Hôm nay,  

Người Lấy Ba Vợ

03/02/201200:00:00(Xem: 312957)
Người Lấy Ba Vợ

Tác giả: Phạm hoàng Chương
Bài số 3473-12-28943vb5020212

Tác giả là một nhà giáo, từng là Chủ tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận, hiện đã về hưu và là cư dân Riverside, Nam Cali. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài mới của tác giả.

***

Sáng nay mở check email, thấy mail Lực, em rễ tôi, bên VN gửi qua :
-Anh Ch. ơi, anh Doãn bạn cũ anh, từ Nhatrang vô thăm má, có hỏi số phone anh để liên lạc.Đây là số phone nhà ảnh…..
Tôi sửng người …rồi mừng rỡ xin địa chỉ email Doãn vì không quen gọi về VN. Lực nói ảnh không có xài Internet. Mấy năm nay mày mò trên mạng tìm tung tích Doãn hoài không ra, tôi đã buồn… coi như mất vĩnh viễn một nguời bạn thân thời học trò. Năm 1996, Doãn qua Mỹ diện H.O ở San Jose có gặp lại tôi,. nhưng được hai tháng thì vợ con to tiếng gây lộn một trận với anh chàng rồi “từ” luôn. Ba mẹ con mua cái mobile home dọn ra ở riêng, Doãn phải bay qua Florida ở nhờ đứa em trai, rồi bặt tin từ đó.
-“Anh đừng lo, anh ấy sẽ gọi anh.”Lực trả lời.
Quả nhiên, chiều hôm đó Doãn gọi qua. Sau15 năm bặt tin, giọng nói vẫn ồ ồ khỏe mạnh, kể chuyện bị stroke đang lúc làm cho hãng ở Texas mấy năm trước, hãng đưa vô bệnh viện chữa, khỏi bệnh, ngồi xe lăn, được chuyển qua nursing home, rồi xin về hưu, bỏ về VN sống. Sở An sinh xã hội trả hưu 800 một tháng, giao cho thằng em ruột ở Texas đại diện lãnh gửi về hàng tháng.
Tôi nghe kể lể mà từ ngạc nhiên này đi tới ngạc nhiên khác. Sao lại khùng điên về Vn ở? Đời sống VN rẻ hơn Mỹ à ? Sao trước khi về không chịu đi tham khảo ý kiến nhiều người. Đồng ý 800 đô không đủ sống ở Mỹ, nhưng có thể xin housing được, khai thuế đuợc tax refund, bệnh hoạn có medicare/medi-Cal trả hết. Ở Vn bệnh phải trả tiền túi, thức ăn độc hại, khí hậu nóng bức, môi trường ô nhiễm, sinh hoạt chưa chắc đã rẻ hơn bên này, mà còn bị công an khu vực vòi tiền, hạch sách khó dễ bất cứ lúc nào...
Nhớ lại 50 năm trước ở Nhatrang, lúc hai đứa còn học trung học Võ tánh Nhatrang .Tôi đậu tú tài một, lên thẳng Nhất C, Vĩnh Su từ college francais thi tú tài Pháp rớt, thi tú tài Việt đậu, xin vô Nhất C , còn Doãn từ Ban mê thuột theo gia đình chuyển xuống, lấy Anh văn sinh ngữ chính. Hồi đó, ít ai giỏi Anh văn, ai Anh văn chính rất là “gồ” , bạn bè rất nể , vì có thể đi làm thông dịch viên cho Mỹ có tiền ngay.
Doãn nổi bật trong đám học sinh cần cù chăm chỉ với vẻ điển trai lãng tử,“văn nghệ”, mái tóc vàng hoe, hai mắt tròn to mơ mộng, đi đứng chữ bát, dáng điệu bất cần đời. Có lẽ quen với không khí ca nhạc phòng trà đâu đó trên Ban mê thuột, nơi học đệ nhị trước kia, Doãn tình nguyện đứng ra đảm nhiệm dạy vũ cho các học sinh cấp dưới cho đêm ca nhạc kịch trường tổ chức dịp Tết. Doãn đi đứng khoan thai, mặt mũi sáng sủa, ăn nói rành rẽ, giọng Nam hiền lành, lễ phép với thầy, thân thiện với bạn, có tinh thần trách nhiệm, ai cũng mến. Tôi ở Phanrang ra trọ học Nhatrang, chơi thân với các tay học hành nghiêm chỉnh như Tâm, Su,Cầu, Văn, nhưng lại thích cá tính lãng mạn của Doãn, thích nghe hắn nói chuyện, hát hò, cuối tuần hay đi chơi chung. Trong lớp có mấy cô nữ sinh được người được nết, học khá, như chị em Loan và Trang, Quỳnh Chi, Cẩm Nhung, nhưng Doãn lại “khoái” Hạnh , cô bạn có khuôn mặt đẹp như Thanh Nga, nhưng thân hình nhỏ bé, đi đứng lỏng khỏng, không hấp dẫn chút nào…Bên con trai Doãn thân với tôi và Su nhất, chuyện gì cũng tâm sự,cũng kể. Có đêm Doãn cùng lang thang trên đường Độc lập tới khuya, Doãn mua bản nhac của Thanh Sơn (lúc đó mới nổi tiếng rất ăn khách) nghêu ngao hát. Có đêm lại nài tôi cùng đạp xe tới nhà Hạnh gọi nàng ra nói chuyện năm ba câu vớ vẩn cho thỏa tình tương tư, tôi đứng xa xa, để hai người được tự nhiên. Hạnh con nhà gia giáo, không đáp ứng mối tình học trò kiểu tài tử như vậy, nên Doãn quay ra thất tình, nghêu ngao hát bài gì mà :
“Em ơi, nếu đừng dang dở…
Nếu đừng dang dở, thì tình ta …như bài thơ,
đẹp như giấc mơ…”
lâu quá tôi không nhớ tựa đề là gì , hình như là “Lá thư xanh”…Chiều chiều tan học, tụi tôi hay tiện đường tà tà xuông biển chơi, đố nhau các bài triết học, các động từ Anh văn bất qui tắc .. Doãn ở nhà mướn, cha là đại tá đi hành quân xa luôn, chỉ thấy bà mẹ đảm đang tảo tần mua bán nuôi một bày em nhỏ ở đường Nguyễn Hoàng. Ít khi tụi tôi tới đó chơi vì nhà chật chội, mà hay tới nhà anh em Văn thuê ở chợ Xóm Mới, rất rộng. Lâu lâu, đêm thứ bảy, mấy đứa tôi họp nhau chơi nhà anh em Văn tới khuya rồi ngủ lại, đàn địch, ca hát, nói dóc...Có lần Su và Doãn mượn được của ai cái xích lô, thay nhau đạp xe ban đêm kiếm chút tiền còm, bao tôi uống cà phê. Có đêm chúng tôi ra bờ biển Nhatrang nằm, hóng gió.nghe sóng vỗ rào rào, thả hồn mơ mộng tới khuya mới về. Chúng tôi đối với các thày rất kính trọng, đậm đà lễ nghĩa. Ngày Tết, Doãn và tôi đạp xuống Thành, tặng thiệp chúc Tết thầy Nhẫn dạy Triết, còn trẻ,nói chuyện thân mật như anh em.
Hè năm đó, đa sô học sinh Nhất C đều đậu ngay khóa một tú tài toàn, Giám khảo chấm bài, nào ai đâu xa lạ, đều là cây nhà lá vườn, thầy Phiệt, thày Tiết dạy Anh văn, thày Nguyên Pháp văn, thày Nhẫn Tâm lý học, thày Anh Đạo đức ,Luận lý học, dạy ban C thường ngày,chấm bài rọc phách rồi mà mấy thày vẫn nhận ra nét chữ của trò nào, trò nào, ra khỏi trường gặp tụi tôi lảng vảng đứng chờ kết quả, chê anh này làm sai câu này, anh kia làm sai câu kia…cười đỏ mặt. Su, Cầu và tôi ra Huế thi Đại học sư phạm ban Pháp, đậu ngay. QUỳnh Chi học Văn khoa Huế, Cẩm Nhung học Luật. Loan và Trang vô Saigon học Văn khoa. Chỉ có Doãn đậu, nhưng không có điều kiện lên đại học.
Đậu liên tục hai ba cái “exam” xong,tôi về Phanrang nghỉ hè với ba má, bỗng thấy Doãn lù lù ở đâu dẫn một thiếu phụ với đứa con nhỏ tới nhà, nhờ tôi giúp đỡ, nói là nguời yêu cũ từ dạo học trên Ban mê thuột, còn đứa bé là con riêng của cô với người khác. Chị này tên Lành, nhu mì, hiền hậu, trông hơi già so với Doãn.Tôi sửng sốt, vì Doãn chưa hề kể về mối tình ở Ban mê thuột này . Đưa họ về nhà, giới thiệu ba má “đây là bạn thân con mới đậu Tú tài, xin ba má giúp đỡ”. Tôi mới đỗ Sư phạm nên gia đình rất quí, muốn gì cũng được. Má tôi thấy Doãn lễ phép, cho hai vợ chồng ở tạm căn gác phía sau tiệm buôn, có cửa sắt ngăn ở giữa. Ba tôi thấy Doãn ăn nói lưu loát, tác phong đứng đắn, xếp cho dạy hai chục giờ Việt văn mấy lớp đệ lục, đệ thất ở bán công do ông làm hiệu trưởng . Cô Sáu tôi , mới mở tiệm thuốc tây, thấy Lành nhu mì phúc hậu, cho một chân đứng bán thuốc. Số cặp này cũng may, sau một tháng ở tạm phía sau căn tiệm má tôi, đã bắt đầu ổn dịnh cuộc sống, mướn nhà riêng đâu dưới xóm Đạo long ở, Doãn đạp xe đi làm,vợ đi bộ.
Lo chuyện Doãn xong tôi ra Huế nhập học Sư phạm. Năm sau, ba tôi bị tai nạn xe, chết bất đắc kỳ tử, bỏ lại một bày con nheo nhóc, đứa lớn học đệ nhị , đứa bé nhất mới 2 tuổi..Tôi về chịu tang, Doãn theo đưa đám ba, lúc nấm mộ ông già vừa đắp xong, quỳ xuông chắp hai tay xá lạy ba lạy , phục đầu dưới đất tỏ lòng biết ơn. Tôi cảm động, dặn dò Doãn thỉnh thoảng ghé nhà tôi coi ngó các em phụ bà má, rồi trở ra Huế lại. Hai tháng sau đập Đa nhim vỡ, nước tràn xuống Phanrang, thành phố bị lụt tới 4 thước, Quảng Nam QUảng Ngãi cũng ngập nước cả tháng nên tôi mắc kẹt ngoài Huế, lo lắng ngày đêm, sau này nghe má kể dẫn đám em chạy qua nhà lầu cô tôi lánh nạn. Má mắc bồng em út tôi 2 tuổi trên tay,tay kia dắt thằng anh 3 tuổi làm sao mà nó trợt chân bị nước cuốn , may có Doãn nhảy theo chụp được( lúc đó tới giúp má tôi chuyên chở đồ đạc) , cõng lên vai, lội nước an toàn tới nhà bà cô.
Ba năm sau tôi đi dạy, rồi nhập ngũ vô Quang Trung học 9 tuần, chuyển ra quân trường Đồng đế Nhatrang, một sáng chủ nhật nghỉ phép, ghé nhà Doãn thăm, lúc đó Doãn làm cảnh sát trưởng hay phó gì đó ở Nhatrang, oai lắm, có xe jeep riêng xử dụng. Tôi than phiền cái kính cận một độ bị vỡ. Thế là tuần sau. anh chàng lái xe chở Lành vô thăm cho quà, tặng cho cặp kiếng cận thị mới toanh, làm tôi cảm động. Tôi hỏi thằng nhỏ con bà Lành đâu, Doãn nói đã trả về cho cha nó trên Ban mê thuột. Đi lính gần 2 năm, tôi được biệt phái về dạy Phanrang, lấy vợ có con. Năm 72, con tôi bị sởi, gây biến chứng lên óc, làm kinh, bác sĩ chích Valium cho ngủ mê man. Đưa ra Nhatrang trị, bác sĩ lắc đầu, nói viêm màng não, sợ không qua khỏi. Khi thằng bé chết, Doãn thân hành lái xe jeep ngay tới bệnh viện, chở hai cha con về Phanrang, ra thẳng nghĩa địa Phật giáo chôn. Tôi thẩn thờ ngồi bên Doãn, hốc hác ôm xác con, miệng niệm A di đà Phật . Hai đứa lúc đó, tình thân chẳng khác nào anh em ruột, lúc nào cần, cũng đều có mặt giúp nhau một tay. Sau đó thì vợ chồng Doãn nuôi một đứa con nuôi, đặt tên là Kiệt.
Tháng tư 75…. cuộc sông đảo lộn, bạn bè tan tác…Tôi , Su,và Doãn đi học cải tạo, nhưng tôi và Su về sớm,vì là giáo viên biệt phái, còn Doãn lao đao hết 10 năm tù ở đủ các trại giam từ Nam ra Bắc vì làm cảnh sát cấp bự. Tôi nghe Su kể bà Lành bồng cu Kiệt theo bà dì Doãn (làm cho USAID Mỹ) lên máy bay cùng đám cô nhi qua Mỹ , kéo theo 5 đứa em nhỏ của Doãn, còn Doãn bị đưa ra Bắc học. Ba Doãn cấp tá, cũng vào tù học, rồi chết trong tù . Su lúc đó còn độc thân, một mình vượt biên qua Úc năm 78. Tôi vướng hai đứa con nhỏ mãi tới 83 mới đi lọt qua Mỹ với đứa con trai,rồi 7 năm sau mới bảo lãnh được vợ và con gái.
Bẵng đi nhiều năm ở Cali, đùng một cái ngày tôi ở San Bernardino chuẩn bị lái xe lên San Jose nhận nhiệm sở dạy mới năm 96 thì phone reo, Doãn oang oang trên đó gọi phone xuống. Sửng sốt . Mừng rỡ.
-Trời đất..Doãn?…Qua hồi nào vậy? Đi diện H.O hay vượt biên? Sao biết tôi ở đây?
-Tôi gặp người cùng chỗ làm, dân Phanrang, hỏi ông, họ biết liền, cho sô phone ngay.
Kể cũng ngẳng đời. Nhân duyên gì đâu kiếp trước mà sao hai đứa cứ hết tan rồi hợp, hết hợp rồi tan…từ VN qua tới Mỹ… Cứ mỗi lần Doãn gặp khó khăn là tìm thấy tôi, nhờ tôi giúp ..Doãn kể chuyện bầy em út năm đó, bà dì đưa qua Mỹ phân phát cho các cha mẹ nuôi Mỹ ở các tiểu bang khác nhau thất lạc, Lành và cu Kiệt ở đâu Doãn cũng không biết. Doãn nhận lệnh mẹ giao phải đi tìm và gom đám em út lạc lõng khắp nơi trên đất Mỹ về một mối, cho liên lạc nhau, rồi bảo lãnh bà qua..Nhưng anh chàng đang thất nghiệp, đám em lại lơ là hờ hững, làm sao mà đủ sức bảo lãnh mẹ. Rồi Doãn giới thiệu bà vợ tên Diễm và 2 đứa con trai ngoài 20 tên Quang và Quý, cả ba đang lùng kiếm chỗ ở tại San Jose vừa túi tiền. Tôi sửng sốt nhìn bà vợ mới, bà này đẹp và trẻ hơn bà Lành, nói chuyện cũng lanh lợi, vui vẻ. Đứa con thằng đầu giống cha, thằng em cao hơn, giống Phong, em kế Doãn .Khi hai đứa ra ngoài cửa đứng, tôi tò mò hỏi:
.- Ủa,ông lấy bà này hồi nào, trước hay sau khi bà Lành đi Mỹ? Sao tôi không biết?
Doãn hơi mắc cỡ, lúng túng hạ giọng kể lể đầu đuôi:
-Bà này… tôi …”ngoại tình” lúc còn ở với bà Lành. Bà Lành không con, nên tôi mới gặp bà này, đi lại với nhau, sanh 2 đứa con liên tiếp hai năm 74, 75, xong thì đi tù cải tạo. Việt cọng vô, bà Lành đi Mỹ, tôi đem ba mẹ con bà này về giới thiệu mẹ tôi, nhưng bà này đạo Chúa xung khắc với mẹ tôi đạo Phật, nên bã dẫn 2 con về Saigon ở. Khi tôi ngoài Bắc về, vô Saigon thăm, hai đứa đã lớn, 15,16 tuổi , chúng trơ mắt nhìn tôi chẳng biết là ai, sống với mẹ từ nhỏ tới lớn nên chẳng có chút tình cảm gì với người cha rách rưới này, nên tôi buồn bỏ mặc 3 mẹ con trong đó, đưa bà má ra Ninh hòa ở, làm rẫy trồng ớt,cà, đậu, mẹ con nương nhau sống qua ngày….Xui khiến làm sao lại gặp bà vợ thứ ba làm y tá, hiền lành, tên Sương. Bà này tốt bụng , ăn nói nhỏ nhẹ, ân cần, tôi mang về ở săn sóc mẹ tôi, rất đảm đang nên mẹ chồng con dâu rất hạp. Lúc đó, tôi có nghe nói Vĩnh Su và ông đã vượt biên hết…Tôi kẹt bà má, lại là con trưởng, nên an phận đâu có tính đi , nhưng bà Diễm ở Saigon cứ chạy ra năn nỉ tôi năm hồi bảy lượt, bắt làm hồ sơ đi H.O vì tương lai hai đứa con, nên tôi phải vô Saigon nộp giấy tờ, thành ra bây giờ có mặt ở đây…Hai tháng nay ở chung người quen của bã trên Fairfield,nhưng chỗ đó quê mùa toàn nương rẫy, toàn việc cuốc đất, hái dâu … không có việc làm hảng xưởng, mới dọn xuống San Jose. Cũng may vừa lúc bắt được liên lạc với ông.
Gặp lại Doãn sau nhiều năm xa cách , tôi không thấy ở Doãn cái hào hùng oai vệ của những năm làm cảnh sát trưởng nữa, Doãn cũng không còn nét lãng mạn trí thức của chàng thư sinh lớp 12 năm nào. Doãn ăn nói chậm chạp, uể oải, chán đời. Hai đứa đều trên 50, nhưng tôi qua Mỹ lâu , đã ” vào dòng chính”, có bằng cấp Mỹ, nghề nghiệp công chức lương bổng ngạch trật đàng hoàng, còn Doãn thì trắng tay, tiếng Anh lõm bõm, quen lối sống lè phè Vietnam, phải đi rải giây quảng cáo cho rạp xi nê 5 đồng một giờ, phụ với hai con đi làm để trả tiền rent.. Mặt mũi Doãn không thay đổi mấy, nhưng những năm dài lam lũ trong tù đã thay đổi cung cách ăn nói thanh tao của thời học sinh, bây giờ Doãn chửi VC liên tục, thích uống bia, ăn nhậu, chứ không ham đọc sách , nghe nhạc nữa.

Tôi cho Doãn ngủ tạm ở nhà trọ một đêm, rồi sáng ra đi kiếm apartment cho gia đình Doãn thuê với giá phải chăng. Doãn bảo tôi về ở share cho nhẹ tiền rent, nhưng tôi không chịu. Vợ Doãn sắc xảo lanh lợi hơn bà Lành nhiều, hai đứa con cũng lừng khừng,muốn làm gì cứ tự ý làm, chả hề hỏi ý kiến cha, coi cha như cái gánh nặng . Hai vợ chồng có vẻ như miễn cưỡng sống chung, chứ không có hạnh phúc, hình như có nhiều vấn đề uẩn khúc nội bộ bên trong mà Doãn chưa kể tôi nghe hết. Những lúc tôi tới chơi, vắng Doãn, Diễm hỏi sao tôi với Doãn khác xa về tính tình mà lại thân nhau vậy, phàn nàn chê chồng lè phè, vô trách nhiệm, thiếu chung thủy. Doãn thì dấu kín chuyện nhà, tiền bạc eo hẹp túng bấn, cứ xin con trai, hay mượn tôi, xin tôi, lái xe cũ cà tàng bị nằm đường, phải cầu cứu tôi hai ba phen, tôi bỏ ra lai rai bạc ngàn giúp Doãn qua cơn khốn khó.
Bỗng một hôm sửng sốt nghe Doãn mếu máo báo cáo bị vợ con “từ”, họ góp tiền “down” mua cái nhà mobile home ở với nhau, bỏ mặc Doãn tự lo lấy thân. Tôi có vợ con phải lo, làm sao đủ sức cưu mang Doãn lúc đó được. Ở San Jose, toàn người có bằng cấp chuyên môn, nguời khôn của khó, Doãn không bằng cấp, lại lớn tuổi, kiếm được cái job chạy bàn, bán xăng cũng khó. Thế là Doãn bỏ tôi, bay qua Florida ở với đứa em trai bên đó, nhờ nó tìm việc làm. Đó là dạo cuối năm 96, đầu 97…tôi lo làm trối chết để được vô ngạch, mà Doãn cũng không gọi tôi, hay thư từ liên lạc gì về San Jose, tôi cũng chẳng biết vợ con Doãn mua nhà ở đường nào để tới thăm, hỏi tin bạn. Chồng mà họ còn “từ”, không muốn gặp, thì bạn bè chồng đâu có đáng sá gì.
Nhận tin Doãn còn sống và đang ở Việt Nam, tuy là tin vui nhưng tôi có linh tính Doãn lại đang gặp rắc rối gì đây, vì cũng như mấy lần trước, hễ có tin Doãn là có chuyện lại phải hao tài, phải giúp đỡ bạn. Quả nhiên không sai. Chưa kịp gọi thì đã chính “đương sự” gọi lại. Doãn mượn cell phone của ai, nói năng hấp tấp, sợ hết giờ,hết phút, sợ phone tắt vì cạn tiền.
-Doãn đây Chương ơi…Tôi đang khó khăn về tiền bạc nên không có tiền mua thẻ gọi, phải mượn của người quen. Tôi nói vắn tắt thế này. Tôi về hưu có 20 ngàn trong 41K, rút ra 15 ngàn về Diên khánh xây cái nhà nhỏ ở với bà vợ, còn 5 ngàn để lại trong checking account nhà bank Wachovia bên Mỹ. Tôi tính lấy 5 ngàn đó nhờ thằng em rễ ông có cửa hiệu bán điện tử lớn ở Phanrang, nó ra tân trang bắt điện, Internet… cho cái nhà của tôi…
-Phải cái bà vợ y tá ở rẫy ớt ngày xưa với ông không?
-Đúng rồi, bà Sương đó.
-Ông ăn tiền già, mà sao có tiền 41K được?
-Tiền già gì? Tôi có tiền hưu. Tôi bỏ Florida qua Texas đi làm hãng lớn cả chục năm, ăn tiền hưu 800 một tháng. Nhưng mấy năm trước, đang làm, tôi bị stroke, phải vô nhà thương…
-Trời đất, cũng lại cái tật ăn nhậu bia rượu mà ra, hồi ở San Jose tôi đã khuyên rồi...Qua Mỹ, ai cũng sợ mập,cholesterol cao, huyết áp, đái đường, mà cứ ăn uống nhậu nhẹt bừa bãi…không biết sợ là gì...
-Thôi mà…chuyện đã qua rồi nói làm chi…Tánh tôi như vậy, hòan cảnh tôi cha mẹ lính tráng, học ít, lêu lổng từ trẻ…làm sao bằng ông…Nói chuyện bây giờ nè..Khi nhà thương chữa bớt, nó đưa tôi qua nursing home, tôi còn yếu, phải ngồi xe lăn..Nó không cho tôi xuất viện, vì tôi không có thân nhân vợ con lãnh...Tôi phải nhờ thằng em nhỏ tên thằng Tuy, di lính cho Mỹ đã giải ngũ, cái thằng hồi 75 bà dì tồi bốc đi Mỹ theo trẻ mồ côi đó, lúc đó nó 50 tuổi, tới ký giấy lãnh tôi ra.
-Ông có quốc tịch chưa mà về VN?
--Có quốc tịch lâu rồi…Sở An sinh nó bắt thằng Tuy em tôi ký giấy tờ đại diện tôi, mới xuất tiền hưu. Mỗi tháng họ rót tiền hưu vô nhà bank Wachovia , account tôi đứng tên , nhưng thằng Tuy và tôi cả hai đều có quyền rút tiền được... Nhà bank cho tôi và thằng em tôi mỗi nguời một thẻ rút tiền. Ở Mỹ tiền hưu sống không đủ, nên tôi về VN xây cái nhà nhỏ ỏ Diên khánh ở với bà y tá, có gì bã săn sóc tôi,nhưng đi bác sĩ, nhà thương phải trả tiền mặt...
-Ủa… chớ bà Diễm với 2 đứa con ông đâu mà giao cho thằng Tuy đại diện nhận tiền?
-Ôi, bà Diễm bã gạt tôi. Bã bán cái mobile home hơn trăm ngàn ở San Jose theo 2 đứa con qua Texas sống, mua một cái nhà lớn, hứa cho tôi về ở chung, rồi rốt cục tới phút chót, bã đổi số phone không cho tôi liên lạc nữa. Tôi gọi mấy lần toàn người lạ trả lời.Tôi có nhờ đứa em gái ở Texas đại diện nhưng nó không rành tiếng Anh,không chịu đại diện lãnh tôi ra, mới phải nhờ thằng Tuy…À mà thôi, bye Chương ơi,thẻ sắp hết phút rồi, nghe nó báo động” tít tít”…rồi…
-Thôi để tôi mua thẻ, tôi gọi ông cho khỏi tốn tiền.
Hai ngày sau, tôi lựa đêm khuya bấm số gọi về Nhatrang.
-Quên hỏi cái này, bà Lành với thằng Kiệt qua Mỹ, ông có bắt liên lạc được không?
-Bà Lành ở bên Wesminster, Cali, với thằng Kiệt từ hồi 75 tới giờ. Tôi có liên lạc nói chuyện với bã mấy lần. Tôi về VN đã 3 năm nay, tháng tháng dùng thẻ của Wachovia rút tiền ở ATM nhà bank khác..phải chịu tiền fee….
-Trời đất, đã nghèo mà còn chịu cái eo, sao không mở account thẳng với Citibank, nó có chi nhánh ở Saigon, Hà nội. Citibank là nhà bank Mỹ duy nhất có chi nhánh ở VN, rút tiền khỏi bị fee.
-Tôi đâu có biết..
-Không biết thì phải đi hỏi. Hỏi thăm các nhà banks lớn, nhân viên sẽ cho biết ngay nhà bank nào có chi nhánh ở VN. Lên Internet….Thời đại computer mà không biết dùng Internet thì thiệt thòi thôi… .
-Nghe tiếp nè..Gần đây thẻ Wachovia tôi hết hạn, không valid nữa vì tôi ở Vn, không renew được. Chỉ có mình thằng Tuy bên đó nó renew được, nên chỉ mình nó có thẻ rút tiền thôi. Nó rút ra gởi dịch vụ về mỗi tháng có 700 mấy, rồi 600 mấy, càng ngày càng ít đi, nó đổ thừa phải trả tiền bảo hiểm gì gì, tiền cước dịch vụ gửi tiền…Hai tháng nay, tự nhiên nó không gửi về nữa…Tôi gọi qua, nó cúp phone. Tôi gọi vợ nó, lúc đầu con này có trả lời, sau nó nghe lời chồng nó cũng cúp phone luôn, tôi gọi ba má vợ nó ở Saigon, họ nghe con gái dặn, cũng cúp phone, không biết có chuyện gì nữa..Tôi nhờ đứa em gái cũng ở Texas gọi Tuy, truy tìm địa chỉ nhà nó cũng không ra manh mối...
-Thôi rồi, 5000 $ tiền 41K còn lại của ông trong đó “tiêu”luôn rồi. Tôi nói thật đó. Nó thấy 5000 trong đó,nó rút ra xài sạch rồi, tội gì mà không rút , không có tiền trả lại… cho nên mới cúp phone. Nó xài luôn cả tiền hưu tháng của ông luôn mấy tháng nay. Hay là nó đánh bài mắc nợ , hay thất nghiệp, rút tiền của ông trong đó ra trả nợ…Nó có đánh bài không?
-Tôi cũng nghi nghi đìều đó. Thằng anh kế trên nó, có lần đánh bài ở Las Vegas thua 50 ngàn, thằng này đi lính giải ngũ về, làm job gì đó khá lắm, vợ làm nails nữa, cũng có máu cờ bạc, lâu lâu nghe nói cũng có đánh...Chả lẽ nó táng tận lương tâm đến mức đó..
-Thôi ông ơi, ông dại thì ông chết.…Đồng tiền đi liền khúc ruột. Tiền hưu mình là nguồn tiền duy nhất mà lại để người khác lãnh. Ông ở Mỹ bao nhiêu năm mà chả hiểu gì văn hóa Mỹ, cứ trọng tình nghĩa, coi thường tiền bạc. Anh em ruột gì mà anh em ruột?. Tụi nó ra khỏi nước Việt từ lúc bốn năm tuổi, làm con nuôi tụi Mỹ, chả có kỉ niệm thân ái gì với cha mẹ, anh chị ruột, tứ tán khắp nước Mỹ, mang tên Mỹ, trí nhớ lu mờ, tình nghĩa gì với ông anh cả xa xôi ở tù bên VN nữa. Con ruột ông mà còn “từ” ông, ở đó mà nhờ mấy đứa em ... Đâu, cho tôi sô phone bà Lành, bà Diễm, thằng Tuy để tôi gọi coi…
Dũng vội vàng đọc một hơi các số phone cho tôi chép xuống. Tôi cúp phone, hẹn sẽ gọi lại cho hay kết quả..
Tôi gọi bà Lành , operator cho hay chủ nhân đã đổi số khác, nhưng khôngđể lại số mới. Gọi bà Diếm thì nghe tiếng nguời Mỹ gắt gỏng trả lời, “you get the wrong number”. Gọi Tuy thì nghe giọng một thanh niên Á châu, chắc là Tuy rồi. Giọng nó ngạc nhiên, hỏi bằng tiếng Anh:”
-Who ís it?
-Hello, Tuy hả Tuy?
-Who ís it?
-Tôi là bạn của anh Doãn ở Cali, anh Doãn nhờ tôi hỏi em sao tiền hưu của ảnh em không gửi về nữa…Ảnh đang bịnh nặng không có tiền đi bác sĩ…
Lập tức bên kia “cúp “cái rụp, y chang như Doãn kể. Tôi lắc đầu, nhưng tức thằng em mất dạy quá, không chịu thua, qua hôm sau bấm nhắn tin (text ) qua máy cho nó mấy hàng chữ tiêng Anh:’
-“Doan ís very ill now, having no money to pay hospital. Did you spend all his retirement money?” (Anh Doãn bịnh nặng mà không tiền đi nhà thương.Có phải em xài hết tiền ảnh rồi không?)
Thằng ác ôn không thèm “text” trả lời. Tôi kể lại cho Doãn mọi sự, kết luận:
-Có thể nó ở tù, hoặc thất nghiệp. Nó xài sạch tiền ông nên mắc cỡ không muốn trả lời. Bây giờ chỉ có cách duy nhất là ông phải mượn tiền mua vé bay qua đây, tới Sở an sinh xã hội, trình bày cho họ nghe, sửa giấy tờ hưu bổng lại, gạt tên nó ra, chỉ mình ông lãnh được thôi. Đổi qua mở account với Citibank, nói An sinh rót tiền vô Citibank , chỉ một mình ông mới có quyền rút. Hồi trước ông yếu ớt ngồi xe lăn, họ sợ ông chết bất tử, đòi người ủy quyền đại diện. Bây giờ ông đi đứng mạnh bạo, ăn to nói lớn, chứng tỏ khoẻ rmanh bình thường, thì họ sẽ gửi thẳng vô Citibank cho ông. Tôi muốn giúp, nhưng không thể thay ông nói chuyện với Sở an sinh về việc của ông được. Không ai nói giùm ông chuyện đó hết. Luật Mỹ mà, ông cũng biết ,…. nó không bao giờ chịu tiếp chuyện với người ngoại cuộc, ngay cả vợ chồng cũng vậy..
-Tôi biết, tôi biết.. Tháng 3 tôi sẽ qua Mỹ..bây giờ Tết nhứt tới nơi rồi….
-Để tôi gủi về cho ông 100 đô tiêu Tết đỡ…Đọc địa chỉ đi.
Doãn mừng rỡ đọc lia lịa, cảm ơn rối rít. Hai ngày sau nhận dược tiền, lại gọi qua cảm ơn nữa. Tôi sực nhớ chuyện khai thuế, vì mới nhận được giấy báo cáo lợi tức hưu hôm 10 tây tháng giêng, gay găt trách móc;
-Sắp sửa khai thuế rồi đó. Ông ở VN làm sao khai ?
-Ủa, lãnh tiền hưu cũng phải khai thuế sao?
-Trời đất….Chứ 3 năm nay ông không khai à? Bộ ông tưởng ai về hưu cũng lãnh vài trăm bạc quèn như ông, khỏi khai sao? Có ngừời lãnh hưu sáu ngàn một tháng, đóng thuế hai ngàn. Ông không khai, nó truy ra nó phạt ông đó. Khai thuế, lợi tức it như ông thì nó cho ông thêm, gọi là “tax refund”,có lợi cho ông thôi.
-Tôi biết…
-Tại sao lại về Vn ở? Lâu lâu về chơi được rồi..Ở đây, income thấp thì xin housing một mình ở một apartment thoải mái, trả có 200 một tháng, lại được medicare/Medicaid free đủ thứ..Nằm liệt một chỗ thì chánh phủ đưa vô nursing home nuôi. Ở VN, ông được cái gì? Vợ một, vợ hai không còn, bây giờ bám vô bà ba…Cần tình cảm ấm áp lúc tuổi già hả? Ở Mỹ lâu thì phải chấp nhận cái văn hóa “cô đơn tuổi già” của nó chứ. Ở Vn, cái gì cũng bỏ tiền túi ra. Hết tiền, họ coi ra gì. Hồi xưa học Võ tánh, ông thông minh tiếng Anh bốc bốc, sao bây giờ lại khờ khạo như vậy?. Về Vn ở rồi ai khai thuế cho ông? 15 tháng 4 là hạn chót. Có thể thằng Tuy bên này nó khai thuế giùm ông mấy năm nay, nó xài luôn tax refund của ông rồi…
Đầu giây bên kia im bặt. Chắc Doãn đang ân hận, tự trách. Tôi bồi tiếp:
- Cái nhà ông cất đó, đứng tên bà Sương phải không?
-Thì đứng tên bã chứ ai. Việt kiều làm sao được phép cất ..
- Chao ôi, tiền thì em đứng tên lãnh, nhà thì vợ đứng tên số đỏ , thế cái gì thuộc về ông? Vậy ông sống bằng cái gì? Uông nước lạnh, ngủ ngoài trời hả?..…Thế bã có con không?
-Ba bà bà nào cũng có một đứa con trai trước khi lấy tôi hết. Tôi chết, nhà thuộc về bã, bã chết, thằng con bã hưởng.
-Trời đất…ông đẹp trai hào hoa như vậy nhiều vợ cũng phải, nhưng mà sao kỳ vậy …Cái sô ông sao mà kỳ cục vậy? Hay tại hồi đó ông lừa gạt nhiều con gái, nên giờ bị quả báo ?
-Chắc vậy…
Tôi thở dài…Hai ngày sau, lại nghe tiếng Doãn gọi qua:
-Tôi tính ăn tết xong, vô Saigon tới Tòa đại sứ Mỹ hỏi về vụ chỉnh lại tên tôi lãnh hưu, coi có được không, nếu được thì khỏi bay qua Mỹ tốn tiền mua vé.
Tôi thở dài sườn sượt, muốn điên đâu về cái dại của Doãn. Nhưng chắc cũng không phải Doãn dại. Hình như con người có số, hễ số sướng thì nó khiến tánh tình cẩn trọng,chăm chỉ siêng năng, tính toán tiên liệu mọi sự , ăn tiêu tiện tặn,thời cơ thuận tiện, tạo nhà tạo cửa, vợ nể con phục. Còn số cô độc bần hàn thì khiến bê tha rượu chè, làm gì cũng cẩu thả, suy tính cạn cợt, không biết nhìn xa thấy rộng,đến già cũng cứ long đong, túng thiếu.. .
Trách Doãn đèo bòng nhiều vợ mới ra nông nỗi cũng không hẵn đúng. Phúc đức kém nên không nhờ được cha mẹ, anh em, con cái. Vợ con ly tán,bỏ bê, đến già bệnh hoạn đơn chiếc, tiền bạc eo sèo, nương náu trong túp lều nhỏ với người tình chắp nối… không biết rồi ai chết trước. Nếu Doãn chết trước thì đã may mắn. được bà y tá ma chay thiêu xác. Nhưng nếu bà ta chết trước, Doãn nằm liệt một chỗ thì đứa con vợ không phải máu mủ kia, chắc gì nó đã đoái hoài đến. Các em ruột đều ở Mỹ hết, chắc gì có đứa nào dám bỏ tiền bay về lo lắng ma chay cho anh. Càng nghĩ càng thấy rối trí điên đầu cho bạn.
Con người ta, lúc sống có tiền không lo làm phước , lúc chết phước cạn thì cho dù có được qua sống tự do ở Mỹ, đi làm có tiền hưu dành dụm cũng bị cướp mất, có medicare cũng chẳng được hưởng. Lúc sông có đông đảo tấp nập anh em, vợ con, bạn bè…tới lúc già bệnh cũng đành thui thủi co quắp một mình một thân….
Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
05/02/201215:41:06
Khách
Chuyen ke nay hap dan qua ! xin tac gia viet tiep de biet hau cuoc ong Doan. Pleazzzzze !
04/02/201221:58:19
Khách
một vợ thì nằm giường lèo
hai vợ thì nằm chèo queo
hễ ba bốn vợ thì ra chuồng heo mà nằm

ở vn bây giờ đồng tiền cũng đặt trên tình nghĩa. Nhất là vào thời mở của kinh tế, giá nhà đất được bơm lên. Ui thui, anh em trong nhà chém lộn giành của, cha mẹ tụi nó cũng lường gạt luôn để chiếm đất...hihihi...nhưng chả có chính quyền nào xử cho vì tụi chính quyền cũng là 1 lũ ăn chia chác. Ở quê tôi có thằng con đại bất hiếu lường gạt chiếm đất của bà má ruột, rồi chua chuộc đám quan chức local vn nên khi bà má đi thưa thì bị thua thằng con trời đánh này.
Ở đâu cũng có người xấu, anh em trong nhà cũng có đứa vầy đứa khác. Cô chồng tui đem tiền về vn nhờ em của bả ở vn mua đất cất nhà thì bị em bả gạt mà đi thưa kiện thì 0 ai thèm xử.
Ở đây, mà chơi xỏ lá thì luật pháp nó còn xử cho mình, chứ ở vn thì chịu...hihihi...
06/02/201219:23:30
Khách
Người có bản tính tốt thì tự nhiên họ làm điều thiện, còn người không có bản tính tốt có cố gắng đọc kinh kệ ăn chay cho đồ ăn mà cái tâm ác độc, ganh tỵ, chửi bới thì cũng là người ác mà thôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Nhạc sĩ Cung Tiến