Hôm nay,  

Chuyện Chú Sáu & “Viết Về Nước Mỹ”

05/08/201100:00:00(Xem: 179303)
Chuyện Chú Sáu & “Viết Về Nước Mỹ”

Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 3320-12-28550vb5080411

2011_hop_ca_hk_vvnm-large-contentNăm 1988, có chàng học trò 19 tuổi, cùng gia đình gốc quân y VNCH định cư tại vùng Little Saigon theo diện bảo lãnh đoàn tụ. Chỉ sau 7 năm vừa làm vừa học, anh học trò nghèo tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Đó là trường hợp bác sĩ Anthony Hưng Cao, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải danh dự năm 2008. Hai năm sau, thêm giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc. Hình bên: Ca khúc Viết Về Nước Mỹ mở màn họp mặt giải thưởng Việt Báo ngày 31-7-2011, với tác giả Anthony Hưng Cao đứng góc bên phải.

***

Như đã thành thông lệ hàng năm, khi nào email trong diễn đàn Việt Bút bỗng dưng chộn rộn hẳn lên là lúc mọi người biết sắp đến ngày hội ngộ của các tác giả về tham dự giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Năm nay, người phát pháo đầu tiên hình như là chú Bồ Tùng Ma khi chú email nhắc mọi người bàn về chuyện họp mặt. Mọi người hồ hở tham gia ngay. Trước đó vài tháng, gia đình Việt Bút có một "sự kiện" lạ khi chị Donna Nguyễn từ San Jose bỗng tìm đâu ra một nhân vật mà chị gọi là "chú Sáu", với tên Mỹ là Steve. Điều đặc biệt theo như chị Donna cho biết, chú Sáu tuy là người Mỹ chính gốc, nhưng biết viết tiếng Việt và mong muốn gia nhập vào nhóm Việt Bút để học hỏi thêm.
Tưởng cũng nên nhắc lại một chút cho quý vị nào chưa từng nghe qua tên nhóm "Việt Bút". Đây là một diễn đàn quy tụ khoảng hơn mấy chục tác giả "Viết Về Nước Mỹ" được lập ra khoảng 4-5 năm trước đây. Trước đó, các tác giả chỉ biết nhau qua các bài viết và gặp nhau mỗi năm chỉ có một lần, nên cảm thấy chưa... đã. Vì lẽ đó, diễn đàn Việt Bút được lập ra để làm nơi các thành viên có dịp sinh hoạt, trao đổi đủ mọi thứ chuyện vui buồn hay là để tán gẫu, "nhiều chuyện" với nhau sau những giờ làm việc mệt nhọc.
Vì quá "nhiều chuyện" như thế, nên sau vài năm, mọi người dường như không còn đề tài để "tranh cãi" nữa. Từ khi nhân vật mới là chú Sáu bỗng từ đâu lù lù "dẫn xác" đến nạp mạng, cả nhà bỗng sôi động hẳn lên vì có đề tài ... mới. Những email trao đổi cũng dồn dập gửi tới, mà chủ yếu là xoay quanh đề tài "chú Sáu" này. Từ những câu hỏi rất ngây thơ như:
"Chú Sáu biết làm thơ lục bát, vậy chứ chú Sáu có biết hát cải lương hông""
Đến những câu hỏi tò mò hơn một chút:
"Chú Sáu học tiếng Việt từ lúc nào vậy" Chắc là có ... thím Sáu "Việt Nam" ""
Có những thành viên lúc trước ít thấy xuất đầu lộ diện, như chàng trai từng hiên ngang đi bộ băng xuyên qua nước Mỹ là anh Nguyễn Thơ Sinh, cũng hào hứng góp email tham gia. Báo hại chú Sáu phải vất vả trả lời email bà con mệt nghỉ. Người Mỹ phần lớn có tính thật thà, nên chú Sáu rất thành thật khai báo về cuộc đời của mình và bà con nhờ đó cũng biết được phần nào về đời tư của chú. Chú còn đăng tấm hình của vợ chồng chú cho mọi người được nhìn ngắm dung nhan, (chứ không giống như ngày trước có một thành viên nọ tham gia vào diễn đàn, và cho dù mọi người làm đủ mọi cách để điều tra, chàng ta nhất quyết làm "nhân vật huyền bí" để mọi người phải đoán già đoán non về mình.)
Trông mặt mà bắt hình dong, ông bà mình đã nói như vậy, nên khi nhìn tấm hình chú Sáu đứng cười thật tươi bên cô vợ người Việt Nam trông rất đôn hậu, mọi người càng thêm có cảm tình và cảm thấy như gần gũi quý mến chú nhiều hơn, nhất là khi chú Sáu tỏ ra là một người ham thích học hỏi về thơ văn, lịch sử và văn hoá Việt. Thỉnh thoảng, chú Sáu cũng không thoát khỏi một vài trò đùa từ các tay có máu tếu nặng trong Việt Bút, với những "chiêu" mà người nước ngoài học tiếng Việt khó lòng biết hết. Như chị Thanh Mai, biệt danh "nữ hoàng quậy", từ Minnesota gửi tặng cho chú những câu thơ theo kiểu "nói lái" làm báo hại chú Sáu phải chạy đôn chạy đáo tìm vài ba cuốn tự điển Việt-Anh tra xem những chữ đó có nghĩa gì. Rồi đến anh Tân Ngố thì cũng giả vờ ngây thơ hỏi ý kiến chú Sáu:
"Ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên được ghép chung lại thành Bình Trị Thiên. Anh Sáu nghĩ sao khi ba tỉnh Kontum, Plei-Ku và Đắc Lắc được ghép lại""
Ai cũng hồi hộp xem chú Sáu sẽ hồi âm ra sao. Cũng may, chú Sáu trả lời tỉnh queo: "Tôi nghe thấy không hay lắm". Thật là hú vía vì nếu chú Sáu nói là thích cái tên ghép ba tỉnh này lại với nhau, thì thế nào mọi người sẽ có dịp cười bò lăn ra.
Sau mấy lần "thử thách", bà con bắt đầu nể phục trình độ hiểu biết tiếng Việt của chú mặc dù chú vẫn khiêm tốn viết rằng chú vẫn phải đang "trèo lên dốc" (climb up the hill) với việc học hỏi tiếng Việt.
Rồi phong trào "mỗi ngày một bài thơ Đường" do anh Trần Quốc Sỹ khởi xướng trên diễn đàn cũng được chú Sáu hăm hở tham gia học hỏi cách làm thơ Đường với những bài thơ đầu tay tuy rất mộc mạc, hồn nhiên nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc trong đó. Mọi người ai cũng quý mến lòng yêu mến tiếng Việt của chú và có lẽ ai cũng thầm mong con cháu mình sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ nếu cũng có lòng yêu quý tiếng Việt và văn hóa Việt như chú Sáu thì quả là "phúc đức ông bà" để lại.
Lan man về chuyện chú Sáu mà tôi chưa đề cập đến chủ đề chính của bài viết này. Số là năm ngoái, sau khi các tác giả Viết Về Nước Mỹ hát xong bài “Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ” và được mọi người ủng hộ nồng nhiệt, một vài chị trong nhóm như chị Trương Ngọc Bảo Xuân, chị Ngọc Anh,...cao hứng đề nghị tôi nên dịch bài hát sang tiếng Anh để các cháu nhỏ và một số quan khách người Mỹ có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của bài hát.
Thế là tháng Sáu năm nay, tôi bắt đầu dịch bài hát sang tiếng Anh với ý định làm cho xong trước khi lên đường sang Pháp tham dự "Ngày Văn Hoá Truyện Kiều". Khi bắt tay vào rồi, tôi mới thấy thương cho chú Sáu hơn vì tôi nghĩ chắc chú cũng khổ nhọc như tôi khi chú phải mày mò học làm thơ Đường. Dịch bài viết thì không có gì khó, nhưng khi dịch bài hát từ tiếng Việt sang tiếng Anh mới thấy "Đông-Tây nhiều cách biệt”. Ví dụ như tiếng Việt thì có âm đơn, trong khi tiếng Anh thì phần nhiều âm kép, nên khi dịch, tiếng Anh sẽ dài hơn và như vậy sẽ thiếu nốt nhạc. Đó là chưa kể cách nhấn âm của tiếng Anh nếu không đúng thì sẽ không ai hiểu được, nên tôi phải kiếm những chữ tiếng Anh phát âm hợp với nốt nhạc trong phần tiếng Việt. Dịch thoát ý thì tôi vốn chúa ghét cách dịch như vậy, vì theo tôi, tôi cảm thấy khó chịu khi nghe lời của bài hát dịch sang tiếng Việt khác xa với bài hát gốc...

Vì cái tính "cứng đầu" đó mà tôi phải thao thức đến mấy đêm liền để dịch lời nhạc của bài “Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ” sao cho thật sát nghĩa, từng câu, từng chữ một. Tôi nghĩ các cháu nhỏ sẽ khoái lắm vì năm nay được hát chung với các cô chú người lớn mà có thêm phần tiếng Anh.
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Làm hoà âm xong, tìm người hát cũng một phen chật vật vì phải tìm người hát sao cho chính xác, để làm mẫu cho mọi người hát theo. May mắn thay, tôi được chị Ngọc Hà, phu nhân của Giáo sư Lê Văn Khoa, anh Vũ Hùng, anh Xuân Thanh và chị Lan Hương, những ca sĩ thường hát trong các ban hợp ca chuyên nghiệp nhận lời hát giúp dùm. Tiếc là sau khi bài hát được thâu xong, các cháu trong ban hợp ca Việt Báo lại đang bận rộn trong mùa thi cử cuối năm và các anh chị trong nhóm Việt Bút thì mỗi người ở tứ tán khắp mọi phương, nên Hoà Bình và tôi lo là không thể tập phần tiếng Anh kịp. Cuối cùng sau khi đắn đo, chúng tôi quyết định chỉ hát phần tiếng Việt như mọi năm. Có lẽ đến sang năm, khi có thời gian tập dợt kỹ càng hơn, ban hợp ca Việt Bút và thiếu nhi Việt Báo sẽ có dịp trình diễn cho quý vị gần xa nghe.
Như mọi năm, anh Nguyễn Viết Tân, còn có biệt danh là Tân Ngố (nhưng anh không ngố chút nào), hẹn hò mọi người đến nhà anh vào sáng Chủ nhật của ngày phát giải, để ăn điểm tâm với món bún bò Huế của O Điểm (bà xã của anh) nấu và sau đó sẽ tập hát. Khi chúng tôi đến, đã thấy một vài người quen như chú Nguyễn Hữu Thời, chú Bồ Tùng Ma, cô Tiên, Phương Dung và ông xã Thy từ Florida, và một người khách mới mà lát sau chúng tôi mới biết chính là nhân vật đã có công “tìm ra” chú Sáu mấy tháng trước. Đó là chị Donna, người đã lặn lội đi xe đò Hoàng từ San Jose xuôi nam cùng chị Iris Đinh từ ngày hôm trước. Lát sau, có Thụy Nhã đi mua đồ ăn về nhập bọn. Những tô bún vừa được thanh toán xong đúng lúc chị Khôi An bước vào và chúng tôi cùng nhau tập hát trước khi mọi người ra thăm vườn cây đủ loại của anh Tân Ngố. Năm nay, nhóm Việt Bút thiếu một vài người ở xa như chị Mão Nguyễn, chị Thịnh Hương, anh Huyên Chương Quý, Khánh Vân, Như Ý và một số anh chị bận việc nên không thể về để tham dự giải thưởng được. Tuy nhiên, những người có mặt ngày hôm đó đã tập hát với tất cả tấm lòng nhiệt tình của mình, như muốn hát thay cho những người vắng mặt.
Điều làm tôi rất bất ngờ là trước buổi lễ trao giải thưởng Viết Về Nước Mỹ vài ngày, Hòa Bình cho tôi biết bản nhạc "Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ" sẽ được dùng để hát mở màn cho chương trình phát giải thưởng năm nay. Tôi cảm thấy thật vinh hạnh khi nghe tin này vì cảm nhận được sự trân trọng mà Ban Tổ Chức dành cho bài hát. Theo chương trình thì ngày hôm đó có rất nhiều tiết mục văn nghệ với những bản nhạc của những nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam và ngoại quốc như Lê Uyên Phương, Trần Dạ Từ, Bach, Vanhal, Zequiha de Abreu, v.v. Cá nhân tôi không phải là một nhạc sĩ tên tuổi gì trong lĩnh vực âm nhạc, nhưng khi Ban Tổ Chức của buổi trao giải chọn bài hát này để mở màn, tôi rất cảm động khi thấy được sự đồng cảm của Ban lãnh đạo Việt Báo với những thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua bài hát, như một đoạn trong bài hát này:
"Hãy viết cho mai sau
Cháu con ta được đọc
Để hiểu rõ nguồn gốc
Sao người Việt ly hương..."
Phòng hội trường của Garden Grove Community Center hôm nay được trang trí thật đẹp với những đóa hoa hướng dương khoe sắc thắm nổi bật trên những tấm khăn trải bàn màu nâu nhạt trang nhã. Trong lúc tôi đang đứng xớ rớ, đưa mắt dáo dác tìm xem các "ca sĩ" của tôi đã đến đông đủ chưa, cô phóng viên của một đài truyền hình địa phương bỗng chạy đến ngỏ ý muốn phỏng vấn. Khi cô hỏi tôi đã tham gia giải thưởng từ lúc nào, tôi trả lời là từ cuối năm 2007, khi tôi gửi vào bài viết đầu tiên với tựa đề "Con Búp Bê". Trả lời phỏng vấn xong, tôi mới chợt nghĩ là chỉ mới có 3 năm mà tôi tưởng chừng như đã lâu lắm. Khi tôi đến nhận giải cho bài viết "Con Búp Bê" vào mùa hè năm 2008, tôi còn là anh lính mới toanh và chưa quen biết ai.
Sau khi gia nhập vào gia đình Việt Bút, tôi được biết thêm nhiều bạn bè với những cá tính và tài năng khác nhau, nhưng có cùng chung mục đích là mong góp phần nho nhỏ của mình cho chương trình viết văn có chiều dài có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Như nhà báo Du Tử Lê phát biểu trên sân khấu sau đó, đây là chương trình văn học dài nhất trong lịch sử văn hoá Việt Nam so với bất cứ chương trình nào từ nền Đệ Nhất sang đến Đệ Nhị Cộng Hoà và cho mãi đến ngày nay.
Khi tiếng nhạc nổi lên, dù đây là lần thứ ba chúng tôi trình diễn ca khúc này, tôi vẫn thấy thật hạnh phúc vì cảm thấy như mình đã góp được một phần nhỏ cho chương trình văn hóa đầy ý nghĩa lịch sử được khởi xướng bởi nhà thơ, nhạc sĩ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca, như là một đoạn kêu gọi trong bài hát này:
"Hãy viết cho mai sau
Biết thế hệ ban đầu
Đã trải bao gian khó
Xây dựng lại tương lai".

Chương trình năm nay với nhiều tiết mục trình diễn đặc sắc của những ca sĩ nổi tiếng đến tham dự như Khánh Ly, Lê Uyên, Quang Tuấn và các cháu thiếu nhi Việt Báo với phần đệm đàn violin của Luân Vũ, dương cầm của Vương Hương và guitar của anh Lê Ngọc. Nguyên Thảo, tác giả của bài viết "Cây Đàn Mandoline" cùng nhạc sĩ Ngô Tín cũng có một màn trình diễn song tấu guitar và mandoline rất độc đáo. Xin được chúc mừng các tác giả thắng giải năm nay, và những tác giả Viết Về Nước Mỹ mà như nhà báo và kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa phát biểu, "có nhiều người viết còn hay hơn cả những nhà văn chuyên nghiệp".
Tương lai con cháu chúng ta có còn yêu mến tiếng Việt và văn hóa Việt như chú Sáu hay không, có lẽ phần nào sẽ nhờ vào những quyển sách Viết Về Nước Mỹ khi các cháu được đọc những "trang sử ngàn người viết này".
Quý vị ở xa có thể tìm vào nghe bài hát hành Khúc Viết Về Nước Mỹ ở link này:
http://caulacbotinhnghesi.net/index.php"option=com_content&view=article&id=442
Anthony Hưng Cao

viet_ve_nuoc_my_musis_sheet

Ý kiến bạn đọc
08/08/201117:29:04
Khách
chào các bạn độc giả và khán giả buổi lể phát thưởng. Tôi là người đứng sau em trai bận áo dài màu xanh lá cây . Theo tinh thần hát hay không bằng hay hát, tôi miễn cưởng tham gia vào nhóm hợp ca vì năm nay có rất nhiều thành viên kỳ cựu vắng mặt nên nhóm Việt Bút đã gặp nhiều khó khăn trong việc tập hát và chuẩn bị một buổi trình diễn như ý . Bản thân tôi vì hát dở và là người mới, nhưng vì tinh thần tập thể đành phải tháp tùng theo cho các bạn ca sỉ nghiệp dư lên tinh thần . Có lẻ vì sợ hát sai, hát dở ảnh hưởng người kế bên nên tôi hát rất nhỏ eheheehehe mong thông cãm, chứ tôi thấy các bạn khác và các em thiếu nhi đã hát với cả tấm lòng của họ đấy . Chúc các bạn một ngày vui. Chúng tôi đón tiếp lời góp ý của các bạn một cách chân thành .
05/08/201117:19:27
Khách
Cám ơn quý độc giả có tên "Hoan" đã đọc và cho biết lỗi chính tả này khi đánh máy. Hưng đã gửi email nhờ Ban Biên Tập của Việt Báo sửa lại. Xin chân thành cám ơn.

Anthony Hưng Cao
05/08/201113:00:43
Khách
ba`i hay lam, nhung anh sua lai cho nay "xát nghĩa" = sát nghĩa !!

=================
Kính gởi Ông Hoan,

Rất cảm ơn góp ý, đã được sửa lại

VB Admin
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,399
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.