Hôm nay,  

Cô Bé Viết Truyện Hoa Tím

23/09/201100:00:00(Xem: 213893)
Cô Bé Viết Truyện Hoa Tím

Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3361-12-28571vb6092311

Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ (hiện có trên trang mạng: http//tuoihoạhatnang.com) Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho "Viết Về Nước Mỹ" nhiều bài viết giá trị và đã nhận giải vinh danh "Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010.” Bài mới của cô là chuyện một gặp gỡ nhẹ nhàng giữa một độc giả và tác giả truyện hoa tím năm xưa.
***

Hắn lên xe đò đi về Nam Cali. Chẳng qua là mấy hôm trước hắn đi theo người cậu thăm bà con trên Bắc rồi về lại Nam. Một chuyến đi và về không có gì đặc biệt. Nhưng rồi… hắn gặp lại “cô bé ngày xưa” của hắn. Cô bé viết truyện hoa tím!
Nếu thuật lại một câu chuyện theo kiểu “nói thẳng nói thật” như vậy thì quá dễ dàng.
Ồ, quá dễ! Cuộc đời có nhiều thứ xảy ra thật dễ dàng mà hắn không ngờ.
Hồi còn bé tí xíu, mỗi khi hắn ao ước một điều gì, hắn thường nghĩ đến bà tiên hay ông bụt. Họ là những người có chút quyền phép cao siêu, dĩ nhiên là cao hơn ông bà hay cha mẹ một chút. Ông bà cha mẹ thì thường đáp ứng những nhu cầu của ta nhưng họ không có phép. Nhiều khi ta cũng thấy họ cầu nguyện, van vái. Và hắn cũng thế thôi. Cần ăn cần mặc thì nhờ cha mẹ. Nhưng khi có những nỗi ao ước hơi xa vời một chút hiện ra trong đầu thì hắn sẽ thu người lại và nghĩ đến một đấng thiêng liêng.
Nhưng bây giờ, khi hắn không cần cầu nguyện gì cả, điều mà hắn mơ tưởng ngày xưa đã hiện ra rồi kìa!
Ông cậu giới thiệu:
- Đây là em của chị dâu cháu! Cháu chưa gặp bao giờ phải không"
- Dạ chưa.
Và hắn nhìn người đối diện, chào:
- “Hi!”
Hắn nói “Hi!” rất đơn giản như bao người. Hai vợ chồng người anh họ thì hắn đã quen biết từ lâu. Hơn thế nữa, anh lại là người học cùng một trường dòng với hắn lúc “xửa xừa xưa” ở Đà Lạt. Chị thì qua đây hắn mới biết. Chẳng cần rào đón chi thì nói ra ai cũng hiểu là chuyện xa xưa, chứ bây giờ thì hắn cũng đã có vợ con như người anh họ này rồi. Họ đã “ra đời”!
Hắn định ngồi xuống ghế, cạnh bên cậu. Nhưng chợt hắn liếc nhìn người em của chị dâu một chút. Hắn bỗng giật mình. Ủa!.. Sao cái nét này… hắn như đã nhìn thấy ở đâu. Hắn tự giải thích: Thì mình đã quen biết người chị, tất thấy cô em quen là phải. Nhưng hắn chưa kịp nghỉ ngơi để chờ giờ xe chạy thì cậu lại tiếp:
- Cô em đây đi xuống Nam để lãnh giải thưởng đấy!
Cậu thì lúc nào cũng giao thiệp rộng rãi như thế, cái gì cũng nói dù chẳng liên can! Hắn “dạ” rất lịch sự và bình thản nếu không muốn nói là hơi thờ ơ. Hắn đưa tay nhìn đồng hồ, cái đồng hồ rất trung thành của hắn ở cái thời buổi người ta chỉ thích coi giờ trong cell phone. Còn năm phút nữa. Hắn ngồi yên, lấy cuốn sách ra đọc. Eo ơi, hắn đã quen với những chuyến xe đò thế này, chốc nữa đây sẽ vang lên nhạc, kịch, hát hò cho mà coi! Phải tận dụng thời gian hiếm hoi còn yên tĩnh này mà đọc sách cái đã. Mặc kệ ai lên lên xuống xuống, tạm biệt, vẫy tay, dặn dò…
Cũng không khác một chiếc xe đò ngày xưa bao nhiêu. Chỉ có một cái khác biệt là không có những người bán hàng rong đứng dưới đường ngước nhìn lên các cửa sổ xe để mời khách mua hàng. Lại càng không có những người leo lên tận trong xe để rao mời “Mía ghim đây!”, hay “Trà đá đây!”, hoặc có khi là những quyển sách đủ loại từ tiểu thuyết cho đến sách tử vi bói toán…
Ồn quá! Xe sắp chạy rồi! Hắn theo phản xạ như bao lần, nhìn ra sau lưng mình xem có ai. Cô em của người chị dâu ngồi ngay sau lưng hắn. Hắn lại hơi ngạc nhiên… sao cái nét này quen quá nhỉ! Hắn giữ cái đầu ngoái lại phía sau, và tìm ra một câu mở đầu câu chuyện:
- Nghe nói… chị xuống Nam để lãnh giải thưởng… giải thưởng gì vậy"
- Dạ, một giải của VB ạ!
- Ô! VB! Vậy chị lấy bút hiệu là chi"
- Tim Tím ạ.
- Hả"
- Dạ, Tim Tím ạ!
Hắn trợn tròn mắt. Hắn đã hiểu tại sao gương mặt kia có một cái gì quen thuộc. Chính là cái nét chung, rất chung trong những bìa vẽ của họa sĩ Vi Vi. Ôi! Chính là Tim Tím, người viết truyện hoa tím đây mà!
- Con nghe có quen không"
Giọng của cậu vang bên tai làm hắn bừng tỉnh. Hắn đáp nhanh:
- Dạ, quen! quen chứ cậu! Hồi nhỏ con rất là mê…
Hắn im bặt. Hắn thấy mình thật thất thố.
Những câu trao đổi diễn ra rất bình thường và tự nhiên. Hỏi thăm về gia đình, nghề nghiệp. Chỉ có một việc không được tự nhiên là hắn cứ phải giữ cái đầu ngoái lại phía sau. Mà cũng vì vậy cho nên hắn chỉ thấy được phân nửa gương mặt của người đang nói chuyện với hắn. Thốt nhiên hắn có cảm giác Tim Tím hiện ra ở đây mà như là Tim Tím viết truyện hoa tím thuở xưa.
Thuở xưa của hắn, của cậu học sinh trung học trường dòng, rất khác với các cậu học sinh “trường ngoài đời”, bởi vì các cậu luôn đạo mạo, đứng đắn, nghiêm trang… nói chung là tất cả những gì tốt lành nhất … đều phải có. Các cậu học nội trú trong trường, ngoài học phổ thông còn phải học giáo lý, tu tĩnh theo một nề nếp nghiêm khắc. Phần giải trí cũng phải theo một chương trình đặc biệt. Sách vở báo chí đều phải qua sự kiểm duyệt và cho phép của các sư huynh. Ấy vậy mà không hiểu sao, loại truyện Tuổi Hoa “hoa tím” lại lọt vào khung cửa nghiêm trang của nhà trường các cậu. Loại sách truyện này không hiểu vì sao lại không được các sư huynh cho đọc. Bỗng nhiên trong một thoáng bị thôi miên bởi kỷ niệm, hắn bắt đầu huyên thuyên về một khung cảnh của ngày xưa.
- Hồi đó, mình học lớp Mười, đã rất mê đọc truyện của “ấy”.
Hắn ngưng bặt. Không nghe Tim Tím nói gì. Chắc là Tim Tím cũng như hắn, hơi ngạc nhiên khi nghe tiếng “ấy”. Ai không phải là học trò thời của hắn sẽ không hiểu chữ “ấy” nghĩa là chi đâu! Bạn thân thì hay xưng hô “mày, tao”, “mi, tau”, “cậu, tớ” hoặc “ông hay bà, và tui”. Nhưng bạn không thân hoặc mới gặp lần đầu thì xưng hô “bạn, tôi”, hoặc “trò, tôi”, hoặc gọi “ấy”, xưng “tôi”. “Ấy” chỉ để dành cho học trò nhỏ dùng, nghĩa là dành cho con nít. Già đầu như hắn bây giờ mà gọi người kia bằng “ấy” không ngạc nhiên sao được" Nhưng sau cái tích-tắc khựng lại đó, hắn nghĩ thôi cứ mặc kệ, hắn thích dùng chữ “ấy”, như ngày xưa hắn từng ao ước được gặp Tim Tím, nói chuyện với cô bằng cách xưng hô “mình, ấy”.
Tim Tím như cũng đồng cảm với ý nghĩ của hắn, nên tiếp lời:
- Vậy sao" Bạn thích hả"
- Thích lắm, nếu không muốn nói là mê, mê truyện của “ấy” viết đó! Sao “ấy” lại viết lôi cuốn như vậy nhỉ!
- Cám ơn. (Hắn nghe tiếng của cô bạn cười rất nhẹ).
- Mình … mình học trong trường dòng, “ấy” ạ!
- Thế sao"

- Mình ở nội trú. Mà … trong đó, ngộ lắm “ấy” à, các sư huynh cấm không cho xem truyện “hoa tím”.
- Ồ, vậy sao"
- Các loại truyện thiếu nhi và các loại người lớn thì lại được, nhưng đặc biệt truyện “hoa tím” thì không.
- Sao vậy"
- Vì các sư huynh thấy giới thiệu là “loại tình cảm nhẹ nhàng dành cho tuổi mới lớn”, sợ tụi này nhiễm cái gì không hay thì bỏ bê việc học hành.
- Tình cảm nhẹ nhàng có gì là không hay"
- “Ấy”… không hiểu đâu!
- Không hiểu thật đấy!
Hắn có cảm giác ân hận vì đã nói những điều vừa rồi. Thôi thì cứ cầu mong là Tim Tím nghĩ rằng trường nhà dòng “hơi khó hơn trường ngoài đời một chút” đi vậy! Đâu phải lỗi của mình!
Hình như là Tim Tím đang buồn nên hắn không nghe cô tiếp lời. Hắn ái ngại, cố ngoái đầu thêm một chút nữa, rồi một chút nữa để nhìn cho rõ mặt người bạn mới quen này. Tim Tím đang nhìn ra cửa sổ. Hắn nhìn theo. Một vùng hoa tím ngắt ở ngoài kia. Hắn thốt lên:
- Xinh quá!
- Phải, xinh quá!, Tim Tím nói theo.
Hắn lại có thể nói chuyện nữa rồi!
- Tim Tím biết không, tụi mình cũng “mánh” lắm, khi nào về thăm nhà thì lại ra tiệm sách “rinh” mấy cuốn truyện “hoa tím” về, chuyền nhau đọc. Đọc lén đó!
- Không sợ các sư huynh phạt sao"
- Không, vì mình … trùm mền lại, bật đèn pin nhỏ lên đọc.
- Eo ơi! Thiệt không"
- Thiệt chứ! Mình đọc hết tất cả các truyện của “ấy” viết. Mình ao ước có ngày được gặp “ấy”, làm quen với “ấy”, chỉ thế thôi, nhưng mình không có cơ hội.
- Vậy đã có bao giờ bạn bị sư huynh bắt gặp đọc truyện của mình, rồi bị phạt không"
- Có! Có một lần, mình bị bắt gặp.
- Thế… bị phạt ra sao"
Hắn đoán là Tim Tím đang rùng mình vì trí tưởng tượng phong phú chắc sẽ dẫn tác giả tới một cảnh ghê rợn trong đó cậu học trò cả gan này được ăn mấy chục cái thước kẻ vào bàn tay cho đến tóe máu. Hắn lắc đầu:
- Không, không có bị phạt.
- Sao được"
- Vì, “ấy” biết không, sư huynh bắt mình lên văn phòng, bảo mình ngồi một góc, để ông đọc cuốn truyện của “ấy” đã. Ý là sư huynh sẽ tìm những điểm để buộc tội mình cho chắc chắn. Mình ngồi yên. Ông đọc trang đầu, rồi trang kế, rồi…
- Rồi sao"
- Hóa ra là ông chưa bao giờ đọc truyện “hoa tím” cả, “ấy” ạ!
- Chưa đọc sao lại cấm"
- Thì mình đã nói rồi, họ chỉ nghe nói “tình cảm tuổi mới lớn” nên sợ tụi mình bị hư.
- À ra thế! Thế rồi sao"
- Thế rồi mình ngồi chờ ông đọc cuốn truyện đến… ngủ gục luôn. Khi mình mở mắt ra vẫn thấy ông say sưa đọc. Ông đọc xong, gấp sách lại không nói gì. Một lát sau ông bảo mình đi về phòng ngủ đi. Hôm sau, giờ tan học, mình đi ngang văn phòng, thấy một thông cáo ghi “Loại sách Tuổi Hoa “hoa tím” không bị cấm, miễn là đọc ngoài giờ học”.
- Thế sao", Tim Tím reo lên.
- Phải, “ấy” à, bởi vì họ cấm khi họ chưa đọc. Khi họ đã đọc những cuốn “hoa tím” rồi thì họ không muốn cấm nữa. Vì họ thấy những ý hướng xây dựng học đường, xã hội; có tình yêu gia đình, tình yêu đất nước đậm đà trong đó, chứ đâu có phải chỉ là tình cảm bâng quơ, hay “làm hư” học trò. Mình mừng lắm!
- Mình cũng mừng lắm! Đến nay mới nghe được câu chuyện này.
- Tim Tím à! Hơi muộn một chút, nhưng mình rất muốn nói cám ơn “ấy”. Cám ơn “ấy” đã viết những truyện “hoa tím”. Chúng tạo nên tuổi trẻ cho mình và các bạn mình, khó quên lắm. Nhưng, “ấy” ơi, “ấy” có biết là… ngay sau khi bản thông cáo đó dán lên, tụi mình chưa kịp vui mừng, thì nó đã bị gỡ xuống, và thay vào đó là một lệnh cấm mới. Truyện của “ấy” tiếp tục bị cấm!!!
- Thế ư" Vì sao"
- Nhưng không phải là lệnh cấm của nhà trường, mà là lệnh cấm của “nhà nước mới”, của bộ Văn hóa Thông tin, tên các truyện của “ấy” được xếp vào danh sách… các sách bị cấm.
- Mình hiểu rồi! Đó là lúc “đổi đời”. Bạn đã nói đúng. Những cuốn sách của Tim Tím nằm trong danh sách dài dằng dặc những truyện họ gọi là “văn hóa phẩm phản động, đồi trụy”...
- Xin lỗi Tim Tím…
- Bạn đâu có lỗi gì!
- Lỗi mình đã kể lể.
- Không, hãy quên đi. Bạn nhìn kìa! Hoa tím vẫn đẹp đó!
Hắn nhìn theo Tim Tím. Vẫn là một dải màu tím nhẹ vun vút trước mắt. Xe đang chạy với tốc độ tối đa cho phép trên xa lộ. Hắn có cảm giác những ngày êm đềm của hắn cũng đang chạy về vùn vụt. Cậu học trò trường nhà dòng, sau “ngày đổi đời” không còn ở trong trường dòng nữa. Ba hắn đi vào tù. Mẹ và anh em hắn muốn yên thân nên ở lại Sài Gòn. Hắn không về lại trường nhà dòng, không về lại Đà Lạt. Có lần hắn gặp lại người anh họ, biết được rằng anh cũng không còn học trường nhà dòng nữa. Họ đã “ra đời”. Hắn không có cơ hội khoác áo làm Cha, nhưng hắn trân quý lắm cái thời học trường nội trú, với tình cảm trong sáng của một cậu học trò tuổi mới lớn đêm đêm trùm mền xem lén truyện “hoa tím”.
Hắn không biết mình đã im lặng bao lâu, nhưng có thể tính được dựa vào thời lượng của một vở kịch hài trên màn hình trong xe, vở kịch mà khi hắn và Tim Tím nói chuyện hắn đã không hề biết đến. Hắn trở về thực tại khi thấy màn hình tắt tối đen sau vở kịch. Xe đã vào khu chợ ABC. Mọi người đứng dậy, rục rịch chờ lấy hành lý. Hắn giật mình, hỏi nhanh:
- Thế… chiều nay “ấy” đi lãnh thưởng của VB phải không"
- Phải. Bạn có đến không"
- Mình sẽ đến chứ! Nếu họ bảo mua vé mình cũng sẽ mua vé.
- Vậy cám ơn bạn. Mình hẹn gặp bạn nhé! À!... bạn ơi!
- """
- Bạn đừng ái ngại cho Tim Tím nhé! Tất cả đã qua rồi! Mấy mươi năm cũng đã qua rồi! Bạn thấy đó, Tim Tím không có gì thiệt thòi cả.
- Phải. Mình vui lắm, “ấy” ạ!
Hắn nhìn một lần nữa, Tim Tím. Vẫn là Tim Tím như trong những giấc mơ của hắn ngày xưa.
Hắn hân hoan thả bộ trên lề đường trong khu chợ, dừng lại trước một tiệm hoa. Hắn chợt thấy cuộc đời thật mầu nhiệm. Ngày xưa ấy, khi hắn còn là cậu học trò lớp Mười, ngoài giờ học thường lẩn tránh cái nhìn “quan tâm” của các sư huynh, ăn cơm thì mơ màng nghĩ đến truyện hoa tím, đêm đến thì trùm chăn đọc truyện hoa tím, ngủ cũng mơ thấy Tim Tím, mà Tim Tím thì đã là một sinh viên, ngoài giờ học cô lặng lẽ đi vào quân y viện băng bó vết thương cho những người lính, đàn hát bên giường bệnh, và cô đã viết nên những tác phẩm trong thời chiến.
Hắn nghe mắt mình cay xè. Nhưng hắn lại mỉm cười được ngay. Bao nhiêu năm qua hắn đã học hiểu được những cái mầu nhiệm trong cuộc đời. Hắn trông khá già cỗi nhưng tâm hồn của hắn vẫn có một cái gì đó rất trung thành. Hắn có vẻ hơi “cõi trên” một chút.
Hắn chọn những bông hoa tím, nhờ cô bán hàng bó lại thành một bó, thắt một dây nơ màu tím. Hắn nghiêng đầu ngắm món quà mà mình sẽ trao tặng cho người bạn mới nhưng “rất xưa” của hắn.
Vâng, chiều nay hắn sẽ trịnh trọng tặng cho Tim Tím bó hoa tím này ngay sau khi cô lên nhận giải thưởng của VB.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
06/10/201120:33:20
Khách
Mắt Tím đoán mò mà đúng "bon".

Cam Li NTMT chân thành cám ơn quý bạn đã vào viết đôi dòng cho Cam Li, và cám ơn quý độc giả thầm lặng nữa nhé! Cam Li sẽ tiếp tục viết để không phụ lòng yêu mến của quý độc giả.
30/09/201117:03:05
Khách
Chào chị Cam Li. Em cũng là một "fan" của chị đây. Ngày xưa em đọc Tuổi Hoa và rất "mê" những bài viết của chị.
Về câu hỏi tại sao chị lấy bút hiệu Cam Li, em đoán mò rằng vì chị sinh ở Đà Lạt, nên lấy bút hiệu là Cam Li, từ chữ Cam Ly, tên một cái thác rất đẹp ở đó, phải không?
24/09/201115:45:04
Khách
Còn có "tui" nữa !!!!!!!!
25/09/201123:26:39
Khách
''ay' oi! tim tim oi!tui nua ne cung me hoa tim mot thoi, dung la mot thoi de nho va de thuong, cam on tim tim nhe, ma sao tim tim lay but hieu cam li ngo ha, giai thich dum nghe.



23/09/201113:31:11
Khách
Cám ơn Cam Li NTMT về kỷ niệm một thời
24/09/201107:58:27
Khách
Truyện của chị viết bao giờ cũng dễ thương, nhẹ nhàng, có chút bâng khuâng ... Đâu phải chỉ anh đó mới "mê" truyện chị viết... còn có em .. và nhiều độc giả âm thầm khác nữa ....
Chúc chị luôn vui khỏe, hồn văn không bao giờ cạn ... Em MT ^.^
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,234,182
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến