Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ và Tôi

24/06/201100:00:00(Xem: 239514)

Viết Về Nước Mỹ và Tôi

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 3213-12-28513vb6062411

Tác giả là một huynh trưởng rất được quí trọng trong sinh hoạt chung của Việt Báo. Sau khi nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2001 rồi giải Việt Bút 2008, ông đã là một thành viên trong Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Chung Kết Viết Về Nước Mỹ hàng năm, nhưng vẫn liên tục góp bài viết mới dù bài không dự giải. Trước 1975, ông là một Hải Quân Trung Tá VNCH, hiện định cư tại Los Angeles.

***

Tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên trong đại gia đình tôi không phải là tôi, mà là người cháu gái gọi tôi bằng cậu ruột. Vào khoảng tháng 6 năm 2001 tôi mở trang hai của tờ Việt Báo ra, thấy có một bài viết với tựa đề hình như là Thư Gởi Cho Cha. Tên tác giả rất quen. Tôi đọc nội dung bài viết cũng thấy rất quen. Tôi hỏi vợ tôi:
-Có phải con Nguyệt viết không"
Vợ tôi lấy tờ báo đọc, rồi cười:
-Còn ai vô đó nữa.
Tôi gọi điện thoại hỏi Nguyệt, nó chối:
-Không phải con mô!
-Thôi, đừng có chối nữa. Hay lắm, viết tiếp đi!
-Dạ
Nó nói vậy, nhưng rồi sau đó chẳng thấy bài viết nào của nó cả. Nó bận làm ăn buôn bán, say mê công việc này hơn say mê viết, khi kiếm được khá tiền.
Sau đó tôi quên hẳn Viết Về Nước Mỹ cho đến khi lên nhà người em gái, thấy em tôi đang cầm một quyển sách say sưa đọc đến nỗi tôi vào nhà hồi nào nó cũng không biết. Tôi thấy ngoài bìa quyển sách có in tượng Nữ Thần Tự Do. Tôi hỏi:
-Sách gì vậy" Sách thi quốc tịch hả" Sao dày vậy"
-À, anh Hai! Sách Viết Về Nước Mỹ.
-Có bài viết của con Nguyệt không"
-Anh nói con Thanh Nguyệt hả" Hình như không. Anh xem đi. May có anh lên, không em đi làm trễ mất. Nhớ khóa cửa.
Nói xong, em tôi vội vàng rời nhà. Tôi lấy quyển sách mở ra xem. Tác giả tôi chú ý nhất là Cụ Nguyễn Gia Mai. Tôi chú ý đến cụ vì tuổi tác của cụ và vì lối viết bình dị, chân thật của cụ. Có sao cụ viết vậy, chắc chắn chẳng thêm thắt. Tôi thích nhất đoạn văn cụ viết về việc mình được mời đóng phim. Thì ra cái ông thầy bói trong phim Heaven and Earth là cụ. Tôi có ông bác, anh cô cậu ruột của ba tôi, cũng thủ một vai trong phim này, vai ông sư. Bác tôi cũng nói y như cụ Nguyễn Gia Mai về việc tuyển chọn các vai diễn, việc trả tiền sòng phẳng v.v...
Người thứ nhì trong đại gia đình tôi tham dự Viết Về Nước Mỹ là vợ tôi. Một hôm bà ấy đem thằng Tú, đứa con trai út của chúng tôi, đi gởi cho ông già Tâm ở gần nhà tôi, thì bị cô dâu của ông ấy phản đối. Cô dâu chỉ muốn ông già chồng độc quyền làm baby-sit free cho cháu nội. Vợ tôi dựa vào việc này viết Ngày Tháng Thu Tàn, mà tôi đã thêm bớt nhiều chi tiết.
-Sao anh không viết"-Vợ tôi hỏi
-Anh mà …đi thi, họ cười chết.
Tôi nói vậy vì nghĩ trước đây mình có viết lai rai, có... hơi già mà nay làm thí sinh cũng kỳ.
-Anh làm như anh là "cái gì". Anh xem tiểu sử các tác giả chưa" Anh mà kể vào!
Quả thật tôi thấy trong danh sách tác giả có nhiều người đáng nể thật.
Vậy là tôi viết Ông Ba Đau Khổ. Độc giả đầu tiên của Ông Ba Đau Khổ là vợ tôi.
-Sao anh không viết “Càng nhiều chi tiết sống thực càng tốt” theo như điều lệ, mà viết truyện ngắn" Viết hư cấu như vầy làm sao được giải"
-Hư cấu mà không phải hư cấu. Nhiều chi tiết sống thực góp lại đó. Ông Ba chính là Bác Thừa, anh họ của Ba. Con Bích La là con chó con của bác, con chó mà bác định nuôi để nhậu ít nhất cũng được ba lít nên mới đặt tên là Bít La (Bích La). Hai Nuôi, Năm Xuân…là mấy ông hàng xóm của mình hồi ở Việt Nam, quên rồi sao. Nhiều người viết hồi ký, ký sự chưa chắc đã viết thật như anh đâu. Phần nhiều họ hay nói tốt về họ. Thỉnh thoảng họ giả vờ nói xấu họ để chứng tỏ họ thành thực.
-Nhưng đây là điều lệ, là luật, mình phải theo, nếu mình muốn nhận giải.
-Nhưng anh không có hứng khi viết như vậy. Trái với anh, có những tác giả không có hứng viết hư cấu hay không viết được hư cấu. Làm cái gì mình thích thì mới không thấy chán. Thí dụ như “mấy cô”, chắc không nhiều thì ít, họ cũng thích mới làm nghề đó được.
Vợ tôi giả lơ. Bà ấy hay giả lơ như vậy mỗi khi không muốn tranh luận thêm về một điều gì đó mà bà ấy biết tôi có thể nói dai, muốn cãi bướng hay về nhưng đề tài “nhạy cảm”. Bà ấy thích những cái gì nhẹ nhàng, lành mạnh, thanh tao... Nhà chúng tôi có một vườn hoa nhỏ, được chăm sóc thường xuyên do chính bàn tay bà ấy. Những lúc bận việc bà ấy mới nhờ tôi chăm sóc. Những lần như vậy tôi thường nói:
-Anh không thích làm vườn. Anh thấy làm vườn giống như…ở trại tù cải tạo. Em đừng bắt anh làm vườn, anh thấy em giống bà Nguyễn Thị Chác, trưởng trại cải tạo nữ quá.
-Vậy anh thích gì" Thích ngồi trước computer xem hình bậy bạ hả"
-Ừ, nhìn cũng đâu có hại ai. Nhật Bản cho người lớn xem sex thoải mái mà nó vẫn tiến bộ, văn minh, được nể trọng; còn Việt Nam…
-Thôi, khỏi nói nữa. Lại muốn nói bậy thêm.
Trong thời gian này tôi gia nhập vào “phố rùm” của nhóm Viết Về Nước Mỹ. “Phố rùm” này là một nhánh của website Việt Báo. Đăng ký vào đây dễ dàng, nói chuyện thoải mái, chớ không khó khăn như cái website của nhóm Việt Bút sau này. Tôi còn nhớ một số thành viên trong “phố rùm” như Bảo Xuân, Ngọc Anh, Phong Lan, Nhân Sâm mà mãi về sau này tôi mới biết là anh Steven Trần. Phần lớn các thành viên đều vui vẻ tán dóc với nhau, share bài viết cho nhau, chớ không “hỉ, nộ, ái, ố”. Năm đó Bà Trùng Quang nhận Giải Vinh Danh Tác Giả, tôi và Thụy Nhã nhận được Giải Chính Thức Bán Kết. Nguyễn Hà nhận được Giải Chung Kết. Lễ Trao Giải & Ra Mắt Sách tổ chức tại nhà hàng Seefood World ở đường Brookhurst, thành phố Westminster.
Chính Giải Bán Kết và những lời khen tặng của anh Nguyễn Xuân Nghĩa, anh Trần Dạ Từ, làm tôi hứng khởi viết tiếp những truyện mà tôi rất đắc ý như Sám Hối, Tái Sinh, Mái Nhà Xưa... Sám Hối chỉ được đăng trong báo Xuân vì nội dung không có liên quan đến nước Mỹ. Theo nhận xét của nhiều người, trong đó có anh Từ và anh Nguyễn Văn Hưởng, Sám Hối là một truyện đặc sắc ("). Anh Từ từng nói với tôi là anh mong Sám Hối có thể được dựng thành một truyện phim. Cả cô Kiều Chinh và anh Nguyễn Xuân Nghĩa cũng từng cho biết là rất thích chuyện này, nhưng sau đó dự định vẫn chưa thể thực hiện. Tái Sinh, Mái Nhà Xưa đã được dịch ra tiếng Anh trong Writing On America, xuất bản năm 2010.
Tái Sinh không phải là chuyện hoàn toàn hư cấu, mà là chuyện gia đình tôi, chỉ khác là ông Hai trong Tái Sinh chưa chết vì ông Hai là tôi, bà Hai cũng đang còn sống. Ông Hai cảm thấy đồ vật trong nhà mình như có linh hồn, gắn bó với mình, không nỡ rời chúng, mà chúng cũng không nỡ rời ông, trong khi người con trai vứt bỏ chúng không tiếc tay. Thời kỳ tôi “tiếc của” như vậy kéo dài đến 10 năm. Càng cao tuổi tôi càng cảm thấy mình gắn bó với những đồ vật chung quanh mình giống như ông Hai. Nhưng một hôm tôi chợt “ngộ”. Đó là hôm sau khi tôi đọc một bài viết về nhà sư trẻ Tây Tạng gốc Việt Tenzin Drodon. Khi sư mới lên năm, cô em kém sư hơn một tuổi bỗng khóc òa vì làm vỡ cái đĩa. Sư đã lên giọng trấn an: "Đừng lo, đó chỉ là đồ vật thôi. Nếu chấp vào vật nhỏ như vậy thì khi chết, làm sao cái tâm bỏ được cái thân này""
Trong thời gian mấy năm sau khi lãnh Giải Bán kết tôi rất vui. Tôi có thêm nhiều bạn văn như Bảo Xuân, Ngọc Anh, Thụy Nhã, Steven Trần, Tịnh Tâm v.v… Khi gia nhập Forum Việt Bút, tôi lại có thêm bạn như Thanh Mai, Lê Tường Vy, Khánh Vân,Tân Ngố, Huyên Chương Quý, Iris, Mao Nguyễn, Cát Biển, Phương Dung, Phạm Hoàng Chương, Nguyễn Hữu Thời, Thịnh Hương, Cao Minh Hưng, Như Ý, Nguyễn Duy An, Donna, Trần Nguyên Đán, Yên Sơn v.v... Sau này có thêm Khôi An, Nguyễn Thơ Sinh, Lương Nguyên Thảo, Bảo Trâm, Đoàn Thị, Hồng Nguyễn v.v... Có những người tôi đã được gặp mặt; có những người tôi chưa từng gặp mặt bao giờ, nhưng vẫn cảm thấy thân tình như anh chị em trong một nhà.
Cả tôi và vợ tôi đều rất thích tham dự Lễ Trao Giải & Ra Mắt Sách Viết Về Nước Mỹ. Lần tổ chức nào chúng tôi cũng đi. Trong các buổi họp mặt, vì nhiều người tham dự quá, sự quan tâm về nhau loãng đi. Có nhiều người mình quý mến ái mộ, lại không được gặp hay chỉ gặp thoáng qua, đến khi tìm lại họ đã mất hút trong đám đông. Có nhiều người trước khi họp mặt, hẹn nhau đủ chuyện, rốt cuộc chỉ chào nhau một cái khi gặp, rồi đi đâu mất. Có lần sau một buổi họp mặt, tôi bỗng nhiên nhớ đến mấy câu thơ của Bùi Minh Quốc, khe khẻ ngâm:
Có những lúc trên đường đời tấp nập

Trong vô tình ta đã lướt qua nhau
Vợ tôi đi bên cạnh cười hỏi:
-Ủa, anh vừa "lướt" qua ai hả"
-Dĩ nhiên là không. Nhưng sau lần họp mặt nào anh cũng thấy bùi ngùi như vừa xa người yêu hồi còn trẻ.
-Em cũng cảm thấy vậy
-Nhưng người xưa nói "Quân tử chi giao đạm nhược thủy" (Người quân tử giao thiệp với nhau nhạt như nước lạnh). Gặp nhau, có khi họ chỉ nói với nhau vài câu, cùng nhau ngắm cảnh rồi từ giả. Có khi họ chỉ ngồi nhìn nhau, thậm chí không nhìn, không nói gì cả, nhưng trái tim họ nói với nhau: "tâm đàm". Gặp nhau vài ba giờ trong Lễ Trao Giải rồi trở về nhà, thỉnh thoảng nghĩ đến nhau với nụ cười trên môi, cũng đủ thỏa mãn.
-Sao trước đây anh không "tâm đàm" với em để cho em khỏe thân.
-Anh chưa đủ trình độ.
Trong thời kỳ này có những vui, buồn lãng mạn như vậy nhưng cũng có nhũng cái hơi “quê”. Nhớ có lần sau khi được lãnh Giải Bán kết, một cô phóng viên truyền hình đã hỏi tôi sao lại có bút hiệu Bồ Tùng Ma, tôi đã trả lời ấp a ấp úng như một đứa trẻ. Tối hôm đó về nhà, tôi cứ trằn trọc, mong cho đoạn video phỏng vấn bị hỏng. Lại có một lần được mời lên bục trao giải cho một tác giả, tôi lính quýnh và lơ đảng tưởng đó là…quà Việt Báo trao cho tôi, tôi bưng lấy nó, định bước xuống sân khấu. Thụy Nhã, người điều khiển chương trình, vội nói:
-Chú ơi, không phải của chú đâu.
Tôi ngượng ngùng quay lui trao giải cho người suýt bị tôi “giành”. Hôm đó anh Từ đứng dưới bục cười, chắc anh Từ tưởng tôi muốn làm Charlot. Khi tôi trở về bàn, vợ tôi nhăn như khỉ ăn ớt cay:
-Giễu gì mà dở vậy!
-Đâu có giễu. Tại lúng túng, tưởng quà.
-Sao lại tưởng như vậy được há!"
Tôi bực mình nói:
-Sao em… theo anh sát nút vậy" Hành động chi của anh em cũng để ý. Em nhìn coi, có ai chú ý việc này đâu. Có ai nhìn anh đâu. Có gì quan trọng đâu.
Năm 2008 tôi nhận được Giải Việt Bút. Anh Từ email cho tôi: “…Có chuyện vui nhỏ, anh được trao Giải Việt Bút…” Tôi trả lời: “Anh Từ ơi! Chuyện vui lớn, không nhỏ đâu”.
Năm đó Thụy Nhã được lãnh Giải Chung kết. Thật lạ, tôi và cô bé này, đã hai lần nhận những giải cao trong cùng thời gian. Năm đó buổi phát giải được tổ chức tại Rose Center, trang trọng và hình như tốn kém. Mọi người đều hứng khởi, nói hơi nhiều, thời gian kéo dài ra, làm quản lý Rose Center sợ phải... thức khuya.
Được sự gợi ý của anh Từ, năm 2009 tôi viết một loạt bài về du học sinh mà theo anh Từ cũng như nhiều người khác nói, được độc giả ưa chuộng. Bài viết đắc ý nhất của tôi trong loạt bài này là “Cưới Vợ Du Học Sinh.” Anh Phạm Hoàng Chương rất thích bài này. Qua cô Quyên, Việt Báo, tôi được biết có một độc giả muốn liên lạc với tôi để nói gì đó về bài viết này. Tôi tò mò liên lạc với ông ta. Đó là một ông chủ tiệm nail ở San Bernadino. Ông ta nói "Đọc thấy thích nên muốn nói chuyện với tác giả". Tôi nghĩ đôi khi người ta cảm thấy một bản nhạc, một truyện ngắn, một bài thơ v.v...hay vì nó hợp với mình, nói lên đúng tâm trạng mình, hoặc nói một cách nôm na nó "gãi đúng chỗ ngứa" của mình, chứ chưa chắc đã thật sự hay.
Nội dung những bài viết về du học sinh đúng là “những chi tiết sống thực”; nhưng trước khi viết về đề tài này, tôi đã được giải Việt Bút rồi, đã được chọn làm giám khảo, chẳng lẽ tôi lại …chấm cho tôi, nên dù tôi có viết thế nào đi nữa cũng không nhận được giải thưởng. Không thế mà tôi đã được nghe một tác giả nói nửa đùa nửa thật (đúng hơn là thật nhiều hơn đùa) trong một bữa tiệc:
-Lạy Trời! Cho con giải gì cũng được, nhưng đừng cho con giải Việt Bút, để con còn thi dài dài.
Về phần tôi, tôi lại thích giải Việt Bút vì tôi nghĩ mình "già" rồi, không nên đi thi nữa. Nếu tôi nhớ không lầm hình như tôi có email cho nhóm Việt Bút hay anh Từ nói là tôi chỉ "góp bài cho vui" chớ không gởi bài để thi nữa.
Nghe tin tôi được Giải Việt Bút, một bạn trong nhóm Việt Bút đùa:
-Chắc Ban Giám khảo thấy mấy “lão trượng” tội nghiệp, không biết cho giải nào, nên … đặt lên bàn thờ.
Tôi rất hãnh diện được ngồi trên "bàn thờ", được Việt Báo tin tưởng giao trách nhiệm làm giám khảo cùng với Bảo Xuân, Tường Vy, Trần Nguyên Đán, Tân Ngố và các thành viên Việt Báo.
Khi bắt tay vào việc chấm điểm, tôi mới thấy khó. Bài viết nào cũng hay, có những bài viết còn hay hơn bài của mình. Tôi cố gắng bỏ tất cả thời giờ nghỉ ngơi để nhận xét bài viết, có khi hỏi ý kiến người khác, nhưng không dám hỏi kỹ, sợ không bảo mật công việc. Thật là khổ. Chỉ có 10 bài viết mà mình thấy khổ như vậy, huống chi anh Nghĩa, anh Từ phải đọc 365 bài để chọn những tác giả được vào chung kết, đó là chưa nói đến việc chọn những bài để đưa lên báo. Tôi thành thật ái mộ việc làm này của anh Từ, anh Nghĩa.
Tôi thường tránh gặp các tác giả được vào chung kết trong buổi Lễ Trao Giải. Tôi có cảm tưởng như một số người trong nhóm này không mấy hài lòng về việc chấm điểm của tôi, dù tôi chỉ là một phần rất khiêm nhường trong Ban Giám Khảo.
Năm 2010, Việt Báo tổ chức Họp Mặt Kỷ Niệm 10 Năm Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ. Nhóm Việt Bút nô nức xôn xao bàn về việc này, đề nghị nơi tổ chức, thời điểm tổ chức, những cuộc vui bên lề. Năm thành viên hăng hái nhất là Cao Minh Hưng, Thụy Nhã, Phương Dung, Như Ý, Tân Ngố với những tiết mục phụ thêm vào chương trình như nhạc, đố vui, phim ảnh...
Cũng như những lần trước, tôi và các thành viên trong Ban Giám khảo được mời lên bục ra mắt cử tọa. Chính vì việc này mà tôi... bị phỏng vấn, một cuộc phỏng vấn có hơi lạ. Ông ta không phỏng vấn chính thức trong phòng mà phỏng vấn ngoài hiên, khi tôi đi ra ngoài, định gọi điện thoại cho đứa con trai út.
-Chào ông! Tôi là phóng viên của Cơ quan Truyền thông... Ông vui lòng cho tôi được phỏng vấn.
Tôi không nhớ ông ta nói ông ta thuộc cơ quan truyền thông nào. Tôi chỉ còn nhớ đó là giọng nói miền bắc, chững chạc, nghiêm trang, nếu không nói là hơi gắt gao, của một người đàn ông hơi thấp, vừa từ đâu đó xuất hiện trước mặt tôi. Tôi cười như tôi vẫn cười khi gặp một người, dù lạ hay quen:
-Ông cứ hỏi.
-Ông là một trong các giám khảo"
-Phải.
-Viết Về Nước Mỹ chỉ viết về nước Mỹ thôi hay có thêm vào trong đó những nội dung khác, thí dụ như về Việt Nam, về vượt biên, về chính trị ...
-Ông không đọc thấy sao" Có chứ.
-Sao vậy"
-Vì những cái ấy có liên quan.
Tôi không dám trả lời nhiều vì sợ trật.
Cuộc phỏng vấn chỉ vậy thôi. Tôi trở vào, hơi mất vui vì nhớ lại cái giọng phỏng vấn nghiêm trang của anh phóng viên. Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi này ngay sát trước bàn bán sách. Mấy cô hàng sách của Việt Baó có lẽ còn nhớ. Không biết Bảo Xuân và Tường Vy có bị phỏng vấn không.
Tôi vừa ngồi vào bàn vừa suy nghĩ. Dù sao điều này chứng tỏ Viết Về Nước Mỹ đã được nhiều nơi quan tâm, ngay cả ở Việt Nam. Có lần anh Tân Ngố hỏi sao số người đọc trên internet giảm đi. Tôi nói có lẽ số người đọc giảm đi vì bức tường lửa ở Việt Nam chặt chẽ hơn. Độc giả online ở Việt Nam rất đông, bức tường lửa ngăn cấm ngặt nghèo hơn, dĩ nhiên ta thấy số người đọc giảm đi rất rõ rệt. Tôi dè dặt nêu lên sự kiện này, chớ không dám khẳng định.
Nói tới độc giả Việt Nam tôi lại nhớ lần về Việt Nam vừa rồi. Một buổi sáng trong tiệm cà phê tôi chợt thấy có tựa đề Du Học Sinh Và Nghề Nail trong một tờ báo để ở bàn bên cạnh. Tôi liếc mắt nhìn. Thì ra là bài viết của tôi, tên tác giả là tôi. Sau đó tôi được đọc nhiều bài viết của các tác giả khác đăng trên báo ở Việt Nam như Bảo Xuân, Ngọc Anh, Tân Ngố, Steven Trần. Các bài viết này hình như không bị sửa. Trước đó anh Nguyễn Văn Hưởng có cho tôi xem tờ Người Lao Động. Trong mục Chuyện Tình Xa Xứ của Người Lao Động có bài Chuyện Tình Du Học Sinh của tôi. Bài này bị sửa một chỗ. Họ bỏ bớt một đoạn mà đoạn này lại có liên quan mật thiết đến đoạn sau, trong khi đoạn sau không bị bỏ, nên đọc thấy đoạn sau thừa thải như bị in nhầm.
Viết Về Nước Mỹ đã được quan tâm trên khắp thế giới, ngay cả ở Việt Nam. Chẳng thế mà nó kéo dài trên 10 năm. Nếu sau này có ai nói về văn chương Việt Nam hải ngoại, chắc chắn sẽ nói nhiều đến Viết Về Nước Mỹ.
Năm nay, Việt Báo lai tổ chức Lễ Trao Giải & Ra mắt Sách Viết Về Nước Mỹ năm 2011 vào ngày 31-7. Chúng ta lại sắp gặp nhau rồi bùi ngùi chia tay, rồi gặp lại, rồi bùi ngùi chia tay...Ước mong cứ như vậy mãi. Cũng là niềm vui lớn trong cuộc đời vui ít hơn buồn của chúng ta nơi quê hương thứ hai.
Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
29/06/201122:27:37
Khách
Tôi cho rằng số người đọc ít, dù ông Bồ Tùng Ma viết rất hay, do các nguyên nhân có thể có như sau:
-Số người đọc tại Việt Nam nhiều và họ không thích những bài viết có màu sắc chính trị (???)
-Có những phần mềm có thể làm gia tăng gấp nghìn, gấp vạn lần số người đọc
-Có người click bài viết rồi không đọc hết, chỉ đọc vài câu rồi qua các bài khác.
26/06/201118:05:53
Khách
trong này tác giả có nói đến một truyện có tên "sám hối" có thể thực hiện thành phim. tôi có đọc truyện này trên báo xuân cách đây chừng 10 năm. sao lâu vậy mà phim chưa được thực hiện?Kim
25/06/201104:41:55
Khách
Thưa Cô (Ông) Oanh,
-Chắc nhiều người xúm lại đọc bài của tôi trên cùng một computer để tiết kiệm điện nên thấy số người đọc ít. Nói đùa chơi chứ tôi không có khả năng trả lời câu hỏi này.
-Câu "Quân tử chi giao đạm nhược thủy" là trích trong "Sơn Mộc" của Trang Tử. " ... quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ. Quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt, ..." (Sự giao du của người quân tử thì nhạt như nước lã; sự giao du của kẻ tiểu nhân thì ngọt như rượu ngọt. Nhưng cái nhạt của người quân tử sẽ đi đến thân tình, còn cái ngọt của kẻ tiểu nhân sẽ đi đến tuyệt giao. ..)
-Bốn câu thơ đó như sau
Có những lúc (Có khi nào?) trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đã đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu
Chỉ có hai cau đầu hợp với tâm trạng tôi, nên tôi chỉ trích hai câu đầu
Ngố Vườn thân,
Thì ra anh cũng như tôi
Hoàn Lê thân,
Rất cám ơn. Lâu quá không thấy Hoàn vào trong nhóm
24/06/201117:05:57
Khách
Xin tác giả hay quý vị khác vui lòng cho biết:
-Tại sao tác giả Bồ Tùng Ma viết hay, vui...như thế mà số người đọc online không nhiều
-"Quân tử chi giao đạm nhược thuỷ" có nghĩa là "Người quân tử giao thiệp với nhau trong suốt như nước lạnh, không lợi dụng nhau" hay như tác giả Bồ Tùng Ma giải nghĩa?
-Những câu thơ của BMQ phải thêm 2 câu nữa, sao tác giả không ghi tiếp? Ngại gì chăng?
24/06/201113:42:23
Khách
Anh Ma.
Sao giống tâm trạng của tôi quá vậy.
Ngố Vườn
24/06/201112:56:33
Khách
Hay quá chú Ma!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,826,731
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả tuổi lục tuần, cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt, hiện là chuyên viên ngân sách cho Fairfax County, tiểu bang Virginia. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông từ 2004, “Lạc Lối Đến... Thiên Đàng:
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp,
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô là nhân viên Sở Xã Hội San Jose từng được cử chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí Ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ 1993-2008 rồi sang Mỹ, sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07-2012.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”,
Nhạc sĩ Cung Tiến