Hôm nay,  

Mẹ Tôi

21/08/201100:00:00(Xem: 127119)

Mẹ Tôi

Tác giả: N. Tâm Tâm
Bài số: 3333-12-28564vb8082111

Tác giả tên thật là Nancy Lê lần đầu viết bài đóng góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Việt Báo mong tác giả tiếp tục góp bài và bổ túc vài dòng tiểu sử. Sau đây là bài viết của bà.

***
Nói sao cho hết tình yêu thương tôi dành cho mẹ. Mẹ tôi, người mẹ hiền lành, thương chồng, yêu con, tần tảo tháng ngày nuôi các con ăn học nên người. Mẹ tôi, người hướng dẫn dìu dắt chúng tôi từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành, mẹ tôi là chỗ dựa tinh thần của các con trong những thăng trầm của cuộc sống. Tôi yêu mẹ vô vàn và cảm thấy hạnh phúc thật nhiều khi tôi vẫn còn có mẹ.
Mẹ tôi đang sống ở Ca Li, một vùng đất ấm áp, xinh tươi trên nước Mỹ. Đã ngoài tám mươi tuổi nhưng mẹ tôi thật khỏe mạnh. Khi bạn bè tôi hỏi thăm sức khỏe mẹ, tôi thường nói đùa: “Mẹ mình còn mạnh và khỏe hơn mình nhiều đấy”. Có thể ngày xưa mẹ tôi làm việc nhiều, cả ngày lui cui ngoài vườn, nên mẹ thật dẻo dai. Thêm nữa, mẹ chăm sóc sức khỏe kỹ , khám định kỳ hàng năm. Mẹ còn vào gym tập thể dục, hăng hái còn hơn cả chúng tôi. Mỗi tuần lễ mẹ đi tập năm ngày đều đặn, đi bộ trên máy, tập động tác bụng, động tác làm mạnh tay chân. Mẹ thích nhất là đi bộ trong hồ tắm. Trong phòng thể dục, nổi bật hình ảnh một người đàn bà Á đông nhỏ thó, tuổi đã cao nhưng không kém năng động. Tôi có thể thấy rõ sự thán phục trong ánh mắt nhìn, nụ cười cởi mở và những câu chào hỏi kèm theo lời khen của những người Mỹ dành cho mẹ tôi: “You look so good, mam”. Với số tuổi mẹ, mẹ vẫn không chịu ngồi yên. Khi con cái đi làm, mẹ dọn dẹp nhà cửa, lui cui vun xới luống rau sau nhà. Mảnh vườn nho nhỏ của mẹ quanh năm xanh tốt. Mẹ trồng từ bụi hành, bụi hẹ, luống khoai lang, giàn mướp, giàn bí đao... đến cà pháo, cà chua… Mùa nào rau nấy, mẹ tôi chăm bón hàng ngày. Đến kỳ rau trái bắt đầu ăn được, mẹ hối con cái mang đi biếu bạn bè, hàng xóm.
Sát cạnh nhà mẹ là một gia đình người Mỹ. Mẹ tôi không biết tiếng Mỹ, còn họ thì mù tịt tiếng ta. Nhưng không biết làm sao mà mẹ tôi hiểu được ý họ. Tổng hợp những gì mẹ kể, tôi biết vợ chồng người hàng xóm của mẹ có hai người con, một trai, một gái. Người con gái lấy chồng ở tiểu bang xa, có hai cháu ngoại gái thật dễ thương, còn người con trai vừa vào Đại học và cũng học xa nhà. Họ đã ở đây trên hai chục năm. Tháng vừa rồi sửa sang lại nhà bếp, gia đình hàng xóm mời mẹ qua nhà, khoe cái bếp xinh đẹp của họ. Thấy mối thân tình hàng xóm ấy, tôi thắc mắc hỏi mẹ: “Sao mẹ hiểu được ý của họ vậy mẹ"” Mẹ cười trả lời: “Phần nhiều mẹ và họ nói chuyện bằng tay mà con.” Nghe thế, bé Lan, con gái tôi chọc bà: “A, bà ngoại biết dùng sign language!”
Ngày mẹ tôi dọn nhà đến đây, câu chuyện mẹ quen vợ chồng người hàng xóm cũng đã làm chị em tôi cười thoải mái. Một buổi sáng mẹ tôi thức dậy sớm đi bộ, gặp vợ chồng người hàng xóm. Họ chào mẹ: “Hi! How are you "” Mẹ cười và gật đầu chào lại, lúc đó mẹ tôi chưa biết trả lời: “I am fine.” như bây giờ. Về nhà mẹ thắc mắc hỏi chúng tôi: “ Mẹ vừa tới đây sao mà họ biết mẹ tên Hai vậy kìa" ” Chúng tôi nhịn cười không nổi, mẹ vui vẻ cười theo. Bé An, cháu ngoại nhỏ nhất của bà giải thích: “Ngoại à, khi họ nói ‘Hi’ tức là họ chào ngoại đó. Để con giúp ngoại học tiếng Mỹ chào lại họ nghe! Ngoại đọc theo con đi : “Good morning ”. “ Gút mó ning ” là chào buổi sáng. Ngoại không cần nói “ Hi ”. Ngoại chào “ Gút mó ninh ” lịch sự hơn.
Vậy là mẹ tôi đã học được một vài tiếng Anh đầu tiên khi đến Mỹ. Giờ này, sau mười lăm năm sống ở đây, mẹ tôi đã vô tình thâm nhập một số ít tiếng Anh lúc nào không hay. Mẹ đã làm tôi thật ngạc nhiên khi đi mua sắm: “Con à, mẹ phải giữ cái ‘rì síp’ này lại, để nếu mẹ không thích mình có thể ‘rì tơn’ lại phải không"” Hoặc mẹ kể chuyện về cô cháu ngoại của cụ Tân: “Con à, con Trân, cháu ngoại bà Tân đó con. Trân lấy chồng mấy năm, nó ‘phai đao’ không thích hợp với chồng nên muốn ‘đì voọt’ ”. Chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên thán phục mẹ. Tiếng Anh của mẹ tiến bộ trông thấy. Mẹ tôi rất thương yêu và chiều chuộng con cháu nên các cháu cũng thường xuyên gọi thăm hỏi ngoại. Qua điện thoại, trước khi dứt lời các cháu đều bắt ngoại nói câu “I love you”. Trong cuốn tự điển sống của mẹ đã có thêm từ ngữ mới là : “Ai lốp du”, “Ai lốp du tu” và “Du guéo câm”. Những tiếng Anh mẹ tôi nói với âm hưởng nằng nặng của quê hương miền Trung nghe mới dễ thương làm sao!
Đến nơi này, phong tục tập quán hoàn toàn khác lạ nhưng mẹ tôi thích nghi thật nhanh. Ở quê nhà có ai khen mẹ đẹp lão, mẹ sẽ phản đối ngay: “Đẹp đẽ chi con, bác già rồi !’’ còn bây giờ mẹ sẽ không ngần ngại “Thank you” người khen mẹ. Nhà cửa ngăn nắp gọn gàng, vô phước cho chú ruồi nào đó lạc vào nhà, mẹ sẽ không để cho chú yên thân đâu đó. Mẹ tôi đã bỏ tật ăn trầu mà ngày xưa mẹ từng tuyên bố: “Nếu có người bắt mẹ bỏ trầu, chắc mẹ chết mất!”. Khi nhận được giấy tờ phỏng vấn qua Mỹ, mẹ tôi đã nhất quyết “cai trầu” vì mẹ ngại qua đất nước xa lạ chắc người Mỹ sẽ không ưa khi nhìn thấy hàm răng đen của mẹ và cái chất cốt trầu có thể làm họ sợ. Nghiện trầu cũng như nghiện thuốc thật không dễ bỏ nhưng mẹ đã bỏ được ý thích từ thời con gái đến giờ. Thời mà biết bao nhiêu trai làng mê mệt những cô gái ăn trầu, môi cắn chỉ. Thời mà “Miếng trầu là nghĩa. Thuốc xỉa là duyên. Miệng ăn môi đỏ. Má hồng thêm duyên”. Riêng tôi tự hỏi: “Màu hồng của vôi, màu xanh của trầu cau quyện lại làm má hồng lên, môi đỏ thắm, phải chăng cũng là một trong những phương cách làm đẹp của người xưa"”
Mẹ tôi qua đây không có cau trầu tiêu khiển khi tuổi già nhưng mẹ đã có bao nhiêu là phim bộ Hồng Kông, Đại Hàn làm bạn, để mẹ khóc cười theo nỗi buồn vui của những nhân vật trong phim, mà với mẹ, mẹ cho là thật. Mẹ nhớ từng chuyện phim, mẹ cùng nhập vai với họ, cùng chia sẻ với họ những vui buồn. Thấy mẹ mê thích xem phim, các con cháu thuê những bộ phim hay cho mẹ “luyện” và thán phục mẹ thật nhiều khi nghe mẹ kể lại từng chi tiết một. Chúng tôi vô vàn cám ơn Trời, Phật đã cho mẹ một trí nhớ dai, một sức khỏe dồi dào và một tinh thần minh mẫn như vậy.


Phải nói mẹ tôi có một trí nhớ thật tài, mẹ nhớ từng ngày, tháng, năm sinh của từng đứa con, đứa cháu, điều kiện khi sinh ra, cân nặng bao nhiêu ký. Chưa hết đâu, mẹ còn nhớ cả những đứa trẻ hàng xóm cùng thời với chúng tôi, đến nỗi từ Việt Nam có người gọi qua hỏi thăm ngày tháng sinh âm lịch mà cha mẹ họ không còn nhớ! Mẹ như cái máy nhớ bền bỉ với thời gian mà chúng tôi không sánh kịp. Bởi thế, tôi thường gợi lại chuyện xưa, nghe mẹ kể lại cuộc đời mình, câu chuyện mẹ đi tản cư, chạy loạn, những lúc mẹ cố gắng vượt qua phong ba, bão táp của cuộc đời, khi gia đình sa cơ lỡ vận. Cuộc đời mẹ là một tấm gương kiên nhẫn, chịu đựng. Thuở nhỏ nhà nghèo, ông bà ngoại làm nghề hàng mã, mẹ phải thức thật khuya để dán hàng, kịp tờ mờ sáng hôm sau dậy sớm gánh hàng ra chợ huyện bán, đường xa hai lượt đi về trên mười cây số. Chuyến về thì phải mua giấy bổi, thức ăn gánh về. Nhà ngoại có vài công ruộng, những hôm trời mưa mẹ không đi bán được cũng phải ra đồng làm việc. Mẹ tảo tần hôm sớm làm lụng giúp đỡ gia đình. Mới mười chín tuổi, ngoại gả chồng cho mẹ. Ba tôi là người cùng quê, theo người bác vào làm phu lục lộ ở Đà Lạt. Ba tôi nói thuở ấy Đà Lạt mới khai khẩn, nhà cửa thật thưa thớt, rừng núi bao quanh, cọp và hươu nai còn về quanh quẩn ngoài hàng rào nhà. Mẹ tôi giã từ ông bà ngoại theo ba vào Nam, lúc đầu mẹ ở chung với những người đồng hương ở Tân Lạc, trong một nhà hội to lớn, chia làm nhiều phòng, mỗi gia đình ở một phòng. Ở đây mẹ nấu xôi chè, gánh đến tận garage Martinette bán. Từ nhà đến đó mẹ phải đi cả sáu bảy cây số, đường xa, gánh nặng. Thuở ấy mọi người còn đi chân trần không giày dép nên chân mẹ tấy lên rồi từ từ chai đi ... Vài năm sau đó, cuộc sống khá hơn, những đôi guốc mộc phụ nữ xuất hiện trên thị trường, thì mẹ tôi đã đổi nghề. Ba tôi và bạn bè vỡ đất mới, cùng nhau chặt cây, cưa gỗ dựng nhà, ra sức vỡ đất hoang trồng trọt, thành lập một làng mới lấy tên là Trung Bắc. Thuở ấy công việc vườn rẫy hoàn toàn trông vào những vật dụng đơn sơ như nĩa, cuốc, cào ... Nước để tưới cũng phải đi gánh từ suối lên. Đất ở Đà Lạt đa số là đất đồi nên vườn tược được làm trên những triền đồi, việc tưới nước thật khó khăn, việc chuyên chở lúc thu hoạch cũng thật cực nhọc. Vậy mà qua bao nhiêu năm nhờ sự gắng sức của ba mẹ, chúng tôi là có một ngôi nhà khang trang rộng lớn, vườn rộng thênh thang với quanh năm rau, trái xanh mát.
Tháng tư năm bảy lăm, ngày Miền Nam Việt Nam lọt vào tay Cộng sản. Sự đổi đời đắng cay đó đã để khổ cho biết bao gia đình trên quê hương tôi, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Vườn tược rộng mênh mông của gia đình tôi bị xung vào tập thể. Họ chỉ chia cho gia đình tôi một số đất ít ỏi. Không còn đất canh tác, lương thực thiếu hụt, những đứa con mẹ đang tuổi mới lớn, mẹ bảo cái tuổi “ ăn như tằm ăn rỗi ” mà nhà nước chỉ bán cho mỗi đầu người mười ba ký gạo làm sao đủ sống. Mẹ tôi phải lén lút đi theo những chuyến xe chở gỗ về tận Phan Rang mua lúa xay tại chỗ, mẹ cho gạo, cám vào trong những bao cát, gạo thì mang về ăn, cám được dùng vào việc nuôi heo. Mỗi lần mẹ mang gạo về, thấy mẹ ngồi trên chiếc xe be không có trần, không mui, nghĩ đến chiếc xe phải đi qua những chặng đường đèo thật nguy hiểm, tôi lại càng thương mẹ nhiều hơn nhưng thật xấu hổ chúng tôi không giúp được gì cho mẹ . Ba tôi, người đàn ông cột trụ của gia đình ngày trước đột nhiên thay đổi đến không ngờ. Có lẽ nỗi cay đắng vì cảnh nước mất, nhà tan, con cái lưu lạc tứ tán, người con đầu vào trại cải tạo, hai người con trai kế theo đoàn người di tản không biết sống chết phương nào. Ba tôi lâm vào tình cảnh thật tệ hại, vốn thích đi đây đó ông bỗng dưng chỉ ngồi lặng trong nhà, ít nói, ít cười, có khi ngồi lặng yên hàng giờ nhìn vào cõi mông lung. Sự trầm uất ấy đưa ba tôi vào cơn bệnh ngặt nghèo mà hầu như không bác sĩ nào tìm ra chính xác cơn bịnh. Ông héo hon với những cơn đau thắt buồng tim. Mẹ tôi là người cận kề bên ba, đôi tay gầy của người vuốt từng vuốt chậm chạp trên bờ ngực lép xẹp của ba, dịu dàng đút cho ba từng muỗng cơm, muỗng cháo. Tôi làm sao quên được hình ảnh mẹ tận tuỵ ngày đêm bên giường bịnh của ba. Dù mẹ có chăm sóc tận tình, lo lắng cho ba từ chén thuốc, từ miếng ăn đến giấc ngủ nhưng chúng tôi cũng không níu giữ được ba . Người đã từ giã cõi đời trong vòng tay thương yêu của mẹ. Mẹ tôi đã vuốt mắt ba tôi với lời cầu xin phù hộ cho mẹ vượt qua những sóng gíó của cuộc đời... Mà thật sóng gió đã phủ chụp lên gia đình tôi, ba tôi mất, anh hai ở trại cải tạo về, tìm đường vượt biên. Biển cả đã vùi dập anh trong làn sóng dữ. Sau đó, em gái tôi gặp tai nạn qua đời. Mẹ tôi khóc nhiều, nước mắt hầu như khô cạn với nỗi mất mát quá lớn lao. Nếu không có niềm tin vào cuộc sống, nếu không có đức tin mãnh liệt vào tôn giáo, liệu mẹ tôi có đứng vững với bao mất mát ấy không " Phật Tổ trên cao, mẹ Quan Thế Âm đã dẫn dắt mẹ tôi vào con đường đạo. Mẹ tôi đã hiểu được nghĩa vô thường, biết được cái sắc sắc không không trong vũ trụ. Trời Phật đã cho mẹ có được niềm tin, cho mẹ sống an vui trong tuổi già sáng chiều kinh kệ. Mỗi tuần hai lần, mỗi tối thứ sáu và ngày chủ nhật, mẹ đều đến chùa thắp nhang lễ Phật. Nhìn mẹ tôi ngồi xếp bằng, tay lần tràng hạt, ngồi hơn cả tiếng mà tư thế ngồi vẫn ung dung, tôi càng phục mẹ. Những hôm có lễ lớn theo mẹ vào chùa, ngồi chưa được bao lâu là tôi đã mỏi, cựa quậy không yên. Vậy mà mẹ tôi tỉnh bơ, bình chân như vại. Những ngày “Thọ bát quan trai”, thời gian làm lễ ở chùa lâu hơn, mọi người chắp tay đi quanh chính điện, đi quanh sân chùa mấy chục vòng, mẹ vẫn bước theo, không biết mệt. Mấy cụ thường dùng từ “Phật độ”, tôi nghĩ quả không sai. Phật độ trì cho mẹ tôi có một sức khỏe dồi dào, tinh thần tinh tấn, luôn lạc quan yêu đời. Chúng tôi yêu mẹ vô cùng. Cầu xin mẹ có sức khỏe, sống lâu trong tình thương yêu của con cháu.

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau. 

Với tôi, tình mẹ còn ngọt hơn mía lau, thơm hơn xôi nếp một. Mẹ là tất cả, tất cả những yêu thương trên cõi đời này. “Mẹ ơi, mẹ có biết rằng con yêu mẹ lắm không"” Bài ca “Bông hồng cài áo” đã thay chúng con nói lên niềm yêu thương mẹ đó, mẹ ơi.......
N. TÂM TÂM

Ý kiến bạn đọc
24/08/201104:40:29
Khách
Như một cuốn phim đầy cảm động nghẹn ngào cầu xin cho mẹ sống trăm tuổi an, vui với con cháu.
07/09/201121:32:43
Khách
Thương MẸ quá....N.thật là có phước vẫn còn mẹ trên đời để mà yêu thương,phụng dưỡng,N.làm mình nhớ mẹ mình quá đi thôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,608,053
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến