Hôm nay,  

Chân Dung Nhà Báo Hồ Phan

05/04/201100:00:00(Xem: 119608)

Chân Dung Nhà Báo Hồ Phan

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh

Bài số 3158-28458 vb3040511

Trong năm 2009, truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về cuộc hành trình 2,600 dặm xuyên nước Mỹ của Nguyễn Thơ Sinh, một cựu chiến binh hai dòng máu Việt-Mỹ. Với tự truyện về người đi bộ, kể về cuộc đời của anh, Sinh nhận giải Vinh danh Tác Giả tại cuộc họp mặt 10 năm Viết Về Nước Mỹ 2000-2010. Hiện Nguyễn Thơ Sinh là cư dân Fort Worth và làm việc tại Sở Cung Cấp Nước của thành phố. Bài viết mới của anh kể về nhà báo Hồ Phan tại Dallas, một tác giả thân quen của Viết Về Nước Mỹ.

***

Có những người ta gặp nhiều lần trong đời, tưởng là sẽ nhớ mãi, nhưng chỉ cần xa cách nhau dăm tháng, câu nói “Xa mặt cách lòng” nghiễm nhiên hoàn toàn đúng. Ngược lại có những người ta chỉ gặp đâu đó đôi ba lần, song hình ảnh và ký ức về họ cứ đọng mãi trong tâm tưởng. Với riêng tôi, nhà báo Hồ Phan là người nằm trong trường hợp thứ hai. Tôi không gặp anh nhiều lần, nhưng đủ để mỗi lần tri ân về những điều may mắn trong cuộc sống, tôi đã nghĩ ngay đến anh.

Tôi biết anh qua sự tình cờ khi thực hiện chuyến đi bộ xuyên lục địa Shore to Shore: A Walk Across America to Honor Those Who Serve! (Bờ Liền Bờ) năm ngoái. Khi tôi đi gần về đến Dallas, lúc đó nhà báo Hồ Phan cộng tác với Báo Trẻ của anh Nhật Hoàng và anh Ðinh Yên Thảo; tôi thật bất ngờ anh đã nhiệt tình ngoài sự tưởng tượng của tôi trong việc phụ trách phần đưa tin. Khi gặp anh, gần như từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, chân dung nhà báo Hồ Phan đã theo tôi suốt những bước chân của nửa cuộc hành trình vạn dặm còn lại.

Tôi không hề nghĩ rằng mình quý nhà báo Hồ Phan vì anh phụ trách đưa tin về cuộc đi bộ của tôi. Tôi không nghĩ mình yêu thích anh vì hai chúng tôi thường xuyên trao đổi những câu chuyện xảy ra chung quanh chuyến đi Bờ Liền Bờ. Tôi quý anh vì nhiều lẽ. Trong đó sự quan tâm thật tình của anh là nét đẹp khiến tôi cảm động mãi. Ví dụ như mỗi khi điện thoại của tôi có tín hiệu, tôi vội gọi cho anh. Gần như mỗi lần chuông đổ, cuộc đối thoại giữa tôi và anh thường là:

- Anh Phan ơi, em nè.

- Sinh hả. Cặp giò của chú mày bây giờ ra sao rồi!

- Dạ. Chân em ngon lành lắm.

- Ði có còn đau lắm không" Có còn bị phồng rộp nữa không"

- Dạ bớt nhiều rồi. Không vậy em đâu có đi được, anh Phan.

- Làm gì thì làm, không có đôi chân là không đi xa được đâu. Cẩn thận đó.

- Dạ em biết rồi.

- Hổm rày có chuyện gì hay không, Sinh"

- Dạ… mấy hôm nay em gặp chuyện hay lắm…

Sau đó tôi kể lại những gì tôi đã trải qua kể từ lần sau cùng tôi được trò chuyện với anh. Mục đích để anh có thông tin để chia sẻ với bà con đồng hương đang theo dõi cuộc đi bộ của tôi. Có thể nói những tháng ngày tôi rong ruổi trên đường với anh bạn David Dominguez (người bạn tài xế đã tháp tùng với tôi trong suốt chuyến đi), nhà báo Hồ Phan là nhịp cầu nối liền giữa sứ mệnh mà tôi tự nguyện với bà con đồng hương có thiện cảm cũng như đã tận tình giành cho tôi bao điều ưu ái. Ðiều khiến tôi bất ngờ là David tỏ ra quý anh một cách đặc biệt. David gọi nhà báo Hồ Phan bằng một cái tên thật dễ thương: The chubby guy. 

Thực ra tôi không muốn nói nhiều về con người Hồ Phan với những liên hệ với chuyến đi xuyên lục địa Bờ Liền Bờ. Tôi muốn viết về anh như một nhà báo thuần túy, một người anh tinh thần, một người Việt đồng hương sống trên đất Mỹ mà tôi may mắn hân hạnh được gặp gỡ. Thật tiếc, tôi không có nhiều cơ hội biết về anh từ những sinh hoạt đời thường. Vì vậy tôi chỉ biết gom nhặt những mảnh ký ức tình cảm anh đã giành cho tôi; nâng niu và sắp xếp chúng để chân dung của nhà báo Hồ Phan hiện lên một cách trung thực, tự nhiên nhất.

Ở đời, có những điều tế nhị, đặc biệt là những nét đẹp tình cảm con người, chúng ta thường dễ nhận diện một cách khá rõ nét về sự chân thật hay giả dối. Tôi trộm nghĩ nếu có ai đó hòa cho ta một cốc nước chanh, kẹp cho ta một chiếc bánh nhân thịt, hoặc một cái bắt tay, hoặc một nụ cười… Khi họ làm và làm có thiện ý có hay không, chúng ta sẽ dễ biết và biết rất rõ. Sự tinh tế của con người trong nhiều trường hợp rất chính xác khi chúng ta nhận được những tấm lòng nhân hậu.

Hồ Phan cũng vậy, anh là mẫu người nếu như đã hòa cốc nước chanh thì hòa bằng tấm lòng rộng rãi, nếu kẹp chiếc bánh nhân thịt thì kẹp bằng tâm hồn thành thật, một cái bắt tay của tình cảm thiện chí, và nụ cười của cảm xúc ấm áp chân thành. Những điều này nơi Hồ Phan tôi cảm nghiệm được bằng những kênh giác quan không thể nhầm lẫn được.

Khi nghĩ về Hồ Phan, tôi thường nghĩ về những số báo của tờ Báo Trẻ mà anh đã giành dụm thật kỹ xếp đầy một góc garage chờ tôi về trao tận tay cho tôi. Anh nói: Ðể giành cho chú mày sau này có muốn làm quà cho ai thì có sẵn. Tôi nhớ đến một Hồ Phan luôn chia sẻ những cảm xúc quan tâm của anh về tôi, về sự an toàn của đứa em tinh thần. Anh luôn chia sẻ suy nghĩ của anh với những người khác. Có đêm anh thức rất khuya để nói chuyện với Mom Khúc Minh Thơ về thằng em đang rong ruổi giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh không hề nói với tôi nhưng Mom Khúc Minh Thơ đã kể lại. Tôi nhớ về một Hồ Phan luôn háo hức tạo cơ hội để tôi gặp gỡ các bậc tiền bối như Nhà thơ Phạm Cây Trâm (Arlington), nhà văn Phan Xuân Sinh (Houston), Nhà văn Nhã Ca và Nhà thơ Trần Dạ Từ (Orange County), Nhiếp ảnh gia Minh Ðoàn (Atlanta)… Gần như anh làm điều đó vì anh thật tâm muốn chia sẻ những điều anh quý mến, trong đó có cả những con người anh thương yêu và kính trọng. Tôi quý một Hồ Phan đã dặn dò vợ thật kỹ ủi cho tôi một bộ complé với caravate hẳn hoi cho bữa cơm cảm ơn đồng hương của tôi. Có lẽ anh đã nghĩ: Cái thằng ngó bộ lớn rồi ăn mặc buông tuồng.

Rồi dù cho bận rộn cách mấy, ngày tôi bước xuống bãi biển của thành phố Ocean Beach (gần San Diego), anh đã thu xếp cùng với chị Ðại Thy (Ðài Truyền hình STBN Dallas) bay sang California để chia vui với tôi. Hầu như gặp ai có tình cảm với tôi, anh đều cảm ơn họ thay tôi, tuồng như anh quan tâm đến tôi, đến công việc tôi làm; như thể tôi là đứa em của anh, hoặc thậm chí anh coi việc của tôi như chính việc của anh vậy. Nhớ lần Phóng viên Thủy Phan đến Dallas làm phóng sự giữa tôi và David Dominguez trong chuyến đi xuyên lục địa, anh đã thay tôi tiếp đãi cô ấy rất chu đáo, gần như Thủy Phan là người em gái xa lâu ngày gặp lại của anh vậy. Những tình cảm đó đã giúp tôi tin rằng đã đủ để dù chỉ gặp một Hồ Phan dăm lần nhưng đủ ấn tượng để nhớ mãi. Anh khiến tôi nhớ mãi về sự ân cần đến độ tỉ mỉ, thứ tình thương ấm áp của người Việt, bao giờ cũng nồng nàn đôn hậu.

Rồi tìm hiểu về anh kỹ hơn, tôi cảm phục ngòi bút của anh – Một nhà báo viết bởi sự mộc mạc chân tình. Ðộc giả sống ở Mỹ đọc Báo Trẻ và báo Bút Việt không lạ gì với những bài viết của anh. Hồ Phan viết bằng cảm nghiệm của một người có những cái nhìn xuyên thấu. Nơi anh những hạt giống tánh thiện nơi con người luôn được đề cao. Với anh sự thông cảm luôn quán xuyến những mạch suy tưởng. Tại những buổi ngồi đàm đạo, trà dư tửu hậu, quan niệm sống và quan điểm của Hồ Phan không hề gay gắt. Anh luôn trân quý mọi hoàn cảnh và có cái nhìn trưởng thành về những điều tế nhị vốn luôn cám dỗ con người ta trong những kết luận vội vã, một chiều. Hồ Phan khó với mình nhưng rộng rãi và hiền hòa với người khác.

Khuôn mặt nhà báo Hồ Phan thoạt nhìn khá nghiêm lạnh buổi đầu, nhưng nụ cười của anh sớm xóa tan đi những khoảng cách. Con người Hồ Phan cũng giống văn phong của anh. Sự nhiệt tình toát lên một cách tự nhiên chân thành. Anh không phải gồng người để tạo ra bất cứ một phong thái hình thức bên ngoài nào cả. Anh là anh. Hồ Phan là Hồ Phan. Có sao nói vậy. Rổn rảng và bạch thoại. Ở con người anh và trong văn của anh, người ta nhận được sự mộc mạc như bát cơm thường của mẹ nấu nhưng chan hòa hương vị, người ta đọc thấy nơi văn của anh hương thơm của hoa bưởi, của lá hương nhu, của âm thanh tiếng võng đong đưa kẽo kẹt… Tựu trung lại đó là những điều rất gần gũi, rất thân thuộc với đời sống bình thường.

Từ khi biết nhà báo Hồ Phan, tôi thấy anh luôn có mặt khắp nơi tại những buổi sinh hoạt cộng đồng. Là phó nháy, những tấm ảnh của anh chụp luôn mang đầy tính thời sự lẫn chứa đựng những tính năng giáo dục. Anh góp phần đưa tin và chia sẻ mọi sinh hoạt của cộng đồng nhanh và chính xác. Anh làm việc bằng tinh thần xông xáo của một người trót mang nhiều nặng nợ với nghiệp làm báo.

Viết về anh, tôi chợt nhớ các cụ ta có câu: Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng. Hồ Phan nhiệt thành với công việc, tận tụy với trách nhiệm được giao gần như ngoài sức tưởng tượng của tôi. Anh cần mẫn, chịu thương chịu khó, gần như là một “phu chữ, phu ảnh” với nghiệp báo, quên luôn cả chuyện người ta nghĩ về anh như thế nào, nhất là sự nhiệt tình đôi khi gần như thật khó hiểu, khó hình dung. 

Những lúc nhàn đàm bên chung trà, chén rượu, anh thường kể chuyện tiếu lâm cho mọi người nghe. Tiếng cười vỡ òa. Người ta có cảm giác bàn tiệc có mặt anh sẽ nhộn nhịp hơn, tưng bừng hơn. Hồ Phan không đa tài một cách ồn ào. Anh thường lặng lẽ. Tuy nhiên nét khôi hài là một vốn quý bẩm sinh nơi anh. Nụ cười sảng khoái của Hồ Phan rất dễ lây lan. Tâm hồn anh là vậy. Hòa nhã và bình dị.

Tuy nhiên nói về nhà báo Hồ Phan, thiết nghĩ ta không thể không nói về sự hy sinh lặng thầm của người vợ hiền. Vâng. Nhà báo Hồ Phan thật may mắn có một người vợ đã tạo mọi điều kiện để anh có thể “vác tù và hàng tổng.” Các cụ ta vẫn dạy: “Có thực mới vực được đạo.” Nếu không có sự kiên nhẫn, cùng với sự thông cảm vượt quá giới cảnh thông thường, sự hy sinh cao cả trong thầm lặng của chị, chúng ta không thể có một nhà báo Hồ Phan được.

Có lẽ tôi là người may mắn đã được gặp gỡ anh. Hồ Phan dạy tôi nhiều điều, nhiều lẽ. Trong đó bài học tình cảm con người là bài học lắng sâu đáng quý nhất.

Người Tây có câu: Hãy giới thiệu bạn của anh cho tôi biết, sau đó tôi sẽ nói về anh. Hoặc có người đã nói: Sống ở trên đời, có được dăm người bạn tốt kể cũng đáng sống một đời. Với tôi, được biết Hồ Phan và được quý mến anh, đó là điều mà trước khi thực hiện chuyến đi bộ Bờ Liền Bờ tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. 

Có những người ta gặp nhiều lần trong đời nhưng khi xa mặt sẽ cách lòng. Có những người ta gặp chỉ đôi lần nhưng ấn tượng bền chặt sẽ đi theo ta mãi mãi. Ðọc văn Hồ Phan người ta quý mến anh. Nhưng khi gặp gỡ Hồ Phan, anh sẽ để lại trong tâm tưởng bạn bè xa gần thứ tình cảm chân thành ấy.

Ðược gặp gỡ anh, hiểu về anh, dù không liên lạc thường xuyên, với tôi, tự thân điều đó đã trở thành một món quà thật ý nghĩa; thật đáng quý và đáng giữ trong lòng.

Nguyễn Thơ Sinh

Ý kiến bạn đọc
06/04/201102:31:42
Khách
Cám ơn Nguyễn Thơ Sinh
Tôi cũng rất thích giọng văn của nhà báo Hồ Phan
06/04/201101:24:37
Khách
Toi da doc tat ca cac bai viet cua tac gai Nguyen Tho Sinh , nhung chua bao gio duoc gap tac gai. Nhung van la nguoi va toi tham nghi Nguyen Tho sinh cung la mot Ho Phan vay. ( xin loi toi khong biet danh may tieng Viet. Gia roi khong hoc duoc nua)
06/04/201100:14:39
Khách
Rất thật!
06/04/201116:45:49
Khách
cam dong lam
11/04/201101:01:44
Khách
Được đọc bài viết của anh, rất thật và cảm động. Đúng là sống ở trên đời, có được dăm ba người bạn tốt thật là đáng sống. Anh thật là may mắn khi có những người bạn tốt như thế. Thân mến.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,994,411
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến