Hôm nay,  

Trầu Vàng Cau Quắn, Mẹ Yêu Đâu Rồi!

16/05/201100:00:00(Xem: 35125)

Trầu Vàng Cau Quắn, Mẹ Yêu Đâu Rồi!

Tác giả: Phương Nam

Bài số 3176-28476vb2160511 

Tác giả tên thật Phạm Thu Ly, cùng gia đình định cư tại Mỹ từ 1994, hiện là cư dân Santa Ana. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Tôi Học Lấy Bằng Nail", đã phổ biến từ cuối tháng Ba 2011. Phương Nam cho biết "nhờ đọc được những lời khuyến khích chân tình từ bác Trùng Quang nơi trang Viết Về Nước Mỹ, tôi mạnh dạn viết." Bài sau đây là một tự truyện về gia đình và tình yêu, được viết nhân dịp Mother's Day 2011.

***

Má tôi xuất thân là con gái làng Đại Nẫm, quê hương Bình Thuận. Bà ngoại tôi không có con trai, chỉ có bốn người con gái. Dì Hai tôi đã qua đời ở độ tuổi chưa tới năm mươi, còn lại má tôi và hai dì áp và út.Thuở xuân thời má tôi là một cô gái có nhan sắc mặn mà, dáng người cân đối, tướng tá sang trọng, mái tóc má dài bới gọn một búi trên cao sau gáy, khuôn mặt má bầu bĩnh, nước da trắng trẻo, mịn màng.

Năm nay má tôi đã 83 tuổi, bà vẫn còn khỏe mạnh, những lúc thời tiết thay đổi má tôi vẫn có những mỏi mệt đau nhức vì tuổi già. Những năm gần đây thính giác bà rất kém, má tôi chỉ "nghe" được khi nhìn cái miệng người nói, có khi thì cũng đoán mò, rũi trật may trúng. Các con các cháu kề cận, mỗi lần muốn nói gì cũng phải la thật to y như đang gây gỗ với người, may ra bà mới nghe, mới hiểu được.

Tôi lưu lạc xứ người tháng tư này là đúng 17 năm. Khoảng một năm nay tôi ít khi được nghe câu trả lời nào từ má…chính xác đúng như ý tôi mong muốn. Mỗi lần gọi về thăm, tôi hỏi han đủ thứ…Có khi tôi hỏi: - Má đau ra sao" Có đi bác sỹ không" Thì má trả lời: - Má ăn rồi con, mỗi bữa má ăn nửa chén. (!) Có khi tôi hỏi: - Má nhớ ba không, ngủ có chiêm bao thấy ba không" Thì má trả lời: - Má ho dữ lắm, bữa giờ trời lạnh quá, má bệnh lại con à (!) Rồi có lúc tôi nói hoài , má không nghe được gì thì má cứ- Hả, hả, con nói lớn lên, má không nghe gì hết, tổ cha cái lổ tai, đứa nào nghe dùm má, coi chị mày nói cái gì (!)

Mua cho má cái máy trợ thính, má mang đâu vài hôm nói khó chịu quá, rồ rồ trong lỗ tai, lấy ra lấy vô hoài riết rồi hư đem bỏ xó, bây giờ đành chịu là người điếc chứ nhất định không mang máy nữa!

Má tôi thích ăn trầu ở độ tuổi còn trẻ lắm, khi tôi 9, 10 tuổi là đã thấy má nhai trầu rồi. Má chỉ thích ăn những lá trầu vàng, hôm nào tôi hay các em lỡ mua nhằm những lá trầu xanh là coi như má đem cho người lối xóm, má nói trầu xanh rất cay, má ăn sẽ bị lở miệng. Những trái cau quắn xanh rờn tròn trịa, có cái ruột hồng hào, là má tôi ưng bụng lắm.

Má dùng con dao nhỏ xíu cắt cái cuống và cái đầu nhọn của lá trầu, xong quệt lên chút xíu vôi, xếp hai mí hai bên xong cuộn tròn cho vào miệng, với lấy trái cau trong cái giỏ mây nho nhỏ dùng dao bổ ra làm 6 miếng đều đặn, má cho một miếng vào miệng, rồi nhón thêm vài miếng xác vỏ cau đã được đập tơi ra, má mới bắt đầu nhai…Chỉ một vài giây sau một chất nước deo dẻo, sền sệt đỏ thắm ứa ra, má mới lấy một cục thuốc xỉa bằng ngón chân cái đưa lên môi, lấy tay rà qua rà lại trên hai hàm răng trắng bóng, một lát mới nhét vào bên trong miệng...Lâu lâu má tôi cầm cái ống nhổ bằng đồng sáng loáng chậm rãi nhổ nước trầu vào trong đó, không biết có phải vì nhờ má ăn trầu có chất vôi hay không mà hai hàm răng má sáng bóng, không có cái nào bị hư, bị sâu. Và hình như ăn trầu là cái mốt thời bấy giờ, đàn bà sang cả phải biết nhai trầu thì mới đúng điệu hay sao ấy !

Má tôi có nét duyên dáng khi nhai trầu, nhìn má từ từ nhỏ nhẻ nhai tôi thấy như là ngon lắm. Có hôm tôi lén má, nhai thử cho biết sự tình…Ôi thôi, cay ơi là cay, nồng ơi là nồng…không chịu nỗi, tôi nhổ ra không kịp, tởn hồn không dám thử lần hai.

Phải nói thời thanh xuân má tôi an nhàn thong thả lắm, mỗi sáng xách cái giỏ ra chợ mua thịt cá, rau cải, về có người giúp việc làm phụ, má tôi tự tay nêm nếm các món ăn cho gia đình. Ba tôi làm y tá, mát tay nên chữa cho nhiều bệnh nhân mạnh lành, ai ai cũng thương cũng quý. Nhà dư dã cái ăn cái mặc, má tôi thường hay giúp đỡ những người thiếu thốn, hay bố thí cho những kẻ cơ hàn gạo tiền, cái quần tấm áo…

Cuộc đời trớ trêu, được đó mất đó, đâu ai lường được. Năm Mậu Thân 1968, xóm tôi bị một quả bom thả trúng, xóm làng tan hoang, nhà cửa cháy rụi. Căn nhà trước xây bằng gạch chỉ còn trơ ba tấm vách cháy nám đen, loang lỗ vết đạn, hai căn nhà sàn bằng gỗ phía sau bị thiêu hũy không còn tăm hơi bóng dáng. Bắt đầu từ đó gia đình tôi suy sụp hẳn. Có nhìn má tôi nước mắt hai hàng, lặng lẽ ngồi bới tìm vàng vòng, tiền bạc trong đống gạch đổ nát từ ngày này qua ngày khác, mới thấy xót xa!.

Tôi nhớ lại những năm tháng thanh bình, ngay ngày đầu năm mới, sáng mùng Một Tết là má đem hộp nữ trang ra chưng diện cho ba cô con gái. Mỗi đứa một cây kiềng vàng chói lòa, được má đeo vào trong cổ, tai mang đôi khoen trái châu tòn ten, tay thì còn thêm nào vòng, nào "lắc", xong đem quần áo mới ra mặc cho chị em tôi, xóm làng ai ai cũng trầm trồ ao ước.

Vài năm sau lớn lên, bản thân tôi thấy được cái khó nghèo của người trong xóm, của bạn bè cùng trang lứa, nên những ngày Tết đến tôi không còn thấy thích thú chưng diện. Có lẽ bản chất tôi không ham đua đòi, không thích phô trương hay cũng có lẽ điềm báo trước cuộc đời sau của tôi cơ hàn thiếu thốn. Má tôi hay nói - Bây giờ có của thì chê, nữa không có mà xài…Sau này nghiệm lại tôi thấy thật là đúng, không sai chút nào.

Hai đứa tôi ưng nhau cũng là có phần ba má xúi vô. Tôi nhớ hồi tôi học đệ ngũ là đã quen nhau rồi. Vì tôi kín đáo dấu diếm nên không ai để ý và hay biết chúng tôi có tình ý với nhau, ba tôi hay khen - Cái thằng sao…học hành giỏi quá mà lại hiền lành, con trai mà lo đủ thứ việc nhà. Còn má tôi cũng nói thêm: - Ngày nào cũng gánh mấy chục đôi nước, rồi còn nấu cơm, làm cá cho má nó nữa chớ, thấy thiệt tội hết sức.

Mấy năm sau nhà anh mang trầu cau sang dạm hỏi, ba tôi hỏi dò ý con gái, tôi làm bộ làm thinh, thế là ba với má cùng nhau ca sáu câu vọng cổ mong tôi xiu lòng, ba tôi còn nói : - Ba thấy thằng hiền lành, mà gia đình cũng tư tế, con ưng đỡ khổ tấm thân sau này…chớ hai người có biết đâu tôi tình trong như đã, mặt ngoài còn e…, con gái ba má với con trai người ta đã để ý nhau hồi nảo hồi nao rồi chớ bộ.

Cuối năm 69 chúng tôi làm đám cưới, rồi sau đó tôi đi dạy học. Tháng 12 năm sau sinh con gái đầu lòng, má tôi nói con so, có biết ất giáp gì đâu, để má lo cho.Thế là một tay má lo liệu, chăm sóc thuốc thang cho con gái và cháu ngoại đến khi cứng cáp.

Tôi về Sở Học Chánh nộp đơn xin chuyễn trường. Tôi đùm túm con đi theo chồng vì anh là một người lính trận. Hai năm sau thêm một thằng bé ra đời, lần này má chồng tôi thay má ruột mà chăm sóc.

Thời gian này, gia đình tôi hoàn toàn suy sụp, ba tôi phải đi xe ôm chở mướn kiếm tiền, các em mỗi ngày mỗi lớn, nhu cầu ăn mặc, học hành đòi hỏi tốn kém, má tôi phải thức khuya dậy sớm nấu xôi đem ra xóm bán, để kiếm tiền phụ với ba tôi nuôi cả một bầy con bảy đứa ( trừ tôi và cô em kế đã có gia đình) Má tôi sáng nào cũng dậy từ lúc 5 giờ, gạo nếp đã được má luợm sạch thóc, đãi sạn, vo sạch sẽ, má cho vào một ít phẩm màu vàng nghệ xong ngâm mấy tiếng đồng hồ mới vớt ra để ráo, đậy kỹ.

Ba tôi thương má hồi nào sống sung sướng, bây giờ trời đất khiến xui chiến tranh loạn lạc xảy ra, nhà cửa tiêu tan, tài sản chẳng còn khiến gia đình phải cơ cực, nên cũng chia sẻ cùng má những khốn khó của cuộc đời.

Hôm nào cũng vậy, ba tôi thức sớm nhóm bếp lửa dùm cho má, hai vợ chồng già tỉ tê tâm sự, an ủi nhau, chẳng mấy chốc nồi xôi đã chín thơm lừng, má xới ra trong chiếc thau nhựa sạch sẽ, mang đặt vào trong cái rổ có chân. Trên rổ, có một cái tràn bằng tre, má tôi để một thau nhỏ dừa bào sợi trắng nõn nà, một hũ muối đậu dòn thơm có vị mằn mặn ngọt ngọt, cùng một tô hành mỡ phi thơm nức mũi, bên hông rổ má tôi xếp một xấp lá chuối (Có khi được thay thế bằng những tấm lá lon), đã được ba tôi lãnh phần cắt cở, lau chùi sạch sẽ.

Có thấy má tôi đơm xôi bán cho người mới biết gói xôi nghệ vàng ươm đẹp như thế nào, thơm ngon như thế nào. Má đặt tấm lá trên lòng bàn tay, dùng đôi đủa cả gấp xôi lên, má tém gọn gàng, xong múc một muổng hành mở trét đều lên mặt, rưới lên trên một lớp muối đậu, cho một dúm dừa sợi xong má bẻ gập hai đầu lá xuống phía dưới một cách gọn gàng khéo léo. Có hôm má còn luộc thêm mấy ký khoai lang dương ngọc (Một loại khoai có màu tim tím, ngọt ngào rất ngon vì có nhiều bột). Hôm nào được mở hàng tốt bán đắt, bán nhanh má tôi mừng lắm, bữa cơm hôm đó sẽ có thêm chút thịt mỡ vỗ về cho các con đỡ thèm khao khát. Hôm nào bán ế, má ngồi tới trưa, đem vô, cả nhà ăn xôi trừ cơm, vì đâu có tiền đi chợ mua cá, mua gạo nữa!

Má tôi ngày càng sút, sức khoẻ ngày càng giảm lần lần, lúc này chứng bệnh tim lại bộc phát. Những lúc đó thấy má ôm ngực rên đau, chị em tôi đâu có biết phải làm sao san sớt cho má được!. Không đủ tiền lo cái ăn mỗi ngày thì lấy đâu ra mà lo thang thuốc! Ba tôi không biết nhờ ai chỉ bày, cho má tôi uống thuốc nam, may đâu một thời gian thấy má đỡ hẳn.

Ngày 17/04/1975, mọi người nhốn nháo vì có tin việt công sắp tràn về thị xả. Tôi theo gia đình chồng đi di tản, đành bỏ lại cha mẹ già và một đám em còn thơ dại. Hôm đi, tôi năn nỉ ba cũng nên tìm nơi lánh tạm, ba hận những con người tráo trỡ, hận đời sao cái khốn khó cứ mãi triền miên đeo đẵng, ba nói liều, cay đắng, làm tôi đau xót ruột gan: - Con cứ đi đi, đừng có lo gì cả, nhà mình coi như đã cùng đường rồi con à. Đi chắc gì còn sống, chi bằng có chết thì ở nhà mà chết, chết chung một nấm mồ!!! Má tôi ôm con gái, hai mẹ con khóc sướt mướt, má nói với tôi rằng: - Có chồng thì phải theo chồng, con nhớ giữ gìn sức khỏe, chăm sóc mấy đứa nhỏ, khi nào thấy yên thì về nghen con…

Tôi quay đi như chạy trốn, tôi biết sau lưng tôi, cha mẹ và các em đang dõi trông theo với những dòng lệ chảy!

Rồi 30/04/1975 Sài Gòn thất thủ, rồi nước mất nhà tan, rồi những thảm cảnh bi thương đã không ngừng xảy đến trên non nước Việt. Hàng trăm ngàn Quân, Dân, Cán, Chính miền Nam Việt Nam lớp chết lớp bị thương, lớp lao động khổ sai, lớp bị giam giữ trong lao tù cộng sản mà họ dùng cái nhóm từ đi "học tập cải tạo". Chưa kể đến hàng triệu người đã bỏ nước ra đi bằng con đường vượt biên, vuợt biển, lớp chết vì đói khát, bị cướp bốc dọc đường, lớp bỏ mình trên biển cả, lớp bị bọn hải tặc hãm hiếp…Ôi, máu lệ chất chồng, oan khiên trùng trùng, uất hận khổ đau không làm sao kể xiết!

Ông xả tôi cũng trong trường hợp đó. Anh qua nhiều trại tù, đầu tiên là ở Cà Tót, một thời gian chuyễn về làm lao động khổ sai tại Tổng Trại 8 Sông Mao, rồi đưa đi làm nông trường trồng bông ở Lương Sơn và sau cùng là ra trại A30 ở Tuy Hòa Phú Khánh.

Thời gian này bốn mẹ con tôi dọn về ở cùng ba má, vì các con tôi cần có người trông coi khi tôi đi mua bán xa, hai ba ngày mới về, má không làm ngơ được đành lãnh phần trông nom cháu ngoại. Nhà chật, người đông, các con các em càng ngày càng lớn, tối ngày cứ chọc phá, giành giựt cãi nhau…Tôi đành phải dọn đi tìm nơi khác, Bác Tư già ở nhà đối diện, thương hoàn cảnh mẹ con tôi mà đem về bảo bọc, rồi sau bác cho cất cái nhà tạm trên nền Từ Đường của ông bà. Má tôi cũng vẫn giữ cái rổ xôi đó mà nuôi cả nhà, lây lất bữa đói bữa no. Do không đủ ăn, thiếu mặc, nên các em tôi sau này không đứa nào học hành ra hồn gì cả, đứa đăng đi nghĩa vụ quân sự, đứa làm thư ký cho phường xã, đứa chạy xe ba gát, mấy đứa em gái nhỏ của tôi có đứa được tới lớp 9, có đứa chỉ mới lớp 5 là nghỉ học.

Tôi tuy ở riêng nhưng cũng vẫn phụ giúp má tôi chút đỉnh để cho các em đỡ bớt vất vã, nhọc nhằn, còn phải lâu lâu đi thăm nuôi thằng em trai ở tù vì cái tội vượt biên.

Ông xả tôi mãi sáu năm sau mới được thả về, anh xin vào làm ở một hợp tác xả nông nghiệp, có lương có lúa gạo, tôi sinh thêm một bé gái, vợ chồng cùng nhau nuôi con. Qua nhiều lần đi buôn bị bắt bớ, đóng thuế hoài, tôi…dần dần hết vốn. Ông xả che một cái chái bên hiên nhà, để tôi mở lớp dạy cho mấy đứa học trò nghèo cho đến ngày đi định cư ở Mỹ.

Tháng tư năm 1994, gia đình tôi nhờ sự bảo trợ của vợ chồng dì Út (Em ruột của má chồng tôi) nên được đến vùng Cali nắng ấm sinh sống từ đó đến bây giờ. Chúng tôi cố gắng hội nhập vào cuộc sống nơi xứ người, cho đến hôm nay ông xả tôi và các con vẫn còn đi làm hãng xưởng, tôi vì sức khoẻ không khá nên ở nhà trông coi cháu, lo việc cơm nước cho gia đình.

17 năm qua, tuy xa quê hương nhưng lòng tôi lúc nào cũng nhớ. Mỗi năm đến ngày lễ Mẹ là tôi lại bồi hồi nhớ đến hai bà mẹ của tôi, má chồng tôi mất đã 7 năm rồi, giờ tôi chỉ còn mẹ ruột và người ba chồng nay cũng rất già yếu, bệnh đau hoài. Tôi cũng có ý định về thăm hai người thân còn lại và làm lễ thượng thọ mừng cha mẹ, nhưng chưa kịp thì cháu nội, cháu ngoại lần lượt chào đời. Bổn phận lại tiếp bổn phận, tình thương lại tiếp nối tình thương.

Bây giờ tôi chỉ đành nhờ cái điện thoại mà tỏ lòng nhung nhớ, vài hôm tôi gọi một lần, nghe tiếng má rõ ràng mạnh khoẻ tôi vui, đừng như thi sĩ Trần Trung Đạo, một hôm…Nhấc chiếc phone lên bỗng nghẹn lời. Tiếng ai như tiếng lá thu rơi*…

Má tôi tai không còn tỏ tường để nghe những câu tôi hỏi, thế nên tôi đã viết những lời thơ này gởi về cho má đọc:

Đâu cần quà tặng cao sang, mẹ thích cau quắn, trầu vàng con dâng. Chợ trưa rảo mỏi đôi chân, cố tìm được món mẹ cần mẹ ưng…Được chục cau quắn con mừng, đổi lui, chọn tới chỉ lưng liễn trầu. Dẫu con cơ cực dãi dầu, vẫn luôn mong mẹ sống lâu trên đời…Bây giờ lưu lạc xứ người, muốn vui lòng mẹ, con thời tìm đâu" Trầu vàng cau quắn xanh mầu, gởi về dâng mẹ tròn câu thảo hiền. Nơi đây nhiều của lắm tiền, vẫn không mua được một niềm thương yêu!. Nơi đây muôn thứ có nhiều, trầu vàng cau quắn…mẹ yêu đâu rồi"! Dẫu tìm khắp cả muôn nơi, chẳng sao thấy lá trầu tươi quê nhà, dẫu con chân mỏi bôn ba, tìm đâu cau quắn mẹ già vốn ưa"! Buồn trông vạt cỏ lưa thưa, nhớ quê nhớ mẹ sớm trưa ưu phiền. Sầu thì cứ mãi triền miên, con giờ như đã lạc phiên chợ đời!

Vâng, má ơi, đúng là bây giờ con đã lạc mất những buổi chợ thân quen ngày xưa ấy, nên ở nơi này không làm sao tìm thấy được những trái cau quắn tròn trịa xanh màu, những lá trầu vàng mềm dịu mướt rượt để gởi về cho má được!

Má ơi, nhân ngày lễ Mẹ, con viết những dòng này hy vọng má sẽ đọc được - Đáng lẽ con phải viết từ lâu mới đúng, nhưng hình như cái duyên chưa khởi trong con, cho nên bao nhiêu lần con đã để ngày lễ Mẹ trôi qua, trôi qua trong âm thầm rồi sau đó lại thấy lòng buồn ray rứt! Nhưng hôm nay má đã qua cái tuổi bát thập cổ lai hy, không biết má có còn ráng thêm được 5, 10 năm nữa hay không, nhưng con vẫn nuôi hy vọng, sẽ có một ngày nào đó…

Phương trời xa, con quay về, cho lòng vơi bơi bớt não nề hắt hiu. Trong lòng quê Mẹ chắt chiu, đứa con lưu lạc một chiều hồi hương…

Mỗi đêm trước khi đi ngủ con đều thắp hương trên bàn thờ Phật, cầu xin cho má được nhiều sức khoẻ, thường lạc thân tâm.

Những lúc rỗi rãnh má nhớ luôn niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT - nha má.

Con gái của má

Phương Nam

Ý kiến bạn đọc
08/06/201106:27:01
Khách
Cô Phương Nam ơi
Tôi là đàn ông mà tôi đọc bài của cô, tôi cũng muốn nghẹn ngào, bởi vì cô gợi lại cho tôi nhớ đến mẹ tôi, mẹ tôi cũng ăn trầu giống như mẹ của cô đó, nhưng mẹ tôi đã qua đời 3 năm nay rồi. Mong cô viết nhiều nhiều cho tụi tôi đọc cho vui. Cám ơn cô
14/06/201103:40:43
Khách
Được gởi bởi P N: 06/13/11
Phương Nam cám ơn T.T. đã bỏ thì giờ đọc bài TRẦU...CAU..của mình. xin lỗi vì đã cám ơn T.T. trễ. Thân chúc bạn vui khỏe.
18/05/201123:51:27
Khách
Hi Cô Phuỏng Nam,
Con không rõ tại sỏ sót của con hay tại sao con không biết,nhủng nguyên văn ý của con gỏi cho Cô nhủ thế này:.....Vì vậy mỗi lần luót qua mục là con tìm bút hiệu PHUONG NAM của Cô để đọc truóc.......Cám ỏn Cô đã cho con và đọc giả thuỏng thúc bài thỏ rất hay và cảm động. Con xin đính chính lại một chút để Cô và đọc giả rõ ý của con. Thankyou.
18/05/201117:45:36
Khách
Hi Co PHUONG NAM,
Con ten la PHUONG ĐÔNG, Me con thich đăt cho con cái tên để nghe hay hay, mà con lại sinh ra vào mùa đông, nên Mẹ con đặt tên con là PHUONG ĐÔNG. Con rất thích bút hiệu của Cô lắm vì nó gần giống tên của con. Vậy nên mỗi lần lướt qua mục là con tìm bút hiệu để đọc truóc. Chân tình mà nói con thích bài viết kỳ này của Cô hỏn bài truóc. Cám ỏn CÔ đã cho con và đọc giả thuỏng thúc bài thỏ rất hay và cãm động. Nếu mà Mẹ con cũng ăn trầu nhủ Mẹ Cô là con đã khóc nhủ là một trận mủa rào rồi.
Cô PHUONG NAM bảo trọng.
PHUONG ĐÔNG.
17/05/201111:52:15
Khách
Đừng quá khắt khe với tác giã. Đâu phải ai cũng có tiền rũng rĩnh để đi VN. Vé máy bay không bao nhiêu, nhưng chẳng lẽ về thăm quê bằng tay không. Xin lổi nha, VN bây giờ không giống VN trước 75 đâu, bạn thử về thăm quê mà không có nhiều tiền thì coi họ có coi bạn là khúc ruột (già) ngàn dậm không? Tiền máy bay không bao nhiêu nhưng tiền quà cáp thì mắc lắm bạn ơi!! Tôi cũng có quen vài người thề không bao giờ trở lại VN nếu ngày nào c/s còn tồn tại. Tôi cũng xin có lời chia sẻ vói tác giã những ưu tư, khắc khoải vì nhớ và thương mẹ. Tôi không được diễm phúc như tác giã là vẫn còn mẹ, ba tôi mất năm 76, mẹ tôi mất năm 88. Cả hai, lúc qua đời tôi không gặp mặt lần cuối, nhưng đâu có nghĩa là tôi bất hiếu. Ai cũng có hoàn cảnh riêng phải không?
nguoi thu c/s
20/05/201105:28:22
Khách
Được gởi bởi tác giả:
Phương Đông (Guest)- Cám ơn em đã góp ý bài viết của cô. Cô có viết cho em mấy dòng hôm trước ,nhưng không hiểu sao chưa thấy "có mặt" ở đây.Bây giờ cô viết lần nữa.
Em ơi, may mà cô qua được bên Mỹ này rồi, nếu còn ở VN. THÌ BIẾT ĐÂU BỮA NAY CÔ CŨNG SẼ LÀ MỘT BÀ GIÀ TRẦU, NHƯ MÁ CỦA CÔ.
Thân chúc em vui
02/06/201121:56:19
Khách
câu chuyện thật cảm động, cảm ơn tác giả Phương Nam ! Mong tác giả tiếp tục viết
24/05/201105:32:00
Khách
Được gởi bởi PN:05/19/11
-melody tran (guest): Không hiểu có sự sai sót gì đó mà mấy câu PN viết cho bạn không thấy hiện diện nơi đây! Cám ơn những lời khen của melody nha. Đã làm bạn chảy nước mắt,thật ngoài ý nghĩ của PN. sẽ cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của bạn. Thân chào
- Thử (Guest): Ai cũng có hoàn cảnh riêng...Đúng vậy. Xin cám ơn "người thù c/sản và xin chia sẻ với bạn nỗi mất mát mà bạn đang nhận. Thân mến
16/05/201111:49:34
Khách
ve nhung nguoi me VN
16/05/201111:48:24
Khách
tui nho ma tui qua vi ba cung an trau
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến