Hôm nay,  

Con Nợ Của Các Cô Trẻ Đẹp

19/03/201100:00:00(Xem: 226811)

Con Nợ Của Các Cô Trẻ Đẹp

Tác giả: Tịnh Tâm

Bài số 3143-28443 vb7031911

Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, đã viết về nước Mỹ từ 2009 với các bài "Tấm Nón Lá Và Cái Lưng Còng", "Tôi Đi Học"... Sang năm thứ 11, với bài viết "Thương Yêu Còn Mãi" Tịnh Tâm cho thấy bút pháp sống động hơn khi kể chuyện xẩy ra tại một cửa hàng tại Bolsa chuyên chuyển tiền về Việt Nam. Bài viết mới của tác giả vẫn là chuyện những khoản tiền ky cóp gửi về Việt Nam, nhưng không liên quan tới tình nghĩa mà chỉ để...trả nợ các cô trẻ đẹp.

***

Đó là anh Danny, con bác Hai tôi, người được mệnh danh là “con nợ của các cô trẻ đẹp”.

Tội nghiệp, anh đã trả nợ gần hết cuộc đời anh mà coi bộ vẫn chưa hết nợ!

Giờ nầy, khi tôi ngồi tào lao, tỉ tê kể chuyện mê gái trẻ đẹp của anh cho mọi người nghe chơi, thì anh đang nằm trong phòng riêng, nước mắt lả chả ngắn dài, xen lẫn tiếng thở dài thườn thượt nghe não ruột quá trời! Khiến tôi đây, vốn dễ mau nước mắt, suýt khóc theo anh. Nhưng cảm xúc tôi chợt ngưng lại, khi nhớ ra rằng, chẳng bao lâu nữa, anh lại tiếp tục tìm kiếm những cô gái trẻ đẹp, bằng cách qua sự giới thiệu của người quen ở Việt Nam, hoặc lùng trên mạng… Rồi anh vẫn sẽ tiếp tục “đi cày”. Vẫn đêm đêm chạy cái xe truck cũ kỹ não nùng, đi bỏ bánh pizza. Vẫn mải mê ki cóp chắt bóp từng tờ $1 tiền tip nhàu nát, nâng niu dành dụm tiền lương hàng tháng để cung phụng cho các cô trẻ đẹp.

*

Anh Danny vừa trở về căn phòng mà anh vẫn share của vợ chồng tôi ba năm nay. Có nghĩa là khi Betty, Bé Tý của anh, bông hồng nhỏ của anh, người vợ bảy tháng hăm mốt ngày của anh, kéo mấy chiếc va ly căng phồng quần là áo lượt ra khỏi nhà anh và đời anh, chất lên chiếc xe Mercedes màu mận chín mới toanh, phóng đi mất, thì anh cũng trở về ở với chúng tôi cho đỡ tốn và đỡ buồn.

Thật ra, theo tôi, Betty đáng trách nhưng cũng đáng được thông cảm. Ở Việt Nam, cô bé chỉ nhìn thấy nước Mỹ qua những hình ảnh rực rỡ tráng lệ huy hoàng của những tòa nhà cao ốc, những khu vui chơi giải trí Disneyland, Hollywood, sòng bài Las Vegas… mà Danny gửi về cho cô. Ừ, thì người ta thường chụp hình khi đi chơi chứ mấy ai chụp hình khi đang làm việc" Cho nên khi qua đây, cô vỡ mộng. Những ngày đầu Danny cũng đã đưa cô đi chơi nhiều nơi, cô tha hồ được thưởng thức cuộc sống tươi đẹp của nước Mỹ. Danny cũng đưa cô đi shopping tưng bừng, cô tha hồ mua sắm những bộ quần áo, dày dép đẹp… nhưng đó chỉ là thoáng chốc trong cuộc sống. Còn đời thường thì khác nhiều. Dù sao cũng tội nghiệp cô, bởi cô còn quá trẻ con để hiểu rằng, bất kỳ ở đâu, con người ta cũng phải có làm mới có ăn, đất đai dù màu mỡ đến đâu, người ta cũng phải ra tay chăm bón thì mới đơm hoa kết quả tốt lành. Thêm nữa, hồi Danny về Việt Nam sao khác hẳn Danny ở đây. Ở Việt Nam, Betty tự hào với gia đình, bạn bè về Danny bao nhiêu thì khi ở Mỹ, Betty xấu hổ về Danny bấy nhiêu. Kỳ lạ thay! Hồi về Việt Nam, cái gì ở Danny sao cũng thơm “mùi Mỹ”, từ quần áo tới cái phong bì thư, từ đôi vớ tới cái khăn tắm… Và Danny, dù sáu chục tròn, trông vẫn rất “tây”, rất sang trọng, rất phong độ. Vậy mà khi qua đây, Betty thấy tất cả bỗng nhạt nhòa, thậm chí đảo ngược.

Rồi tệ hại hơn nữa là khi đi học Tiếng Anh, Betty càng thấy mình thật trẻ trung, gần gũi, hòa đồng, líu lo với các bạn cùng trang lứa bao nhiêu thì cảm thấy xa lạ, cách biệt với Danny già cỗi bấy nhiêu.

Có lần Danny đưa Betty tới trường, vừa mở cửa ra khỏi xe, Betty gặp ngay nhỏ bạn cùng lớp đang tung tăng đi tới, nhỏ lễ phép kính cẩn chào Danny:

- Cháu chào ông ạ!

Và cái gì đến cũng sẽ đến, khi có nhiều lời ra tiếng vào quanh Betty, nhất là đám bạn trẻ vô tư:

- Mèng ơi! Mắc mớ gì mà mầy phải ở với ông già bỏ bánh pizza!

- Betty, mầy có biết mầy rất đẹp không" Mầy còn nhiều cơ hội…

- Betty ơi, cha mầy tới rước mầy kìa!

Hồi còn ở Việt Nam, khi trở thành người yêu, rồi người vợ của Danny, hàng tháng, nhân viên dịch vụ gửi tiền tới tận nhà Betty. Cô chỉ cần ký tên là được nhận những tờ trăm đô mới toanh, thơm phức cùng những lời yêu thương mật ngọt. Tiền Mỹ mà! Tha hồ tiêu xài thoải mái. Và để chuẩn bị sang Mỹ, Betty chỉ việc đi mua sắm, đi học tiếng Anh, tập thể dục thẩm mỹ, bơi lội, đi học nhảy đầm… Dĩ nhiên cô đâu biết đó là công sức anh Danny đã hằng đêm chạy như ma rượt ngoài đường, nhiều khi leo lên hàng mấy chục bậc cầu thang, dù đêm đông giá rét.

Rồi khi qua đây, ngoài thời gian đầu, sau đó coi bộ Danny không còn ga- lăng, hào phóng như xưa khiến Betty càng thất vọng. Cuối tuần, Betty muốn đi ăn phở ở tiệm, Danny bảo : “ Để mai anh nấu cho cưng ăn.” Tối tối, Betty thích đi la cà ở mấy quán cà phê, Danny cười hề hề: “Em muốn loại cà phê nào anh pha cho. Anh pha cà phê còn ngon hơn ở quán nhiều!” Sáng chủ nhật, Betty thích đi chơi, Danny cứ nằm ườn trên giường, giọng ngái ngủ: “Tối qua anh về khuya quá, để anh ngủ thêm tí, chiều anh lại phải đi làm rồi!”

“Ôi! Sống như vầy thì đi Mỹ làm gì hở trời" Chán chết đi được!”Betty than thở với mấy đứa bạn như vậy.

*

Ôi thôi! Còn đâu hình ảnh một anh Danny cách đây không lâu, mắt sáng long lanh, hoan hỉ khi kể về người yêu bé nhỏ xinh đẹp ở Việt Nam. Luôn hớn hở nói cười khi khoe rằng giấy tờ bảo lãnh đã xong. Và anh đã nhảy dựng lên, suýt đụng trần nhà, khi bông hồng của anh đã vượt qua được cuộc phỏng vấn gay go tại văn phòng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn!

Ôi thôi! Còn đâu hình ảnh một Danny, sau ngày về Việt Nam làm tiệc cưới trong nhà hàng lớn nhất của Sài Gòn, đi hưởng tuần trăng mật ở Nha Trang, Đà Lạt… Rồi trở lại Mỹ với phong độ của một chú rể tràn trề nhựa sống và thỏa thuê hạnh phúc.

Sau đó là những ngày anh háo hức đi tìm thuê nhà. Rồi anh tất bật sắm đồ nội thất. Rồi anh mua chiếc Mercedes mới toanh, màu mận chín sẵn sàng cho Betty yêu quý. Tất cả phải mới, phải sang mới xứng đáng với cô vợ nhỏ hơn con gái anh hai tuổi. Ừ, Betty mới hăm bốn tuổi.

Nhắc tới con gái anh, hẳn phải nhắc tới người vợ trước của anh, đó là chị Mộng Mơ, đã bỏ anh cách đây ba năm. Chị Mộng Mơ đương nhiên rất đẹp (không đẹp dễ gì anh thèm lấy). Nghe có lần chị Mộng Mơ tính đi thi hoa hậu phu nhân nhưng sau đó anh đã khôn ngoan tìm mưu kế cản trở, vì nghe bạn bè nói, mầy mà để bả thành hoa hậu phu nhân là mầy trắng tay. Thế là anh là anh đã giả đò bị đau bụng tiêu chảy. Anh rên hừ hừ, thảm thiết, năn nỉ van xin chị đừng bỏ anh ở nhà một mình. Khi chị phát hiện được mưu kế của anh, chửi anh một trận tơi bời hoa lá.

Nhưng rồi sau đó, dù không trở thành hoa hậu phu nhân, chị vẫn bye bye với anh. Chị đẹp, quá đẹp, chị biết mình đẹp. Và chị thích ngắm mình càng đẹp hơn trong những bộ quần áo đẹp, xe cộ sang, nữ trang xịn, mỹ phẩm đắt tiền… Mà anh, hằng đêm chạy đi bỏ bánh pizza thì làm sao cung cấp nổi nhu cầu cao cấp của chị. Thêm vào đó, bạn bè hỏi nhau, chồng mầy làm nghề gì" Lúc đầu chị nói dối, chồng tui kỹ sư computer. Ai ngờ, oái oăm sự đời, có lần người order anh đưa bánh pizza là bạn của chị. Thế là sau đó, anh phải xách cái valy nhẹ hều ra khỏi căn nhà ở New York lạnh lẽo, đáp máy bay về miền nam Cali nắng ấm, ở với chúng tôi, cho đến ngày anh chat chit trên mạng, gặp được “Bông hồng bé nhỏ”.

“Bông hồng bé nhỏ” là tên anh gọi yêu nàng. Mà quả là bông hồng đó bé nhỏ thật. Cô bé trông như một học sinh trung học, đẹp tuyệt, nhất là từ khi quen anh Danny, có nghĩa là tăng thêm những phụ tùng đẹp từ những tờ đô la anh gửi về hàng tháng. Nhìn những tấm hình cô bé gửi qua, ai cũng tấm tắt khen nhưng… kèm theo cái chép miệng: “ Không biết con bé làm vợ Danny được bao lâu”.

Cũng từ ngày trở thành tình nhân, rồi làm chồng của Betty, anh Danny “cày” nhiều hơn. Hàng tháng, anh vô cùng hạnh phúc đưa xấp tiền chẵn ít lẻ nhiều, nhờ tôi gửi tiền cho Betty (vì tôi làm việc trong một văn phòng gửi tiền về Việt Nam) cùng với những lời nhắn thấm đẫm tình tứ âu yếm. Nào là : “Bông hồng bé nhỏ của anh ơi, nhớ em lắm lắm lắm…” Nào: “Betty em ơi, đêm qua anh nằm mơ thấy em đang ở bên anh…”, “ Hun người yêu bé nhỏ của anh thật sâu…” Và còn nhiều câu nữa, sực nức yêu nhớ mà tôi thấy mắc cỡ cho anh nên không kể ra đây… Có lần tôi phải nhắc anh: “Thôi anh Đực, vừa vừa phai phải thôi, anh nhắn nhe gì mà nghe phát ớn, nghe muốn… nổi da gà!” Các bạn trong công ty tôi xuýt xoa, công nhận cái cô Nguyễn thị Bé Tý đó có phước thiệt! Tha hồ xài tiền. Đó, lấy Việt Kiều Mỹ sướng vậy, còn lấy Đài Loan, Hàn Quốc thì thê thảm cuộc đời.

Nhưng than ơi! Nàng Betty (tên Bé Tý tự chọn từ khi có người yêu là Việt Kiều Mỹ) đã bỏ anh mà đi rồi. Còn việc nàng đi với ai và đi đâu có trời mới biết!

Thật ra chuyện nầy đã cũ mèm cũ mẽm, nghe muốn nhàm tai trong cộng đồng người Việt ở đây. Và anh Danny, đã được tất cả mọi người trong gia đình cũng như họ hàng xa gần và bạn bè cảnh báo, nhưng anh không chịu nghe.

Mẹ tôi từng “tiên tri”:

- Mai mốt, nó nhai bắp rang được, còn thằng Đực phải trệu trạo bắp hầm, vậy là cãi nhau. Mai mốt, nó khoái nghe nhạc giựt gân, thằng Đực thì ưa bô- lê- rô, vậy là cãi nhau. Mai mốt nó thích đi chơi, thằng Đực, ngoài giờ đi làm, thích nằm nghỉ ngơi, vậy là cãi nhau…

Chị Hai của anh Đực, giọng hiu hắt buồn:

- Khéo bày lại thất tình nữa đó Đực ơi.

Chị Ba càm ràm:

- Cái thằng toàn làm chuyện ruồi bu.

Chị Tư đe nẹt:

- Mầy không chịu nghe lời cho mầy chết!

Em trai út tôi nháy mắt:

- Chị Betty nhí nhảnh nhảy chân sáo, anh Đực lụm cụm gối mỏi chân run, làm sao chạy theo kịp.

Ông xã tôi tủm tỉm nụ cười tinh ma quỷ quái:

- Cô đó đang xuân, anh Đực… tàn xuân… Ừm… Hổng biết ảnh… còn đủ sức…

Tôi cũng góp phần để can ngăn:

- Anh Đực ơi, chị ấy nhỏ tuổi quá so với anh, thấy kỳ quá! Eo ơi… thấy ghê ghê… giống như … ẹ ẹ… ông cháu… cha con…

Anh Đực phản ứng liền:

- Bộ mầy không đọc báo, coi tivi" Nhiều ông bảy tám chục còn lấy vợ hai mươi kìa.

- Nhưng đó là người nước ngoài. Còn mình là người Việt Nam. Phong tục, tập quán của người Việt mình không như vậy.

- Hồi xưa mấy ông vua già khú đế vẫn có hàng nghìn mỹ nhân tuổi đôi tám thì sao"

- Đó là chuyện đời xưa, đó là chuyện mấy ông vua. Còn chuyện anh Đực là chuyện đời nay, anh Đực cũng không phải là vua.

Ba tôi đề nghị:

- Đực nè, tao thấy ở đây single mom đẹp đẹp nhốc. Mầy kiếm một cô, tuổi chừng trên bốn mươi là OK rồi. Thôi, trẻ đẹp mà làm gì hả cháu" Chừng tuổi nầy, cháu nên suy nghĩ chín chắn, kiếm ai đó hiền lành, biết điều phải trái để nương tựa nhau mà đi tiếp phần đời còn lại, Đực à!

Anh Đực giẫy nẫy liền:

- Tội quá đi chú Tư! Trên bốn mươi còn xơ múi gì nữa"

Cho nên anh Danny, người đàn ông vừa chẵn sáu mươi, đang gục ngã một cách vô cùng bi đát trên chốn tình trường mà không ai thèm thương xót. “ Đáng đời nó, ai biểu ham sắc ham trẻ!” “ Thương cái nỗi gì thằng Đực, cái thằng suốt đời mê gái đẹp!” “Để nó bị quật tan tác bầm dập cho trắng mắt ra!”.

Và hình như chỉ có tôi đây, đứa em họ anh luôn tin cậy từ nhỏ giờ, thấy tội nghiệp, xót xa cho anh quá, bèn ngồi tẩn mẩn cà kê dê ngỗng kể chuyện mê gái trẻ đẹp của anh cho mọi người nghe chơi.

*

Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh anh Danny luôn gắn liền với niềm si mê các cô gái đẹp.

Giờ kể chuyện ngày xưa của anh thì phải gọi anh bằng cái tên ngày xưa mới thuận miệng. Bác Hai sinh một hơi năm chị công chúa, tới hoàng tử là anh, vợ chồng bác Hai mừng húm, sợ khó nuôi, đặt tên xấu cho anh: Đực. Khi anh Đực cắp sách tới trường, cô giáo thấy cái tên hơi thô tục, bèn xin phép gia đình anh thêm chữ ơ vào sau chữ ư, ra chữ Được. Nhưng đó là trong giấy tờ. Còn thường ngày mọi người vẫn gọi anh là Đực.

Tôi và anh rất thân nhau vì anh hay mê say những đứa bạn học cùng lớp với tôi. Anh thường lui tới nhà tôi để có dịp làm quen với mấy nhỏ bạn đẹp gái của tôi. Cũng nhờ đó mà tôi rành cuộc đời anh hơn sáu câu vọng cổ.

Ngay từ thời trung học đệ nhất cấp, mới lớp đệ lục, hỉ mũi chưa sạch, anh Đực đã biết yêu! Yêu mê mẩn! Tôi còn nhớ hình ảnh anh mặc quần xà lỏn, những buổi trưa nắng chang chang, anh đạp cái xe đạp “đòn giông”, vì chưa đủ cao để ngồi lên yên xe, nên anh phải thọc một chân qua phía dưới khung xe, vẹo nghiêng người mà đạp ngang qua nhà cô bạn Thúy Kiều cùng lớp tôi, hàng trăm lần, chỉ cốt để nhìn nhỏ Kiều một chút. Suốt ngày tôi khốn khổ vì anh cứ theo hỏi tôi về Thúy Kiều. “Tâm ơi, Thúy Kiều có thích ô mai không"” “ Thúy Kiều thường kẹp tóc bằng cái kẹp màu hồng phải không"” “ Thúy Kiều cười coi đẹp ác chiến hen.” Dĩ nhiên tôi cũng thu lợi ít nhiều từ tình yêu của anh. Vì anh Đực là quý tử, nhà anh lại buôn bán, nên túi anh luôn rủng rỉnh tiền, cặp anh luôn căng phồng kẹo bánh. Gì chứ mỗi lần gặp tôi với mục đích hỏi han, nhờ đưa thư tỏ tình… anh rất hào phóng quà cáp cho tôi để tôi vui vẻ nhận lời.

Lên lớp đệ ngũ, anh Đực mê nhỏ Hằng Nga. Rồi chẳng bao lâu, bác Hai hỏi tôi: “ Con Giáng Tiên là đứa nào mà thằng Được ngủ mơ kêu ơi ới vậy Tâm"… Ôi thôi, kể những tên các cô gái mà anh Đực đã từng say mê chắc phải mấy trang dài như sớ táo quân. Dĩ nhiên, toàn những người đẹp.

Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh anh Đực, thời phong trào mốt cao bồi, anh mặc quần ống túm; thời mốt hippy anh mặc quần ống loa, miệng thường nghêu ngao rên rỉ mấy bài hát em ơi em hỡi mùi mẫn. Và hễ khi anh mê cô nào, y như rằng cô ấy tha hồ nhận quà. Không lấy được tiền trong ngăn kéo của gia đình, thì anh Đực giả đò sà tới bên bác gái, ôm hôn bác, nịnh bác mấy câu rồi nhẹ nhàng cho tay vào túi áo bác gái mà rút tiền.

*

Chiều nay, 5 giờ, anh sẽ bắt đầu công việc của anh: Đi bỏ bánh pizza! Anh sẽ ki cóp những đồng tip, gom lại thành từng trăm, rồi cùng với tiền lương, góp lại thành tiền nghìn, để tiếp tục tìm cô gái đẹp, để trả món nợ đời anh. Tội nghiệp!

Mẹ tôi cứ chép miệng thở dài, nói, chắc kiếp trước thằng Đực lấy con gái người ta có chửa rồi bỏ rơi con gái người ta nên kiếp nầy nó phải trả. Đúng là nghiệp chướng!

Tịnh Tâm

Ý kiến bạn đọc
20/03/201100:00:17
Khách
Đọc bài này của cô Tinh Tâm, vừa mắc cười vừa buồn cười, giống như bi hài kịch, nhưng ở ngoài đời ở đây thì cũng thiếu gì chuyện giống vầy.
Có anh này đi vượt biên sang đây cũng lâu làm công nhân chịu khó dành dụm cũng tích lũy được 2 cái nhà, 1 cái ở 1 cái cho mướn. Về vn đi ăn đám cưới người quen ngồi kế 1 cô, 2 người mới làm quen qua lại. Không bao lâu thì làm đám cưới bão lãnh...Qua đây không bao lâu thì cô ta tuyên truyền là đất đai vn sau này sẽ măc như Tokyo, Nhật bản, sau này có tiền cũng mua không nổi, thuyết phục ông chồng về vn sống khi về hưu...ông chồng siêu lòng sau đó bán 1 cái nhà cho mướn rồi đem tiền về vn mua đất (Má vợ ở vn đứng tên). Ở 1 thời gian anh ta thất nghiệp cô này bắt chó chưởi mèo, kiếm chuyện gây lộn xong ly dị. Trong thời gian "ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng ác cho rồi bậu ra" ấy, thì cô ta hay chọc tức anh đó như "qua đây có gì đâu ngon, tui ở vn nhà có kẻ ăn người ở, biết qua đây khổ vậy tui đâu thèm đi làm gì..."

Còn ông này lầy vợ trẻ hơn gần 20 tuổi, để xịt ra 1 đứa con. Năm nào ẻm cũng về vn lấy cớ thăm gia dình. Cách đây vài tháng con vợ về vn trở qua có bầu đi tiểu bang khác phá thai. Cô ta sau đó tự nhận là "mượn cầu qua sông thôi" chứ người yêu của cô ta là anh chàng trẻ trung ở vn thôi. Ông này ra tòa li dị, cô ta giao con luôn, không thèm con làm gì cho cản đường cản xá.

Hôm nọ trên Lâm Thúy Vân show cũng có 1 ông.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến