Hôm nay,  

Món Quà Giáng Sinh Năm Xưa

06/12/201100:00:00(Xem: 156715)

Món Quà Giáng Sinh Năm Xưa

Tác giả: Hạ Vũ

Bài số 3422-12-2881v38120611

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước ở Việt Nam, là cô giáo dạy Việt văn tại một vài trường trung học Miền Nam, nhưng chưa từng viết văn. Khi qua Mỹ, làm cô giáo Nhà Trẻ - Mẫu Giáo. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2010, Hạ Vũ đã góp cho giải thưởng nhiều bài rất sống động, hữu ích và nhận giải Danh Dư Viết Về Nước Mỹ 2011. Sau đây là bài mới nhất.

***

Bà Hân Viên dẫn hai đứa cháu: một gái, một trai vào một trung tâm thương mại lớn để mua quà Giáng Sinh. Đứa cháu gái đang tới tuổi dậy thì, cho nên bắt đầu biết chưng diện, cứ năn nỉ bà dẫn đến những cửa hàng nữ trang. Đã đến cửa hàng thứ năm rồi mà cháu chưa chọn được món nào vừa ưng ý mà lại phải vừa túi tiền của bà. Chợt bà nghe cháu gái reo:

-Bà, cái "necklace" này "so pretty"! Cháu "like it".

Lối nói "nửa nạc nửa mỡ" này đã được bà nhắc nhở nhiều lần, mà cháu bà không thay đổi, có lẽ vì cháu tìm từ tiếng Việt để diễn đạt ý tưởng của mình khó khăn, nên dùng tiếng Mỹ cho nhanh. Bà nói:

-Necklace là cái gì, bà không hiểu, cháu phải nói tiếng Việt Nam bà mới biết.

-Thì... là... cái sợi dây mình "mặc" ở cổ.

-Cháu phải nói cho đúng là: sợi dây chuyền đeo nơi cổ.

Con bé lập lại, rồi nắm tay bà dẫn tới quầy trưng bày, chỉ một sợi dây chuyền. Nhìn sợi dây này, tim bà chợt đập loạn nhịp. Sợi dây này sao giống sợi dây chuyền quà Giáng Sinh ngày xửa ngày xưa của bà, chỉ khác một chút là sợi dây này làm bằng vàng trắng, còn sợi của bà bằng vàng 14K. Sợi dây chuyền kỷ niệm đó đã đem đến niềm vui nỗi buồn cho bà. Bà đã gắn bó với nó một thời gian dài và đã chôn nó sau vườn vào một ngày pháo đỏ rộn sân nhà...

*

Một quá khứ vừa buồn vừa đẹp ngủ yên mấy chục năm, bừng sống dậy. Ngày xưa ấy, lúc đất trời cũng sắp bước vào mùa Giáng Sinh như bây giờ, cô sinh viên Đại Học Huế đến Bưu Điện thành phố mang về một gói quà nhỏ được gởi từ Mỹ. Nàng chưa mở ra vội vì đang hưởng hạnh phúc là người duy nhất được quà Giáng Sinh từ nước ngoài gởi về trong nhóm "Tam Cô Nương" trọ học bên dòng Bến Ngự. Cẩm Tú, người được phong "chức Chị Hai" trong nhóm lên tiếng trước:

-Hân Viên, mở ra đi, sợ bọn tao xem, rồi bị mất màu hay sao?

Ngọc Hà xen vào:

- "Em" còn đang thưởng thức hương vị tình yêu đang quẩn quanh quấn quýt bên mình. Anh chàng này có cái tên nghe sao như có mùa Xuân với màu vàng rực rỡ của hoa mai lẫn màu vàng thơ mộng của lá mùa Thu đang len lén vào hồn "ai" dzậy.

Rồi cả hai đồng thanh hát ghẹo:

-"Mắc cỡ gì mà chẳng chịu lẹ giùm..."

Nàng đành mở hộp quà trước sự nôn nóng và tò mò của hai bạn mà cũng chính của nàng nữa. Một sợi dây chuyền vàng nhỏ rức với mặt hình phụ nữ bán thân màu trắng ngà nổi bật trong hộp trang sức bọc nhung đỏ. Sợi dây chuyền này nằm trên chiếc cổ nỏn nà của nàng thì... chao ôi... tuyệt! Nàng xúc động nói thầm: "Cám ơn anh, sao anh khéo chọn món quà thế." Nàng thích thú có được sợi dây chuyền vừa xinh đẹp, vừa lạ mắt, mà chưa chắc đám con gái trong lớp và ngay cả đám con gái trong xóm có được một sợi giống như vậy, vì nó được mua từ Mỹ mà dạo đó rất hiếm người được xuất ngoại. Đang sung sướng ngắm nghía món trang sức, Ngọc Hà tò mò hỏi:

- Anh chàng Không Quân này là người yêu của mày phải không? Bí mật dữ nghe! Bao lâu rồi mà tao ăn chung ngủ chung với mày mà không biết?

Nàng e lệ đáp nhỏ:

-Không phải là người yêu đâu. Bạn thân của ông anh Không Quân của tao đấy. Anh ấy chỉ coi tao như em thôi mà.

-Chao ôi! Anh mày cũng khéo kiếm người để... làm anh của mày dữ hén. Mày không chịu chàng thì đưa qua tao đi.

Chị Hai xen vào:

-Này, xạo vừa vừa thôi nhé. Coi như em mà tặng món quà như thế này. Vậy chứ ông anh mày tặng quà gì cho mày nào? Hay cũng tặng quà cho "người dưng khác họ"... coi như em gái, kẹt một chút là... lỡ "đem lòng nhớ thương"? Kể cho bọn tao nghe "duyên kỳ ngộ" của mày đi.

Nghe hỏi, nàng nhớ lại vào đầu mùa hè vừa rồi, nàng cùng với một người bạn đáp xe đò từ Huế về Saigon với gia đình. Xe đò dạo ấy không chạy đêm. Hai người nghỉ lại đêm ở Nha Trang tại nhà một người bạn cùng học Văn Khoa Huế gốc Nha Trang. Lúc đó anh nàng đang thụ huấn quân sự tại đây. Nhằm ngày cuối tuần, nàng đến quân trường tìm thăm anh. Ông anh này đã dẫn theo hai người bạn thân trong đó có "anh ấy" cùng nhau dạo phố Nha Trang, hóng mát ở Hòn Chồng, thăm viếng Hải Học Viện v.v... Từ đó nàng và "anh ấy" thư từ qua lại. Tiếp theo các anh đi Mỹ để thụ huấn phần chuyên môn: lái phi cơ trực thăng, còn nàng vào trường tiếp tục năm cuối sư phạm. Thư qua thư lại bấy lâu nhưng ngay một lời nói xa gần yêu thương anh cũng chưa hé lộ. Nhận được quà Giáng Sinh, lòng nàng vô cùng xúc động, lại thêm mấy lời chọc ghẹo của hai người bạn thân làm nàng càng thêm bối rối và ngẩn ngơ.

-Này, làm gì mà ngẩn tò te vậy? (Chị Cẩm Tú hạch hỏi.) Mấy anh chàng Không Quân như những con bướm chỉ lượn vành mà chơi. Cẩn thận nghe "em".

Ngọc Hà cầm sợi dây chuyền đeo vào cổ nàng, dí dỏm nói:

-Chàng khéo chọn thật, vừa vặn cổ của nàng. Từ giờ trở đi nàng mang theo chàng bên người. Hai ta trở thành "chim liền cánh cây liền cành". Ha ha... tình tứ quá!

Chị Cẩm Tú xen vào:

-Đừng làm nó đỏ mặt chứ.

Nàng năn nỉ:

- Tội cho tao quá mà, Ngọc Hà. Thật sự là anh ấy đâu đã mở lời hay nói xa gần về tình yêu đâu mà bồ với bịch. Tình cảm giữa anh ấy và tao chỉ giới hạn ở mức bạn bè thôi. Xin đừng làm um sùm, tao "ốt dột" (mắc cỡ) lắm. Tao hứa chừng nào có thư tỏ tình sẽ báo cho mày biết và nhờ mày làm cố vấn viết thư trả lời.

-Nếu không phải người yêu, có ngon thì mày gởi trả sợi dây chuyền "định tình" này đi.

Chị Cẩm Tú phản đối:

-Ông bà mình nói: "Bắc thang lên hỏi Ông Trời, "tặng quà" cho gái có đòi được không?" Ngu sao mà trả? Đừng trả nghe, Hân Viên.

Nàng đã đeo sợi dây chuyền này hằng ngày và hãnh diện được những cặp mắt tò mò của bạn cùng lớp len lén nhìn, bên cạnh cũng không thiếu ánh mắt lém lĩnh của hai người bạn thân.

Hai người vẫn tiếp tục thư từ qua lại cho tới khi nàng ra trường nhận sự vụ lệnh bổ nhiệm dạy học tại Kontum, một tỉnh lỵ giáp ranh ba biên giới: Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên. Nàng vội thông báo địa chỉ mới của nàng, nhưng muộn rồi. Lá thư đó được hoàn trả, vì anh mãn khóa học đã về nước. Anh nhận nhiệm sở và ra đơn vị hành quân. Hai người chưa kịp trao đổi địa chỉ mới cho nhau thì tiếp theo nghỉ Tết và "biến cố" lớn trong đời nàng xảy ra. 

Nhân dịp nghỉ Tết, nàng về Sài Gòn. Anh cũng từ đơn vị lấy phép về Sài Gòn để thăm nàng. Lần đó anh mang tặng nàng một lọ nước hoa Chanel 5 mang về từ Mỹ làm nàng cảm động vô cùng. Anh thật sành tâm lý của con gái! Ngày anh đến nhà, nàng đang đi bát phố với bạn bè. Anh đã ngồi đếm tiếng tíc-tắc của đồng hồ nhà nàng cả giờ. Nàng đang vui mua sắm với bạn, không biết có anh đang sốt ruột đợi chờ. Thương Xá Tax, Chợ Bến Thành đã hại nàng! Thế là hụt gặp mặt và hụt một dịp dung dăng dung dẻ với nhau sau bao nhiêu năm tháng gắn bó qua thư từ. Điều này làm nàng ân hận mãi. Có phải vì không duyên không nợ nên xui khiến "bất tương phùng"? Nếu khoa học kỹ thuật phát triển sớm một chút, để nàng có thể sử dụng "email" và "cell phone" thì đâu có chuyện bẽ bàng đáng tiếc này!

Hôm sau anh bay trở về đơn vị. Nàng đã bỏ nhiều thời giờ nắn nót viết một lá thư cám ơn và xin lỗi, chờ có địa chỉ KBC của anh là nàng gởi đi. Nàng nuôi hi vọng anh sẽ gởi một bức thư trách móc tới địa chỉ nhà cha mẹ nàng ở Sài Gòn thì lá thư này sẽ là con chim xanh tung cánh nối lại nhịp cầu. Nhưng anh bặt thư từ. Nàng thắc mắc, và tự vấn nhiều lần: Có thể lần này anh sẽ có một mở lời, một ngỏ ý, vì điều kiện cho phép: cả hai không còn là sinh viên nữa? Anh đang hụt hẫng, buồn giận vì nghĩ rằng nàng đi bát phố với người yêu, và anh chậm một bước? Hay... anh cũng chỉ là "con bướm lượn vành mà chơi" như lời cô bạn Cẩm Tú cảnh cáo ngày nào? Không! Không! Nàng có niềm tin mãnh liệt là mình chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim anh. Và, anh cũng chiếm một chỗ đứng không khiêm tốn chút nào trong trái tim nàng. Nàng cũng hiểu rằng anh đã bỏ nhiều tâm tư vào hai món quà này vì nàng. Chỉ có tình cảm mới khiến người ta làm được như vậy. Anh chỉ hờn giận nàng mà thôi. Nàng hi vọng chỉ một hai tháng sau nguôi giận, anh sẽ viết thư cho nàng.

Anh không tìm nàng thì nàng tìm anh. Nàng đã nhờ người anh của nàng tìm địa chỉ KBC của chàng để gởi lá thư mà nàng đã bỏ nhiều tâm tư và thời gian viết đi viết lại nhiều lần mới xong. Người anh của nàng một phần vì bận việc quân, một phần vì bận việc tình cảm với "người dưng khác họ" nên nửa năm sau... nàng chết lặng khi nghe anh nàng báo tin chàng đã hi sinh trong một phi vụ tiếp tế, để lại cho nàng một bức thư viết còn dang dở. Tai nàng lùng bùng với lời xin lỗi của anh mình: "Anh... đã vô tâm, vô ý... đã hẹn lần hẹn lữa, không tích cực tìm hỏi địa chỉ KBC của nó cho em. Anh đã đánh mất thời gian quý báu ngắn ngủi của hai người. Anh chỉ biết có anh mà quên mất nó cũng như anh: tính mạng mong manh treo đầu ngọn súng. Anh thật tệ! Anh xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi..." 

Nàng ân hận tự trách, rồi trách Trời trách Đất. Không biết bao nhiêu đêm nàng thì thầm với anh: "Xin lỗi anh, em đã không biết anh đến tìm gặp em ngày đó. Nếu biết, em đã bỏ mặc đám bạn bè rồi. Sao anh đi luôn? Sao anh gấp gáp bỏ em, bỏ tuổi thanh xuân, bỏ cuộc đời, để em không có được một cơ hội nói lên lời xin lỗi và cám ơn anh? Có phải anh để em mắc nợ anh, một món nợ ân tình không thể nào trả được ở kiếp này, vì anh muốn em phải trả cho anh ở kiếp sau?" Khi anh ngủ yên trong lòng đất mẹ, nàng mới biết đơn vị của anh là vùng II Chiến Thuật, phi đoàn của anh đóng ở Pleiku. Kontum - Pleiku gần nhau gang tấc nhưng hai người lại xa cách muôn trùng! 

Nàng quay ra trách Ông Trời: Đã không duyên không nợ thì cho anh và nàng gặp gỡ làm chi, để mỗi lần nghe tiếng trực thăng bay trên bầu trời là nàng đưa mắt dõi theo, bất kể lúc đó nàng đang thao thao trước mấy chục học trò hay nàng đang nằm ru giấc ngủ. Nàng trách Ông bất công với những người trai nước Việt cùng thế hệ với nàng. Ông đã nhẫn tâm xuống tay, sớm cắt đi mạng sống của những thanh niên tuấn tú nước Việt trong đó có anh, khiến nàng trải qua rất nhiều đêm rơi nước mắt cho mối tình đầu đời vừa chớm nở, đã vội vã ra đi.

Và... nàng đã nâng niu gìn giữ sợi dây chuyền đó, tất cả thư từ của anh gồm bức thư viết dang dở, và lá thư chưa kịp gởi của nàng cho đến ngày vu quy. Thư nàng đốt. Dây chuyền nàng chôn cùng với nước mắt ở cạnh gốc cây mai của gia đình. Bây giờ thì nàng đang tiếc nuối: Sao lại chôn?! Sao không giữ nó cho đến cuối cuộc đời?!

***

Đang thả hồn về quá khứ, cháu bé lay tay bà nói:

-Bà! Con thích "cái" dây chuyền này. 

-Được rồi. Yên chí, cháu sẽ có một sợi.

Bà bảo cô bán hàng gói hai sợi. Đứa bé ngạc nhiên hỏi:

-Sao lại hai sợi, bà mua cho "my Mom" nữa hả?

-Không. Bà mua cho bà, cháu à.

Hạ Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,312,826
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến