Hôm nay,  

Thanksgiving: Tạ Ơn Cha!

25/11/201000:00:00(Xem: 276073)

Thanksgiving: Tạ Ơn Cha!

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 3050-28350-vb5112510

Hôm nay, Thứ Năm 25 tháng 11, là Lễ Tạ Ơn, xin mời đọc một bài viết đặc biệt của Nguyên Thi. Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp  hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California.

***

Có phải tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đều oai phong, nghiêm nghị, và khó tính như cha hắn không"  Chắc đúng như vậy rồi!  Khi còn ở Sài Gòn trước năm 1975, hắn thấy khuôn mặt người lính nào ở ngoài đường phố và ngay cả trên ti vi nữa cũng có một nét đăm chiêu, khắc khổ như cha hắn vậy.
Hắn nhớ lúc còn nhỏ mỗi sáng cha thường chở anh em hắn đi học bằng chiếc xe Vespa xanh trước khi đến sở  làm việc.  Nhìn cha trong bộ đồ lính xanh rêu đậm ủi phẳng lì không một nếp nhăn, cộng thêm đôi giầy bốt-đờ-sô bóng loáng, hắn thấy cha hắn oai ra phết.  Ngày ngày cha đều dặn anh em hắn phải làm bài ở trường trước khi chơi, và không được phá phách hàng xóm láng giềng.  Có vài lần anh hắn lỡ dại nghe lời bạn bè đi chơi về trễ mà chưa xin phép thì ngay lập tức khi về đã thấy cha chờ sẵn ngay bộ phản với cái chổi lông gà đủ màu của mẹ hắn.  Hình như anh đã chuẩn bị mặc sẵn 2-3 lớp quần nên sau khi bị ăn mấy roi vào mông hắn thấy anh không lộ vẻ gì đau đớn lắm.
Dầu chưa bị ăn roi lần nào nhưng khi nghe cha quát lên là tim hắn muốn rụng rời.  Hắn học hành không đến nỗi đội sổ trong lớp nhưng điểm chỉ trên trung bình thôi.  Mỗi lần phải đem sổ học bạ về xin chữ ký của cha là tim hắn đập thình thịch vì thành tích học vấn của hắn tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm kia vẫn dậm chân tại chỗ.  Hắn nghĩ số hắn là số mạt rệp.  Vào lớp nào hắn cũng gặp phải thành phần con ông cháu cha, giàu hơn nhà hắn nhiều.  Họ có khả năng mướn thầy giáo dạy kèm hoặc cho con đi học thêm ở những lớp chiều hoặc cuối tuần.  Trong khi đó vì gia đình đông con với đồng lương lính ít ỏi nên cha chỉ có khả năng mua thêm sách cho anh em hắn mà thôi.
Cứ mỗi khi niên học vừa chấm dứt và được nghỉ hè, dầu thích thì có thích thật, nhưng anh em hắn vẫn ngán ngẩm vì biết ngày mai trên mặt bàn học sẽ có những cuốn sách toán, Anh văn, và tập làm văn của lớp kế tiếp chờ sẵn.  Bạn bè hắn đứa nào cũng được bố mẹ cho đi chơi vùng biển Vũng Tàu, Nha Trang, hoặc về quê thăm nội ngoại tha hồ tắm sông, tắm biển, mặc sức vui đùa suốt ba tháng hè.  Ông bà nội hắn đã mất ngoài Bắc khi đất nước chia đôi, còn ông bà ngoại thì ở chung một nhà với gia đình hắn.  Mỗi chiều khi cha đi làm về là anh em hắn phải trình bài vở đã làm trong ngày gồm một bài luận, một trang Anh văn và một trang toán.
Cha nói các sách giáo khoa đều có bài mẫu trước khi họ cho làm bài tập.  Do đó, anh em hắn phải làm bài được, và nếu cần thì đứa nhỏ có thể hỏi đứa lớn giảng giải thêm.  Nói vậy thì nghe vậy, chứ ít khi hắn dám nhờ anh hai giúp vì trong vài phút giảng bài mà hắn chưa hiểu bài (hoặc anh hai không biết câu trả lời"), hắn luôn bị anh hai mắng là ngu kèm thêm cái ký đầu đau điếng.  Những lúc đó hắn chỉ còn cách hỏi chị hoặc hỏi mẹ mặc dầu suốt ngày họ rất bận rộn lo cơm nước và giặt giũ bằng tay đống quần áo cao như núi của cả gia đình.
Khi anh em hắn lơ là việc học, cha thường kể rằng ngày xưa ở ngoài Bắc, cha là đứa con út trong gia đình 5 trai một gái.  Đi làm để có miếng ăn là quan trọng, còn đi học thì không cần thiết, nên khi cha vừa tới tuồi có thể làm việc lặt vặt trong nhà thì phải bỏ học.  Ông anh thứ tư thấy em út mê học trong khi chính mình lại không thích nên lén cha mẹ cho em bút giấy và sách để tự học. 
Năm 1954, cha đi theo hai anh lớn di cư vào miền Nam và may mắn ở cùng trại di cư với gia đình của mẹ.  Nghe kể bà ngoại của hắn mặc dù chưa đi học ngày nào trong đời nhưng là một người đàn bà tháo vát, có bộ óc tính toán giá cả còn nhanh hơn máy tính.  Một mình bà quán xuyến lò vôi, tiệm thuốc Bắc, ruộng vườn đủ loại cây ăn trái, và thêm cả gia súc nữa.  Lúc qua sống ở Mỹ, có lần ông Bác (anh của mẹ) thuật lại rằng chiều chiều Bác và anh của cha (có nhiệm vụ coi sóc ruộng vườn của bà) không cần đếm bao nhiêu con bò, con heo, hay gà vịt.  Họ chỉ cần mở mấy cái cửa chuồng và lùa chúng chạy vào, thấy đầy thì đóng cửa lại, coi như tất cả đã về chuồng đầy đủ vì đông quá đếm không xuể.
Do đó, coi như ông bà đã bỏ lại tất cả tài sản ngoài đất Bắc khi di cư vào Nam tìm tự do.  Tại trại di cư của vùng đất lạ không có người thân, nhìn quanh quẩn phong tục tập quán, thời tiết đều khác lạ hơn xứ Bắc, bà ngoại quyết định làm một chuyến đổi đời cho cô con gái duy nhất đang tuổi đôi mươi.  Bà đi dò hỏi người này người kia, ngó ngược ngó xuôi trong trại tìm rể cho con yên bề gia thất.  Cuối cùng bà chấm cha hắn.  Tuy cha là con nhà nghèo nhưng trông tướng tá cha lúc đó là một thanh niên khôi ngô tuấn tú chỉ hơn con bà có một tuổi, lại biết tự lực cánh sinh ngay từ nhỏ.  Cha kể vào một ngày đẹp trời bà tới gặp cha và ướm hỏi có muốn lấy con gái bà không"  Cha nói cái ăn cái mặc còn không có thì tiền đâu mà cưới vợ"  Bà bảo bà không cần môn đăng hộ đối, nếu cha hứa chăm sóc cô con gái, và chỉ có một vợ một chồng, không được lăng nhăng thì bà sẽ đưa tiền để thu xếp làm đám cưới.  Cha đồng ý, thế là trong tíc tắc coi như cha hắn cưới được vợ dễ dàng mà không tốn đồng nào.
Với tôn chỉ "Tiền bạc, của cải có thể mất vào tay người khác, nhưng kiến thức học vấn mãi mãi là của ta", cha cố gắng tìm mọi cách cho anh em hắn được học nhẩy lớp và tiêu xài dè sẻn để có tiền cho con đi học thêm các lớp Anh văn, may ra chúng có cơ hội du học nước ngoài.  Vào thập niên 60, cha may mắn được quân đội gửi đi học tập vài khóa huấn luyện truyền tin tại New York và Texas.   Khi về lại Việt Nam, mộng cho con du học càng ngày càng lớn thì đầu óc anh em hắn càng ngày càng rối loạn với các từ vựng toán, lý, hóa, triết, Pháp, Anh... .
Chuyện gì đến rồi nó sẽ đến.  Đầu tháng 5 năm 1975 gia đình nhỏ bé của cha hắn lại một lần nữa may mắn tìm được bến bờ tự do hơn nửa vòng trái đất với chỉ vài bộ quần áo trong túi sắc tay.  Cha mẹ hắn bắt đầu cuộc sống  mới ở xứ Mỹ vào tuổi trung niên với hai bàn tay trắng.  Sau mấy tháng tập làm quen với khí hậu giá buốt của miền tây bắc Hoa Kỳ và được tiếp tục đi học với người bản xứ, lúc đó anh em hắn mới thấy những gì cha "bắt, ép, dọa..." khi còn ở Việt Nam là đúng hoàn toàn.
Ngày xưa, mỗi lần phải mở sách học bài trong khi bạn bè nhởn nhơ chơi ngoài sân, hoặc khi anh em hắn phải mặc quần áo chỉnh tề, đứng yên hàng giờ không được nhúc nhích để cha hắn ngắm qua ống kính máy ảnh cố tìm những phông cảnh đẹp sau lưng, hắn hận cha hắn vô cùng.  Giờ đây ngồi nghĩ lại chính nhờ sự cương quyết và "thương con cho roi cho vọt" của cha mà anh em hắn ít gặp bỡ ngỡ hơn những đồng hương khác khi hội nhập với xứ sở này, và anh em hắn cũng có được vài tấm ảnh kỷ niệm thời niên thiếu tại Việt Nam.
Hoa Kỳ được rạng danh là vùng đất cơ hội cho những ai biết cách phấn đấu.  Ngày đặt chân đến nước Mỹ, cả gia đình hắn từ người lớn đến đứa em út, ai cũng có những áp lực từ công việc, học đường, đến môi trường xã hội chung quanh.  Những khác biệt về đường lối suy nghĩ của hai thế hệ học hỏi ở phương Đông và phương Tây đối chọi với nhau trong mọi vấn đề hầu như hàng tuần.  Từ học vấn, công việc, tôn giáo đến việc lập gia đình, lúc nào cha hắn cũng áp dụng luật nhà binh "thi hành trước, hỏi sau" và lập trường cha lúc nào cũng đúng vì "cha có nhiều tuổi đời hơn con".  
Bạn bè người thân nói cha và anh em hắn đều cầm tinh con cọp, không thể cùng làm chúa tể của một sơn lâm.  Vì vậy, sau khi học ra trường, anh em hắn mỗi người theo tiếng gọi của công việc đến sinh sống ở các tiểu bang xa nhau ngàn dặm, người ở miền Tây, miền Đông, miền Nam, còn cha mẹ vẫn cố thủ miền Bắc nước Mỹ.  Tuy xa mặt cách lòng, nhưng cái điện thoại vô tình vẫn là sợi dây liên lạc hoặc đường tơ bị đứt.  Lắm khi cha con hắn giận nhau cả mấy tháng liên tục không ai chịu nhường ai nửa bước, nhưng chiến thuật "nói dai như kẹo kéo" của mẹ khá hiệu lực nên rút cuộc hai bên lại làm hòa. 
Thoáng chốc đã hơn 35 năm nhận xứ người là quê hương thứ hai.  Và cùng thời gian ấy, cha và anh em hắn đã trải qua nhiều lần giận hờn, làm lành, rồi những trận cãi nhau ỏm tỏi lại nổi lên trong khi mẹ hắn chỉ biết làm thinh và chờ lúc cha nguôi giận để xin hai bên cho một chữ "bình yên".  Thằng em út trong số 6 anh chị em là người cuối cùng rời xa mái ấm gia đình để dọn về bờ biển miền Đông Đại Tây Dương.  Vì chưa lập gia đình, thích du lịch, lại quen thân "ông chủ" (là chính nó) tính tình dễ dãi, muốn nghỉ lúc nào cũng được, nên đứa em thường về thăm nhà vào dịp cuối năm cả tháng trời. 


Ba năm trở lại đây nó báo cho anh chị khắp nơi biết phải thu xếp cho cha mẹ về sống chung với người nào đó vì cả hai đã hơn tuổi thất thập mà vẫn chăm sóc vườn tược quét lá vàng mùa thu rụng, hót tuyết sân trước sân sau trước 6 giờ sáng, kèm theo lái xe đi chợ trên đường băng đá mùa đông tuyết rơi với chiếc xe cổ lỗ sĩ "mua mới tinh" từ thập niên 80 (tính tới tháng 8/2009 xe mới nhích tới gần con số 27.000 dặm vì cả hai hầu như chỉ dùng xe để đi chợ.)  Chuyện này anh chị em hắn đã bàn bạc cả hơn 10 năm về trước, nhưng cha tính tình ương ạnh không muốn làm phiền ai nên khi đề cập đến thì cha toàn bàn ra.
Mùa hè năm ngoái đứa em gái áp út từ bờ biển miền Tây Thái Bình Dương làm một chuyến Bắc du.  Không biết trong mấy ngày đầu tiên nó thuyết phục làm sao với tiếng Việt nửa Tây nửa Ta mà cả hai đồng ý đi bác sĩ khám sức khỏe tổng quát và khám mắt ngay trong tuần.  Bác sĩ cho biết cả hai đều bị cườm mắt, nên đi giải phẫu sớm.  Được sự hậu thuẫn của giới y khoa cộng thêm kinh nghiệm làm manager của phòng quang tuyến Kaiser, em gái nó thừa thắng xông lên cùng với hai đứa cháu trai và cháu gái thiết lập hai hồ sơ bệnh lý dầy cộm cho từng người bao gồm tên và địa chỉ liên lạc của các bác sĩ, nha sĩ, chuyên gia đã từng đi qua đời ông bà mấy chục năm qua.  Kết quả thử máu, hình chụp quang tuyến được xếp gọn ghẽ theo thứ tự ngày mới nhất ở trên, cũ kỹ ở dưới chót.  Các loại thuốc đã từng uống qua cũng như đang dùng đều được ghi lại rõ ràng với tên thuốc, trị bệnh gì, liều độ, uống trước hay sau bữa ăn... bằng chữ lớn với mầu sắc sáng chói kế bên để ông bà dễ nhận diện.
Một điều mà anh chị em hắn phục đứa em gái này sát đất là khi hai ông bà vừa đồng ý chịu đi giải phẫu thì nó đã nhanh tay lấy I-phone nhắn tin cho anh chị biết để mỗi người chia việc ra làm trước khi hai cụ đổi ý.  Người thì liên lạc với bạn bè hai cụ ở trời Đông trời Tây viết thư, gọi phone khuyến khích nên giải phẫu để "Mắt sáng thấy cả cây kim dưới thảm" hoặc "Chả có đau đớn tí nào, chú lái xe ban đêm thì tỏ như ban ngày mà không cần đeo kiếng...".  Kẻ khác thì lên trang mạng tìm vé máy bay sẵn trong khi ông anh hai (bác sĩ) ở miền Nam nước Mỹ liên lạc các chuyên gia về mắt để làm hẹn khám mắt / giải phẩu càng sớm càng tốt. 
Suốt tuần lễ đó, I-phone và máy điện toán của anh chị em hắn bận rộn liên tục với hàng trăm tin thư nhắn qua lại để phối hợp thời gian tính thật ăn khớp với nhau.  Lịch trình nghỉ phép của anh chị em được đối chiếu kỹ lưỡng để bất cứ cuộc hẹn với bác sĩ, chuyên gia, bệnh viện nào cũng có tài xế và thông dịch viên túc trực.  Theo dự trù của anh hai, sau khi giải phẫu mắt xong và phải chờ hẹn tái khám mắt cả tháng sau thì anh sẽ "dụ" cha làm lại hai hàm răng giả và trồng thẳng vào xương hàm (implant) cho khỏi xê dịch làm khó khăn trong việc ăn uống và nói chuyện.
Nói đến hàm răng giả, mẹ và anh chị em hắn đã có nhiều trận cười bể bụng mỗi khi nhắc tới nó.  Mẹ kể rằng khi mới tới Mỹ sẵn có bảo hiểm y tế cho người tỵ nạn, cha hắn cho cả nhà đi làm sạch và trám răng lại.  Vốn liếng Anh văn khi ấy chả có bao nhiêu, anh chị em hắn mỗi khi đi nha sĩ chỉ biết há miệng ra cho ông ấy muốn làm gì thì làm.  Nhưng cha thì khác, cha tuyên bố với ông nha sĩ một câu xanh rờn: "Răng của gia đình tôi, ông chỉ được trám mà không được nhổ cái nào cả!"  Thằng em út có cái răng sữa phía trước bị sâu răng từ bên Việt Nam vì ăn nhiều kẹo, nha sĩ muốn nhổ nhưng cha nhất định không chịu.  Cuối cùng ông bà bảo trợ được gọi tới để phân trần với cha rằng dựa theo phim chụp thì chân răng đã mòn gần hết, nếu không nhổ thì nướu răng sẽ bị sưng lên làm độc và em phải nghỉ học.  Nghe thế cha đồng ý cho nhổ ngay.
Riêng hắn nhớ rất rõ câu chuyện "răng thật, răng giả" cách đây hơn 10 năm, nhân dịp mùa hè bốn chị em hắn có cơ hội đoàn tụ cùng một lúc với cha mẹ.  Mấy đứa con (sinh tại Mỹ) của chị em hắn, từ 8 đến 10 tuổi, nhờ có đi học lớp tiếng Việt cuối tuần nên suốt ngày lẽo đẽo theo ông bà học hỏi "kinh nghiệm sống" bằng Việt ngữ không đến nỗi tệ.  Sau vài lần nghe chị em hắn mỏi miệng nhắc các con đánh răng sáng tối, cha hắn bảo lũ cháu đi theo ông.  Mười phút sau thấy mấy đứa nhỏ đã vào phòng đi ngủ sớm.   Chị em thắc mắc thì được trả lời: "Cha chỉ cho mấy đứa cách đánh răng.  Từ rày về sau chúng sẽ tự động biết cách làm."
Sáng hôm sau đứa con gái tỉ tê với chị hắn ngoài nhà bếp trong khi ông bà còn ngủ:
-  Mẹ có biết không, tối hôm qua ông ngoại bảo anh hai đánh răng cho ông coi, rồi ông nói anh hai đánh răng chưa đúng.  Sau đó ông bỏ tay vô miệng lấy hàm răng giả ra dùng bàn chải chà từng cái răng một, còn bắt tụi con tập đánh mấy cái răng đó nữa.  Ông nói mỗi ngày phải đánh răng 2 lần, còn nếu ăn kẹo thì phải đánh răng ngay sau đó nếu không răng bị hư và sẽ phải mang răng giả giống như ông.
- Rồi con có đánh răng con như lời ông chỉ không"
- Có chứ!  Ông xem từng đứa tự đánh răng đúng rồi mới cho đi ngủ mà... .
Sau sáu tháng sống với đứa con trai đầu lòng để kiểm tra lại toàn bộ sức khỏe và làm răng "implant", cha mẹ hắn nóng ruột muốn về lại căn nhà thân yêu của mình.  Vấn đề dưỡng già gần con cháu để có người chăm sóc sớm hôm được đề cập nhiều lần nhưng câu trả lời của cha hắn vẫn là "Để từ từ rồi tính..."
Qua các cú điện thoại viễn liên hàng tuần, anh em hắn được biết cha mẹ không còn đi bộ ngoài công viên mỗi sáng và chiều như mọi khi mà chỉ đi quanh quẩn sân trước sân sau.  Tháng 9 vừa qua, mẹ than phiền cha dạo này ít ăn, hay buồn nôn và nấc cụt suốt ngày.  Nghi ngờ cha có thể mắc bệnh trầm trọng, đứa em trai phương Đông và anh hai phương Nam vội vã làm hẹn với bác sĩ địa phương và nhờ ông Don hàng xóm chở đi giùm (vì từ ngày đến Mỹ, cha tự nguyện làm tài xế gia đình, không muốn mẹ "phí giờ" học lái xe).
I-phone và máy điện toán của anh em hắn lại nóng phừng phực mỗi ngày khi nhận được email cập nhật của ông Don và kết quả thử nghiệm sức khỏe từ các bác sĩ.  Với cha bị bệnh, mẹ không biết lái xe, cuối tuần lại có nhóm thợ tới lợp lại mái nhà bị dột, đứa em trai quyết định xin phép hãng cho làm việc "telecommute" qua máy điện toán 12 ngày để có thể giúp việc nhà. 
Vừa bước chân vào nhà 5 ngày sau đó, em trai nói trông mẹ như trút được ngàn cân khỏi đôi vai gầy.
Nếu một năm trước anh em hắn phục tài "ăn nói nửa Việt nửa Mỹ" của đứa em gái bao nhiêu, thì năm nay anh em hắn khâm phục gấp 10 lần khả năng kiên nhẫn "nói ít làm nhiều" của đứa em trai này.  Trong vòng 3 ngày, không những nó đã thuyết phục qua hành động (tài xế, thông dịch viên, dọn dẹp / sửa chữa nhà cửa...) cho cha thấy sự chăm sóc cần thiết của người thân khi ta tới tuổi cao niên, mà cả hai còn đồng ý dọn về ở hẳn bên gia đình anh hai để dễ bề được chăm sóc sức khỏe. 
Nhận được tin vui, anh hai hắn tức tốc mua vé máy bay một chiều cho cha mẹ đi cuối tuần và liên lạc làm hẹn bác sĩ địa phương ngay tuần sau, trong khi đó người em ở lại thu dọn nhà cửa cho cha mẹ khỏi bận tâm.  Theo lịch trình thì anh hai sẽ bay đến thành phố Denver, Colorado vào sáng sớm và chờ ở đó đến trưa khi máy bay của cha mẹ đáp xuống phi trường, anh sẽ dẫn cha mẹ đi ăn trưa và cùng lên máy bay hộ tống cha mẹ suốt chuyến bay hơn 4 tiếng đồng hồ về nơi anh ở. 
Từ hơn tháng nay về ở với gia đình người con cả, mẹ hắn cảm thấy bớt lo lắng hơn vì có con cháu sống cùng một căn nhà chung sức chăm sóc cho người bệnh.   Tuy nhiên anh em hắn mỗi ngày được cập nhật kết quả thử nghiệm y khoa đành chấp nhận thực tế phũ phàng   cha thiếu máu trầm trọng và bị ung thư dạ dày cấp 4.  Đứa em út đến phụ mẹ chăm sóc cha hai tuần lễ đầu, sau đó vì phải trở về tiểu bang miền Đông đi làm nên giao trách nhiệm đó lại cho người chị mới ở miền Tây bay tới.  Tuần rồi anh hai nói cha rất kiệt sức vì chỉ uống được 1/5 lượng nước dinh dưỡng, anh tiếp nước biển cho cha.  Cả nhà lúc đó tưởng cha quyết định đi thăm ông bà nội ngay cuối tuần.  May thay hai ngày sau sức khỏe khả quan hơn, cha đồng ý vào bệnh viện cho bác sĩ soi dạ dày đồng thời đặt 2 ống G-tube và J-tube để việc cung cấp dinh dưỡng và tiêu hóa được dễ dàng.  Hiện thời anh hai và em gái hắn ngày đêm thay phiên nhau ở bệnh viện trông chừng cha.
"Công cha như núi Thái Sơn,
Chừng nào mới trả được công ơn này""
Hắn hy vọng khi đọc được những dòng chữ này, bạn bè thân quen hay chưa quen sẽ giúp gia đình hắn dâng một lời cầu nguyện đến Đấng tối cao của tôn giáo họ.  Biết đâu chừng vào mùa lễ Tạ Ơn năm nay, một phép lạ sẽ giúp cha hắn vượt qua cơn bệnh ngặt nghèo vì cha hắn có một điểm đặc biệt là trùng tên với 18 vị vua đã mở mang bờ cõi đất Việt   Hùng Vương.
Nguyễn Thi 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Nhạc sĩ Cung Tiến