Tôi chuyên lo hồ sơ và gửi đồng hương tỵ nạn đi bác sỹ khám sức khỏe, nhà thương nếu cần, và chuyển họ tới những cơ quan liên hệ để được giúp đỡ, tùy theo nhu cầu.
Sau đó ít tháng, ông xã tôi ra trường với bằng Accounting, và được chuyển sang làm Thanh Tra Tài Chánh của tiểu bang. Thành thực mà nói, vì Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ, nên đa số đồng bào tỵ nạn thủa ban đầu, rất khó chen chân cùng người bản xứ. Mãi sau này, vì nhu cầu, Bộ ASXH được cấp ngân khoản để mướn thêm nhân viên phục vụ đồng bào tỵ nạn, nên tôi mới có cơ hội thăng tiến. Dĩ nhiên, cũng như ông xã, chúng tôi cũng phải thi Merit System cho công việc mình xin, và cũng phải qua thủ tục tuyển chọn. Trong thời gian này, chúng tôi phải thường xuyên di chuyển. Vì phục vụ đồng hương của cả ba thị xã, nên vài ngày chúng tôi làm việc nơi này, vài ngày nơi khác. 
Qua đến hè 1984, vợ chồng tôi xin thuyên chuyển lên San Antonio, nơi con gái chúng tôi theo học ngành nha, vì cháu tỏ ý không muốn trở về chốn cũ sau khi tốt nghiệp. Hơn nữa, San Antonio lớn hơn, đẹp hơn!
Khi chúng tôi tới San Antonio, cũng là lúc ngành “social service” của Bộ ASXH được đổi thành “employment service”, chuyên hướng dẫn và gửi đồng bào, những người lãnh tiền mặt welfare đi huấn nghệ, hay tìm việc làm. Mỗi hai tuần, cùng với mấy chuyên viên khác, tôi có nhiệm vụ gửi thư mời “clients” tới sở, cho họ làm bài trắc nghiệm để biết khả năng văn hóa và chuyên môn, rồi thuyết trình khái lược về mục đích của chương trình: nhằm giúp họ vươn lên, để họ có thể “tự lực cánh sinh” v.v., rồi chuyển hồ sơ qua sở Lao Động của thị xã, để họ được gửi đi học, huấn nghệ hay tìm việc làm.
Sau đó ít năm, vì tuổi tác, vì sức khỏe suy giảm, tôi xin làm thư ký riêng (bí thư) cho một bà “boss”, chuyên lo hồ sơ nhân viên, đúc kết và phúc trình số giờ làm việc, lập thời khóa biểu, và dự thảo chương họp hàng tháng cho một đơn vị. Cũng may, bởi xưa kia tôi được huấn luyện ít nhiều về quản trị hành chánh, nên tôi chấp hành công vụ một cách trôi chảy và qúa ư nhàn hạ. Do đó, tôi đã có thì giờ rảnh rỗi để viết lách, phiên dịch những đề tài hấp dẫn, hữu ích đăng trong các tạp chí của Mỹ, rồi gửi đăng báo, phổ biến tới đồng hương. Đồng thời, tôi cũng phụ trách làm bản thông tin hàng tháng cho Cộng Đồng Người Việt San Antonio cho đến ngày về hưu. Ngòai ra, từ mấy chục năm rồi, tôi cũng bắt đầu viết vài cuốn sách nhỏ, nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thành, và có lẽ chúng sẽ mãi không được trình làng, vì sức khỏe ngày càng suy giảm, và nhất là tôi không có đủ phương tiện tài chánh!
Nói chung, vợ chồng chúng tôi rất mãn nguyện và tự hào vì đã được làm “công chức của tiểu bang Hoa Kỳ”. Sau khi nghỉ hưu, ngoài tiền “Social Security”, mỗi tháng chúng tôi được lãnh khoảng 50% tiền lương, cộng với bảo hiểm sức khỏe trọn đời. Ngoài ra, trong hơn hai mươi năm làm việc, chúng tôi được học hỏi rất nhiều. Hàng tháng, chúng tôi bắt buộc phải đi “tu nghiệp” (training) một ngày, do phòng huấn luyện của sở điều hành. Khi thì có các chuyên gia từ các sở, các bộ hay giáo sư đại học tới thuyết trình, khi thì được gửi đi thụ huấn tại đại học, hay tại các sở, bộ liên hệ. Do đó, dù không được theo học đại học ở Mỹ này, nhưng tôi cũng có được vài chục tín chỉ (credit hours). Ngoài sự học hỏi về chuyên môn, để thăng tiến khả năng và hữu hiệu hóa công việc, chúng tôi còn được giới thiệu về sinh hoạt của các cơ quan, các nghành, các bộ liên hệ để hướng dẫn đồng bào.
Vì Hoa Kỳ là một quốc gia theo thể chế dân chủ pháp trị, theo tôi, người công chức nói chung phải được học hỏi, uốn nắn để trở thành những “công bộc” đúng nghĩa. Nên, cũng như tất cả những nhân viên khác, chúng tôi còn được thụ huấn về những gì gọi là “nhân quyền, nhân bản”, tương quan giữ người với người, nói đúng hơn là giữa nhân viên với đồng bào (clients) đủ mọi trình độ. Hai chữ “yes sir, yes mam” phải luôn ở đầu môi, chót lưỡi mỗi khi tiếp xúc với họ, dù khi ở ngay trong văn phòng, hay qua điện thoại!
Qua bao nhiêu thăng trầm của đời ngưòi, nhất là đời người tỵ nạn cộng sản VN, chúng tôi cảm thấy mệt mỏi sớm hơn các đồng nghiệp khác. Nên sau khi con gái út xong đại học, cả hai vợ chồng chúng tôi đã xin nghỉ hưu vào đầu năm 2000. Nhìn lại những gì đã xảy ra cho riêng cá nhân mình, thật qủa đúng như lời của cụ Nguyễn Du: “Cho thanh cao, mới được phần thanh cao”. Và bây giờ, tôi không thể không tin vào định mệnh, qua hai chữ “C’était écrit”!
Ngoài ra, không chỉ riêng cá nhân tôi là một “transplanted rose” như lời giới thiệu ưu ái của ông “boss”, mà tất cả những người công chức Hoa Kỳ nói chung, đều là những nhân viên ưu tú, nghiêm chỉnh chấp hành công vụ theo đúng lương tâm chức nghiệp.
Một lần nữa, chúng tôi xin cảm tạ Thượng Đế, Thiên Chúa của chúng tôi. Sẽ luôn ghi nhớ những ân tình của đồng hương đã dành cho chúng tôi. Và cũng sẽ mãi tri ân lòng tốt của những công dân Hoa Kỳ, đã chấp nhận, bao dung và tận tình giúp đỡ gia đình chúng tôi!
Hương Huyền

Ý kiến bạn đọc
17/02/201217:25:34
Khách
"Nguoi that nghiep lanh welfare" viết
May ong may ba social worker nguoi vietnam hay kiem chuyen,noi bat lich su voi nguoi viet nam xin welfare ,nen toi da phai yeu cau xin mot social worker nguoi My lo cho gia dinh chung toi. Tac gia bai nay la 1 truong hop ngoai le.

Nói ra thì đụng chạm, nhưng sự thật là đa số những người nào càng sống nhiều năm dưới chế độ việt cộng thì càng bị nhiễm độc "thượng đội hạ đạp" . Nên khi những người này được làm công chức Mỹ thì lòi ra bản chất nhiễm độc. Tôi cũng làm công chức ở Mỹ, đã từng gặp một vài người đến Mỹ từ 1975 thì không có vấn đề gì, họ rất professional khi tiếp xúc hướng dẫn đồng hương. Nhưng một số người qua Mỹ sau thì nói thật là tôi sợ họ luôn. Tôi qua Mỹ năm 1975 khi còn nhỏ, nên nói tiếng Việt sai, nhưng tôi cố gắng giúp những các cụ đồng hương hay không đồng hương. Trong khi những người kia, họ rất bất lịch sự với đồng hương đồng hương lớn tuổi và những người Hispanic. Họ hay than là bị Mỹ trắng kỳ thị, nhưng chính bản thân họ mới là đại kỳ thị người Hispanic, người da đen, và chính đồng hương họ. Bạn tôi nói với tôi là một số người Việt tại California sống theo motto:
" Trọng Mỹ trắng
Tởm Mỹ đen
Khinh Mễ
Xoi mói đồng hương "
09/02/201217:52:10
Khách
May ong may ba social worker nguoi vietnam hay kiem chuyen,noi bat lich su voi nguoi viet nam xin welfare ,nen toi da phai yeu cau xin mot social worker nguoi My lo cho gia dinh chung toi. Tac gia bai nay la 1 truong hop ngoai le .
09/02/201217:32:52
Khách
Bài viết rất trung thực nhất là nguyên tắc của chính phủ trong việc tuyển lựa nhân viên và luật lệ làm đầy tớ cho dân.
Tôi đã từng là một công chức của tiểu bang Washington State với chức vụ Social Worker từ năm 1975 đến năm 1980 rối đựợc thăng chức Cost Reimbursement Analyst 2 trong ngành kế toán cho đến khi về hưu ở tuổi 68 sau 23 năm công vụ. Vợ tôi cũng là công chức tiểu bang. Có một điều là ở Texas có bảo hiểm sức khoẻ suốt đời, ở đây chúng tôi phải mua bảo hiểm sức khoẻ mỗi tháng gần $400 cho 1 người (kể cả Medicare Part B premium $99.90 và dental $47.63).

Hai ông bà nên hãnh diện về cố gắng của gia đình trong những ngày đầu mới định cư. Gia đình ông bà thì ăn mì gói còn các con chúng tôi thì ăn bánh mì toast quẹt với peanut butter ngày này qua ngày nọ. Nhờ vậy mà nay chúng đã thành tài cả.
09/02/201203:06:41
Khách
Vì đã có khoảng thời gian làm việc trong chương trình food stamp và welfare, đọc bài viết này giúp nhớ lại những kỷ niệm vui buồn trong nghiệp làm công chức tiểu bang.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,131,044
Nhạc sĩ Cung Tiến