Hôm nay,  

Con Chim Hỏi Con Mèo

06/01/201100:00:00(Xem: 52394)

CON CHIM HỎI CON MÈO

Tác giả:
Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 3085-28385 vb5010611

Tác giả đã nhận giải chung kê1át Viếr Về Nước Mỹ 2001, và từ đó tới nay vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị. Từ nhiều năm qua, bà là thành viên ban tuyển chọn Giải Thưởng Việt Báo.

***

Má tôi có nuôi một con mèo, sau đó nuôi một con chim biết nói chuyện với con mèo
Năm 1990, Má mua căn nhà mới xây, thành phố Fontana. Dĩ nhiên nhà mới đất mới giống như đất sa mạc nên sân trước sân sau đầy sỏi và đá, nhìn thấy hởi ôi! Thế mà chỉ trong năm đầu, em trai tôi xây hồ thả lục bình, mùa hè đó lá xanh bông tím ngát, lan đầy bồn. Sân sau rộng, nó tráng xi măng làm đường đi ngoằn ngoèo kiểu cọ, chỗ nầy chừa hình vuông chỗ kia dạng hình tròn, chính giữa làm chỗ ngồi chơi, có băng cây thô sơ và mái hiên lợp bằng lá thơ mộng làm chị em tôi nhớ tánh lãng mạn ngày xưa mơ màng đặt tên là Vọng Nguyệt Đài. 
Má tôi đã chuyển từ sỏi đá thành một vùng đất màu mỡ, sân trước sân sau trồng đầy bông hoa đủ màu trắng vàng đỏ tím xanh nở rực rở, hương thơm khắp xóm. Những chậu Bonsai được bàn tay khéo léo của em trai tôi uốn cành rất có mỹ thuật, những bụi hoa đẹp hài hòa đến nỗi có phóng viên của tờ báo vùng đã yêu cầu cho phép họ tới chụp hình đăng báo để quảng cáo và kêu gọi dân chúng tới mua nhà cho đông, nhưng, Má tôi muốn sống như ẩn sĩ cho nên đã không cho phép họ chụp hình. Một điều rất đáng tiếc.
Út Thúy em tôi lúc ấy còn sống chung với Má, rất thương thú vật, có nuôi một con mèo lông trắng tinh, đặt tên là Snow White.
Một hôm, sau khi coi phim "Otis and Milo", nói về hai con thú đã có tiếng là kẻ thù truyền kiếp, chó và mèo, rồi sẵn dịp đi Pomona Bird Fair ngày 28 tháng Năm, 1990, em tôi mua một con chim về tặng cho Má.
Nó nói Má dạy cho con chim này nói chuyện với con mèo thì vui lắm
Nó nói riêng với tôi:
-Ơ, má hỏi em mua bao nhiêu, em dấu Má, đâu có dám nói thiệt Má biết Má la. Em nói là cũng rẻ thôi, cho con mèo có bạn (hì hì hì...) Em đặt tên nó là Otis cho giống trong phim, chị coi chưa" Phim trẻ em, nói về tình bạn của con mèo tên Milo và con chó tên Otis. Chị biết là thường thường mèo và chó đâu có thuận nhau nhưng phim đó thì khác, hay lắm. Tại con mèo em lỡ có tên là Snow White rồi hông thôi em cho nó tên Milo luôn. 
Rồi không đợi trả lời, nó kể một hơi:
-Ơ ơ ơ. .. con Otis và con Milo ở nhà quê cùng lớn lên trong một trang trại. Hai con làm quen với nhau rồi trở thành hai đứa bạn thân thiệt là thân. Có lần con mèo Milo bị rớt xuống nước sắp chết chìm nhưng được con chó Otis nhảy xuống cưú. Hai con còn sống nhưng bị dòng nước cuốn trôi đi, lạc trang trại quá xa, khó tìm đường về nhưng chúng có đôi nên sẵn dịp hai con rủ nhau đi du lịch luôn. Tụi nó gặp nhiều gian nan trắc trở hiểm nguy vui buồn nhưng lúc nào cũng sát cánh, nương nhau mà sống. Tụi nó gặp đủ thứ con vật khác như con sóc, con gấu, con a a...
Sợ nó kể dài dòng thêm cả chục con nữa mà chưa vô đề, tôi ngắt ngang:
-Ủa" phim nói về tình bạn của con chó với con mèo, có liên hệ gì tới con chim của Má"
Út Thúy cười hì:
-Đâu có sao. Em đi làm mà, nuôi chó thì cực cho má lắm, nuôi chim dễ hơn. Người ta dạy chó mèo thương nhau thì mình cũng dạy chim mèo thành bạn được vậy hi hi hi... đem con chim thế con chó đâu có sao hi hi hi. .. với lại có mèo có chim cho cái sân của má vui thêm. Má ở nhà suốt ngày chắc là dạy con chim nói chuyện được mà hi hi hi. ..
Thiệt đúng là út Thúy, tánh tình trẻ con, giàu tưởng tượng và rất lạc quan.
Con chim này là loại African Grey Parrots. Đây là một trong những chim két có tài bắt chước tiếng người hay tiếng động.
Loại chim két nầy lấy giống từ Phi Châu, nơi chúng sinh sống theo từng đàn rất đông. Mỗi tối chúng tụ lại từng đàn trên cùng một cây to. Chúng ăn những loại hột, trái cây và rau cải. Chúng cũng bị người ta đổ thừa là giống phá hại mùa bắp, nhưng thường thường thì chúng chỉ ăn những trái cây những loại hột trên cành mà thôi.
Khi mới nở chúng là những con chim bé tí, lớn nhanh và có thể lớn hết mức dài cở 13 inches, đôi khi hơi lớn hay nhỏ hơn, tùy loại. Lông chúng màu xám ửng màu bạc của vỏ sò. Lông trên đầu, mặt và hai bên sườn thì màu xám sáng hơn trong khi lông trên bụng ngực và lưng cùng cánh thì màu xám đậm hơn. Đôi khi, tùy vùng nó sinh sống, có thể lông toàn thân cùng một màu xám bạc. Đối ngược với lông trên mình, đuôi nó dài và mang một màu đỏ tươi rất đẹp. Đây là một loại chim có đặc điểm vô cùng quý, nó có thể bắt chước mọi tiếng động và nói được tiếng người. Thêm vào đó, nó có thể sinh ra sự quyến luyến và gần gũi với chủ của nó.
Chim két này rất năng động. Suốt ngày nó có thể nhảy nhót leo trèo huýt gió nói chuyện và chơi giỡn.
Hồi đầu em tôi không chịu cho biết nó đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua con chim, sợ má tôi rầy -sao con xài sang xài hoang quá vậy" Sau này hỏi hoài thì nó mới khai thiệt:
-Em và anh S. hùn nhau mua cho má đó. Tám trăm con chim ba trăm cái lồng hi hi hi... chị đừng có nói má biết nghe. Đó là được bớt tại mua ở hội chợ, mua trong tiệm mắc hơn nhiều.
Lúc đem về nó dặn má là chim mới 6 tuần thôi, cần phải nấu thức ăn mềm cho nó ăn, tới bốn tháng mới cho ăn đồ khô, là mấy thứ hột nầy nọ.
Khi có đủ lông cánh và ăn được đồ cứng, nó thích nhứt là hột hướng dương nhì là hột đậu phọng. Nó cầm hột đậu phọng đưa lên mỏ cắn cái rốp, tách vỏ ra ăn nửa bên nay xong ăn nửa bên kia.
Khôn ghê.
Má tôi đã nấu đậu nành pha với trái cây xay nát, đút từng muỗng nhỏ như cho mấy em bé mới biết ăn thức ăn mềm cho tới khi Otis được bốn tháng.
Lúc con chim còn nhỏ xíu thì con mèo chỉ lờn vờn phiá dưới lồng kêu meo meo..., trong lồng con chim cũng kêu meo meo o o o...
Khi Otis lớn hơn, đủ lông cánh, biết nhảy nhót và biết bay, được ra khỏi lồng rồi thì con mèo lại gần làm quen.
Lần đầu tiên thả con Otis bay ra, chúng tôi hồi hộp theo dõi. Con chim bay vòng vòng trong nhà, con mèo đứng dưới kêu meo meo, con chim đáp xuống. Không chút sợ sệt, nó đi từ bước từ bước trên thảm thì con mèo cũng từ bước từ bước vờn nó. Má tôi sợ con mèo táp nó quá chừng, nhưng không đâu, hai con xáp lại gần, dụi dụi vô nhau như mừng rỡ, con mèo dơ chân lên, đầu con chim cúi xuống, con mèo gãi nhẹ nhẹ lên đầu con chim.
Trong phòng, ai cũng thở cái phào nhẹ nhõm.
Con mèo kêu meo meo..., con chim cũng kêu meo... meo o o o...
Bắt chước Snow White, em tôi cũng gãi đầu Otis, Thúy nói bằng tiếng Mỹ: "come closer, closer, put your head down" thì con chim nhấc chân nhấc chân lại gần và cúi đầu xuống y như lúc nó cúi đầu cho con mèo gãi. 
Về sau Má nói hoài bằng tiếng Việt:
-Gãi đầu gãi đầu. Xích đây, xích đây, cúi đầu xuống, gãi đầu.
Thì nó cúi xuống cho má tôi gãi đầu.
Ngộ cái là, nó không bao giờ nói câu này.
Mỗi khi má tôi lau nhà hút bụi thì nó thường đậu trên vai Má, kêu meo meo, dạn lắm.
Lúc đó Má tôi giữ 6 đứa cháu cho mấy em tôi đi làm. Mỗi ngày phải chăn giữ đàn cháu miệng nói chuyện liên miên, kêu đứa này réo đứa nọ, con chim bắt chước nói được rất nhiều câu, có giọng, lên xuống tùy câu, nói chuyện thường hay hỏi han. Thí dụ:
-Tú ơi i i... Tú đâu rồi i i, ăn cơm chưa"
-Huyên, lạnh hông con" nè, ăn đi con.
Khi nói chuyện Otis không phải chỉ bắt chước mà còn nói đúng lúc và đúng nghĩa nữa. Nghe tiếng điện thoại reng reng thì nó trả lời liền, trước khi có người nhấc điện thoại lên:
-Hế lô
Khi chuông cửa kêu "bính boong" thì nó hỏi:
-Ai đó"
Khi ngoài đường sụp mặt trời thì nó réo:
-Tối rồi i i i... đóng cửa lại (nó kéo dài tiếng rồi, y như Má tôi nói)
Khi trời lạnh thì nó nói:
-Lạnh quá. Bận áo vô con.
Ai tới nhà thì nó hỏi:
-Bà Bảy à, má thằng Cù, đói bụng hông"
-Trâm. Hân. Ăn cơm hay ăn mì"
Thỉnh thoảng nó cũng bắt chước giọng của mấy đứa nhỏ. Thí dụ:
-Ngoại ơi i i i con thương ngoại nhiều u u u....
Tiếng nhiều nó kéo dài như tiếng đứa nào đó đang nhỏng nhẻo với bà ngoại
Sáng sáng khi Má tôi ngồi xuống cái bàn trong bếp thì nó hỏi:
-Ngoại ngoại uống cà phê chưa" (là câu cháu tôi thường hỏi)
Nhưng, câu nó thường nói nhứt là:
-Meo meo o o. ..
-Con mèo đâu rồi
-Con mèo đâu rồi
-Meo...meo o o o...
Có vài lần, tự dưng nó bứt cái lông đuôi màu đỏ của nó, cầm coi rồi nói:
-Ố ô!
Nó khôn quá, làm sao mà không nể"
Otis và Snow White là "cặp bài trùng" Chúng giỡn với nhau mỗi ngày khi Otist bay ra khỏi lồng.
Một hôm, con mèo ngã bịnh, nằm một chỗ, vài ngày sau nó chết
Từ đó con Otis không chịu ra khỏi lồng.
Ngày nào nó cũng hỏi:
-Con mèo đâu rồi con mèo đâu rồi... Meo meo o o o...
Con chim được cảm tình của mọi người, từ già đến trẻ. Không thương sao được" Bất cứ ai tới nhà chơi cũng đứng trước cửa lồng, nói vài câu với nó, huýt gió tới nó là nhứt định lần sau nó sẽ bắt chước y chang, ngay cả giọng cười quái đản của em Phượng, á há há há... nó cũng cười được. Thường thường thì nó giữ giọng cười hì hì hì của nhỏ em tên Thư.


Thư kể:
-Hôm bữa em đứng trong bếp, con Mai đứng ngay tủ lạnh đang uống sữa, nó hỏi con Mai "eh, eh..ngon hông"" con Mai cười, nói với nó, "ngon". Con chim này cũng nhiều chiện lắm.
Còn cháu Mai thì kể sáng đó thấy nó tính mở cái khoen ổ khóa cửa lồng, Mai khóa lại, nó giận, cho đồ ăn nó không thèm ăn quay mặt đi chỗ khác, đưa tận tay thì nó liệng bỏ, một lát đói lắm mới lượm lên ăn
Má tôi thường nói:
-Ngày xưa người ta nói thời mới khai thiên lập địa, thú vật biết nói tiếng người, Má tin, con chim này chứng tỏ người xưa nói đúng.
Có thể qua bao nhiêu trận Hồng Thủy, thế giới thay đổi đã hủy diệt nhiều giống giòng đã làm cho thú vật dần dần mất đi khả năng nói chuyện, chỉ còn lại vài giống chim, những loại chim như Két, Nhồng, còn có thể nói được.
Má tôi kể hồi nhỏ nhà hàng xóm có con Nhồng, chỉ nói được câu "mầy chết à Phê mầy chết à Phê" là tiếng mắng chửi của bà mẹ khi bà rược đánh con nhỏ bạn Má tên Phê, nhưng con chim ấy chỉ nói được mỗi một câu đó mà thôi
Ngày xưa, khoảng năm 1964, 65 gì đó, tôi bị chứng dị ứng, nghẹt mũi triền miên, nghe đồn có ông thầy chuyên môn "bắt mạch lươn" trị bá bịnh giỏi lắm, dì tôi đem tôi đi. Tới nơi, hình như chỗ đó gọi là "cổng xe lửa số 6""
Khi ngồi ngoài sân chờ tới phiên mình thì tôi nghe tiếng ai kêu "xích lô xích lô" ngó quanh không thấy ai, lại nghe "xích lô xích lô" nhìn quanh thêm lần nữa cũng chỉ mình mình. Trưa hè nóng nực, chẳng lẽ có ma" Nhìn kỹ lại, chỉ thấy một cái lồng chim trong đó có con chim lông đen tuyền đang nhảy nhót. Nhìn lại và lóng tai nghe thì rõ ràng tiếng nói phát ra từ cái lồng chim "xích lô xích lô". Khoái quá tôi rề lại gần thì thấy trong lồng chim có đầy ớt, ớt trái đỏ tươi có nhiều dấu chim mổ tanh banh
Thì ra, đó là tiếng con chim nói. Khi dì tôi ra, tôi chỉ dì coi thì dì nói "Ờ, ờ, con chim này biết nói chuyện, bắt chước bịnh nhân kêu xích lô đó mà"
Rồi dì tôi kể:
-Nghe nói ở nhà quê mà bắt được con Sáo, con Cưỡng con Nhồng thì họ cho nó ăn ớt, lưỡi dộp lên họ lột lưỡi nó rồi nhốt trong hũ đào lỗ cho nó sống dưới đất không cho nghe được tiếng chim, người ta lột lưỡi nó rồi người ta dạy nó nói. Lột lưỡi vài lần là nó nói được tiếng người.
