Hôm nay,  

Câu Chuyện Không Đoạn Kết

29/11/201100:00:00(Xem: 187360)

Câu Chuyện Không Đoạn Kết

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc

Bài số 3417-12-2877vb3112911

Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên từ 2009, Rau Muống Xào Dầu. Sang năm 2011, ông góp bài “Nằm Trong Hộp Gỗ, Trông Lên” cho thấy cách viết linh hoạt vui vẻ hiếm thấy khi phê phán đủ chuyện thiên hạ sự. Tác giả thường có bài viết trên mạng http://www.saigonocean.com. Bài viết mới của ông tuần này là một truyện ngắn về hoàn cảnh những gia đình tại Mỹ có con nhỏ bị pháp luật tách rời mang chop người khác nuôi.

***

Cường ngồi trong phòng chờ đợi của CFS -Los Angeles County Department of Children and Family Services- mà trong bụng nóng nảy bồn chồn. Buổi hẹn hôm nay là ba giờ. Cường xin nghỉ việc làm của mình là thợ tiện lúc hai giờ, ghé qua tiệm nail chở vợ đến đây sớm nửa giờ vì không muốn mình đến trễ. Đối diện Cường là một cô gái 16 tuổi người Á Đông, ngồi bên cạnh người mẹ nuôi foster parent người Mỹ trắng của nó, cũng đến cái buổi hẹn ba giờ đó như Cường. Khác với Cường, cả cô bé lẫn bà mẹ nuôi không có vẻ gì là lo lắng. Hai tay cô bé mang mấy cái vòng trang sức tròn mầu bạc lủng lẳng, hai tai đeo hai bộ hoa tai, miệng nhai chewing gum liên tục. Bà Mỹ trắng người mập phục phịch, tay gác trên bụng, không để ý gì đến đứa con nuôi, mắt ngó dảo dác không tự chủ, lúc chú trọng vào người đang nói, lúc thì đảo chung quanh phòng.

Vợ chồng Cường không xa lạ gì với cô bé Á Đông 16 tuổi đó. Nó là người Việt Nam, tên là Trinh, con gái đầu lòng của hai người. Qua nhiều diễn tiến xẩy ra trong mấy năm sau này, nó không ở với vợ chồng Cường nữa mà bây giờ về ở với người mẹ nuôi hai năm trước. Chỗ nó ngồi cách xa chỗ Cường chỉ có vài cái ghế, khoảng cách tuy gần nhưng xa vạn dặm như là mặt trăng mặt trời. Chỉ cần Cường với nó vói tay ra là hai bên có thể bắt được tay nhau nhưng cái khoảng cách ngắn ngủi đó xa vời và rộng mênh mông như sông Bến Hải, ngăn chận hai cha con hoàn thành cái động tác tình thương rất vô cùng đơn giản ấy.

Cô nhân viên của CFS nói tiếng Mỹ rồi một cô Việt Nam nhân viên của County Ventura mà Cường đã có gặp một lần trước đây thông dịch lại bằng tiếng Việt cho vợ chồng Cường. Tiếng Anh Cường không khá nhưng đàm thoại căn bản hàng ngày Cường nghe tương đối hiểu. Trái lại, vợ Cường, Bích, thì “bù trớt”. Bích làm nghề nail, từ ngày sang bên Mỹ nhẩy ngay vào ngành nail không đi học, đi làm từ đó đến giờ. Bạn bè Bích hầu hết là người Việt trong giới làm nail nên dù đã ở đây hơn mười năm, vốn liếng Anh ngữ rất là kém. Cường nghe một lần tiếng Mỹ, rồi cô Việt Nam thông dịch lại tiếng Việt. Một ý nghe lại hai lần khiến đầu óc Cường đôi lúc lảng vảng đi về quá khứ…

Mười sáu năm trước khi vẫn còn là một chàng trai độc thân với 25 tuổi đời, Cường về Việt Nam nhiều lần với chủ yếu tìm vợ như nhiều chàng trai Việt khác. Nhà Bích ở cách căn nhà Gò Vấp cũ của Cường chỉ có một xóm. Tiếng sét ái tình bùng nổ khi gặp nhau làm hai người không kiềm chế được dục tình, Bích mang thai sinh ra Trinh ở SàiGòn. Xúc tiến việc làm giấy tờ hôn nhân cho Bích khi trở về Mỹ, Cường khám phá ra thủ tục không ngắn gọn nhanh chóng như Cường tưởng. Bích sinh con. Cường mỗi năm về lại Việt Nam thăm hai mẹ con. Khi Trinh lên năm tuổi thì hai mẹ con mới được giấy tờ chính thức đoàn tụ sang Mỹ.

Cái cảm giác vô tư lự sống trong mộng ảo của thời kỳ yêu đương được nhanh chóng thay bằng thực tế trước mắt phải tìm kế sinh nhai để nuôi gia đình. Nghề kiếm tiền nhanh nhất không cần biết tiếng Anh trên đất Mỹ là làm nail. Bích tìm được một chân làm nail không chút khó khăn một năm sau khi sang Mỹ. Hãng Cường lớn, có cả xuất làm việc ban đêm nên Cường xin thuyên chuyển để ban ngày ở nhà giữ con khi Bích đi làm trong những năm đầu tiên hai vợ chồng sinh sống. Nói là để giữ con nhưng ban ngày ngủ gà ngủ gật nên Cường cũng chẳng có thì giờ dậy dỗ con cái. Sau này nhờ có mẹ Cường dọn đến ở cùng một thành phố nên bà giữ con cho Cường trở lại đi làm ban ngày.

Có đứa con đầu tiên nên hai vợ chồng chiều chuộng con, nó muốn gì được nấy. Đòi mà không được thì Trinh thường ăn vạ, dẫy đành đạch, quát tháo lại bố mẹ và không chịu ăn uống nên vợ chồng Cường cứ chiều nó cho yên nhà. Thành thử ra Trinh muốn gì là được, chiều mãi đâm ra nó quen thói. Biết rằng bố mẹ chịu nhân nhượng nên càng ngày Trinh càng xem bố mẹ không ra gì, đua đòi lắm thứ với bạn bè. Đến lúc vợ chồng Cường nhận thức con quá hư hỗn, bắt đầu sửa trị thì quá trễ: mỗi lần quấy rầy nó là mỗi lần xung đột giữa hai cha con, nói bao nhiêu nó cãi lại bấy nhiêu. Hai lần nó ăn cắp hàng hoá ở tiệm bị nhân viên bắt gặp gọi cành sát, Cường phải đến nhận lãnh và nộp tiền phạt bồi thường. Đi học thì không biết bao nhiêu lần nó bỏ trốn học rồi khai láo với nhà trường. Ở trường Thầy Cô khiển trách thì nó quát tháo Thầy Cô. Một lần nó tức điên lên, hùng hổ chọi quyển sách vào tường khiến nhà trường gọi vợ chồng Cường lên văn phòng, trục xuất nó khỏi trường bẩy ngày. Ở nhà thì cứ thỉnh thoảng vợ chồng Cường mất tiền trong ví vì nó ăn cắp. Một lần mẹ nó bắt gặp quả tang, hai mẹ con cãi nhau long trời lở đất. Khi Cường về nhà nghe vợ kể lại, chửi mắng nó. Không những nó không nhận lỗi mà còn nói với Cường là thứ nhất, nó chỉ lấy có mấy chục dollars chứ không phải bạc nghìn, và thứ hai nó là con thì tiền cha mẹ là tiền nó làm Cường phát điên, tát lên đầu nó một cái. Vừa tát xong thì nó bốc điện thoại gọi khẩn cấp 911 khai báo là bị Cường đánh. Trong khoảnh khắc mấy xe cảnh sát đến nhà. May là tuy rằng trong cơn giận dữ Cường còn khôn khéo biết rằng đánh nó trọng thương hay chẩy máu thì sẽ vào tù nên kìm hãm cơn nóng mà chỉ tát nhẹ nó vào đầu nên không bị phiền phức với cảnh sát. Cường không bị liên lụy gì với luật pháp vì đó là lần phạm lỗi đầu tiên.

Hai năm trước đây, sau mấy lần liên tiếp nó trốn học đi chơi, ở nhà thì không học hành đi chơi với bạn không bao giờ xin phép bố mẹ, Cường mất hết kiên nhẫn và sau một lần bố con chạm trán về chuyện trốn học, nó cứ ương ngạnh cãi tay đôi làm Cường nổi sùng tát nó một lần nữa. Lần này thì cái tát để lại dấu bàn tay trên mặt cô con gái. Nó dĩ nhiên lại gọi khẩn cấp 911 khai báo bị bố hành hung. Ba chiếc xe cảnh sát đến nhà còng Cường giải về bót về tội hành hung gây trọng thưong cho người khác. Sáu tiếng sau, vợ Cường đóng tiền thế chân $2000 dollars để Cường được ra khỏi tù tại ngoại hầu tra.

Đó là lần thứ hai Cường đánh con nên CFS (Children Family Service) không cho vợ chồng Cường giữ con, tạm thời giữ quyền quản lý Trinh, mang nó ra khỏi nhà và tìm một nhà foster parent cha mẹ nuôi khác nuôi Trinh tạm thời (foster parents tình nguyện nuôi con người khác với tài chính do chính phủ trả). Một tháng trôi qua, vợ chồng Cường ra hầu toà. Thông thường ở buổi toà đầu tiên ông Thẩm phán duyệt xét lại tình trạng gia đình, bố mẹ sẽ khóc lóc năn nỉ quan toà trả con lại cho mình, hứa sẽ không tái phạm việc đánh con. Ông thẩm phán sau khi đã điều tra lý lịch “can phạm” không thấy có tiền án, thường thì trả đứa con về gia đình với vài lời cảnh cáo cho bố mẹ. Nhưng hôm nay thì khác, vợ chồng Cường đã quá mệt mỏi tinh thần lẫn vật chất với đứa con gái của mình nên không muốn giữ con. Viện dẫn thêm một lý do nữa là vợ chồng Cường có thêm hai đứa con nhỏ, Trinh sẽ noi gương xấu cho hai em, Cường xin toà cho nó ở luôn với người cha mẹ nuôi. Ngược lại, Trinh cũng không muốn ở nhà với bố mẹ, nói rằng ở nhà lúc nào cũng bị bố mẹ chửi rủa không được tự do nên ao ước ở với cha mẹ nuôi mà không ở với cha mẹ ruột. Thể theo lời yêu cầu của cả đôi bên, quan toà chấp nhận cho Trinh sinh sống với gia đình cha mẹ nuôi.

Vì có quá nhiều trẻ con không cha mẹ cần nơi nương tựa và sự khuyên bảo dẫn dậy của người lớn, nhất là trẻ em bị khuyến tật hay trí óc bị khờ lẫn, chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích dân chúng khắp mọi tiểu bang làm foster parent với tiểu bang yểm trợ tài chính. Nhưng không phải là ai muốn cũng được. Có những điều kiện cần hội đủ trước khi tiểu bang công nhận một người có thể làm foster parent:

-Ít nhất là 21 tuổi.

-Lương bổng đủ để nuôi chính gia đình mình, không tùy thuộc vào tiền viện trợ của chính phủ trả lại tiền chăm giữ con nuôi mới có đủ điều kiện để sinh sống.

-Không can án. 

-Nhà có dư phòng, hội đủ điều kiện vệ sinh, chống hoả hoạn và an toàn.

Trinh về ở với gia đình bà mẹ nuôi người Mỹ trắng. Bà mẹ nuôi này là người đi cùng với Trinh đến buổi họp ngày hôm nay. Tiểu bang trả phụ cấp cho bà ta mỗi tháng 900 dollars tiền nuôi Trinh nhưng ngược lại bắt vợ chồng Trinh trả lại tiểu bang mỗi tháng $260. Số tiền này tùy thuộc vào tiền lương của cha mẹ ruột, và vì Cường không khai báo lương chính thức thu nhập làm nail của Bích, Cường thành công vài tháng sau đó trong việc yêu cầu tiểu bang giảm số tiền đóng chỉ còn 100 dollars, viện lẽ không đủ lợi tức trong việc chi tiêu tiền nhà và tiền nuôi hai đứa con tuổi nhỏ hơn Trinh.

Trinh về ở dứt khoát với cha mẹ nuôi nhưng cuối tuần thỉnh thoảng vẫn gọi vợ chồng Cường đến chở về nhà vì nó vẫn còn thích thức ăn Việt Nam và vẫn còn “dụ” được bố mẹ ruột mua cho nó những món nó ưa thích như quần áo, giầy dép, đồ trang điểm. Tuy rằng đã cách ly với con, vợ chồng Cường vẫn mua sắm cho nó mỗi khi nó về nhà, thậm chí còn cho nó tiền về Việt Nam thăm ông bà ngoại. Có những lúc nó đòi hỏi quá đáng như một lần nó đòi mua một cái quần jean hơn một trăm dollars, hai người không cho thì nó lại dở tính cũ là ăn cắp. Rồi lại bị cửa hàng bắt. Rồi bố mẹ lại ra ty cảnh sát. Nó đòi chở nó đi xâm mình xỏ mũi, vợ chồng Cường không cho thì khi trở lại nhà bà mẹ nuôi, nó nhờ bạn nó chở đi làm với tiền túi bố mẹ ruột cho. Gia đình bà mẹ nuôi cũng có thêm hai đứa con nuôi khác. Cả ba đều không phải là con ruột của bà ta nên đứa nào muốn làm gì thì làm, bà ta không cấm cản. CFS không những yểm trợ đứa nhỏ về tài chính (trả tiền cho người cha mẹ nuôi), mà còn về y tế, tinh thần: tánh Trinh hung dữ không suy giảm nên họ gửi Trinh đi therapy mấy bận để chữa trị.

Cường không biết lý do gì Trinh, bà mẹ nuôi và vợ chồng Cường được cơ quan CFS gọi lên họp ngày hôm nay nhưng sau vài câu nói mở đầu của nhân viên CFS và qua lời thông dịch của cô Việt Nam, Cường hiểu ngay tại sao: Trinh bây giờ 16 tuổi rưỡi, đã ở với bà mẹ nuôi gần hai năm. Chỉ còn một năm rưỡi là Trinh sẽ được 18 tuổi. Một khi Trinh lên 18 tuổi, Trinh không còn là trẻ em nữa, mọi dịch vụ giúp đỡ tài chính hoặc tinh thần của CFS sẽ hoàn toàn chấm dứt. Bà mẹ nuôi vẫn có thể tiếp tục nuôi Trinh nếu bà ấy muốn nhưng bà ta phải ứng tiền túi vì chính phủ sẽ chấm dứt tiền viện trợ. Thực tế là một khi tiền viện trợ nhà nước chấm dứt, người cha mẹ nuôi sẽ không đồng ý nuôi đứa trẻ ấy nữa. Nếu vợ chồng Cường lúc bấy giờ nhất định không mang con mình về nhà cho nó có chỗ ở thì ngay khi đúng 18 tuổi, Trinh sẽ thành một người homeless, không nơi nương tựa.

Đây là một vấn đề trọng đại cho Trinh và vợ chồng Cường nên cô nhân viên CFS nhấn mạnh việc Trinh phải chuẩn bị tinh thần cho hơn một năm trước mắt việc lo miếng ăn, áo mặc, nhà ở... Tất cả sẽ không phải do người khác mà chính Trinh cung ứng. Vì thế ngay từ phút này Trinh phải nghĩ đến chuyện ở nhờ bà con, bạn bè thân thuộc nếu bố mẹ ruột nhất định không nhận con, và lo nghĩ đến việc đi làm bán thời gian hay cả ngày để kiếm tiền sinh sống. Nếu không có sự chuẩn bị đó, việc Trinh cộng thêm vào tên tuổi của những người homeless ở nước Mỹ là một chuyện hiển nhiên. Ăn ngủ ngoài đường không những khó khăn về gia cảnh mà vấn đề an ninh cũng hoàn toàn nguy cập.

Buổi họp chấm dứt với Cường nhận xét con mình không có một vẻ gì quan tâm về vấn đề nó mới nghe qua. Nó chỉ nói vỏn vẹn một chữ “bye” với bố mẹ khi xong họp, không thêm bớt một chữ. Nhìn nó leo lên xe đi về với người mẹ nuôi, con tim mệt mỏi của Cường bấy lâu nay chai đá vì sợ hãi phải đối đầu hàng ngày với đứa con ngỗ nghịch bỗng dưng trở lại trạng thái lo âu cho đứa con của mình. Cường tự nhủ không biết trong lòng nó có sợ sệt suy nghĩ đến viễn ảnh tương lai khi ngoài mặt nó không tỏ ra gì là lo lắng, để bố mẹ nó một lần nữa chịu thua khi nó lên 18 phải dẫn nó về nhà? Cường với nó bây giờ đúng như là những tay đánh phé poker Cường thường thấy trong TV: gương mặt họ lạnh như tiền không cho đối phương biết tẩy cây bài của mình. Mặt của Trinh bây giờ như là tay poker chuyên nghiệp, không tỏ gì quan tâm hay sợ hãi.

Cường đóng cửa xe, rồ máy, xem kính chiếu hậu để lùi xe lái đưa vợ về nhà. Nhìn trong kính chiếu hậu, Cường chợt nhận ra mặt mình trong gương xanh tái mét.

Nguyễn Tài Ngọc

Ý kiến bạn đọc
12/02/201216:08:31
Khách
Đủ 18 tuổi rồi thì tự lo. Dù anh chị có dẫn con về nhà thì cũng chỉ là thân xác của nó mà thôi, nó có coi anh chị ra gì đâu - chỉ kiếm anh chị khi cần tiền xài thôi mà. Có đem về nhà cung phụng đầy đủ thì nó cũng hư hỏng rồi bỏ đi mà thôi, hơn nữa còn làm gương xấu cho em.
29/11/201119:24:54
Khách
Cảm ơn tác giả đã cho biết khá nhiều về thông tin cha mẹ nuôi, foster family.cảm ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,696,247
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến