Hôm nay,  

Đông Du Ký: D.C., Cảnh Quan Lịch Sử

03/03/201100:00:00(Xem: 233281)
Đông Du Ký: D.C., Cảnh Quan Lịch Sử

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3133-28433 vb5030311

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết về nước Mỹ 2009 với bài “Con Bé”, chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới của Bảo Trân là một bút ký du lịch.

***


Hơn 35 năm trên quê hương mới mà tôi chỉ quanh quẩn ở miền California với hai mùa mưa nắng, chưa hề biết đến những miền đất có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, và nhất là chưa từng được nhìn màu lá đổi vàng ươm, đỏ rực của một rừng Thu.
Nhân tiện Thảo đang rảnh rỗi vì tình hình kinh tế suy thoái, và tôi lại được mấy ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ thường lệ trong hai tuần đầu của tháng 10 nên tôi lấy thêm mấy ngày vacation nữa rồi ghi danh vào tour chương trình Du Lịch Miền Đông của công ty du lịch AV, đi chụp hình cảnh lá đổi màu. Lần này, tôi rủ thêm hai vợ chồng cô em gái Thảo đi chung cho có bạn, vì ông chồng của cô cũng thích chụp hình phong cảnh lá mùa Thu.
Chúng tôi rời phi trường Los Angeles lúc 9 giờ 50 phút tối thứ Sáu ngày mùng 8 tháng 10. Đoàn tour có khoảng 52 người, phần đông ở California, cũng có vài anh chị đến từ Houston, Texas, và đặc biệt còn có thêm 5 du khách đến từ miệt dưới, xứ của con chuột có túi. Trưởng đoàn tour là anh Việt Hùng, ông quản lý của công ty AV, đã đi cùng với đoàn từ phi trường Los Angeles, còn người hướng dẫn đoàn tour là anh Nguyễn Lương Cơ, cùng chú tài Vincent sẽ đến tiếp đón đoàn sáng ngày mai ở phi trường Newark.

Sat 10/9/10
Los Angeles - Newark

Chuyến máy bay 757 của hãng Continental đáp xuống phi trường Newark vào khoảng 6 giờ sáng, lúc người của thành phố này còn đang ngái ngủ. Chắc là nhằm ngày cuối tuần, và còn sớm quá nên xe cộ không đông đảo mấy. Từ phi cơ nhìn xuống, tôi chỉ thấy lác đác vài chiếc xe đang di chuyển trên xa lộ.
Sau khi xuống máy bay, lấy hành lý xong là chúng tôi đã được anh Lương Cơ và anh Việt Hùng gọi tập họp, điểm danh ở một góc phi trường gần nơi lấy hành lý rồi anh Cơ hướng dẫn chúng tôi lên lầu, bước lên xe bus để tiếp tục cuộc hành trình. Từ phi trường Newark, sau khi chạy một quãng ngắn trên xa lộ, xe đưa chúng tôi vào con đường hầm Holland để đi qua downtown New York. Đường hầm Holland, dài khoảng 3 cây số, là một trong hai con đường hầm chính nằm dưới lòng sông Hudson, con đường hầm này nối liền hòn đảo Manhattan của thành phố New York với thành phố Jersey của tiểu bang New Jersey ở Interstate 78.
Xe chúng tôi chạy theo con đường Canal, con đường huyết mạch để dẫn vào thành phố New York. Nơi dừng chân đầu tiên của chúng tôi sáng nay là công viên Pháo Đài (Battery Park). Công viên Pháo Đài nằm ở cuối phía Nam của đảo Manhattan, nhìn ra hải cảng New York, nơi có những chuyến phà chạy từ bờ sông bên này để sang Ellis Island và Liberty Island có tượng Nữ Thần Tự Do. Công viên được mang tên Pháo Đài vì đã có những thời kỳ khác nhau, Pháo binh Hòa Lan và Anh đã sử dụng nơi này làm đài kiểm soát, bảo vệ hải cảng. Đầu phía Bắc của công viên là đầu cầu A (trước đây là fireboat station) và Vườn Hy Vọng, một đài tưởng niệm các nạn nhân bị bệnh AIDS. Ở một đầu khác của Công Viên Pháo Đài là nhà hàng Battery Gardens, nằm cạnh tòa nhà của US Coast Guard Battery.
Vừa bước vào công viên Pháo Đài tôi đã nhìn thấy một khối kim loại to lớn, hình thù quái dị có những miếng sắt tròn, méo, vuông, dài quyện lẫn vào nhau, tựa như hình thể người ở hành tinh khác, lừng lững trong một góc vườn. Phần bên trên nóc, hình tròn, có những lỗ thủng lởm chởm như một quả banh bị phá vỡ ra nhưng những phần miểng rách vẫn còn dính chặt không rời. Nhìn xuống một góc đằng sau khối kim loại này, tôi thấy có một vòng tròn lửa cháy bập bùng trên một ngọn đuốc nhỏ nổi lên từ lòng đất.
Sau khi anh Cơ giải thích tôi mới biết cái khối hình thù quái dị đó tên là “The Sphere”, một tác phẩm mang biểu tượng “Hòa Bình Thế Giới” của điêu khắc gia người Đức tên Fritz Koenig. Cái khối kim loại “The Sphere” này trước kia được đặt ở Austin Tobin Plaza, trong trung tâm thương mại Manhattan. Sau cuộc khủng bổ đẫm máu vào Tòa Nhà Tháp Đôi, “The Sphere” đã được tìm thấy trong đống gạch vụn của Twin Towers. Thoạt đầu, người ta đã không biết có nên sửa chữa hay phá hủy nó đi không vì cái tác phẩm nghệ thuật này tuy còn nguyên không bị móp méo, nhưng đã bị sức công phá của máy bay khủng bố đục thủng lởm chởm ở phía bên ngoài. Nhưng sau đó thì chính phủ đã quyết định giữ lại để làm một di tích kỷ niệm tưởng nhớ đến những nạn nhân của ngày 11 tháng 9. “The Sphere” được di chuyển về đặt tạm tại một góc công viên Battery trong lúc chờ đợi đài kỷ niệm ngày 11 tháng 9 hoàn thành thì “The Sphere” sẽ được đặt trở về vị trí nguyên thủy của nó.
Công viên Pháo Đài là một địa điểm tuyệt vời để đi bộ, thư giãn, và thưởng thức phong cảnh thành phố từ mũi phía Nam của Manhattan, nhất là vào những ngày trời lạnh mát như hôm nay, nhưng chúng tôi chỉ có khoảng 30 phút để nhìn sơ qua thành phố trong sương mơ, chụp vội vài tấm hình với “The Sphere” rồi lại phải nhanh chóng đi bộ qua thăm thị trường chứng khoán, Wall Street.
Hôm nay thứ Bẩy nên thị trường chứng khoán đóng cửa, nhưng anh Cơ nói cho dầu có mở cửa thì chắc chúng tôi cũng không phép được vào thăm viếng vì lý do an ninh sau biến cố 911. Thôi thì đi vòng vòng quanh mấy tòa nhà, chụp hình phía ngoài của Wall Street là cũng đủ vui rồi.
Chúng tôi băng ngang qua con đường State từ Battey Park, đến “thắng cảnh” đầu tiên của Wall Street: con bò mộng, “The Charging Bull”. Con bò này được đúc bằng đồng, nặng hơn 7 ngàn pounds. Nó là một biểu tượng của Wall Street trong những ngày huy hoàng của thị trường chứng khoán. Để khỏi lộn xộn mất thì giờ chụp hình với con bo, anh Cơ đề nghị chúng tôi xếp hàng theo thứ tự trước sau, ai thích chụp với phần đầu hay phần cuối con bò thì cứ tuần tự tiếp phiên nhau mà chụp.
Mấy ông bà du khách trong đoàn tour chụp hình con bò xong, đi lang thang ghé vào thăm viếng mấy sạp hàng bán đồ lưu niệm nằm trên lề đường. Cùng là tượng con bò mộng, tượng nữ thần Tự Do mà mỗi sạp bán một giá khác nhau, cách nhau đến cả $5 một món, làm có người trong đoàn tôi mua hớ, nên tiếc hùi hụi. Tôi thì còn lang thang thêm một tuần sau chuyến du lịch này, và không có chủ trương khiêng quà lưu niệm cồng kềnh, nên chỉ đảo qua xem cho biết.
Chụp hình bò mộng xong rồi, chúng tôi đi từ từ vào con đường nơi tòa nhà chính của Wall Street tọa lạc, chụp hình phía ngoài của tòa nhà có mang hàng chữ “New York Stock Exchange”, rồi quay sang tòa nhà “Federal Hall”, nơi có đặt tượng đài kỷ niệm của Tổng Thống George Washington. Ở tại tòa nhà lịch sử này, ngày 30 tháng 4 năm 1789, ông George Washington đã tuyên thệ để nhậm chức Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ.
Muốn chụp được hình với ông Tổng Thống Washington này cũng quả là một chuyện khó, vì ai cũng thích “dựa chân vua” nên tôi cũng phải kiên nhẫn chờ tới phiên mình. Trong thời gian chờ đợi, Thảo dẫn tôi ra đứng… giữa đường (con đường này chỉ dành riêng cho khách bộ hành), chụp cho tôi một tấm hình có cái phông oai nghi của thánh đường Trinity.
Chờ cho các “giai nhân, tài tử” của đoàn tour chụp hình, chụp ảnh xong xuôi, anh Cơ hướng dẫn chúng tôi đi tà tà từ Federal Hall đi dọc lên khu đất Tháp Đôi ngày xưa mà bây giờ được gọi là Ground Zero để nhìn mảnh đất lịch sử đang được khởi công xây dựng lại. Đứng nhìn qua hàng rào mắt cáo, chúng tôi chỉ thấy được một miếng đất trống với nền móng mới, những cái cần cẩu cao to, và những vật liệu, dụng cụ xây dựng ngổn ngang.
Tới 9 giờ sáng thì cả đoàn tour người nào cũng đói bụng lắm rồi, nên anh Cơ đề nghị lên xe về China Town ăn tỉm sắm. Mới hơn 9 giờ sáng mà nhà hàng cũng khá đông khách. Mùi thức ăn ngạt ngào làm bụng tôi thêm cồn cào. Bữa điểm tâm bắt đầu bằng món cháo thịt băm với trứng vịt bách thảo làm tôi cảm thấy ấm lòng. Nhưng còn những món tỉm sắm “nhẹ nhàng”, thông thường của nhà hàng ở New York này thì tôi đành phải chấm là thua những món tỉm sắm ở California xa lắc xa lơ.
Ăn xong bữa sáng, chúng tôi lại lên xe bus trở về Battery Park để xuống phà sang Liberty Island thăm tượng Nữ Thần Tự Do. Lúc này nắng đã lên cao, thời tiết ấm áp nên du khách đi chiêm ngưỡng Nữ Thần đông không thể tả, người nối đuôi nhau xếp thành hàng dài ra đến tận đầu công viên. Chúng tôi cũng rồng rắn theo nhau đi từ từ qua những hàng rào song sắt để đến khu vực kiểm soát an ninh của bến phà.
Ở đây, phần kiểm soát an ninh cũng rất là nghiêm ngặt, chỉ có lên phà qua đảo thôi mà du khách cũng phải tháo hết cả áo khoác ngoài, giầy dép, bỏ vào từng thùng nhựa nhỏ để đưa qua máy dò y hệt như lối kiểm soát an ninh ở phi trường.
Qua tới bến tàu Liberty Island, nghe lời dặn về giờ giấc, địa điểm tập họp xong là bà con tan hàng vì ai cũng muốn nhanh chân tìm đến bức tượng Nữ Thần Tự Do để chụp hình. Một nhóm nhỏ đi theo sát anh Cơ, vì anh tuyên bố sẽ chỉ cho chúng tôi những cái phông thật đẹp để chụp hình. Tôi cũng hăng hái chạy theo, leo lên thềm ciment cao, tận hàng rào cản bằng tre để có những tấm hình chụp toàn diện bức tượng. Di chuyển dần sang bên cánh trái của bức tượng tôi lại chụp được những tấm hình trời xanh, mây trắng, và tấm phông đằng sau là những tòa nhà cao ngất ngưởng của thành phố Manhattan.
Trở lại bến tàu Battery Park đã hơn 2 giờ chiều, chúng tôi có khoảng 30 phút lang thang trong park trước khi lên xe đi đến địa điểm kế tiếp. Từ bến tàu đi lên, chúng tôi vòng qua một con đường khác bên cánh trái ngồi gần mấy cái bồn hoa đợi nhau, thư giãn mươi phút và chụp hình phong cảnh chung quanh park. Những người không thích đi chụp hình phong cảnh thì có thể thăm thú những gian hàng bán đồ lưu niệm, bán thức ăn, những gian hàng vẽ tên, vẽ hình chân dung hay hí họa ở rải rác trên con đường ciment lớn nằm ở góc cuối cùng của công viên. Ai thích nghe nhạc thì có thể đứng lại với người nhạc sĩ trên vỉa hè để nghe ông ta kéo đàn và hát một bản nhạc ngắn.
Chung quanh Battery Park có đặt để nhiều bức tượng to lớn, được đúc khắc sắc sảo, nhưng tôi chỉ có thì giờ chụp vài bức ở trên những con đường chúng tôi đi qua như tượng những người di dân (The Imigrants), hay bức tượng Đắm Tàu (Ship Wreck). Sắp đi hết con đường dẫn ra nơi tập họp, tôi và Thảo chợt nhìn thấy một bóng hình người lính đeo súng đứng sừng sững giữa trời, ôm trọn tất cả hình ảnh, hoa lá trong không gian vào trong lòng. Khi đến gần, đọc những hàng chữ ở dưới chân người lính thì chúng tôi mới biết đây là Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Triều Tiên ở New York (New York Koea War Veterans Memorial). Cái đài tưởng niệm này có một lối kiến trúc rất là đặc biệt, với hình dáng một người lính được đục thủng xuyên qua giữa phiến đá hoa cương đen to dầy, hiên ngang giữa trời xanh.
Đáng lý ra thì sau khi đi thăm viếng tượng Nữ Thần Tự Do rồi là chúng tôi sẽ đi đến Empire State Building để lên tầng thứ 86 nhìn xuống thành phố New York buổi hoàng hôn nhưng khi ra đến hàng ghế gỗ trước công viên tập họp, điểm danh xong mới biết thiếu người. Cơ khổ, người đi lạc lại là một vị du khách đến từ xứ Úc, mà anh này lại không có số phone ở Mỹ để liên lạc. Thế là bọn chúng tôi nhận lịnh “ngồi tại chỗ, không được lang thang” để chờ anh Hùng, anh Cơ và bà vợ của anh này chia nhau đi tìm người đi lạc. Mãi một lúc sau mới thấy “châu về hiệp phố”, anh du khách bên Úc cũng tìm được đường ra. Nhưng đến lúc này thì đã trễ, nên anh Cơ đề nghị là chúng tôi nên chấm dứt buổi du ngoạn ngày hôm nay ở đây, để đi ăn tối rồi về khách sạn nghỉ ngơi, vì xem ra bà con ai cũng có vẻ mệt mỏi sau một đêm ngủ gà, ngủ gật trên phi cơ chỉ được vài ba tiếng đồng hồ. Nghe anh Cơ nói có lý quá nên cả đoàn tour của chúng tôi đều nhất loạt tán thành.
Giã từ Công Viên Pháo Đài chúng tôi rời New York để trở lại New Jersey. Trên đường tới tiệm ăn, chú tài Vincent đã cho xe chạy qua trung tâm thành phố, ngang qua khu midtown để cho cả đoàn xem sự khác biệt giữa downtown và midtown. Xe cũng đi ngang qua Times Square, để chúng tôi được xem sự nhộn nhịp của một nơi chốn mà hàng triệu người đã tập họp về để nhìn quả cầu bạc rơi xuống đón mừng năm mới. New York cuối tuần nên người đi đông như trẩy hội, ai nấy đều hớn hở tươi cười. 
Đêm nay, sau bữa ăn tối tại Century Buffet, chúng tôi sẽ về nghỉ ngơi tại khách sạn Marriot Park Ridge ở thành phố Park Ridge, thuộc tiểu bang New Jersey.

Sun 10/10/10
New York - Boston
Đúng 8 giờ rưỡi sáng chúng tôi rời khách sạn. Năm nay, vì thời tiết thay đổi, sợ mùa Thu nhanh chóng đi qua cuốn theo những chiếc lá đỏ vàng rực rỡ như năm ngoái thì những nhiếp ảnh gia tài tử của tour Du Lịch Miền Đông sẽ không có cơ hội “chớp” hình lá Thu bay nên bà giám đốc AV đã chuyển đổi chương trình đi vòng lên Canada trước, thế nên hôm nay chúng tôi sẽ đi từ New York đến Boston.
Cuộc viếng thăm đầu tiên của ngày hôm nay là Visitor Center của trường đại học quân sự West Point, nằm bên tả ngạn sông Hudson. Đây là một nơi chốn để du khách đến viếng thăm và tìm hiểu thêm về ngôi trường võ bị nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Chúng tôi bắt đầu cuộc thăm viếng từ tầng Một, chụp hình với con chim ó, huy hiệu của trường, rồi lên lầu Hai để ngắm nhìn hình mấy cô cậu sinh viên sĩ quan tươi cười trong những lễ phục bốn mùa dành cho những thời điểm, những trường hợp lễ lạc khác nhau. Chúng tôi cũng không quên chụp hình với tấm phông to tướng có hình hai anh chàng sĩ quan trong sắc phục đại lễ, đang bồng súng đứng nghiêm chỉnh trước giòng sông Hudson và ngọn đồi cỏ xanh rì của căn cứ. Chụp ở trong nhà xong chúng tôi lại rủ nhau ra ngoài sân chụp hình với chiếc xe tăng ThunderboltVII khổng lồ trước cổng, với tòa building có mang tên West Point Museum. Mặc dù phải tranh thủ thời gian để chụp hình nhưng các ông bà du khách của đoàn tour vẫn không quên nhín chút thì giờ ghé vào gian hàng bán đồ lưu niệm để mang theo mấy cái sweatshirt, mấy cái nón có in huy hiệu West Point về làm quà.
Lúc xe đi lên freeway, ra ngoài vòng rào Visitor Center, anh Cơ chỉ cho chúng tôi thấy những ngọn đồi cỏ xanh mướt nằm bên cạnh giòng sông Hudson bảo đó là thao trường của các sinh viên sĩ quan. Địa điểm này cũng là nơi mà các tướng lãnh trong cuộc cách mạng dành độc lập của Hoa Kỳ ngày xưa đã chọn lựa làm căn cứ chiến lược vì họ tin rằng với cái địa hình quanh co chữ S đặc biệt của khúc sông này (cộng thêm những chuỗi dây xích chôn ngầm dưới lòng sông, chỉ được kéo lên khi ứng chiến) có thể ngăn chận được sự xâm nhập của tàu chiến Hải Quân Anh Quốc.
Rời West Point, chúng tôi tiếp tục lên đường đi Boston. Tới chợ Tàu Boston đã quá trưa, chúng tôi có 1 tiếng đồng hồ ăn uống. Ngoài những quán mì, hủ tíu, tỉm sắm thuần túy Trung Hoa thì chợ Tàu Boston cũng có lắm quán hàng khác cho bà con chọn lựa. Ai muốn thử món ăn Hàn thì cũng có quán Hàn ngay góc đường thứ nhất. Ai muốn ăn bánh mì Việt Nam, uống cafe sữa nóng thì bước thêm vài bước tới góc đường kế tiếp. Nghe quảng cáo là phở ở Boston cũng ngon “hết ý” nên tôi nhập theo đám đông đi với anh Hùng và anh Cơ tới tiệm Pasteur ăn phở. Chúng tôi vừa ngồi yên chỗ thì những tô phở xe lửa to tướng, nóng hổi, đã được đưa đến nhanh chóng. Đó là cũng nhờ công của anh Cơ đã chịu khó gọi order trước lúc đến nửa tiếng đồng hồ. Vừa húp muỗng nước lèo đầu tiên tôi đã phải công nhận là phở ở Boston ngon không thua gì phở ở Cali.
Ăn no nê rồi, chúng tôi lại tiếp tục đi. Buổi chiều hôm nay, chúng tôi sẽ đến thăm trường đại học Harvard. Chúng tôi sẽ có khoảng 1 tiếng đồng hồ ở tại nơi này đi vòng vòng chung quanh trường để ngắm những tòa building cổ kính, nhìn du khách ghé thăm trường chờ đợi đến phiên mình để chụp hình và rờ bàn chân trái của ông Harvard mong được học giỏi giống ông. Tôi và Thảo thì đã quá tuổi làm học trò rồi nên không hăng hái với cái việc xếp hàng rờ chân, chụp hình ông này nên hai chúng tôi rủ nhau đi vòng quanh trường chụp hình mấy tòa nhà cổ với những gốc cây cổ thụ khổng lồ.
Sau cuộc viếng thăm trường đại học Harvard, trên đường trở ra phố chính chúng tôi ghé ngang trường đại học MIT. Chú tài Vicent thả chúng tôi xuống vỉa hè đối diện với trường MIT rồi là hấp tấp dời xe. Vì không có nhiều thì giờ ở đây nên chúng tôi chỉ có thể đứng chụp hình từ bên này đường với cái phông là những cái cột khổng lồ trước mặt tiền của trường đại học.
Nơi viếng thăm sau cùng của buổi chiều hôm nay là Quincy Market. Quincy Market là một trung tâm thương mại nằm trong lòng thành phố Boston. Quincy Market cũng là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách. Quincy Market có khoảng 100 cửa hàng và nhiều quán hàng rong nho nhỏ ở chung quanh. Quincy Market cũng còn có chừng 17 nhà hàng và quán rượu, cộng thêm 1 tòa building “food court” với 40 gian hàng bán đủ loại thức ăn Tây, Tàu, Mỹ, Á... Quincy Market là một nơi chốn tiện lợi cho những người làm việc trong thành phố tìm đến để ăn uống, mua sắm và thư giãn mỗi buổi trưa và sau giờ làm việc. Thực khách có thể ngồi ăn trưa dưới những tán kính đẹp hay ngồi uống cafe dưới những chiếc dù nhỏ đủ màu ngoài trời ngắm người tấp nập chung quanh đang dạo phố.
Khi chúng tôi đến Quincy Market thì thành phố vừa lên đèn. Chúng tôi đảo qua một vòng những gian hàng bán đồ lưu niệm, những cửa hàng bán quần áo, ví giầy. Ở trung tâm thương mãi này có đủ thứ cửa hàng, từ những cửa hàng bán quà lưu niệm rẻ tiền đến những cửa hàng bán đồ hiệu danh tiếng. Tôi thì chỉ tò mò nên lang thang theo bà con trong đoàn xem chơi cho biết chứ không định mua bán gì. Theo tôi thì cái nơi hấp dẫn, náo nhiệt nhất vẫn là cái tòa nhà cổ mang tên Quincy Market nằm chính giữa trung tâm thương mại này, nơi có mấy chục quán hàng bán thức ăn, mùi thơm đang tỏa ra ngào ngạt. Tôi và Thảo đi tà tà từ đầu chợ, nhìn thực khách đông đảo ăn uống, nói cười, thỉnh thoảng, chúng tôi cũng xà vào ăn thử mấy món ăn mà nhân viên quán hàng bưng vòng vòng mời khách lại qua.
Khoảng 7 giờ chiều, chúng tôi trở lại xe để lên đường đến nhà hàng. Nghe nói bữa tối hôm nay là bữa ăn đặc biệt với tôm hùm của Boston, tôi đã tưởng là sẽ được đi ăn ở nhà hàng Mỹ, nhưng không ngờ lại đi trở lại China Town, ăn Chinese Food. Có tôm hùm Boston thật. Mỗi người chúng tôi được 1 con tôm hùm hấp, ăn vã, không có tiêu muối chanh, nước chấm gì cả, có lẽ nhà hàng đang mải lo cho tiệc cưới ở trên lầu, nên quên đãi đằng bọn khách đường xa. Nhìn Thảo săn tay áo bẻ đầu, rút đuôi con tôm hùm, bị nước hấp tôm bắn ra tùm lum lên người, lên áo, tôi đã thầm nghĩ: “Phải chi họ xào tôm theo lối tôm hùm đặc biệt như mấy tiệm ăn ở Cali thì mình đỡ tốn sức lao động nhỉ.”
Đêm nay chúng tôi sẽ nghỉ chân ở khách sạn Sheraton. Về tới khách sạn, tắm rửa xong là cũng đã 10 giờ rưỡi tối. Sáng ngày mai chúng tôi sẽ lên đường đi Quebec.

Monday 10/11/10
Boston - Quebec
Đáp ứng đúng theo công thức 6/7/8, 6 giờ thức dậy, 7 giờ ăn sáng, và 8 giờ khởi hành của anh Cơ, chúng tôi rời khách sạn lên đường lúc đồng hồ vừa chỉ 8 giờ. T
heo xa lộ 95 N, xe đưa chúng tôi đi ngang vùng White Mountains. Chúng tôi sẽ ngừng tại đây vài ba tiếng đồng hồ để được xe cáp đưa lên núi chụp hình cảnh lá đổi màu của vùng New England. Theo lời anh Cơ thì từ trên xe cáp nhìn xuống chúng tôi sẽ thấy 1 tấm thảm lá đủ màu đỏ cam vàng xanh nâu tuyệt đẹp. Tôi cũng háo hức để nhìn thấy cảnh “The brightest show on earth: autumn in the White Mountains!” với những chiếc lá vàng cam của Northern Red Oak, vàng đỏ của Sugar Maple, vàng xanh của Quaking Aspen, vàng nâu của American Beech như lời quảng cáo của cái brochure tôi đã lấy ở information booth. Nhưng khi lên đến chừng nửa đường thì tôi cảm thấy thất vọng khi nhìn xuống chỉ thấy một vùng đồi núi xanh rì. Có thể vì global warming nên tiết trời thay đổi, đã đầu tháng 10 rồi mà vẫn chưa đủ lạnh để cho lá đổi thay màu. Bà con trong đoàn, nhất là mấy ông thợ săn ảnh, ai nấy cũng buồn hiu hắt.
Đi vòng vòng theo những con đường mòn ven núi vào sâu bên trong khu rừng chúng tôi cũng chỉ thấy những đám thông xanh rì, cao ngất. Không có lá màu thì chúng tôi đành chụp cảnh núi non, chụp hình những bông hoa dại ở ven rừng rồi trở về quán hàng ở trên đỉnh núi ăn trưa. Thức ăn bán ở đây cũng như ở những nơi du lịch khác, đắt và dở tệ. Ăn trưa ở trên đỉnh núi xong chúng tôi theo xe cáp xuống lại bãi đậu xe. Cũng may là dưới sân đậu xe có mấy cây Maple lá đang đổi màu, nên chúng tôi mới có được vài tấm hình màu lá mới buổi vào Thu.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình sửa soạn “vượt biên giới”. Xe chạy theo xa lộ 302 E, rồi qua 91 N để tới Quebec. Khoảng 3 giờ chiều thì chúng tôi tới trạm kiểm soát ở biên giới Mỹ - Canada. Chú tài Vincent cho xe chạy vào lối dành riêng cho bus, rồi thả chúng tôi xuống để vào trạm trình passport. Quá cảnh Canada cũng dễ dàng, nên chỉ hai chục phút sau là bà con trong đoàn trở về xe đầy đủ.
Đi chừng thêm 10 phút nữa thì chú tài Vincent thả chúng tôi xuống trạm nghỉ ngơi ở ngay đầu biên giới. Xe vừa ngừng thì tôi đã nghe bà con ngồi phía đằng trước reo hò ầm ĩ: “lá vàng, lá vàng” rồi hấp tấp kéo nhau xuống để chụp hình. Thật tình, cho đến bây giờ tôi mới thấy sức quyến rũ của rừng lá mùa Thu. Đây mới thật là rừng lá đủ màu, vàng, đỏ, tía, xanh, nâu. Chúng tôi tha hồ đưa máy ảnh lên chụp lia chụp lịa, quên cả lời dặn của ông hướng dẫn đoàn là: “chỉ nghỉ ngơi chừng 30 phút rồi đi”. Chờ đợi bao nhiêu ngày, lên tận núi cao cũng tìm không ra lá đổi màu, mang nỗi thất vọng đến nơi đây gặp cảnh Thu quyến rũ như thế này thì bảo làm sao chúng tôi có thể nghỉ ngơi 30 phút cho đành.
Thế là cả đoàn tour của tôi tản mác trong khuôn viên chỗ nghỉ ngơi này. Tha hồ cho các cô, các bà làm điệu, hết chụp cảnh... “ngồi trên ghế cô đơn nhìn lá vàng rơi”, đến... “nằm dài trên thảm lá nâu ngẫm nghĩ buồn vui”, rồi lại... “dựa lưng vào gốc cây mà tiếc nhớ xa vời”... Thấy đốc thúc chúng tôi lên đường mãi không xong, hai ông trưởng đoàn và hướng dẫn đoàn cũng sửa lại xiêm y, thắt chặt khăn quàng hòa mình vào cuộc vui săn ảnh.
Khi xe lăn bánh nhắm hướng Quebec đi tới thì anh Cơ tuyên bố là bà con đã tiêu pha nhiều thì giờ để chụp hình chụp ảnh, nên chúng tôi sẽ không có cơ hội đi dạo phố chiều nay, nhưng cả đoàn tour chúng tôi đang vui như hội vì tìm được rừng lá mùa Thu nên đồng ý là không dạo được phố chiều thì ta đi xem phố tối.
Gần 7 giờ xe mới vào tới thành phố Quebec. Đã tới giờ ăn tối nên chú tài Vincent đưa chúng tôi đi thẳng tới nhà hàng. Tối nay, chúng tôi lại được ăn Chinese Buffet, ở nhà hàng mang tên Tony Tam. Ăn tối xong chúng tôi về khách sạn nhận phòng. Thả vali vào phòng rồi là chúng tôi phải nhanh chóng xuống địa điểm tập họp ở tiền sảnh để đi thăm phố cổ về đêm.
Từ khách sạn Hilton Quebec, chúng tôi quẹo ra Avenue Honoré Mercier để đi bộ ra phố cổ. Con đường thật vắng lặng, nhìn quanh quẩn chỉ thấy vài khách bộ hành đang đi lang thang, còn lại là tất cả người của đoàn tour chúng tôi đang nối chân nhau dạo phố. Trước khi tới con đường chính dẫn vào phố cổ chúng tôi dừng lại chụp một vài tấm hình kỷ niệm với tòa nhà lập pháp của tỉnh Quebec và bồn phun nước Fontain de Tourny’s sáng rực dưới ánh đèn. Đi thêm một quãng ngắn, chúng tôi quẹo trái đi dọc xuống con đường Saint Louis, chui qua cổng thành, theo con đường dốc dẫn về khu phố cổ.
Phố cổ Quebec nằm trên một vùng đồi, trên giòng sông Saint Lawrence, là một thành phố được bao bọc bởi những bức tường đá dầy, cao, kiên cố. Phố cổ Quebec chia thành hai khu vực, khu phố ở bên trên là Upper Town có những con đường quanh co nhỏ hẹp, có nhiều nhà hàng, quán rượu hơn là những gian hàng bán đồ lưu niệm. Khu phố nằm ở bên dưới, cạnh bờ sông là Lower Town, có nhiều quán hàng nho nhỏ mới thực là một trung tâm mua sắm của du khách bốn phương. Vì là phố cổ, nên những tòa nhà ở hai bên đường đều rất... cổ, rất cũ kỹ, nhưng được tu bổ, giữ gìn kỹ lưỡng và được trang điểm với những chậu hoa đầy màu sắc. Nhìn ở bờ tường, cửa sổ, cửa chính của căn nhà nào tôi cũng thấy đầy hoa, thậm chí, còn có cả những chậu hoa được treo lủng lẳng dưới ngọn đèn gắn ở trên tường. Tôi đi dọc theo những hiên nhà này chụp hình với những chậu hoa gắn ngoài cửa sổ, trên bờ tường, có những nhánh giây hoa rũ dài xuống đất. Tôi còn rủ Thảo chui vào mái hiên của một căn nhà cổ xinh xinh sơn màu trắng đỏ (nhà hàng nổi tiếng Aux Anciens Canadiens), chụp hình với những chậu hoa đỏ, những quả bí ngô vàng trang điểm cho một mùa Halloween trong góc sân.
Giờ này, đã gần 10 giờ đêm, chỉ có những quán rượu, quán cafe là còn mở cửa, nhưng nhìn xuyên qua khung kính tôi cũng không thấy nhiều khách hàng cho lắm. Chúng tôi đi dọc theo lòng con phố vắng lặng, tha hồ đùa giỡn, chuyện trò. Trước khi bước xuống những bậc thang dẫn xuống Lower Town, Petit-Champlain Quartier, anh Cơ chỉ cho chúng tôi thấy lâu đài Frontenac, một hotel nổi tiếng của thành phố với nét đẹp hùng vĩ, uy nghi, đứng sững sững trên nền trời phố cổ. Tòa lâu đài này đã là một nét đặc trưng của thành phố và đã là một thắng cảnh để du khách tìm đến viếng thăm, chụp hình kỷ niệm.
Chúng tôi đi xuống ba vòng cầu thang rộng lớn, chắc cũng khoảng sáu, bẩy chục bực thang chứ không ít, để đi xuống con đường dốc dẫn vào khu vực Lower Town. Tới đầu đường Petit Champlain, chúng tôi lại tiếp tục đi xuống hai cái cầu thang nhỏ dốc đứng, rồi mới được đi tà tà trên con đường lát gạch thẳng tắp, ngắm những món đồ nho nhỏ dễ thương được trưng bày đẹp đẽ bên trong khung cửa kính.
Khu phố nhỏ, nên... “đi dăm phút đã về chốn cũ”, thế cũng tạm đủ rồi cho một chuyến dạo phố về đêm. Chúng tôi phải trở về vì tuyến đường ngày mai cũng dài lắm. Chúng tôi lại leo cầu thang, leo dốc, đi ngược về Upper Town. Có vài anh chị ngại ngùng khi nghĩ đến phải đi qua năm chặng cầu thang và con đường dốc quanh co, nên đã vào trạm xe cáp, trả $2 để nhờ cái xe cáp đưa lên Upper Town. Chúng tôi về đến khách sạn cũng đã 11 giờ đêm. Tôi và Thảo nhanh chóng làm công việc tẩy trần rồi chui vào chăn ấm. Sáng ngày mai, chúng tôi sẽ lên đường đi đến Montreal.
Tuesday 10/12/10
Quebec - Montreal - Kingston
Buổi sáng, trước khi lên đường đi Montreal chúng tôi trở lại khu phố cổ, đến Dufferin Terrace để chụp hình lưu niệm cả đoàn trước bức tượng đài kỷ niệm của ông Samuel de Champlain, người đã tìm ra Quebec, và đã được xem như là người cha của Tân Pháp Quốc (The Father of New France). Chụp hình xong rồi chúng tôi lại theo anh Cơ và anh Hùng đi bộ xuống Petit-Champlain lần nữa để nhìn rõ hơn khu vực Lower Town vào buổi sáng. Chú tài Vincent sẽ lái xe xuống con đường gần mé sông để đón chúng tôi.
Có thể là vẫn còn sớm nên những quán hàng của khu phố vẫn chưa mở cửa. Không sao, vì chúng tôi cũng chẳng màng đến việc mua bán hay có thì giờ thảnh thơi để ngồi uống cafe, ăn croissant buổi sáng. Chúng tôi chỉ có khoảng 30 phút để chụp những tấm hình phổ cổ còn say ngủ buổi bình minh rồi lại phải dời bước chân đi.
Con đường từ Quebec về Montreal cũng rất dễ thương. Tuy cây lá hai bên đường đã bắt đầu thay màu đổi mới, nhưng cũng không nhiều bằng khuôn viên trạm nghỉ ở gần biên giới hôm qua. Chúng tôi tới Montreal là đã vào bữa trưa. Xe thả chúng tôi xuống một con đường lớn, gần tòa án Montreal. Trước khi xuống xe, anh Cơ đã chỉ cho chúng tôi vài địa điểm thăm viếng như khu phố cổ Montreal, nhà thờ Notre Dame, nhưng anh cũng không quên dặn là chúng tôi chỉ có 1 tiếng đồng hồ ở tại thành phố này, vì đúng 1 giờ 30 là xe phải chuyển bánh để chạy đến bến tàu Rockport, bắt kịp chuyến tàu cuối cùng trong ngày để ngắm cảnh ngàn hòn đảo (Thousands Island). 
Như thế là chúng tôi có khoảng 1 tiếng đồng hồ để “cưỡi ngựa xem hoa” ở thành phố lớn thứ nhì của Canada. Một tiếng đồng hồ, không đủ để cho chúng tôi có thì giờ tìm đường đi đến được những nơi muốn đến, nội cái việc đi xếp hàng mua thức ăn trưa là cũng đủ hết giờ. Mua bánh mì xong, từ quán Subway ra đứng ở góc đường nhìn tới nhìn lui, hai vợ chồng tôi và hai vợ chồng cô em gái Thảo cũng không biết hướng nào để đi tới Notre Dame, thế nên chúng tôi xách bánh mì đi vòng vòng xuống hướng bờ sông, ngắm cảnh thành phố ở mấy con đường nho nhỏ chung quanh, chụp vài ba tấm hình cho biết cảnh Montreal, rồi trở về ngồi nghỉ chân ở mấy cái ghế đá công viên gần tòa án, ăn trưa, chờ giờ đi tiếp.
Năm giờ chiều, xe tới bến tàu Rockport. Chúng tôi lên tàu bắt đầu cho một buổi chiều du ngoạn trên sông. Nắng vẫn chiếu chan hòa trên những lâu đài đồ sộ, những căn nhà bé bé, xinh xinh, đẹp tuyệt vời. Vừa ngắm cảnh đẹp chung quanh chúng tôi vừa được nghe lời dẫn giải của viên thuyền trưởng.
Thousand Islands là một quần đảo gồm hơn 1700 hòn đảo nằm rải rác trên hai biên giới Mỹ và Canada, trải dài theo giòng sông Saint Lawrence và vùng Đông Bắc của hồ Ontario. Quần đảo này kéo dài khoảng 80 cây số, khởi nguồn từ vùng Kingston đến Cornwall ở bên phía Canada, và từ Oswego đến Massena ở bên phía Hoa Kỳ. Thousands Islands có những hòn đảo to hơn 40 dặm vuông, có thể xây dựng được 1 dinh thự to lớn, và cũng có những hòn đảo nhỏ chừng cỡ 1 foot vuông, chỉ đủ chỗ cho 1 thân cây sinh sống. Để có thể được liệt kê vào danh sách “hòn đảo” ở Thousand Islands, những hòn đảo ở nơi này phải nằm trên mực nước quanh năm. Ngày nay, Thousand Islands đã là một địa điểm thu hút nhiều du khách vì vẻ đẹp diễm lệ, tự nhiên của nó.
Tôi không khỏi bùi ngùi khi nghe câu chuyện về lâu đài Boldt, chuyện của một người chồng mua đảo Tim (Heart Island) để xây lâu đài tình ái. Nhưng lâu đài chưa được hoàn thành thì nữ chủ nhân đã từ giã cõi đời. Quá đau buồn nên người chồng đã bỏ dở dang công trình đang xây cất, bỏ lâu đài tình ái và đảo Tim ra đi với một trái tim tan vỡ. Ngày nay, Boldt Castle đã có chủ mới, và đã được chỉnh trang lại để làm nơi tiếp đón du khách đến thưởng ngoạn, và cũng là nơi tổ chức lễ cưới, tiệc cưới cho những cặp uyên ương muốn có được một ngày trọng đại trên sóng nước, với đảo Tim. 
Viên thuyền trưởng cũng nhắc đến một tòa lâu đài khác cũng trang trọng, đồ sộ không kém tòa lâu đài Boldt, lâu đài Singer. Tòa lâu đài này không có câu chuyện buồn như tòa lâu đài Boldt, nhưng lại nổi tiếng vì lối kiến trúc đặc biệt của nó. Chủ nhân của tòa lâu đài này là ông Frederick Bourne, đã cho xây dựng tòa lâu đài Singer với những lối đi bí mật để ông có thể quan sát, theo dõi khách đến thăm nhà.
Chúng tôi cũng được nhìn tận mắt “chiếc cầu biên giới” giữa giòng nằm trên đảo Zavikon. Chiếc cầu này được xem là chiếc cầu quốc tế ngắn nhất thế giới, nó nối liền 2 hòn đảo lớn, nhỏ nằm bên hai lãnh thổ Canada và Mỹ, mà hòn đảo lớn lại thuộc chủ quyền của chính phủ Canada.
Tàu đi vòng quanh những hòn đảo chừng khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi trở về lại bến. Rời khu vực bến tàu Rockport chúng tôi đi ăn tối. Tối nay, chúng tôi lại đi ăn Chinese Food. Kingston là một thành phố nhỏ không có tiết mục gì hấp dẫn về đêm, nên ăn xong rồi là chú tài Vincent đưa chúng tôi về thẳng khách sạn Ambassador Conference. Phòng của tôi ở ngay tầng trệt, gần mặt đường, nhìn ra sân đậu xe rộng vắng. Trong mấy cái khách sạn mà chúng tôi đã được nghỉ đêm từ hôm bữa tới giờ thì cái khách sạn Ambassador này có vẻ là cũ kỹ nhất.

Wednesday 10/13/10
Kingston - Toronto - Niagara
Buổi sáng hôm nay chúng tôi sẽ rời Kingston lên đường đi Toronto. Gần 12 giờ chúng tôi tới con đường chính Spadina của phố Tàu Toronto. Chú tài Vincent cho ngừng xe ở một con đường nhỏ, trước cửa quán Kim, một quán ăn Việt Nam nghe nói đã nổi tiếng với món cơm gà ướp xả nướng rất ngon. Anh Cơ cũng chỉ cho chúng tôi những con đường chính với những hàng quán ở chợ Tàu. Anh bảo, ai muốn ăn cơm Việt Nam thì theo anh vào quán Kim, ai muốn ăn phở thì đi qua tiệm phở Hưng ở đầu đường, ai muốn thử mì vịt quay, heo quay thì cứ đi ra đường Spadina, còn ai chỉ muốn ăn trái cây trừ cơm thì cứ đi dài dài theo con lộ chính, sẽ thấy hàng loạt tiệm bán trái cây miền nhiệt đới như xoài, măng cụt, bòn bon, nhãn, na, mãng cầu, mít, chôm chôm, mận v.v… Nhưng anh cảnh cáo trước là chỉ nên mua trái cây đủ ăn cho đêm nay thôi, vì ngày mai chúng tôi phải “vượt biên giới” về lại Mỹ, mà từ chỗ khách sạn đi tới biên giới chỉ có chừng 10, 15 phút, bà con nào mua nhiều quá ăn không hết thì sẽ phải đi năn nỉ cả đoàn ăn giùm, hay là phải vất đi ngay trạm biên giới rất là phí của. 

Hình như chỉ có vài người theo anh Hùng và anh Cơ vào quán. Ra tới đầu đường thì có vài cặp rẽ vào tiệm phở, những người còn lại rủ nhau đi vòng chợ Tàu cho biết rồi tính chuyện ăn sau. Thảo, tôi và hai vợ chồng cô em Thảo cũng đồng ý là đi thăm thú mấy gian hàng bán trái cây ở Canada xem có khác lạ với Mỹ không. Phải nói là Toronto có những loại trái cây thật tươi mà hình như Cali không có, và giá cả cũng đắt hơn ở Cali nhiều. Ham vui, tôi cũng mua một chùm bòn bon, mấy quả na, 1 quả passion fruit màu vàng ăn thử, nhưng hồi ra tới quầy tính tiền, nhìn receipt cũng có hơi xót ruột. Ai đời 1 quả passion fruit mà tôi phải trả gần $1.70, ba quả na lớn vừa bằng nắm tay cũng hết $10, còn chùm bòn bon chắc chỉ nhỉnh hơn 2 lbs một chút mà cũng tới $16.
Đi vòng có vài quãng đường mà cũng gần hết giờ. Tôi tạt vô tiệm bánh mì Cali mua mấy ổ bánh mì, mấy cái bánh choux cream rồi xách về xe bus ăn. Không biết là tại bột mì ở Canada ngon hơn bột mì ở Mỹ, hay tại vì đói bụng mà tôi cảm thấy ổ bánh mì đặc biệt của tiệm bánh mì Cali hôm nay ngon tuyệt vời. Ngồi ăn gần hết ổ bánh mì tôi mới thấy bà con mình tay xách nách mang lục đục lên xe. Đúng một giờ rưỡi xe chuyển bánh, chú tài Vincent sẽ đưa đoàn chúng tôi đi thăm thú một vòng thành phố rồi sẽ cho xe đi thẳng về hướng Niagara Falls. Tôi vừa ngồi ăn bánh choux, ăn na tráng miệng vừa ngắm nhìn thành phố Toronto qua khung cửa kính.
Trên đường đi đến thác Niagara, anh Cơ nói cho chúng tôi nghe sơ qua về thắng cảnh Niagara Falls. Đây là một thắng cảnh thiên nhiên nằm ở đường biên giới của Hoa Kỳ và Canada, thác Niagara nằm chắn ngang con sông Niagara bắt nguồn từ hồ Erie, một trong hai hồ nước ngọt của Ngũ Đại Hồ. Thác Niagara bao gồm 3 thác riêng biệt: thác Móng Ngựa (Horseshoe Falls), là thác nước lớn nhất, còn được gọi là thác Canada vì nằm trên phần đất Canada, hai thác nằm trên phần đất Hoa Kỳ là thác Người Mỹ (American Falls) nhỏ hơn một chút, và thác Khăn Che Mặt Cô Dâu (Bridal Veil Falls) thác nước nhỏ nhất. Chúng tôi sẽ được ngắm nhìn ba cái thác nước hùng vĩ này từ bên phần đất Canada, nơi mà anh Cơ bảo là quang cảnh sẽ đẹp hơn là đứng ngắm nhìn thác nước từ bên phần đất Hoa Kỳ, chả vậy mà bên Hoa Kỳ đã phải cho xây một cái tháp cao, có bao lơn chìa ra giữa giòng sông để nhìn rõ hết cảnh đẹp của thác Niagara.
Khoảng ba giờ rưỡi chiều chúng tôi đến khuôn viên thác Niagara. Ai nấy trong đoàn cũng đều háo hức vì chúng tôi sẽ tận mắt nhìn thấy nét đẹp hùng vĩ của một cái thác nước nổi danh thế giới. Theo lời anh Cơ thì chú tài Vincent sẽ đưa chúng tôi đến Table Rock chụp hình rồi cả đoàn sẽ đi xuống Maid of the Mist Boat để đi ra đến tận chân thác nước lớn nhất.
Khi xe thả chúng tôi xuống bãi đậu xe rồi tôi vẫn chưa nhìn ra cái chỗ nào có hòn đá mang hình dáng 1 cái bàn để nơi này được gọi là Table Rock. Tôi chỉ thấy một công viên dài sọc với những bồn hoa tươi thắm đủ màu và 1 trung tâm thương mãi ở cạnh bờ vực của thác Horseshoe. Du khách từ muôn phương đang tấp nập đi dọc theo những bức tường đá dầy chắc chắn xây trên bờ vực để ngắm cảnh thác nước trắng xóa đổ ào ạt từ trên giòng sông Niagara xuống.
Sau này tìm hiểu tôi mới biết sở dĩ nơi này được mang tên là Table Rock vì ngày xưa, ở phía Bắc của trung tâm thương mãi hiện thời, có một mỏm đá lớn nhô ra từ bên phía bờ Canada, mặt phẳng như hình dáng của một mặt bàn. Table Rock ngày xưa đã là một địa điểm thuận lợi cho khách du lịch viếng thăm, ngắm cảnh thác nước. Nhưng sau đó thì một góc lớn của mỏm đá đã bị sụp đổ trong lúc có một chuyến xe ngựa đang di chuyển trên ấy, chiếc xe theo mỏm đá sụp rơi xuống vực, nhưng may mắn là người tài xế đã thoát hiểm. Rồi phiến đá cứ tiếp tục bị soi mòn, rạn vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và rơi dần dần xuống lòng sông. Vì sự an toàn nên chính phủ Canada đã cho phá hủy hoàn toàn mỏm đá đó để xây dựng một địa điểm du lịch khác nằm ngay trên bờ vực của thác Móng Ngựa với những bờ tường thành chắc chắn bảo vệ cho du khách đến viếng thăm.
Chúng tôi chạy vội vã vào trung tâm thương mại, tô điểm lại mặt mày rồi chạy ra địa điểm tập trung ở bên trái tòa nhà chờ anh Cơ chỉ cho những chỗ đẹp để chụp hình. Anh Cơ hướng dẫn cả đoàn lên một cái sàn gỗ rộng lớn lộ thiên, có những bộ bàn ghế trống, chẳc là chỗ dành cho du khách ngồi nhâm nhi café và ngắm cảnh thác nước về đêm, để chúng tôi chụp hình toàn cảnh với phông thác nước. Ở đây, chúng tôi có thể nhìn bao quát cả một khoảng không gian rộng lớn. Thôi thì tha hồ cho bà con chụp hình lia lịa. Phải nói là cảnh đẹp của Niagara Falls thật là hùng vĩ, có một không hai. Dòng nước cuồn cuộn tuôn trào từ trên sông xuống tiếp nối nhau không ngừng nghỉ. Nước đập vào những mỏm đá ở dưới lòng sông tung lên trời trắng xóa. Tôi chụp được mấy tấm hình thác Horseshoe với cầu vòng chiếu ngang mặt nước, có những cánh chim lơ lửng trong màn sương mù mang hình dáng của những người thợ lặn đang sửa soạn nhào đầu xuống.
Tôi chợt nghĩ tới cuộc biểu diễn của những người thợ lặn ở bên Hawaii ngày xưa tôi đã được xem qua. Những người thợ lặn này đã đứng từ trên mỏm núi cao nhảy xuống thác nước, lơ lửng ngang trời một khoảng xa trước khi rơi mình xuống giòng nước đang cuồn cuộn chảy như không biết hiểm nguy là gì. Nhưng chắc gì những tay thợ lặn đó dám biểu diễn ở thác Niagara này.
Thế nên tôi thật là ngạc nhiên khi nghe anh Cơ nói nhìn thác nước hung tợn như thế mà cũng đã có lắm người cả gan dám liều mình vượt thác, nhưng không phải để biểu diễn mà là để được nổi danh khắp thế giới. Khởi đầu là anh Sam Patch đã nhẩy từ trên tháp cao xuống mặt nước và sống sót. Sau cuộc nhẩy thác ngoạn mục đó phong trào “giỡn mặt tử thần” (daredevils) đã được nhiều người tiếp nối. Trong số đó có một bà giáo tên Annie Taylor, đã hơn 60 tuổi, cũng theo phong trào “daredevils” vượt thác trong một cái thùng gỗ, và chỉ bị trầy sướt sơ sài. Nhưng không phải ai cũng vượt thác được an toàn như người khởi xướng, có nhiều người đã mang thương tật và nhiều người đã bị thiệt mạng. Duy chỉ có một trường hợp duy nhất mà cả thế giới đều gọi là điều kỳ diệu ở Niagara, “Miracle at Niagara”, khi cậu bé Roger Woodward, đã sống sót khi bị dòng nước cuốn trôi xuống thác mà trong người chỉ mặc chiếc áo phao, và cậu đã được thủy thủ trên du thuyền Maid of the Mist cứu thoát. Tôi nghĩ chuyện của cậu bé này chỉ là một trường hợp tai nạn xảy ra ngoài ý muốn mà thôi, chứ không có cha mẹ nào có đủ can đảm để cho đứa con 7 tuổi của mình… lưu danh thiên cổ. Sau những tai nạn chết người xảy ra ở thác Niagara, chính phủ cả hai nước Canada và Hoa Kỳ đã ra chỉ thị cấm chơi trò vượt thác và đã bắt phạt những người cố tình ngông nghênh phạm luật.
Từ thác Móng Ngựa chúng tôi chạy vội vã xuống bến thuyền “Trinh Nữ Trong Sương Mù” đối diện với thác Người Mỹ. Sở dĩ có cái màn chạy vội vã này là vì bà con hăng say chụp hình thác nước quá, nên quên mất giờ giấc, và cái chuyến tàu 4 giờ 45 này lại là chuyến tàu chót trong ngày. Nhưng cuối cùng thì cả đoàn tour của chúng tôi cũng đến bến kịp giờ trước khi nhân viên của bến tàu kéo dây chặn cửa. Trước khi xuống tàu, mỗi người chúng tôi được phát cho một cái áo mưa màu xanh nước biển. Thấy bà con hăng hái giơ máy lên sẵn sàng chụp hình nên anh Cơ cứ phải căn đi, dặn lại: “Nhớ trùm hết cả người và luôn cả máy ảnh. Ai mà muốn bị ướt ống máy khỏi chụp hình tiếp thì cứ tha hồ chụp màn nước, nhưng bảo đảm là hình cũng chẳng đẹp đẽ gì vì bị sương mù che mờ mịt.”
Tàu chòng chành theo sóng, đưa chúng tôi ra tận dưới chân thác Móng Ngựa. Nước bắn tung tóe trên mặt, trên người như thể chúng tôi đang đi trong cơn mưa bão. Tóc tai, quần áo người nào cũng đều bị dính ướt chèm nhẹp vậy mà mọi người đều hớn hở, nói cười vui vẻ. Tuy đã được dặn dò từ trước nhưng bà con vẫn lăm le tìm cơ hội để có thể mở máy chụp hình... lướt thướt dưới mưa.
Khi tàu đi quành trở lại bến tàu, nhìn về hướng American Falls, tôi thấy có rất nhiều người mặc áo mưa màu vàng, đang dò dẫm trên những bậc thang, lan can gỗ đi dần ra phía thác nước. Sau này lên tới bờ, hỏi thăm thì tôi mới biết họ là du khách đi viếng thác Niagara bên khu vực Niagara Park bên lãnh thổ Hoa Kỳ. Ở bên đó, ngoài những chuyến tàu chở ra tận chân thác Móng Ngựa như bên bờ Canada, du khách từ bên nước Mỹ còn có thể đi bộ ra trước chân thác Dải Khăn Cô Dâu trong tour Cave of the Winds, hay họ có thể lên Prospect Point Park để ngắm thác Người Mỹ từ những hàng lan can rộng lớn. 
Chúng tôi lên bến tàu, cởi áo mưa ra xếp lại gọn ghẽ cầm theo về. Đêm nay, chúng tôi sẽ có thể dùng lại nó một lần nữa, vì anh Cơ đã bảo là nếu về khách sạn nhận phòng xong mà chưa thấm mệt thì anh sẽ hướng dẫn chúng tôi đi ngắm thác đêm.
Từ khu vực thác Niagara, chúng tôi đi bộ ngược vào trong phố để đi ăn tối. Đêm nay, chúng tôi lại được ăn cơm Tàu ở nhà hàng House of Dragon. Ăn uống xong rồi chúng tôi lên xe đi về hotel Radisson Fallsview. Không biết nghe nói từ đâu hotel này có những căn phòng ở trên cao có những cái view thật đẹp nên 1 chị trong đoàn tôi đã nhanh chân đến quầy phục vụ để đổi phòng. Chỉ trả thêm có $50 đồng thôi mà chị đổi được một căn phòng tận trên lầu 10 có cửa sổ nhìn thẳng ra thác nước, và cũng từ khung cửa sổ này chị đã chụp được những tấm hình thác nước dưới ánh đèn màu sáng loáng, thật linh động.
Đúng như đã hẹn, khoảng 9 giờ, một toán nhỏ chúng tôi tập họp lại để tà tà đi bộ ra thác nước ngắm cảnh thác Niagara về đêm. Từ bên bờ Canada, khi màn đêm bắt đầu buông xuống thì những ánh đèn màu sáng rực sẽ được chiếu thẳng vào thác nước tạo lên những màn nước vàng xanh đỏ tía nhiều màu rực rỡ. Nhưng những vệt ánh sáng của thác đêm không quyến rũ chúng tôi mấy, hình chụp cũng không bắt mắt bằng ngọn sóng bạc đầu ban ngày, nên chúng tôi chỉ đi một vòng xem cho biết rồi rủ nhau đi xuống phố uống café. Chừng ra đến ngã ba đường, sắp băng qua con đường dẫn về phố thì trời lất phất mưa bay nên mọi người đổi ý không đi uống café nữa mà trở về lối cũ, ghé ngang casino đóng chút tiền điện cho chính phủ Canada trước khi về khách sạn.
Lúc đi đến thác thì chúng tôi đi thật thoải mái vì con đường dốc xuống, nhưng khi leo dốc để trở về mới thấy mỏi đôi chân, bước như không muốn nổi, phải níu tay nhau mà đi lên. Tôi nhìn quanh quẩn, những cặp tình nhân còn trong tuổi xuân xanh hay đang trong tuổi hồi xuân của đoàn tour chúng tôi lúc này lại có cơ hội… “dìu nhau đi lên dốc núi” hay… “dựa vai nhau, kề bên nhau như những ngày xưa ấy”. Chúng tôi nhìn nhau cười như thầm bảo: “chúng mình sao romantic chi lạ”. Thảo và tôi cũng nắm tay nhau đi trên con đường dốc trong khung cảnh yên lành. Trời mát lạnh như trời đêm Đà Lạt, có phảng phất hơi chút bụi mưa, Thảo xít xoa:
- Phải chi giờ này mình có một túi đậu phộng hay ngô rang nóng thì tuyệt cú mèo…
Chúng tôi tạt ngang vào cái casino ở trên con đường về xem casino của Canada có khác gì casino của Mỹ không. Nhưng chưa kịp vào casino đóng tiền điện thì mấy bà mê mua sắm trong đoàn của tôi đã dừng chân ở những gian hàng chung quanh để tha về thêm mấy món đồ lưu niệm. Trong lúc mấy bà lo mua sắm thì mấy ông chạy vào đổi tiền, kéo máy để mong… kiếm lại đủ tiền tour. Tôi và Thảo đảo vài vòng từ đầu casino tới cuối casino cũng không thấy có gì hấp dẫn nên kéo nhau về trước.
Thursday 10/14/10 -
Niagara Falls - Corning - DC
Hôm nay chúng tôi lên đường trở về quê. Khách sạn của chúng tôi ở gần biên giới, nên chỉ đi chừng một đoạn đường ngắn độ mươi, mười lăm phút là đã trở về lãnh thổ Hoa Kỳ. Buổi sáng, trong lúc ăn sáng, mấy bà “lỡ tay” mua nhiều trái cây trong đoàn tôi đã phải đem hết trái cây ra phòng ăn ngồi ăn thay cho mấy món điểm tâm. Vậy mà tới chừng lên xe đi tới duty free shop chúng tôi còn được chuyền tay nhau mấy trái chôm chôm ăn lấy thảo.
Xe ngừng ở duty free shop khoảng nửa tiếng đồng hồ cho bà con mua sắm và chụp hình thác Niagara lần cuối trước khi từ giã. Tôi cũng bắt chước bà con vào mua mấy phong kẹo chocolate, chai sirup có hình dáng chiếc lá phong, và một chai rượu Ice Wine, một loại rượu được quảng cáo là đặc sản của Canada.
Khi đến trạm kiểm soát biên giới thì trời mưa to, mờ mịt cả kính xe nên mấy ông hải quan không thèm ra ngoài xem xét. Chúng tôi phải xuống xe xếp hàng vào trạm kiểm soát trình giấy tờ. Tôi, Thảo và mấy người xếp hàng bên tay trái, gặp một chú hải quan nhỏ tuổi vui tính nên chỉ cười, chào hỏi, liếc ngang cái passport rồi cho qua, trong lúc bà con ở hàng bên tay phải gặp một ông “kẹ” hải quan khó tính, hết xăm xoi hình để so sánh với người còn hỏi han cặn kẽ nào là: “ở đâu đến, vào quốc tịch Mỹ năm nào, đi đâu chơi về v.v…”
Mưa dai dẳng từ trên đường ra khỏi trạm kiểm soát cho đến khi chúng tôi về tới DC. Suốt một con đường chúng tôi đi qua là những rừng cây lá đổi màu thật đẹp, nhưng tôi không thể chụp được một tấm hình nào ra hồn qua khung cửa kính nhòe nhoẹt nước mưa.
Xe ngừng ở Corning Museum of Glass để bà con nghỉ ngơi, ăn trưa và mua sắm tiếp. Nghe tới factory tôi tưởng là đi đến tận gốc thì sẽ mua được hàng với giá rẻ nhưng không ngờ là đồ đạc ở nơi này còn đắt hơn khi mấy cái tiệm bán đồ sứ trong outlet khi gặp lúc bán đại hạ giá. Vậy mà mấy bà “chuyên viên mua sắm” trong đoàn tôi cũng không để lỡ cơ hội… tay xách, nách mang, ủng hộ kinh tế Mỹ. 
Buổi tối, chúng tôi về tới trung tâm Eden ở Falls Church để ăn cơm. Mấy bữa nay ăn toàn cơm Tàu nên bà con đã ngán tới cổ, đêm nay được ăn canh dưa, cà chua nấu với sườn non, cá kho tộ, rau muống xào v.v… những món quốc hồn quốc túy nên mọi người vui cười hỉ hả. Ăn cơm xong thì ai nấy cũng đều mỏi mệt vì qua một ngày mưa ướt át. Chúng tôi chỉ mong muốn mau chóng về đến khách sạn để có thể thư giãn trong chăn ấm. Đêm nay, chúng tôi sẽ nghỉ ngơi ở Marriott Tyson Corner hotel.
Friday - 10/15/10 DC - Philadelphia - New York
Sáng thứ Sáu trời xanh, nắng ấm. Khoảng 8 giờ hơn chúng tôi rời khách sạn lên đường. Chúng tôi đi đến tòa Bạch Ốc trước nhất để chiêm ngưỡng nơi vị nguyên thủ quốc gia làm việc và cư ngụ. Ở đây, cũng như nhiều du khách khác, chúng tôi chỉ được ngắm nhìn và chụp hình Tòa Nhà Trắng qua những hàng rào song sắt có lính gác ở chung quanh. Trên đường trở ra xe chúng tôi ngừng chân ở cái công viên Lafayette trước cửa dinh Tổng Thống để chụp hình lưu niệm với bức tượng của ông Tổng Thống Andrew Jackson trên lưng ngựa hiên ngang giữa trời.
Rời Tòa Nhà Trắng, chúng tôi đi thăm viếng đài tưởng niệm Tổng Thống Thomas Jefferson nằm ở cạnh bờ hồ Tidal Basin. Đài tưởng niệm này được xây bằng đá hoa cương trắng, mang nhiều nét kiến trúc của La Mã cổ kính, như một đền thờ với những cái cột to lớn và mái vòm tròn chụp xuống. Bên trong đài tưởng niệm là tượng ông Jefferson bằng đồng, đứng cao sừng sững. Tượng của ông cao quá, nên chúng tôi cứ phải cố gắng canh tới canh lui bao nhiêu góc cạnh mới có thể chụp được hình của mình và ông với bản Tuyên Ngôn Độc Lập ở phía sau lưng ông.
Sau khi viếng thăm đài tưởng niệm Tổng Thống Jefferson chúng tôi lại lên xe đi qua một khuôn viên đài tưởng niệm khác ở phía Tây công viên National Mall, đó là đài tưởng niệm Tổng Thống Abraham Lincoln. Đài tưởng niệm này cũng mang ảnh hưởng kiến trúc đền thờ Hy Lạp, cũng có rất nhiều cột tròn to bằng đá cẩm thạch như bên đài tưởng niệm của Tổng thống Jefferson, nhưng chỉ khác là nóc mái bằng thẳng. Chúng tôi phải bước lên nhiều bậc thang đá mới vào đến chính điện, nơi có bức tượng ông Lincoln to lớn ngồi chễm chệ trên ngai vàng, để hai tay hai bên nhìn thẳng ra mặt hồ Phản Chiếu (Reflecting Pool) và đài tưởng niệm Tổng Thống George Washington.
Chúng tôi tranh thủ chụp hình với Tổng Thống Lincoln xong, quay sang chụp cái phông hồ nước Phản Chiếu với đài tưởng niệm Tổng Thống Washington, cái tháp bút hai màu cao nhất của thành phố. Đài tưởng niệm tháp bút này không có trong chương trình thăm viếng, nên chúng tôi chỉ có thể đứng chiêm ngưỡng và chụp hình nó từ phía xa xa.
Từ phía hồ Phản Chiếu, chúng tôi đi về hướng tay trái, theo dấu mấy cái cờ để đến Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam. Đây là một di tích lịch sử mà du khách đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn khó có thể bỏ quên không thăm viếng.
Trước khi đi xuống con đường ciment dẫn vào đài tưởng niệm, chúng tôi dừng chân lại chụp hình bức tượng ba người lính ở ngay góc ngoài cùng của khuôn viên. Nhìn ba bức tượng lính sống động quá, đẹp quá, nên tôi cũng tính bắt chước mấy ông bà đi chung đoàn tour hăng hái đứng xếp hàng chụp hình với tượng. Đang đứng trong hàng, tôi bất chợt liên tưởng đến bức tượng “Thương Tiếc” ở ngay cổng Nghĩa Trang Quân Đội ngày xưa, rồi tôi lại suy diễn… không chừng mấy bức tượng này cũng… có linh hồn như bức tượng người lính ngồi trầm ngâm trước cổng... Nghĩ đến đó tôi cảm thấy hơi… rờn rợn nên vội vàng quay bước, bỏ Thảo và mấy người đang chờ đợi chụp hình ở đó, rảo theo đoàn người đang tấp nập trên con đường dốc dẫn về hướng đài tưởng niệm. Ngoài ra, tôi còn có một lý do khác để vội vàng đến chiêm ngưỡng đài tưởng niệm, tôi muốn tìm kiếm một cái tên khắc trên bức tường lịch sử, một cái tên của một người tôi chưa biết, chưa quen, một cái tên mà tôi chỉ biết qua một truyện ngắn đã đọc trên máy bay từ Cali sang Newark.
Bức tường to lớn quá, có đến hàng trăm phiến đá đen cao, thấp, to, nhỏ, kết hợp lại với nhau thành hình một chữ V to tướng mà hai cánh nhọn của chữ V hướng về hai đài kỷ niệm Tổng Thống Washington và Tổng Thống Lincoln. Tôi đứng trước một rừng tên mà không biết phải bắt đầu từ đâu để tìm cái tên mình muốn kiếm tìm. Tôi bắt đầu tìm từ bức tường bên cánh trái, rồi di chuyển dần sang cánh phải. Tôi đứng giữa hai bờ tường cao nhất của bức tường thành vĩ đại, nơi có mang hai con số 1959 và 1975, mốc thời gian mà người bạn đồng minh đã đến giúp đỡ đất nước tôi, ngơ ngác nhìn bóng mình phản chiếu trong màu đá đen của bờ tường chói chan ánh nắng.
Tôi không có nhiều thì giờ ở tại nơi này, nên đành phải bỏ dở dang cuộc kiếm tìm để theo chân người trong đoàn về trở lại nơi tập họp. Trên đường đi trở ra tôi chạy vội lại information booth, lấy tờ brochure giới thiệu về Bức Tường Đá Đen để biết thêm những dữ kiện về đài tưởng niệm này. Ra tới gần hết khuôn viên tôi bỗng để ý đến cái giá màu đồng, nhỏ, thấp, nằm ngay ở đầu con đường ciment dẫn vào khuôn viên Bức Tường Đá Đen mà lúc nãy vì hấp tấp chạy theo mọi người trong đoàn để vào chiêm ngưỡng bức tường thành nên tôi đã không nhìn thấy. Trên giá có gắn 1 quyển sách liệt kê rõ ràng họ tên của những người được khắc tên Bức Tường Đá Đen từ A tới Z, cùng vị trí của họ trên bức tường thành để giúp bạn bè, thân nhân của những người này có thể tìm kiếm dễ dàng. Tôi đã tìm ra cái tên tôi muốn kiếm tìm, nhưng tôi không có đủ thì giờ để chạy trở về khuôn viên bức tường lịch sử. Tôi chỉ có đủ thì giờ để chụp hình trang sách có tên anh, gửi một lời cám ơn đến anh và đến toàn thể những người có tên trên Bức Tường Đá Đen đã quên mình chiến đấu cho đất nước Việt Nam tôi.
Thời gian ở tại khuôn viên những đài tưởng niệm này ít quá, nên Thảo và tôi cũng không có cơ hội đến viếng thăm Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Triều Tiên (Korean War Veterans Memorial). Trong lúc đứng chờ xe đến đón, thấy chờ hoài mà xe cũng chưa đến, nên Thảo đã xách máy hình chạy vội sang đường, ngược về phía đài tưởng niệm này, chụp vài tấm hình đem về rồi chúng tôi sẽ từ từ xem sau. 
Trong khi di chuyển đến Trụ Sở Quốc Hội, tôi ngồi trên xe bus đọc cái brochure nói về Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam. Theo tài liệu thì Bức Tường Đá Đen này đã được sinh viên kiến trúc Maya Ying Lin của đại học Yale vẽ kiểu và hoàn tất năm 1982. Cô đã muốn tạo ra một công viên trong lòng một công viên, một nơi yên tĩnh hài hòa với khung cảnh chung quanh, phản ảnh những hình ảnh cây cỏ, tượng đài và du khách trong lòng chính nó. Trong khu vực đài tưởng niệm này, ngoài Bức Tường Đá Đen và tượng 3 người lính mà tôi đã viếng thăm, còn có tượng 3 người nữ quân nhân y tá chăm sóc cho một thương binh (Vietnam Women’s Memorial) để tôn vinh lòng can đảm và sự hy sinh của những người phụ nữ đã tham gia trong chiến tranh. Chung quanh đài tưởng niệm nữ quân nhân này còn có trồng 8 cây gỗ vàng (Yellowwood tree) để biểu tượng cho 8 người nữ quân nhân đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.
Đài tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam còn được gọi là Bức Tường Đá Đen vì nó được xây dựng từ những tấm đá hoa cương đen đem về từ Bangalore, Ấn Độ. Nó dài khoảng 247 feet, bờ tường cao nhất ở chính giữa khoảng 10 feet, có khắc tên của 58,256 binh sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh hay còn đang mất tích trong cuộc chiến Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến 1975. Một biểu tượng nhỏ được chạm khắc bên cạnh mỗi cái tên. Trên bức tường phía Tây, các biểu tượng được khắc trước tên, còn bên bức tường phía Đông thì biểu tượng được khắc sau tên. Có hai biểu tượng được khắc trên bờ tường: biểu tượng hình kim cương và biểu tượng hình dấu cộng. Biểu tượng hình kim cương xác nhận là người quân nhân đã hy sinh (Killed, body recovered). Biểu tượng hình dấu cộng cho biết là người quân nhân vẫn còn mất tích (Missing in Action, hay Killed, body not recovered). Nếu người quân nhân được ghi nhận là mất tích trở về thì một vòng tròn (biểu tượng của sự sống) sẽ được khắc vòng trên dấu cộng. Nếu thi thể người quân nhân mất tích được tìm thấy, thì cái biểu tượng dấu cộng sẽ được chuyển đổi thành hình kim cương. Từ ngày Bức Tường Đá Đen được xây dựng đến nay, đã có hàng ngàn dấu cộng được đổi sang hình kim cương, nhưng chưa có một vòng tròn nào được khắc bao quanh hình dấu cộng.
Địa điểm kế tiếp cho buổi thăm viếng sáng hôm nay là Trụ Sở Quốc Hội Hoa Kỳ, trên đồi Capitol ở cuối phía Đông của National Mall. Du khách đến thăm viếng nơi này cũng đông không thể tả. Chúng tôi chỉ có thì giờ chụp mấy tấm hình trước sân cỏ của Quốc Hội rồi lại phải nhanh chóng lên đường đi thăm viếng hai cái viện bảo tàng Không Gian và Thiên Nhiên. 
Tôi nghe nói cái viện Bảo Tàng Không Gian này tàng trữ một số lượng máy bay và phi thuyền không gian đáng kể trên toàn thế giới, từ những chiếc máy bay cổ lỗ sĩ của anh em nhà họ Wright (The Wright Flyer) cho đến những chiếc phi thuyền hiện đại sau này. Chúng tôi đi vòng vòng hai tầng lầu chụp hình những chiếc máy bay to, nhỏ qua nhiều thời đại rồi đi vào khu vực trưng bày những chiếc phi thuyền. Chúng tôi cũng không quên xếp hàng đi vào xem gian phòng làm việc nho nhỏ trên phi thuyền của những phi hành gia đang thám hiểm không gian. Tôi được nhìn ngắm tận mắt chiếc phi thuyền Apollo 11, chiếc phi thuyền đầu tiên đã đem người từ địa cầu đổ bộ mặt trăng ngày 7/20/1969. Tôi còn nhớ sau cái ngày lịch sử này mà câu chuyện Hằng Nga - chú Cuội của ngày rằm tháng 8 đã bị giảm mất phần nào tính chất thơ mộng và huyền hoặc, nó đã không được chúng tôi hân hoan đón chào như những ngày xưa nữa.
Rời viện Bảo Tàng Không Gian, chúng tôi đi sang viếng viện bảo tàng Quốc Gia Thiên Nhiên và Nhân Chủng, cũng thuộc về viện Smithsonian, nơi có tàng trữ những bộ xương khủng long, hiện vật của người tiền sử, một bộ sưu tập đá quý, khoáng sản, côn trùng, san hô... và nhiều thứ linh tinh khác. Viện Bảo Tàng Quốc Gia Thiên Nhiên, cũng như viện Bảo Tàng Không Gian là một nơi chốn lý tưởng để cho du khách dẫn con cái đến tìm hiểu, học hỏi. Ngoài ra, viện bảo tàng này còn có chưng bày một vật hấp dẫn thu hút các bà, các cô. Đó là viên kim cương khổng lồ nặng hơn 45 carats, với một màu xanh lục, nổi tiếng khắp thế giới: The Hope Diamond. Thoạt đầu nghe quảng cáo về nó, tôi đã tưởng là viên kim cương này to lớn ghê lắm, nhưng thật ra thì nó chỉ nhỏ bằng một hạt dẻ mà thôi. Nhưng cái màu xanh của nó mới thật là huyền hoặc, và huyền hoặc nhất là cái huyền thoại mang đến thảm họa cho những người sở hữu nó.
Theo truyền thuyết thì một người du khách tên Tavernier đã đánh cắp viên kim cương màu xanh lục này từ mắt một tượng thờ bên Ấn Độ. Việc đánh cắp này đã làm cho viên chủ tế của ngôi đền tức giận và đã buông ra lời nguyền rủa rằng những người sở hữu viên kim cương bị đánh cắp này sẽ tiếp nhận những tai nạn thảm khốc khi có nó. Viên kim cương này đã được sang qua tay rất nhiều người và những người chủ của chúng đều gặp phải ít nhiều tai nạn. Có thể vì lý do này mà viên kim cương đã được đặt tên là Hope, để hy vọng là nó sẽ không còn mang tai họa đến cho người. Tuy nhiên, đã có giả thuyết rằng phần nhiều những câu chuyện “tai nạn thảm khốc” này chỉ là hư cấu, hay chỉ là những trùng hợp mà thôi. The Hope Diamond đã được người thợ kim hoàn ở New York tên Harry Winston mua năm 1949 và tặng lại cho viện Bảo Tàng Quốc Gia Thiên Nhiên năm 1958 để triển lãm cho du khách đến xem. Từ lúc được đặt trong sự bảo quản của viện Smithsonian, người ta đã không nghe đến một tin tức bất thường nào xảy ra liên quan đến viên kim cương này nữa.
Rời viện bảo tàng Thiên Nhiên chúng tôi trực chỉ hướng Philadelphia để viếng thăm Independence Hall, ngôi mộ khiêm nhường của Tổng Thống Benjamin Franklin và Liberty Bell. Tôi không quan tâm lắm về việc nhìn ngắm bức tượng ông Tổng Thống George Washington ở trước Independence Hall hay đi viếng thăm lăng mộ. Tôi chỉ háo hức muốn nhìn thấy “Cái Chuông Tự Do”, một biểu tượng quan trọng và nổi tiếng của nước Mỹ, một cái chuông mà tôi đã được nghe nói là phải đúc đến hai lần, và cũng bị rạn nứt đến hai lần. Theo tài liệu tôi được đọc qua thì cái chuông Liberty đầu tiên được đúc ở London, nặng khoảng 2000 pounds, được làm bằng hỗn hợp kim loại: 70% đồng , 25% thiếc, và số lượng nhỏ hợp chất chì, kẽm, vàng, bạc, và asen. Và nó đã bị rạn nứt khi vừa được chuyển đến Philadelphia. Hai người thợ đúc chuông địa phương đã lấy kim loại của cái chuông cũ để đúc lại cái chuông khác. Cái chuông Liberty đã được sử dụng để triệu tập các nhà lập pháp và dân chúng vào những phiên họp công cộng. Năm 1846 một vết nứt nhỏ bắt đầu xuất hiện và ảnh hưởng đến âm thanh của tiếng chuông. Chuông đã được sửa chữa và ngân vang trong ngày lễ kỷ niệm sinh nhật Tổng Thống George Washington. Nhưng sau đó thì chuông lại bị nứt rạn một lần nữa, lần này, vết nứt to hơn đã làm mất hẳn tiếng chuông ngân.
Nhưng “lực bất tòng tâm”. Con đường dài và dòng xe cộ tấp nập của ngày thứ sáu đã là một trở lực để ngăn cản chúng tôi đến Philadelphia trước khi Liberty Bell Center đóng cửa. Khi xe chúng tôi quẹo vào con đường chính để đến nơi đặt cái chuông tự do thì trời đã sập tối. Đường phố Phila nhỏ hẹp, nên chú tài Vincent phải lách qua, de lại mấy lần mới có thể tránh được những chiếc xe đậu hai bên lề đường và tìm được một chỗ đậu xe tương đối an toàn. Khi chúng tôi chạy đến tòa nhà chưng bày Liberty Bell thì cửa đã đóng. Chúng tôi chỉ gặp được một người security guard đang đủng đỉnh đi tuần hành ngoài vòng rào. Chúng tôi hỏi có cách nào “khác” để vào được tòa nhà Liberty Bell này không thì ông chỉ lắc đầu bảo rằng… không. Chúng tôi đành ngậm ngùi leo lên cái hàng rào song sắt, kiễng chân, ngóng cổ nhìn Liberty Bell qua khung kính.
Đứng nhìn chuông chừng mươi, mươi lăm phút, chụp vài cái hình kỷ niệm rồi chúng tôi lủi thủi dẫn nhau đi trở về xe bus, ai nấy đều tiếc hùi hụi là đã không có cơ hội ngắm kỹ “Cái Chuông Tự Do”. Để “an ủi” chúng tôi, ông trưởng đoàn tour Việt Hùng đã hứa là sẽ khoản đãi chúng tôi một chầu bia “không say không về” trong bữa tiệc giã từ miền Đông nước Mỹ tối nay. Chúng tôi sẽ đến “dự tiệc” chia tay này ở Empire Buffet, trong khu Cherry Hill Plaza, New Jersey. Nghe nói ngoài những món ăn buffet thường lệ, nhà hàng này còn tăng cường thêm món New York steak nướng và tôm hùm xào hành vào 3 ngày cuối tuần. Chúng tôi đành giải sầu “Liberty Bell” với mấy thùng bia và những đĩa mồi hải sản, New York steak và một vài miếng tôm hùm nho nhỏ mà chúng tôi đã phải lanh tay, lẹ mắt mới “chộp” được. Ăn xong, chúng tôi lại leo lên xe trực chỉ khách sạn Sheraton, ở cách tiệm ăn cũng không xa.

Saturday 10/16/10 New Jersey - New York
Sáng thứ Bẩy, chúng tôi trở lại New York. Lần này, chúng tôi đến New York qua ngả đường hầm Lincoln. Cũng như đường hầm Holland, đường hầm Lincoln là một trục lộ giao thông quan trọng nằm dưới lòng sông Hudson, nối liền trung tâm New Jersey (ở Weehawken) và midtown Manhattan của New York (ở đường 39). Cũng như đường hầm Holland, đường hầm Lincoln đã đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc cải tiến phương tiện giao thông của New Jersey và New York, đã giúp cho cư dân làm việc xa nhà của hai tiểu bang này giảm thiếu số lượng thì giờ phải tiêu pha trên đường di chuyển mỗi ngày.
Sáng nay, đoàn tour sẽ đi đến Empire State Building trước nhất, lên đến tầng lầu thứ 86 của tòa nhà này để ngắm toàn cảnh thành phố New York và những hòn đảo chung quanh từ trên chiếc ban công cao cách mặt đất 320 mét. Trên đường đi đến Empire State Building, anh Cơ có nói cho chúng tôi nghe về lịch sử của tòa nhà này. Tòa nhà Empire State này gồm có 102 tầng, nằm tại giao điểm của đại lộ 5 và phố 34 Wall Street. Nó được hoàn thành vào năm 1931 và được xem là tòa nhà cao nhất thế giới, nhưng đến năm 1972 khi tòa nhà World Trade Center được hoàn thành thì nó mất đi vị trí khôi nguyên, và nó lại được phục hồi lại vị trí cũ sau khi tòa nhà World Trade Center bị phá hủy trong cuộc tấn công của quân khủng bố vào ngày 11 tháng 9. Tòa nhà Empire State được hoàn thành vào thời gian kinh tế Hoa Kỳ bị suy thoái trầm trọng nên đã có nhiều năm tòa nhà Empire State này đã vắng lặng (vì không có người thuê) đến cái độ người ta đã nhắc tới nó với cái tên “Empty State Building”. Tòa nhà này có hai tầng quan sát để cho du khách tha hồ ngắm cảnh: tầng thứ 86 và tầng 102 ở trên chót cùng để cho du khách nào không ngại chiều cao thì cứ lên đây thăm viếng
Anh Hùng và anh Cơ dẫn chúng tôi đến trước cửa tòa nhà, phát cho mỗi người một tấm vé vào cửa, hẹn giờ gặp lại rồi để cho chúng tôi tự do xếp hàng đi ngắm cảnh. Chúng tôi chụp hình ở trước tiền sảnh của tầng Một với bức tường chạm nổi tòa nhà Empire State rồi nối đuôi nhau lên lầu Hai. Ở đây, chúng tôi lại phải một lần nữa tháo áo, tháo ví đi qua hàng rào kiểm tra an ninh. Đi qua hết trạm kiểm soát rồi, chúng tôi lại đi lần theo hàng dây hướng dẫn đến cửa thang máy. Trước khi chúng tôi bước vào thang máy, thì những nhân viên làm việc ở tòa nhà này đã căn đi dặn lại là: “chớ có bấm nút” vì những cái thang máy này đã được điều khiển bằng computer nên sẽ tự động chạy lên chạy xuống. Thang máy này đưa chúng tôi lên tầng lầu thứ 80, rồi chúng tôi sẽ di chuyển sang một cái thang máy khác để lên đến cái ban công cao ngất ngưởng ngắm nhìn phong cảnh.
Tôi không hiểu những người lên đến tầng thứ 102 có cảm giác thế nào chứ tôi đứng phía bên ngoài cái ban công có hàng rào sắt của tầng thứ 86 này nhìn chung quanh thành phố ở phía dưới một lúc thôi tôi cũng đã cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, nên đã phải đi vào đứng ngắm trời mây qua khung cửa kính. Đứng nhìn quang cảnh người tấp nập chen chúc nhau trên cái đài quan sát này tôi khó có thể tưởng tượng được Empire State Building đã có một thời gian mang cái hỗn danh là “Emty State Building”.
Sau Empire State Building, chú tài Vincent đưa chúng tôi đến trước cửa trung tâm NBC. Ở đây, tôi sẽ chia tay với đoàn tour của tôi, bà con trong đoàn sẽ tiếp tục đi thăm viếng trung tâm thương mại Rockerfeller, thưởng thức cơm tay cầm của New York, rồi sẽ ra phi trường Newark để về lại Cali. Còn tôi và Thảo sẽ ngồi tại trung tâm này chờ cậu Phát Tường đến đón về nhà cậu ở Long Island ở chơi với cậu mợ và gia đình vài ngày trước khi tôi lại thu xếp quần áo vào vali đi New Orleans thăm bà nội nuôi người Mỹ.
Bảo Trân

Ý kiến bạn đọc
08/03/201101:45:19
Khách
Sao tôi lại có thể đánh máy bằng tiếng Việt được.
04/03/201118:01:32
Khách
Xin loi Viet Bao toi da thu moi cach nhung khong the bo dau nhu chi dan???
Do.c xong ba`i na`y to^i buo^`n qu'a! Ngu*o*`i Vie^.t di du li.ch hoa(.c vie^'t ve^`du li.ch o*? phi'a Do^ng Hoa Ky` le~ na`o kho^ng bie^'t Da`i Tu*o*~ng Nie.^m Na.n Nha^n To^.i A'c Co^.ng Sa?n sao? Hay ho. so*. ra(`ng ba`i vie^'t hoa(.c sa'ch cu?a ho. kho^ng du*o*.c VC cho in o*? VN? Ca? trie^.u, trie^.u ngu*o*`i che^'t va` va^~n co`n dang che^'t kia ma`!
Luu Vong Hanh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,689,083
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến