Vườn Rau Sau Nhà
Tác giả: Khanh Phan
Bài số 2939-28239-vb3070610
Bà Khanh Phan, một kỹ sư và nhà giáo tại Louisville, KY, đã tham dự viết về nước Mỹ từ năm đầu tiên. Một trong những bài viết của bà rất được bạn đọc hưởng ứng là "Chồng Tôi Bị Sạn Thận". Sau đây là bài mới của bà. Mừng tác giả tiếp tục trở lại với Viết Về Nước Mỹ năm thứ 11, sau hơn 2 năm nghỉ viết.
***
Tuần qua cô em dẫn tôi đi thăm quan một số gia đình Việt nam ở Louisville, Kentucky. Vào một căn nhà đầu tiên, bước ngay ra sân sau nhà. Nhìn mảnh vườn tôi có cảm giác tôi về thăm một người tình. Tim đập mạnh, xốn cả ruột, đầu óc quay về quê tôi ở Việt nam .
Gia đình người Việt ở Louisville lúc tôi mới tới cuối thập niên 1980 có thể đếm trên mười đầu ngón tay. Tôi sống ở California gần 10 năm mới về Kentucky. Lúc đầu sống rất cực trong công việc nấu món quê hương mình. Lúc đó tôi cảm nhận rằng tôi có tiền nhưng không mua được tiên. Lúc đó chưa có tiệm tạp hóa Việt nam, chỉ có một nhà hàng Việt nam, một tiệm tạp hóa Phi luật tân và một tiệm tạp hóa Tàu. Nhưng hai tiệm tạp hóa nầy không có bán đồ Việt nam và chỉ có bán đồ khô và hộp. Còn nhà hàng Việt nam thì nấu theo kiểu Pháp và dịch vụ cho Mỹ. Có lần thèm bánh xèo, tôi phải tự giã gạo bằng máy xay sinh tố. Bánh xèo trắng tinh vì không có bột nghệ. Lúc đó tôi có ba quyển dạy nấu ăn Việt nam và tôi đã nấu cơm truớc đó gần 20 năm. Có kinh nghiệm, có hướng dẫn mà đành bó tay. Rồi tôi làm quen với một số người Việt nam đến trước mới biết là họ chia phiên đi Chicago, Illinois để mua lương thực Việt nam. Cũng có vài gia đình nấu món ăn Viện nam cuối tuần bán tại gia như phở, cơm thịt nướng, bún bò Huế. Nhưng không bao lâu bị hàng xóm người Mỹ báo cảnh sát và nha thuế vụ tới làm phiền.
Những con em Việt nam còn nhỏ đi học, học xong không có việc nên đi ra khỏi Louisville. Louisville không có nhiều việc công kỹ nghệ mà người Việt lại học ngành công kỹ nghệ nhiều. Những việc khác có nhiều nhưng không phù hợp với dân Việt nam lúc đó, nhất là ngôn ngữ. Từ từ chính quyền Mỹ cho diện con lai vào sau đó diện HO và đoàn tụ gia đình. Khi kinh tế California và một số tiểu bang đông người Việt xuống dốc, làn sóng dân di cư vào Kentucky cũng đông. Không những chỉ dânViệt nam mà có thêm dân Tàu, Nhật, Đại hàn, Lào, Cam bốt, Thái lan, Mễ vào càng ngày càng đông. Thế là nhà hàng, tiệm tạp hóa và vài dịch vụ khác mọc lên như nấm. Nhiều nhất vẫn là tiệm nails. Nhiều nhưng vẫn không bằng một gốc so với California, Texas và New York. Vẫn chưa có một khu phố buôn bán, chưa có văn phòng bác sĩ, nha sĩ v.v... Tiệm nails thì khắp nơi vì phục vụ cho dân ngoại quốc nhiều hơn. Những tiệm tạp hóa và nhà hàng Việt nam thì gần nhau mặc dù không cụm lại một gốc đường. Hiện nay có khoảng 7 nhà hàng và 4 tiệm tạp hóa Việt ở Louisville .
Nhưng rất đông người Việt sống cạnh nhau trong một khu. Người Việt khi mới đến định cư, diện con lai, và HO được chính quyền địa phương đưa vào khu nầy và họ đặt tên là Americana. Sau đó họ muốn dời đi đâu thì tùy ý. Nhưng cái đặc tính của người Việt là bám lấy "quê cha đất tổ" nên khi họ quen nơi nào họ ở nơi đó. Đã bao lần chính quyền tìm cách làm cho người Việt sống thưa ra nhưng họ không làm gì được.
Bận với cuộc sống, gia đình và sống không gần khu nầy lắm, vài tuần tôi mới có dịp đi chợ Việt một lần. Mặc dù đi ăn nhà hàng Việt một lần một tuần, tôi cũng không có dịp chu du vùng Americana nầy cho đến tuần qua .
Vào sân nhà sau thấy cụ bà đang ngồi ghế trông hai đứa cháu nhỏ. Cụ ông vừa bế một cháu vừa tưới cây. Cây hồng đang treo đầy trái nhìn đẹp mắt làm sao. Kentucky mới vào hạ mà khổ hoa và mướp đã treo tòn teng. Hoa sen hồng sắp nở, một ngó sen mới thành hình. Bầy cá bơi lội trong hồ sen. Ngoài ra còn mấy chậu sen nhỏ đây và đó. Đi dạo từng gốc vườn, mới thấy có đủ thứ rau: dền, ngò, cần, tía tô, dấp cá, càn cua v.v. Lần đầu tiên tôi thấy cây rau đắng. Nhà không có một tất đất bỏ không. Không trồng hoa, trồng kiển thì trồng rau .
Cụ bà cho biết nhà đông con cháu nên trồng không bán. Nhìn quanh hàng xóm, tôi thấy nhà tọa lạc sau một chung cư. Tôi nói như vậy đỡ bị phá. Cụ bà bảo năm rồi bị ăn trộm cắp rau trái. Một là trộm nầy phải biết tiêu thụ mấy thứ đó hay là đem giao hàng cho chợ .