Hôm nay,  

Cây Thánh Giá Gỗ Mùa Giáng Sinh

24/12/201000:00:00(Xem: 465146)

Cây Thánh Giá Gỗ Mùa Giáng Sinh
 
Tác giả:Nguyễn Trung Tây
Bài số 3073-28373-vb6122410Lê

Tác giả là một linh mục viết văn, đã nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010. Ông  thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago." Hiện đang làm công việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory,  Úc Châu."

***
Tháng 12 tuyết rơi. Gió lạnh từ phương Bắc rủ nhau kéo về thổi trắng thành phố. Bầu không khí Noel ngập tràn ngôi thánh đường nhỏ bé của người Việt Nam trên vùng đất mới. Và tự nhiên cây thánh giá lớn treo trên cung thánh rớt xuống đất!!!
   
*     

Bà Tân, da bắt đầu lấm tấm những vết đồi mồi, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt thuôn, tóc cắt ngắn ngang vai, hơi xơ xác, lấm chấm điểm bạc. Gần đây con Hương mua lọ thuốc nhuộm burgundy black. Tóc con Hương nâu ngắn. Một lọ thuốc mua ở tiệm Walmart dư dùng cho hai người. Con Hương nhuộm luôn cho mẹ. Ban đầu bà hơi ngần ngại. Nhưng tiếc thuốc nhuộm đổ đi phí quá, bà cúi xuống cho con Hương nhuộm luôn. Tóc mầu burgundy black không nhận ra trong bóng râm. Nhưng ra ngoài nắng, tóc đen nhìn hung hung đỏ. Đi chợ hay mua sắm trong tiệm Mỹ, bà Tân tự nhiên thoải mái; nhưng nếu phải đi mua gạo, nước mắm, hay thức ăn Á Đông trong khu thương xá Việt Nam, bà e dè với mái tóc nhuộm. Nhưng soi gương, nhận ra những nét trẻ trung của mái tóc burgundy black, bà đâm ra thích. Thỉnh thoảng bà đưa tiền cho con Hương. Hai mẹ con cùng nhuộm.
Bà Tân chịu chơi, nhưng nghiêm khắc với con nhất là về vấn đề học vấn. Bà bắt mấy đứa con phải học hành đàng hoàng, có thời khóa biểu hẳn hoi. Ban tối bà cấm không cho đứa nào được lảng vảng trong phòng khách có màn ảnh TV khá lớn. 10 giờ đêm bà mới cho tụi nó coi TV. Đứa nào léng phéng cầm cái remote trước 10 giờ, bà cự cho tắt đài. Từ hồi mới qua Mỹ tới nay, ba năm rồi bà làm ở nhà hàng. Chạy bàn, nấu ăn, thái rau, lau nhà, rửa chén, tất cả mọi công việc trong tiệm bà không nề hà. Người quản lý nhà hàng Tây Đô nói gì, bà làm đó, làm gọn gàng, làm sạch sẽ. Chiều, 4 giờ, về tới nhà, bà nấu cơm cho ông chồng và năm đứa con. Hai đứa lớn đi làm. Con Hương làm móng tay. Thằng Dương làm chung với ông Tân trong hãng điện tử. Ba đứa còn lại, xe bus mầu vàng của trường trung học sáng đón đi, chiều chở về tới đầu ngõ. Chiều, 5 giờ, về tới nhà, con Hương phụ bà Tân nấu cơm. Thằng Dương ngồi học bài cho lớp tối tại trường đại học cộng đồng gần nhà. Ba đứa còn lại, hai thằng, đứa lớp Chín, thằng lớp Bẩy, lái xe đạp đi bỏ báo chiều; đứa con gái lớp Mười Một ngồi học trong phòng. Bà cấm không cho đứa nào đi chơi trước giờ ăn cơm kể cả con Hương với thằng Dương. 6 giờ, cả nhà ngồi ăn cơm tối trong căn phòng nhỏ. Sau bữa cơm, mấy đứa con, đứa rửa chén, đứa dọn dẹp bàn ăn, đứa hút bụi trong nhà. Làm xong việc, đứa nào muốn làm gì thì làm. 8 giờ tối, giờ giới nghiêm, cả đám lại phải học. Lâu lâu bà mở cửa phòng bất tử xem chúng nó học hay đang ôm phone nói chuyện. Bị mấy đứa con phản đối ầm ỹ, bà Tân nạt liền,
  Tụi bay là con tao. Tao là mẹ. Không có prai-vai-xi cái con khỉ khô gì hết.
10 giờ tối, giới nghiêm mới hết. Mấy đứa chạy ra phòng khách coi TV, phim Mỹ. Bà cấm phim Tàu,
  Mấy thằng mấy con Hồng Kông nhìn mặt đẹp nhưng tụi nó nói tiếng Việt giọng lơ lớ nghe như ngọng.
12 giờ đêm, cả nhà tắt đèn đi ngủ. Hết một ngày. Sáng, bà dậy sớm, pha cà-phê cho ông Tân và thằng Dương, rồi lái xe tới nhà hàng Tây Đô. Một ngày mới bắt đầu.
Hai đứa con lớn của bà, con Hương 30, thằng Dương 27. Mặt, mũi, tóc, và hình dáng của cả hai không lẫn lộn trong đám đông người Việt. Có tin đồn nói bà mua con lai. Có người đoán hai đứa con lai chính là con ruột của bà.
Bà Tân đi lễ Chúa Nhật thường xuyên. Ngày thường, sáng, 7:30, bà đi làm. Khi lái xe ngang qua ngôi thánh đường, bà làm dấu thánh giá đọc một câu kinh. Năm đứa con, từ con Hương cho tới thằng Út, đứa nào không chịu đi lễ, bà chửi cho tắt đèn,
Tụi bay đừng có giở quẻ. Qua được tới đây rồi là õng ẹo, đòi quyền tự do. Tao nói cho mà biết, không có tự do với tự lực gì hết. Không đi lễ, tao tống cổ hết ra ngoài đường cho tụi bay tự do với đám hôm-lết.
Thời gian đầu tiên lễ Chúa Nhật bà và ông Tân cùng năm đứa con ngồi chung một ghế, hàng ghế cuối cùng. Đến khi ba đứa nhỏ vào ca đoàn của giáo xứ, phải tới nhà thờ sớm tập hát, bà mới thôi không bắt mấy đứa con ngồi chung. Con Hương tuy thế vẫn ngồi với mẹ và dượng ở hàng ghế cuối cùng. Thằng Dương ngồi một mình, trong thánh lễ mắt đảo lia lịa về phía mấy cô.      
Bà Tân đóng góp cho nhà thờ khá mạnh tay. Những lúc nhà thờ quyên tiền hoặc cho giáo xứ hoặc cho nạn nhân bão lụt miền Trung, bà móc bóp thả vào rổ tờ giấy xanh lớn. Bà nói,
  Không nên tiếc tiền với Chúa, với người nghèo.
Là một giáo xứ nhỏ, nằm ở tiểu bang đèo heo hút gió không có nhiều người Việt, ông cha xứ kêu gọi các gia đình sau giờ lễ xuống hội trường ăn uống, chuyện trò, hát karaoke. Mỗi gia đình góp một món ăn nhỏ. Tất cả cộng lại thành một bữa tiệc lớn. Tuần nào bà Tân cũng nấu một món cho bữa ăn chung. Khi thì xôi, lúc bún canh, hoặc bánh cuốn nhân thịt. Trước giờ ăn, bà đứng sau quầy lấy thức ăn cho từng người. Sau giờ ăn, bà ở lại dọn dẹp, rửa chén. Lần nào cũng vậy đợi cho tất cả mọi người trong hội trường bắt đầu cầm đũa, bà Tân mới lấy cho riêng mình một đĩa. Bao giờ bà cũng là một trong những người cuối cùng lái xe rời bỏ sân đậu xe rộng thêng thang vắng vẻ của ngôi giáo đường vào một buổi chiều cuối tuần.
Thấy cha xứ không có bà bếp phải ăn thức ăn Mỹ, nóng, nổi mụn đầy mặt, bà nấu những món ăn Việt Nam, canh chua cá bông lau, khổ qua nhồi thịt heo, hoặc thịt heo với cá bông lau kho tộ. Gói ghém cẩn thận, bà lái xe, tự tay mang vào nhà xứ cho ông cha.  
Hồi mới tới Mỹ trước giờ lễ, ông cha nói với ông bà Tân,
Sau thánh lễ, tôi sẽ giới thiệu gia đình ông bà với mọi người nhé.
Bà Tân ngần ngại, từ chối liền,
Thôi... Xin cha... Con xin cha bỏ qua phần giới thiệu.
  Ủa! Sao vậy"
  Con... Tụi con không quen. Cả gia đình được qua tới bên này là mừng rồi. Tụi con không quen... Con xin cha miễn cho phần giới thiệu. Nhưng nếu cha cần gì, cứ nói con một tiếng.
Ông cha liếc nhìn con Hương và thằng Tân. Ông suy nghĩ, rồi đồng ý.
Sau thánh lễ của ngày hôm đó, cả gia đình kéo nhau ra bãi đậu xe. Trên đường bà thấy trăm con mắt nhìn ngó vào hai đứa con lớn của bà. Bà cúi xuống. Bà yên lặng. Khi người hàng xóm ngày xưa bên Việt Nam, từ Cali dọn sang mở tiệm móng tay, bà ta xác nhận với mọi người về mối liên hệ ruột thịt của hai đứa con lai với bà Tân. Bản tin rồi cũng tới tai bà. Bà Tân không phản ứng, không nói gì, nhưng trở nên yên lặng mặc dù vẫn sinh hoạt trong giáo xứ như xưa. Bà vẫn đi lễ. Bà vẫn đóng góp tiền bạc rộng tay cho giáo xứ. Bà vẫn đóng góp thức ăn vào bữa ăn chung hằng tuần. Bà vẫn thường xuyên nấu ăn, tự tay mang vào cho cha Nghi. Nhưng sau thánh lễ bà không làm gì nữa. Bà yên lặng ngồi ăn với ông chồng dưới hội trường, rồi yên lặng lái xe về nhà, khi với ông Tân, khi với mấy đứa con. Tối tối ông Tân nghe tiếng vợ thở dài, tiếng cục cựa lăn qua lăn lại cả đêm.  
 oOo
Tin ông Tân và thằng Dương bị xe đụng chết trên đường đi làm lan chuyền nhanh chóng trong giáo xứ. Bà Tân nhận được tin dữ trong khi đang đứng rửa chén trong tiệm ăn. Bà té xỉu! Người cảnh sát gọi xe cứu thương tới, nhưng bà đã tỉnh dậy. Ông quản lý của tiệm ăn chở bà tới nhà xác. Trên xe bà yên lặng, bà không khóc.
Hôm đám tang chôn cất, ba đứa nhỏ khóc như mưa, con Hương lăn lộn trước cỗ áo quan của thằng Dương. Riêng bà Tân, bà im lìm, mắt ráo khô, môi mím chặt nhìn hai khối gỗ mầu vàng sậm từ từ biến mất sau lớp cát. Theo lời kêu gọi của ông cha xứ, nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều người giáo dân nghỉ làm, tham dự tang lễ tiễn chân hai người quá cố tới tận nghĩa trang.
Trong khi ông cha xứ đang cử hành những nghi thức tại nghĩa địa, trời nắng mùa thu hanh vàng dịu dàng buông xuống vùng đất thánh. Nhiều người giơ tay ngáp, cố gắng che miệng trong khi ông cha xứ đang giảng, một bài giảng dài ngoằng. Người đàn bà hàng xóm ngày xưa của bà Tân quay sang người bên cạnh,
  Chồng và thằng con lai chết cùng một lúc. Hai cái mặt nát bấy!
  Sao chị biết"
  Nghe thằng cha quản lý tiệm ăn Tây Đô nói. Mà mụ này cũng lỳ ghê. Suốt từ hôm đó cho tới bây giờ, con mẹ không buông một giọt nước mắt.
  Nghe nói ông này là chồng thứ ba rồi đó.
  Chồng thứ nhất chứ chồng thứ ba cái mốc xì. Hai thằng Mỹ trước đâu có đám cưới đám hỏi gì mà chồng với vợ. Hồi đó con mụ đi làm sở Mỹ, rồi vác cái bụng bầu. Ông bố cấm cửa không cho quay về nhà. Ông ấy nói nếu để ông thấy mặt, ông sẽ cạo đầu bôi vôi liền. Sau khi sanh ra con Hương, con mẹ thuê nhà trên Sài Gòn, mướn người vú em trông con. Mấy năm sau trước 75 mấy tháng, con mụ lại vác cái ba lô ngược. Lần này sinh ra thằng Dương. Con Hương với thằng Dương là hai chị em cùng mẹ khác cha. Ba đứa còn lại là con của ông Tân.
  Bà Tân gặp ông Tân lúc nào vậy"
  Hồi đó thằng cha đi bán xổ số, con mẹ bán cà-phê. Rổ rá cạp lại sinh ra ba đứa con. Rồi được đi Mỹ theo diện con lai.
Người hàng xóm thuở xưa tiếp tục,
  Bà có thấy con mẹ nhuộm tóc không" Tóc đỏ hung hung. Già rồi mà còn ngựa. Làm như mình còn con gái nheo nhẻo.
Bà ta trề môi buông giọng,
  Me Mỹ mà. Làm sao giấu được tung tích của mình. Giấu đầu rồi cũng lại lòi đuôi.
Liếc nhìn ông cha xứ đang rẩy nước phép lên hai cỗ áo quan, bà che miệng, cố gắng nói nhỏ lại, giọng gần như thì thào vào tai người đàn bà đứng bên cạnh,
  Tôi thấy con mẹ thậm thụt đi tới đi lui vào phòng cha Nghi mấy lần rồi.
  Thật không" Đừng nói giỡn chơi!
  Tui thấy tận mắt mà. Con mẹ lái xe tới nhà xứ. Lấm lét đi tới đi lui, rồi gõ cửa phòng cha Nghi.
Nhặt chiếc lá vàng rơi bám trên mái tóc, người hàng xóm nói,
  Nghe nói, hồi mới tới Mỹ con mẹ đâu dám lên rước lễ. Bây giờ không hiểu sao dám thè lưỡi ra nhận bánh thánh. Mà ông cha Nghi cũng kỳ khôi. Biết con mẹ là gái bán bar, nhưng vẫn cho rước lễ. Chúa phạt là phải! Thằng chồng với thằng con lai chết tại chỗ. Còn ông cha Nghi, kỳ này cũng đau ốm liên miên. 
Tối hôm đó trong căn phòng một mình một bóng, bà Tân mới chịu để nước mắt buông rơi. Thoạt tiên bà chỉ sụt sùi, sau cùng vỡ nghẹn trong tiếng nấc. Con Hương nằm với đứa em gái trong căn phòng bên cạnh. Mệt lả người sau mấy ngày tang của dượng và thằng em, nó đã thiu thiu ngủ. Những tiếng nấc nho nhỏ từ phòng bên cạnh đánh thức con Hương dậy. Nó lắng nghe. Nó rón rén đi ra, gõ nhẹ cửa phòng mẹ nó. Tiếng nấc ngừng hẳn, nhưng bà Tân không trả lời. Con Hương liều. Nó xoay nhẹ nắm cửa. Cửa không khóa. Trong làn ánh sáng mờ mờ của ánh đèn ngủ, con Hương thấy mẹ nó đang ngồi trên giường, hai tay ôm mặt. Nó bước tới, ngồi xuống cạnh mẹ. Bà Tân quay sang, ôm con. Những giọt nước mắt tuôn rơi thấm ướt bờ vai của đứa con đầu lòng,
Hương ơi!... Chắc Chúa phạt mẹ!

 oOo
Noel chuẩn bị tới. Tuyết rơi đầy đường. Năm nay cha Nghi tổ chức Lễ Giáng Sinh lớn. Trong nhà thờ ông quyết định làm cái hang đá lớn kiểu Việt Nam. Thánh lễ nửa đêm sẽ được cử hành vào 8 giờ tối. Trước lễ, ca đoàn trình diễn liên tục mười bài thánh ca Giáng Sinh. Sau lễ Noel, mọi người tụ họp dưới hội trường ăn uống. Trẻ em dưới mười hai tuổi được phát quà. Chương trình văn nghệ tiếp theo sau do những ca sĩ địa phương và hai danh ca từ thủ đô Quận Cam bay sang phụ trách.
Từ đầu tháng 12 ông kêu gọi nhiều người giáo dân, vào những ngày cuối tuần tới nhà thờ quét dọn, lau cửa, chùi sàn nhà thờ, đánh vẹc-ni bóng loáng hai hàng ghế, làm hang đá, dựng ngôi sao thật lớn trên ngọn tháp chuông cao vút.
Chỉ còn mấy ngày nữa lễ Giáng Sinh sẽ tới. Mọi việc gần như hoàn chỉnh. Nhà thờ, bên trong, nhờ bàn tay của bao nhiêu người, giờ này sạch sẽ bóng lộn. Hang đá Giáng Sinh sơn mầu kim tuyến chiếm gọn một góc phía bên trái khu cung thánh. Chung quanh hang đá, những cây thông xanh ngắt cao hơn 6 feet được trang hoàng với bao nhiêu bóng điện mầu trắng. Tối tối điện bật lên. Bóng đèn trắng chớp sáng trên những cây thông tương tự như những ngôi sao bạc lấp lánh trên nền trời đêm đen. Mùi lá thông thơm nồng bay tỏa khắp ngôi thánh đường. Trên gác đàn, ca đoàn liên tục tập dượt những bài thánh ca bất hủ cho chương trình Vọng Giáng Sinh. Dưới hội trường, sân khấu với màn kéo bằng nhung đỏ cũng đã dựng xong. Trên ngọn tháp chuông cao vút của ngôi thánh đường, đèn cao thế của ngôi sao bằng nhựa trắng thật lớn tự động bật sáng khi màn đêm buông xuống.
Tháng 12 tuyết rơi. Gió lạnh từ phương Bắc rủ nhau kéo về thổi trắng thành phố. Bầu không khí Noel ngập tràn ngôi thánh đường nhỏ bé của người Việt Nam trên vùng đất mới.
Và tự nhiên cây thánh giá lớn treo trên cung thánh rớt xuống đất!!!
Sáng ngày 22 tháng 12. Cha xứ bước vào nhà thờ chuẩn bị cho thánh lễ lúc 7:30 sáng. Ông nhận ra ánh sáng của ngọn nến chầu leo lét trong cung thánh đã tắt. Bật đèn lên, ông giật mình,


  Lạy Chúa tôi!
Ông kêu lớn tiếng bởi ông nhìn thấy cây thánh giá lớn được treo bằng bốn sợi giây cáp đang nằm sõng soài ngay trên nền đá của cung thánh. Tượng Chúa chịu đóng đinh úp mặt xuống nền gạch. Ngẩng mặt lên, ông thấy bốn sợi dây cáp đang đong đưa qua lại. Rợn người, nổi da gà, ông tỉnh ngủ. Nhẹ nhàng đi tới, ông quỳ xuống bái gối trước cây thánh giá. Với cả hai tay, ông nhấc cây thánh giá lên. Cây thánh giá nhích đi một chút, rồi lại nằm yên. Một lần nữa hít một hơi dài, cha Nghi lấy hết sức lực của tuổi ba mươi tập tạ hằng ngày nhấc cây thánh giá lên. Nhưng lần này cây thánh giá không hề di chuyển dù chỉ là một phân! Cha Nghi có cảm tưởng mình đang ôm trong lòng nguyên một núi đá phủ đầy băng tuyết.
Chỉ còn 10 phút nữa là 7:30 sáng, giáo dân đi lễ lác đác xuất hiện. Người người bàng hoàng nhận ra cây thánh giá đang nằm úp mặt xuống nền gạch. Không ai bảo ai, hai ba người đàn ông phụ nhau nhấc cây thánh giá lên. Nhưng cây thánh giá không lay chuyển. Sau cùng khoảng hai mươi người, cả đàn ông lẫn đàn bà, tất cả mọi người có mặt trong nhà thờ cùng xúm vào. Cây thánh giá vẫn im lìm. Tượng Chúa chịu nạn vẫn cúi mặt xuống nền gạch lạnh giá của một ngày cuối tháng 12 của mùa Giáng Sinh.
Câu chuyện cây thánh giá chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ lan ra khắp thành phố. Tất cả những đài truyền hình, truyền thanh địa phương đồng loại lên tiếng, "Cây thánh giá gỗ rớt úp mặt xuống nền cung thánh! Không ai nhấc nổi!" Bỗng dưng ngôi thánh đường vô danh nhỏ bé ngập tràn tiếng động. Tiếng người phỏng vấn những giáo dân có mặt vào những giây phút đầu tiên. Tiếng đọc kinh của những người đàn bà trong nhà thờ. Tiếng chân chạy tới chạy lui của những người phóng viên ôm dàn máy lớn loay hoay chụp hình cây thánh giá lạ kỳ từ nhiều góc. Ngôi giáo đường, bình thường vắng bóng người, giờ này tấp nập người ra người vào. Cha Nghi quyết định đóng cửa nhà thờ, ngoại trừ cửa chính dành cho những người muốn thử, nâng cây thánh giá lên. Giờ này từ phía cuối nhà thờ, người có đạo cũng như không, đang xếp hai hàng dài dẫn lên tới cung thánh. Hết người này tới người kia, cây thánh giá gỗ vẫn nằm im lìm.
Nguyên một ngày dài sân đậu xe của ngôi thánh đường hẻo lánh tấp nập với bao nhiêu xe cộ ngược xuôi của khách thập phương hiếu kỳ ghé tới tìm hiểu câu chuyện lạ. Dưới mái hiên của nhà thờ, những gian hàng nho nhỏ nhanh chóng được dựng lên. Người ta buôn bán những cây thánh giá gỗ nhỏ được khắc sơ sài theo hình dạng của cây thánh giá lạ kỳ. Người ta treo bảng on sale cho những chiếc áo sweatshirt in hình chụp cây thánh giá nằm úp mặt. Cửa nhà thờ đã khóa lại lúc 11 giờ đêm, tuyết rơi ngập đường xá, nhưng ánh đèn xe cộ vẫn chiếu sáng khu đậu xe của ngôi thánh đường vào lúc nửa đêm về sáng. Trên ngọn tháp chuông cao vút, ánh đèn sáng chói của ngôi sao lạ soi đường dẫn lối cho những người khách phương xa vẫn đang nối đuôi tìm tới ngôi thánh đường.
Tối hôm đó đài CNN phỏng vấn ba người. Một người là thợ chính có trách nhiệm treo cây thánh giá lên trên trần của cung thánh. Người kia là giáo dân, một trong những người đầu tiên có mặt ngay khi câu chuyện lạ kỳ được khám phá. Người còn lại là điêu khắc gia đã làm cây thánh giá gỗ cho nhà thờ,
  Ông là người thợ chính có trách nhiệm treo cây thánh giá lên cách đây bốn năm. Theo như ông, trong trường hợp nào cây thánh giá gỗ có thể bị rơi xuống"
Người thợ trầm ngâm, nhíu mày, lắc đầu, điệu bộ cương quyết,
  Cây thánh giá...cây thánh giá không thể nào rơi xuống được...trừ khi...trừ khi có người cố tình tháo hoặc vặn lỏng bốn cái đinh ốc lớn giữ chặt bốn sợi dây cáp với cây đà ngang trên mái vòm của cung thánh. Bốn sợi dây cáp này được buộc chết vào cây gỗ ngang của cây thánh giá.
Người giáo dân xác định câu nói của người thợ chính,
  Sáng nay khi nhìn lên bốn sợi dây cáp còn treo lủng lẳng trên trần cung thánh, tôi đoán hình như có bàn tay của ai đó nhúng vào vụ này. Người này đã dùng cái kéo lớn cắt đứt bốn sợi dây cáp, bởi tôi thấy rõ ràng bốn đoạn dây cáp nhỏ khoảng một gang tay bị cắt đứt vẫn còn dính liền với cây thánh giá.
Người phóng viên quay sang người giáo dân,
  Ông có nghi ai là thủ phạm đã cắt đứt bốn sợi dây cáp không"
Không, tôi không biết. Nhưng để làm được chuyện cắt đứt những sợi dây cáp lớn, người này phải có một cái thang cao lắm.
Hướng về người điêu khắc, người phóng viên hỏi,
  Theo tôi được biết, cây thánh giá làm bằng gỗ.
Người điêu khắc gật đầu xác nhận,
  Cây thánh giá làm bằng gỗ sồi. Chiều dài 6.6 feet, chiều ngang 4.9 feet.[1] Tượng Chúa chịu nạn làm bằng thạch cao. Cây thánh giá nặng 40 pound. Tượng Chúa, tôi còn nhớ khoảng 20 pound thôi. Tổng cộng lại, cây thánh giá không thể nào nặng hơn 60 pound [2]...
Người phóng viên ngắt lời của nhà điêu khắc gia,
  Nếu vậy, tại sao không ai nhấc nổi cây thánh giá lên"
  Tôi không hiểu. Với một trọng lượng không quá 60 pound, một người đàn ông bình thường dư thừa khả năng nhấc cây thánh giá gỗ lên. Có một điểm lạ kỳ, cây thánh giá rớt từ trên cao, úp mặt xuống nền gạch, nhưng tượng Chúa bằng thạch cao không hề bị sứt mẻ dù chỉ là một miếng bể nhỏ.
oOo
Sáng ngày 23 tháng 12 đã tới. Tuyết lại rơi. Những hạt tuyết êm đềm rớt xuống phủ lấp những dấu chân, những vết bánh xe kéo dài ngang dọc trên thảm tuyết trắng của ngày hôm trước. Những vết chân mới lại xuất hiện khắp nơi trên sân nhà thờ. Người ta tiếp tục kéo về ngôi thánh đường nhỏ bé. Nhà thờ vang lên những tiếng đọc kinh nho nhỏ thầm thì của những cụ già da mồi tóc trắng, những người trung niên cổ quấn khăn hoặc cà vạt, áo bỏ vào quần, và luôn cả những người thanh niên thiếu nữ tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ, tai, mũi, và môi xỏ nhiều tòng teng, cổ đeo đầy dây chuyền vàng lóng lánh.
Tương tự như ngày hôm qua, hai hàng người vẫn tiếp nối nhau kéo dài vào tới khu cung thánh nơi có cây thánh giá gỗ không nặng hơn 60 pound. Bầu không khí trang nghiêm của ngôi giáo đường và hình ảnh cây thánh giá nằm úp mặt cúi xuống của khu cung thánh khiến mọi người có mặt trong nhà thờ, giáo hay lương, đều e dè khép nép yên lặng trong khi chờ đợi tới phiên mình. Từng người rồi từng người, họ cung kính bái gối trước cây thánh giá, họ mím môi vận dụng sức lực trên đôi bàn tay, họ hít hơi căng phồng những bắp thịt lực lưỡng trên đôi vai, họ nhấc cây thánh giá lên, và rồi họ thất bại. Cuối cùng họ quay xuống, nhập chung với những người đang quỳ trên những hàng ghế gỗ được đánh bóng loáng. Họ cầu nguyện. Họ đọc kinh. Có người khóc nho nhỏ trong miệng. Có người sụt sùi. Có người nấc nghẹn. Nhưng cây thánh giá vẫn không chuyển động dưới bất cứ một đôi tay nào!
Ngay trên trang nhất của báo The New York Times, người ta chạy một hàng tít lớn, "Ngày cuối cùng của nhân loại đã tới"" Những trang kế tiếp ngập tràn bài phỏng vấn những người giáo dân của ngôi thánh đường nhỏ bé. Những trang Websites của Yahoo, Netscape, AOL, những đại công ty điện toán trên thế giới đồng loạt in tấm hình của cây thánh giá đang nằm úp mặt xuống nền gạch. Cạnh tấm hình là những hàng chữ, "Ngày Tận Thế"" hoặc "Lại một trò mới của nhà thờ La Mã"" hoặc "Điềm lạ chi đây"" Tất cả những hàng tít lớn đều được tô đậm với mầu đỏ, mầu máu đỏ tươi. Đài CNN, ABC, FOX News, PBS, và BBC liên tiếp bình luận về cây thánh giá gỗ. Người ta vẫn không hiểu ai đã cắt đứt những sợi dây cáp cứng hơn thép. Người ta vẫn không hiểu tại sao không ai có thể di chuyển nổi cây thánh giá 60 pound. Người ta nghĩ có lẽ những ngày cuối cùng của trái đất và của vũ trụ đã tới. Có người nói họ thấy rõ ràng mặt trời xoay tròn quay tít trên bầu trời. Có người nói mặt trăng tròn của những ngày rằm hiện ra bất ngờ trên nền trời tối đen cuối tháng 12, mặt trăng tròn đỏ như máu. Có người nói ngay giữa ban ngày họ nhìn thấy những đám mây đỏ như lửa mang hình dáng của quỷ vương với hai cái sừng nhọn lững lờ bay trên nền trời xám đen của một ngày cuối tháng 12. Có người nói nước lạnh băng của dòng sông Mississippi, đoạn sông chạy ngang qua thành phố có ngôi thánh đường với cây thánh giá gỗ, tự nhiên đổi sang mầu đỏ của máu; cá tôm chết ngập nổi lềnh bềnh trên mặt sông đỏ đậm. Có người nói trong xứ có thằng bé ba năm nay không nói được một câu sau khi bị xe đụng vào đầu, chấn thương sọ não; giờ này tự nhiên mở miệng nói như sáo. Có người nói ông cha xứ bị cây thánh giá gỗ rớt xuống đập ngay đỉnh đầu trong khi đang chuẩn bị bàn thánh cho thánh lễ sáng sớm của ngày hôm đó; cho nên đã mấy ngày rồi, không ai thấy bóng dáng của ông. Có người nói tối tối có những con chó sói đen tuyền từ khu rừng thông kéo về; từng bầy rồi lại từng bầy chạy nhảy chung quanh nhà thờ; cả bầy sói đen thi nhau ngửa cổ lên nền trời tối, hú vang nghe như tiếng con nít khóc. Có người nói đêm đêm những vết thương trên người của tượng Chúa chịu nạn tự nhiên ứa tràn máu, máu chảy ra loang đỏ cả sàn gạch của cung thánh; nhưng khi trời bình minh tới, máu biến đi; ai vô được nhà thờ vào ban tối, hứng lấy được những giọt máu thánh, người đó sẽ được cứu độ; riêng những giọt máu đỏ, ai đụng vào mọi bịnh tật nan y sẽ biến mất.
Chỉ còn một ngày nữa, ngày 24 tháng 12 sẽ tới. Ba ngày nay ngôi giáo đường được chuẩn bị kỹ lưỡng cho một mùa Giáng Sinh đã hoàn toàn biến mất bầu không khí rộn ràng của mùa Noel, ngoại trừ ngọn đèn cao thế trong lòng ngôi sao lớn trên nóc tháp chuông. Đêm đêm ngọn đèn vẫn tung ra những tia sáng chiếu rọi một khoảng trời tối đen của tháng 12. Không ai buồn cắm điện, hang đá kim tuyến và những cây thông xanh mướt vắng ngắt những ngọn đèn. Ngôi nhà thờ tối om ngoại trừ khu cung thánh, nơi thánh giá gỗ vẫn nằm im lìm buồn thiu. Nhiều người phóng viên muốn gặp ông cha xứ nhưng cửa phòng đóng kín. Bên ngoài, một miếng giấy treo lên, "Please, do not disturb". Mọi công chuyện trong nhà thờ do ông Trùm của giáo xứ, một người trung niên khoảng bốn mươi tuổi đảm nhiệm.
Hàng người vẫn dài, người ta cố gắng lay chuyển thánh giá. Và người ta tiếp tục thất bại. Hàng người chỉ tan biến lúc 11 giờ đêm là giờ nhà thờ đóng cửa. Cửa nhà thờ đóng lại, người người vẫn không bỏ về. Mãi đến khi những chiếc xe cảnh sát bật đèn, hú còi, đám đông mới chịu giải tán.
Tuyết vẫn rơi. Màn đêm buông xuống. Đêm đen dầy đặc bao phủ. Một ngày nữa, ngày 23 tháng 12 đã trôi qua.
Sáng 24 tháng 12, trời ngưng rơi tuyết. Mầu xám biến mất. Sáng 24, mặt trời đẩy sang một bên những khối mây xám xịt dầy đặc đã liên tục che kín mít bầu trời của tháng 12 hơn một tuần lễ. Những tia nắng bình minh đầu tiên nhẹ nhàng buông xuống rọi sáng tháp chuông nhà thờ. Ngôi sao Noel của tháp chuông vươn cao đón nhận những tia nắng bình minh như muốn tẩy sạch những hạt tuyết đang bám cứng trên mình.
7 giờ 30 buổi sáng, cánh cửa chính của nhà thờ được ông Trùm mở rộng. Những người đầu tiên trong hàng người dài bắt đầu tiến lên cung thánh. Hai người đầu tiên, cây thánh giá vẫn nằm im không động đậy.
Tới người thứ ba, rồi người thứ tư, thứ năm, cây thánh giá gỗ tiếp tục lặng câm. Và người thứ sáu... Mọi người giật mình, sững sờ nhìn lên cung thánh!
Ông Trùm tự tay giật chuông nhà thờ. Ba ngày nay tiếng chuông lặng câm. Giờ này tiếng chuông bừng dậy, hoan ca, reo vui! Chuông ngân dài! Chuông thánh thót! Chuông mừng vui! Tiếng chuông ngân dài vang xa trong bầu trời sáng sớm. Tiếng chuông thánh thót quyện tròn nhảy múa với những tia nắng lung linh rực rỡ. Tiếng chuông mừng vui báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu.
8 giờ sáng, những màn ảnh truyền hình đang ngập tràn tin tức của thế giới với nhiều biến động bỗng nhiên dừng lại. Người xướng ngôn viên đài CNN xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, thông báo bản tin đặc biệt,
  Gần ba ngày rồi cây thánh giá gỗ trong nhà thờ không ai lay chuyển nổi. Sáng nay lúc 7:45 buổi sáng cây thánh giá gỗ đã được nâng dậy. Hiện giờ chúng tôi chưa biết tên của người này. Theo lời của những giáo dân trong xứ đạo sáng nay trên đường đi làm, bà ta ghé vào nhà thờ. Khi bà nâng cây thánh giá gỗ lên, cây thánh giá 60 pound nhẹ nhàng chuyển mình dưới đôi tay của bà ta. Theo như phóng viên của bản đài đang có mặt tại ngôi thánh đường, cây thánh giá đang được những người giáo dân treo vào vị trí cũ. Theo như chúng tôi được biết, chồng của người đàn bà và đứa con thứ hai vừa qua đời vào tháng 10 vừa qua, sau một tai nạn xe cộ trên xa lộ...
Tuyết lại rơi. Những hạt bông gòn trắng toát nhè nhẹ bay xuống. Chỉ trong thoáng chốc tuyết lại phủ trắng ngôi thánh đường, tuyết thổi trắng tháp chuông, và tuyết bám chặt những hàng cây thông xanh trong khu công viên nhà thờ. Tiếng chuông tiếp tục ngân nga. Chuông của mừng vui. Chuông của hạnh phúc. Chuông của bình an. Bình an ngập tràn trong tâm hồn của từng người trên trái địa cầu mầu xanh lơ vào những ngày cuối cùng của tháng 12. Mùa thanh bình lại ghé về thăm hỏi từng mái ngói, nhẹ nhàng gõ cửa từng căn nhà.  
Nguyễn Trung Tây

chú thích
[1] 2 mét chiều dài, 1.5 mét chiều ngang.  
[2] Khoảng 27 ký.

Ý kiến bạn đọc
28/01/201116:48:03
Khách
Linh mục đi tu uổng quá vì LM viết văn rất hay. Tôi đã vào website của ngài để đọc hầu hết các bài LM đã viết , và đã từng 'theo dõi" bài viết của LM trên Hợp Lưu và thầm khen "anh chàng" nào viết sao mà duyên dáng, dí dỏm đến thế.
12/06/201207:02:24
Khách
Tôi là người ngoại đạo nên đọc truyện này với tinh thần tỉnh thức của người không phải là con chiên của Chúa.

Truyện thì hay nhưng xin lỗi quý vị Công giáo và ông cha-tác giả-có lẽ không nên huyễn hoặc một câu chuyện (xin lỗi lần nữa) khó tin và cũng khó có khả năng kiểm chứng!

Tuy nhiên phải công nhận tác gả rất có khả năng:câu chuyện mạch lạc,lời văn trong sáng đơn giản lưu loát,tình tiết tỉ mỉ thỉnh thoảng lại điểm xuyết những chi tiết tả cảnh khá lung linh huyền ảo mang đậm màu sắc tôn giáo...

Rõ ràng là một ngòi bút chuyên nghiệp!

Rất tiếc là nội dung không được gần với yêu cầu của Ban Tuyển Chọn lắm!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Kiếm Hiệp Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến