Hôm nay,  

Tình... Tiếc

28/11/201000:00:00(Xem: 188470)

Tình... Tiếc

Tác giả: Hoàng Trần-Thanh Mai
Bài số 3053-28353-vb8112810

Đôi bạn Hoàng Trần-Thanh Mai, cư dân Minnesota, từng góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008. Bài mới nhất là chuyện thú tội của chàng về vợ và những người đẹp bạn của vợ. Chuyện của chàng thôi, nhưng được ký tên chung cho thấy bài đã được “chuẩn nhận”.

***

Trong đời tôi từ lúc trưởng thành đến nay chỉ mới "biết" có một người đàn bà là vợ tôi. Đã 25 năm thân trai chỉ có một bến nước cho nên thỉnh thoảng cứ ngồi đó mà tiếc lại những mối tình xưa cho đỡ buồn.
Kể ra tôi cũng thuộc loại có "nhan sắc", miệng mồm cũng dẻo, tính ham vui, có máu tiếu lâm. Tôi không phải là loại đàn ông đạo đức mẫu mực nhưng cũng không phải là loại đàn ông bạ đâu dê đó. Vợ tôi thì không hiền mà cũng không phải là loại sư tử Hà Đông. Nàng cũng không phải là loại sắc nước hương trời để tôi chỉ mê cơm không thèm phở. Hai đứa tôi chỉ là một cặp làng nhàng mà thôi!
Lần đầu tôi ấp úng rủ nàng đi chơi, nàng đã không lỏn lẻn như người ta kể trong sách vở mà chọn ngay địa điểm để đi:
- Tối nay tụi mình ghé nhà con bạn của Thanh chơi nhen. Nhỏ Thu này xinh lại đánh đờn piano hay lắm, để Thanh giới thiệu cho Hoàng làm quen.
Trời đất, tính chuyện gì đây. Bộ em không biết hay giả bộ không biết là tôi đang cua em hay sao, mất thì giờ vào ba cái chuyện vớ vẩn này uổng lắm. Nhưng rồi tôi nghĩ " Chắc là nàng dẫn mình trình diện cô bạn thân để khoe là vừa tìm được một anh chàng ngon hết xẩy đây" nên vui vẻ cùng nàng đi ...xem mắt và nghe nhạc.
Vậy là trong buổi hẹn hò đầu tiên, tôi nghiêm chỉnh ngồi nghe cô nàng Thu  nói chuyện âm nhạc và thưởng thức piano, vỗ tay lia lịa mặc dù chẳng hiểu gì hết trọi. Trình độ âm nhạc của tôi chỉ đủ để thưởng thức những câu hát chế rồi ôm bụng mà cười. Mozart, Bethoveen là những gì thuộc về một thế giới xa xôi, tôi nghe tai này chạy ra tai kia chứ không cảm nổi.
Tuy không hiểu nhưng cô bạn của nàng xinh quá, tôi vỗ tay cũng đáng. Hơn nữa vì tôi đã suy luận như trên, nghĩa là cầm chắc người đẹp của mình đã chịu đèn rồi nên tôi vỗ tay là vỗ mừng cho tôi mà nàng và cô bạn đâu có biết! Sau này, khi em đã theo tôi về dinh rồi, tôi đem thắc mắc ấp ủ bấy lâu ra hỏi:
- Mới quen nhau, sao em lại đem giới thiệu anh với một cô bạn xinh như vậy, lỡ như anh rẽ bước sang ngang có phải là cóc mò cò xơi không"
Nàng tỉnh bơ:
- Nếu như anh là loại người dễ thay đổi như vậy tức là loại không ra gì, bỏ không tiếc.
- Sao em chơi xấu với bạn vậy, đem cái của không ra gì đưa cho bạn bè!
Nàng cười cười:
- Không đâu. Đó là thử thách thôi. Nếu anh là loại háo sắc và có mới nới cũ, hai đứa em sẽ tung qua, đá lại cho anh nhừ xương luôn! Chuyện đâu có dễ và ngon xơi như vậy.
Nghe xong, tôi cảm thấy có một luồng khí lạnh chạy dọc xương sống. Nếu không nhờ vào cái tính nhát gái bẩm sinh, tôi đã có thể một mình lần tới xin nghe piano nữa và đã thành một trái banh xì hết hơi xẹp lép. Lúc đó chắc mất cả chì lẫn chài. 
Sau khi đã trở thành vợ tôi, nàng vẫn tiếp tục đem bạn ra giỡn với tôi như thường. Có lần cô bạn thân của nàng là Thu Hiền bị trật xương sống. Thu Hiền là cô giáo, có nụ cười tươi như hoa, xinh như mộng. Vậy mà chưa có chồng mới lạ. Trong đám bạn của vợ tôi thấy cô này là xinh và hiền nhất. Vợ tôi ra lịnh:
- Hoàng chở Thu Hiền qua ông thầy mằn ở Xóm Bóng đi.
Thu Hiền còn mắc cỡ thì vợ tôi bồi thêm:
- Ông Hoàng hiền lắm bà đừng lo.
Tính vợ tôi nhanh nhẩu và hết lòng giúp bạn. Tôi cũng vậy, bạn vợ là bạn mình nên chiều chiều tôi chăm chỉ đạp xe đèo Thu Hiền đi chữa bịnh. Trên đường đi tôi cũng có lúc mơ màng tưởng tượng rằng lão thầy mằn là một lão lang băm, chữa không bao giờ xong, rồi một hôm tôi làm anh hùng cứu mỹ nhân, mằn cho Thu Hiền hết đau.
Làm tài xế phục vụ...bạn vợ được vài hôm, trong bữa cơm chiều tôi nghe vợ kể chuyện thiên hạ:
- Con Dung bạn em mới phát giác ra chồng nó có bồ nhí!
Thấy tôi vẫn yên lặng xỉa răng, nàng than vãn:
- Mấy ông thiệt tệ, mới tò tò đi theo dỗ ngon dỗ ngọt người ta đó mà chưa chi đã chán đi kiếm người khác...
Tôi cãi lãng xẹt:
- Anh thì nghĩ không phải là hắn chán vợ đâu mà chỉ muốn kiếm thêm của lạ thôi.
 Nàng chụp cơ hội, kê ngay một cái tủ đứng:
- Vây thì anh tán Thu Hiền đi, nó hiền lành và xinh mà vẫn còn cô đơn lẻ bóng thấy tội ghê.
Tôi đâu có ngu, có léng phéng thì léng phéng ở đâu xa kìa, hai người là bạn thân từ lâu lắm rồi đâu có thể dễ dàng rơi vào cái bẫy lãng xẹt, tầm thường của vợ được. Có lẽ đây chính là sự thông đồng của hai người để thử thách tôi. Vậy là từ hôm sau những giấc mơ của tôi tàn lụi, tôi nhìn Thu Hiền như nhìn một gián điệp của vợ.
Năm sau, Thu Hiền lấy chồng. Thuở ấy bài hát "Lá Diêu Bông" của nhạc sĩ Trần Tiến đang được ăn khách, đi đâu cũng nghe người ta hát. Hôm đi ăn đám cưới Thu Hiền, tôi hát nho nhỏ "Diêu bông hỡi diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng" và đổi tên cho Thu Hiền thành Diêu Bông. Làm như an ủi tôi, vợ tôi nói nhỏ:
- Anh đừng lo! Em thấy chồng Thu Hiền ốm yếu, xanh xao quá. Anh gắng mà chờ ngày ông ấy nhảy lên bàn thờ ngồi ngửi nhang, lúc đó em sẽ tính chuyện lâu dài cho anh. Thu Hiền vẫn là tương lai chớ chưa phải là quá khứ đâu!
Giỡn gì mà ác mồm ác miệng! Nếu anh chàng chồng Thu Hiền tự nhiên lăn đùng ra ngoẻo cù tỉ chắc tụi tôi sẽ xanh mặt, không dám nói chơi bậy bạ nữa.
                                                                  *
Vợ tôi thường tuyên bố chắc nịch, "không con mèo nào lại chê mỡ". Tôi cũng là một con mèo háu đói, nhưng những miếng mỡ chung quanh đều do vợ dăng bẩy. Ngu gì mà mắc bẫy. Cái tiền lệ của ngày hẹn hò đầu tiên tôi đã vượt qua dễ dàng, nhưng lúc đó khác, bây giờ khác. Đã biết mỡ heo ngon tự nhiên cũng tò mò muốn nếm mỡ gà, mỡ bò...  Tò mò chút thôi, chớ  ngu gì mà bỏ nhà đi làm mèo hoang! Thỉnh thoảng tôi làm mèo hoang trong mơ mà thôi.
 Nhưng mấy giấc mơ của tôi lúc nào cũng vậy cứ y như rằng gặp được người đẹp đang sắp sửa đến giai đoạn lâm ly mùi mẫn là tự nhiên lại có bà vợ xuất hiện kỳ đà cản mũi...Chán ghê! Nghe tôi chắc lưỡi tiếc rẽ kể lại những giấc mơ, vợ phân tích ngay:
- Anh chắc rất ấm ức muốn nếm của ngon vật lạ nên mới sinh ra những giấc mơ như thế. Thôi, để em phải ráng tìm cho anh thêm một bà mới được...
Tôi kêu trời:
- Chờ em tìm lâu quá. Để anh tự tìm nhen. Anh cũng có bạn vậy...
Vợ tôi cười cười :
- Bạn anh có cô nào còn độc thân không " Thôi thì liên lạc với “cô em họ » của anh đi"
Tôi biết ngay địch đang dò dẫm và chọc quê mình. Chuyện “cô em họ » này xảy ra đã lâu rồi mà nàng còn nhớ. Số là trước khi qua Mỹ, chúng tôi soạn lại đồ đạc sách vở giấy tờ cái nào cần mang đi thì vợ tôi chợt thấy trong cuốn sách cũ của tôi rớt ra một tấm hình. Nàng cầm lên ngắm nghía rồi đưa cho tôi hỏi:
- Cô nào mà dễ thương vậy" Em chưa gặp bao giờ đó nghe.
Mười mấy năm nay tôi cũng chưa gặp lại và gần như cũng quên mất tiêu thì nàng làm sao mà biết được! Đó là Mỹ Loan, cô bạn học của tôi vào cái thời tôi bắt đầu bể tiếng và trên mép mọc lún phún mấy cọng ria mảnh mai. Mỹ Loan liến thoắng, tự nhiên nói chuyện trên trời dưới đất với tôi chớ không điệu như mấy cô khác. Trước và sau giờ thể dục Loan cũng ghé sân bóng rổ ném banh thử, rồi xáp vô chơi tự nhiên với đám con trai. Vì vậy mà tôi thích và thân với Loan. Có hôm trốn học, gởi vở nhờ Loan chép bài dùm, cuốn vở lem luốc của tôi cũng có được một trang sạch sẽ. Được một thời gian bỗng mấy đứa con trai chọc ghẹo và ghép đôi chúng tôi với nhau, bên con gái cũng nghe xầm xì. Cái cách phản ứng của tôi lúc đó là chối biến mặc dù cũng thấy thinh thích trong bụng. Cuối năm học đó, gia đình Loan di chuyển đi nơi khác, tôi cũng chưa gặp lại cô bạn từ đó. Không biết tấm hình này tôi có từ bao giờ và vì sao nó nằm trong cuốn sách này nữa.  Giờ nghe vợ hỏi, cái phản ứng của thời đi học khi bị bạn bè ghép đôi chọc ghẹo trỗi dậy, tôi chối liền:
- Con nhỏ em họ.
Giọng vợ tôi như vọng về từ cõi xa xăm:
- Bà con làm sao mà em không biết! Con của ai vậy"
Tôi vọt miệng không chút suy nghĩ:
- Con một ông bác.
Vợ tôi phát ra cười:
- Em họ con ông bác" Chắc tại anh mệt rồi nên ăn nói lẫn lộn lung tung. Để hôm nào em hỏi Phượng là biết ngay.
Phượng là em gái kế tôi, nó nhỏ hơn tôi 3 tuổi, học cùng trường với tôi nên ai mà nó chẳng biết. Tôi cố bịt đầu mối:
- Bà con xa lắm, con Phượng không biết đâu.


Tôi xoay lưng đi rồi mà cảm thấy nhồn nhột từ phía sau. Một lát sau ôn lại những gì vừa xảy ra, tôi đâm hoảng. Rõ ràng mình phịa mà lòi cả đầu cả đuôi. Cái kiểu này chỉ còn một con đường là thành thật khai báo may ra có chút hy vọng là nàng sẽ bỏ qua. Tôi thấy mình thật dại dột, nếu phịa thì hãy phịa chuyện gì cho đáng kia, ba cái chuyện lẻ tẻ cũng phịa thì sớm muộn gì cũng bị bể mánh và dĩ nhiên là bị mất niềm tin. Mà để mất niềm tin là mất sạch.
Tôi đã thành thật khai báo sau đó nhưng không biết có tin hay không mà vợ tôi vẫn vui vẻ chọc ghẹo tôi như thường, vậy mới đáng gờm. Rồi năm ngoái, khi theo tôi đi họp bạn thời trung học sau ba mươi mấy năm tan trường, nàng gặp lại các bạn cũ của tôi, dĩ nhiên là gặp cả Mỹ Loan. Với cái tính vui vẻ dễ hòa đồng và tự nhiên như ruồi của vợ tôi, nàng hòa nhập thật nhanh chóng với mọi người và chỉ qua 1 đêm, hầu như các chuyện ngây ngô thuở xưa của tôi bị lũ bạn hứng chí khai ra hết trọi.
- Ông Hoàng hồi đó làm trưởng lớp, học giỏi với lại cao ráo đẹp trai nên được mấy nàng để ý lắm nè. Ổng bồ tùm lum tà la, cặp một lần 5,7 em lận đó.
Tôi nghe đoạn này thì phổng mũi với vợ, cho em thấy anh cũng có giá lắm chứ hồi giờ cứ chê chồng cù lần. Nhưng khi tụi nó khai ra chuyện của tôi với "em họ" Mỹ Loan thì tôi lại hơi nhột nhột cứ y như có tật giật mình:
- Hồi đó ông Hoàng với bà Loan ra rít với nhau lắm. Bà Loan ngồi bàn trên mà cứ quay xuống nhắm tít mắt nói chuyện với chàng, thầy kêu hoài cũng không nghe đến nổi thầy phải bẽ phấn ném xuống đầu 2 đứa mới chịu thôi.
Anh chàng Phong thì chỉ vào Thúy đang ngồi cạnh Mỹ Loan mà nói:
- Ông Hoàng còn cặp bồ với bà Thúy nữa đó. Hai ông bà chở nhau đi học mỗi ngày, ôm eo sát rạt.
Đúng là mồm miệng thiên hạ thường thêm mắm thêm muối. Hồi đó nhà Thúy ở gần nhà tôi nên đôi khi trên đường đi học về, thấy tôi lội bộ dưới trời nắng chang chang với mấy thằng bạn (trong đó có Phong) thì Thúy dừng xe lại cho tôi quá giang. Tôi cũng tình thật nhảy lên yên sau để Thúy đèo về. Được mới vài ba lần thì mấy thằng khỉ nó ong ỏng ngâm thơ chọc:
“Con chuột mà tha con mèo,
Chuột treo trước miệng sao mèo không ăn.
Tôi và Thúy mắc cở hết dám gặp nhau luôn nói chi là chở đi nữa. Đã vậy tụi nó vẫn không tha, mấy hôm sau thấy Thúy đạp xe ngang qua mà không dám ngừng lại chở tôi chúng lại chọc ghẹo :
“Con chuột hổng tha con mèo
Con mèo thương nhớ buồn thiu đây nè"
Thuở đó tôi học lớp 11 rồi chứ, nhưng vẫn còn ... hơi con nít. Bọn khỉ gió chọc ghẹo mấy bữa liên tiếp làm tôi tức quá phải lượm đại mấy...đống phân bò khô nằm dưới đường mà ném vào chúng chạy tán loạn mới chịu thôi. Cũng may mà mấy đống phân bò này khô rồi chứ ...còn ướt không biết tôi có bốc không nữa.
Vợ tôi nghe lũ bạn kể lại những câu chuyện vui thuở thiếu thời của tôi mà cười vang. Rồi nàng còn phụ họa kể lại chuyện tấm hình « con em họ » của tôi cho họ nghe nữa chứ.
« Cô em họ » Mỹ Loan nghe vậy hai má hồng lên cười lỏn lẻn, bỗng nàng hỏi tôi:
- Ông Hoàng còn nhớ nhỏ Diễm không"
Tôi cố moi trí nhớ nhưng chịu thua:
- Diễm nào"
Mỹ Loan cười rinh rích:
- Trời đất, người xưa mà không nhớ, tệ quá vậy!
Tôi phân bua:
- Người xưa đương nhiên là nhớ. Nhưng tội quá, hồi xưa Hoàng đâu có người nào đâu! Có được người đẹp là Hoàng đã công bố cho bạn bè biết chứ dấu làm chi.
Mỹ Loan cười một cách khó hiểu:
- Bởi vì không tuyên bố nên cả thiên hạ đều bị nghi ngờ cho tới giờ luôn đó. Phải chi Hoàng tuyên bố thì đâu đến nỗi!
Nghe xong tôi như bị say sóng, nếu như cô bạn nói thật thì tôi còn có thể có cả một rừng diêu bông chớ chẳng chơi. Tôi không ngờ là thời học sinh mình đã có duyên như vậy, nhất cử nhất động đều bị các cô theo dõi mà không biết. Nhưng trời sinh lại ngu ngơ quá nên chẳng hưởng được cái gì ngoài sự tiếc rẻ. Trời cũng không sinh ra tôi sớm hơn cỡ một trăm năm nữa để tôi thực sự là một ông Hoàng có nhiều cung phi mỹ nữ. Thôi thì tiếc cũng chẳng ích gì, những chuyện này cứ để dành đó, lâu lâu nửa kín nửa hở xì ra một tí với vợ chắc vợ sẽ cưng mình hơn. Ít gì nàng cũng biết được là đã vớ được anh chồng xịn, không tưng tiu chăm sóc có thể bị mất như chơi, hay ít ra cũng đỡ tiếc những gì đã hụt khỏi tầm tay như ông chồng ngon lành của mình đã từng tiếc ngẩn tiếc ngơ!
Sau kỳ họp mặt, về lại nhà vợ tôi rủ rỉ:
- Anh có biết là cô em họ của anh đã bị "rụng bông hoa gạo" rồi không"
Mặt tôi có lẽ ngố ra không hiểu cái gì là rụng bông hoa gạo nên vợ tôi ngân nga hát một đoạn trong bài "chị tôi":
"...Ngày chị sinh, trời cho làm thơ. Vấn vương với sợi tơ trời. Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan..."
Rồi nàng chắc lưỡi:
- Em thấy Mỹ Loan dễ thương ghê. Nói chuyện với mấy bạn anh mới biết cô nàng đang tình duyên lận đận, thật tội nghiệp. Hay là anh làm sợi tơ trời lần nữa đi, em chịu hết. Mang cả Lá diêu bông và Bông hoa gạo về ở chung cho vui nhà vui cửa...
Tôi nghe nói mà cảm động nhưng sao thấy thấy... nguy quá.
        *

Ít lâu sau vợ tôi thông báo một tin tức mới:
- Vài bữa nữa Mai Linh sẽ sang mình chơi một tuần.
Mai Linh là bạn xưa của vợ tôi, hiện đang ở Việt nam và là một tay triệu phú làm ăn rất thành công. Tôi có gặp một lần hồi chúng tôi chưa lấy nhau. Tôi quên mặt nhưng tin tức của Linh thì thỉnh thoảng vẫn được vợ tôi nhắc tới. Có lẽ đây là cô bạn thông minh và sắc sảo nhất của nàng nên nàng có phần nể nang, không đem ra đùa giỡn ghép đôi cho tôi. Vả lại chúng tôi ở cách nhau xa lắc có gặp đâu mà giỡn mặt. Thông minh và sắc sảo nên Mai Linh thành công trên thương trường là chuyện đương nhiên, và chuyện đỏ bạc đen tình cũng là chuyện đương nhiên nữa vì chồng nàng đã ngủm củ tỏi từ lâu mặc dù hai đứa tôi không hề trù ẻo một tiếng.
Sau khi thông báo xong, vợ tôi nghiêm nghị nhìn tôi từ đầu tới gót, rồi an ủi tôi:
- Đám này thật trên cả tuyệt vời, nhưng người ta là đại gia còn anh bây giờ trông xập xệ quá, em muốn mai mối nhưng e không xứng.
Tự ái đùng đùng tôi sửng cồ:
- Người ta là đại gia thì anh cũng là đại du chứ bộ.
Cương chơi cho vui chớ thiệt tình « chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng... » nếu em không phải là một người đàn bà thép thì chí ít cũng khó tính, nghiêm trang và không thích đùa cợt. Cho nên, tôi chuẩn bị một bộ mặt đi họp hội nghị khi đi đón Mai Linh ở phi trường.
    Thật bất ngờ, tôi đã không đón một mệnh phụ khuôn trăng đầy đặn, mặt mày nghiêm trang mà là một thiếu phụ mảnh mai, chưng diện trẻ trung, nói năng nghe ngọt lịm. Bữa cơm chiều nhà triệu phú hào hứng lấy cơm trộn vào chảo cá kho đã cạn sạch làm tôi tự nhiên thấy có cảm tình. Mai Linh lại còn tự nhiên như ruồi cầm lon nước ngọt của ai đã khui và uống lở dở trong tủ lạnh ra hỏi :
- Lon nước của ai uống dở nè" Linh uống hết luôn nhen"
Mai Linh dễ thương hết sức. Nàng rất nhí nhảnh, đối đáp nhanh nhẩu và duyên dáng. Khi nghe vợ tôi cà giỡn sắp xếp chỗ ngủ tối nay:
- Cái giường vợ chồng Thanh rộng lắm, 3 đứa mình ngủ chung nhen.
Tôi mắc cở quá sức, cô vợ của mình sao mà giỡn kỳ quá thì Mai Linh kêu lên :
- Linh không chịu ngủ chung 3 người đâu.
Tôi tưởng Mai Linh phản đối kiểu đùa của vợ tôi thì cô nàng tỉnh rụi nói thêm :
- Thanh phải đi chỗ khác nằm hà.... !
Không ngờ xa nhau quá lâu mà cô bạn này vẫn còn "ăn rơ" với vợ tôi như vậy. Tôi can:
- Đừng nóng quá Linh ơi. Thanh sợ nhất là bị tranh dành, chia nhau thì mới được chấp nhận. Thôi chịu khó chật chội một chút, đợi khi đại cuộc đã định rồi thì ta mới tính tiếp được! Rồi tôi ngâm nga cho hai nàng nghe:
“Vợ thì hổng bỏ được rồi.
Có thêm bạn vợ chắc đời lên hương!”
Cô bạn vợ này không bẽn lẽn như lá Diêu bông hay kín đáo như Bông hoa gạo của tôi mà thoải mái đốp chát với cả hai vợ chồng tôi cho nên một tuần lễ trôi qua vui vẻ và thân thiện. Trên đường về sau khi đưa Mai Linh ra phi trường, vợ tôi hỏi dò:
- Chịu đứt đuôi con nòng nọc rồi phải không"
Tôi đáp rất thành thật, mượn ý của nhà thơ Hữu Loan:
- Tôi thương nàng như người em gái tôi thương...
Vợ tôi lại phân tích một cách méo mó:
- Ai mà không biết hễ người ta nuôi con nào thì sẽ ăn thịt con đó kể cả con em nuôi. Bây giờ anh có thêm một cành sim, mang cả cái lá diêu bông và bông hoa gạo về nữa cho đủ bộ là đời lên hương đó nghen!

*
Người xưa đã bảo chớ nên vẽ đường cho hươu chạy. Vợ tôi thì cứ vẽ hoài và tôi cứ theo mấy đường vẽ của nàng, chạy lòng vòng rồi lại sụp vào cái hố cũ. Cho đến một ngày hươu tôi bỗng thấy bên đường có cây sim với trái chín thật ngon mà cầm lòng không đậu. “Trái sim” chín mộng này sao mà nũng nịu dễ thương, duyên dáng quyến rũ, hấp dẫn hết chỗ chê...
Bỏ mặc vợ con, tôi lén bay về Việt nam một mình. Mai Linh ra phi trường đón tôi với bộ đồ màu tím hoa sim thật đẹp. Má em phơn phớt hồng. Mắt em long lanh và nụ cười từ từ nở ra thật tươi. Chúng tôi lặng im không nói tiếng nào. Tôi ôm chầm lấy em và xiết em thật chặt. Thân hình em ấm nóng, dịu mềm và chúng tôi dính chặt vào nhau không muốn rời ra nữa.
Mong rằng đây không phải là giấc mơ để thức dậy tôi lại thấy tiếc...tình!!!
Hoàng Trần - Thanh Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,240,415
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến