Hôm nay,  

Bao Giờ Trời Sáng?

30/01/201200:00:00(Xem: 102243)
Bao Giờ Trời Sáng?

Tác giả: Đinh Công Bình
Bài số 3470-12-28940vb2013012

Tác giả là cư dân Huntsville, AL, làm việc với ngành quốc phòng Hoa Kỳ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một du ký nhiều ý nghĩa khi cùng gia đình thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Hơn ba năm trước tôi đưa gia đình đi nghỉ hè một tuần ở Washington D.C.. Với tôi, thành phố này không xa lạ lắm bởi qua công việc, tôi đã có dịp đến đây khá nhiều lần. Riêng với vợ con tôi thì đó là lần đầu tiên họ có dịp đến đây nên họ muốn đại náo trọn vẹn thành phố cho bõ thèm. Khổ nỗi, Washington, thủ đô của nước Mỹ, là một thành phố rộng mênh mông với quá nhiều địa danh hấp dẫn chẳng hạn như Tòa Bạch Ốc, Tòa Nhà Quốc Hội, Ngũ Giác Đài, Thư Viện Quốc Gia, những lăng tẩm lịch sử, đài tưởng niệm, và rất nhiều thắng cảnh khác. Cho dù có bỏ ra cả tháng, chưa chắc chúng tôi đã có đủ thời giờ để thăm hết chứ đừng nói tới một tuần. Sau khi bàn qua tính lại, chúng tôi đồng ý chọn khoảng 4, 5 nơi để tham quan.
Vì là “thổ địa” nên tôi được gia đình ban cho cái ân huệ là được nêu tên những địa danh để mỗi người chọn một chỗ. Sau khi tôi đưa ra khoảng 10 địa điểm thì cô con gái teenager của tôi láu táu xin chọn trước. Cô bé chọn một nơi cho cá nhân và “xung phong” chọn một địa điểm dùm mẹ.
- Bố cho con đi “window shopping” một ngày trong Pentagon City Mall. Còn Mẹ thì con muốn bố dẫn mẹ vào Viện Bảo Tàng Khoa Học Tự Nhiên để mẹ xem kim cương, đặc biệt là viên kim cương xanh khổng lồ (Hope Diamond).
Con bé hóm hỉnh nhìn mẹ vì thực ra hai nơi này nó chọn cho nó chứ đâu phải cho mẹ! Nó thừa biết là mẹ không (?) mê kim cương (bởi có mê thì bố cũng chả có tiền để mua).
Cậu con trai 19 tuổi của tôi thì dễ dãi hơn, hắn chỉ muốn có dịp lang thang ngắm cảnh (?) trong khu vực Vietnam, Korea, và WWII Memorials.
Sau cùng, đến phiên tôi, tôi nói:
- Bố muốn ghé Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington!
Vừa nghe tôi nói tới Nghĩa Trang thì bà xã tôi phán:
- Bộ hết chỗ rồi sao mà lại muốn mang gia đình vào “chỗ chết”?
Tôi vội giải thích Arlington Cemetary không hẳn là “chỗ chết” như mẹ nói mà là một địa danh thu hút rất nhiều du khách khi họ đến Washington. Thêm vào đó, đây là nơi mà tôi rất muốn thăm nhưng chưa bao giờ có dịp. Cả gia đình miễn cưỡng chiều ý tôi mặc dầu trong thâm tâm hình như họ hơi “rét”.
Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba trôi qua với nhiều kỷ niệm thật thú vị nhưng trong phạm vi bài này, tôi xin phép để được đưa quý vị vào thẳng chi tiết ngày thứ tư. Sau khi ăn sáng, chúng tôi đón xe lửa để đến Nghĩa Trang Arlington. Mặc dầu đã nghe và đọc nhiều về sự đặc biệt của địa danh này, tôi cũng hơi lo khi quyết định mang gia đình tới đây. Tôi sợ là cảnh chết chóc trong nghĩa trang này sẽ làm mất ý nghĩa, hay ít nhất giảm đi những đặc điểm, của những ngày nghỉ hè vừa qua của gia đình. Thôi kệ, cứ đi cho biết rồi đến đâu thì đến…
Vừa qua cổng kiểm soát của nghĩa trang, chúng tôi nhập vào một nhóm khoảng vài trăm người đã đến trước đang ngồi trong phòng chờ đợi. Nhìn quanh, tôi nhận thấy phần lớn trong nhóm này hình như cũng giống gia đình tôi. Họ cũng ngơ ngác, hoang mang, và “ngô ngố” như chúng tôi.
Chờ khoảng trên mười phút sau thì chúng tôi và khoảng 40 người khác được cho lên một “xe lửa con” để đi theo người hướng dẫn tiến vào nghĩa trang. Chúng tôi không ngờ nghĩa trang này rộng lớn đến thế! Hằng trăm ngàn ngôi mộ, cũ cũng như mới, được chôn và xây cất một cách rất đơn sơ nhưng cũng thật trịnh trọng và nề nếp. Cây cỏ trong nghĩa trang được cắt xén thật công phu.
Người hướng dẫn đưa chúng tôi qua nhiều khu vực khác nhau trong nghĩa trang. Nơi an nghỉ của những Binh Nhì, của các Tướng Lãnh, của Tổng Thống đều được chăm sóc như nhau. Họ nằm đây trong một khung cảnh thật an bình và trong sự kính trọng tuyệt đối của người còn sống. Chiếc “xe lửa con” cứ từ từ đưa chúng tôi từ khu vực này tới khu vực khác và những trang sử oai hùng của nước Mỹ lần lượt được người hướng dẫn “mở” ra cho chúng tôi xem, qua sự giải thích cặn kẽ của ông.
Rồi chúng tôi được dẫn tới Đài Chiến Sỹ Vô Danh. Tượng đài và ngôi mộ của ba chiến sỹ vô danh được xây trên đỉnh một ngọn đồi. Ở đây, quanh năm ngày tháng, đêm cũng như ngày, mưa cũng như nắng, lúc nào cũng có một người lính trong quân phục thẳng nếp và những bước đi thật oai phong, trang nghiêm ôm súng canh gác như đang canh gác một bảo vật. Trong nét buồn trên khuân mặt của anh, người ta còn nhìn thấy niềm kiêu hãnh, anh dũng, trách nhiệm, danh dự, của một chiến sỹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ cho sự hy sinh cao cả của những chiến sỹ vô danh này.

Trạm dừng chân sau cùng của chúng tôi trước khi rời nghĩa trang là nơi an nghỉ của những người lính trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ. Đây là khu mộ lâu đời nhất của nghĩa trang rộng lớn này. Những chiến sỹ này đã an nghỉ ở đây khoảng 150 năm nay nhưng phần mộ của họ vẫn còn đẹp như mới xây vài năm. Sinh thời họ là thù địch, là những chiến sỹ ở hai bờ chiến tuyến Nam, Bắc. Họ đã hận thù, chém giết để bảo vệ cho lý tưởng của mình. Nhưng sau khi nằm xuống, họ đã được mang về nằm chung ở đây. Họ không còn hận thù. Những người mang họ về đây cũng không còn hận thù. Những người chăm sóc mộ phần của họ trên một thế kỷ qua cũng không còn hận thù. Ở đây chỉ còn Ân. Ở đây không còn Oán! Nơi đây, thể hiện một điểm son của lịch sử Hoa Kỳ. Nơi đây là tấm gương cho thế giới.
Chúng tôi đã học được những bài học giá trị trong buổi đi thăm nghĩa trang này. Một trong những bài học đó đã mang tâm tư tôi về một sự thật phũ phàng trên Quê Hương thân yêu của tôi bên kia bờ Thái Bình Dương. …
Trong một chuyến mang gia đình về thăm thân nhân ở Việt Nam, trong sáu giờ đồng hồ từ sân bay về làng, chúng tôi đã có dịp đi ngang qua những Nghĩa Trang Liệt Sỹ, nơi an nghỉ của những du kích, bộ đội miền Bắc. Những nghĩa trang này đẹp tựa như Nghĩa Trang Arlington với những ngôi mộ và cỏ cây được chăm sóc gọn ghẽ. Nơi an nghỉ của các anh, các chị ngày ngày vẫn ấm áp trong hương khói. Mặc dầu không cùng chung một chủ nghĩa, nhưng tôi cũng mừng cho các anh khi người ta trân trọng công ơn của các anh. Tôi mừng cho gia đình các anh bởi họ vẫn có thể vào đây dâng cho các anh một nén hương. Có thể tôi không đồng ý với những hành động mà các anh đã làm khi các anh còn sống. Nhưng nay các anh đã chết rồi. Tôi không thể oán hận những người đã nằm xuống như các anh. Tôi cầu nguyện cho các anh được hạnh phúc, được siêu thoát trong thế giới bên kia.
Rồi tuần cuối cùng trước khi trở lại Mỹ, trong thời gian ở Sài Gòn tôi có dịp đi xuống Bình Dương. Chẳng biết vô tình hay cố ý, người tài xế taxi đưa chúng tôi đi ngang Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Trước năm 1975 tôi là một cậu bé nhà quê sống ở một tỉnh lẻ xa Sài Gòn nên tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến đây, vì vậy, nếu anh tài xế không nói, thì tôi không thể nào tưởng tượng nổi là đằng sau những bụi cỏ dại đó, bên cạnh những hàng cây nghiêng ngả đó là nơi an nghỉ của trên 16 ngàn chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã nhìn thấy hình ảnh của Cổng Tam Quan, của Đền Tử Sĩ, Của Nghĩa Dũng Đài, của tượng đài Thương Tiếc được chụp trước năm 1975. Những hình ảnh linh thiêng oai hùng đó nay bị thay bằng cảnh rêu phong đổ nát thật thê lương. Trong nỗi buồn vời vợi, tôi xin anh tài xế ngừng xe khoảng vài phút để tôi hướng vào nghĩa trang và đọc nhẩm một câu kinh để cầu nguyện cho những người đang nằm trong đó.
Vì có vài cặp mắt không thiện cảm lắm đang hướng về phía xe chúng tôi nên anh tài xế khuyên tôi không nên ở lại lâu và đặc biệt là không nên đi vào bên trong nghĩa trang. Trong lúc anh tài xế làm bộ thăm nước, thăm nhớt, và thử bình điện xe, tôi tìm cách để đảo mắt vào bên trong nghĩa trang. Ôi, cũng là người Việt Nam, cũng máu đỏ, da vàng,cũng hy sinh cho một Việt Nam mà sao những người nằm trong nghĩa trang này phải chịu cảnh thê lương đến thế? Trước mắt tôi, những bụi cỏ dại đan trên những ngôi mộ với những tấm bia nghiêng ngả. Những tấm bia gẫy gục, những ngôi mộ đổ nát đen đủi rêu phong vì đã hơn 30 năm nay chưa được một lần sơn sửa! Các anh đã chết, đã từ giã hận thù hơn 30 rồi mà sao người ta vẫn còn thù oán các anh? Tại sao người ta vẫn tiếp tục trả thù trên xác chết của các anh?
Trên taxi về nhà, tôi chợt nhớ ra một câu chuyện cổ điển, đọc đã từ lâu. Thầy Rabbi dẫn đệ tử đi cắm trại trong sa mạc. Trong đêm đầu tiên, một số đệ tử không ngủ được, trằn trọc mong trời mau sáng để được tham dự những trò chơi mà họ đã mong chờ từ lâu. Nhưng càng mong thì lại càng cảm thấy lâu. Trong bóng tối, một đệ tử hỏi thầy Rabbi.
- Thưa Thầy, chừng nào thì trời sáng?
Thầy không trả lời nhưng hỏi ngược lại các đệ tử:
- Theo các con, chừng nào thì biết là trời sáng?
Các đệ tử ngồi dậy, lao nhao, xung phong trả lời:
- Thưa thầy, chừng nào nhìn thấy mầu hồng hồng ở chân trời thì lúc đó trời sắp sáng.
- Thưa thầy, chừng nào nhìn thấy con lạc đà trên đồi cát thì biết là trời sắp sáng.
- Thưa thầy chừng nào nhìn thấy sợi dây cột mũi con lạc đà thì lúc đó trời đã sáng.
- Thưa thầy…
Để các đệ tử trả lời xong, thầy Rabbi mới ôn tồn nói:
- Chừng nào các con nhìn rõ và nhận ra nhau là anh em thì lúc đó trời sáng!
Đinh Công Bình
Chi chú: Các bạn có thể vào trang “’http://lhccshtd.org/LHCCSHTD_LS/NTBH/LHCCSHTD_LS_NTQDBH.htm” để xem những hình ảnh của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà trước và sau năm 1975.

Ý kiến bạn đọc
31/01/201213:34:15
Khách
Câu kết thật ý nghĩa. Hy vọng trời Việt Nam sẽ mau sáng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,954
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.