Hôm nay,  

Già Đầu Không Yên

20/09/201000:00:00(Xem: 181275)

Già Đầu Không Yên

Tác giả: Quân Nguyễn
Bài số 2996-28296-vb2092010

Với giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2007, từ gần 4 năm qua, Quân Nguyễn là tác giả được đọc nhiều nhất trên trang web Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. “Bài Không Tên Thứ 20” có gần 60,000 lượt người đọc. Cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam đẳng huyền đai Tae Kwon Do, từng làm counlelor tại nhà tù tiểu bang ở Chino, và hiện là state parole officer ở Garden Grove. Trong năm vừa qua, bỗng  thấy ông  “lặn” mất tiêu. Bài viết mới sau đây cho biết lý do: Tác giả vừa “tai qua nạn khỏi”.  Mừng Quân Nguyễn hồi phục. Yêu cầu viết tiếp.

***

Sau hai mươi mấy năm "an cư lạc nghiệp" ở cái xứ tự do dân chủ, văn minh giàu có hàng đầu của trái đất này, tôi cảm thấy mình chẳng có gì phải phàn nàn! Còn cuộc đời cũ -- những ngày trai trẻ nơi quê hương thân thương kia, hình như đang lu mờ dần với thời gian và cơm áo nơi đây...
Vợ hiền lâu lâu bực mình phạng một câu cho bõ ghét, "Sao nghe nói bằng cấp võ nghệ đầy mình mà lâu quá hổng thấy lên chức gì ráo, còn mấy đứa làm chung hồi xưa thì thăng tiến hà rầm hết rồi!"
Nghe ẻm nói cũng có lý, mà nghĩ thì đúng là mình dở ẹc thiệt, đành phải mượn lời các cụ mà biện bạch rằng, "Sống chết ở Trời, giàu nghèo có số, và công danh đâu phải muốn mà được!"
Thấy ẻm tiu ngỉu cũng tội, tôi bèn an ủi rằng số tôi có "Nhật Nguyệt giáp mệnh (thân)", các cụ có nói, "Bất quyền tắc phú, nhớ mua lô tô nha!"
Thiệt ra, cái bằng cao học vớ vẩn hay cái đai đen bốn đẳng màu mè của tôi đâu có ăn nhập gì tới chuyện sinh nhai ở đây -- tôi đang gài số tự động cho nó chạy tà tà chừng mười năm nữa rồi về hưu là xong, chứ có bon chen mưu tính gì đâu!
Vậy chứ lâu lâu ngồi quởn cũng buột miệng la lên,  Sao thời gian trôi mau quá, mới ngày nào con cái còn chút xíu, mà giờ đứa út cũng vào đại học rồi!"
Nghĩ cho cùng, chẳng phải thời gian trôi nhanh hay chậm, con cái sinh ra thì có ngày chúng sẽ lớn lên, vào đại học, ra trường, có công việc, gia đình con cái của riêng nó, còn mình thì phải già đi, thành ông ngoại như bây giờ, rồi ít năm nữa sẽ về hưu... đó là lẽ thường, có ai sống đời hay tránh đâu cho khỏi cái già cái chết, vậy buồn... năm phút thì vô lý quá!
Thế mà thỉnh thoảng vẫn vô tình ngồi thừ ra trong góc võ đường Đặng Huy Đức cho đến khi có ông bạn đồng môn vỗ vai hỏi có chuyện gì buồn, đành thú thật là ngày xưa dẫn thằng Pete con Nancy đi tập võ từ lúc đứa lên bảy đứa lên bốn, giờ tụi nó đi "college" nghỉ hết rồi, chỉ còn có cái thân già này ở đây...
Cũng tính mang đứa cháu gái bốn tuổi Izzy đi tập với ông ngoại cho vui, mà má nó chưa cho, đúng là hết mong con rồi tới cháu!
Như đã đề cập ở trên, những tưởng sau mười mấy năm kinh ngiệm đầy mình trong nghề coi tù, mọi thứ mình đều cho vô khuôn phép đâu ra đó cả rồi. Thôi thì cứ tà tà kiểu này cho đến ngày về hưu, lãnh bảy chục phần trăm lương sau 25 năm đi cầy (hoặc giả chín chục phần trăm lương nếu chơi luôn 30 năm, vụ này hổng có à nha!), rồi mua cái "motorhome" (RV) kéo theo cái tàu nhỏ chở con gái mẹ đi ngao du sơn thủy từ Mỹ qua Canada cho biết đó đây với người ta (hồi nào có biết New York, Washington DC, hay Montreal là cái con mẹ gì đâu, lo cày từ sang tới tối năm này qua tháng nọ nuôi vợ con từ ngày mới qua tới giờ!) 
Nhưng các cụ có nói, "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên", đùng một cái năm ngoái tôi bị hai Sao "Phục binh, Thiên hình" dập tại cung Tài Bạch gần ná thở...
Số là tôi phải coi gần năm chục anh tù tạm tha (on parole) ở Santa Ana, trong đó có khoảng chục tên gang Mễ lưu manh dữ dằn hết chỗ nói!
Ngày nọ, sở cảnh sát địa phương bất ngờ làm một vụ càn quét băng đảng trong thành phố vào lúc sớm tinh mơ. Trong số các căn hộ bị càn quét có một căn là của anh tù tôi. Thằng này thuộc băng Mễ  "F-Troop" rất dữ dằn lỳ lợm coi chuyện vài ba năm tù như... giấc ngủ trưa, dù nó đã bị tôi "gởi trả" lại nhà tù hai lần rồi từ ngày được tạm tha, cũng do cứ tiếp tục băng đảng mà ra.
Mấy ông cảnh sát địa phương đâu dám coi thường băng đảng, nên vừa xộc cửa vào nhà là súng chỉa khắp nơi, đè ra còng hết bà con trong nhà bất kề lớn bé già trẻ trai gái!
Sau đó, họ tìm thấy một cái mã tấu giấu dưới gầm ghế sa lông trong phòng khách.
Thằng tù tôi khi nhìn thấy cái mã tấu, thấy là đi đứt thêm một năm nghỉ mát trong tù rồi. Lại nhìn thấy ông chú, em út, bạn gái đang mếu máo nằm úp mặt dưới đất vì bị còng, bèn nhếch mép cười khảy nói với viên thượng sĩ, "Tao biết trước tụi mày sẽ tới mà!"
Viên thượng sĩ ngạc nhiên hỏi lại, "Sao biết""
"Parole Officer Nguyễn cho tao hay!" Nó trả lời lập tức, tin rằng tôi gửi "police" tới bắt nó với lý do mới cạo đầu trọc mấy bữa nay (băng đảng).
Viên thượng sĩ hỏi nó, "Có ai làm chứng hông""
Nó nói, "Chú tao, hai thằng em tao, bạn gái tao đều nghe!"
Viên thượng sĩ quay hỏi bà con bị còng nằm dưới đất, "Có đúng vậy không""
Tất cả đều đồng thanh, "Chứ còn gì nữa!"
Viên thượng sĩ tức giận hỏi con ghệ," Lần cuối cùng Parole Officer Nguyễn tới đây là hồi nào""
"Có tới đây bao giờ đâu!" Ẻm mau mắn trả lời.

*

Thế là, hai ngày sau, tôi được lệnh về trình diện Bộ chỉ huy vùng (Parole Regional Headquarters), vì bị sở cảnh sát địa phương phàn nàn. Họ cũng khiếu nại với Sở Tư Pháp địa phương (DA) tính đưa tôi ra tòa, nhưng DA từ chối vì coi bộ vụ này thiếu bằng chứng cụ thể, và chuyện truy tố một "peace officer" (cảnh sát) không phải dễ nuốt!
Thế rồi, tôi bị mất xe chính phủ cấp, phải đi làm từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều (hồi xưa muốn đi về lúc nào cũng được), phải làm công việc bàn giấy của thư ký... Ở đây, cũng có hai ông về ngồi chơi xơi nước như tôi gần cả năm rồi, mặt méo xèo xèo (tôi bắt đầu méo đây!)
Sau đó, tụi Điều Tra Nội Bộ (Internal Affairs) gửi thư cho hay họ đang điều tra tôi về tội tiết lậu tin tức nội bộ gây phương hại đến công việc của sở cảnh sát địa phương, và không làm nhiệm vụ của mình (thăm tù tại nhà nó mỗi tháng).
Tôi phải nói dối vợ là tiểu bang hết tiền nên lấy xe lại, và vì thiếu người ở văn phòng vùng nên họ điều tôi về đó một thời gian...
Được cái bà xã tôi cả tin, nên chẳng bận tâm mấy!
Tôi quen cắn răng chịu đựng cả đời, nên đâu muốn cho vợ hay mình đang bị điều tra. Rằng tôi có thể nhẹ nhất là bị một thư cảnh cáo nằm trong hồ sơ cá nhân cho sáu tháng. Hay bị cho nghỉ ở nhà một tháng không lương (cái này hổng sao, vợ chồng ăn mì gói qua sông, dùng "credit card" trả tiền nhà cũng xong).
Tệ hơn chút nữa là bị giáng chức xuống làm lính coi tù ở Chino (cũng còn có "job" để trả tiền nhà, nhưng phải làm ca kíp đêm ngày vất vả như xưa!).
Nhưng tệ nhất là bị đuổi việc, sau bao nhiêu năm làm lụng vất vả, nay bị đuổi thì mất hết tiền hưu dưỡng, mất nhà, mất bảo hiểm sức khỏe cho bản thân và vợ con. Năm mươi mấy tuổi đầu rồi còn ai muốn mướn nữa, rồi thì muốn thuê cái apartment để ở cũng chưa chắc đã xong!
Đã vậy, tôi phải vờ sống hai mặt để vợ con khỏi nghi ngờ dò hỏi, lúc nào bề ngoài trông cũng như thường nhưng bên trong như chết đứng, nằm ngồi chẳng yên...
Bác sĩ cho thuốc ngủ, an thần vì tưởng đi làm bị "stress" quá, bị thiệt chứ tưởng nỗi gì, hổng uống thuốc là tiêu luôn rồi...
Tụi điều tra viên thì cứ thủng thỉnh làm việc, tụi nó có tới một năm cho đủ thời gian để hoàn tất điều tra, nên tà tà chờ đến tháng thứ mười một mới tiến hành thủ tục, còn mình thì cũng có một năm để sống với lo buồn!
"Tôi sẽ bị đuổi việc, tôi sẽ mất nhà, tôi sẽ thất nghiệp luôn, tôi và vợ con tôi sẽ mất bảo hiểm sức khỏe, tôi sẽ mất vợ (ủa! cái này hổng có à nha, tôi đâu phải Mỹ chánh cống, mà ẻm đời nào chịu cho tôi xổng mất!) tôi còn lâu lắm mới ăn tiền già, tôi biết ở đâu đây, con rể tôi đâu có chịu chứa tôi, tôi phải làm gì đây, tôi biết làm sao đây..." những ý nghĩ này nó cứ quay cuồng lập đi lập lại trong đầu tôi cả ngày lẫn đêm trong suốt một năm dài không thôi, mà vợ con tôi nào có hay biết để chia xẻ an ủi. Thôi, một mình tôi chịu cũng đủ rồi, nó có biết cũng chỉ khổ thêm chứ có giải quyết được gì!


Tuy nhiên, từ lâu tôi có nói mí mí với vợ rằng, trong đời, nếu có chuyện gì dính líu tới luật pháp xảy ra cho tôi, thì bán nhà đi mà lo luật sư, mà phải luật sư Mỹ trắng mới có cái bề ngoài coi được ở tòa án, và trình độ lưu manh, mánh khóe, lật lọng của nó cũng cao hơn, cứ nhìn đám luật sư của O J Simpson thì biết, giết hai mạng người rành rành mà nó cũng hổng sao (cho tới khi oan hồn nạn nhân xui khiến đi ăn cướp ở Las Vegas rồi bị tuyên án 33 năm tù!). Tôi biết có thằng luật sư chuyên nghiệp cãi cho "cops" rất thành công, nếu xui mà bị đuổi việc thì phải kiếm nó cãi thôi.
Nhưng trước mắt tôi phải mua một chiếc xe mới để đi làm hàng ngày. Lại tốn hết năm ngàn tiền "down", một ngàn mốt tiền bảo hiểm xe một năm, chưa kể xăng nhớt!
Mười mấy năm làm việc trong tù lẫn ngoài đường tôi quen biết hầu hết các khuôn mặt trong nghề, và họ cũng biết tới tôi qua cá tính làm việc như trâu, lại nhã nhặn lễ độ với tất cả từ già tới trẻ, lớn tới bé, và chẳng bao giờ phàn nàn gì hết. Tôi tưởng mình có rất nhiều bạn bè...
Tuy nhiên, khi biết tôi đang bị điều tra, chỉ còn khoảng dưới một chục người đến thăm an ủi hoặc ít ra dù nghi ngại vẫn còn niềm nở với tôi. Số còn lại xa lánh, ngó lơ, hay xì xồm to nhỏ mỗi khi trống thấy tôi xa xa...
Có lúc vì quá lo nghĩ cho vợ con, tôi đã nghĩ quẩn đến việc kê súng vào đầu. Nhưng rồi nghĩ đến số tiền bảo hiểm nhân thọ năm trăm ngàn đồng, nó sẽ không trả cho vợ con tôi nếu tôi tự sát! Hay là mình lủi đại hết tốc độ vào thành cầu "freeway" coi có vẻ chết vì tai nạn hơn...
Những lúc đó, tôi đã cảm thấy mất hết niềm tin trong cuộc sống vì quá cô độc do phải chịu đựng một mình cái gánh nặng quá tải. Nhưng rồi với kinh nghiệm sống từng trải, thói quen luôn chịu đựng, và một lòng tin vô biên vào Trời Phật và lẽ phải, đã giúp tôi vơi bớt nỗi lo buồn thầm kín -- thôi thì "sông có khúc, người có lúc", đã là con người thì may mắn hay hoạn nạn là chuyện thường tình phải có, số phận biết tránh làm sao cho khỏi, chỉ có đến lúc chết mới hết mà thôi!

*
Một bữa, sau khi bị thuyên chuyển về văn phòng vùng độ hai tuần, tôi có được cơ hội ghé thăm xếp lớn tại văn phòng ổng. Ổng nói ông có nghe tiếng tốt về tôi từ lâu, nhưng kẹt cái "policy" của ngành là khi "officer" bị điều tra về bất cứ lý do gì đều phải bị ngưng chức và đổi về văn phòng vùng ngồi chơi xơi nước trong vòng một năm cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất. Ổng khuyên tôi chẳng nên quá buồn vì có muốn hay không ổng cũng chẳng giúp gì được tôi trong vòng một năm đó. Bản thân ông, trong cuộc đời làm "parole officer" cũng có lần bị điều tra vì có đứa cho tin cho cảnh sát rằng ông ta buôn bán "drug", nên ổng rất thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, và chẳng phải chỉ riêng tôi đã bị điều tra đâu...
Thế rồi, thắm thoát mà đã sáu tháng đằng đẵng trôi qua...
Một ngày, xếp lớn kêu tôi lên văn phòng cho biết xếp nhỏ ở quận (Parole Disrtict Administrator) có kêu điện thoại lên nhiều lần nhất quyết đòi trả tôi về nhiệm sở cũ.
Nhân đó tôi mới học được một điều trong cuộc đời đi cày là hễ mình có học lại siêng năng tận tụy với công việc, thì dù chẳng ai nói ra nhưng tiếng tốt đi xa, khi hoạn nạn có người tìm cách cứu giúp liền, còn làm biếng nhớt thây lúc nào cũng phàn nàn thì tuy chẳng ai làm gì được, nhưng tiếng xấu đi xa, hễ có chuyện gì là nó kiếm cách đuồi luôn!
Xếp vùng chẳng dám làm trái với "policy" một năm ngồi chơi xơi nước, nhưng nay có xếp nhỏ nằng nặc xin xỏ, thôi thì viện cớ vì "nhu cầu cấp bách" của đơn vị, mà cho thằng mắc dịch này trở lại nhiệm sở trong khi chờ cuộc điều tra kết thúc trong vòng sáu tháng nữa...
Thế là, xếp lớn ân cần gọi thư ký mang xe nhà nước trả lại cho tôi, mà phải xe mới hơn nha!
Cuộc đời thấy bớt đen tối hẳn, vì có xếp lớn biết tên, nhưng cái án... bị chụp mũ kia vẫn còn lơ lửng!

*
Rồi cái gì phải đến, sẽ đến...
Đúng mười một tháng từ ngày tôi bị điều tra, cái đám điều tra viên bèn kêu mười thằng tù băng đảng khác mà tôi từng coi sóc trước kia, lên phỏng vấn coi tôi hồi đó tôi làm ăn ra sao.
Hỏi chúng Officer Nguyễn bao lâu mới tới nhà chúng một lần, đứa nào cũng la lên, "Tháng nào cũng tới ít nhất một lần, bất kể ngày đêm!"
Lại hỏi ông xếp trực tiếp của tôi coi tôi làm ăn thế nào, ổng nhìn thẳng vô mắt họ, "Nó là một trong những  officer  tốt nhất của tao!"
Cuối cùng, cỡ hai tuần sau, tôi cùng với một luật sư của nghiệp đoàn ra đối chất với đám điều tra viên ở Sở Điều Tra Nội Bộ.
Họ hỏi tôi chừng ba chục câu hỏi không đâu vào đâu trong vòng ba tiếng đồng hồ liền, đại khái như sau:
-"Ông có biết trước ngày giờ sở cảnh sát địa phương sẽ đến khám nhà anh tù của ông không""
-"Tôi đến nhà nó một mình bao nhiêu lần tôi đâu có cần thông báo cho ai, mắc gì họ tới cả đám mà phải cho tôi hay!"
-"Sao gia đình nó từ chú, em út tới bạn gái của nó tất cả đều nói rằng có nghe ông nói với nó là sở cảnh sát sẽ đến kiếm nó""
-"Họ cũng có nói là tôi chưa bao giờ đến nhà họ bao giờ thì làm sao nghe tôi nói cái gì được! Hơn nữa, chỉ có mình nó lên trình diện văn phòng tôi tuần một lần, chứ chú nó, em nó hay bạn gái nó có phải lên trình diện tôi đâu mà nghe tôi nói gì!"
-"Ông có nhớ lần cuối cùng đến nhà nó là ngày nào không""
-"Cái  record  (hồ sơ theo dõi tù nhân) viết tay của tôi quí vị đang có trước mặt, mà còn hỏi gì nữa, cái gì viết trong đó là có, cái gì không viết trong đó là không có. Tôi đâu cần phải nói dối để kiếm ăn!"
-"Sở cảnh sát nghĩ rằng anh sợ tụi gang nên cố tình giúp nó bằng cách cho nó biết họ sắp đến xét nhà nó."
-"Nếu nó biết trước họ sẽ đến thì sao nó không thủ tiêu cái mã tấu đi. Chỉ nội có cái đó cũng đủ cho tôi đem nhốt nó một năm rồi, nó biết thừa điều đó mà. Hơn nữa, (nhìn thẳng vào mắt họ) tôi có bốn đẳng Taekwon-Do, tôi chỉ sợ có Trời, luật pháp và... sở thuế mà thôi!"
-"Tại sao nó lại nói rằng anh báo cho nó biết sở cảnh sát sẽ tới kiếm nó""
-"Tôi không thể đọc được ý nghĩ của nó, vả lại nó đâu phải con tôi mà tôi phải làm chuyện đó (nếu con tôi băng đảng tôi sẽ là người bắt nó trước tiên!) Hơn nữa, khi biết rằng mình sắp bị nhốt lại một năm vì cái mã tấu, rồi nhìn thấy chú, hai em, bạn gái bị còng nằm xấp trên sàn nhà... cũng chỉ vì mình băng đảng, mà chắc thằng Nguyễn gửi cảnh sát lại chứ chẳng ai... thì nó muốn nói gì thì nói, ai cấm cho được!"

*

Hai tuần sau tôi nhận được thơ từ xếp lớn cho biết mình hoàn toàn vô tội... vạ!
Nay xếp lớn cho tôi về làm "parole officer" chuyên việc giấy má văn phòng tại Anaheim cho đỡ mệt cái thân già mà còn xui xẻo.
Bây giờ, hằng ngày tôi chỉ lái xe vòng vòng vô các nhà tù địa phương (county jail) thăm hỏi mấy anh em tù hư hỏng mới bị tó lại, coi có khỏe hông, cần giúp đỡ, xin xỏ gì hông...
Hết phải coi tù, tôi bỏ luôn baton, còng, radio, súng ở nhà, chỉ còn mang theo cuốn tiểu thuyết đọc đỡ buồn mỗi khi ngồi chờ tiếp chuyện với tù nhân trong xà lim.
Còn anh tù đưa tôi tới nông nỗi này, mới vừa được thả ra sau một năm nghỉ mát cũng vì cái mã tấu mắc dịch!
Nhưng chưa hết, có bị trải qua cơn ác mộng mất "job" nói trên, tôi mới thấy thực sự xót xa cho hàng trăm ngàn người đã và đang bị sa thải hay thất nghiệp do tình trạng kinh tế trì trệ yếu kém hiện nay! Cũng có vài người tự tử trong lúc quẫn trí (đôi khi giết luôn cả vợ con), nhưng đại đa số những gia đình còn lại, những con người bằng xương bằng thịt như tôi, đều bằng cách nào đó thực sự rơi vào hoàn cảnh khốn khó trăm bề, đau khổ vô biên, cái mà tôi chỉ... nếm mùi một cách tưởng tượng như đã đề cập sơ sài ở trên...
Họ mới thật là những người đáng thương ở đây!
QUÂN NGUYỄN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,798,096
Tác giả lần đầu góp bài. Qua bài viết đầu tiên, đã thấy cách ông viết rất tinh tế, chu đáo, nhiều chi tiết sống động. Mong ông tiếp tục viết về nước Mỹ và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.
Tiếp theo chuyện “Saigon 68” đây là một hồi ức Mậu Thân về khu Thành Nội Huế. Định cư tại vùng Bắc Cali từ 20 năm trước, Deborath Tường Vân là nhân viên Sở Xã Hội San Jose và từng chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời. Cô đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Hồi ức Mậu Thân của Tường Vân là chuyện kể về khu Tây Lộc trong thành nội, nơi phải gánh chịu nhiều tang tóc nhất trong địa ngục Huế Tết Mậu Thân.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Nhạc sĩ Cung Tiến