Lúc đó nghe vậy tôi thấy cách này sao... ghê quá, tội nghiệp con chim quá
Con African Grey này, đâu cần phải lột lưỡi, cần gì phải dạy, cho nó nghe thôi, nó tự động bắt chước một mình ên.
Lúc sau này Má tôi hay mệt, chị Hai tôi rủ -thôi Má qua nhà con ở đi.
Chị em tôi thấy có lý, chị và em tôi sống chung săn sóc Má.
Nhưng Má lo lắng hỏi -Má đi rồi con chim thì sao"
Nhà chị tôi là nhà xe khu người cao niên nên không có chỗ rộng, tôi lãnh phần đem Otis về nhà tôi nuôi.
Thế là, chồng và con trai tôi mướn người làm một cái chuồng chim thật lớn, bao bọc quanh một cây dừa kiểng cao hơn sáu feet, chỉ làm cái sườn thôi, như cái chuồng khỉ trong sở thú rồi hai cha con mua loại lưới mắt cáo về bao xung quanh, cưa mấy cành cây đem về gắn lên xung quanh để sau này chim có thể bay ra leo trèo. Đem cái lồng chim về sẽ để vào một góc chuồng, xung quanh che bằng tấm tôn màu xanh, phía trên che mấy tấm sáo bằng tre cản gió cản nắng nhưng rất thoáng khí.
Làm xong cái chuồng chồng tôi chụp hình gởi đi khoe cùng gia đình. Khi nhìn thấy hình, em Long đã nói:
-Cái chuồng quá bự há, tha hồ cho chim bay nhảy, tội nghiệp mấy chục năm sống túm rụm trong cái nhà nhỏ xíu.
Em Ngọc Anh nói:
-Không biêt cho ở "nhà giàu" nó sợ hông há
Em Kim Loan nói:
-Ờ, thấy song hơi thưa, sợ nó chun ra được. Con chim nầy khôn lắm
Hôm đem nó về, đặt cái lồng vô góc chuồng, con trai tôi đem nó ra ngoài cho nó đeo trên thành lưới. Nó cứ đeo ở đó cả ngày, đưa gì ăn nấy nhưng không trở vô lồng. Buỗi tối sợ lạnh nó chưa biết vô lồng nên con tôi phải lấy khăn trùm lên đầu nó, bắt nó bỏ vô lồng đóng cửa lại.
Sáng dậy, con tôi bắt nó cho ra ngoài. Nó vẫn cứ đeo trên móc song lưới mà nói chuyện suốt ngày, cũng chưa trở vô lồng. Sau cùng, chồng tôi bỏ nó trở vô, hy vọng khi quen rồi, nó sẽ tự động bay ra ngoài chơi.
Mỗi bữa sáng chồng tôi mở khóa bước vô chuồng lại gần cái lồng chế thêm nước sạch đổ thêm thức ăn, đưa cho nó cầm miếng bôm hột đậu phọng và thường hay hỏi:
-What s up" buddy. Hi Otis
Bây giờ, sáng sáng là nghe Otis nói:
-What s up" Hi Otis.
bằng giọng khàn khàn trầm trầm y chang chồng tôi.
Nó còn bắt chước giọng cười dòn tan của hai đứa cháu nội tôi; giọng cao cao nói tiếng Mỹ của con dâu tôi; giọng ho khọt khẹt của con trai tôi và húyt gió như tôi muốn dạy nó:
-Ù u u ú (là giọng của bài Quốc Ca Việt Nam, "nầy công dân ơi...")
Rồi nó tạo ra tiếng "lanh canh" của cái muỗng đụng vô thành tách cà phê của Má tôi; tiếng "bíp bíp bíp" của xe chở rác; tiếng chó sủa "quâu quâu" của nhà bên cạnh; tiếng chim hót líu lo, tiếng chim bồ câu nghe "rù rù" từ cành cây cổ thụ bên kia tường.
Hôm má tôi lại thăm, má kêu:
-Otis ơi i i con lạnh hông...
Đang gãi lông, nó ngưng lại, nghiêng đầu lóng nghe, một hơi, nó nói:
-Ủa"
Tụi tôi cười quá trời. Má tôi nói thêm câu nữa:
-Bà ngoại nè. Con đói bụng hông...
Thì nó nói thêm lần nữa, bằng giọng như ngạc nhiên hết sức:
-Ủa
rồi nó bắt đầu nói liền liền một dọc giống như thấy má tôi nó mừng quá ôn bài lại vậy:
-Huyên, ăn cơm. Huyên ăn cơm. Tú đâu rồi Tú đâu rồi ngoại ơi con thương ngoại nhiều u u u...
Rồi nó hỏi:
-Con mèo đâu rồi con mèo đâu rồi
Meo meo o o o...
Làm má tôi muốn khóc.
Út Thúy nói chim này có thể sống thọ tới trên bảy, tám chục năm. Má tôi năm nay gần tám mươi lăm tuổi rồi, tôi trên sáu mươi, con chim mới hăm mấy, như vậy, khi Má tôi "đi" rồi, con chim vẫn còn sống. Nó bắt chước giọng nói của má tôi nhiều nhứt, cho nên, chúng tôi có thể nghe Má tôi nói chuyện, dặn dò, những câu chuyện những lời nói hàng ngày, xuyên qua tiếng nói của con Otis. Cũng có thể khi tôi đã "đi" rồi, con cháu chúng tôi sẽ còn nghe được giọng nói của má tôi, của chính tôi, xuyên qua con chim quí này.
Bây giờ thì tôi rất tin khi nghe ai nói:
-Chim chóc, cây cối bông hoa có thể nghe được tiếng ngừơi. Trồng cây trồng bông nói chuyện với nó thường xuyên, cây ăn trái sẽ ra trái, cây bông sẽ ra bông, chim chóc có thể học nói tiếng người và thân thiết như con cháu trong nhà.
Con chim African Grey này, không cần dạy, chỉ nói chuyện với nó thường thường thì nó tự bắt chước. À quên, Má tôi có dặn -cấm bất cứ đứa nào, không được dạy nó nói bậy chửi bậy nghe chưa.
Trời lạnh thấy nó đứng trên cành cây trong lồng, lông xù ra
Trời nóng, Má tôi cầm chai nước, kêu nó:
-Otis. Lại đây. Cúi đầu xuống con, cúi đầu xuống.
Nó nghe lời, đầu cúi xuống, má nói:
-Xích lại chút nữa
Nó nhích nhích chân, rề rề lại gần, Má tôi xịt nước lên bộ lông, nó đứng giũ giũ lông dương hai cánh lên rồi lắc lắc nguyên cái mình, bụi nước tung ra, coi bộ sung sướng, coi bộ khoái lắm.
Có phải nó hiểu ý người hay không"
Có khi Má đưa cho nó nguyên cái đùi gà chiên, nó đưa chân cầm lấy rồi đút vô miệng xé thịt ra ăn ngon lành. Ăn hết thịt, nhai luôn phần có gân xong nó nhai phần sụn rồi cắn cái xương ống một cái "rốp" rồi đút mỏ vô hút chất tủy bên trong mà ăn sạch bách, liệng xương ra ngoài.
Thịt bò nó cũng thích lắm. Một chân bấu vô cành cây, một chân đưa ra quặp miếng thịt đưa lên mỏ nhai nhai ngon lành. 
Từ khi cho cái lồng nhỏ vô cái chuồng lớn, vinh hoa" nhà giàu" hơn, nhưng nó cứ không chịu ra. Nó đứng trong lồng, nó đeo bên thành ngoài của cái lồng nhưng nó không dám bay ra ngoài, không dám rời khỏi cái nhà riêng của nó
Hầu như, từ khi mất đi con mèo, nó không còn hứng thú gì mà bay nhảy chạy giỡn nữa.
Gần hai chục năm, nó chỉ đứng nhích nhích chân trên cành cây trong lồng của nó
Ôi con chim tội nghiệp của má tôi. Có phải nó không biết bay nữa rồi"
Nó đứng ngay cửa lồng nhìn ra ngoài, nói ra rả suốt ngày
Tôi cứ nghĩ, thế nào nó cũng bay ra. Vậy mà, cả tháng rồi, dụ khị bằng lời nói êm dịu ngọt ngào bằng thức ăn thức uống, nó khôn ngoan chỉ vói chân cầm lấy, đưa lên mỏ thè lưỡi ra nếm, thích thì ăn không thích thì liệng xuống. Thôi thì, đừng ép nó.
Em Thúy tôi đã đoán đúng. Chim và mèo có thể làm bạn và gắn bó với nhau.
Đời tôi đã nhìn thấy bao nhiêu người phản bội tình bạn. Otis chỉ là một con chim, tại sao nó cứ đứng tại cửa lồng nhỏ, nhìn ra ngoài và hỏi mỗi ngày:
-Con mèo đâu rồi con mèo đâu rồi. Meo meo o o o...
Tại sao, con mèo đã thành cát bụi mười mấy năm, ngay cả tấm hình cũng không có, mà sao con chim vẫn còn nhớ, còn chung thủy nhắc hoài"
Tôi nhìn con chim mà nhớ con mèo xót xa./.

Ý kiến bạn đọc
20/01/201111:49:40
Khách
Chi Xuan oi,

Cam on ve nhung bai viet cua chi, moi lan doc duoc bai viet cua chi tren Viet Bao, toi vui, buon, xuc cam,
mo mong, rung dong, boi hoi...ca mot ngay dai. Van phong chi gian di nhung dam tham, gon gang ma muot ma ma bai viet nao y tuong cung phong phu va xuc tich, chi lai co mot tri nho rat tot de ke nhung chuyen hoi
may muoi nam truoc de nhung nguoi nhu toi gan tuoi 60 doc len, thay long sao ma rung dong nho lai quang
doi nien thieu tai Saigon.
Cam on chi Truong Ngoc Bao Xuan, viet tiep di chi, bai viet nao cua chi cung gia tri, bai viet ve gia dinh, ve nguoi ban doi Hoa Ky, ve thuo ao dai trang di hoc, ve con chim con ca...bai nao cung hay va gia tri, bai nao cung co chieu sau, bai nao cung gian di ma dam tham, doc len sau ma muot ma, em ai. Viet tiep di chi Xuan, chi viet hay lam, mong chi luon binh an, suc khoe va may man. Cam on lan nua nhung bai viet hay cua chi.
30/06/201102:38:42
Khách
Chị Long Lưu ơi
Hôm trước đọc lời này của chị tôi rất mừng, rất trân trọng , một điều hãnh diện cho người cầm bút khi có độc giả vừa đọc vừa bỏ công ra viết và tâm sự với mình

Tôi không biết là tác giả có quyền vô đây để noí chuyện cùng độc giả nên trả lời thư chị trễ quá, xin bỏ lỗi cho tôi nha.
Dạ đúng, "người già nhớ trước quên sau" tôi nhớ chuyện xưa rất chi tiết, mà mới cầm viên thuốc, bỏ quên ở đâu hay đã bỏ vô miệng, cũng không nhớ!
Nhìn lại đoạn đường đã đi qua, bao nhiêu là chuyện, có nhiều chuyện tưởng khó thể vượt nổi, phen này chắc chết, vậy mà cũng hổng sao.
Chị ơi, thân thể có già nhưng tâm hồn không già chút nào, vẫn còn rung động.
Cám ơn chị, tôi luôn cố gắng viết, còn bao nhiêu là chuyện!
Mến chúc chị và gia đình luôn an vui và mạnh khỏe
Trương Ngọc Bảo Xuân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,211,196
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến