Hôm nay,  

Bay Vào Tình Sử

01/04/201100:00:00(Xem: 137422)
Bay Vào Tình Sử

Tác giả: Phương Toàn
Bài số 3154-28454 vb6040111

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Cựu thợ lái máy bay chuồn chuồn ở Căn Cứ KQ Phù Cát - Bình Định, cựu tù chính trị, đến Mỹ từ 1980, hiện an cư lạc nghiệp tại Garden City, Kansas. Ông đã góp một số bài đặc biệt và nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ từ mấy năm trước. Bài mới mở đầu Tháng Tư năm nay của ông là hồi ký chuyện tình lỡ vì chuyện Tháng Tư 36 năm trước. Bài viết được rào đón như sau: Vì lý do tế nhị, tác giả xin dấu tên nhân vật và địa danh để " khỏi làm phiền lòng người hàng xóm đang cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi.

***

Biệt phái cho tiểu khu, tôi được lệnh đáp tại bãi đáp ven biển, gần những hàng dương đang reo vi vu trong gió. Phái đoàn gồm một sĩ quan cấp tá và một cô bé khoảng mười sáu tuổi trông rất dễ thương, đến bằng một chiếc xe Jeep sơn màu trắng dân sự. Anh Thiếu úy phi công đồng hành, với bộ đồ bay đen, chiếc khăn quàng cổ màu tím trông dáng vẻ thư sinh rất ga lăng, nháy mắt với tôi, ra vẻ xí phần, ngầm nói rằng: Của tui à nha.
Một lúc sau, quan đầu tỉnh tới với toàn bộ giàn giá: Sĩ quan tham mưu, cận vệ ....mọi người đều võ trang đến tận răng, ra lệnh cho phi cơ cất cánh bay lên quận lỵ địa đầu ranh giới của tỉnh. Anh Thiếu úy phi công quay qua phía tôi nói:
- Ông để tôi.
Anh ta cho máy bay cất cánh và bốc tít lên mãi trời xanh. Vào thời điểm này, không còn cảnh lè phè bay sát ngọn dừa để ngắm mấy em tắm lộ thiên nữa, nhưng tôi tự hỏi hà cớ gì mà phải bay cao lên đến đỉnh trời như vậy. Thây kệ, tôi ngả người ra lưng ghế, gác chân lên cánh cửa để enjoy một phi vụ có người đẹp đi cùng.
Đang thả hồn theo mây gió, tự nhiên tôi cảm thấy như mình bị mất trọng lực, ngó ra ngoài cửa, chỉ thấy thấp thoáng Nam tào Bắc đẩu gì đó, chứ không thấy cảnh vật dưới đất nữa, hóa ra ngài Thiếu úy đang biểu diễn màn "xoáy trôn ốc" từ cao độ tám ngàn bộ, ngài cúp ga để đáp xuống cái đồn nhỏ xíu.
Thiếu úy bay hay thật, chiếc UH 1 lọt vào bãi đáp đẹp như để. Bộ chỉ huy chạy ra chiếc Jeep lùn đón phái đoàn vào trong, anh Thiếu úy nói vội: Ông tắt máy giùm tôi, rồi phóng xuống kè theo em bé và phái đoàn vào trong Bộ chỉ huy.
Tôi tắt máy, chờ Cơ phi cột cánh quạt xong, nhìn vào phía chiếc xe Jeep hồi nãy, đám sĩ quan Bộ binh đã vào hết trong hầm chỉ huy, chiếc xe đậu bên ụ bao cát chỉ còn cô bé ngồi ở ghế trước, anh Thiếu úy thì đứng dưới đất, một chân gác lên vè bánh xe, đang nói chuyện gì đó.
Anh Cơ phi cũng tò mò theo dõi hoạt cảnh trước mặt, bỗng anh lên tiếng:
- Em bé nói gì mà Thiếu úy mặt sượng trân hà Trung úy.
( Khoảng cách cỡ 45 thước không hiểu sao anh Cơ phi nhận ra khuôn mặt sượng trân).
Thấy vậy, tôi và hai anh Cơ phi, Xạ thủ rời máy bay bước về hướng chiếc xe để cứu bồ. Đến nơi, cũng đúng lúc Chi khu cho người đem nước ra mời Phi hành đoàn, tôi đón lấy chai coke đưa cho cô bé và nói:
- Mời cô dùng nước.
Cô bé cầm chai nước, cám ơn. Thiếu úy hào hoa nhân cơ hội này rút lui, Cơ phi Xạ thủ nháy mắt với nhau dọt luôn để tôi một mình với cô bé.
Tưởng cô là con của một thương gia nào đó, xin quá giang máy bay về quê, như tôi thường thấy ở những vùng bất an ninh, đường bộ hay bị giật mìn. Tôi hỏi:
- Nhà cô ở đâu, bộ không sợ súng đạn hay sao mà theo ra đây.
- Dạ ở thị xã, ba mới đổi ra đây, nay đi thăm quan các quận, cháu đòi đi theo.
Thì ra đây là cô gái rượu của quan đầu tỉnh, tôi phải ăn nói cẩn thận hơn.
- Cô ra đây lâu chưa, học ở đâu"
- Dạ cháu học ở N. C. L. mà này, chút nữa chú bay được không" Hồi nãy chú kia bay làm cháu muốn ói.
- Sao cô biết hồi nãy chú kia bay"
- Tại cháu thấy chú gác chân lên cửa.
- Chút nữa mình đi đâu"
- Ba nói đi qua quận kế.
- Ừ, chút nữa chú bay.
. . .

Máy bay đáp xuống Chi khu kế cận, phái đoàn được mời dùng cơm tại đây .
Trong bữa tiệc, quan đầu tỉnh được xếp ngồi ở ghế đầu bàn, bên phải là ông Quận trưởng chủ nhà, bên trái là ông Phó tỉnh nội an. Kế bên Phó tỉnh là cô bé, phía bên này đối diện, kế bên ông Quận trưởng là tôi, vô tình tôi lại được xếp ngồi đối diện với cô bé.
( Cấp bậc tôi nhỏ nhất so với các sĩ quan Bộ binh dự tiệc, nhưng vì cao nhất của quân chủng Không quân, nên họ tế nhị xếp chỗ cao hơn những sĩ quan cấp tá khác)
Cơm trưa xong, mấy vị trong phái đoàn bàn những chuyện trách nhiệm riêng của họ, tôi cảm thấy lạc lõng nên đứng lên ra vườn ngoạn cảnh. Nhìn lại cũng thấy cô bé đi theo, chúng tôi ra vườn sau dinh quận để xem vườn cây, suối cá nhân tạo ...
Ông Trung sĩ quản gia tự hào giới thiệu những kỳ hoa dị thảo mà ông đã dày công vun trồng, trong đó có một cây ổi dị dạng, ra được ba trái rất lớn. Ông nói:
- Thiếu tá Quận trưởng thích lắm, ngày nào cũng ra ngắm mấy trái ổi, nâng niu như qủa đào tiên.
Tôi ngó qua, thấy cô bé đứng bên cạnh, máu si tình nổi lên, bèn tưởng mình là Roméo đứng bên cạnh Juliette, liền bứt một trái ổi lớn nhất đưa cho cô.
Ông Trung sĩ thấy vây hồn phi phách lạc:
- Chết tôi rồi ông phi công ơi, ba trái ổi ông quận quí như vàng mà ông dám hái.
Tôi thấy mình cũng ngu quá, hình như gần người đẹp, trí óc tôi lú lẫn hay sao đó. Nhưng trời còn thương, tôi nghĩ được một kế, liền bảo cô bé:
- K.H. đem vào cho ba coi đi.
Cô bé ôm trái ổi bước vào phòng mọi người đang họp, nói lớn:
- Ba, trái ổi ngoài vườn lớn quá. Vừa nói, cô vừa đưa quả ổi cho quan đầu tỉnh, vị này cũng công nhận và khen là qủa ổi lớn thật.
Bây giờ lại tới phiên mặt ông Quận trưởng xanh lè, tuy nhiên, ông cao tay ấn hơn ông Trung sĩ quản gia, ông bèn hối quần thần tả hữu đem trái ổi ra sau xẻ ra cho ông đãi khách. Cuối cùng tôi cũng được chia một phần nhỏ của qủa ổi đào tiên.
Ông Trung sĩ thoát nạn, nhưng cứ lắc đầu lẩm bẩm: Phi công liều quá, phi công liều quá.
Hai đứa chúng tôi lững thững đi dạo quanh khu vườn, cứ như đôi nhân tình quen nhau từ kiếp trước.

Sau một hồi chú, chú, cháu, cháu, tôi gạ:
- Mai mốt vô phi trường chỗ chú ở chơi.
- Không được đâu, ba đâu có cho, đi đâu cũng phải có mấy chú cận vệ đi theo.
Tôi thấy chuyện gạ gẫm này sẽ đi vào ngõ cụt ,nhưng cũng cố đưa cho em bé số điện thoại trên cư xá độc thân.
............
Một tuần sau, chuông điện thoại hành lang của barrack độc thân reo vang, thím Tư Nãi bốc điện thoại nghe rồi la lớn:
- Chaplain, có điện thoại.
- Phòng Hành quân hả, hôm nay tao off.
- Không phải, ghế gọi chứ không phải phòng trực Phi đoàn.
Tôi ngạc nhiên vì không hiểu ai lại biết số điện thoại ở đây mà gọi, nhưng tính dê không chừa, mỗi khi có dính dáng gì tới con gái là lăn vào lửa tôi cũng không chừa xá gì ra nghe điện thoai.
Bên kia đầu giây, giọng con gái thật dễ thương:
- Chú hả" Cháu đây, K.H. đây.
Tim tôi đập loạn xạ, tựa như đang bay vào Đồi Gió An Lộc năm nào. Thú thật bây giờ tôi chẳng còn nhớ hồi đó mình nhả ngọc phun châu như thế nào, chỉ biết rằng sau đó, "cháu" gọi thường xuyên, có khi nói chuyện cả nửa giờ, nhưng cũng có khi mới được mấy phút thì đầu giây kia hoảng hốt:
- Chết, em cúp nha, ba vô (Cũng chẳng biết từ Chú Cháu sang Anh Em hồi nào nữa).
Một bữa nọ, tôi hứa là sẽ gặp nàng ở cổng trường lúc tan học, vào những ngày tôi không bay. Sáng sớm, tôi xuống phi đoàn quá giang chiếc biệt phái cho Tiểu khu, rồi lội bộ đến cổng trường ngồi chờ giờ tan học để được nói hươu nói vượn với nàng được vài câu, trước khi em lên xe về lại dinh.
Tôi nhận diện được mặt hai anh cận vệ thường xuất hiện ở trường gần giờ tan học. Một hôm tôi chơi khăm, lúc ngồi ở quán sinh tố ngoắc một anh đứng sớ rớ gần đó . Anh ta biết mặt tôi những lần bay cho Tiểu khu nhưng không hề biết sự liên hệ Chú Cháu giữa tôi và K. H. Tôi bắt chuyện:
- Đón con đi học hả"
- Dạ không, ngày nghỉ ra đây chơi.
- Ngồi uống nước, nói dóc chơi.
- Dạ.
Ly sinh tố uống chưa được một phần thì chuông tan trường reo vang. Anh Trung sĩ nhổm dậy, xin phép đi có chuyện cần, tôi nắm tay anh ta kéo lại, anh vội giật ra rồi vội vã ra góc đường chỗ mọi ngày anh vẫn đứng. Ngay lúc đó, gần cổng chính của trường, một chiếc xe Jeep trắng cũng vừa trờ tới. K. H. thanh khiết với chiếc áo dài trắng bước ra, nói nhỏ với bác tài xế rồi vụt qua đường với tôi, trước sự ngạc nhiên của anh cận vệ. Từ đó về sau, tôi và anh này " bồ " với nhau rất thân.
Một ngày tháng ba 1975, đang ngủ nướng buổi sáng, lại cũng giọng Thím Tư Nãi vang vang:
- Chaplain, có điện thoại ghệ gọi.
Tôi bung mền nhảy ra hành lang nghe điện thoại, đầu giây bên kia, "Cháu" có vẻ khẩn trương:
- Anh ra đây ngay được không"
Tôi ngạc nhiên với thái độ khẩn khoản đó, hứa bừa:
- Ừ, anh ra ngay.
Bỏ mẹ rồi, làm sao mà tôi ra thị xã ngay bây giờ được.
Phóng vội xuống Phi đoàn, tôi hỏi Sĩ quan trực:
- Mấy chiếc Tiểu khu và Sư đoàn cất cánh chưa"
- Tiểu khu nay không có, Sư đoàn chưa thấy cất cánh.
Tôi vọt ra phi đạo, may quá, chiếc biệt phái cho Sư đoàn chuẩn bị cất cánh.
- Ê, cho quá giang ra phố chút.
Trưởng phi cơ thắc mắc:
- Hẹn đào hả"
- Ừ, làm ơn đi, mai trả chầu hột gà ốp la quán Thượng sĩ Khoa.
Chiếc UH thả tôi xuống bãi đáp Tiểu khu rồi vội vã bốc lên như sợ có ai thấy mình vừa làm điều gì phi pháp. Đang phân vân, không biết phải làm gì thì anh Trung sĩ cận vệ xuất hiện, đưa cho tôi một mảnh giấy viết vội: "Em và gia đình phải chuẩn bị ra phi trường để về Saigon ngay, ba nói tình hình nguy ngập lắm. Nhận được thơ này, anh trở về phi trường ngay, đừng lang thang ngoài phố nữa. Nếu có về Saigon đến kiếm em ở Cư xá Sĩ quan Chí Hòa, nhà em số xyz......"
Tôi lang thang ngoài phố đến ba giờ chiều thì đón xe về lại phi trường, trong lòng trống vắng khôn tả.
Ba hôm sau, chiếc biệt phái Tiểu khu đưa về cho tôi một phong thư gián kín, nói là do một ông Trung sĩ nhờ chuyển, tôi bóc vội ra đọc: ..........Em đã dặn anh là phải về ngay phi trường, vậy mà anh cũng không nghe, máy bay em đi mãi mười hai giờ mới cất cánh, em gọi về Phi đoàn anh không biết là bao nhiêu lần, họ vẫn nói là anh chưa về. Em buồn quá, không hiểu tình thế này rồi mình có gặp được nhau không, nhớ có về Saigon thì đến nhà em ở địa chỉ trong thơ ......
Phi trường di tản, tôi về Saigon, tìm đến nhà K. H. ở Cư xá Sĩ quan Chí hòa hai lần, lần nào trước cửa cũng thấy mấy chiếc xe Jeep đậu, người đứng chung quanh toàn là sĩ quan cao cấp trong quân đội, tôi không dám bước vào. Sau 30-4 cư xá không còn được ra vào tự do nữa.
. . .

Trại giam Tù binh Phú quốc 1976:
Tù Cải tạo bị đưa từ đất liền ra nhốt ở trại giam tù binh cũ đúng vào ngày 30 Tết.
Nguyễn văn Hóa, Phó đốc sự Hành chánh, có biệt tài chế lại những bài hát " cách mạng", chẳng hạn như bài: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, anh ta hạ một nửa tông nhạc xuống, khi đánh đàn hoặc hát lên nghe như người chết đói thều thào hát; hoặc như bản nhạc được máy hát dĩa ngày xưa hát khi hết giây thiều. Anh kể chuyện nhiều về thành phố mà tôi đã có nhiều kỷ niệm khi xưa.
Tôi hỏi:
- Ông Hóa, ông ở tỉnh đó nhiều, có biết Đại tá XZY tỉnh trưởng không"
- Chú tao mà sao lại không biết.
Tim tôi lại nhói mạnh một lần nữa.
- Gia đình ông ta ra sao rồi"
- Nghe nói con cháu cặp với một thằng phi công trực thăng, nhà cứ mong nó đến để bàn chuyện bốc gia đình di tản, mong hoài mà không thấy tăm hơi anh chàng đâu, không biêt có di tản được hay lại hay lại rớt mất xác ở đâu rồi. Cũng may, cuối cùng móc nối được một chỗ khác, cả gia đình thoát được, nghe nói Pháp nhận cho định cư rồi.
Tôi thở một hơi dài, lặng đi một lúc rồi nói:
- May quá nhỉ.
Thực ra tôi chỉ muốn nói: Thằng phi công đó vì quá ngu nên không di tản, cũng chưa chết mất xác mà nó đang mặc bộ đồ rách te tua ngồi cạnh ông đây!

(Viết để nhớ lại một mảnh tình thời bay bổng với K.H. vẫn mãi ghi nhớ trong lòng.)

PHƯƠNG TOÀN

Ý kiến bạn đọc
11/11/201817:20:56
Khách
Tình đẹp thì nhớ hoài phải không anh? Như mình đi câu kéo được cá to vào bờ mà chỉ một cái quẩy đuôi là chỉ còn vài bong bóng nước , nhưng bù lại anh câu được con khác rồi đó! Viết bài khác đi anh, mong.
10/06/201121:02:43
Khách
BAI RAT HAY
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,462
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.