Hôm nay,  

“Cẩm Nang Kontum”

15/01/201100:00:00(Xem: 149149)
“Cẩm Nang Kontum”

Tác giả: Hạ Vũ
Bài số 3094-28394 vb7011511

Bài mới của Hạ Vũ lần này là một chuyện tình thời chiến, lồng trong cảnh gia đình tan nát thời kẻ đi người ở sau 1975. Chuyện tình riêng của mẹ nhưng được kể theo cách nhìn “thông cảm” của con gái, nên từng mang tựa đề “Hành Trang của Mẹ Tôi.” Tựa đề mới được chọn lại theo nội dung câu chuyện. Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước ở Việt Nam, là cô giáo dạy Việt văn tại một vài trường trung học Miền Nam. nhưng chưa từng viết văn. Khi qua Mỹ, tôi "xuống cấp" làm cô giáo Nhà Trẻ - Mẫu Giáo.

***

Tôi bước vào nhà khệ nệ với những túi xách mới "tha" về từ những cửa hàng cho ngày Tết sắp đến, chợt khựng lại khi thấy mẹ tôi đang ngồi đọc Bảng Chỉ Dẫn Cấp Cứu bỏ túi (CPR) mà tôi thường gọi là "Cẩm Nang Kontum", vì vật này bà có được khi ở Kontum và do một người ở Kontum tặng cho. Cặp mắt bà đỏ hoe.
"Cẩm Nang" này là một bảng chỉ dẫn những cách cấp cứu trẻ con và người lớn được in trên một tờ giấy cứng có thể gấp xếp lại, nhỏ bằng một cái thẻ Master Card để người sử dụng có thể mang theo dễ dàng. Bảng này viết bằng tiếng Anh, in tại Mỹ, đã cũ lắm rồi. Mẹ tôi mang theo khi rời VN đã hơn 20 năm nay. Từ khi bà lấy những lớp học Săn Sóc Trẻ (Child Care), bà lấy ra nhìn ngắm nó và đọc đi đọc lại, thuộc nằm lòng rồi, mà vẫn cứ đọc mãi. Mở ra xếp lại nhiều lần nên nó đã sờn mép và rách ở những chỗ gấp nếp. Bà dùng băng keo trong dán lại. Không phải mẹ tôi không còn tấm nào khác. Bà có mấy tấm, nhà trường phát cho mẹ một, tôi cũng tìm cho mẹ hai cái giống như vậy, nhưng bà vẫn giữ tấm thẻ này, và khi đọc bà vẫn đọc tấm này. Vì đó là tặng vật của một người mà bà yêu qúy nên bà cũng trân qúy nó vô cùng.
Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi thấy tấm thẻ này là vào những ngày gia đình tôi sắp rời quê cha đất tổ để di cư sang Mỹ. Lúc đó còn khoảng một tháng nữa, gia đình tôi gồm ba người: mẹ tôi, tôi và đứa em trai lặng lẽ âm thầm thu xếp hành lý mang theo đi đoàn tụ với cha tôi ở Mỹ sau hơn mười năm xa cách. Tôi vừa xong lớp 12, ra đi bỏ lại thầy cô, bạn bè, và một mối tình đầu đời vừa chớm nở. Trước mắt tôi là tấm hình chụp chung với một nhóm bạn hôm đi cắm trại ở Thủ Đức trong đó có "anh" bên cạnh được lồng vào một khung hình khá đẹp, đắc tiền, và hơi nặng cân. Tôi đã nhịn ăn quà vặt hết mấy ngày để mua sắm khung hình này, nên muốn mang theo nó. Tôi hỏi mẹ:
- Con mang theo khung ảnh này nghe mẹ"
Mẹ tôi đang ngồi mân mê hộp bánh biscuit cũ, được gói giấy cẩn thận mà bà đã mang nó từ nhà ngoại về gần tháng rồi nhưng vẫn chưa chịu mở ra. Nghe hỏi, bà quay lại nhìn một lúc rồi đáp:
- Con hãy mang theo tất cả những gì liên quan đến Tình Yêu và Kỷ Niệm dù cay đắng hay ngọt bùi, vì đó là hành trang quý báu trong đời mà mình không thể mua được. Còn của cải vật chất mình có thể sắm lại được với đôi tay của mình.
Nghe lời mẹ, tôi bỏ lại khung hình, lấy tấm ảnh gói gọn tình yêu và kỷ niệm của mình cho vào bao ni-lông dày bọc kỹ, cất vào phong bì hồ sơ cá nhân của tôi để mang theo. Mấy ngày qua chúng tôi soạn những vật kỷ niệm và hình ảnh cũ mới của gia đình từ những tấm hình chụp khi tôi mới chào đời ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ, tới hình mới nhất chụp ngày Tất Niên trong lớp với bạn bè, và hình ảnh cũ mới của gia đình bên ngoại, bên nội...
Cầm tập Lưu Bút của bạn bè viết cho hồi tôi tốt nghiệp truờng Trung học cấp hai (tức tương đương với bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp), tôi lật từng trang đọc lại. Tôi mỉm cười sung sướng với những hình ảnh tươi đẹp của bạn bè, những lời nói dí dỏm, những niềm vui của tuổi học sinh. Cũng năm đó tôi được tuyển thẳng vào lớp 10 trường trung học cấp 3, và được cha tôi gởi về một cái radiocassette tưởng thưởng. Tôi muốn mang nó theo vì đó là phần thưởng cho công lao chịu khó học tập của tôi và cũng là biểu tượng tình cảm thương quý của ông dành cho tôi. Nhưng vì hơi cồng kềnh nên tôi thắc mắc hỏi:
- Con mang theo tập Lưu bút được không mẹ"
- Được.
- Luôn cái máy của cha cho con nữa nghe mẹ"
Mẹ tôi quay lại nhìn tôi một thoáng rồi nói:
- Con à, cái to lớn nhất, quý báu nhất mà mình đành bỏ lại là quê hương thì sá gì cái radiocassette này!
- Nhưng nó là kỷ niệm của con, là tình cảm của cha dành cho con.
- Vì hành lý mang theo bị hạn chế, mình chỉ có thể mang theo những gì nhỏ, gọn, nhẹ, nhưng giá trị tinh thần lớn lao, không thể thay thế được. Con hãy giữ lại những vật kỷ niệm nào mà đã mất đi rồi không thể tìm lại được, còn cái nào còn đó thì lo gì không có lại.
Mẹ, con đã bỏ lại cái máy cassette yêu quý mà mang theo quyển Lưu Bút Ngày Xanh, vì con biết cha có thể cho con cái khác đẹp hơn, tân tiến hơn. Còn mẹ" Sao mẹ phân vân mang hay bỏ lại hộp biscuit cũ kỹ của mẹ bao nhiêu ngày mà chưa quyết định được" Trong đó chứa một trời yêu thương" Buồn" Vui" Cay đắng" Ngọt bùi" Đau thương" Mất mát"... mà mẹ không thể tìm lại được. Sao mẹ không cương quyết mang theo mà còn phân vân"
Trời về khuya, xe cộ đã dần thưa thớt, mọi người đi vào giấc ngủ mệt mỏi để lấy sức chuẩn bị cho một ngày vật lộn với cuộc sống. Tôi không thể ngủ được. Tôi sắp sửa bỏ lại quê hương này với bao kỷ niệm buồn vui cay đắng, bỏ lại ông bà cô bác, bỏ lại căn nhà đã từng che mưa nắng cho gia đình, bỏ lại những ngày gian khổ với bo bo, mì sợi, thèm thuồng một chén cơm trắng với nước mắm ớt mỡ hành. Nhưng mà... nỗi đau lớn nhất trong tôi là bỏ lại người yêu đầu đời của mình. Biết làm sao bây giờ" Từ khi biết mình vương mang một bóng hình người dưng khác họ, tôi đối diện với cảnh biệt ly. Đau lòng kẻ ở người đi! Tôi nghe tim mình nhức nhối. Thấy mẹ tôi và em trai đang chìm trong giấc ngủ, tôi len lén ngồi dậy lấy giấy viết thư cho anh. Tôi cẩn thận lấy tấm khăn lông dầy che chắn ánh sáng ngọn đèn ngủ để không làm phiền tới hai người thân thương yêu này. Vừa viết xong hai chữ "Anh Yêu", nước mắt tôi bắt đầu ràn rụa. Bây giờ tôi sắp ra đi thì anh ấy mới bắt đầu lập hồ sơ đi Úc với gia đình, và hẹn tôi 5 năm sau, gặp lại nhau trên đất Mỹ. Xa cách muôn trùng, có gặp lại nhau được không hay là vĩnh biệt" Xa mặt có cách lòng hay không" Dù ngắn hạn hay dài hạn, dù tạm thời hay vĩnh viễn, cuộc chia ly nào với người thân cũng làm mình đau vô tận! Trên trần nhà, vài con thạch sùng tắc lưỡi làm tăng thêm nỗi buồn thảm của cảnh chia ly. Tôi gục đầu xuống bàn...
Môt bàn tay mềm mại đặt nhẹ lên vai, thì ra là mẹ tôi. Bà không ngủ. Bà đã lặng lẽ theo dõi tôi. Thấy tôi đang sầu thảm khi đối diện với một hoàn cảnh chỉ có đổ vỡ, chia lìa, còn đoàn tụ thì mong manh như sợi tơ, bà đã đến bên, ngồi xuống, im lặng nghe tiếng lòng tôi nức nở. Một hồi lâu, giọng bà trầm nhỏ như nghèn nghẹn:
-Cái gì thuộc về mình dù có đi năm non bảy núi, cũng về với mình. Còn như không phải thì dù bên cạnh cũng là không.
Tôi nhìn mẹ, cặp mắt của bà ươn ướt. Tôi có cảm tưởng bà nói cho chính mình. Nói xong, bà hít nhẹ một hơi dài, nuốt nước mắt vào trong. Mẹ tôi là vậy, từ khi hiểu biết tới giờ tôi chưa bao giờ thấy bà rơi lệ. Mẹ tôi là một người phụ nữ cứng rắn. Khi cha tôi khăn gói đi vào trại tù cải tạo, tôi không biết bà có khóc hay không, vì lúc đó tôi còn quá nhỏ. Khi cha tôi từ giã bà và chị em chúng tôi để vượt biên, lúc đó tôi tuy còn nhỏ vả không rõ sự việc lắm, nhưng cũng biết cha mẹ mình đang có một quyết định vô cùng quan trọng, và linh cảm lần đi này của cha chắc không có ngày về như những lần trước. Mẹ tôi rất gan lì, không nhỏ một giọt nước mắt. Cuộc sống gian khổ, bà đã bươn chải lo lắng cho chị em tôi ăn mặc, học hành, thuốc men khi đau ốm, có những đêm mẹ tôi chỉ ngủ được ba bốn tiềng đồng hồ. Ấy vậy mà tôi không nghe bà than van hay rơi lệ.

Trước đấy hai năm, khi mẹ tôi nhận được tin cha bên Mỹ có người đàn bà khác, bà đứng chết lặng, và vẫn không để rơi một giọt nước mắt. Có thể bà khóc thầm vào đêm khuya hoặc khi vắng mặt các con chăng" Lúc đó tôi đã âm thầm theo dõi mẹ, nhưng không thấy mắt bà sưng húp hay mọng nước. Bà đã đem tất cả thư từ của cha tôi đốt sạch. Tôi đã tự hào có một người mẹ như là một dũng tướng kiên cường. Sau đó, mỗi khi nhận được thư của cha tôi, đọc xong, bà chậm rải xé từng mảnh từng mảnh cho đến khi chỉ còn là một đống giấy vụn nát. Bà không khóc. Tôi không nghĩ bà khổ đến nỗi nước mắt cạn khô. Tôi vẫn thấy bà chuyện trò, cười nói vui vẻ với bạn bè, đồng nghiệp, và học trò của bà. Mẹ tôi giấu kín nỗi đau của mình bằng tiếng cười và dặn dò chúng tôi đừng hé lộ điều bất hạnh này với ai.
Mẹ tôi sống như một goá phụ trẻ suốt bốn năm cha tôi trong tù và mười năm cha ở hải ngoại. Bạn bè cả nam lẫn nữ ngày xưa của mẹ tôi thỉnh thoảng có tới thăm bà. Một vài lần các cô, các bác còn tụ họp ăn uống tại nhà nữa rất vui vẻ. Quan hệ giữa các bác ấy và mẹ tôi thật trong sáng. Bà chưa có một hành vi khuất tất nào cả. Tôi cũng đã ý tứ dò xét để xem trong số những người bạn cũ của mẹ, có ai có thể là người yêu cũ của bà hay không, nhưng tuyệt nhiên không có gì đáng ngờ xảy ra cả.
Một lần, trước khi rời bỏ quê hương khỏang gần hai tháng, một người đàn ông trung niên có gương mặt rắn rỏi, nước da sạm nắng tới thăm mẹ tôi. Lúc tôi đi học vừa về tới nhà thì cũng vừa lúc ông ấy ra cửa. Mẹ tôi đứng ở cửa tiễn đưa, cặp mắt của bà sũng ướt. Thấy tôi, bà nhoẻn miệng cười bảo tôi chào bác, và giới thiệu là người bạn cũ tới thăm. Đó là lần đầu tiên tôi gặp bác ấy, cũng là lần duy nhất bác ấy tới nhà.
Tôi không quan tâm lắm, vì chuyện bạn của mẹ tôi tới nhà vẫn thường xảy ra, chỉ có bà khóc là lạ mà thôi. Đấy là lần đầu tiên tôi bắt gặp bà khóc. Lúc đó tôi cũng không thắc mắc vì nghĩ rằng ai chẳng buồn khi chia ly. Tôi cũng đã từng khóc khi nói lời từ giã bạn bè.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy từ đêm đó về sau bà trằn trọc khó ngủ. Không bao lâu, mẹ tôi đem hộp biscuit về và trầm tư xa vắng. Tôi cứ nghĩ rằng tại vì bà sắp bỏ nước ra đi nên buồn, và vì qua Mỹ gặp lại cha tôi để ký giấy ly dị nên tâm tư của bà nhiều xáo trộn. Chợt nhớ lại cặp mắt sũng nước của bà và cái cừơi che lấp ngày đó, một thắc mắc nảy ra. Tôi ngước nhìn mẹ, và hỏi:
-Nếu cha không xa mẹ, mà vẫn ở bên cạnh mẹ cho đến bây giờ, liệu mẹ có mất cha hay không"
- Nều đã hết tình hết nghĩa, đành chia tay thôi, con à. Đặt giả thiết, cha con vượt biên không thành công, ở lại. Gia đình mình cực khổ trăm bề, cơm đắng canh cay, nuốt không trôi, rồi cha con gặp một người đàn bà khác và ngã vào vòng tay của người ấy. Mẹ con mình làm gì" Đánh ghen" Có ích lợi gì không" Đem về cái xác không tim thì quý báu gì hả con"
Tôi thắc mắc tại sao mẹ tôi còn trẻ mà có tư tưởng tiêu cực" Sao bà buông xuôi một cách dễ dàng như vậy" Trong quá khứ có chuyện gì xảy đến trong đời để bà có cái nhìn thiếu tích cực" Tất cả bí mật đó tôi đoán có lẽ nằm trong cái hộp biscuit nhỏ mà mẹ tôi trân quý và người đàn ông chỉ đến gặp bà một lần.
Tôi đánh bạo hỏi bà:
- Tại sao mẹ và người yêu cũ của mẹ chia tay"
Mẹ tôi ngước mắt nhìn tôi một lúc rồi nói:
- Con biết"
Tôi khẽ gật đầu, mẹ đáp:
- Không phải người của mình thì Trời xui Đất khiến không việc này cũng việc nọ xảy ra, đưa đến tan vỡ thôi.
Tôi dựng chuyện hỏi tiếp:
- Bác ấy đã tới tìm mẹ, vậy là bác vẫn còn yêu mẹ. Tại sao mẹ và bác ấy không tái hợp"
- Mỗi người có một cuộc sống riêng yên ổn, làm chi thêm nghiệt ngã hả con" Vì tương lai của các con, mẹ phải đem các con qua Mỹ và lo cho các con có cuộc sống đàng hoàng. Mẹ không an lòng để các con sống với người đàn bà không phải là người sinh đẻ ra các con. Bác ấy đang có một mái gia đình cần che chở và con cái cần bảo bọc. Trời chia hai người hai ngả rồi, con ạ.
-Mẹ gặp bác ấy trong trường hợp nào"
- Bác ấy là sĩ quan đóng quân ở Kontum. Sau một trận chiến lớn, nhà trường tổ chức cho thầy cô giáo và học sinh đi ủy lạo thương bệnh binh ở Bệnh Viện. Mẹ dẫn học trò mẹ vào phòng bệnh của bác ấy, và từ đó quen nhau. Bác ấy vừa đi tu nghiệp ở Mỹ về được hơn một tháng thì bị thương, nằm viện.
-Mẹ chậm một bước"
-Không. Đều là mối tình đầu của cả hai. Tan vỡ này, mẹ cũng có một phần lỗi trong đó.
Mẹ tôi đưa mắt nhìn ngăn tủ trong có hộp biscuit. Tôi không hỏi nữa vì biết mình đã chạm vào vết thương khó lành của bà. Bà đứng dậy lặng lẽ đến bên tủ lấy hộp, cẩn thận mở ra, không làm rách giấy bao. Cả giấy bao cũ, bà cũng trân quý. Trong hộp là một chồng thư cũ đóng dấu nơi gởi KBC... Mẹ tôi giải thích ngày trước thư của quân nhân ở đơn vị thừơng được gởi từ KBC.
Tay bà run run nhặt từng lá thư lên, nước mắt ràn rụa. Lần thứ hai tôi thấy bà khóc. Bà cầm "Cẩm Nang Kontum" ngắm nghía một cách trân quý. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy nó. Mẹ tôi cho biết khi tu nghiệp bên Mỹ, bác ấy được phát tấm thẻ này, và đã tặng lại cho mẹ tôi để bà học hỏi và cấp cứu học trò khi cần thiết.
Tôi lặng lẽ, để bà sống lại với những kỷ niệm nhiều mật ngọt lẫn đắng cay của mình. Bà đọc lại tất cả thư từ với nước mắt. Xong, bà xuống bếp đốt bỏ từng lá thư trong một cái lò đất. Bà chôn quá khứ của bà. Hành trang này bà đã mang theo mình bấy lâu nay, ngay cả khi vu quy. Bây giờ bà bỏ lại, không mang theo qua xứ người.
"Mẹ đã bảo con hãy đem theo những gì liên quan đến Tình Yêu và Kỷ Niệm dù đắng cay hay ngọt bùi, mà sao giờ đây mẹ đành đoạn đốt bỏ" Mẹ muốn dứt khoát với quá khứ" Được không hả mẹ""
Bà cầm "Cẩm Nang Kontum" ngần ngừ một chốc rồi đưa vào lò, nhưng kịp rút lại. Bà do dự... hồi lâu rồi cất vào hồ sơ cá nhân của mình để mang qua Mỹ. Vẫn còn vương tơ! Hành trang của mẹ tôi đó, nhẹ như tơ trời nhưng cũng nặng ngàn cân!
Giờ đây tôi đã lập gia đình và sống hạnh phúc bên người yêu đầu đời của tôi với hai đứa con dễ thương. Chúng tôi đã xa cách mấy năm trời, cuối cùng đoàn tụ nơi này. "Cái gì thuộc của mình dù đi năm non bảy núi, cũng về với mình phải không mẹ" Còn mẹ vẫn ôm mãi một nỗi đau mất mát!"
Tôi ngồi xuống bên cạnh, ôm chặt vai bà, tỏ sự thông cảm. Bà lặng lẽ không nói một lời, chỉ cho tôi mục Cáo Phó trong một tờ nhật báo đặt bên cạnh.
Tim tôi chùng xuống. Bà ngồi thẩn thờ, lặng ngắm tấm thẻ một hồi lâu... Sau đó bà uể oải bước từng bước nặng nhọc ra sân sau châm lửa đốt thẻ, rồi ngước mắt dõi theo mớ tro tàn vỡ vụn bay trong gió. Hình như bà đang thầm thì gì đó. Có thể bà ‘xin gió mang đến cho chàng trái tim ta...’ Cũng có thể bà chẳng hề hé môi. Trang cáo phó kia chính là giấy khai tử cho cái hành trang bao lâu bà mang theo.
Không biết mẹ tôi nói gì, nghĩ gì nhưng vào phút giây này, tôi thấy mình muốn ôm vai bà, nói với bà:
-Mẹ! Bờ vai mà mẹ chờ đợi mỏi mòn từ bấy lâu nay để mong được chỉ một lần trút hết niềm đau, nỗi buồn, và sự thương nhớ của mình, đêm nay sẽ về với mẹ...
Hạ Vũ

Ý kiến bạn đọc
27/01/201117:48:09
Khách
Hạ Vũ xin cám ơn quý độc giả đã khuyến khích tôi bằng cách bỏ thì giờ đọc bài, góp thơ, nhất là hai độc giả J.MNT và Đồng Dao đã viết lời khen tặng có giá trị khích lệ rất lớn đối với tôi, một kẻ đang tập tễnh viết văn. Thành thật cám ơn. Hạ Vũ
23/01/201123:45:53
Khách
chuyện đã thật hay, lại đọc được bài thơ ngẫu hứng của Hải Vân quả thât là tuyệt. Truyện như gió rừng, thơ như nhạc. Cả hai đã làm cho tôi cảm thấy rất cám ơn cuộc đời, cám ơn cuộc tình, cám ơn mọi người.

chúc tác giả câu chuyện và tác giả bài thơ một cuối tuần vui vẻ một cuộc sống hạnh phúc.
23/01/201120:23:41
Khách
Cảm tác nhân đọc bài "Cẩm Nang Kontum" của Hạ Vũ

GỞI ANH

Em đốt thư như cắt từng khúc ruột,
Lệ tuôn tràn không rửa sạch vết thương tâm.
Bao nhiêu năm ôm mối hận trong lòng,
Em tự trách lỡ lầm sai một bước!
Lỡ buông tay, buông luôn niềm mong ước!
Nên giờ đây dù bến đậu không trong,
Dù vô vọng ngóng trông,
Dù mỏi mòn năm tháng,
Em vẫn chờ vẫn đợi bóng hình ai,
Vẫn thèm nghe giọng nói hay tiếng thở dài,
Vẫn mong mỏi ánh mắt u hoài nhìn em trìu mến.
Dù anh không lên tiếng,
Dù xa cách muôn trùng.
Anh và em vẫn cùng chung bầu khí quyển,
Vẫn nghe chừng hơi thở quyện đâu đây,
Vẫn tưởng như môi ai còn mật đọng đong đầy.
Nhìn "Cẩm Nang" như thấy anh ngày ấy
Đang mỉm cười và thủ thỉ cùng em:
"Em mang kỷ vật này như mang anh vào lớp học
Để anh làm tên học trò ngoan không phá chọc
Mà uống từng lời ngọc dịu êm..."
Bao nhiêu năm em ru giấc ngủ bằng tiếng nói êm đềm,
Bằng mơ ước quay về ngày tháng cũ.
Nhưng hôm nay trời không gió, không mưa, cùng không giông bão
Mà lòng em sấm động khắp muôn phương.
Vuốt "Cẩm Nang" như vuốt mắt người thương.
Đốt kỷ vật như đốt nén hương trước mộ.
Và, xin gởi lại anh
Kỷ vật thời xuân xanh,
Cùng trái tim mong manh của em
Vỡ vụn...
Tan tành...!

Hải Vân
22/01/201122:24:19
Khách
một nhân tài, năm trong danh sách hâm mộ của tôi.
Chuyện cảm động mà hầu như ai cũng dấu trong tim một bóng người.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,312,163
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.