Hôm nay,  

Chữ Tài Chữ Tâm

10/09/201100:00:00(Xem: 202417)
Chữ Tài Chữ Tâm

Tác giả: Nguyễn Trung Tây 
Bài số 3352-12-28562vb690911

Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Sau đây là bài viết mới nhất của nhà văn linh mục.

***

Ông Tư dì Tư, một cặp vợ chồng người Nam, định cư tại Quận Cam từ những ngày cuối năm 75. Ông Tư hồi xưa người trong thôn gọi cậu Tư Cường, răng cậu Tư bịt vàng sáng chóe.
Họp Hội Cao Niên về tới nhà, dì Tư lộ vẻ không vui. Nhìn biết liền. Mặt dì chầm bầm tựa bọ hung, chân tay bứt rứt đứng ngồi không yên. Dì đi tới đi lui. Dì vòng vòng xoay vần tuồng như trẻ con chơi con vụ. Thoạt tiên dì đi một mạch từ nhà bếp thẳng lên phòng khách; từ phòng khách dì ngơ ngơ bước một lèo ra sân; bước đi mới được mấy bước trên sân gạch, tự nhiên dì dừng lại, nhìn ngó quanh quẩn như người tâm thần, rồi lại thở dài bước đi! Tưởng đi đâu" Hóa ra dì quay lại vào thẳng trong bếp. Đúng một vòng… Thấy vợ lạ lùng như ma nhập, ông Tư cất giọng ướm hỏi,
— Bà! Hôm nay sao lại cập rập đi tới đi lui như vậy"
Dì Tư nhìn chồng, nửa muốn nói, nửa như không. Biết tính vợ, ông Tư dừng ngang chung trà,
— Bà có chuyện chi muốn nói phải không"
Dì Tư đứng lại,
— Ông thiệt là người tinh ý, bởi tui có điều muốn nói. Nhưng vẫn không biết phải nói ra sao, nói như thế nào"
Ông Tư nhìn vợ, ánh mắt dò hỏi,
— Bà hôm nay hơi lạ đó nghen. Có chuyện chi thì cứ nói. Sao lại rào trước đón sau cẩn thận như vậy"
Ông Tư cười cười, nụ cười móm xọm,
— Ta nói vợ chồng đầu ấp tay gối bao nhiêu năm nay, sanh ra mấy mặt con rồi, cháu chắt có đứa lớn cao trội như cây sào cắt cau, sao khi không tự nhiên lại mần tuồng khách lạ với tui như vậy"
Dì Tư chép miệng,
— Thì ai lại không biết là vợ chồng mấy chục năm thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn... Nhưng tui không muốn hấp tấp không đầu không đuôi, người ngoài nghe được, người ta cười tui…
Dì Tư e ngại,
— Mà cười tui thì cũng không sao, nhưng người ta cười đụng chạm tới ông, thì thiệt tình là tui không chịu. Dầu sao đi nữa ông cũng là người có ăn có học, chữ nghĩa một bụng, vừa có danh lại vừa có phận…
Ông Tư ngó vợ nom nom. Thiệt tình trong bụng là ông không biết vợ mình đang muốn nói điều gì…

oOo
…Mà nghĩ cho cùng, dì Tư cũng có cái lý của dì Tư, bởi thời đó, cái thời dì còn đang là thiếu nữ mười tám, ông Tư thuả đó đang là thanh niên tây học từ Sài Gòn về quê nghỉ hè. Cô Thoan đã nghe tiếng cậu Tư, con trai độc nhất của ông Hội Đồng Hương từ lâu lắm rồi. Ta nói miền Nam thời đó khét tiếng công tử Bạc Liêu, nhưng thôn của cô Thoan nức tiếng cậu Tư Cường, tiếng đồn dội xa tới cả mấy tổng. Thiếu nữ trong xóm, ai mà lại không mơ ước được nâng khăn sửa túi cho cậu Tư Cường, con trai duy nhất của người vừa là điền chủ vừa là ông chủ buôn xe hơi trên Sài Gòn. Thoảng đôi ba lần, cô Thoan nhìn thấy cậu Tư đi ngang cửa nhà; dáng cậu Tư cao, mặt thanh tú, da trắng bóc tựa trứng gà, mũi cao chót vót như tây, tóc đen bóng chải keo láng o, vuốt ngược lên trên vầng trán, đôi lông mày lưỡi kiếm với hàm răng trắng đều điểm cái răng bịt vàng chóe sáng ngơ ngẩn tâm hồn bao nhiêu cô gái khi cậu Tư nở nụ cười. Biết phận mình, cô Thoan không nghĩ tới chuyện hồn bướm mơ tiên, guốc mộc mà so hài cườm. Nhưng, ngày hôm đó, một buổi chiều nóng bức, cô Thoan vừa tắm xong, mái tóc dài ướt sũng nước giếng. Phần nóng bức, phần tóc ướt, cô Thoan bước ra hiên nhà, kín đáo đứng ẩn mình sau bụi tre hong khô tóc. Trời chiều, gió mát từ ruộng lúa kéo về thổi bay tung tóe sợi tóc thơm bồ kết. Cô Thoan nhìn xa xa, lơ đãng tìm kiếm bóng dáng song thân trên cánh đồng cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi của Hội Đồng Hương. Thiệt là bất ngờ, cậu Tư Cường xuất hiện trên đường làng. Nhận ra bóng dáng con ông chủ điền, cô Thoan muốn lánh mặt vào trong nhà. Nhưng quá trễ, bởi cậu Tư Cường đã bước tới ngay trước sân. Cô Thoan đành chịu, cố gắng dấu mình nấp sau nhánh tre. Đang bước tới những bước chân đều đặn, mặt ngó thẳng, bất ngờ cậu Tư quay ngang. Cậu nhìn, ánh mắt chiếu thẳng bụi tre nơi cô Thoan đang ẩn nấp. Bốn mắt gặp nhau. Mắt thôn nữ bồ câu nhìn mắt tỉnh thành tinh anh. Cô Thoan e lệ cúi xuống, một tay ngượng ngùng bám víu cành tre. Nhận ra cô con gái bẽn lẽn đứng dấu mình, tới phiên cậu Tư Cường bất động tượng gỗ. Cậu lặng im, không động đậy, cặp mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không gian của cô Thoan. Trước tình huống bất ngờ, cô Thoan lặng người, cắm đầu bỏ chạy thẳng vào trong nhà. Chân cô líu ríu vướng víu cuống quýt đan vào nhau. Chỉ là một sân đất trơ dài năm thước, mà sao cô thấy đất gò chông chênh xa vời vợi. Nhưng rồi cũng tới cánh cửa, cô đưa hai tay hấp tấp đẩy, đóng lại, cài then. Vội vã đi xuống bếp, cô Thoan mở vung nồi cơm đã chín, rồi ngớ ngẩn đóng nắp nồi cơm lại. Cô đi chầm chậm lên nhà, hai tay ôm má, len lén nhìn qua khung cửa sổ. Ngoài đường, cậu Tư vẫn còn đang ngớ ngẩn đứng đó mất hồn nhìn. Cô Thoan hồi hộp, tay ôm ngực, rón rén đi về lại nhà bếp. Ngồi xuống trước bếp lửa chỉ còn trơ lại tro than âm ỉ, cô nghe tiếng tim đập thình thịch và hơi thở vang dội một khoảng không gian tĩnh mịch.
…Một tháng sau, đám cưới con trai ông Hội Đồng Hương tưng bừng pháo đỏ với cô dâu Thoan e ấp bước lên xe hơi bóng lộn về nhà chồng. Đám cưới kéo dài cả tuần lễ. Tiệc rượu ăn uống no nê phủ phê. Bà con trong thôn ai cũng được mời. Quan đầu tỉnh người Tây cũng xuất hiện, người thông ngôn diện đồ láng o đứng hầu sau lưng! Người mấy tổng kéo nhau về thôn ngó mặt cô dâu tiếng đồn ba đầu sáu tay trói chân được cậu Tư Cường. Hồi đó, có người nói cô Thoan lên núi Tà Lơn mua bùa yêu bỏ vào cháo lú cho cậu Tư ăn, chứ ở đâu mà lại tự nhiên lòi ra cái tuồng đỉa bám dính chân hạc.
Nghe tiếng đồn, cô Thoan không buồn phiền, không giận hờn, nhưng hồi hộp nhớ lại cuộc tương ngộ bên bụi tre. Cô Thoan vẫn không hiểu lý do tại sao cậu Tư lại lậm tình, đem lòng si mê thôn nữ không danh phận, không học thức như mình. Nhưng cô Thoan chưa bao giờ hỏi, mà cậu Tư Cường cũng chưa bao giờ nói với vợ chuyện này…
*
Thấy ông Tư yên lặng, dáng vẻ chờ đợi, dì Tư đưa vào miệng miếng trầu cay, chậm rãi nói,
— Ta nói chiện là như thế này. Ông cũng biết là gia đình tui không phải là gia đình có chức tước, có địa vị, có của ăn của để ở trong làng. Tía má tui cũng chỉ ngày ngày cày thuê cấy mướn cho người trong thôn. Cho nên, tui không có học hành, chữ nghĩa chưa đong đầy bằng cái lá bình bát. Thiệt tình mà nói, nhiều khi tui cũng muốn được như ông, học hành cho nở mặt rỡ ràng với bà con thiên hạ lối xóm. Tiếng tây tiếng ta cũng ăn nói rổn rảng rộn ràng như ông vậy. Như thế, có đi ra ngoài cũng không thua chị kém em. Nhưng cái số của tui là số con nhà nghèo, học hành chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu.

Dì Tư phân bua,
— Ông còn lạ chi. Vợ chồng mình ở Mỹ bao nhiêu năm rồi. Mà tên mấy cái tiểu bang tui nói còn chưa thông. Cái tiểu bang chi đó…
Dì Tư chép miệng,
— Cái tên chi mà tui cứ đọc sai hoài" Ông sửa bao nhiêu lần rồi mà đầu óc tui nó cứ xụi lơ cứng đơ, nhớ trước quên sau. Cái chi mà in tuồng như là…là… tiểu bang “Cô ló đầu ra”! Đúng không ông"
Ông Tư cười,
— Tiểu bang Colorado.
Dì Tư gật đầu,
— Đó, đó, cái tên người ta gọi Colorado, mà tui cứ đọc sai hoài, sửa tới sửa lui, mãi vẫn không được. Rồi thêm cái tiểu bang chi, mà tui cứ quen miệng đọc trợt ra là tiểu bang “Mỹ nó sợ ta”. Thiệt tình! Tui thấy có cái chi không ổn ở đây. Mình đang ở bên Mỹ, nếu phải nói là sợ, thì mình sợ Mỹ, chứ ở đâu lại lòi ra cái vụ diều hâu trên trời mà sợ gà con lẹt đẹt dưới đất. Rồi lại thêm cái tiểu bang chi mà đọc giống như là “Heo quay”. Không biết ở đó có heo quay thật hay không, mà tui cứ te te quen miệng uốn lưỡi đọc ra là heo quay không à. Mà hễ mở miệng ra nói trợt chân một cái là người chung quanh bụm miệng cười khiến tui quê một cục...
Dường như đã hiểu chuyện, ông Tư thôi ngó vợ nom nom, nhưng nhẩn nha ngồi xuống, lưng dựa thành ghế, một tay đưa ra mời,
— Bà, bà ngồi xuống ghế. Mần chi mà cứ đứng riết, bắt tui đứng theo như học trò gặp thầy đồ, khiến tui mỏi chân lắm rồi. Bà ngồi xuống ghế đi. Tui cũng có câu chuyện, muốn tâm sự với bà...
Đợi vợ miệng đang nhai bỏm bẻm miếng trầu đỏ tươi ngồi hẳn xuống ghế, ông Tư cầm ống vố lên trên tay, điệu bộ thong thả, nhưng giọng gọn gàng,
— Từ ngày tui với bà trở nên vợ chồng, có bao giờ tui ỉ thế là có danh phận, có học thức, rồi tui coi thường bà chưa" Bà cứ thiệt tình mà nói đi.
Ông Tư chưa dứt lời, dì Tư nói ngay,
— Tui hiểu. Tui biết…
Ông Tư đưa tay ra ngăn cản vợ,
— Khoan, khoan! Bà cứ trả lời tui đi, một tiếng thôi, tiếng sắt hoặc tiếng vàng, tiếng có hoặc tiếng không.
Thấy chồng dứt khoát, dì Tư lắc đầu liền,
— Chưa! Tui biết ông đâu phải là con người như vậy.
Chỉ đợi có thế, ông Tư nói tiếp,
— Nếu vậy, vợ chồng mình ở với nhau bao nhiêu năm rồi, tui tưởng bà phải biết tánh tôi chứ. Tui đâu phải là rau muống, rỗng ruột vô tâm, ăn ở vô nghì, tham phú phụ bần.
Ông Tư đưa lên miệng ống thuốc vố, bật lửa. Khói thuốc thơm lừng bay quyện tròn căn phòng khách nhỏ. Yên lặng thưởng thức thuốc thơm trong vòng một vài giây, ông Tư đưa lên miệng chung trà, uống vài ngụm nho nhỏ, tiếp tục nói,
— Thiên hạ ưa trọng người có quyền thế, có kiến thức, có danh phận. Nói chuyện với nhau người ta lôi ra bằng cấp như cái thước đo để thẩm định giá trị con người.
Ông Tư hưỡn đãi,
— Đó cũng là lẽ thường tình của nhân gian. Làm sao mà mình đi ngược lại được với dòng nước, dòng thủy triều của con sông cái lạch cho đặng!
Ông Tư chép miệng,
— Nhưng tui thấy con người không phải chỉ là bằng cấp, hoặc là danh phận, hoặc là kiến thức, hoặc nói theo kiểu của bà là rổn rảng rộn ràng tiếng tây tiếng u.
Nhìn vợ, ông Tư tiếp tục,
— Bà còn nhớ cái thời Đồng Minh và phe Trục đánh nhau, thời mà có cái máy bay phản lực của Nhật bị phe Đồng Minh bắn rớt xuống cánh đồng trong xóm, người ta rần rần kéo nhau đi coi. Bà còn nhớ chứ"
Dì Tư gật đầu,
— Tui nhớ! Làm sao mà quên được cái máy bay của Nhật đâm đầu xuống ruộng thím Tám Vịt buổi chiều hôm đó.
Ông Tư giải thích,
— Ta nói phe Trục của Nhật hồi đó còn có Hittler. Mà nhắc tới tên của người này thì thiệt là ai tranh bá vương, ai tranh thiên hạ tài giỏi cho bằng Hittler. Nhưng người này nhiều tài, mà lại vô tâm như rau muống. Cho nên bao nhiêu triệu triệu ngôi mộ đã chất gò chất đống, bao nhiêu bia mộ đã lềnh khênh nổi lên, bởi sự xuất hiện của một người tài giỏi nhưng lại vô tâm...
Ông Tư chỉ lên tấm hình của Mẹ Têrêsa treo trong phòng khách,
— Tuy nhiên trái đất này không phải chỉ có Hittler, nhưng còn có Mẹ Têrêsa, một người tầm thường, mà lại dư thừa một trái tim để chữa lành và lau khô những vết thương do người vô tâm gây ra.
Ông Tư nhún vai,
— Mẹ Têrêsa có đậu bằng cấp gì đâu, nhưng mẹ lại có nguyên cả một trái tim, trọn vẹn một tâm hồn.
Ông Tư trầm ngâm,
— Tui nhớ chuyện kể là có một người hành khất nghèo khổ, ghẻ lở đầy mình, ngày ngày sống lăn lóc trên những con đường phố què cụt của Ấn Độ. Ngày kia khi gặp gỡ người ăn mày, Mẹ Têrêsa mang ông ta về nhà băng bó vết thương, đổ cháo đổ thuốc cho người bất hạnh. Sau cùng người hành khất cũng qua đời. Nhưng trước khi lià trần, ông ta nói, “Tôi đã sống trên những con đường như một con thú, nhưng giờ đây nhắm mắt lại, chết đi như một con người”.
Ông Tư tiếp tục,
— Cụ Nguyễn Du cũng nói, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ý cụ Tiên Điền muốn nói một người có tâm thương yêu, sở hữu một trái tim nhân hậu, thì người này bằng cả ba người có dư thừa tài năng cộng gộp lại.
Ông Tư giọng chùng xuống, miệng cười móm mém,
— Bởi bà nói, thì tui mới nhắc lại câu chuyện hồi xưa. Mà chuyện này thì tình thiệt là tui cũng chưa bao giờ tâm sự với ai. Hồi đó, ba má, theo lời năn nỉ của tui, sai ngươi tới mối mai xin hỏi bà làm con dâu... Tui nhớ in tuồng đâu sau lần nhìn thấy bà đang đứng bên bụi tre hong tóc, tui đi về nhà hỏi han bà con thôn xóm; ta nói ai ai cũng nói làng mình có cô thôn nữ vừa nết na lại vừa nhân hậu, vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, hành khất bước vào cửa nhà cô này, không bao giờ bước ra tay không…
Ông Tư kết luận,
— Bà cũng biết tui đâu phải là hạng người vọc nước giỡn trăng. Tui may mắn được ba má cho đi ăn học trên Sài Gòn, nhưng ba má vẫn dạy tui làm người là phải có cái tâm. Đừng tham phú phụ bần. Đừng có ham tốt nước sơn nhưng mục nước gỗ. Ba má ăn hiền ở lành cho nên phước đức run rủi khiến tui gặp người vừa đẹp nước sơn vừa tốt nước gỗ, lại vừa có tâm. Tui hỏi bà, nếu vậy, mần chi mà tui không te te chạy về nhà năn nỉ ba má nhờ người mai mối mang trầu cau sang xin gặp tía má ở bển.
Ông Tư nhỏ nhẹ,
— Bà không biết đọc tin tức, không nghe được đài Mỹ, thì hỏi tui, tui nói cho bà nghe. Mà nếu nói không đúng, thì tui giúp bà, sửa lại, nói lợi cho đúng. Có “chiện” chi đâu mà mắc cở. Cái tiểu bang bà đọc “Mỹ nó sợ ta” là tiểu bang Minnesota. Còn tiểu bang Heo quay là tiểu bang Hawaii. Nhưng bà đọc heo quay thì cũng đâu có sai, bởi người Hawaii họ hay quay thịt heo ăn chiên dòn lắm.
Ông Tư chép miệng, đổi sang giọng điệu bông lơn thường nhật,
— Mà nếu có ai trong Hội Cao Niên cười ngạo tiếng Anh của bà, cho họ cười hở mười cái lợi trống hơ trống hoắc luôn… Hơi đâu mà bà lo!
Ông Tư lại cười, nụ cười móm xọm óng ánh cái răng bịt vàng sang chói trong nắng,
— Bà thấy tui nói có đúng hay không"
Nguyễn Trung Tây

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến