Hôm nay,  

Dự Diễn Hành Văn Hoá Ở New York

19/07/201000:00:00(Xem: 124939)

Dự Diễn Hành Văn Hoá ở New York

Tác giả: Hoàng Thân Vinh
Bài số 2950-28250-vb2071910

Tác giả là một thành viên Hoàng Tộc triều Nguyễn, cựu sĩ quan công binh VNCH, dịnh cư tại Mỹ từ 1992, kinh doanh trong ngành Nails. Ông đã có một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài viết mới của ông  kể lại cuộc hành trình từ Minnesota đi New York để tham dự diễn hành Ngày Văn Hoá Quốc Tế năm nay, do cộng đồng Việt tại Minnesota tổ chức.

***

Từ Minnesota, tôi ghi danh cùng Cộng đồng người Việt tham dự ngày Diễn hành Văn hóa Quốc Tế lần thứ 25 ở New York, khởi hành bằng xe Bus trưa ngày 22/6/2010 ở trước nhà hàng Hoa Biển đường University thành phố Saint Paul. Đây là lần thứ 11 cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ mình tham dự diễn hành này, còn với Cộng đồng MN thì đây là lần thứ 3. Ttrước đó đã có lần cộng đồng người Việt thắng giải quán quân hạng nhất.
Được biết chủ đề năm nay của Cộng Đồng người Việt là “Saigon Hòn Ngọc Viễn Đông”, đây là 1 trong 3 chủ đề đã được ban tổ chức cân nhắc lựa chọn. Hai chủ đề đã không được chọn đó là Nguyễn Trãi, Hoàng Sa & Trường Sa. 
Đoàn của cộng đồng Minnesota gồm 60 thành viên, đủ mọi lứa tuổi nam cũng như nữ (chừng 2/3 trên 50 tuổi) 50 người đi trên xe bus của hãng "Reading bus lines" do ban tổ chức thuê bao đi New York tham dự ngày diễn hành. Anh Sĩ Nguyễn phụ trách tuần báo “Little Saigon New MN” và bà Nguyễn Thị Xuân, phó CT/CĐVN/MN hướng dẫn.
Xe bus có 2 tài xế người Mỹ thay phiên nhau lái. Mỗi ca lái 4 giờ rồi đổi người lái, tài xế nghỉ ca có thể nằm ngủ trên cái giường rộng rãi đặt ngay sau lưng ghế tài xế chiếm 6 chỗ ngồi hành khách. Ngoài số người đi bus,  còn  10 người khác (trong đó 7 người đi máy bay và 3 người đi xe nhà). Sau 4 gìờ chúng tôi nghỉ ở reast area Wisconsin. Trạm nghỉ thứ 2 là Indiana. Trạm thứ 3 là Ohio và trạm thứ 4 là Virginia. Khi xe tới đây đã hơn 5 giờ sáng. Đây là trạm nghỉ lâu hơn cả chừng 1 tiếng đồng hồ. Ban tổ chức phát bánh mì thịt nguội ăn sáng giải lao. Sau đó trực chỉ Washington DC.
Đến nơi khoảng gần 10 giờ sáng, địa điểm thăm viếng đầu tiên là bức tường đá đen.  Đây là bức tường tưởng niệm ghi khắc tên của hơn 58 ngàn chiến binh Mỹ đã hy sinh trong chiến trận VN để bảo vệ miền Nam VN tự do, nhưng rồi người Mỹ đã không đủ kiên nhẫn, tham chiến nhiều năm quá mệt mỏi, tốn kém  và cũng do thành phần phản chiến Mỹ lúc đó quá mạnh, Mỹ đã bỏ rơi đồng minh VNCH. Tháng 3/1975 Quốc hội Mỹ đã thẳng thừng cắt bỏ viện trợ khẩn cấp 300 triệu USD cho VNCH. Thời điểm đo, miền Nam VNù không khác nào một người sắp chết khát giữa sa mạc cháy bỏng, mà kẻ cầm bình nước trên tay (quốc hội Mỹ) đành đoạn đỗ nước xuống cát, không cho một giọt nước hồi sinh nào vậy! Kết quả, đùcộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam vào ngày 30/4/1975.
Sau Bức Tường Đá Đen, phái đoàn được xe bus chở đi vòng quanh tham quan nào là Tòa Bạch Cung (White house), tháp bút cao, hồ nước trước Bạch Cung, tòa nhà Lincohn cũng màu trắng, đi vòng qua các trụ sở cơ quan cấp bộ của Liên Bang Hoa Kỳ vv. .. vv  Sau đó chừng gần 3 giờ chiều, đoàn xe chúng tôi đi về thành phố New York, đến thẳng khách sạn Carter 24 tầng, số 250 W. 43 rd St. New York của nhà tỷ phú Trần Đình Trường, người vẫn thường cho CĐVN trú ngụ Free những ngày về dự ngày lễ Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế (DHVHQT) New York.
Đoàn chúng tôi đến nơi đã gần 9 giờ tối, sau khi phân phối phòng ngủ cho mọi người, tắm rửa xong xuôi cũng vừa là giờ nghỉ ngơi vì hành trình trên xe bus tính ra cả 24-25 giờ, ai ai cũng có vẻ mệt mỏi! Sáng hôm sau, ngày 24/6, thức dậy đâu chừng hơn 8 giờ sáng, xuống phòng khách lớn (lobby) của khách sạn, nhiều đồng hương từ các tiểu bang khác cũng đã có mặt. Có nhóm hội đồng Liên Tôn, dự định cầu nguyện & biểu tình trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc đòi hỏi tư do tôn giáo, nhân quyền đồng thời toàn vẹn lãnh thổ cho VN. Còn có nhóm "Phong trào quốc dân đòi trả lại tên Saigon" do linh mục Nguyễn Hữu Lễ chủ trương, đồng thời cha Lễ cũng cho phổ biến băng video "Sự thật về Hồ Chí Minh" tiếng Việt và tiếng Mỹ. Ngoài ra còn một số văn nhân thi sĩ (như Cô Nguyễn Ninh Thuận người Huế thuyết trình về tác phẩm "những mãnh đời 3" của mình và bán băng DVD luôn thể, nói là tiền bán sẽ được gởi về VN giúp cho các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, hay các trại phong cùi vv . . . )
Đoàn chúng tôi theo lịch trình qui định sẵ, lúc hơn 9 giờ sáng lên xe bus đến tham quan địa điểm đầu tiên, đó là tượng Nữ Thần Tự Do (Statue of Liberty) nằm trên đảo nhỏ Ellis Island, muốn đến phải đi phà (loại 3 tầng). Trước khi lên phà mua vé mỗi người  $12 đồng, mọi khách tham quan đều được kiểm tra an ninh nghiêm ngặt như cách kiễm tra ở phi trường trước khi lên máy bay (gồm cả thảy 6 bàn kiễm tra vì khách tham quan đông).
Được biết Tượng Nữ Thần Tự Do được Pháp Quốc trao tặng Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ thứ XIX (14, Jul, 1884) nhân ngày lễ độc lập của Pháp. Bức Tượng nặng 229 tấn, cao 46 mét (lưng rộng 10,6 mét, miệng rộng 91 cm, tay phải giơ ngọn đuốc lửa cao 12,8 mét, chỉ riêng ngón tay trỏ dài 2,4 mét), tay trái cầm bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Trong ruột Tượng có cầu thang xoáy trôn ốc, giúp du khách leo lên được vùng đầu (tương đương với nhà lầu cao 12 tầng). Bệ đặt Tượng do kiến trúc sư Mỹ thiết kế cao 47 mét, khiến cho chỏm ngọn đuốc cao hơn mặt đất: 93 mét (46m + 47m = 93 mét). Tượng đặt tại cửa sông Hudson nhìn ra Cảng New York, Tượng và đế hoàn thành năm 1886 và là một trong những cảnh đầu tiên mà người nhập cư nhìn thấy từ hướng Đông Hoa Kỳ.
Bức Tượng Nử Thần Tự Do là biểu tượng của Hoa Kỳ, với cánh tay phải cầm ngọn đuốc giơ lên cao hứa hẹn sự tự do, công bằng, bác ái và một đời sống tốt lành hơn cho những kẻ bị áp bức. Người di dân đến Hoa Kỳ có nhiều nguồn gốc và sắc dân khác nhau, khiến cho Hoa Kỳ trở thành "mảnh đất của người di dân", hiện những kẻ bị áp bức trên thế giới đã ghi khắc hình ảnh Tượng Nữ Thần Tự Do nằm trong trái tim của chính họ! 
Khoảng gần 2 giờ chiều, chúng tôi viếng phố Tàu (China town), đến nơi chừng 2:30 PM. Lúc này ai ai cũng đói bụng, anh trưởng đoàn cho biết ở đây có tiệm phở Quân ăn ngon miệng, đi chơi mua sắm lặt vặt, China town này việc mua bán không khác phố Tàu ở Los Angeles CA. bao nhiêu, nhưng được cái là lớn hơn nhiều.
Khoảng 4 giờ chiều đoàn về lại khách sạn, nghỉ ngơi thoải mái tự do. Tối hôm đó 24/6 từng toán nhỏ chúng tôi thăm thành phố New York vào ban đêm. Vì ở gần Times squarre (góc đại lộ số 7 Ave và đường 43). Quả đúng như lời đồn, càng về đêm Times squarre càng náo nhiệt, nhất là đèn màu chạy nhảy tô điểm muôn màu muôn sắc, trông cứ hoa cả mắt lên. Về khách sạn hơn 10 giờ đêm để nghỉ ngơi, ngày mai đi tham quan tiếp.   
Thành phố New York, với dân số vùng đô thị theo số liệu năm 2007 có 18,8 triệu người (trên 17,405 km2). Đây là thành phố đông dân nhất của Liên Bang Hoa Kỳ. Thành phố nằm Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ và ở miền Nam tiểu bang New York (ở vào khoảng trung điểm của TP Boston "MA" và Washington DC.), thành phố có bến Cảng tự nhiên kín và ở bên cạnh Đại Tây Dương đã giúp New York nổi bật trong vai trò 1 thành phố thương mãi. Ngoài ra, New York còn được gọi là thành phố độc đáo vì những điểm đặc biệt sau đây:
- Nơi có ngôi nhà chung thế giới (trụ sở Liên Hiệp Quốc), là nơi hội họp của các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
- Có ảnh hưởng mạnh nhất thế giới về nhiều mặt: Thương mại, Tài chánh, Văn hóa, Thời trang, giải trí toàn cầu vv . . . vv          
- Có tên gọi là "thành phố không bao giờ ngủ", bởi vì ban đêm cũng sinh hoạt giống như ban ngày.
- Xử dụng nhiều phương tiện công cọng nhất, loại taxi màu vàng chiếm 60% các xe du lịch khác, và có giá tương đối rẻ so với các loại xe taxi khác.


- Có nhiều ngôi nhà cao tầng nhất tại các nước Âu Mỹ.
- Có trung tâm tài chánh, chứng khoán được gọi là Phố Wall nằm trong Vùng Hạ Manhattan.
- Nơi có tòa tháp đôi đã bị bọn khủng bố quốc tế dùng phi cơ dân sự đâm vào phá sập ngày 11/9/2001 (gọi là vụ khủng bố 911), làm cho hơn 2,600 nạn nhân bị thiệt mạng, (nghe nói gia đình của mỗi nạn nhân tử nạn đều được bồi thường đâu khoảng $1,6-$1,7 triệu USD), và cũng từ vụ khủng bố này Tổng thống George W. Bush đã đưa quân đội Mỹ vào Affghanistan, rồi sau đó là Iraq, mà kinh phí chiến tranh tiêu tốn hơn 100 tỷ dollar mỗi năm (tính trung bình mỗi tháng là 10 tỷ, "mỗi ngày tiêu tốn tiền thuế của nhân dân là 300 triệu").     
Sáng thứ sáu 25/6 theo chương trình ấn định sẳn, chúng tôi viếng thăm tiền đình trụ sở Liên Hiệp Quốc (đứng ở ngoài), và nhân phái đoàn Liên tôn (hình như do ông Lai Thế Hùng phối hợp tổ chức) có buổi cầu nguyện & và đòi hỏi nhà cầm quyền CS tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền đồng thời sự toàn vẹn lãnh thổ VN, thấy đây cũng là ước vọng chung của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại, nên đoàn chúng tôi cũng tham gia chung cùng với họ, sau đó hơn 10 giờ đoàn chúng tôi rời địa điểm để tham quan Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) INTREPID Sea, Air và đồng thời viếng thăm tàu ngầm quân sự Hoa Kỳ mang số hiệu 577, giá vé đâu $18 đồng, kiễm tra an ninh cũng nghiêm ngặt như lúc tham quan Tượng Nử Thần Tự Do. Tuy là cựu quân nhân VNCH nhưng đây là lần đầu tiên tôi được may mắn trông thấy và đặt chân lên chiếc HKMH Intrepid, xem trong tàu rồi xem đường băng phi đạo trên tàu, cùng các loại máy bay ném bom, hay các loại máy bay trực thăng, thấy rất là qui củ.
Xem xong HKMH đoàn chúng tôi lại vào trong tham quan chiếc tàu ngầm mang số hiệu 577. Phải nói là trong tàu ngầm chật chội, nhưng rất qui củ và ngăn nắp, hình dung những quân nhân phải sống hàng tháng trường trong tàu ngầm và ở sâu dưới đại dương thật là khâm phục họ, cá nhân tôi tự nghỉ nếu cho tôi lãnh lương gấp 5-7 lần (so với lương SQ Công Binh VNCH trước 1975) xin lỗi chắc tôi cũng chịu thôi! (Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, lúc TT Nga Pultin mới lên cầm quyền, 1 chiếc tàu ngầm nguyên tử của Nga bị tai nạn kỹ thuật gì đó làm cho đâu 107 quân nhân Nga phải bị chết oan!).
Sau đó chừng gần 2 giờ chiều chúng tôi tham quan ground zero, nơi 2 tòa tháp đôi bị khủng bố quốc tế cho 2 phi cơ dân sự chở đầy hành khách đâm vào bốc cháy và phá sập (vụ 911 năm 2001), làm chết đâu hơn 2,600 nạn nhân vô tội, hiện nơi này đang thi công xây dựng lại, tuy chỉ mới phần móng, nhưng công nhân làm việc rất bận rộn! Trung Tâm thương mại 1 Thế giới (1 world trade) với cái tên là Tháp Tự Do, cùng với đài tưởng niệm, 3 tháp văn phòng khác sẽ được xây dựng trên nền của Tòa tháp đôi và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2013.
 Đặc biệt đoàn chúng tôi cũng viếng thăm ngôi nhà thờ cổ, rất gần Tòa tháp đôi bị đánh sập trong vụ 911 là nhà thờ cổ Historic St. Paul`s Chapel established in 1766 (nằm giữa 2 con đường Church và Broadway nhưng nhà thờ đã không bị hư hại 1 tí nào trong biến cố 911, nhà thờ này có cả hơn 100 ngôi mộ cổ bao bọc chung quanh nhà thờ).   
Chúng tôi về lại khách sạn vào khoảng gần 5 giờ chiều, mọi người được tự do nghỉ ngơi để cho sáng ngày mai thứ bảy 26/6 sẽ chính thức là "Ngày Văn Hóa Quốc Tế New York". Ngày từ chiều khi về đến khách sạn chúng tôi đã chưng hửng khi thấy thông cáo của ban tổ chức ngày diễn hành: "tổ chức đơn giản, không xe hoa, không biểu ngữ, không loa phóng thanh, không mặc quân phục, chỉ cho mang theo cờ". Tuy thế theo ban tổ chức cho biết có chừng 25 cộng đồng tham gia, kể cả CĐ Canada, và số người Việt chừng hơn một ngàn người tham dự!
Chiều tối thứ bảy 26/6 lúc 7:00PM lại có buổi liên hoan tiệc mừng ngày DHVHQT ở nhà hàng Tàu (khu China town), mỗi người tham gia tiệc là $60 đồng, có MC Đỗ Thanh (đài TV/VHN) và 1 số ca sĩ như Y Phụng ở CA, hay ca sĩ Thanh Hương ở MN qua. Nhưng thôi ta hảy nói việc chính đó là DHVHQT đã.
Mọi người Việt thấy thông cáo của ban tổ chức, đã chán nản vô cùng, sự hăng hái ban đầu là 100 thì nay trong lòng mọi người chỉ còn 15-25% mà thôi, nhưng chẳng lẻ bỏ công qua đây rồi nay không tham dự, tuy rằng việc này hoàn toàn ngoài ý muốn của ban tổ chức CĐVN, mà phải nói mọi việc do cơ quan di trú (INS New York) quyết định. Trước đây tôi đã từng được xem 1 số Video, DVD về ngày DHVHQT New York tổ chức hằng năm, với vài chục sắc dân tham dự, với khán đài trung ương, ban nhạc, xe hoa diễn hành, đi hàng 4 hay hàng 6 trên đại lộ chính rộng thênh thang, tùy cộng đồng tham gia ít hay nhiều người, biểu ngữ cờ quạt khi đi ngang qua khán đài chính được giới thiệu từng bản sắc cộng đồng dân tộc, ý nghĩa của biểu tượng đang diễn hành vv . . . (khi tham gia ngày DHQTVH này tôi nghĩ 70% cho ngày đó, còn lại 30% là tham quan các nơi đã nói trên, nhưng sau vụ gọi là "diễn hành" này rồi thì tôi lại phải đánh giá lại như sau: 90% là tham quan, còn chỉ có 10% là DHVHQT mà thôi, thật ra nói 10% là đã rộng rải và cao rồi đấy, đúng ra là phải 0% (zero %), hay nếu cho được số âm thì lại càng hay! Nhưng thôi dù có phải đi bộ trên lề đường đầy chướng ngại vật đi chăng nữa mà được mang cờ tổ quốc thân yêu màu vàng 3 sọc đỏ, thì cũng đáng được 10% lắm chứ!
Ngoài CĐVN với trên mấy chục tiểu bang với hơn 1 ngàn người tham gia (dù đi trên lề đường của đại lộ 6 Ave từ đường số 46-57 St.), tôi không rõ còn những sắc dân nào khác tham gia hay không, nếu có thì cũng không quá con số 2-3, và mỗi CĐ đó cũng chỉ từ 10-20 người!
Buổi chiểu thứ bảy 26/6  hơn 6 giờ, chừng hơn 30 người cộng đồng Minnesota có tham gia liên hoan tiệc DHVHTG lên xe bus đến nhà hàng Tàu (Khu China town) ở đây có chừng hơn 30 bàn tiệc với chừng hơn 300 khách tham dự, hình như Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị VN (Đại hội lần thứ XI ngày 23/6/2010) cũng cùng chung vui tham dự, dĩ nhiên chủ tịch Hội CTNCT/VN cũng ra mắt ban chấp hành với toàn thể hơn 300 người Việt có mặt trong buổi tiệc liên hoan này.
Nói chung CĐ người Việt khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, kể cả CĐ Canada gặp nhau tay bắt mặt mừng, trong dịp này tôi gặp được 2 người quen đó là Th/tá Lê Văn Sanh người Huế ở TP Houston TX, và Tr/úy Nguyễn Thế Tòng ở Nam CA lái trực thăng, (cháu vợ của nhà tôi dể chừng cả 30 năm mới gặp lại nhau), buổi tiệc rất nhiều món ngon ăn no bụng, văn nghệ giúp vui thì cũng hào hứng!
Về lại khách sạn cũng gần 11 giờ đêm, ai cũng chuẩn bị hành trang để sáng mai trả phòng lên đường về lại Minnesota. Không vui vì việc diễn hành, nhưng bù lại ai cũng thích thú trong việc tham quan nhiều nơi. Hơn 9 giờ sáng chủ nhật (27/6) mọi người lên xe bus, và lần này đi thẳng không qua ngả Washington DC nên thời gian về rút lại chỉ chừng 19-20 tiếng, nghĩa là 5 giờ sáng 28/6 đã về lại nhà hàng Hoa Biển (tan hàng).
Riêng cá nhân tôi, không về theo lộ trình của đoàn, vì tôi có người con trai đầu ở Virginia, vượt biên đầu năm 1983, hơn 42 tuổi, nó đã mua sẳn vé xe bus chạy thẳng cho tôi từ NY về Wasinngton DC, rồi nó đó tôi ở trạm xe bus và đưa tôi về gia đình của cháu (chừng 1 tiếng lái xe).
Con trai tôi và con dâu đã cho tôi đứa cháu nội đích tôn nay đã gần 9 tuổi, rất ngoan nặng tới 81 Lbs, đang kỳ nghỉ hè nên cháu học đàn piano, vỏ thuật và bơi lội, cái tôi thích nhất là cháu nội tôi nói nghe và hiểu tiếng Việt tới 85%. Cuối tháng 8/10 này vợ chồng nó sẽ cho vợ chồng tôi đứa cháu nội gái (trai có gái có thế là đề huề). Tôi ở chơi với gia đình chúng nó, đúng 1 tuần ngày lễ độc lập Jul/04/10 vào lúc hơn 6 giờ tối vợ chồng nó chở tôi ra phi trường về lại Minnesota.
Bài này được viết vào tháng Bẩy 2010.
Hoàng Thân Vinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,605,046
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến