Hôm nay,  

Bay Cao Lên, Những Thiên Thần Bằng Sành

09/12/201100:00:00(Xem: 268289)
Bay Cao Lên, Những Thiên Thần Bằng Sành

Người viết: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3425-12-2885vb5120911

Trước 1975, Cam Li từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ - hiện có trên trang mạng: http//tuoihoahatnang.com. Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho giải thưởng Việt Báo nhiều bài viết giá trị và nhận giải vinh danh Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010,

1
Bé Thơ trở về khi mùa đông gần tàn lụi.
“Bé Thơ” vẫn được gọi là “Bé” khi về đến mái gia đình. Bởi “Bé” xa nhà đã ba mươi năm, khi còn là một cô nhóc đang học những năm đầu bậc trung học. Mà không riêng gì Bé Thơ, hầu như mỗi cô cậu nhóc trong khu xóm này đều có một cái tên để gọi ở nhà. Tên Bé Thơ là còn đẹp đấy, vì Thơ là tên đi học. Có một số đứa tên Xí, tên Tèo, tên Tí, tên Cu… nghe thì tức cười và không ai muốn được gọi bằng những cái tên đó khi lớn lên vì mắc cỡ. Bé Thơ, tên gọi ở nhà, đã thành một chữ kép. Và cái tên đó nghe không mắc cỡ.
Anh chị Danh đón Bé Thơ về nhà ngay bằng chiếc xe Simca cà tàng, loại thịnh hành từ trước năm 75. Không có máy điều hòa, chỉ có chiếc quạt máy nhỏ xíu gắn ngay bên hông tài xế làm mát cho cả xe. Nhưng không cần mở chiếc quạt này, vì trời đang là cuối đông, và không khí lúc càng lên cao càng mát lạnh. Bé Thơ đang về lại nhà xưa.
Sương mù! Sương mù đầy cả! Bé Thơ reo lên như đứa con nít. Đã lâu không được hưởng cái cảm giác đi trong sương mù. Bé Thơ nhớ có những khi anh Danh gò lưng đạp xe đạp chở Bé đi học, lên con dốc cao, bỗng anh phải dừng lại vì sương mù từ đâu ập tới làm anh không thấy đường. Sương mù những ngày mùa đông như đám bông gòn xốp, vây lấy hai anh em. Thế là Bé Thơ tha hồ tóm lấy, mà tóm có được đâu! Sương mù lại bay đi nơi khác rất nhanh.
Nhà xưa đây rồi! Căn nhà nhỏ ở giữa một con dốc rất đẹp. Căn nhà thuở ấu thơ của anh em mình đây, không thay đổi bao nhiêu. Chỉ có một điều mới, đó là phía trước có thêm một lò gốm. Anh Danh bảo gọi là “lò gốm” cho oai chứ đó chỉ là một cái lò gốm mi-ni, lò gốm tí hon, anh chị chỉ sản xuất những món đồ trang trí chứ không có sức để làm ra những hũ bình lu khạp to lớn. Bé Thơ reo lên khi trông thấy những bức tượng búp bê, những con thú, những đồ chơi đủ loại dành cho con nít. Anh Danh hẳn đã có một cách sinh sống khá an nhàn. Nhưng hay hơn hết, là anh đang sống với cái thế giới trẻ thơ do anh tự tạo ra.
Và đây rồi! Những thiên thần bằng sành!
Bé Thơ òa khóc. Những thiên thần nhỏ nhắn xếp tăm tắp bên nhau, anh Danh sắp đầy trong một cái tủ. Không phải là hai mươi, mà dễ có đến mấy trăm. Bé Thơ thương anh Danh quá! Ngày xưa, ngày Bé Thơ còn là đứa bé con sắp “tốt nghiệp mẫu giáo”, anh Danh đã làm cho Bé những thiên thần bằng sành. Hai mươi thiên thần. Đúng số tuổi hai mươi của anh. Số tuổi quá đẹp của đời người. Anh đã vội vàng bỏ Bé mà đi trong một buổi sớm mùa đông. Bé thức dậy reo vui khi thấy những thiên thần mơ ước của mình. Một mảnh giấy đặt bên cạnh những thiên thần đó với nét chữ của anh Danh: “Anh là Ông Già Nô-en, đêm nay đến tặng cho bé Thơ món quà này. Ông Già Nô-en hết tiền, nên chỉ cho bé hai mươi thiên thần bằng sành. Cho bé ngoan mãi”. Anh đã đi thật sớm. Đã đến ngày anh đi rồi! Tượng thiên thần thứ hai mươi chưa hoàn thành. Có một cái cánh gắn chưa kỹ vào vai. Dù thế, Bé vẫn cho nó nhập bọn với những tượng kia. Bé sắp cho các thiên thần đứng chung với nhau thành một dãy dài trên bàn học. Bé ngắm những đồ chơi đó và mỉm cười một mình. Tự nhiên Bé thấy nhớ anh Danh kỳ lạ. Khi đó anh đang đi ở một nơi nào. Anh không có mặt ở nhà để thấy Bé vui với những thiên thần nhỏ. Anh đi xa rồi! Bé phải đi học với chị Thi. Và những hôm chị Thi bận, Bé phải đi học một mình. Bé leo về con dốc cao, đường có nhiều hoa Cúc, dừng lại một chốc ở trước lò gốm. Người ta đang tiếp tục làm những chén đĩa hũ bình, phơi đầy sân và chờ đem bán. Lúc đó Bé muốn reo lên cho người ta biết rằng chưa có ai nghĩ ra việc làm những thiên thần bằng sành cho trẻ nhỏ. Chỉ có anh của Bé mới làm được mà thôi. Người ta sẽ hỏi rằng anh của Bé là thợ trong lò gốm, là họa sĩ hay là nhà điêu khắc? Bé sẽ đáp rằng anh của Bé chỉ là một người biết đạp xe đạp chở em đi học và biết mua kẹo cho em ăn. Kỷ niệm của anh Danh và Bé là đó!..
- Bé Thơ! Nín đi! Bây giờ Bé không cần ao ước nữa nhưng cũng có đến mấy trăm thiên thần. Bao nhiêu năm qua, cứ đến Nô-en thì anh lại ra sức làm những thiên thần bằng sành cho Bé, nghĩ đến một ngày Bé trở lại, Bé sẽ được vui với món quà này.
- Anh Danh, Bé cám ơn anh.
-Anh em mình mà!
-Anh Danh, ngày xưa mỗi năm nhận được quà Nô-en, Bé chỉ nói cám ơn Ông Già Nô-en mà không cám ơn anh. Bây giờ Bé phải nói cám ơn anh mấy chục lần. Nhiều thiên thần quá, Bé chắc phải đóng đến năm bảy thùng để đem đi đó!
Hai anh em ôn lại những kỷ niệm xưa tưởng chừng vô tận.

2
Anh Danh dẫn Bé Thơ đi thăm “lò gốm” của anh, cái lò gốm chỉ làm toàn những đồ chơi và hàng trang trí. Anh nói như mơ màng trở về kỷ niệm:
- Bé Thơ biết không, ngày xưa anh nặn tượng thiên thần tặng Bé, vì là thợ gốm “tay ngang” nên không để ý rằng đồ sành sứ phải được nung lên thì nó mới bền chắc, nếu không thì sẽ nứt gãy. Cái lò gốm này, tuy “mi-ni” nhưng anh theo rất đúng quy trình của một nơi sản xuất gốm nhà nghề. Anh học một ông thầy tốt, truyền hết kinh nghiệm cho anh, và cũng là người giúp anh xây dựng cơ ngơi này, nhờ đó anh chị không đến nỗi chết đói. Hai vợ chồng làm lụng nuôi nhau, thế là vui.
- Bé cũng vui vì anh chọn ở lại và… không bị đói.
- Trời thương anh, Bé ạ! Ngày đó khi ba má dẫn các em đi, anh chọn ở lại vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình trên bước đường trốn chạy và cả lúc về sau. Anh biết mình sẽ gặp khó khăn rất nhiều vì ở lại anh không được ai giúp đỡ hết. May mắn anh đã gặp chị, người con gái mồ côi trong chiến tranh, anh chị sống nương cậy nhau và lập nên cái lò gốm nhỏ này. Chị giúp anh rất nhiều đó! Trong những năm tháng đầu tiên, chị lái xe gắn máy đi chở đất về cho anh làm. Bây giờ anh chị sắm được chiếc Simca cà tàng của một gia đình đi định cư bán rẻ lại nên… anh lái. Mất một chân thì không được lái xe gắn máy nhưng được lái xe hơi, Bé thấy vui không?
Bé Thơ nghẹn ngào nhìn chân anh Danh, cái chân đã mất. Anh Danh mất chân trên chiến trường sau ngày ký Hiệp định Paris năm 73. Cánh Dù đã rơi. Thiên thần Mũ Đỏ trở thành phế binh sau ngày “hòa bình” vì chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Cái ngày anh Danh trở về với cái chân đã mất, anh nói rằng anh không thể đạp xe chở Bé Thơ đi học được nữa. Bé đã khóc ròng vì thấy thiên thần phải chịu đớn đau. Chiếc xe đạp ngày xưa anh còn giữ trong cái kho sau nhà. Sườn xe, dây xích, “ghi-đông” đã rỉ sét hết. Hai bánh xe xẹp lép. Chỉ còn giữ lại những tiếng quay đều như reo vui khi Bé Thơ quay chiếc bàn đạp ngược chiều. Hai anh em theo tiếng quay đều ấy ngược về kỷ niệm.

Và họ cùng bắt tay vào nặn tượng những thiên thần. Ngày xưa anh Danh đạp xe đi xin đất ở lò gốm, về nắn tượng, tô mầu, và thế là xong. Ngày nay đã trở thành thợ “nhà nghề”, anh Danh chọn mua đất sét thật tốt, khi muốn làm thì phải đập đất nhỏ ra, phun nước vào đất sét, nhào trộn rồi ủ qua một đêm, hôm sau mới đem ra, trộn đất với cát mịn rồi nhào cho nhuyễn trước khi nắn tượng. Nắn tượng thành hình dáng xong anh lại mang phơi dưới nắng một buổi cho khô bớt, rồi nhúng men, để khô, vẽ trang trí, rồi lại phơi nữa cho khô hẳn rồi mang đi nung. Bé Thơ biết làm giống như anh rồi! Bây giờ những sản phẩm đủ loại của anh, từ con heo “tiết kiệm”, cái tráp đựng nữ trang, cái hũ đựng tiêu hay muối cho đến những cái lọ đựng bút, những chiếc bình cắm hoa trang nhã… sẽ trở thành quà để các Ông Bà Già Nô-en mua về cho trẻ con. Những hang đá Giáng Sinh sẽ vui lên với các thiên thần nhỏ. Bé Thơ sẽ hưởng một mùa Giáng Sinh đầy yêu thương nơi này.

3
Mấy anh chị em đi mua đất sét, tiện thể anh Danh thăm một người bạn đồng ngũ lâu ngày không gặp, sống ở khu vực gần đó. Anh và chị thay nhau lái xe, còn Bé Thơ thì không, chẳng là anh Danh đã bảo Bé Thơ “về đây là phải treo cái bằng lái lên giàn bếp”.
Đi ra khỏi thành phố sương mù, mới thấy cả một vùng đất bao la. Thuở nhỏ Bé Thơ nào biết quê hương rộng như vậy. Những con đường dốc đầy đất đỏ trơn trợt, những hàng rào hoa quỳ nở vàng rực trong ngày đông, những buổi trời mưa giăng kín, những sáng sương mù mờ ảo, đó là “quê hương” trong tầm mắt của cô bé. Trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, Bé Thơ tự hứa sẽ tìm thấy lại một quê hương to tát hơn, thoáng đạt hơn. Bé Thơ sẽ viết một ký sự về vùng đất này.
Đến nhà người bạn ở huyện Bảo Lâm, anh Danh thất vọng. Người bạn đã dọn đi. Anh đứng lại hỏi thăm. Những nhà hàng xóm cũng đang rục rịch dọn đi. Đi đâu? Họ tỏa ra nhiều phương hướng, nhường vùng đất này cho một dự án lớn. Ở đây làm sao sống?! Hoa màu do họ trồng trọt làm ra, cà phê và chè, đã bị nhiễm độc. Họ lắc đầu ngao ngán. Mấy anh chị em lên xe đi về hướng dự án đang thực hiện. Và chỉ được đứng ngó từ xa. Đây rồi, quê hương to tát của Bé Thơ! Một thung lũng hiện ra đỏ rực. Dưới đó, những chiếc xe lu, những chiếc máy gạt, máy xúc, xe chạy đất… hoạt động rì rầm, trông xa nhỏ như những chiếc hộp diêm. Chúng đang làm những công việc cuối cùng trong việc xây dựng hồ bùn đỏ!
Mấy anh chị em đứng chết sững. Một quê hương bị tàn phá. Đất thịt đang bị cày xới để bán đi. Màu đỏ của những con đường thơ mộng cũng là màu đỏ của “tài nguyên” đang bị bán. Bauxite!!! Mai đây bùn đỏ sẽ theo những vết rò rỉ tràn ra đầy cả vùng đất dân cư đang sinh sống. Cây cối sẽ chết. Con người sẽ phải bỏ chạy. Những điều Bé Thơ chỉ nghe, bây giờ hiện ra rất rõ trước mắt. Những tiếng động cơ từ xa vẫn vang vọng thấu óc. Đất đỏ màu máu nhức nhối như chảy ra từ tim.

4
Mùa đông sẽ tàn lụi, Bé Thơ biết như thế. Cả những cơn gió lạnh rồi cũng sẽ không còn. Còn một thứ vui thích của Bé ngày xưa là được nhận những món quà của “Ông Già Nô-en” cũng không còn nữa. Bé Thơ đã lớn, đã làm Ông Già Nô-en cho những đứa con của mình. Nhưng ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh bao giờ cũng trọn vẹn. Vì Bé biết trong những ngày chuẩn bị cho Giáng Sinh, những thiên thần nhỏ từ bàn tay anh Danh và Bé làm ra sẽ đến với các hang đá của thành phố này, trong những căn nhà nhỏ xinh xắn ở phố chợ, nơi ven đồi, hay bên bờ suối. Cho dù là ven đồi loang lổ vì bị cạo gọt cày xới, hay bờ suối nhem nhuốc uế nhiễm vì con người vô tâm, những người dân của xứ sở mù sương này vẫn là những con người thuần hậu. Cho dù những con đường sạch sẽ trong thành phố một thời thanh lịch đã được thay bằng những con phố rộng lớn nhưng lề đường bình an cho khách bộ hành lại chỉ còn dành cho xe cộ quán sá, người dân cũng biết co lại để tự bảo vệ lấy những gì tốt đẹp xưa của mình. Cho dù những ngôn từ lạ lẫm dùng tiếng lóng làm nền có tràn ngập trong sinh hoạt, người dân hiền lành cũng biết dạy cho con em mình những ngôn ngữ hiền hòa một thời làm nên phong cách của họ. Nhưng tội nghiệp lắm, mỏng manh lắm, cái sức đề kháng âm thầm đó!
Bé Thơ dành nhiều thời gian để đi thu nhặt hình ảnh về “quê hương to tát” của mình. Bé vẫn sẽ viết một ký sự. Nhưng chắc là ký sự này sẽ không thơ mộng một chút nào. Ký sự sẽ nói thật rõ về những vùng-đất-thịt bị cày xới bán rẻ cho ngoại bang, về những người dân hiền lành bỗng chốc thấy mình xa lạ trên chính quê hương của mình.
Anh Danh thì lại có thêm một suy nghĩ mới: anh đang nghiên cứu làm ra những đất sét màu, không độc hại, dành cho các học trò mẫu giáo và tiểu học. Anh nói người ngoại quốc qua mua đất sét của nước mình về làm ra đất sét màu rồi bán lại cho mình để dùng trong trường học. Một thời tuổi thơ của anh đã trôi qua, anh muốn làm chút gì để đền lại cho người khác.
Những ngày đông đã tàn lụi. Lễ Giáng Sinh trôi qua êm đềm. Ông Già Nô-en được Bé Thơ cám ơn đến một trăm lần. Tượng thiên thần gãy cánh năm xưa anh Danh làm vội trước khi ra lại vùng hành quân đã được hàn gắn kỹ chiếc cánh gãy vào vai và được phủ thêm một lớp men sáng bóng. Bé Thơ phải đi.

5
Bé Thơ đứng trong phi trường San Francisco. Bé đã dặn người nhà đừng đón, vì Bé sẽ đến ngay tòa báo. Bé muốn làm việc ngay trước khi trời tối rồi sẽ về nhà. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy. Cô bé có cái số di chuyển đã không ngừng nghỉ dù ở trong hoàn cảnh, trong công việc nào, đến đâu là bắt tay làm việc ngay nơi đó.
Bé Thơ vào taxi. Chiếc xe chở Bé đi lên phố, rồi qua cầu Golden Gate. Bé hít một hơi dài như tìm chút thoải mái. Bé ngoẹo đầu định lim dim mắt nghỉ một chút. Nhưng kìa! Trên phần đường nhỏ sát thành cầu dành cho xe đạp và khách bộ hành, có hai anh em chở nhau trên chiếc xe đạp. Bé Thơ nhỏm dậy nhìn. Xem chừng lúc này trời đang gió khá mạnh. Đứa anh gò lưng đạp, trông hơi khó khăn giống như người ta đang đạp xe lên dốc. Đàng sau, đứa em gái nhỏ nhắn ôm chặt lấy anh.
Rồi bỗng đâu một đám sương mù cuồn cuộn bay tới. Đám sương mù vây lấy hai anh em. Và không thấy rõ họ nữa…
Thảng thốt, Bé Thơ lấy điện thoại ra, gọi về anh Danh. Đầu bên kia anh Danh hỏi:
- Bé Thơ?
- Dạ, anh Danh…
- Bé đã đến nơi?
- Dạ.
- An toàn hả Bé?
- Dạ…Anh Danh ơi!
- Sao Bé?
- Anh Danh ơi, Bé nhớ anh lắm!
Rồi Bé Thơ bật khóc. Sương mù vẫn che kín hai anh em đang đạp xe trên cầu. Bên kia, anh Danh hẳn đang nghe Bé sụt sùi. Giọng anh nhẹ nhàng, ấm áp:
- Bé Thơ, đừng khóc. Những thiên thần Bé đem theo về đó, chúng có những đôi cánh vững vàng, hãy cho chúng bay cao, bay cao lên mãi, Bé nhớ nhé!
- Dạ, Bé sẽ nhớ. Anh Danh ơi! Bé nhớ nhà của mình. Bé nhớ quê của mình.
- Nhớ quê của mình, Bé nhớ câu gì anh em mình nói với nhau không?
- Bé nhớ. “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperriem, Give Pleasure to Some and Freshness to Others”, câu của ông Yersin lấy làm tên cho Đà Lạt của mình.
- Phải rồi, Bé. “Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành”.(*)

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
12/12/201116:23:34
Khách
Chị Cam Li quí mến,
Tui rất thích đọc những truyện ngắn của Chị viết về Dalat(nơi tui đã từng sống và học 4 năm ở Trường CTKD 1966-1970) và Nhựt Bổn(nơi tui đã du học và sống hƠn 20 năm)
Chúc Chị cùng quí quyến nhiều niềm vui trong mùa Noel

T.Thái, Canada(quê hương thứ 3)
12/12/201123:56:03
Khách
1 câu chuyện thật là "Bé Thơ", thật là "Tuổi Hoa" nhưng lại làm cho người lớn rớt nước mắt. Cảm ơn tác giả Cam Li thật nhiều.
09/12/201104:37:54
Khách
Tôi cũng muốn có một đôi cánh để bay lên thật cao.
09/12/201109:16:39
Khách
Chị Cam Li NTMT thương mến,
Em là một fan của chị từ những ngày còn nhỏ, đã đọc và rất "mê" những truyện của chị đăng trên bán nguyệt san Tuổi Hoa. Bây giờ lại được đọc những truyện của chị đăng trên Việt Báo. Thích lắm.
Ngày xưa, em đã rất thích truyện "Những thiên thần bằng sành". Hôm nay, em lại được đọc đoạn tiếp nối của truyện đó nữa. Thật là thích.
Đọc truyện, thấy chị nhắc đến anh Danh ngày xưa đã chở bé Thơ đi học bằng xe đạp, làm em nhớ đến một bài thơ đã làm năm xưa, xin gởi tặng chị:

Đưa bé đến trường
Những vòng xe đạp lăn đều
Trên cao nắng quái như trêu chúng mình
Sau yên bé dõi mắt nhìn
Hàng dừa xanh với hoa xinh dọc đường
Và rồi bé đã tới trường
Học chăm ngoan nhé ba thương, má chiều...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến