Hôm nay,  

Chuyến Bay Đầu Tiên Của H.O. 1

26/04/201100:00:00(Xem: 136018)

Chuyến Bay Đầu Tiên Của H.O. 1

Tác giả: Nguyễn Văn Sở

Bài số 3176-28476 vb3042611

Tác giả cựu sĩ quan VNCH, cựu tù chính trị, đồng thời cũng là một nhà giáo kỳ cựu. Trước 1975 ông từng dạy học ở một số trường như: Trường Sinh Ngữ Quân Đội Sài Gòn, Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Hội Việt-Mỹ (Sài Gòn, Đà Lạt) Trường Chánh Trị Kinh Doanh, Đại Học Văn Khoa, Viện Đại Học Đà Lạt. Sau 6 năm "tù trong" và 9 năm "tù ngoài," tác giả là là một trong những cựu tù đầu tiên thuộc diện HO 1 trên chuyến bay Tupolev-134 ngày 05 tháng 01 năm 1990. Từ sau 1990 cho tới nay, ông là Giáo Sư thực thụ tại Orange Coast College, Orange County. Việt Báo trân trọng cám ơn Giáo sư Nguyễn đã cho Viết Về Nước Mỹ phổ biến hai bài viết giá trị của ông, nhưng không dự giải thưởng. Bài viết đầu tiên là lá thư của một HO1 với những thông tin đầu tiên gửi các bạn đang còn ở quê nhà.

*** 

Suan Phlu Immigration Transit Center

Bangkok, Thailand

Ngày 05 tháng 01 năm 1990.

Cùng các bạn của tôi,

Các bạn đã giúp đỡ, đùm bọc chúng tôi, và đã cùng chia sẻ với chúng tôi biết bao chuyện vui buồn trong cuộc sống sau tấn bi kịch đổi đời ở Miền Nam. Tốt nhất là tôi phải viết thư riêng cho mỗi bạn để tâm tình nhiều chuyện nhân chuyến đi này, nhưng làm như vậy lúc này chưa tiện, cho nên tôi đành phải viết một lá thư chung để nói được nhiều hơn. Mặc dù không có tên bạn ở đầu thư nhưng xin các bạn biết cho rằng khi tôi đang ngồi viết những dòng này, hình ảnh tươi cười, sinh động, thân ái của các bạn vẫn hiển hiện trước mắt tôi.

Bây giờ tôi sẽ kể lại từ đầu cho các bạn nghe những gì tôi ghi nhận được trong một ngày đầy những sự việc có tính cách "đầu tiên" trong chuyến đi hôm nay.

. . .

05:00 Xe buýt chúng tôi thuê đến đúng giờ nhưng bà con trong gia đình vẫn chưa chuẩn bị xong.

05:20 Xe rời nhà ra phi trường Tân Sơn Nhất.

05:40 Khám mắt và nhận một túi nylon lớn trong đó có hồ sơ khám bệnh của ICM (Inter-governmental Committee for Migration) và 4 thẻ tên cho gia đình chúng tôi để mang trên túi áo trái theo quy định. Tôi thấy có phóng viên đài truyền hình CBS đang đi vào mang theo các trang bị nghề nghiệp của họ. Vì không muốn tiếp xúc với họ vào lúc đó, tôi đi ra ngoài để tiếp tục chuyện trò với thân nhân và bạn bè đang đứng đợi hay vừa mới đến.

05:50 Một người em rể định cư ở Seattle, Washington, về thăm gia đình cũng vừa đến để kịp thu băng một số hình ảnh cuộc chia tay. Có một giọng nói "tếu" vang lên đâu đó giữa đám bà con, bạn bè: "Nhìn kìa! Một Việt Kiều đang thu hình một Việt Gian bắt tay Việt Cọng." Số là anh chàng VC này đang theo đuổi một người em gái của nhà tôi.

06:45 Vào phòng kiểm soát hành lý. Nói chung không gặp trở ngại gì đáng kể. Công bằng mà nói hình như hôm nay cả nhóm chúng tôi không ai bị hạch hỏi, phiền hà gì về hành lý mang theo và cũng không ai bị lục soát thân thể. Chúng tôi chỉ phải trả lời vài câu hỏi chung chung rồi được hướng dẫn vào bên trong. Nhưng khi vào đến đây thì máy rà hành lý cho thấy trong một va-li của chúng tôi có một bức tượng Quán Thế Âm bằng cẩm thạch màu xám tro (quà kỷ niệm của Trung Tâm Ngoại Ngữ Sepzone) và một bộ ấm chén uống trà bằng đồng mạ bạc (quà tặng của Trung Tâm Bồi Dưỡng Bách Khoa). Sau khi khám kỹ, thấy đây không phải là đồ cổ mà chỉ là những sản phẩm tiểu công nghiệp của thành phố vốn có giá trị không cao nên chúng tôi được mang theo mà không phải trả thuế hải quan. Cũng gọi là may!

06:55 Chúng tôi lại được hướng dẫn qua một phòng khác để khám hành lý bằng máy một lần nữa. Tại sao vậy tôi cũng không hiểu. Chẳng lẽ các viên chức hải quan không tin nhau sao" Nhìn quanh chúng tôi thì thấy ngoài các nhân viên làm nhiệm vụ khám xét, còn có rất đông các viên chức khác chỉ đứng nhìn mà không thấy làm gì cụ thể cả. Có thể là họ đang quan sát, theo dõi.

07:00 Khi đoàn chúng tôi tiến ra chỗ phi cơ đậu, tôi ngoái nhìn lại và vẫy tay chào từ biệt các bạn đứng trên sân thượng tòa nhà khách cũng đang rối rít vẫy tay về hướng chúng tôi. Một ghi nhận đáng nhớ: Lúc gần lên phi cơ, không biết từ đâu cô Minh Hà (chắc các bạn cũng có quen) xuất hiện và bất ngờ ôm chầm lấy tôi và hôn từ giã trên cả hai má. Vì quá đột ngột tôi quên không hỏi Minh Hà đang làm gì vào giờ đó và làm sao có thể ra đến tận chân phi cơ để tiễn đưa tôi. Lên đến bậc cấp cuối cùng sát cửa phi cơ tôi quay lại nhìn lần cuối, vẫy tay chào một lần nữa, và không quên gởi một nụ hôn gió đến các bạn đang còn đứng trông theo, mặc dù đến lúc đó vì khoảng cách khá xa tôi không còn thấy rõ mặt các bạn nữa.

07:05 Cuối cùng chúng tôi vào hết trong chiếc máy bay Hàng Không Việt Nam, một chiếc Tupolev-134, với sức chứa tối đa là 76 hành khách (19 hàng ghế ngang, mỗi hàng 4 chỗ ngồi). Trên chuyến đi này chúng tôi có tất cả là 75 người.

Vì là những người lên phi cơ đầu tiên, chúng tôi được đưa về những chỗ ngồi ở đằng đuôi, người đi không có quyền lựa chọn.

07:10 Phi công bắt đầu cho nổ máy.

07:12 Phi công tắc-xi ra phi đạo.

07:17 Phi cơ cất cánh. Tôi bảo hai cháu con tôi hãy nhìn qua cửa kiếng và cố gắng ghi nhận từ trên không những gì còn nhìn thấy về đất nước mà chúng sắp lìa xa. Vâng lời tôi chúng cũng nhìn xuống nhưng không có vẻ gì hào hứng hay thích thú mấy khi cả hai còn đang vấn vương vì những hình ảnh bạn bè mới chia tay, đưa nào mắt cũng rướm lệ, tay nắm chặt tay, bịn rịn, quyến luyến nhau vì sắp phải xa nhau chưa biết đến bao giờ mới có cơ hội gặp lại nhau.

Tôi bắt đầu thơ thẩn nhìn quanh. Trước khi lên phi cơ tôi không có để ý đến bên ngoài, nhưng bây giờ nhìn bên trong tôi mới thấy hơi sợ. Máy bay trông cũ kĩ lắm: lớp sơn bên ngoài đã bị tróc từng mảng ở nhiều nơi, thảm dưới sàn đã bung những chỗ nối có thể làm hành khách vấp té dọc theo lối đi giữa hai hàng ghế, chỗ ngồi thì thật là nhỏ, nhất là đối với những bà đã trên tuổi 40! Tôi vừa thắt nịt an toàn vừa khấn thầm trong bụng, cầu cho chuyến đi được đến nơi đến chốn an toàn.

Nhớ lại năm 1973 tôi về lại quê nhà trên một chiếc DC-10. Bây giờ lại ra đi trên một chiếc Tupolev-134. Một khác biệt nữa cần ghi lại: 17 năm trước tôi trở về quê hương đoàn tụ với gia đình sau hai năm du học, để rồi chưa đầy hai năm sau trở thành tù nhân trong các trại lao động khổ sai, còn bây giờ tôi đang lìa xa quê hương để mang gia đình qua một xứ sở khác với hy vọng xây dựng một mái ấm cho các con tôi.

. . .

08:15 Sau buổi điểm tâm, tôi quyết định đi một vòng xem cho biết tình trạng toilette ở đằng đuôi máy bay. Vào bên trong tôi mới khám phá ra là không có nước, lý do tại sao không khí trong lòng máy bay không được thanh. Như vậy là đã quá rõ, còn ngạc nhiên gì nữa" Tôi nhủ thầm trong bụng cũng may là mình sắp ra khỏi cái xứ này. Chỉ thương là thương những bạn bè còn ở lại. Rồi lại nghĩ vẩn vơ nhưng mà ra khỏi nơi đây rồi liệu mình có làm được gì để giúp thay đổi tình trạng này không"

08:40 máy bay hạ cánh tại Phi Trường Đôn Mương (Don Muang Airport). Không như nhà tôi và hai cháu, tôi không thấy háo hức chút nào cả. Chỉ thấy yên tâm một chút là dù sao thì cũng còn nguyên vẹn hình hài khi rời khỏi máy bay. Cô tiếp viên hàng không đứng ở cửa không quên chúc chúng tôi đi tiếp cuộc hành trình vui vẻ.

Rời máy bay chúng tôi chia nhau lên xe buýt về Trạm Đón Tiếp Người Tị Nạn (Refugees' Terminal) nằm cách chỗ máy bay hạ cánh không xa mấy.

09:00 Một số khá đông phóng viên địa phương và các hãng thông tấn, đài truyền hình ùa đến phỏng vấn chúng tôi vì đây là nhóm cựu tù nhân chính trị đầu tiên được chính phủ Việt Nam cho ra đi theo chương trình HO, người nói được tiếng Anh thì trả lời trực tiếp, người chưa nói được thì có bạn bè đứng cạnh giúp. Tôi còn nhớ một số tên trong nhóm phóng viên này như David Bruunstrom (AP), Derek P. Williams (CBS News), Michael Shari (AFP), Supapohn (Bangkok Post), và một phóng viên của tờ Los Angeles Times mà tôi quên mất tên.

Sau khi trả lời vắn tắt những câu hỏi họ đặt ra, đối với phóng viên nào tiếp xúc vớí tôi, tôi cũng trân trọng yêu cầu họ ghi nhận một lời phát biểu của tôi và nhờ hệ thống truyền thông của họ loan đi ngày hôm sau, đại ý là chúng tôi -- những người đã từng là tù nhân từ các "trại cải tạo" nằm rải rác nhiều nơi trên đất nước Việt Nam-- rất sung sướng thấy rằng ngày rời khỏi những nơi đã giam cầm, hành hạ chúng tôi đã đến. Thay mặt cho gia đình chúng tôi cũng như gia đình của những anh em đi chung trong đợt này, tôi xin cám ơn tất cả những ân nhân của chúng tôi, những nhà hoạt động chính trị, ngoại giao, những lãnh tụ tôn giáo, những người đã kiên nhẫn phối hợp nỗ lực tranh đấu giúp chúng tôi có được ngày hôm nay. Phải nói là chúng tôi đang có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Chúng tôi vui thì đã hẳn rồi, nhưng chúng tôi vẫn không quên rằng còn rất nhiều anh em chúng tôi đang chờ đợi được lên đường như chúng tôi. Chúng tôi cầu chúc những anh em còn ở lại nhiều may mắn và hy vọng các bạn cũng sẽ dược tuần tự ra đi trong một tương lai thật gần.

Ngoài phóng viên các hãng thông tấn và đài truyền hình, tôi còn gặp hai viên chức cao cấp từ Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Bangkok đến thăm hỏi chúng tôi. Người thứ nhất là ông Robert McMahan, Đệ Nhất Tham Vụ Toà Đại Sứ, người mà tôi đã được gặp trước đây tại Khách Sạn Majestic, Sài Gòn, qua sự sắp xếp của chủ nhân một tiệm sơn mài lớn vốn là sinh viên của tôi. Người thứ hai là ông Williams Fleming, Giám Đốc Chương Trình ODP (Director of the Orderly Departure Program). Một tình cờ lý thú là hôm đến gặp ông Robert McMahan tại Khách Sạn Majestic thì tôi lại gặp Bà McMahan trước ở Phòng Tiếp Tân và Bà đã nhận ra tôi là thầy cũ của Bà. Cả hai vịên chức Tòa Đại Sứ nói trên đều lấy vợ Việt Nam cho nên họ nói chuyện thoải mái bằng tiếng Việt. Nếu tình cờ các bạn gặp và nghe họ nói chuyện chắc chắn các bạn sẽ rất ngạc nhiên về tài ứng biến và khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt của họ. Đặc biệt hơn nữa là vợ ông Williams Fleming là người Huế nên ông cũng nói tiếng Việt với giọng Huế nghe rất dễ thương. Tôi nói vậy vì tôi là người Huế và người ngoại quốc nói được giọng Huế rất là hiếm.

Qua chuyện trò tôi được biết rằng chúng tôi sẽ tạm trú tại Suan Phlu vào khoảng từ 8 đến 13 ngày để hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ và chờ đợi các chuyến bay, trước tiên là đến San Francisco rồi mới chuyển tiếp về nơi mà thân nhân có liên hệ gia đình gần nhất bảo lãnh. Đa số chúng tôi không còn phải qua một giám định y khoa nào khác nữa, ngoại trừ những người cần phải chụp lại hình phổi bằng quang tuyến hoặc cần lấy mẫu đàm để khám lại. Nhưng trước khi vào nước Mỹ chúng tôi còn phải chích ngừa một vài thứ. Cơ quan IOM (Inter-govermental Organization for Immigration), tên mới của ICM bắt đầu từ tháng 1 năm 1990, sẽ tiến hành các loại chích ngừa này.

Những thông tin quan trọng mà tôi "khai thác" được từ ông Williams Fleming cho phép tôi xác nhận với các bạn một đôi điều liên quan đến những kỳ vọng, chờ đợi thiếu thực tế mà trước giờ do ảnh hưởng của tin đồn không có cơ sở khả tín nhưng vẫn được lan truyền giữa một số anh em chúng ta.

1. Sẽ không có những trung tâm tái định cư dành cho cựu tù nhân tị nạn chính trị theo diện HO ở bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Trái lại, gia đình của mỗi vị cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nằm trong chương trình này sẽ được đưa về ở với hay ở gần một thân nhân có liên hệ gia tộc gần nhất -có thể là anh, em, dâu, rể, v.v…-- đã định cư ở Mỹ và bảo lãnh họ qua Mỹ.

2. Sẽ không có một loại bồi hoàn hay phần thưởng nào bằng hiện kim duới bất cứ hình thức nào dành cho người tị nạn HO. Sẽ không có nhà, có xe dành sẵn cho người tị nạn như các tin đồn đã loan truyền. Mỗi gia đình sẽ được một cơ quan thiện nguyện tại địa phương mình đến định cư giúp đỡ vào thời gian đầu để tìm việc làm thích hợp. Ví dụ mỗi gia đình sẽ được giúp tìm chỗ ở, được chăm sóc y tế như khám bệnh, trị bệnh, nhận phiếu mua thực phẩm, học tiếng Anh, và tham dự các lớp hướng nghiệp, v.v…Những giúp đỡ ban đầu này sẽ kéo dài trong thời hạn 1 năm, trừ phi bạn có khả năng tìm việc làm ngay để tự túc.

3. Chủ nhân trong mỗi gia đình sẽ phải ký giấy hẹn trả tiền (promissory note) hay giấy mượn tiền vé máy bay (ICM Travel Loan note). Trong trường hợp của tôi, gia đình 4 người, số tiền mượn để trả chi phí 4 vé máy bay là $3,068 ($767x4), và tôi sẽ phải trả trong vòng 37 tháng, mỗi tháng $87, và tháng cuối cùng $23, gởi về địa chỉ cơ quan tái định cư người tị nạn sau đây:

USCC

902 Broadway

New York City, NY 10010

Sáu tháng sau khi đến Hoa Kỳ tôi phải gởi trả cho tháng đầu tiên.

Đây là sự khác biệt giữa người đi theo diện HO và người đi theo diện ODP. Thân nhân bảo lãnh người đi theo diện ODP phải trả tiền vé máy bay cho người được bảo lãnh trước khi họ lên máy bay rời Việt Nam.

4. Cơ quan bảo lãnh cho chúng tôi --một trong những cơ quan tái định cư thiện nguyện đã lo hoàn tất thủ tục giấy tờ cho chúng tôi ngay từ đầu-- sẽ sắp xếp tìm cho chúng tôi, nếu thuộc diện "mồ côi", nghĩa là không có thân nhân, một người bảo trợ ở địa phương sắp đến và sẽ trực tiếp giúp đỡ chúng tôi trong bước đầu. Họ sẽ cố gắng giúp chúng tôi về chỗ định cư của người bảo lãnh chúng tôi. Một khi đã được tái định cư rồi, chúng tôi không thể xin giúp dời đi đến một thành phố khác. Chúng tôi phải chấp thuận nơi ở mà họ đã sắp xếp tạm cho chúng tôi. Nếu chúng tôi ở tuổi có thể làm việc và có khả năng làm việc, thì chúng tôi sẽ phải đi làm khi có việc dù việc này có phù hợp với chuyên môn của mình hay không. Mỗi người trong gia đình chúng tôi mà ở tuổi làm việc sẽ ký giấy cam kết với nội dung tương tự khi làm thủ tục.

5. Sẽ không có một sự đón tiếp chính thức nào từ phía chính quyền Hoa Kỳ mặc dù có thể có những tổ chức trong các cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ đứng ra tổ chức đón mừng và giúp đỡ người mới đến trong thời gian đầu như đi tìm chỗ ở, tìm việc làm,…

6. Những cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng ở trong các "trại cải tạo" 3 năm hay lâu hơn 3 năm đều hội đủ tiêu chuẩn đi theo chương trình HO. Nhưng trước hết anh em phải xin văn phòng ODP ở Bangkok mở một hồ sơ, nghĩa là phải có đơn xin tái định cư ở Hoa Kỳ, đồng thời xin chính phủ Việt Nam cấp giấy xuất cảnh (exit permit) để hoàn tất thủ tục trước khi được cứu xét và được phái đoàn thuộc Sở Di Dân và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INS: Immigration and Naturalization Service) phỏng vấn. Mọi hy vọng sẽ được "bốc" (picked up) hoặc "đưa lậu" (smuggled out) ra nước ngoài đều là những mơ ước hão huyền

10:00 Nộp lại giấy thông hành (laissez-passers) hay hộ chiếu (passports) vì chúng tôi chỉ được cấp vé đi một chiều (one-way tickets). Sau đó lại phải ký vào mẫu phiếu nhập cư theo đòi hỏi của chính phủ Thái. Mỗi chúng tôi còn phải lăn tay (ngón cái) và được cấp một số chỉ định mới. Số mới của tôi là V-028212. Chữ cái "V" ở đầu số có nghĩa là tôi sẽ đi thẳng qua Hoa Kỳ. Nếu số có hai chữ cái đầu là "BV" thì sẽ qua Phi Luật Tân trước để tham dự một khóa hướng dẫn và học tiếng Anh trong vòng 6 tháng. Còn nếu có hai chữ cái là "AC" thì bạn là người Việt lai Mỹ. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ, tôi thả bộ đi quanh khu vực làm quen và chuyện trò với các bạn mới.

12:00 Mệt mỏi vì thiếu ngủ đêm hôm qua và buổi chia tay đầy xúc động sáng sớm hôm nay, tôi rút lui vào một góc vắng vẻ tìm chỗ ngã lưng để nghỉ mệt. Không khí trong tòa nhà tiếp cư vào giờ trưa trở nên ngột ngạt, oi bức nên dù muốn thiếp đi một lúc để dưỡng thần cũng thật là khó.

12:50 Không tìm được giấc ngủ trưa, tôi nhổm dậy đến làm quen với một cô người Thái làm cho ICM. Tên cô là Valapol. Cô có thể nói được đôi chút tiếng Việt nhờ học lóm từ người chị dâu người Việt. Hai người lấy nhau khi anh cô được gởi qua Việt Nam chiến đấu theo Sư Đòan Mãng Xà Vương (King Snake Division) trong thời kỳ chiến tranh trước 1975.

Chữ "V" trong tiếng Thái được phát âm là /w/. Nói chuyện với cô người Thái này tôi còn học được cách đọc đúng tên Suan Phlu: /plu/ đọc với âm gió /p/, chứ không phải là /flu/ như tôi đã lầm. Về tiền bạc thì một đồng Mỹ Kim đổi được 25 bạt (bahts), và một chiếc nhẫn một chỉ vàng đổi được 45 Mỹ Kim cọng thêm 5 bạt. Để các bạn có khái niệm giá trị rõ ràng hơn, tôi có thể tạm đơn cử vài ví dụ: một ly cá phê sữa pha bằng bột (instant coffee) giá 5 bạt, một tô hủ tiếu địa phương hay mì ăn liền giá 7 bạt, và một chai nước ngọt giá từ 3 đến 5 bạt tùy theo loại.

...

Quan sát từ xa, Phi Trường Đôn Mương có vẻ hoạt động nhịp nhàng, hữu hiệu như phần lớn các phi trường quốc tế khác, với sự luân chuyển ồn ào, nhộn nhịp của xe vận tải, xe buýt đưa khách, xe nâng các vật thể nặng, vào ra liên tục, lớp lang, thứ tự, người nào việc đó như trong một mạng lưới phức tạp nhưng có hệ thống, có tổ chức, trật tự. Đây cũng tương tự như một guồng máy khổng lồ được phối hợp chặt chẽ và quản lý hữu hiệu, những điều kiện tất yếu dẫn đến thành công trên tiến trình hiện đại hóa. Tuy không phải là một kinh tế gia nhưng quan sát cung cách hoạt động của phi trường này tôi không khỏi thán phục những nỗ lực vươn lên của người Thái đang từng bước xây dựng đất nước họ thành một tiểu cường ở Đông Nam Á.

13:10 Một cô y tá của ICM đến thu nhận hồ sơ y bạ của chúng tôi mang theo từ Phi Trường Tân Sơn Nhất. Sau đó chúng tôi sắp hàng lần lượt đi qua trước mặt một viên chức khác của ICM -không biết là y tá hay bác sĩ-có mục đích xem chúng tôi có ai bị bệnh đau mắt hay bịnh ngoài da hay không. Cô ấy chỉ nhìn và khoác tay ra dấu cho chúng tôi tiếp tục đi qua mà không hỏi han gì cả.

13:30 Mỗi chúng tôi nhận một hộp giấy đựng bữa ăn trưa gồm có khoảng một chén cơm trắng, vài miếng thịt heo kho mặn nấu nhừ, ít lát ớt đỏ, và vài cọng ngò xanh. Đến lúc đó thì tôi cũng đã mệt nhoài, không còn tha thiết gì đến chuyện ăn uống nữa.

14:50 Chúng tôi được thông báo ra nhận và kiểm soát lại hành lý vừa được chuyển đến.

15:30 Chúng tôi lại được chụp hình để làm giấy nhập cảnh và lấy dấu tay, lần này cả mười ngón.

15:40 Chuyến bay thứ hai chở thêm 151 anh em HO1 chúng tôi đến.

18:00 Chúng tôi bắt đầu đưa hành lý lên xe vận tải.

18:20 Xe chở chúng tôi rời Trạm Đón Tiếp Người Tị Nạn để di chuyển về Suan Phlu Transit Center. Sau vài lần quay phải, rẽ trái chúng tôi lên một xa lộ có 10 làn đường xe chạy. Trời đã tối và đèn đã bật sáng dọc theo hai bên xa lộ. Đến lúc này thì chúng tôi mới được nhìn thất tận mắt điều mà dân cư ở Thủ Đô Bangkok vẫn phàn nàn về nạn kẹt xe thường xuyên ở vài đoạn trên xa lộ này.

Tôi không biết vào thời điểm này tình trạng kẹt xe trên các xa lộ ở Los Angeles trầm trọng như thế nào, nhưng nếu so với cái thời tôi còn trọ học ở đó thì phải nói rằng lưu lượng xe hơi trên xa lộ này chắc chắn cao hơn nhiều.

19:00 Xe buýt rẽ vào một con đường buôn bán sầm uất làm tôi nhớ con đường Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, đoạn từ Tân Định xuống Bến Bạch Đằng. Xe chạy ngang qua một trường nữ có học sinh mặc đồng phục áo trắng, váy xanh đậm, nhiều em đang đứng chờ xe đón về nhà.

19:10 Xe chúng tôi về đến Immigration Division nằm bên trong Suan Phlu Transit Center. Tòa nhà này là một phần của nhà tù của Thành Phố Bangkok được ICM xử dụng như một trạm chuyển tiếp dành cho dân di cư hay tị nạn.

Chúng tôi được hướng dẫn về nội quy của trạm. Mỗi gia đình được phát chiếu nylon, mền, mùng chống muỗi, và được phân bố chỗ nằm. Có tất cả 3 tầng, và chúng tôi được chỉ định về góc F1 nằm trên tầng trệt. Sau đó chúng tôi được giúp đưa hành lý xuống xe và di chuyển vào bên trong. Xong phần hành lý, gồm có một cái rương (hòm) và một va-li, chúng tôi chia nhau luân phiên đi tắm trước khi ngã lưng nằm xuống nghỉ.

Theo quy định đúng 9 giờ tối mọi người đều phải đi ngủ, nhưng đèn vẫn để sáng thì làm sao ngủ cho được" Tôi cứ vậy mà chập chờn nửa tỉnh nửa mê mãi cho đến thật khuya.

Các bạn của tôi ơi,

Ngày đầu tiên của tôi xa Sài Gòn là như vậy đấy. Trong vòng một tuần hay 10 ngày nữa tôi sẽ rời khỏi nơi đây. Một đại dương mênh mông sẽ ngăn cách chúng tôi với các bạn, không biết đến bao giờ. Nhưng vào lúc này đây tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn có một điều: Tôi vẫn nhớ các bạn và luôn nghĩ về các bạn. Chúc các bạn mọi điều may mắn trong Năm Mới sắp đến. Một lần nữa, cám ơn tất cả các bạn bằng cách này hay cách khác đã góp phần giúp tôi có được 9 năm sống sau khi ra khỏi trại tù với thật nhiều kỷ niệm đậm đà tình nghĩa đáng ghi nhớ suốt đời.

Bắt tay các bạn thật chặt.

Nguyễn Văn Sở

Ý kiến bạn đọc
11/04/202408:06:15
Khách
neal yard remedies <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> diabetic health care
02/05/201117:05:13
Khách
Thầy Sở kính,
Như vậy cuối cùng thầy trò mình đã đến Hoa Kỳ. Em vẫn nhớ những buổi học tại nhà thầy. Em nghe nói cô con gái của thầy là Bích Vân đã thành cô Dược sĩ phải không ạ?
Xin kính chúc thầy và gia đình luôn mạnh khỏe và may mắc trên xứ người.
03/05/201120:53:20
Khách
nhung loi ke cua Nguyen Van So sao nghe giong chuyen di ODP cua gia dinh minh qua - gia dinh minh di qua Thai cuoi nam 90 - vao toi Hoa Ky dau nam 91 Tay Lich (tuc la truoc tet VN nam 91) - khi do o My Tho (tuc Dinh Tuong cu) chua co ai nghe qua 2 chu Viet Kieu het - luc do Nguyen Van Linh con lam bi thu thi phai - vao khoang nam 90, di xuat canh thi chi co Air France ma thoi - khi ra khoi VN thi moi gia dinh duoc phat 1 cai tui cua hang may bay Pan Am voi hinh qua dia cau mau xanh da troi - neu nhung ai, nhung gia dinh nao di qua My khoang 20 nam ve truoc thi se biet - khong Mr. Nguyen co vao Thai chung 1 dot khong -
27/04/201106:28:22
Khách
Chuyến bay của gia đình tôi củng là HO 1 rời phi trường Tân Sơn Nhất ngày 13 tháng 4 năm 1990. Trước đó củng đả có vài chuyến HO 1 rồi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Nhạc sĩ Cung Tiến