Hôm nay,  

Tôi Học Lấy Bằng Nail

22/03/201100:00:00(Xem: 44613)

Tôi Học Lấy Bằng Nail

Tác giả: Phương Nam

Bài số 3145-28445 vb3032211

Tác giả tên thật Phạm Thu Ly, cùng gia đình định cư tại Mỹ từ 1994, hiện là cư dân Santa Ana, cho biết “nhờ đọc được những lời khuyến khích chân tình từ bác Trùng Quang nơi trang Viết Về Nước Mỹ, tôi mạnh dạn gởi bài viết đầu tiên này.”

Bài viết của tác giả này tình tiết đều là sự thật, chỉ có tên nhân vật là đổi khác. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

ào

Thu tròn mắt nhìn con, chị cười ngặt nghẽo...Trời đất, mẹ già chừng này rồi, học sao vô" Mà tỷ như có cái license ai mà chịu nhận mẹ chứ" Mẹ quá “đát” rồi! Chưa sáu bó, già đâu mà già, có cái bằng rồi mẹ lên tiệm phụ với chị Hai, đâu cần đi làm cho ai, mẹ lanh lẹ lại khéo tay, làm được sao không. Học nha, con đóng học phí cho, mẹ đừng có lo…Thu cười, chị nhìn con lòng tràn đầy yêu thương. Cô ngồi sát lại ôm vai mẹ thủ thỉ tiếp: - Mẹ ơi, không còn bao lâu nữa tụi con làm đám cưới rồi, nghĩ nữa xa mẹ…con buồn quá! Đang vui, mắt Thu chợt long lanh ngấn nước.

Cả đêm qua, Thu không tài nào chợp mắt được, bên tai cứ nghe văng vẳng lời tâm sự của con gái. Hình ảnh con nửa vui, nửa buồn tỉ tê bên mẹ, chị thấy se thắt cả lòng! Rồi chị lại nghĩ: Phải rồi, mình cứ quanh quẩn trong nhà hoài, cứ hết ở sân trước rồi ra vườn sau, quét quét dọn dọn, rồi chôn chân ở góc bếp mãi cũng thấy buồn quá, thấy tội cho mình quá, vã lại cũng không còn gần con được bao lâu nữa, mai mốt nó theo chồng về ở luôn bên đó, thời gian mẹ con gần gũi như lâu nay cũng đâu còn nhiều; muốn con vui thôi thì nghe lời con đề nghị .Hơn nữa con gái lớn đang coi tiệm nails, nếu chị có cái bằng thì những ngày tiệm đông khách, chị có thể giúp con để khách không bỏ đi. Suy đi nghĩ lại Thu thấy con nói cũng có lý, chỉ có điều hơi lo lo là liệu chị có học nghề này được hay không"

Đầu tuần sau mẹ con chở nhau đến một trường gần nhà ghi danh, chị học nails, con gái học facial, chọn lớp từ 5.00 pm đến 9.00 pm mỗi chiều từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy học buổi sáng từ 9.00 am đến 6.00 pm. Thầy dạy là một người trung niên, cao vừa tầm, dáng vẻ hiền lành. Chị chào làm quen:- Chào thầy, tôi tên Thu, tôi mới ghi danh hôm nay. Bằng chất giọng người miền Bắc, thầy nhẹ nhàng mà hóm hĩnh: - Chào chị học trò mới, tôi tên là Đạt.- Thầy ơi, có lẽ tôi là người học trò già nhất lớp của thầy" Thầy cười hiền hòa - Có lẽ vậy chị ạ. Nghe thầy và mẹ đối đáp con gái chị cũng bật cười:-Thưa thầy con tên Thư, xin học lớp facical.-Ồ, vậy sao…Chào Thư. Mẹ tên Thu con tên Thư, hay quá…

Thế là hai mẹ con học chung ông thầy, Thu làm quen các bạn, tuy goi các bạn nhưng nhìn một lượt thấy ai cũng còn rất trẻ, chỉ có chị là người nhiều tuổi nhất. Một cô bé ngồi kế bên, nhìn chị cười cười hỏi nhỏ- Cô ơi ở nhà có chú lo, cô học chi cho cực vậy" - Cám ơn cháu, cô chỉ là muốn đi với con cô cho vui thôi.

Thầy đề nghị Thu mua cuốn Nails 900 làm tài liệu học. Vì vào lớp trễ những 3 tuần nên thầy có ý muốn giúp để chị theo kịp bài.Thật sự mà nói chị cũng thấy có nhiều khó khăn, cho nên sau những bữa ăn vội vàng, chị không la cà trò chuyện như các bạn trẻ, mà cứ dán mắt chúi mũi vào tập sách. Thấy Thu siêng và lo học, thầy hay đến bên chỉ thêm cho chị và chị cũng mạnh dạn hỏi thầy đủ thứ, còn nhờ thầy giảng cho những câu mà chị mù tịt chẳng hiểu chi!.Thầy từ tốn giải thích cặn kẽ như có vẻ rất muốn học viên hỏi cho thật nhiều để có dịp thầy lên tiếng chứ nếu không thầy sẽ rất giống ông bụt, Thu nghĩ thế.

Tập sách NAILS 900 có tiếng Việt một bên, English một bên; gồm 2 phần: phần A thực hành và phần B lý thuyết.( Dĩ nhiên là Thu chọn bên tiếng Việt vì… vì…đó là tiếng nước tôi hay cũng vì…vì…Thu đâu có giỏi tiếng Mỹ!).

Bài học đầu tiên là cách diệt trùng dụng cụ. Nhờ có học về nails Thu mới biết được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh và tạo an toàn cho khách hàng mình phục vụ, mà tiến trình hủy diệt vi trùng những dụng cụ đã làm cho khách để khỏi bị lây lan là quan trọng nhất, rồi học làm tay chân nước. Nói nào ngay từ lúc gia nhập ngành này Thu mới biết phải thực hành tay chân nước có trình tự phải thế nào, cách chăm sóc, cách gắn tip(móng giả) phủ bột, cách làm móng lụa, móng giấy, móng dầu …ra sao, còn cách sơn và chọn màu sơn thế nào để có những bộ móng đẹp, bền. Ngoài ra học viên còn học về các bệnh viêm gan, bệnh aids, siêu vi khuẩn…Bài học về sức khỏe và thể hình của người thợ cũng rất là cần thiết, mà điều quan trọng trên tất cả vẫn là đạo đức nghề nghiệp. Sự an toàn trong tiệm cũng được lưu ý đến. Học viên còn học thêm cấu trúc của da, hồng cầu, bạch cầu, rồi nội bì, ngoại bì, học về mô, tế bào và các bộ phận trong cơ thể vv... và vv…Toàn những từ về ngành y làm Thu mắc cười, nghĩ: Học nghề làm móng tay mà y như học làm bác sỹ không bằng, coi bộ khó nuốt trôi mấy cái từ quái quỷ dài lòng thòng này, vái trời mai mốt đi thi đừng có gặp mấy câu hỏi chết tiệc này thì đỡ quá. Rồi còn học cách phát triển nghề và tiệm (salon), cách trình bày sản phẩm và cách phục vụ sao cho cơ sở mỗi ngày một phát triển và có lợi nhuận cao hơn…

Song song phần A, thầy bảo bọn Thu thực hành, bạn bè thực tập trên tay nhau hay tự làm lấy trên những ngón tay giả mua ngoài tiệm. Mỗi thứ bảy trường có cho học viên làm cho khách, đa số là người Mễ, có cả đàn ông, thỉnh thoảng cũng có vài chị Việt Nam đến làm. Vì trong thời gian thực tập nên giá rất rẻ so với bên ngoài. Có một lần Thu được thầy “ mời “ làm tay cho một cô người Mễ có thân hình to bự, bàn tay cũng to bự, vẻ mặt chẳng có chút gì thân thiện. Chị có ý muốn từ chối nên nói: Thầy ơi, lỡ cắt chảy máu có sao không thầy" Ai ngờ thầy trả lời:- Không chảy máu không ăn tiền, đừng lo…Tuy nói vậy nhưng thầy cũng lại bên nhắc nhở chị từng bước, từng bước và cũng nhờ trước kia Thu đã có lên tiệm, được con chỉ cho” mấy chiêu,” cho nên chị không cảm thấy lúng túng gì, làm xong cô ta rất ưng ý, thưởng cho chị 1 đô la tiền “típ”. Thầy lắc nhẹ cái đầu ngầm chê ”chíp“ quá, còn Thu sau khi thank you xong, nhìn thầy nói:- Đây là món tiền thưởng đầu tiên, phải để làm kỷ niệm thầy ơi.

Từ ngày có cái thùng đồ nghề như ai...Thu siêng sơn sơn vẻ vẻ, ra khỏi lớp về nhà là bày ra cắt cắt dũa dũa, đắp bột, rồi sơn rồi vẻ đủ màu đủ kiểu. Có hôm còn bày chậu nước, khăn, kéo, kềm…ra, lôi tay chân ông xả mà ngâm mà cắt dũa tùm lum,Thu làm nhừ tử tay chân mà anh chàng không hề phiền hà, lại còn khoái nữa là đằng khác vì có người đẹp phục vụ massage cho. Cũng nhờ vậy mà Thu mau thuộc bài và còn thuộc một cách rất là kỷ lưỡng nữa, Thu tập đắp bột trên những móng tay giả, chị còn sơn và tự vẻ những bông hoa hay cảnh vật thu nhỏ lại trên nền móng típ đủ màu, làm xong tối về đưa con gái chấm điểm, con khen mẹ học mới mấy tuần mà làm đẹp quá, làm cái lỗ mũi chị đã to lại càng nở to hơn.

Nhờ học Thu còn biết được thành phần cấu tạo của móng, những bệnh về móng, những tình trạng móng có thể phục vụ và những tình trạng nào không thể phục vụ được cho khách. Những từ học về các bệnh của móng đã làm cho chị nhiều lúc muốn lùng bùng, học hoài cứ lẫn qua lộn lại, muốn ” tẩu hỏa nhập ma”!...

Vậy mà 14 bài học khô khan cũng đã được Thu nuốt trôi trót lọt lúc nào không biết. Sau đó là đến phần học thi lý thuyết( phần B) coi như là học những đề tủ, cách trả lời dạng abcd khoanh. Phần này gồm 900 câu hỏi, trải đều trong 9 bài học quan trọng nhất (mỗi bài 100 câu). Cứ cách ngày thầy ôn bài cho học viên, cũng nhờ chăm học, Thu thường trả lời đúng những câu thầy hỏi. Cách học của chị là suy nghĩ kỹ để trả lời hợp lý và chính xác, cố nhớ những điều đã học từ thầy, đã nghiên cứu trong sách, chỉ khi nào thực sự bí thì Thu mói mở phần answer keys cuối sách ra xem.

Rồi thời gian qua cũng thật là lẹ, mới hôm nào bỡ ngỡ vào lớp mà nay đã đến ngày mãn khoá. Mỗi học viên nếu đủ 400 giờ thì đi thi được rồi. Trước Thu cũng có một số bạn trẻ vào lớp trước đã đủ giờ, cũng lần lượt rời lớp như những chú chim non bắt đầu đủ lông đủ cánh bay vào bầu trời cao rộng, dẫu chưa thể biết đường chim bay có an toàn, có đến đích một cách mỹ mãn hay không nhưng chim vẫn phải bay đi, bay đi…Và Thu cũng được văn phòng trường làm hồ sơ thi cho chị, trong khi chờ đợi giấy báo thi gởi về, Thu vẫn đến lớp thực tập mỗi khi rảnh.Thời điểm này chị là người nhận giấy báo sớm nhất, thế là một bữa tiệc chia tay nho nhỏ được những bàn tay bạn trẻ góp lại. Niềm vui nào rồi cũng qua mau, buổi họp mặt nào cũng đến lúc phải rời xa, cầm tay nhau ai cũng chúc chị - người bạn già - được nhiều may mắn và ngược lại chị cũng chúc các em, các cháu được thành đạt trong những ngày sắp đến. Chị chào thầy, không quên cám ơn thầy đã hết lòng chỉ dẫn cho cô học trò lớn tuổi.Thầy cười hiền hòa: - Chị đừng lo gì cả nhé, thầy chắc chắn chị sẽ đậu. – Cám ơn thầy, tôi sẽ hết sức cố gắng để không phụ lòng tin tưởng của thầy, tôi rời lớp sớm gởi lại thầy cháu Thư còn đang học facial, Thầy nói OK.

*

Rồi Thu cũng nhận giấy báo thi. Ngày thi gần kề, chị cố gắng ôn lại bài kỷ lưỡng và thực tập nhuần nhuyễn lần cuối cùng, lòng cũng thấy nôn nao…Thật sự khi chưa vào học nghề nails Thu đã hai lần làm người mẫu cho hai con đi thi mấy năm về trước, cho nên lần này tuy chính chị là người trong cuộc, chị vẫn không mấy lo âu, vã lại Thu nghĩ nếu may mắn đậu thì mình vui, chồng con vui, còn nếu như không đậu thì cũng không ai buồn, cả chị cũng vậy; bởi lẽ với chừng này tuổi nếu như có được một mảnh bằng gì đó…thì chỉ là thêm chút trẻ trung cho cuộc đời, thêm một vài niềm vui ở tuổi về già, chứ đâu thể hành nghề về lâu về dài như các cô cậu trẻ được, hay nói đúng hơn Thu không sống còn bằng cái nghề làm nails này; thế nên có thất bại chăng nữa cũng không phải là điều làm chị bận tâm suy nghĩ nhiều.

Sáng hôm đó, cùng đi với chị là Mai làm người mẫu, Mai trẻ tuổi vui tính, có bàn tay mềm mại, những ngón tay của cô thon thả mà lát nữa đây Thu biết chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ cho sự thành công của chị. Trong khi sắp hàng chờ đợi, các thí sinh kháo nhau rằng: Nếu ai vô phòng thi mà gặp bà giám khảo người Mỹ đen thì chắc chắn 100 % sẽ đậu, bà ấy dễ lắm…Điều này chị cũng đã từng có nghe, không biết có đúng không nhưng Thu cũng thầm mong được gặp” bà tiên hiền dịu” đó. Qua thời gian chờ đợi Thu cũng được gọi vào phòng, người gọi tên chị là một bà Mỹ có làn da đen sáng, vóc dáng thon gầy, tóc cắt tém cao, mặc chiếc váy hoa màu vàng nhạt.Thu mừng thầm, cảm như có thêm niềm tin tưởng.

10 giờ Thu nhận đề thi, xem xong chị để lên kệ tủ, sau khi đi rửa tay vềchị sắp xếp bàn ghế, bày đồ nghề lên bàn xong đi pha chế dung dịch diệt trùng trong vòng 5 phút. Đề thi là làm hoàn tất bộ móng tay kể cả massage. Thu cầm tay Mai, tự nhiên chị thấy sao tay mình run quá, đã vậy mà từ trong lồng ngực như có cơn rét đang lan dần, lan dần…làm Thu run cầm cập. Thu nghĩ thật nhanh – Cái điệu này coi như tiêu!.- Chị vội vàng tập trung sức, hít một hơi thật sâu, thật dài, mạnh và từ từ thở ra nhè nhẹ, chị làm lại một lần nữa như thế, phải mất mấy phút sau chị mới lấy lại bình tĩnh, hoàn hồn xong Thu mới bắt đầu làm như đã từng thực tập trước đây. Tiếp theo là làm các móng giả: một ngón gắn tip, một ngón phủ lụa, một ngón đặt form đắp bột, một ngón gắn tip dũa láng; xong sơn cả mười ngón tay.

11 giờ thi phần tiếp theo là làm hoàn tất một chân kể cả massage. Trước đó Thu vẫn không quên tiến hành diệt trùng những dụng cụ đã làm tay cho Mai,10 phút sau chị đứng dậy đi lấy đồ đã tiệt trùng, chọn chân phải của Mai chị từ từ làm từng bước một, 30 phút sau đã sơn xong chân người mẫu.Thu dọn dẹp chỗ làm, lau sạch sẽ nền nhà, bàn ghế, chùi tủ gương, xếp ghế bàn trở lại vị trí ban đầu và cùng Mai rời phòng thi. Haị chị em rủ nhau ra xe, nghỉ ngơi khoảng 30 phút Thu kéo Mai đi ăn chút gì, xong chuẫn bị cho đợt thi lý thuyết vào lúc 2 giờ.

Mỗi thí sinh ngồi trước một computer, bài thi bằng tiếng Việt ( tự chọn) gồm 100 câu hỏi trả lời trong 2 tiếng đồng hồ. Thu thong thả nhìn kỹ từng câu, suy nghĩ…Câu nào phân vân chưa trả lời được chị để sang bên rồi qua câu khác, có tiếng là một tay gạo bài nên đa số Thu đều trả lời rất thông suốt, chưa hết giờ Thu đã xong. Sau khi xem lại kỹ một lần nữa từ đầu đến cuối, chị giao bài và rời khỏi phòng thi.

Phải nói thời gian chờ đợi kết quả còn căng thẳng hơn là khi thi nữa! Thu nhìn mọi người đang ngồi quanh đây, mặt người nào cũng lộ vẻ bồn chồn lo lắng. Những thí sinh được gọi tên lên trước Thu biết chắc chắn là họ đã bị rớt rồi, nói vậy chứ cũng hồi hộp chớ sao không"

Cuối cùng thì chị cũng thở phào nhẹ mhõm, đậu rồi…OK. Cám ơn bà giám khảo người da màu ấy, cám ơn cô người mẫu tên Mai đã góp phần giúp Thu thêm nghị lực, cám ơn ông thầy và cả người đưa đón hôm nay… Cùng đi xe chung với chị có cô gái trẻ, cũng đậu, mừng, cười nói huyên thuyên: - Cô cũng đậu rồi ha, cô lớn tuổi mà giỏi thiệt đó. – Cám ơn cháu khen, cô ham vui ai ngờ đậu thiệt… Mai xen vô: - Hồi nảy tự nhiên sao mà run dữ vậy chị Thu" Chèn ơi! Chỉ cầm tay mình mà tay của chỉ lạnh ngắt, run cầm cập, thấy mà sợ dùm…-Thu đâu biết đâu, tự dưng” nó” như vậy, làm mình cũng hú hồn… Ai cũng cười làm Thu đỏ cả mặt!

Điện thoại reo lên, tiếng con gái út:- Sao rồi mẹ" Thu ghẹo con: Mẹ rớt rồi.– Con không tin, mẹ đậu rồi phải không" Đừng có gạt con chớ… Thu đành chịu, nói - Ừ.

5 phút sau, tiếng con gái lớn: - Mom, đậu phải không" Chị giả giọng buồn buồn: Rớt rồi, đậu đâu mà đậu… - Thôi đừng làm bộ mẹ đẹp của tui, Út nói tui biết rồi, ý ý con có khách vô, tối về nói chuyện mom sau, con bye nha.

Thu mở phone gọi lại chỗ ông thầy. Không có tiếng trả lời, chắc thầy bận, chị để lại lời nhắn; - Chào thầy, cô học trò lớn tuổi gọi báo tin vui với thầy đây. Cám ơn thầy lắm lắm, hẹn gặp thầy sau, xinchào.

Tuy đã cầm tờ license trong tay nhưng chị vẫn không được con gái cho mẹ làm cho khách, nó làm bộ nói rằng: - Mom ngồi chơi cho khỏe, để thợ làm, ngày nào mom lên tiệm con đều trả lương, mom đừng có lo. Thu cười cho con vui nhưng chị cũng biết nó chê chị già, mắt lại mang kính, lỡ cắt da khách chảy máu thì phiền! Vậy nên chị đành xếp cái bằng nails lại để đó khơi khơi, ngồi chơi…lãnh lương. Rồi Thu cũng trở lại là những việc như trước giờ vẫn làm giúp cho con: quét dọn trước sau, tưới hoa, tưới cây, làm dùm cơm canh nóng sốt cho con khi con bận khách hay lau spa khi khách rời tiệm, thu tiền…Đôi khi chị được cắt, dũa, sơn cho các cô khách nhí thích làm điệu, sơn xong còn vẻ lên hai ngón tay cái bé xíu hai cái hoa nho nhỏ, xinh xinh.

Ba tháng sau, do một sự tình cờ, có người quen đi Oregon làm ăn, Thu xin quá giang đi theo vì người cháu gái của chị có tiệm nails đang cần thợ, nó nhắn chị lên giúp đỡ một thời gian. Chị đi trước là thăm gia đình và cơ sở làm ăn của cháu đã mấy năm rồi chưa hề biết, sau cũng muốn luyện tay nghề, đã lâu chị không dùng tới có vẽ như muốn hư hao. Thu đem theo cái license vì biết đã có đất dụng võ.

Thu đến đúng thời điểm khá đông khách, tiệm chỉ có hai cô thợ trẻ, cháu làm chủ tiệm ở Crescent City, còn một tiệm nữa ngay sát ranh giới Oregon, chỉ cách 20 phút lái xe, chồng nó làm chủ, tiệm cũng chỉ có hai người thợ. Những hôm nào quá đông khách thì gọi thợ ở bên “biên giới” sang cứu bồ và ngược lại. Sau bữa mừng gặp mặt, nó vô đề ngay: -Con nghe cô đậu bằng nails mà Hai không cho làm, nên con nhắn cô lên làm cho con, cô chịu đi con mừng hết sức vậy đó, mai ra tiệm giúp con nghen.OK, nhưng phải chỉ cho cô vì mỗi tiệm cách làm mỗi khác, lần đầu tiên làm chính thức cô cũng hơi lo lo. - Không sao đâu, con biết cô làm được mà.

Ngày đầu Thu làm quen cách xếp đặt mọi thứ trong tiệm, cách mở và đóng spa vì mỗi tiệm spa mỗi khác, chị xin được nhìn hai cô thợ đang làm cho khách để học cách phục vụ tại đây. Cô nào cũng khéo léo tài hoa, đắp bột thật là nhanh và đẹp. Sơn xong, khách yêu cầu vẻ cho một cành hồng, thế là trên nền móng màu vàng nhạt một nụ hồng đỏ thắm, thêm hai cái lá màu xanh, rồi bằng một động tác nhẹ nhàng dứt khoát, một cành hồng sắt nét mãnh mai hiện lên nối tiếp với nụ hồng, sau cùng một lớp sơn bóng được phủ lên. Người khách đưa bàn tay lên ngắm nghía ra chiều thích lắm…Chỉ hôm sau thì chị cũng phải bắt tay vào làm cho khách. Ở đây giá cao hơn những tiệm chỗ chị và tiền thưởng cũng khá hơn nhiều.

Một hôm Thu làm chân cho một ông khách lớn tuổi, hình như ông có bệnh về móng vì móng chân của ông sần sùi, ố vàng và cứng đến nỗi chị cố dùng hết sức vẫn không thể nào cắt móng bằng cái kềm bấm được, chị phải lấy cái máy dũa dũa bớt độ dày của móng, rồi dùng cái kềm cắt da, cắt từng chút từng chút. Chị nhẹ nhàng tỉ mỉ cắt tỉa, chốc chốc ông ta nói thanhk you, thanhk you hoài làm chị cũng thấy vui vui. Nhìn Thu chăm sóc ông khách tận tình, cháu chọc- Coi chừng chú mà biết chú ghen, không cho đi làm nails nữa đó cô ơi. Làm xong ông tặng chị 20 đô la, còn hỏi tên và xin cái hẹn tuần sau trở lại nữa... làm chị càng bị đám quỷ nhỏ chọc dữ hơn: - Trời ơi, cô thợ già có “diên” (duyên) quá ta, mới đến mà có người “ chịu đèn” rồi, kiểu này chắc thợ trẻ đi chỗ khác chơi hết quá!. Tiếng cười vang cả căn tiệm rộng.

Thu mang niềm vui về nhà, tối đó cứ nằm cười một mình và suy nghĩ: Đa số các tay thợ nails tiêu xài phung phí dữ lắm, những việc không cần phải tốn kém mà vẫn cứ vung vít, không hối tiếc chút nào, vậy mà cắm đầu cúi cổ cắt dũa, rồi massage muốn còng cả lưng, rời rã cả hai bàn tay…khách cho dù chỉ vài ba đồng cũng mừng ra mặt.Những hôm đông khách được vài chục, thì cái mặt tươi tĩnh, những hôm nào vắng khách, tiền típ không có hay ít quá, cái mặt buồn xo, héo hắt, không muốn nói cười…Chị nghĩ không ra là tại làm sao".

Ở đây thành phố nhỏ, không thấy có người Việt Nam bao nhiêu, chỉ toàn người Mỹ đen và Mỹ trắng, Mễ cũng có mà không nhiều, đường phố hẹp và ngắn, quang cảnh có vẻ u buồn không nhộn nhịp như nơi chị ở. Nghe cháu nói gần đây có biển, nên ngày chúa nhật tiệm đóng cửa cô cháu chở thợ cùng đi chơi. Biển đẹp. Muôn đời biển nơi nào cũng đẹp. Biển đẹp khi an bình, biển làm cho con người hãi hùng kinh sợ mỗi khi có những trận cuồng phong tàn bạo. Đứng trước biển bao la, người ta chợt thấy nhỏ bé vô cùng… Thu hít thở gió biển, xách dép lên tay lội xuống những vũng nước đọng, nhặt từng viên sỏi láng, tròn, đủ màu sắc.Thu chụp hình với biển, với những cánh hải âu đang chao liệng, với những chiếc diều bay lượn trên không, với những đợt sóng vỗ ầm ầm liên hồi bất tận ven ghềnh đá.

Cháu chở đi casino, chị ”già” nên chơi kéo máy, các cô trẻ chơi đánh bài xì dách. Đây là lần đầu tiên chị ”chễm chệ” ngồi bên cái máy kéo mà không bị ai quấy rày hay nhắc nhở. Thu chơi không nhiều, mỗi lần bỏ vô 20 đô, thua hết thì về (mà lâu hết lắm vì chơi có 5 cents), có khi cũng nóng máu thì thêm 20 đô nữa, có lần thắng được trăm hai. Mấy cô nhỏ có vẻ thua nhiều, nhìn mặt không tươi, yếu xìu, biết liền, thua mà dấu (Laị là: cúi đầu cắm cổ cắt dũa, massage cả ngày còng lưng, mỏi tay, mà vô sòng bạc thì chỉ vài tiếng đồng hồ là bay mất bạc trăm, thật đau hơn bò đá, mà sao không ai chịu biết hết vậy cà").

Khí hậu ở đây dễ chịu, mát mẻ, chưa thấy quá lạnh lẽo như từng nghe dẫu là đang thời điểm cuối tháng 11. Sáng sáng, trước khi ra tiệm Thu hay đi vòng quanh khu apartment cho thư giãn đôi chân. Mấy cây phong cũng đã bắt đầu rụng dần thay lá mới. Nhìn bầy chim trời đậu rồi bay, bay rồi đậu, nhìn những mái ngói nâu nâu của những căn nhà im lìm, chắc mọi người còn đang ngủ, Thu thấy cuộc đời được như thế này mãi thì cũng đủ là hạnh phúc, may mắn lắm rồi, đâu mong cầu gì hơn…Đang miên man, bỗng cái cell phone reo, chị nghe tiếng con dâu: -Mẹ ơi, chừng nào mẹ về" -Thư thả đã con, tiệm còn cần mẹ giúp, có gì không con, cả nhà mình khoẻ phải không"- Con hỏi mẹ kiếm đủ tiền sắm tả, sắm áo quần cho cháu nội chưa" - Hả" Con nói sao" Bộ con có… baby rồi hả"- Dạ, mẹ, hôm qua con đi bác sỹ, cô nói có em bé rồi…Thiệt hả con" Mẹ mừng quá, thôi thôi chắc là mẹ phải về, mẹ về liền, con nhớ giữ gìn sức khỏe nghe con.

Chị quyết định trở lại nhà sau hơn hai tháng ”đem chuông đi đánh xứ người”. Hôm chia tay, cháu bịn rịn buồn vì bà cô về và cũng buồn vì đang lo không có người giúp tiệm.Chị cố dấu niềm vui đang trào dâng trong lòng, tuy không nói ra nhưng ai cũng biết chị nôn về lắm vì con dâu đã có mang em bé lần đầu sau hơn ba năm dài mong đợi.Tuy buồn, cháu cũng còn ráng chọc: - Cô về chắc ông khách già đau chân đó nhớ cô lắm… Mấy nhỏ thợ ghẹo thêm - Rồi không biết phải trả lời với ổng sao đây khi người đẹp đã bỏ đi rồi…Một nhỏ nữa tiếp theo - Mấy tháng nay típ bộn, dư sức sắm sửa cho cháu nội cô há" Ai nói chi thì nói, Thu chỉ biết cười trừ.

Thật sự mà nói, thời gian đi học đi thi tốn kém của con, giờ đi làm có mấy tháng đã bù lại được, rồi còn dư cũng khá. Cháu thương cô già mà chịu khó, nên đã trả lương hậu hỹ, rồi còn mấy cái phong bì tiền típ nữa, bộn thiệt, cũng vui vui.

Thời gian trôi thật là nhanh, mới đó mà đã hơn 3 năm rồi. Cho đến hôm nay thì chị đã trên cái tuổi sáu mươi và là bà nội, bà ngoại của hai đứa cháu trai kháu khỉnh, thông minh, đĩnh ngộ. Và cái bằng nails bà đành cẩn thận bỏ vô cái phong bì, cất kỹ trong ngăn tủ bàn viết. Vì mê hai thằng cháu, vì lu bu công việc nhà, bà không có thì giờ để mà:

“Mở cánh tủ ra, nhìn thấy cái…

bằng nails xếp lại …để…nằm im.”

Phương Nam

Ý kiến bạn đọc
02/07/201703:18:24
Khách
Bạn có thể chia sẻ quyển sách của bạn được không (chụp hình cũng được). Cám ơn nhiều.
21/05/201100:30:22
Khách
Được gởi bởi PN.
- Happy face (Guest): Cám ơn bạn đã có lời khen. Chúc bạn vui khỏe.
- Thanh (Guest): Cám ơn Thanh đã đọc bài của PN. Chúc Thanh có nhiều niềm vui.Thân chào
17/05/201104:27:28
Khách
hạy lằm
18/05/201100:03:19
Khách
Bài hay lắm!
28/03/201101:45:40
Khách
Cám ơn tác giả Phương Nam đã bỏ công kể lại chuyện của bà
Một học viên siêng năng cần mẫn đi học kỹ lưỡng như bà, đi thi không cần gặp “bà tiên Mỹ đen” kia, mà chắc chắn gặp giám khảo nào khác thì bà cũng thi đậu thôi, nếu học như bà mà thi rớt, MỚI LÀ CHUYỆN LẠ!
Thời chúng tôi đi học, đã thấy nhiều trường hợp. Có người vì miếng cơm manh áo, không thể vô lớp mỗi ngày từ sáng tới chiều, chỉ thỉnh thoảng mới vô dự vài tiếng rồi về đi làm, khi gần ngày thi mới vô lớp dợt lại căn bản thì đậu hay rớt còn nhờ may rũi, thi đậu còn được châm chế, vì có khi đậu vừa sát nút, ai biết đâu, miễn có cái bằng là ai cũng như ai cho tới khi làm việc với khách, hễ giỏi thì có nhiều khách; có người chỉ vô ghi danh học rồi lặn mất tiêu nhưng cuối tuần thì tụ họp nhậu nhẹt, ngày thi thì mong vô được phòng nào có bà tiên dễ dãi chấm cho mình đậu, lỡ rớt thì hoặc chửi thề vài câu cho đỡ quê, hoặc cười xòa nộp đơn thi lại; có người học rất kỹ lưỡng, vô thi làm kỹ quá, không kịp giờ làm không đủ bài để có đủ điểm, thi rớt thì dĩ nhiên là chuyện rất buồn.
Trường hợp đặc biệt, những người nào không học không hành, vái van cho vô ngay “tủ”, gặp bà tiên Mỹ đen kia hay tiên màu gì đi nữa, mà người nào vô phòng cũng thi đậu hết, bà tiên ấy không sớm thì muộn chắc chắn cũng “bay lên Trời!”
31/03/201106:21:41
Khách
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ (2)
Được gởi bởi chính Phương Nam
Cám ơn bạn Công Bình đã có những dòng gởi đến PN. Hy vọng bài sắp đến PN sẽ được bạn để ý đến nữa nha.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,315,777
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.