Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Hùm Xám Khánh Hòa

25/04/201100:00:00(Xem: 132629)

Hùm Xám Khánh Hòa

Tác giả: Lê Văn Nãi

Bài số 3175-28475 vb2042511

Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông kể về một cựu sĩ quan cảnh sát.

***

Cứ mỗi lần Khoá 69A SVSQ/KQ họp bạn ở đâu trên toàn nước Mỹ là tôi cũng hô "có mặt", dĩ nhiên họp khoá ở Little Saigon là phải có tôi.

Từ ngày qua Mỹ, về định cư tuốt trên miền Đông Bắc HK, tôi nhớ những ngày nắng ấm hồi xưa nơi miền Thùy Dương cát trắng. Nắng Cali cũng trong suốt như thủy tinh, tình bằng hữu, tình người cũng nồng hậu, vậy về nơi đây thì phải quá đi chứ, trước gặp bạn bè, sau ngao du sơn thủy cùng nếm những món ăn đặc thù Việt Nam, mà có lẽ còn ngon hơn nơi nó xuất phát rất nhiều.

Lần này về Nam Cali, tôi sẽ gặp lại một sĩ quan cảnh sát cựu trào mà những đồng bào ở Nha Trang đã từng nghe danh. Đó là Hùm Xám Khánh Hoà. Biệt danh này do chính các tay Việt Minh sừng sỏ gán cho ông. 

Sau khi ở tù cộng sản về, tôi làm việc trong một hợp tác xã gỗ xuất khẩu với nhiệm vụ Thủ kho gỗ tròn và gỗ xẻ. Nếu làm cho một công ty quốc doanh thì công việc này vô cùng béo bở, vì thủ kho no hơn thủ trưởng.Tất cả mọi thứ đều là của chùa chỉ biết vén khéo, chia trên, xẻ dưới đồng đều thì ai cũng no như cưởng. Nhưng ở một hợp tác xã dân lập thì khác. Tiền vốn là do anh chị em xã viên chắt chiu dành dụm hay vay mượn của bà con đóng góp vào để cùng làm, cùng hưởng và điều quan trọng nhất là có công ăn việc làm, để không bị công an lùa đi kinh tế mới. Do vậy, phải tính toán xuất ra sao cho cân bằng, cố gắng tối đa sự hao hụt để duy trì sự phát triển của hợp tác xã và công việc hàng ngày. Do vậy, là thủ kho nhưng tôi thường ở ngoài trời bên bãi gỗ tròn hay lang thang xuống khu sản xuất để tiếp nhận gỗ thành phẩm và trong thời gian đó, tôi thường la cà với anh chị em công nhân, âu đó cũng là dịp thăm dân cho biết sự tình.

Đúng 5 giờ chiều. Giờ nghỉ việc. Tôi nghe một hồi kẻng vang lên lanh lảnh ngoài cổng. Tiếng kẻng hôm ấy khác lạ, nó chậm rãi, nhịp nhàng, khoan thai và được kết thúc bằng một nhịp ba tiếng gọn gàng, chắc nịch.

Có tiếng hỏi nhau:

- Ai đánh kiểng dzậy hè"

- Bảo vệ mới dzô làm hồi sáng.

- Biết ổng là ai hông"

- Hùm xám Khánh Hòa.

Thì ra người đang đánh hồi kẻng tan sở vừa rồi là ông bảo vệ vừa vào nhận việc hồi sáng, được anh em công nhân gọi là Hùm xám Khánh Hòa.

Qua mấy ngày dọ hỏi các anh cùng bị ở tù chung với ông, thì tôi cũng chỉ biết thêm vài chi tiết về bản thân ông mà thôi, riêng cái biệt danh Hùm xám Khánh Hòa thì ai cũng trả lời là nghe họ kêu như thế thì biết thế, riết thành quen chớ không ai biết nguyên do từ đâu mà có cái tên nghe dữ dằn như vậy"

Với cái bản tánh tò mò, ưa nhiều chuyện cho nên tôi cố gắng tìm hỏi cho ra lẽ. Hỏi mọi người đều không biết thì tôi sẽ hỏi trực tiếp ở ông. Cái khó của tôi là một tay ngang, còn ông là một sĩ quan cảnh sát điều tra sừng sỏ về nghiệp vụ, thì làm sao tôi hỏi để ông trả lời cho tôi biết, nhất là lúc ông vừa đi ở tù về vì cái quá khứ oai hùng mà hỏi chuyện về cái quá khứ đó, thì chắc gì ông dám kể. Thời gian còn dài tôi sẽ hỏi từ từ…

Xế chiều trước giờ đánh kẻng nghỉ việc, tôi thường đi đạo một vòng qua các phân xưởng để ngó mấy bao mùn cưa của xã viên xem họ có độn nhân trong đó hay không" Ngoài lương hàng tháng ăn chia theo sản phẩm thì hầu như các xã viên đều có mối bán mùn cưa cho người dân ở Nha Trang làm chất đốt, để nấu ăn vì sau khi trời sập thì khí đốt cũng bay hết, còn củi than thì thành những xa xí phẩm rất khan hiếm và đắt đỏ, cho nên việc nấu nướng thì chỉ còn dựa vào trấu, mùn cưa là chính. Công nhân ai cũng khổ cho nên khi hốt mùn cưa, luôn tiện họ ưa chen thêm vài cây củi vô bao mà chúng tôi gọi là mùn cưa độn nhân. Hôm nào cưa cây gỗ giáng hương thuộc loại gỗ quý, mà họ lấy vài miếng độn vô bao thì tôi lãnh đủ, cho nên tôi phải đi tà tà canh chừng là thế.

Ngang qua phòng bảo vệ tôi thấy một đống nhân, tức mấy cây củi nhỏ, mấy tấm ván cắt gọn vừa tầm bao tải nằm lăn lóc bên góc tường. Tôi khen ông:

- Chú phát hiện mấy chiến lợi phẩm này hay quá hén!

- Hùm xám Khánh Hòa mà chú em!

Chưa đánh mà khai rồi, nhưng tôi từ từ chưa vô đề vội, vì sợ ông giựt mình tưởng tôi là công an chìm đang tìm cách khai thác bản thân ông.

- Sao chú biết trong bao có củi mà bắt họ đổ ra hay vậy"

Ông cầm cây sắt dài cỡ một thước đưa cho tôi xem:

- Có khó gì đâu chú em! Chỉ cần cây sắt này thọc vô bao gặp trở ngại là biết ngay, nhưng qua đâu cần dùng tới nó làm gì xem ra hơi bất lịch sự. Qua đánh đòn tâm lý.

- Đòn tâm lý"

- Ời! Ăn cơm trưa xong mà có một em ghé qua trạm, tặng qua một điếu thuốc 555 là coi như chiều đó em nó muốn qua ải với một bao mùn cưa ở trong có nhân. 

- Chú đánh tâm lý hay quá hén!

- Hơn ba chục năm trong nghề mà chú em!

- Nếu họ không tặng thuốc 555 thì làm sao chú biết"

- Dể ợt! Từ xa thấy họ đẩy chiếc xe đạp ì ạch với cái bao trên ba ga tức thị có nhân trong đó nên nó mới nặng dữ như dzậy.

- Chú hay quá hén! Có chú làm ở đây hợp tác xã đỡ dữ lắm đó.

Tôi khen chú để làm quen, chớ thật ra chúng tôi biết anh em lấy thêm mấy cây củi độn vô bao, hay mấy tấm ván nhỏ để về đóng mấy cái ghế thấp, bán cho mấy quán cóc hay quán cà phê chồm hổm, chẳng qua vì quá khổ và nói cho cùng thì của đó cũng là tiền của họ góp vào, cho nên chúng tôi biết nhưng cũng bỏ qua và chỉ canh chừng mấy tấm gỗ hương, căm xe, bằng lăng…mà thôi.

Tôi làm quen:

- Quê chú ở Nha Trang hả"

- Không! Qua ở Thành.

- Tui cũng ở Thành. Chú ở làng nào"

- Thanh Minh.

- Quê bà nội tui cũng ở Thanh Minh. Chắc tui với chú cũng có bà con đó nghen!

- Hỏng có đâu chú em! Cái họ của qua ở xa lắc.

- Ở đâu vậy"

- Tận bên Tàu lận. Chú em mày hỏng thấy sao"

- Ờ hén! Mà sao họ gọi chú là Hùm xám Khánh Hòa vậy"

- Tới giờ về rồi để qua đi đánh kẻng.

Vậy là trớt qướt. Mới gạ vô đề thì chú đã đánh trống lảng rồi. Thôi thì chờ dịp khác.

*

Ông vào làm bảo vệ là đúng chỉ số, vì tướng tá của ông sau khi ở tù về không biết ông tẩm bổ thế nào, mà trông ông ngon lành, quặm trợn lắm. Tôi khen:

- Chú ngon lành giống võ sĩ quá à nghen!

- Qua là võ sư mà chú em!

- Vậy chú có mở lò dạy võ hay không"

- Qua bận công tác bên ngành, cho nên không có mở lò nhưng qua có đăng đàn đấu võ đài lớn lắm.

- Chú đấu với ai"

- Qua đấu dzới Huỳnh Tiền, Trọng Đãi mà chú em hỏng biết hả" Cả Nha Trang bữa đó họ đi coi rần rần.

Võ sư Huỳnh Tiền và võ sư Trọng Đãi thì ai cũng biết, vì hai ông nổi tiếng cả miền Trung, nhưng cái ngày ông đấu võ đài với mấy ổng thì lúc đó tôi chỉ mới học tiểu học, còn ở trên quê thì làm sao mà biết. Chắc là ông cũng có đấu mở màn cho trận võ đài hôm đó, nhưng khi nghe tôi nói thời gian đó tôi còn nhỏ ở trên quê thì ông mới nổ hết cở luôn.

Nhắc tới cái tên Hùm xám thì ông im lặng, nhưng qua vụ đấu võ đài thì ông nổ tưng bừng. Thực tình ông giấu cũng đúng thôi, vì ông cũng như chúng tôi là những con cá đang nằm trên thớt mà.

Nói đến võ sĩ thì tự nhiên tôi nhớ đến một người nên hỏi ông:

- Ở Nha Trang chú có biết ông Võ Sĩ không"

- Biết chớ chú em! Ổng là nhà thầu cho nên ổng cất cho ổng cái nhà lớn lắm, ở đường Hoàng Tử Cảnh phía trên Nha Trang Ciné đó.

- Đúng rồi! Nhà tui ở đối diện.

Nghe tới đó ổng hỏi liền:

- Chú em mày là con ai ở đó"

Sau khi nghe tôi nói ngôi nhà đối diện là nhà ông nhạc của tôi, thì ông mới bắt đầu kể rõ những gì tôi thắc mắc, vì ông và ông nhạc của tôi là bạn. Ông làm bên cảnh sát tài nguyên, còn ông nhạc tôi thì bên cảnh sát tư pháp và ngôi nhà của ông Võ Sĩ là nơi khai sanh ra cái tên Hùm xám Khánh Hòa. 

- Con biết không" Cái nhà của ông Võ Sĩ đang ở thời Pháp là phòng nhì đó.

Biết tôi là rể của ông bạn, cho nên ông hết e dè và gọi tôi bằng con ngọt xớt. Cũng đúng thôi! Ổng gần sáu chục còn tôi lúc đó mới ba mươi lăm, cái tuổi còn đang ngựa cho nên ổng gọi như thế tôi càng khoái, vì dù sao tôi cũng vẫn còn trẻ hơn ổng.

- Ủa! Không phải ngôi nhà ma ở góc đường Hoàng Hoa Thám và Yersin là phòng nhì của Pháp hay sao"

- Trên này là văn phòng, còn ở đó là nơi thẩm vấn, lấy khẩu cung hay tra tấn. Chết nhiều lắm nên nhà có ma.

- Chắc chú là võ sư cho nên Pháp mới nhận chú vô ngành công an làm ở phòng nhì, để chú biết cách tra tấn để lấy lời khai hả"

- Cần gì tra tấn mới lấy được lời khai. Mấy tên việt minh hoạt động nội thành chỉ cần thấy mặt chú là tụi nó phải khai ráo.

- Sao hay vậy"

- Chú ở trong ruột của tụi nó mà con.

- Chú nói gì con không hiểu"

- Tại con đi lính ở xa cho nên hỏng biết, chớ ở Nha Trang này ai cũng biết chú hồi trước theo việt minh, sau chú thấy tụi nó hèn hạ, tráo trở, xảo quyệt, dã man quá nên chú bỏ núi về thành. 

- Hèn chi chú biết hết.

- Biết ráo! Biết hết cả đám hoạt động nội thành, từ thằng giả dạng người đánh giày hay ông hớt tóc để lấy tin tức, cho tới mấy thương gia làm kinh tài chú đều ghi trong sổ đen hết. Đang bị câu lưu thẩm vấn cho nên có thằng nào chịu khai đâu, thành thử phòng nhì Pháp phải nhờ những tài liệu mật bên chú, còn những thằng nào chú biết mặt thì chú chỉ đi ngang qua phòng thẩm vấn là tụi nó biết không thể dấu được, nên sợ phải khai ráo. Nhờ đó mà Nha Trang mình yên ổn đó con.

- Thì ra cái tên Hùm xám Khánh Hòa là do việt minh gán cho chú.

- Ời! Tụi nó cay cú lắm lại lo nữa, cho nên tụi nó dặn cái đám hoạt động nội thành là Pháp tụi nó không ngán, mà chỉ ngán con hùm xám là chú đó, phải cẩn thận vì ở rừng chỉ sợ có cọp mà thôi.

- Sau Pháp rút thì chú qua ngành Cảnh Sát.

- Ời! Chú qua bên Cảnh Sát tài nguyên.

- Chắc nhờ chú biết rõ cái đám làm kinh tài cho việt cộng ở Nha Trang, cho nên đưa chú qua bên Cảnh sát tài nguyên để dể kiểm soát phải không"

- Tụi nó hoạt động tinh vi lắm con ơi! Nhiều khi mình biết nhưng không đủ chứng cớ cũng chịu thôi. Bên Quốc Gia mình lúc nào cũng thi hành theo luật mà. Dù sao tụi nó vẫn còn ngán con hùm xám này cho nên tụi nó cũng giảm bớt hoạt động.

- Cũng may là sau khi trời sụp chú còn nguyên, chỉ lãnh có bảy cuốn lịch. Nếu ở Phú Yên thì chắc chú cũng nằm trong số phận với hơn trăm cảnh sát, cán bộ xây dựng nông thôn, hội đồng xã ấp bị tụi nó cột chùm bắn tập thể ở hẻm núi gần đập Đồng Cam rồi.

- Ời! Phước đức ông bà để lại đó con. Nói nào ngay Khánh Hòa mình mang cái tên hiền nên tụi nó cũng hiền.

Đến lúc này tôi mới cãi:

- Hỏng dám đâu! Dân Khánh Hòa hiền chớ không phải việt cộng hiền đâu. Chắc mấy thằng bị chú biết nó chết hết rồi nên chú mới thoát đó.

Ông kề tai tôi nói nhỏ:

- Còn chớ con! Còn một thằng cạo đầu giả thầy tu ở trong chùa tỉnh hội, nay nó làm phó chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Nha Trang. May mà chưa bị lộ thì trời sập. Nếu không thì không biết thằng nào chết trước.

- May quá hén! Vậy thì hôm nào hai chú cháu mình uống một bữa để mừng tai qua nạn khỏi.

- Uống ở đâu"

- Tại phòng bảo vệ để chú còn có thể vừa uống vừa làm công tác nữa chớ.

- Ời!

Tôi nói vậy là vì muốn đãi chú một chầu rượu đế với mực nướng, để có cớ cho mấy công nhân qua ải một bao mùn cưa. Tết nhất sắp đến nơi anh chị em công nhân than khổ muốn hợp tác xã tặng không một bao mùn cưa kiếm thêm tiền mua sắm Tết, nhưng tôi chưa nghĩ ra cách nào thuận tiện. Nói ra thì thiên hạ cười, vì chỉ một bao mùn cưa mà sắm Tết nỗi gì, nhưng ai đã sống qua cái cảnh sau bảy mươi lăm thì đã thấy hết những cảnh khổ, những ngặt nghèo, những thiếu thốn của những người dân lương thiện. Thiếu đủ thứ, thiếu đủ mọi bề cho nên được tặng không một bao mùn cưa thì anh chị em công nhân cũng mừng lắm rồi.

Cho đến đâu độ rằm tháng chạp, ông chủ nhiệm thì đi Sài Gòn mua quà thưởng Tết. Đối với công nhân thì Tết đến hợp tác xã thưởng cho hộp bánh và một chai rượu Nàng Hương là quý lắm rồi, cho nên nghe tin ông chủ nhiệm đi Sài Gòn thì ai cũng hớn hở, còn ông kế toán trưởng thì nhân dịp này về quê dẫy mã thành thử tôi nghiễm nhiên trở thành kẻ "vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm".

Sau khi xuất xe gỗ cuối cùng tôi mới sai hai thằng đệ tử, một chạy ra quán mua một lít rượu đế còn một đứa ở Bình Tân (Cửa Bé) chạy về xóm lựa mua cho tôi vài con mực khô một nắng. Loại mực này vừa câu lên họ ngâm nước biển và phơi chỉ có một nắng chưa khô hết, cho nên thân mực còn mềm, thịt không dai và nó ngọt tận chân răng. Thứ mực này mà đưa vô một miếng nhai nửa chừng rồi uống vô một ngụm rượu đế thì nó phê hết biết luôn.

Đâu chừng ba tua gần nửa lít, thì tôi thấy ông bắt đầu rung đùi. Nếu ở miền Nam thì lúc này đệ tử lưu linh sẽ đánh nhịp, để bắt vô sáu câu vọng cổ mùi mẫn, nhưng ở miền Trung và nhất là ông đang phê, cho nên sau khi làm một ngụm ông khà một cái thiệt sảng khoái và nói như rên:

- Sướng quá con ơi!

Đến nước này thì tôi cho ông sướng tới bến luôn.

- Vô luôn một miếng nữa chú.

- Bệnh gì mà cử! Tới luôn.

- Vô một ly nữa chú.

- Tới luôn. Sướng quá con ơi!

Tình hình này tôi thấy sắp xong rồi. Vì ngồi nhậu trên cái giường nhỏ của bảo vệ đêm, cho nên tôi đưa chai rượu và mấy miếng mực lên bàn cho trống chỗ, xong lục tìm vài thứ khác. Thấy vậy ông hỏi:

- Con tìm thứ gì dzậy"

- Chú mệt rồi, con tìm cái gối cho chú nằm nghi. Phần bảo vệ để con lo cho.

- Ời! Ráng giúp giùm chú!

Nói xong cặp mắt nhướng hết muốn lên, nhưng miệng ổng vẫn còn rên:

- Sướng quá con ơi!

Tôi đặt cái gối cho ông nằm xuống và lấy tấm drap trắng phủ lên trên che luôn cả mặt. Xong tôi ra bờ tường lấy một tấm ván chiến lợi phẩm và lấy cục than ngoài bếp viết dòng chữ:"HÙM XÁM KHÁNH HÒA CHI MỘ" đặt phía trên đầu giường. Tôi bưng luôn cái lư nhang ngoài bàn thiên và cắm vô ba cây nhang khói lên nghi ngút. Cái ông bảo vệ đêm này ổng sợ ma, nên đêm nào ổng cũng đốt nhang cầu khẩn.

Mà thiệt! Ổng sợ ma cũng đúng vì miếng cơm manh áo ông phải cắn răng chịu trận, chớ cái hợp tác xã gỗ rộng mênh mông, chỉ đi giáp vòng các phân xưởng cũng đuối rồi, nhưng một thân một mình đêm hôm thì ông phó mặc cho ma nó lộng hành. Đêm nào tối trời thì không thấy gì, còn đêm nào có trăng mập mờ thì thấy ma nó ngồi từng cặp, từng cặp trên mấy đống gỗ tròn đú đa, đú đởn. Sáng ra đi dạo đo gỗ tròn tôi thấy đủ thứ hầm bà lằng của ma để lại. Tôi nói trõng:"Nó mà dính thì đứa nhỏ lớn lên sẽ cứng đầu lắm nè, vì ba má nó gặp nhau trên đống gỗ".

Đúng năm giờ tôi ra đánh kẻng báo giờ về. Hơi có ba sợi lai rai lại thêm hồi giờ chưa bao giờ đánh kẻng, cho nên tiếng kẻng của tôi đánh ra nghe cà giựt, cà giựt, đứt khúc, không ra hồi, ra nhịp. Nghe tiếng kẻng không giống ai, các công nhân không có mua mùn cưa đạp xe cái vù ra cổng miệng còn nói vói lại:

- Nghe tiếng kẻng thì biết hôm nay không có ông Hùm xám.

Hai chị nữ công nhân dựa xe vô tường để đưa phiếu mùn cưa. Thấy tôi ngồi ngay bàn bảo vệ thì một chị lên tiếng hỏi:

- Ổng đâu"

- Chết rồi.

- Hả"

- Không tin hả" Bước vô thì thấy liền.

Hai chị bước vô xong la lên bài hải, chạy mau ra khỏi phòng:

- Ổng chết thiệt hay chết giả dzậy"

Tôi nạt ngang:

- Ổng có bịnh kinh phong đâu mà chết giả. Ổng chết thiệt đó!

- Chơi kiểu gì ác nhơn dzậy không biết"

- Đứng đó mà càm ràm hả" Không chịu đi về, ổng ngồi dậy ổng thu phiếu mùn cưa bây giờ đó.

Nghe nói thế hai chị lật đật đạp xe dông tuốt. Tôi vội nói theo:

- Nhớ giữ lại phiếu mùn cưa để mai hốt bao nữa nghen. Mất ráng chịu lỗ đó.

Nghĩ tội nghiệp! Chỉ vì quá khổ cho nên được cho một bao mùn cưa mừng quá nên không kịp nhìn người nằm đó có chết thiệt hay giả đò. Cái xã hội chủ nghĩa nó làm cho con người chỉ lo cái bao tử đôi lúc quên cả tình người.

Những công nhân có phiếu mùn cưa tôi đều dặn giữ lại để hôm sau hốt thêm một bao. Tôi sửa soạn đóng cổng thì thấy phía dưới xa còn một cô công nhân mang cái bụng bầu è ạch, dắt chiếc xe đạp có bao mùn cưa đi lên.

Dựa cái xe vô vách xong cô đứng thở.

- Sao mà khổ thế này"

Nghe tôi nói thế cô ta tưởng có người đồng cảm với cảnh khổ của mình, cho nên cô trả lời:

- Dạ! Khổ lắm anh!

Tôi lên giọng kẻ cả:

- Biết khổ thì đừng chửa đẻ. Ai đời đứa lớn chưa biết đi, mà đứa nhỏ thì sắp sửa thấy ánh mặt trời.

Cô ta cười lỏn lẻn:

- Dạ! Tại ông xã em muốn…

Một lần nữa tôi lên giọng thầy đời:

- Hễ nó muốn thì đá hất nó ra. Cứ chìu nó thì bây giờ cô thấy ai đang khổ đây"

- Hỏng phải! Anh hiểu lộn ý em rồi. Em muốn nói em sanh hai đứa nhưng toàn con gái. Ngặt nỗi ông xã em là con một, cho nên ảnh muốn em sanh cho ảnh một đứa con trai.

- Vậy nếu đứa này là con gái thì cô sẽ sanh tiếp đứa nữa"

Cô đáp như một lời an phận:

- Dạ! Ông xã em muốn dzậy mà.

- Cô làm bể kế hoạch sinh đẻ mà bên hội phụ nữ họ không nói gì hay sao"

- Có chớ anh! Họ kêu em lên phường họ dzũa em thê thảm. Em coi như điếc không nghe gì ráo trọi. Em nghĩ trong bụng, họ được đảng trả lương để họ chửi mình thì họ cứ chửi, còn đẻ thì em cứ đẻ. Có khổ thì ông xã em nuôi chớ họ có nuôi em ngày nào đâu mà em phải nghe theo họ.

- Cô nói có lý! Phiếu mùn cưa đâu đưa coi"

Thấy tôi hỏi thu phiếu mùn cưa cô ta ngạc nhiên:

- Ủa! Ổng đâu rồi anh"

- Ổng đi công chuyện rồi. Tôi thu giùm cho ổng.

Tôi không dám chỉ ổng đang nằm trên giường, sợ cô ta thấy hết hồn ảnh hưởng tới cái thai mai sau đứa bé lớn lên hay giựt mình. Cô ta lần moi trong dây quai nón ra cái phiếu mùn cưa.

Cầm cái phiếu tôi đóng mặt lạnh:

- Hai bao mà sao cô đóng tiền có một bao"

Hớt hãi cô nhìn trước nhìn sau rồi nói như mếu:

- Chỉ có một bao mà anh.

Tôi chỉ cái bụng:

- Hai bao rõ ràng. Bao trước, bao sau.

Lúc này cô ta mới hiểu ra. Cô cười rạng rỡ:

- Cái anh này quỷ. Phá em hoài. Làm hết hồn.

Tôi đưa lại phiếu mùn cưa cho cô và dặn rằng:

- Giữ phiếu mùn cưa này để mai hốt thêm một bao nữa rồi mới đưa cho ổng.

- Lỡ ổng nói cái phiếu này quá hạn rồi thì sao"

- Nói là anh bảo cái phiếu này vẫn còn giá trị.

- Mừng quá! Cám ơn anh nghen!

- Không có chi! Nhớ bán xong bao mùn cưa thì để dành tiền mua sữa cho con, chớ đừng đưa cho ông xã nó uống rượu hết đó.

- Dạ!

Nói thì nói thế, chớ tôi biết làm bể kế hoạch sanh đẻ thì cô ta làm gì được cấp tem phiếu để mua sữa cho con, còn mua ở ngoài thì hốt bao nhiêu bao mùn cưa mới mua đủ một lon sữa giá chợ đen. Đó là thực trạng ưu việt của thiên đường xã hội chủ nghĩa thời bao cấp. Nhưng tôi nghĩ lại trời sanh voi thì sanh cỏ, chỉ nhìn bộ ngực thì tôi cũng biết sữa cơ hữu của cô dư sức cung cấp cho con.

Thấm thoát mấy năm cơ cực trôi, chúng tôi được đi Mỹ định cư theo diện HO. Ông Hùm xám đi sau tôi một năm và định cư tại miền Cali nắng ấm chan hoà. Gặp được lại bạn bè chiến hữu, nhận được mọi trợ cấp của một người ti nạn và nhất là được tự do kể lại những tung hoành ngang dọc một thời của hùm xám Khánh Hòa, cho nên lá thư đầu tiên ông gởi cho tôi sau khi kể đủ mọi chuyện với niềm sảng khoái, tự mãn và câu cuối cùng vẫn là:

- Sướng quá con ơi!

Vâng! Giờ đây ông mới thật sự sung sướng vì ông ví như con hùm đã được tự do trở về với oai linh rừng thẳm.

Lê Văn Nãi

Ý kiến bạn đọc
24/05/201104:26:03
Khách
good
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,602,038
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.